Thứ tư, 6 Tháng mười một, 2024

ĂN NĂN THỐNG HỐI

ĂN NĂN THỐNG HỐI

Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro

Đan viện Phước Hải

Thứ Tư Lễ Tro là cửa ngõ bước vào Mùa Chay Thánh, mùa thao luyện của linh hồn. Giáo Hội biết rõ con cái mình cũng chỉ là những con người yếu đuối, mỏng dòn và thường chú trọng chăm sóc phần xác hơn phần hồn, nên hằng năm vào mùa Chay Thánh, khởi đầu với Thứ Tư Lễ Tro qua nghi thức rắc tro lên đầu và ăn chay kiêng thịt, Giáo Hội nhắc chúng ta nhớ rằng mình chỉ là thân tro bụi, nay còn mai mất nên đừng quá mải mê với đời này mà quên đời sau. Bên cạnh đó, lịch phụng vụ của Giáo Hội còn có sự sắp xếp khá uyển chuyển, thiết thực, hợp với sự vận động của xã hội, đó là sau những ngày vui xuân, ăn tết, chơi tết phủ phê, vui với xuân đời thì Giáo Hội nhắc nhở con cái mình cũng phải chăm lo phần hồn để chuẩn bị đón xuân Vĩnh Cửu qua những ngày Chay Thánh. Vì con người không chỉ có một đời để sống mà còn có vĩnh cửu để đi về.

Lời kêu gọi của ngôn sứ Giôel vào thứ tư Lễ Tro hằng năm như một hồi trống gióng lên, thức tỉnh, kêu gọi mọi người thay cho Thiên Chúa: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Phải “Trở về” tức là ta đang ở xa Thiên Chúa, đang lạc lối, không đi đúng con đường thiện hảo Chúa muốn ta đi; hoặc ta còn đang chậm trễ, ươn lười, chểnh mảng khi bước đi trên đường lành. Ta cần “trở về” với tha nhân bởi bao xa cách, chia rẽ, bất hòa… trở về hài hòa trong sự thống nhất với bản thân, con người lương thiện thuở ban đầu “nhân chi sơ tính bản thiện”.

Phải trở về bằng cách nào? “Hãy ăn chay, khóc lóc và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.” (Ge 2,12-13) không phải trở về bằng xe mà lại trở về bằng một món ăn, không phải món ăn vật chất mà là món ăn tinh thần, món “ăn năn thống hối”, và “ăn chay đền tội”. Không một vị thánh nào bình sinh lại không phạm tội, dù chỉ là một tội nhỏ mọn chăng nữa, cho dù đã hết sức tránh tội. Đây chính là khác biệt căn bản giữa Thiên Chúa và loài người “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai. (Tv 51,7) vì con người thì bất toàn mà cuộc đời này lại bất tất. Cho nên không một ai được miễn cho món ăn năn thống hối và ăn chay đền tội một khi họ đã tới tuổi khôn và có ý thức về mọi việc mình làm.

“Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.” (Ge 2,13). Phải chăng cứ rắc tro lên đầu và ăn chay kiêng thịt theo luật buộc thì đã chu toàn việc ăn năn thống hối? Thưa không, như đã nói, món “ăn năn thống hối là món ăn tinh thần thì làm sao có thể được thỏa mãn chỉ với nghi thức rắc tro và một hai ngày ăn chay vật chất theo luật buộc. Luật được đặt ra như một hình thức nhắc nhở cho tâm trí dễ lơ đãng và mau quên của con người mà thôi, căn cốt tinh thần bên trong mới là trọng yếu “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế.(Mt 7,14). Do đó, việc ăn năn thống hối trước tiên là phải ý thức được sự mỏng dòn yếu đuối của mình, ý thức được là mình đã phạm tội mất lòng Chúa, làm rạn nứt tương quan với tha nhân và phân tách trong chính bản thể của mình. Để làm được việc đó, chúng ta cần có một khoảng thời gian nhất định nào đó, không nhiều thì ít để tĩnh tâm, nhìn lại cuộc sống của mình. Mùa chay là thời gian thuận tiện để làm việc này, để nhờ đó ta có thể gọi “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2b). Sau đó, ta cần có thái độ gớm ghét tội, buồn phiền vì thấy mình làm mất lòng Chúa, và ăn năn, khóc lóc than van như lời vị ngôn sứ kêu mời (x Ge 2,12). Đồng thời, nếu được ta hãy lãnh bí tích Giao Hòa như lời thánh Phaolô kêu gọi giáo đoàn Côrintô: “Chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5, 20b), và thực hiện việc đền tội bằng cách bù đắp cho những lỗi lầm, thiếu sót và thay đổi lối sống cũ với những thói hư tật xấu.

“Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” (Ge 2,16b)

Để có thể ăn năn thống hối, không thể nào thiếu món ăn chay đi kèm. Vì làm sao chúng ta có thể có được tâm tình thống hối trong khi đang vui hưởng lạc thú cuộc đời. Ăn chay không đơn thuần là giảm bớt số lượng một số món trong thực đơn hằng ngày, nhưng nó bao hàm cả việc hãm dẹp bớt những việc thuộc xác thịt khác, thậm chí là việc bỏ bớt các tánh hư tật xấu thường ngày, là hy sinh hãm mình bề trong, bề ngoài …để nhờ ơn ích của mùa Chay Thánh, thân xác chúng ta không chỉ trở nên nhẹ nhàng hơn mà tâm hồn cũng thêm thanh thoát, hơn nữa ta lại có dịp làm phúc cho những người nghèo khó hơn nhờ việc giảm bớt chi phí ăn uống chi tiêu hằng ngày. Bởi con người gồm xác và hồn, nuôi con gì thì con đó sẽ lớn lên, càng lớn thì nó càng ăn nhiều và đòi hỏi nhiều hơn. Nếu ta chỉ chăm lo cho cái xác mau hư nát này, thì linh hồn sẽ bị lấn át và ngày càng teo tóp đi. Thân xác càng nặng nề thì tâm hồn càng ươn ái. Người ta hay nói rằng “vòng eo càng tăng thì vòng đời càng giảm”, tôi thấy điều này rất chí lý, không chỉ về mặt thể chất mà linh hồn, tinh thần cũng vậy. Vòng eo tăng, cho thấy một nhịp sống thiếu quân bình, tiết độ trong việc ăn uống, và thể dục thì chắc chắn các mặt khác của cuộc sống cũng sẽ không thể có được sự cân bằng hài hoà cần thiết. Hơn nữa, các nhà tu đức xưa tới giờ luôn khẳng định rằng xác thịt và linh hồn thường đối nghịch với nhau, cái này lớn lên thì cái kia sẽ nhỏ lại. Vì thế nếu tập trung năng lượng để chỉ chăm lo cho đời này thôi thì còn đâu thời giờ và năng lượng để lo cho đời sau. Điều này không phải chờ tới mùa Chay mới nói tới, nó phải được ý thức thường xuyên hơn, có điều là sẽ được nhắc tới kĩ hơn, khẩn cấp hơn vào mùa Chay.

Tại sao Thiên Chúa lại gọi ta trở về cùng với Ngài, điều đó chẳng mưu ích gì cho Chúa mà trước tiên là vì chính chúng ta. Chúng ta chỉ có thể sống sung mãn, tròn đầy khi kết hợp với Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và mọi điều thiện hảo. Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương (x Ge 2,12). Ngài không muốn chúng ta phải hư mất vì tội, nên luôn chủ động kêu gọi chúng ta trở về với Ngài để nhận được sự tha thứ cùng sự sống. Chính vì yêu chúng ta mà Chúa Cha đã sai con một xuống cứu độ chúng ta: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người  thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2Cr 5,21). Chúng ta phải luôn ý thức điều này và không bao giờ thất vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa.   

Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa đã chỉ dạy ta cách sống mùa Chay một cách linh thánh với việc thi hành ba việc đạo đức căn bản mà bất kỳ người Israel ngoan đạo nào cũng đều tuân giữ, đó là cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Chúng ta đã thi hành nó và tỏ ra là người mộ đạo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa làm Thiên Chúa hài lòng bởi quá chú trọng hình thức bề ngoài mà thiếu đi cái cốt lõi bên trong. “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có  phô trương cho thiên hạ thấy…Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm…Khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh…Rồi khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,1.3.6.17.18)

Giáo huấn của Đức Giêsu khá rõ ràng minh bạch, với khả năng quan sát tuyệt vời đối với con người và sự kiện xung quanh. Ngài nhận thấy giới đạo đức trong dân, nhất là các kinh sư và Pharisêu thường mắc phải một căn bệnh trầm kha khi thi hành các việc lành phúc đức, đó là thói phô trương, cố tình tỏ ra cho người khác biết là mình đạo đức qua những việc mình làm. Ngài cho chúng ta biết rằng điều này thì không đẹp lòng Thiên Chúa và chẳng được ơn ích gì ngoài việc được thiên hạ kính nể và khen ngợi. Điều quan trọng không phải là ghi điểm trong mắt thiên hạ mà là khi điểm trong mắt Chúa. Mà Thiên Chúa chỉ thích những con người khiêm tốn, kín đáo, tế nhị và chúa ghét nhất là thói kiêu ngạo phô trương. Chúng ta có nghe nói đến chuyện quỷ đội lốt thiên thần sáng láng cũng là vậy. Chúng ta không chỉ cần kín đáo với mọi người mà cũng cần kín đáo tế nhị với chính mình nữa, bởi chúng ta cũng chỉ là những đầy tớ vô dụng, có làm được gì thì cũng chỉ là việc phải làm chứ có công lơn gì đâu mà đáng hãnh diện hay kể công, nên cũng chẳng đáng để Chúa phải ghi nhận điều mình làm. Cho nên hễ có làm được điều gì tốt thì cũng đừng có tự đắc hoặc tự ngắm nghía những gì mình làm được mà phải hết sức khiêm tốn vì Thiên Chúa thấu suốt tâm tư từng người.

Chúng ta tự hỏi tại sao Đức Giêsu không dạy về các việc lành khác mà lại chú tâm tới ba việc này là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Như đã nói trước đó, sự yếu đuối và những tội lỗi của con người làm mất đi sự hoà hợp với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình thì bù lại qua ba việc cầu nguyện gắn kết ta với Thiên Chúa, làm phúc bố thí khiến ta gần gũi hơn với anh chị em mình hơn, nhất là những con người cùng khổ khi biết quan tâm tới những thiếu thốn và chia sẻ với họ và ăn chay để tái lập lại thế cân bằng, hài hoà giữa hồn và xác của chúng ta.

Một vận động viên thể thao có thường xuyên luyện tập mới có được sức khoẻ dẻo dai, khả dĩ để thi đấu. Tương tự, linh hồn chúng ta cũng cần được chăm sóc, rèn luyện để chiến đấu trong cuộc chiến thiêng liêng chống lại ba thù là Ma quỷ, thế gian và xác thịt, bằng ba khí cụ sắc bén là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc bố thí. Ước chi trong mùa Chay Thánh này, tất cả chúng ta biết tận dụng triệt để ơn Chúa hướng dẫn để nhanh chân chạy trên đường lành tiến về quê trời hưởng phúc vinh bên Thiên Chúa.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XXXI Thường Niên B (Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34) Điều Răn trọng nhất

Chúa Nhật XXXI Thường Niên B (Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34) Điều Răn Trọng Nhất Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Luật tôn giáo Do Thái...

Chúa Nhật XXXI TN, B, Mc 12,28b-34: Điều Răn quan trọng nhất

      ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG NHẤT (Mc 12,28b-34) M. Michael Hội, Phước Lý Là người tín hữu Công giáo, ai trong chúng ta cũng biết tới Mười Điều...

Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ (Mt 5,1-12) Các Thánh nên thánh giữa đời thường

    Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ CÁC THÁNH NÊN THÁNH GIỮA ĐỜI THƯỜNG Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, Hội thánh long trọng kính...

Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ (Mt 5,1-12) Các Thánh là người được ánh sáng Chúa chiếu qua

Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ (Mt 5,1-12) CÁC THÁNH LÀ NGƯỜI ĐƯỢC ÁNH SÁNG CHÚA CHIẾU QUA Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Các thánh...

01/11 Các Thánh Nam Nữ, Mt 5,1-12a: Tấm gương Các Thánh

  TẤM GƯƠNG CÁC THÁNH (Kh 7,2-4.9-14, Mt 5,1-12a)  M. Bosco, PS      Chuyện kể rằng: Ngày kia một em bé được đi viếng một nhà thờ...

Chúa Nhật XXX TN, B, Mc 10,46-52: Đức tin làm nên phép lạ

    ĐỨC TIN LÀM NÊN PHÉP LẠ (Mc 10,46-52) M. Mai Liên, CĐ Phước Thiên       Khi ước mong một điều gì đó người ta luôn...

Chúa Nhật XXX Thường Niên B (Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52) Xin cho con nhìn thấy

Chúa Nhật XXX Thường Niên B  (Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52) Xin Cho Con Nhìn Thấy Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thánh sử Máccô kể...

Chúa Nhật Truyền Giáo (Mt 28,16-20) Truyền giáo bằng tình yêu thương

Chúa Nhật Truyền Giáo (Mt 28,16-20) Truyền Giáo Bằng Tình Yêu Thương Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Khánh Nhật Truyền Giáo là ngày Giáo Hội...

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên B (Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30) Sắm Nước Trời khi còn tại thế

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên B (Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30) Sắm Nước Trời Khi Còn Tại Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Có ai...

Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Từ bỏ tất cả để theo Chúa

    TỪ BỎ TẤT CẢ ĐỂ THEO CHÚA (Mc 10,17-30) M. Marcellino Minh, Phước Hiệp “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà...

Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Ánh nhìn của Đức Giêsu

  ÁNH NHÌN CỦA ĐỨC GIÊSU (Mc 10,17-30) FM. Martin       “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (c.21). “Đức Giêsu...

Chúa Nhật XXVI, Thường Niên B (Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48) Nối vòng tay lớn

Chúa Nhật XXVI, Thường Niên B (Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48) Nối Vòng Tay Lớn Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Cha Anthony De...