ÂN SỦNG THIÊN CHÚA VÀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI
(Bài suy niệm Thứ 5 tuần XXX)
Để diễn tả tình thương yêu che chở của Thiên Chúa đối với nhân loại, Kinh thánh Cựu ước dùng hình ảnh Thiên Chúa là núi đá, là đồn luỹ (x. Tv 91,2; 2Sm 22, 2-3, 47; Tv 18,3; Is 26, 4), còn Tân ước lại sánh ví hình ảnh của gà mẹ ấp ủ gà con (x. Lc 13,34; Mt 23, 37). Gà mẹ thì luôn để mắt quan tâm, sẵn sàng giang cánh che chở cho đàn gà con được an toàn; nhưng trong đàn gà con cũng có những con thấy như vậy là mất tự do, chẳng cần chỗ ẩn núp an toàn và ấm cúng. Chúng muốn đi tìm tự do, tự định liệu lấy cuộc đời của mình. Mặc dù rất thương những con tự nguyện “lạc đàn” như thế, nhưng gà mẹ cũng đành chịu thua, vì đó là ý muốn tự do của chúng.
Ân sủng Thiên Chúa đối với con người cũng vậy: Một đàng Ngài khao khát và hết mực quan tâm lo lắng, chăm sóc cho từng người; nhưng đàng khác cũng tôn trọng tự do của loài thụ tạo mình đã dựng nên. Chính tự do của con người là yếu tố quyết định Thiên Chúa có thể can thiệp vào cuộc đời con người hay không. Thánh Augustino đã từng thổ lộ: “Chúa dựng nên con không cần con, nhưng để cứu chuộc con cần có con cộng tác”.
“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16), mà hiện thân tình yêu Thiên Chúa được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu. Với sứ mạng cứu thế, Đức Giêsu đã đem tình thương vào thế gian, hay nói đúng hơn Ngài đã yêu thương thế gian đến nỗi hy sinh chính sự sống mình, nên giá cứu chuộc cho loài người, nhằm làm chứng về bản tính của Thiên Chúa có tên là “Tình Yêu”. Chỉ một câu trong bài Tin mừng hôm nay đủ để diễn tả điều đó: (“Giêrusalem, Giêrusalem!) – Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Lc 13,34).
Tình yêu Thiên Chúa được sánh ví như hình ảnh gà mẹ giang cánh che chở đàn con. Khi suy gẫm hình ảnh Chúa như gà mẹ lùa đám gà con để che chở dưới cánh, thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu phải rơi nước mắt vì cảm nhận được tình yêu vô cùng của Thiên Chúa đối với mình. Suốt cuộc đời của thánh nữ Têrêsa hẳn đã mang lấy tâm tình của vịnh gia để hát lên: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ủ ấp tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 23,6).
Những ai không mang lấy tâm tình đơn sơ khiêm tốn, không sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa, không cần đến sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời thì cũng giống như những người Pharisêu, vua Hêrôđê và “Giêrusalem”. Giêrusalem mà Đức Giêsu phải đau xót nhắc đến trong bài Tin mừng hôm nay không chỉ giới hạn ở nghĩa vật lý, nhưng là Dân Riêng của Thiên Chúa, là những con người Chúa đã chọn gọi, những người đã được yêu thương. Ai khước từ ơn Chúa thì sẽ phải gánh lấy hậu quả đáng tiếc: “nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” và “các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” (Lc 13, 35).
Sứ điệp Chúa gởi cho chúng ta hôm nay là hãy biết xử dụng quyền tự do cho đúng: tự do của con người kết hợp với ân sủng Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “được phép làm mọi sự nhưng không phải tất cả đều có tính xây dựng” (1Cr 10, 23). Thiên Chúa tha thiết, mong mỏi, khát khao ban ân sủng và tình thương cho nhân loại nhưng nhiều lúc con người không muốn đón nhận.
Tự do là món quà cao quí và lớn lao nhất Thiên Chúa ban cho con người nhưng tự do cũng là điều khủng khiếp nhất nếu người ta dùng tự do để thỏa mãn cái tôi ích kỷ, thỏa mãn đam mê nhục dục thấp hèn, cái mà Phật giáo gọi là Vọng Tâm hay Mê Tâm (những thứ được đan dệt bằng những sinh họat tâm lý, những dục vọng, thất tình). Ân sủng Chúa cũng bị gián đọan hay “không có đất sống” nếu con người quyết tâm đẩy tự do của mình tới mức tột cùng.
Tự do mà con người đòi hỏi và theo đuổi có khi là một lệ thuộc rất nguy hiểm. Nếu trong Tin mừng Chúa nói “không có Ta, các con không làm được gì” (Ga 15, 5) thì trong lãnh vực ân sủng và ơn cứu độ, có lẽ chúng ta cũng phải thêm “Không có người ta thì Thiên Chúa cũng chẳng làm được gì”.
Tự do là quyền vô cùng lớn, là thứ quí nhất của con người nhưng việc xử dụng như thế nào là điều cần quan tâm. Vì thế được tự do nhưng chúng ta cần dùng tự do để cộng tác với ơn Chúa. Tự do đúng nghĩa là để ơn Chúa có cơ hội hoạt động trong mình. Thánh Phaolô cũng khuyên: “Anh em đã được gọi để hưởng tự do, có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13). Nói cách khác, chúng ta cần dùng tự do để cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa.
Mai Thi