Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Bài giảng lễ Khai Sinh Đan viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý (Viện phụ Bảo Tịnh)

 

Is 63, 7-9; Cl 3, 12-17; Ga 15, 9-17

 

Ông bà anh chị em thân mến,

Theo Tác giả của cuốn ‘Hạnh Tích Cha Benoit, Tổ phụ Chi Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam’, thì ngày 21 tháng 09 năm 1950, đại hội chấp thuận ban phép cho lập dòng trong Nam. Rồi ngày 05 tháng 11 năm 1950, Cha Casimiro Hồ Thiên Cung được cử làm bề trên nhà mới, dẫn phái đoàn đi lập dòng trong Nam gồm 4 Cha và 15 đan sĩ. 

-4 Cha là: Alberico, Sylvester, Vitalis, Xaverio

-15 thày là: Gabriel, Aloysius, Paulinus, Pascalis, Clemens, Hardigus, Aegidius, Ireneus, Leo, Antonius, Robertus, Petrus, Luca, Andreanus và Thày sáu Gioan. Như vậy, tính cả cha bề trên Casimiro là tròn 20 người.

Lần Nam tiến này, Các Cha, Anh đã ở tạm trong ngôi nhà trống của xứ Chà Và. Sau khi yên vị, các Cha, Anh đi xem hai vùng đất là Vồng Rùm và Vồng lớn, nhưng không ai ưng ý.

-Ngày 18 tháng 10 năm 1951, lễ Thánh Luca, Cha Bề trên, Cha Phó, Cha Alberico, Thầy Aloysius đi Phước Lý coi đất. Trước mắt họ là một sở đất cò bay thẳng cánh, sóng lúa rì rào, vườn dừa rộng trĩu trái, gần sông, có rừng tràm nhiều củi, tiện đường giao thông, gần chợ Cát lái, xa Sàigon mà lại gần…Mọi người cảm nhận đây là vùng đất ‘Hứa’ nên đã bằng lòng thiết lập một ‘đan viện’ để sớm tối phụng thờ Thiên Chúa (x. Hạnh Tích Cha Tổ Phụ, Emmanuel Chu Kim Tuyến, trang 266-271).

 

Thời gian thấm thoát trôi qua, Đan viện Phước lý đã hiện hữu 67 năm, nếu tính theo ngày các Cha, Anh rời nhà Mẹ Phước Sơn ở Quảng Trị để Nam tiến tìm đất lập dòng và 66 năm, nếu tính theo ngày đến vùng Phước Lý đổ móng đặt nền.

Nhìn lại 66 năm hay 67 năm sinh tồn, từ con số 20 người cho đến nay là gần 180 người và nếu tính luôn nhà con An Phước, thì có lẽ là 250 người; từ 1, 2 dãy nhà cấp bốn cho đến cơ ngơi như bây giờ phải xác tín rằng: biết bao là ân huệ Chúa ban. Ân huệ đó, theo chúng con qua từng hơi thở, từ ban mai cho đến hoàng hôn cuộc đời, ngay cả những lúc vui buồn sướng khổ, lớp người này qua đi, lớp người khác kế thừa…Cảm nhận sâu sắc ân huệ ấy, chúng con xin mượn lời của Tiên Tri Isaia đại diện cho nhà Israel dâng lời Thiên Chúa, ở bài đọc I: Tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng tôi, là do lòng nhân hậu, đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân của Người. Thiên Chúa đã thực hiện gì cho dân Israel? Xin tóm tắt lịch sử của dân được Thiên Chúa tuyển chọn: từ cảnh nô lệ được giải thoát, từ 40 năm rong ruổi trong sa mạc được đưa đến vùng đất Hứa, từ cảnh lưu đầy cho đến cảnh hồi hương…Thực hiện cho dân Israel tất cả những điều ấy là do lòng tín nghĩa của Thiên Chúa, cho dù họ luôn bội nghĩa vong ân.

Từ hai vùng đất Vồng Rùm và Vồng Lớn và cuối cùng là ‘Phước Lý trong tim tôi’ được chọn, được hiến thánh, được yêu thương. Những cụm từ này, làm chúng ta liên tưởng đến lời thánh Phaolo Tông Đồ nói các tín hữu Côlôsê ở bài đọc II: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương…anh em được kêu gọi đến hưởng ơn bình an của Đức Kitô …Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài Thánh Vịnh, Thánh Thi và Thánh Ca, do Thần Khí linh ứng. Vậy anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu, nhờ Người mà cảm tạ và hãy hết dạ tri ân Thiên Chúa Cha. Những điều đó, không phải là đang phản ảnh đời sống của các đan sĩ Phước Lý mỗi ngày cử hành thánh lễ, đọc kinh nhật tụng thay cho toàn thể Giáo Hội cầu nguyện cho mọi người, cho nhu cầu của thế giới sao? Vậy, khi đan sĩ không tôn vinh và làm rạng danh Thiên Chúa thì họ đang huỷ hoại ơn tuyển chọn và hiến thánh nơi bản thân họ.

Được tuyển chọn, được hiến thánh, được yêu thương và để yêu thương, để tồn tại và phát triển…chắc chắn đời sống của các đan sĩ phải bắt nguồn từ Thiên Chúa, và từ con số 20 người khởi sự Nam tiến đến bây giờ là 180người, đấy không phải là sự đơm hoa kết trái Thiên Chúa ban cho chúng ta sao? Ơn phúc này làm chúng ta nhớ đến bài Tin Mừng, đặc biệt với cụm từ ‘ở lại trong’.

Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 15 thuộc về diễn từ cáo biệt thứ hai hay diễn từ chia tay của Chúa Giêsu nói với các môn đệ.

Trong chương này, cụm từ ‘ở lại trong’ được đề cập đến 11 lần để cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.

Có ‘Ở lại trong Chúa Giêsu như Chúa Giêsu ở lại trong chúng ta’, thì chúng ta mới sinh được nhiều hoa trái; không có Ngài, chúng ta chẳng làm gì được. Như cành nho không tự mình sinh hoa kết trái, nếu không gắn liền với cây nho, đời sống của đan sĩ cũng vậy nếu không ở lại trong Chúa Giêsu, nghĩa là không kết hợp với Ngài, sẽ chẳng sinh ơn ích gì cho thế gian, cho Cộng đoàn, cho gia đình và cho chính bản thân mình.

Có ‘ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu như Ngài ở lại trong tình thương của Cha Ngài’, chúng ta mới hưởng được niềm vui của Ngài và niềm vui của chúng ta mới được trọn vẹn. ‘Niềm vui’, theo ĐGH Phanxico cũng là căn tính và phẩm chất của người kitô hữu, của người tu sĩ: ‘ở đâu có Kitô hữu và tu sĩ ở đấy có niềm vui’.

Cụm từ ‘Ở lại trong Chúa’ còn phản ánh ơn gọi và sứ mệnh của đan sĩ: ‘dù việc tông đồ, có khẩn thiết đi nữa, họ vẫn giữ một địa vị cao quí trong nhiệm thể Chúa Kitô’ (DT 7).

Ông bà anh chị em thân mến, kỷ niệm ngày khai sinh Đan Viện Phước Lý, chúng ta nhớ đến ngày sinh ra làm người, cất tiếng khóc chào đời; nhớ đến ngày được làm con Chúa, con của Giáo Hội, khi lãnh nhận bí tích rửa tội; nhớ đến ơn sống đời thánh hiến đan tu, khi đáp lại tiếng Chúa mời gọi, mà cảm tạ muôn vàn ân huệ Thiên Chúa đã, đang và mãi mãi thương ban cho chúng ta.

 

Đây cũng là dịp để chúng tôi nhớ đến, cám ơn và cầu xin Chúa chúc lành cho quí ân nhân xa-gần, lớn-nhỏ, là những người đã góp công góp của cho Đan Viện từ lúc sơ khai cho đến bây giờ, từ vị ân nhân cho đất lập dòng, đến các ân nhân tiếp sức dâng cúng tiền bạc xây dựng, từ những người cho lương thực nuôi sống đến các vị cho những môn học mở mang kiến thức; từ những người quét lá cho đường đi được sạch sẽ cho đến những người nhổ cỏ, trồng hoa cho đan viện có mầu tươi xanh, đỏ, tím, vàng; từ người mua bánh trái, nước uống cho các cha, thày dùng nửa buổi lúc lao động cho đến quí ân nhân âm thầm cầu nguyện cho chúng tôi nữa…Nếu kể ra thì ‘hằng hà sa số’. Trước những ân huệ đó, xin đúc kết và dừng lại bài chia sẻ bằng vài chữ như sau: Hồng ân tiếp nối hồng ân, tất cả là hồng ân.  Amen.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giới thiệu Cộng đoàn Phước Lý

ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ Địa chỉ: Vĩnh Thanh – Nhơn Trạch – Đồng Nai Email: dvphuocly@yahoo.com Website: danvienphuocly.com                  Viện phụ: M. Bảo Tịnh - Nguyễn Đức...

SỬ LƯỢC – ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ

SỬ LƯỢC ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC  LÝ (Viết trong dịp mừng Ngọc Khánh thành lập Đan Viện) M. Montfort  *********************   Trên chiều dài cuộc sống, có...

ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ (Sử Lược)

ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ (Sử Lược) Mọi thực tại hữu hình đều có một lịch sử nhất định và lịch sử đó...

GIỜ ĐỀN TẠ TỐI THỨ NĂM TUẦN THÁNH (Hiền Lâm)

Xem hình ảnh, xin click vào đây GIỜ ĐỀN TẠ...

Hình ảnh: Lễ tạ ơn Kỷ niệm Kim Khánh Khấn Dòng (Martin Phước Lý)

CHỦ NHẬT II PHỤC SINH - CHÚA NHẬT...

Đan viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý mừng lễ bổn mạng.

  Hình ảnh Lễ Bổn Mạng Bài hát mừng Bổn...

“UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” (FR Montfort Nguyễn Vinh)

  I- Nhìn về nguồn cội II- Bí quyết trong...

PHƯỚC LÝ SỬ LƯỢC (Hiền Lâm)

  TOÀN CẢNH ĐAN VIỆN     Lược sử ĐAN VIỆN THÁNH...