LỄ THÁNH BÊNAĐÔ 20/8/2017 (ĐỨC TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT)
I.TẤM BÁNH LỜI CHÚA
1.Bài đọc 1: Kn 7,7-10.15-16
Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất. Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi. Ước gì Thiên Chúa cho tôi nói về Đức Khôn Ngoan theo như tôi được hiểu, và cho tôi biết nghĩ biết suy xứng với những gì tôi đã lãnh nhận ; vì chính Người là Đấng hướng dẫn Đức Khôn Ngoan, và cũng là thầy dạy của các bậc hiền triết. Bản thân chúng ta, cùng với ngôn từ, với toàn bộ trí tuệ và tài năng, tất cả đều nằm trong tay Thiên Chúa.
2.Bài đọc 2: 1Cr 1,26-31
Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem : khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh ; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người. Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng : Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.
3.Tin mừng: Mt 5,13-19
“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
II.TẤM BÁNH CHIA SẺ
Lời Chúa mời gọi ta hãy đi tìm Đức Khôn Ngoan. Vì Đức Khôn Ngoan quý giá hơn tất cả mọi thứ trên trần gian. Kể cả vương trượng, vàng bạc, sức khoẻ và sắc đẹp. Vì tất cả mọi sự đều sẽ tàn lụi, riêng Đức Khôn Ngoan sẽ tồn tại mãi.
Nhưng khôn ngoan Nước Trời trái ngược với khôn ngoan thế gian. Nếu khôn ngoan thế gian tìm nâng mình lên thì khôn ngoan Nước Trời tìm hạ mình xuống. Thế gian tìm chiếm đoạt. Nước Trời tìm siêu thoát. Thế gian tìm thống trị. Nước Trời tìm phục vụ. Chúa Giêsu chính là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Và đỉnh điểm của Khôn Ngoan chính là thánh giá. Sự Khôn Ngoan của thánh giá bị thế gian coi là khờ dại. Nhưng “những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan”.
Khôn ngoan thế gian tàn phá thế giới. Thật vậy, thế giới xảy ra xung đột vì người ta tranh chấp nhau. Ai cũng muốn hơn người. Nên chiếm đoạt của người khác. Thống trị áp bức người khác. Trái lại nếu người ta biết nhường nhịn, khiêm nhường, phục vụ, thế giới sẽ sống trong hoà bình. Như thế, khôn ngoan thế gian tàn phá thế giới. Khôn ngoan Nước Trời chính là chất muối gìn giữ thế giới.
Khi tranh giành chiếm đoạt, người khôn ngoan theo thế gian đưa thế giới vào cảnh tăm tối của chiến tranh, đau khổ. Khôn ngoan Nước Trời trở thành đèn sáng soi cho nhân loại đi trong hoà bình, hạnh phúc, tiến về tương lai tươi sáng.
Thánh Phụ Bênađô chính là một người khôn ngoan của Nước Trời. Ngài đi ngược chiều với trần gian. Là con nhà giầu sang quyền quý, ngài đi tìm sống trong thân phận một đan sĩ nghèo hèn. Là một nhà trí thức chuyên đi dạy dỗ, ngài trở thành học trò trong ngôi Trường Phụng sự Thiên chúa. Là người của cung điện phồn hoa, ngài tìm đến chốn rừng vắng hoang vu. Đối với loài người, ngài thực khờ dại. Nhưng trước mặt Thiên Chúa ngài thực khôn ngoan. Vì đi tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu. Kết hợp trọn vẹn với Chúa Giêsu trong sự hạ mình, quên mình và huỷ mình.
Nhờ kết hợp với Chúa Giêsu là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, ngài trở thành muối và ánh sáng cho trần gian. Ngài trở thành muối khi gìn giữ xã hội và Giáo hội trong bình an. Đặc biệt năm 1130 khi tại Roma nổ ra vụ ly giáo, Giáo hoàng giả Anaclet II chống lại Đức Giáo hoàng Innocente II, thánh nhân đã rong duổi khắp châu Âu để vãn hồi hoà bình trong Giáo hội. Ngài cũng triệt để chống các lạc thuyết, đặc biệt thuyết duy lý trí của Abelard. Ngài đã trở thành ngọn đèn sáng soi chiếu suốt thế kỷ 12 đến nỗi người ta gọi đó là “thời đại của thánh Bênađô”. Ngài trở thành cố vấn cho các Đức Giáo hoàng, các vua chúa, và cả các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân. Vì thế Tiền xướng Thánh ca Tin mừng Kinh Sáng ca tụng ngài: Ánh sáng rực rỡ của Ngôi Lời hằng hữu đã chiếu soi cách lạ lùng tâm hồn thánh Bênađô, nên người đã chiếu toả ánh sáng đạo lý và đức tin trên toàn thể Hội Thánh.
Thật ý nghĩa khi chọn ngày lễ thánh Bênađô làm ngày khai mạc Năm Thánh Bách Chu Niên Thành Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Vì thánh Bênađô được coi như Tổ phụ thứ hai, và là tiêu biểu xuất sắc cho tinh thần dòng Xitô. Cha Tổ phụ Biển đức Thuận, vị sáng lập Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam cũng có tinh thần như thánh phụ Bênađô.
Như thánh phụ Bênađô, cha Biển đức Thuận đã đi ngược đường với thế gian. Ngài đã từ bỏ nước Pháp giàu sang để đến Việt Nam nghèo khổ. Từ bỏ địa vị một cố Tây được trọng vọng để chia sẻ đời sống khó khăn của dân nghèo. Tài cao học rộng nhưng ngài tự nguyện làm công việc lao động chân tay tầm thường và vất vả. Từ bỏ công việc mục vụ để lập dòng chiêm niệm khổ hạnh. Và trong nhà dòng ngài luôn nhận công việc hèn hạ và mệt nhọc nhất, đó là chăm sóc bệnh nhân và cọ rửa nhà vệ sinh. Trước mặt người đời ngài thật điên dại. Ngài nhận biết điều đó. Di ngôn số 141 thuật lại: Một lần kia, có người gặp cha trên xe lửa, họ tưởng nghĩ chúng ta là hạng điên.
Nhưng ngài đã trở nên đèn sáng muối mặn. Mỗi khi ngài đi giảng thuyết ở đâu, người mộ mến đi nghe giảng rất đông. Và số người vào dòng, đặc biệt các linh mục, càng đông hơn. Ngoài những cha ở trong nước, còn có cả những cha nước ngoài. Như hai cha Mạch đại Quang và Vương văn Đức từ Vân nam Trung quốc xin nhập dòng. Như cha Placido Trạch và Mauro Tứ từ Kamphuchea. Cha Placido chính là người thiết kế ngôi nhà thờ xinh đẹp mà chúng ta đang hưởng dùng đây. Muối đã ướp mặn biết bao tâm hồn. Đèn đã chiếu rạng 100 năm nay. Khiến Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam không ngừng phát triển.
Hôm nay khai mạc Năm Thánh Bách Chu Niên Thành Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam chúng ta có ba tâm tình. Tạ ơn Quá Khứ. Củng cố Hiện Tại. Và phát triển Tương Lai.
Kỷ niệm 100 năm là dịp ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một hạt giống chiêm niệm, là cha Tổ phụ, được gieo vào thửa ruộng Việt Nam. Tạ ơn cha Tổ phụ đã trở thành hạt giống tốt, chịu mục nát để hôm nay Hội dòng được một mùa gặt bội thu. Tạ ơn biết bao thế hệ cha anh đã quảng đại đáp tiếng Chúa mời gọi, đã trung thành theo gót cha Tổ phụ, để lại cho chúng ta một di sản lớn lao và phong phú. Tạ ơn biết bao vị ân nhân như cụ lớn Quận công Nguyễn hữu Bài, bà Tám Dung, bà Cả Quế…Và biết bao ân nhân âm thầm cầu nguyện cho Hội dòng.
Nhìn lại quá khứ để thấy trách nhiệm của chúng ta trong hiện tại. Chắc chắn chúng ta còn nhiều thiếu sót, yếu đuối. Năm Thánh là dịp chúng ta duyệt xét và chấn chỉnh cộng đoàn cho phù hợp với đoàn sủng của Đấng Sáng Lập.
Kỷ niệm 100 năm cũng là dịp để chúng ta có những dự phóng cho tương lai. Đã được thừa hưởng một di sản phong phú cả về tinh thần lẫn vật chất, chúng ta có trách nhiệm phải phát triển để di sản tổ tiên để lại ngày càng phong phú hơn.
Năm Thánh được khai mạc với nghi thức mở cửa nhà thờ. Đây là nghi thức tượng trưng việc mở kho tàng ơn phúc và mở tâm hồn đón nhận. Thánh giá chính là chìa khoá. Mỗi khi có bậc thánh nhân sống mầu nhiệm tự huỷ của thánh giá, lập tức kho tàng ơn phúc khai mở. Đầu tiên là Chúa Giêsu. Khi Người chịu treo trên thánh giá, cửa trời rộng mở đón các tín hữu vào hưởng hạnh phúc với Chúa. Khi thánh phụ Bênađô sống mầu nhiệm thánh giá, cửa đan viện rộng mở đón nhận biết bao đan sĩ, và biết bao tâm hồn rộng mở đón nhận Lời Chúa. Khi cha Tổ phụ Biển đức Thuận chết cho thế gian để sống cho một mình Chúa, một đan viện mới được mở ra cho Việt Nam. Và từ ấy đến nay biết bao cánh cửa tâm hồn tiếp tục mở ra đón nhận ơn phúc.
Hôm nay việc mở cửa Năm Thánh mời gọi chúng ta hãy mở cửa tâm hồn, quảng đại sống mầu nhiệm thánh giá. Với chìa khoá thánh giá, kho tàng Lòng Thương Xót của Chúa sẽ rộng mở, tuôn đổ muôn vàn ơn phúc xuống cho từng cá nhân, từng cộng đoàn và toàn thể Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam trong Năm Thánh này.