Thứ năm, 10 Tháng mười, 2024

BÀI GIẢNG Thánh Lễ Cử Hành Năm Thánh Mừng Bách Chu Niên Thành Lập Hội Dòng tại Đv Châu Sơn (Đức GM Giuse Nguyễn Năng)

CỬ HÀNH NĂM THÁNH

tại Đan viện Châu Sơn Nho Quan (04 – 11 – 2017)

 

Năm 2018, Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam sẽ tròn 100 tuổi, tính từ lúc cha tổ phụ Henri Denis, tức cố Benoit Thuận, thành lập ngày 15 – 08 – 1918 tại núi Phước Sơn, Quảng Trị, tổng giáo phận Huế. Sau 100 năm sống linh đạo  “Cầu nguyện và lao động”, Hội Dòng hiện nay đã có 12 đan viện với 1.200 thành viên, trong đó, đan viện Châu Sơn Nho Quan là đan viện thứ hai đã được thành lập ngày 08 – 09 – 1936.

1. Khi tham dự ngày cử hành Năm Thánh tại Đan viện Châu Sơn Nho Quan hôm nay, trước hết chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa. Làm sao đan viện lại không tạ ơn Chúa, khi đã lãnh nhận biết bao hồng phúc để phát triển được như ngày hôm nay. Làm sao không tạ ơn Chúa, vì dù trải qua biết bao khó khăn thử thách, Đan viện vẫn đứng vững và vượt qua tất cả. Khi mới đến cư ngụ giữa vùng sơn lâm chướng khí rừng thiêng nước độc này, hầu hết các đan sĩ đều bị sốt rét. Đã có lúc phải đương đầu với sóng gió hiểm nguy, với cả bách hại đau thương nữa, kinh tế khó khăn, đan viện ly tán, kẻ ở lại, người vào Nam, kẻ bị bắt, người bị đấu tố. Đã có lúc đan viện chỉ còn cha Bề trên Philipphê, thầy Giuse Sự, ông Giuse Nhiễu và ông Giuse Trung bị mù cả hai mắt. Nhưng dù có khó khăn gian khổ thế nào chăng nữa, nhờ ơn Chúa, Đan viện vẫn luôn được thần lực Chúa phù trợ để tồn tại qua năm tháng, và hôm nay đang đứng dậy viết lên một trang sử mới với sự phát triển về cơ sở vật chất và về con số ơn gọi với 160 thành viên. Trong lịch sử 100 năm của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, đan viện Châu Sơn quả thực đã viết lên những trang sử hào hùng đáng ghi nhớ.

Cùng với đan viện Châu Sơn,  làm sao giáo dân Phát Diệm lại không tạ ơn Chúa, vì qua sự hiện diện của đan viện tại miền đất này, Chúa Giêsu Mục tử Tối cao luôn yêu thương, nuôi dưỡng và chăm sóc đoàn chiên giáo phận. Quả vậy, khi mời các đan sĩ đến lập dòng tại giáo phận Phát Diệm, Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng đã ao ước đan viện “Để nên như cây thu lôi thiêng liêng, cùng với Nhà Dòng Kín, bênh đỡ giáo phận bằng lời cầu nguyện và hãm mình”.

Không chỉ cầu nguyện và hãm mình, sau cuộc di cư năm 1954, giáo phận chỉ còn 34 linh mục, nhiều giáo xứ không có linh mục làm mục vụ, nên từ năm 1958, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã nhờ các cha dòng Châu Sơn coi sóc xứ Vô Hốt rộng lớn với 14 giáo họ. Hằng tuần vào ngày Thứ bảy và Chúa nhật, đông đảo tín hữu từ các giáo họ đến tham dự thánh lễ tại đan viện vào lúc 14 giờ, để những người ở xa có thể về nhà trước khi trời tối.

Nhắc lại chặng đường dài với biết bao hồng phúc, chúng ta có quyền hãnh diện, vì trong đó, mỗi người đã góp phần viết lên lịch sử bằng mồ hôi và nước mắt, bằng cả máu đào và đau thương; nhưng chúng ta đừng quên rằng, trên hết, lịch sử ấy được viết bằng tình thương của Chúa Cha, bằng sức mạnh của Thánh Giá Chúa Giêsu và ơn an ủi của Chúa Thánh Thần. “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

2. Niềm tự hào của chúng ta thật chính đáng và thánh thiện, nhưng niềm tự hào ấy chỉ có ích khi nó không ru ngủ chúng ta. Quả vậy, cuộc cử hành Năm Thánh cũng chính là dịp để đan viện thực hiện cuộc thanh tẩy và canh tân. Bài Tin Mừng trong ngày kỷ niệm cung hiến thánh đường của đan viện là một tiếng chuông thức tỉnh chúng ta. Người Do Thái từng tự hào về đền thờ Giêrusalem được xây dựng trong 46 năm, nguy nga lộng lẫy, trang hoàng bằng đá quý, vàng bạc rực rỡ. Nhưng đáng lẽ Nhà Chúa phải là nơi cầu nguyện, họ đã biến thành nơi buôn bán ồn ào, và chắc chắn là không tránh khỏi những tiếng la ó, dành giật, bất công. Buôn bán chiên bò, bồ câu để có của lễ tiến dâng, đổi tiền cho khách thập phương, đó là điều xem ra hợp lý, nhưng chính hành động ấy xem ra hợp lý ấy lại phá hủy tính chất thánh thiêng và mục đích cao cả của Đền Thờ. Chính vì thế, Chúa đã lấy roi mà xua đuổi dân chúng và chiên bò ra khỏi đền thờ, hất tung tiền bạc và lật nhào bàn ghế của họ. Đáng lẽ Chúa phải ca ngợi và bảo vệ Nhà Chúa, thì chính Chúa lại bảo phá đền thờ ấy đi để xây một đền thờ khác thánh thiện hơn, huyền nhiệm hơn, đó là chính Nhiệm thể được xây dựng trên chính thân thể phục sinh của Ngài.

Trong lịch sử phát triển của Hội Dòng, chắc chắn đã có những ánh sáng, những cuộc đời chân tu thánh thiện, những thiện chí, những nỗ lực, nhưng vì chúng ta là những con người còn đang lữ hành, biết đâu lại cũng có những bóng tối, những trì trệ và trệch hướng. Có những điều xem ra tốt, rất hợp lý, nhưng biết đâu lại làm cho đan viện không còn trung thành với đặc sủng và linh đạo nguyên thủy của Hội Dòng, hoặc làm cho đời sống cộng đoàn suy giảm tình hiệp thông, hoặc làm cho đời tu chiêm niệm chưa tỏa sáng nơi từng đan sĩ.

Như thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nói, không thể bước tới tương lai nếu không thanh tẩy ký ức. Vì thế, mừng 100 năm thành lập cũng chính là dịp nhìn lại quá khứ để thanh tẩy hầu có thể bước vào giai đoạn mới. Đây là điều không hề dễ dàng chút nào, mà cần phải có ánh sáng cực mạnh của Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta nhận định cho rõ và đúng. Có nhiều điều xem ra là tốt, có ích, hợp lý, nhưng chưa chắc đã là thánh ý Chúa và làm phát triển đặc sủng của Hội Dòng. Chính Chúa Giêsu khi xưa đã từng bị ma quỷ cám dỗ làm những điều tốt. Nhờ ánh sáng của Lời Chúa, Ngài đã nhận định để từ khước những cám dỗ ấy để trung thành với con đường cứu độ của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài.

3. Dù đặc sủng của Hội Dòng mang tính chất đặc thù của đời sống chiêm niệm, nhưng tương lai của Hội Dòng cũng không đi ra ngoài sứ mệnh Phúc – Âm – Hóa của toàn thể Hội Thánh. Đời sống từng ngày của các đan sĩ được dệt bằng cầu nguyện, lao động và khổ chế, nhưng định hướng cuối cùng vẫn là hướng tới công cuộc loan báo Tin Mừng.

Đọc lại lịch sử truyền giáo, người ta nhận ra rằng nếu làn sóng thứ nhất là do các Giám mục đóng vai trò chủ yếu, thì làn sóng thứ hai là do các đan sĩ. Trong giai đoạn các dân “man di” xâm nhập Châu Âu, chính các đan sĩ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc tái Phúc – Âm – Hóa Châu Âu. Martin de Tours (Pháp 316) lập đan viện và các nhóm đan sĩ truyền giáo. Tại Anh, ĐGH Gregorio cử viện phụ Augustinô cùng 40 đan sĩ đi truyền giáo. Từ Ái Nhĩ Lan, viện phụ Columban (543 – 615) cung cấp nhiều thừa sai cho Ý, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy. Tại Đức, giám mục Bonifacio (673-754) lập tu viện, phát triển đô thị và truyền giáo. Từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VIII, Châu Âu được bao bọc bởi các đan viện. Trong khoảng 597 – 680, đã có 7 quốc gia theo Kitô giáo.

Ngoài các hoạt động trong lãnh vực rao giảng Tin Mừng, văn hóa, nghệ thuật và nông nghiệp, vài trò của đời sống chiêm niệm trong nỗ lực loan báo Tin Mừng là rất quan trọng. Các đan sĩ ra ngoài để dấn thân vào các hoạt động, nhưng ngay sau đó, họ đã trở về cộng đoàn và chìm đắm trong chiêm niệm. Hơn nữa, dù có lăn xả vào hoạt động, các đan sĩ vẫn không bao giờ ra khỏi đan viện nội tâm của lòng mình. Chính vì họ đầy Chúa, nên họ có Chúa để trao ban cho người khác, tựa như một ly đầy nước, đương nhiên sẽ tràn ra ngoài; không tràn ra ngoài, ấy là vì ly nước chưa đầy. Một người xức dầu thơm thì không thể dấu được. Ngược lại, người rao giảng mà thiếu cầu nguyện thì giống như lính cứu hỏa đi chữa cháy mà trong bồn không có nước.

Có hai nguy cơ thường xảy ra trong đời sống Hội Thánh: hoặc không làm gì và khoán trắng cho người khác, hoặc vội vàng lao vào hoạt động mà tâm hồn lại trống rỗng nên hiệu quả rất thấp. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tôi xác tín về điều này: tương lai của việc truyền giáo tùy thuộc phần lớn vào đời sống chiêm niệm”.

Vậy hãy lên đường, hãy xuất phát lại từ Đức Kitô để gieo men Tin Mừng vào lòng thế giới. Xin chúc mừng đan viện trong biến cố đặc biệt này. Cầu chúc đan viện lên đường đi vào hành trình 100 năm mới tràn ngập tình thương và ân sủng của Chúa.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Châu Sơn Nho Quan: Thánh Lễ An Táng thầy Gioan Thiên Chúa

  TRONG CHÚA KITÔ Kn 4,7-15; Rm 6,3-4.8-9; Mc 15,33-39 Châu sơn mồng Hai Tết Giáp Thìn Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt Hai giờ chiều ngày 30 Tết...

Mùa Xuân đích thực

MÙA XUÂN ĐÍCH THỰC Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48 Lễ Đưa Chân thầy Gioan Thiên Chúa Châu sơn mồng Một Tết Giáp Thìn, Đức tổng Giuse...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Cảm nhận của một bạn sinh viên trẻ khi đến tĩnh tâm tại Đan viện

CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN SINH VIÊN TRẺ KHI ĐẾN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN Martha Hoàng Mai Tôi là một cô gái với sức sống...

Bài giảng Lễ Cung Hiến Thánh Đường Đan viện Châu Sơn Nho Quan của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Kỷ niệm Cung hiến Thánh đường Đan viện Nho quan Ngày 04 - 11- 2023 CHÚA GIÊSU LÀ ĐỀN THỜ Ed 47,1-2.8-9.12; 1Cr 3,9c-11.16-17; Ga 2,13-22 Đức TGM...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt dâng thánh lễ thứ 3 tại đất thánh

Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Dâng Thánh Lễ Thứ 3 Tại Đất Thánh Của Đan Viện Ngày 02...

Tản mạn cuối thu

TẢN MẠN CUỐI THU Du Thăng Cái se se lạnh, cái nắng vàng và một chút gió heo may của cuối thu, làm cho tâm hồn...

“Em” tìm gì? cảm nghĩ của một linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Châu...

“Em” tìm gì? Cảm nghĩ của một Linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Thánh Mẫu...

Thánh lễ đưa chân thầy M. Phêrô Khoa: Làm chứng về lòng thương xót (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ thánh Phaolô trở lại LÀM CHỨNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT Ac 3,17-26; Cv 22,3-16; Mc 16,15-18 Lễ Đưa Chân thày Phêrô Khoa Châu sơn 25-01-2023   Đức TGM Giuse...

Cáo phó: Thầy Phêrô Khoa Trần Văn Thướng

  CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn kính báo Đan sĩ M. Phêrô Khoa Trần Văn Thướng, O.Cist. sinh...