BÁNH NUÔI CON NGƯỜI
(Suy niệm Thứ 6, Tuần II Phục sinh: Ga 6,1-15)
M. Lasan Châu Sơn
Chúng ta đã nghe-đọc-gẫm nhiều lần bài Tin mừng Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, vì cả bốn sách tác giả đều thuật lại (Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15). Riêng Tin mừng Nhất lãm còn thêm trình thuật nói về Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai (Mt 14,32-39; Mc 8,1-10). Đoạn Tin mừng theo thánh Gioan Ga 6,1-15 mà chúng ta đang suy niệm kể lại việc Chúa Giêsu hóa bánh nuôi năm ngàn người, từ năm chiếc bánh và hai con cá. Đoạn Tin mừng quan trọng này, có thể gợi lên cho chúng ta 4 điểm để suy niệm và áp dụng như sau:
Điểm thứ I: Đông đảo dân chúng kéo đến nghe Chúa Giêsu giảng dạy và xin Chúa Giêsu chữa hết các bệnh tật, chứng tỏ lòng tin của họ rất mạnh mẽ. Chúng ta biết rằng đời sống của dân chúng Do thái vào thời Chúa Giêsu gặp rất nhiều vất vả lầm than cơ cực do bị đế quốc Rôma cai trị. Vì thế họ tin tưởng chạy đến với Chúa Giêsu để được nghỉ ngơi bồi dưỡng, để được Chúa chữa lành. Đối với chúng ta ngày nay cũng vậy.Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta phải choay hoay, lo lắng, bận rộn làm ăn cơ cực, lại thêm yếu đau bệnh tật. Thế nên, chúng ta hãy tin tưởng chạy đến với Chúa, sống thân tình với Chúa để nếm hưởng bình an, để được Ngài bồi dưỡng và chữa lành mọi bệnh tật nơi thân xác và trong tâm hồn.
Điểm thứ 2: Chúng ta nhận ra Chúa Giêsu thực là vị mục tử nhân lành. Ngài nhìn thấy mọi nhu cầu của dân, và Ngài “chạnh lòng thương” đáp ứng nhu cầu của họ. Ngài thấy con người phải đau khổ vì bệnh tật và ngài chữa lành, Ngài thấy dân khao khát nghe Lời của Chúa và Ngài dạy họ nhiều điều. Ngài thấy dân đói mệt và Ngài cho họ ăn no nê. Chúa Giêsu biết của ăn vật chất cần cho thân xác thế nào, thì của ăn thần linh cũng cần cho linh hồn như vậy, bởi thế Chúa đã ban chính Thịt Máu Ngài làm thần lương nuôi linh hồn chúng ta. Mỗi ngày chúng ta đã đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô với thái độ như thế nào?
Điểm thứ 3: Thánh thể là bữa tiệc hiệp thông, trong đó con người hiệp thông với Thiên Chúa là Cha đồng thời hiệp thông với anh chị em của mình. Tất cả được diễn tả qua hình ảnh đông đảo dân chúng vây quanh Chúa Giêsu, mở lòng lắng nghe lời Chúa, chăm chú nhìn cử chỉ Chúa bẻ bánh và ăn no thỏa bánh Người ban. Đó chẳng giống như mỗi Thánh lễ Giáo hội vẫn cử hành hằng ngày hay sao? Nơi đó linh mục đại diện Chúa Kitô, còn tín hữu quây quần bên bàn thánh, lắng nghe Lời của Chúa và chia sẻ Mình Máu Thánh Chúa. Các tín hữu dâng những hy sinh đau khổ, mọi vất vả lo toan lao nhọc trong đời sống mình hợp làm một với hy tế của Chúa Giêsu trên bàn thờ, để xin cho mình và cho anh chị em được hưởng ơn cứu độ. Đấy là một mầu nhiệm hiệp thông. Vì vậy, mỗi lần hiệp dâng Thánh lễ chúng ta ý thức mình đang được hiệp thông với Thiên Chúa và cùng hiệp thông với anh chị em của mình, ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Điểm thứ 4: Chúa Giêsu hỏi ông Philipphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” câu hỏi này Chúa cũng đang đặt ra cho mỗi người chúng ta: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Có lẽ chúng ta sẽ đáp lại rằng: Con đang rất nghèo khổ. Con chẳng có gì mà cho ai cả. Nhưng có đấy, có thể chúng ta không có nhiều của cải vật chất, nhưng ít ra chúng ta cũng có thời giờ, sức khỏe, tài năng, ánh mắt, nụ cười… chỉ cần chúng ta có tình yêu và chính tình yêu sẽ thúc bách chúng ta phải làm gì tốt lành cho anh chị em mình. Chuyện kể rằng:
“Có một anh thanh niên ngày ngày chứng kiến cuộc sống cô đơn nghèo khổ của bà góa mù. Anh tỏ vẻ bất mãn với Thiên Chúa. Ngày kia, tức tức quá, không thể chịu được nữa, anh ta kêu trách Chúa. Chúa giàu lòng thương xót. Tại sao Chúa không hề quan tâm đến bà góa mù này? Im lặng một hồi lâu, Thiên Chúa đáp lại: Có chứ, ta rất quan tâm đến bà góa mù này nên ta đã dựng nên con…”
Đôi khi chúng ta cũng có thái độ bất mãn với Thiên Chúa vì những đau khổ, đói nghèo… anh chị em chúng ta phải chịu. Nhưng đúng như Mẹ Têrêxa Calcutta nói: “Khi có một người nghèo chết vì đói ăn, đó không phải vì Thiên Chúa không chăm sóc họ. Mà vì bạn đã không quan tâm, không chia sẻ những thứ họ cần nên điều đó mới xảy ra”.
Vâng, Chúa dựng nên mỗi người chúng ta, để chúng ta trở nên đôi mắt cho người mù, trở thành đôi tay đôi chân cho người què cụt, trở thành cơm bánh, trở thành tình yêu thương phục vụ tất cả mọi người như Chúa đã yêu thương phục vụ và hiến mạng sống làm lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta.