BỒI DƯỠNG VÀ NGHỈ NGƠI VỚI THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ
(Bài suy niệm Thứ 4 tuần II MV)
Sống trong một thế giới hiện đại tiện nghi nhưng dường như chúng ta phải chạy đua với thời gian để đối mặt với muôn vàn hệ lụy của cuộc sống. Đôi khi những áp lực, những gánh nặng, những khó khăn từ nhiều mặt của cuộc sống này khiến chúng ta cảm thấy như mang trên đôi vai yếu ớt cái ách nặng nề vì đủ thứ khó khăn, làm chúng ta thấy mệt mỏi, buông xuôi và thất vọng.
- Gánh nặng nề của thân phận làm người
Dù muốn hay không thì đau khổ là một sự thật, nó đeo bám con người mọi nơi mọi lúc. Đức Phật Thích Ca đã phải thốt lên: cả cuộc đời con người chìm trong đau khổ. Tương tự như vậy, trong một cuốn sách của mình, tác giả Đinh Thanh Bình đã viết lên những lời chua xót: “Hằn sâu trên định mệnh làm người là hai chữ khổ đau, kể từ khi cất tiếng khóc chào đời. Hằn sâu trong trái tim con người, là những khắc khoải day dứt tìm kiếm lời giải thích cho những hệ lụy khổ đau tràn ngập trong đời sống”.
Mang thân phận người, với đầy đủ những giới hạn nhất định, mỗi Kitô hữu chúng ta phải liên tục đối diện với những thử thách, đau khổ và cuối cùng là cái chết. Tuy nhiên, quan trọng là chúng ta đặt và cùng sống với những thử thách đó trong niềm tin yêu và hy vọng.
- Gánh nặng nề của việc đảm nhận ơn gọi riêng của mình
Kitô hữu là những người đi theo Đức Kitô, dù mỗi người theo lối riêng của mình: người thì sống trong bậc vợ chồng, người thì sống theo bậc tu trì, người khác lại sống độc thân giữa đời…..
Nếu ai đó ở ngoài cuộc mà nghĩ rằng trong đời sống gia đình hay đời sống tu trì không có khó khăn đau khổ thì người đó thật ảo tưởng. Khi chấp nhận làm môn đệ Đức Kitô cũng có nghĩa là bị thế gian lên án: “Các con sẽ bị người ta bắt bớ, ngược đãi, nộp cho Hội đường, và điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Thầy”.
Ngoài ra khi đảm nhận ơn gọi riêng của mình thì mỗi người đều có trách nhiệm, có các phận vụ, có những đòi hỏi riêng thuộc về lối sống đôi khi rất khó khăn, trở thành một gánh nặng trong đời sống, một loại thánh giá mà ai cũng muốn trốn chạy.
- Gánh nặng nề của thân phận tội lỗi
Thành tích duy nhất mà ai trong chúng ta cũng lập được đó là tội lỗi. Những năng động xấu cả bên ngoài lẫn bên trong không ngừng chi phối nội tâm chúng ta làm cho chúng ta trăn trở trước những chọn lựa: nên từ bỏ hay níu kéo. Mặc cảm tội lỗi của chúng ta đôi khi làm chúng ta bị giằng co và bất an khiến chúng ta không cảm thấy được bình an, có khi thất vọng. Gánh nặng của tội lỗi trong chúng ta vừa làm ô nhiễm tâm hồn và vừa làm xáo trộn tương quan của chúng ta với mình, với Chúa và với nhau. Thánh Phaolô ví những điều đó như “cái dằm” trong thân xác, luôn làm cho ngài phải nhức nhối.
- Gánh nặng nề thuộc về giới hạn của mỗi người
Biết bao nhiêu vấn đề thuộc về đời sống của chúng ta vẫn còn đó: những vết thương lòng, những khó khăn, những ngang trái, những thử thách riêng tư và nhất là tội lỗi của chúng ta. Chúng như cái ách, cái gánh nặng nề làm chúng ta không dễ dàng tiến bước. Nhìn từ bên ngoài người khác không thấy những khổ đau nội tâm của chúng ta nhưng chỉ có Chúa và chính mỗi người chúng ta biết mà thôi. Và đôi khi chúng ta cũng không hiểu được chính con người của mình khi bị tính ghen tị, lòng kiêu ngạo,…. xúi giục để rồi chúng ta hành xử như kẻ đánh mất chính mình.
Tất cả những gánh nặng nề kể trên là sự thật: đã, đang và sẽ gắn chặt với cuộc đời chúng ta. Để có thể mang vác mọi thập giá trong đời cách nhẹ nhàng và được nghỉ ngơi bồi dưỡng, chúng ta được mời gọi nhìn lên, yêu mến và gắn kết tất cả vào Thập Giá của Đức Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi chủ sự đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô đã nhắn nhủ mọi người hiện diện: “Chúa đang đợi chờ chúng ta, Chúa luôn mong đợi chúng ta. Chúa không giải quyết các vấn đề của chúng ta một cách thần kỳ, nhưng Chúa giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ để có sức đương đầu với các vấn đề ấy. Chúa Giêsu không gạt đi gánh nặng cuộc đời, nhưng trái tim Người mang lấy nỗi đau; Chúa không lấy thập giá khỏi chúng ta, nhưng Người vác thập giá cùng chúng ta. Và cùng với Chúa, gánh nặng ấy trở nên nhẹ nhàng, bởi vì chính Chúa là chốn nghỉ ngơi mà chúng ta kiếm tìm. Khi Chúa Giêsu bước vào cuộc đời, thì bình an đến với cuộc đời ấy, ngay cả giữa những thử thách và khổ đau….. Và một cách tuyệt đối, với Thập Giá, Người mang lấy hết mọi ách, mọi gánh của chúng ta rồi. Dù chúng ta có “mang gánh nặng nề” như thế nào, chúng ta vẫn được mời gọi kinh nghiệm sự nghỉ ngơi ở trong Chúa, Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá” (Trưa Chúa nhật, ngày 09.07.2017).
Mai Thi