CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN, B
THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
THỨ NĂM TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
THỨ SÁU TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
THỨ BẢY TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm
CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN Năm B
A. THEO CHÚA NHẬT THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 10,2-12
Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? ” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? ” Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
II. SUY NIỆM
“SỰ GÌ THIÊN CHÚA KẾT HỢP
LOÀI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY”.
Xã hội loài người thời đại nào và bất cứ nơi đâu, từ những tộc người sơ khai cho đến những xã hội văn minh, cũng đều có luật về hôn nhân gia đình. Đặc biệt nơi nhiều tôn giáo còn tâm linh hóa hôn nhân thành một định chế của niềm tin và nghi lễ.
Bộ luật Do-thái cũng đưa ra quy định về hôn nhân cách chi tiết, trong đó có cả việc cho phép ly dị (Đnl 24). Tuy nhiên, việc đặt ra quy định về ly dị của Do-thái Giáo đã để lại một sự bất công và hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ, và qua đó xem nhẹ tình yêu và sự trung tín trong hôn nhân.
Sách Đệ Nhị Luật chương 24,1-3 ghi:
“Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế”.
Thật ra, sách Đệ Nhị Luật chỉ biên tập lần cuối và đầy đủ như ngày nay là từ sau năm -587, nên không loại trừ chuyện người ta đã thêm vào những điều có lợi cho họ, nhưng đã gán cho Môisê đã mất trước đó rất lâu. Chế độ trọng nam khinh nữ và phân biệt đối xử không chỉ có nơi Do-thái, mà là cả vùng Trung Đông, đặc biệt nơi các nước Hồi Giáo vẫn tồn tại việc bất bình đẳng này cho đến hôm nay. Người Do-thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ. Không có hôn nhân đích thực vì không có được sự cao cả của tình yêu và lòng trung tín.
Hôm nay khi người Pha-ri-sêu đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không” – vì Chúa Giêsu biết họ có ý gài bẫy Người sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê – thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu là Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau “bất khả phân ly”.
“Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Môsê cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Chúa Giêsu: ông Môisê cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Môisê cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.
Như vậy, Chúa Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội Thánh không thể chấp nhận cho ly dị, trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi.
Lạy Chúa, giữa xã hội hôm nay khi mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn. Xin cho chúng con biết hy sinh và lvị tha, để xây dựng hôn nhân Kitô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ gia đình. Amen.
B. KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,26-38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! “
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
II. SUY NIỆM
“KHIÊM TỐN XIN VÂNG”
Vì nhu cầu mục vụ, hằng năm Giáo Hội Việt Nam chọn ngày Chúa Nhật gần nhất của ngày 07 tháng 10 làm ngày lễ Kính Trọng Thể Đức Mẹ Mân Côi, để mọi tín hữu có thể tham dự.
Trong ngày này, chúng ta lại một lần nữa được nghe bài Tin Mừng về biến cố Truyền Tin, biến cố khai mở kỷ nguyên cứu độ khi con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng thánh khiết Mẹ Maria. Truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Trong mầu nhiệm truyền tin này, làm nổi bật lên chân dung của mẹ Maria là Đấng đầy ân sủng, là nữ tỳ khiêm hạ và lời đáp trả “xin vâng”.
1. Đầy ân sủng.
Ân sủng (kharis) – Kêkharitomênê: là tính từ thụ động trở thành danh từ: Đấng lấp đầy ân sủng. Từ sau lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng”, Đức Maria được mang tên là Đấng Đầy Ân Sủng.
Lời chào của thiên sứ Gabriel đã dứt khoát đưa Đức Maria vào mầu nhiệm Chúa Kitô, vào khởi nguyên mới của thời kỳ cứu độ đã đến. Đặc ân “đầy ơn phúc” hướng đến toàn bộ hồng ân siêu nhiên mà Đức Maria đã lãnh nhận, chỉ vì Mẹ được tuyển chọn và được xác định làm Thân Mẫu Chúa Kitô, và sự tuyển chọn này có thể nói là độc nhất và phi thường, đưa đến đặc tính duy nhất của vị trí Đức Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ. “Vinh quang của ân sủng” được biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa qua sự kiện Mẹ được cứu độ lạ lùng . Nhờ ân sủng sung mãn của Người Con chí ái, dựa vào công nghiệp cứu độ của Đấng trở thành con của mình, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố của nguyên tội.
Đức Maria được “đầy ân sủng” vì việc nhập thể của Ngôi Lời: sự liên kết của Con Thiên Chúa với nhân tính trong một bản vị được thực hiện và hoàn tất nơi Mẹ. Như công đồng Vaticano II khẳng định: “Đức Maria là Mẹ Con Thiên Chúa, do đó là Nữ Tử yêu dấu của Chúa Cha và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí, Mẹ đã trổi vượt mọi tạo vật khác trên trời dưới đất”.
2. Khiêm hạ.
Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (x. Is 42, 1- 4; 49, 1- 6; 50, 4- 9; 52, 13; 53, 12). Nếu Đức Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Đức Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.
Đức Giêsu nhận mình là Đấng thiên sai khiêm tốn, và sự khiêm tốn là châm ngôn sống của Người. Người mời gọi các môn đệ “Hãy học cùng Ta” không phải là các phép lạ, hay những chuyện phi thường tạo dựng thế giới, mà là học “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (x. Mt 11, 29). Đức Maria đã học được bài học đó từ trời, linh hồn của Mẹ đã hít thở sự khiêm tốn đó bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người”. Sự khiêm tốn của Đức Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.
Có thể nói, dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38).
3. Vâng phục (fiat).
Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Thời điểm đầu tiên của sự vâng phục… Đức Maria ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.
Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa. Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa .
Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Mẹ được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Với cả “nhân vị” của mình, Mẹ đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu không mức độ.
Như vậy, trong biến cố truyền tin, Đức Maria – Đấng đầy ân sủng – đã để lại một mẫu gương chói ngời về sự khiêm hạ và vâng phục. Người trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Đức Maria được tràn ngập ân sủng và nhờ Người- trong Đức Kitô- ân sủng được tuôn đổ cho nhân loại. Đức Maria đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt Đức Maria đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người.
Lạy Chúa Giêsu, sống trong ân sủng, khiêm tốn và xin vâng là những đức tính căn bản mà Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ mà luôn phó thác và vâng phục thánh ý Chúa, để cuộc đời xin vâng của chúng con thành hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa hầu mưu ích cho các linh hồn. Amen.
THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10, 25-37
Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”?
Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “ Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “ Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “ Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng tập chú đến giới luật MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI.
Thập điều được Chúa ban cho Môisen trên núi Sinai tóm gọn lại trong hai điều (mười răn ấy tóm lại hai điều này mà chớ…): ba điều trước tập chú về việc MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ và bảy điều sau nói đến bổn phận YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH TA VẬY.
1. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.
– Hết lòng: Nghĩa là với cả tâm của mình, với cả trái tim của mình, nghĩa là với cả Ý CHÍ và TỰ DO.
– Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong CẦU NGUYỆN tâm sự với Chúa, tham dự Thánh Lễ và các Giờ Kinh cùng những BỔN PHẬN trong bổn đạo.
– Hết trí khôn: Với cả TRI THỨC và Ý THỨC trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.
Tóm lại, tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa.
2. Yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.
– Yêu như chính mình là gì? Trong Cựu Ước, sách Tobia đã nói tới nhưng còn mang vẻ tiêu cực là: “Những gì con KHÔNG MUỐN kẻ khác làm cho mình, thì cũng ĐỪNG LÀM điều đó cho người ta” (Tb 4, 14), nhưng sang Tân Ước, Chúa Giêsu dạy theo hướng tích cực: “Điều con MUỐN người khác làm cho mình thì HÃY LÀM cho người ta” (Mt 7, 12 // Lc 6,31).
– Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, mới thực sự nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Các thánh Tử Đạo cũng đã dám hy sinh chết đi cho chúng ta được đức tin vào Thiên Chúa. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu là agapê – vượt lên trên mọi so đo tính toán, chứ không như eros (chiếm hữu) hay philia (có qua có lại) theo cách phân tích của người Hy Lạp
3. Nhưng đâu là tha nhân của tôi.
Khi người thông luật hỏi điều này, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, mà chỉ kể câu chuyện về “Người Samaritanô nhân hậu”.
Có một câu chuyện cũng tương tự như thế này: “Sáng Chúa Nhật kia, có một người đi vào Sài Gòn bị tai nạn, nằm thoi thóp bên vệ đường. Có một “đấng tư tế” chạy ô tô qua, thấy nạn nhân nằm đó, nhưng nhìn đồng hồ đến giờ dâng lễ rồi, nên vội vù ga chạy. Một giờ sau, có một giáo dân chạy xe máy qua, cũng nhìn thấy nạn nhân, nhưng vì chuông nhà thờ báo đã đến giờ lễ, nên anh vội phóng xe đi cho kịp. Cuối cùng, có một bà bán vé số đạp xe đạp đi qua, thấy nạn nhân thì động lòng thương, vội dìu lên xe, đẩy vào bệnh viện…”
– Chúng ta là thân cận của mọi mảnh đời trong xã hội, nhưng không thiếu những lần, chúng ta đã phớt lờ hoàn cảnh tang thương của họ, vì những lý do “được coi là thánh thiện và lề luật”. Giống như thầy tư tế và thầy Lêvi kia, vì sợ chậm giờ lễ, sợ nhiễm uế, sợ rắc rối liên lụy… và đặc biệt là sợ phạm luật về sự thánh thiện, luật giữ ngày « sa-bát »…
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết “yêu như Chúa đã yêu” là yêu thương tha nhân cách vô vị lợi, không so đo tính toán hay mong muốn được đáp trả, để chúng con mỗi ngày nên giống Chúa hơn và xứng đáng là con thảo của Cha trên trời. Amen.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10, 38-42
Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! ” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc Chúa Giêsu vào nhà Mác ta và hai chị em lo lắng phục vụ Người theo từng cách riêng của mình. Người ngồi nghe Chúa nói, người bận bịu chuyện cơm nước hầu Người. Câu chuyện được kể trong Tin Mừng hôm nay rằng, có thể Chúa không trách Mác ta vì chỉ lo chuyện phục vụ, nhưng có lẽ Chúa đã trách yêu Mácta vì quá lo chuyện phục vụ và ôm đồm mọi thứ, bởi vì mọi người có phận vụ riêng của mình.
Thật ra, câu chuyện Martha và Maria nói lên hai phận vụ của việc phụng sự Chúa, hai chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, hai linh đạo chính của đời tu (hoạt động và chiêm niệm).
1. Đừng quá lo lắng việc đời mà quên Chúa.
Mácta chọn cách lo việc phục vụ, Maria chọn cách ngồi bên chân Chúa nghe Chúa nói. Cả hai việc đều tốt, nhưng khác nhau ở chỗ là Mácta đã quá lo lắng bận rộn với công việc, và Chúa Giêsu đã nhắc Mácta là quá lo lắng bối rối về nhiều chuyện, mà quên đi sự cần thiết là ở bên Chúa để lắng nghe Lời Chúa.
Ngày hôm nay, không thiếu người trong chúng ta xem trọng “việc Chúa hơn là lắng nghe Chúa”, bon chen lo lắng việc đời và bỏ quên đời sống cầu nguyện và nghe Lời Chúa.
Mong sao, giữa những bộn bề của một ngày sống, chúng ta vẫn ưu tiên những phút giây cho việc đọc và nghe Lời Chúa.
… Nhiều vị lo lắng công trình xây cất cho giáo xứ mà bỏ bê cả đời sống kinh nguyện. Giáo Hội cũng đã khôn ngoan đưa vào luật dạy các Giáo Sĩ phải đọc những giờ kinh buộc, để không ai lấy lý do truyền giáo hay lo việc chung mà miễn cho mình những giây phút ngồi bên Chúa. Bởi vì, chính việc đọc và suy niệm Lời Chúa mới có sức nâng đỡ công việc truyền giáo và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng.
2. Chọn phần tốt nhất là lắng nghe Lời Chúa.
Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Phần tốt nhất chính là ngồi bên Chúa và lắng nghe Người nói.
Hình ảnh cô Maria ngồi nghe Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta một kiểu mẫu khi cầu nguyện, khi gặp gỡ Chúa. Cầu nguyện không chỉ là nói nhiều cho Chúa nghe, mà còn là thinh lặng để nghe Chúa nói với mình.
Khi chúng ta đọc Thánh Kinh, nghe đọc và suy niệm Lời Chúa, là lúc Chúa đang nói với ta. Khi ta ngồi thinh lặng trước Thánh Thể là ta đang lắng nghe nhịp đập yêu thương nơi Trái Tim Người. Và trong mọi nơi mọi lúc chúng ta cầu nguyện hay thinh lặng suy gẫm, là lúc chúng ta đang nép mình bên Chúa.
Thật ra, không nên dùng đoạn Tin Mừng này để so sánh về bậc thang giá trị của việc phục vụ và cầu nguyện, hay để cho rằng ơn gọi chiêm niệm hơn ơn gọi hoạt động. Bởi nếu ai cũng như Maria lo ngồi nghe Chúa nói thì lấy ai lo bữa ăn cho Chúa Giêsu và các môn đệ, hay nếu ai cũng như Mácta lo chuyện bếp núc thì lấy ai tiếp chuyện với Người. Nhưng cần phải hiểu cách nói của Chúa Giêsu là “tốt nhất” chứ không phải “tốt hơn”, nghĩa là không phải cái này tốt hơn cái kia, mà là mọi người có cách phục vụ Chúa bằng bổn phận riêng của mình được coi là tốt nhất trong ơn gọi mình và đấng bậc mình. Điều đáng trách chính là muốn ôm đồm mọi việc cho mình, lấn vào cả công việc của người khác rồi ganh tỵ với người khác.
Tóm lại, trong việc giữ đạo và sống đạo, chúng ta phải biết làm sao để trung hòa được việc lo toan cho cuộc sống và việc lắng nghe Lời Chúa. Nếu không, lời Chúa được gieo nơi tâm hồn chúng ta sẽ như hạt giống rơi vào bụi ngai sẽ bị bóp nghẹt, nghĩa là Lời Chúa sẽ bị chết yểu bởi những lo toan lo lắng sự đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức nơi cuộc sống dương gian này, chúng con có hai phận vụ của việc phụng sự Chúa, và cũng là hai chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, đó là vừa sống kết hiệp với Chúa vừa dấn thân phục vụ anh chị em. Amen.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 11, 1-4
Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
II. SUY NIỆM
Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công Giáo là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa.
Hôm nay, môn đệ đến xin với Thầy Giêsu dạy các cầu nguyện, và Người đã dạy các môn đệ một mẫu cầu nguyện tuyệt hảo mà chung ta gọi là Kinh Lạy Cha.
So với bản văn Matthêu (6,9-13), bản tường thuật Kinh Lạy Cha của Luca ngắn hơn và ít hơn hai điều. Nhưng cả hai đều nhắm tới những điều căn bản nhất về tâm tình cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy chúng ta:
1. Thao thức cho Nước Chúa hiển trị.
Chúa Giêsu dạy trước khi cầu xin bất cứ điều gì cho chính mình, chúng ta phải đặt Thiên Chúa, sự vinh hiển và tôn trọng của Ngài lên hàng đầu, và đặc biệt vâng theo Thánh Ý Người và thao thức cho nhiều người nhận biết Chúa. Chỉ sau khi dành cho Chúa chỗ của Ngài, bấy giờ các điều khác mới có chỗ xứng hợp.
Lời cầu nguyện bắt đầu bằng xưng nhận Thiên Chúa là Cha. Đó là đặc tính của mọi lời Kitô hữu thưa với Chúa.
Chúng ta không đọc: Lạy Cha con, mà đọc Lạy Cha chúng con. Như thế lời kinh tuyệt vời này không phải chỉ nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với Thiên Chúa, mà còn nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với nhau. Thiên Chúa là Cha, cho nên tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Như thế lời kinh này không phải chỉ tỏ lộ cho chúng ta tình phụ tử, mà còn tỏ lộ cho chúng ta tình huynh đệ.
Nước Cha được hình dung là vương quyền tối cao của Thiên Chúa, nên ý Cha phải được thể hiện khắp mọi nơi, vì ý Cha là khôn ngoan và yêu thương. Nơi nào ý Cha hiển trị thì tràn ngập tình yêu Ngài. Đó là một vương quốc hoà bình và đầy tình thương.
2. Xin cho những nhu cầu vật chất và tinh thần.
– Nhu cầu vật chất: Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin lương thực mỗi ngày dùng đủ. Người không bảo chúng ta xin cho có dư thừa. Lời cầu nguyện Người dạy cũng không thu hẹp lại theo kiểu ích kỷ, Người dạy xin cho “chúng con”, tức là tất cả những ai đang cầu nguyện.
– Nhu cầu tha thứ: Khi cầu nguyện chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Và điều kiện được Chúa tha thứ cho mình là chính mình cũng phải tha thứ cho anh em. Khi gọi Chúa là Cha chúng con, thì cũng đồng nghĩa mọi người là anh em với nhau con cùng một Cha trên trời. Đã là anh em thì chúng ta có bổn phận phải yêu thương, phải tha thứ, phải hoà giải cùng nhau.
– Nhu cầu ơn thánh: Thiên Chúa không đẩy chúng ta vào cám dỗ với mục đích làm cho chúng ta rơi vào tội lỗi. Nhưng Ngài có thể thử thách chúng ta, có thể thử sự bền vững và chắc chắn của chúng ta. Cám dỗ có nghĩa là quyến rũ phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ, thanh liêm, lòng tín trung. Chúng ta không thể trốn tránh những hoàn cảnh đó, nhưng chúng ta có thể thắng nó nhờ ơn Chúa ban.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
THỨ NĂM TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 11, 5-13
Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? “
II. SUY NIỆM
Dụ ngôn nhắm đến thái độ của người cầu nguyện và tình thương của Đấng ban ơn: Thái độ cầu nguyện cần nhất sự kiên trì trong niềm tin và hi vọng. Tình thương của Đấng ban ơn là một Thiên Chúa như người Cha tốt lành.
1. Kiên trì cầu nguyện
Trong xứ Palestine, tiếp khách là một bổn phận thiêng liêng. Vị khách nói trên đã đến quá muộn khiến chủ nhà bối rối, vì thức ăn đã hết, ông đã đi tới nhà bạn vay bánh. Cửa nhà người bạn đã đóng và họ đã an giấc, nên không muốn ai quấy rầy. Tuy nhiên, người vay bánh quyết tâm cứ gõ mãi, cho đến khi người bạn kia đành phải dậy lấy bánh cho ông.
Bài học trong dụ ngôn này không phải dạy chúng ta cứ mãi mãi nài xin ép buộc được Chúa cực chẳng đã mà đành ban cho chúng ta điều chúng ta muốn, nhưng nhắm tới một sự kiên trì cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện phải cần đến niềm tin và hi vọng, mà niềm tin cần đến sự thử thách và niềm hi vọng cần đến sự vững vàng kiên nhẫn.
Thiên Chúa là Cha hiểu thấu chúng ta cần gì và điều gì tốt cho chúng ta, Người sẵn sàng ban những ân huệ cần thiết, nhưng Người cần sự khao khát, phó thác và tâm tình của một người con thân thưa với Người. Khẩn cầu liên lỉ liên kết con người với Thiên Chúa cách khắng khít hơn, khiến con người phải ý thức hơn về tình trạng bất lực riêng mình, nhận rõ hơn việc phải hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.
2. Thiên Chúa là Cha tốt lành.
“Nếu các ngươi vốn là xấu mà còn biết mình có bổn phận tiếp trợ nhu cầu cho con cái, huống chi Thiên Chúa là Cha tốt lành”.
Chúng ta lắm khi hiểu sai cốt lõi của lời cầu nguyện và thất vọng vì không thấy Chúa nhận lời. Xin hãy đọc kỹ lời của Chúa Giêsu: “Huống hồ Cha các ngươi tự trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người”. Chúng ta thường xin với nhu cầu thể xác, mục tiêu vật chất, của cải phù vân, thậm chí còn xin cả những cái gây lầm lạc cho mình nữa.
Chúa Giêsu lặp lại, dù là kẻ xấu mà còn biết đem “của tốt” cho con cái, thì Thiên Chúa là Cha biết ban cái gì là “tốt” cho sự sống đời đời của chúng ta. Mà món quà tốt nhất mà Chúa Cha ban cho chúng ta, chính là Thánh Thần. Thánh Thần là sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa biết điều gì là tốt cho linh hồn chúng ta. Khi con người nhận lấy Thánh Thần thì nhận được những sự phong phú rất cao quý chứ không phải chỉ những của cải vật chất. Vì vậy, càng cầu xin kiên trì và tín thác bao nhiêu, thì càng chất chứa đầy Thánh Thần nơi tâm hồn bấy nhiêu.
Như vậy, đức tin cho chúng ta một bảo đảm: Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, nên Người chỉ ban những điều tốt lành thật sự mang lại hạnh phúc đích thực cho chúng ta. Lắm khi chúng ta xin những điều không tốt lành thực sự, những hạnh phúc không vững bền, và lúc đó, Thiên Chúa có quyền đáp ứng điều chúng ta xin theo cách Người muốn và theo cách tốt nhất cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường đến cầu nguyện với Chúa theo ý mình, chứ ít khi mong cho ý Chúa được thể hiện, nghĩa là chúng con thường đến cầu xin với những gì có lợi ngay trước mắt, nhưng Chúa thấu suốt cả cuộc đời và biết điều gì lợi ích cho ơn cứu độ của chúng con. Xin cho chúng con một khi biết năng cầu nguyện thì cũng biết thuận theo ý Chúa, để chúng con luôn được an bình nội tâm và không bao giờ thất vọng. Amen.
THỨ SÁU TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 11, 5-26
Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? … bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được. “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.
“Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: “Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.” Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.”
II. SUY NIỆM.
Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ai Cập hay nơi các tộc ít người, người ta biết cách bùa chú để yểm hại người khác, để trừ được bùa yểm cần phải có một thầy pháp cao tay hơn kẻ yểm bùa. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng quan niệm này và vì sự ghen ghét mà một số người Do-thái đã độc miệng nói Chúa Giêsu dùng quyền của quỷ tướng để bắt nạt quỷ con.
Thế nhưng Chúa Giêsu lại nhân cơ hội này để dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết, hay nói chính xác hơn là hiệp nhất.
1. Chia rẽ thì tiêu tan, kết đoàn sẽ bền vững.
Hình mẫu cho sự đoàn kết là tính hiệp nhất bởi Ba Ngôi Chí Thánh. Hội thánh Chúa từ khắp nơi trên thế giới đều hiệp thông và vâng phục một Đức Thánh Cha, cùng một cử hành phụng vụ, cùng một niềm tin, một phép rửa… Và có lẽ không tôn giáo nào có thể sánh được sự hiệp nhất đến mức duy nhất này. Và chính nhờ sự duy nhất này của Hội Thánh mà sức mạnh hoả ngục đã không thắng được, dù Satan đã dùng sự thù địch chia rẽ để chống lại.
Ngày nay, nơi này nơi kia trong Hội Thánh đang bị những thế lực thù địch bách hại, hơn lúc nào hết, mọi người Công Giáo trong tình liên đới, hãy đoàn kết với nhau, để cùng chung lời cầu nguyện…
2. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta.
Đây là một sự lựa chọn dứt khoát cho chúng ta, là Kitô hữu, chúng ta không thể cứ sống cách nửa vời. Việc sống đức tin là có hoặc không? Chọn Chúa hay theo Satan; sống theo giáo lý và lề luật đạo, hay thoả hiệp với thế gian xác thịt… Chứ không thể bắt cá hai tay, đạo cũng muốn mà đời cũng muốn.
– Không thiếu những người, đạo cũng muốn giữ mà vẫn cứ để mình sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp pháp.
– Lắm người tu cũng muốn mà tình lứa đôi cũng không dứt bỏ dứt khoát, khấn nghèo khó mà sống lại trưởng giả…
– Có những người đạo cũng muốn giữ mà vẫn thề thốt để được “kết nạp’ và giữ được cái chức này, chỗ đứng nọ về thế quyền…
3. Tình trạng tâm hồn trống rỗng.
Việc từ bỏ tội lỗi và luyện tập nhân đức là hai việc không thể tách rời nhau. Khi chúng ta xưng tội, Chúa đã tha thứ và đẩy ma quỷ ra khỏi chúng ta. Nhưng nếu tâm hồn chúng ta không mời Chúa vào ngự trị và lo làm các việc lành, thì sự trống rỗng đó càng tạo cơ hội cho Satan trở lại, và kết cục sẽ nên tồi tệ hơn.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa, để từ tâm hồn và môi miệng chúng con luôn vang lên lời cầu nguyện của Chúa cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu như lòng Chúa muốn. Xin Chúa cũng chỉ dạy chúng con con đường dẫn tới sự hiệp nhất/ trong sự vâng phục đối với tình thương và chân lý của Chúa. Amen.
THỨ BẢY TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 11, 27-28
Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! “ Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”
II. SUY NIỆM
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, đặc biệt trong ngày thứ bảy, ngày hướng về Mẹ Maria, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về 2 cái phúc: Cái phúc về sự cưu mang Lời Thiên Chúa và cái phúc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
1. Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy.
Dân gian có câu: “Một người làm nên cả họ thơm lây…”. Khi thấy sự thành công của Chúa Giêsu đầy quyền năng trên quỷ thần, giảng dạy hay, chữa nhiều bệnh tật, dân dân lũ lượt theo Người… thì một người phụ nữ trong đám đông kêu lên: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho thầy bú mớm”.
Xét theo phương diện này, thì Mẹ Maria là Đấng Đầy Ơn Phúc đã cưu mang Chúa Giêsu và cho Người bú mớm. Tuy nhiên, hiểu rộng hơn, đây cũng là cái phúc chung cho mọi người chúng ta. Bởi vì Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, và cũng được hiểu Lời Chúa là chính Chúa. Cho nên, khi chúng ta yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm Lời Chúa, chính là chúng ta đang làm mẹ cưu mang Chúa trong tâm hồn, và đang làm cho Chúa được lớn dần lên trong ta.
2. “Phúc thay kẻ lắng nghe và thực hành Lời Chúa”.
Thiết nghĩ, khi nói điều này, Chúa Giêsu, không phủ nhận công lao sinh thành và dưỡng dục của Thân Mẫu Người. Nhưng Người còn gián tiếp đề cao nhân đức lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa của Mẹ Maria. Nói cách khác, Người nhấn mạnh đến mối phúc của người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa, mà Mẹ Người đã là một mẫu mực, vì có ai trong loài người biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa như Mẹ Maria. Mẹ đã “xin vâng” theo Lời Chúa, ghi nhớ mọi sự và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2,51).
Phần phúc của mọi Kitô hữu chúng ta chính là được nghe Lời Chúa mỗi ngày, nhưng mối phúc này chỉ trọn vẹn cho chúng ta khi chúng ta biết đem Lời Chúa ra thực hành sống đạo.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người có phúc vì có nhiều cơ hội để được nghe Lời Chúa, xin cho mọi người chúng con luôn ý thức để không chểnh mảng với Lời Chúa, nhưng hết lòng yêu mến và đem ra thực hành Lời Chúa trong đời sống, để không những chúng con cưu mang Lời mà còn làm cho Lời được lớn lên trong cuộc đời chúng con. Amen.
Lm. Hiền Lâm.