CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN, năm B
LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA. Lễ trọng
THỨ HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
THỨ NĂM TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
THỨ SÁU TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
THÁNH AN-RÊ TÔNG ĐỒ. Lễ kính
THỨ BẢY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm
CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN, năm B
LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 18,33b-37
Ông Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su: “Ông có phải là vua dân Do-thái không? ” Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi? ” Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì? ” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao? ” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”
II. SUY NIỆM
“VUA TÌNH YÊU”
Khác với cách tường thuật của Tin Mừng Nhất Lãm, văn chương Gioan có cái nhìn nhiệm ý về sự chủ động của Chúa Giêsu trong tư cách một vị vua đi vào cuộc khổ nạn, dù đó là một vị vua đội “vương miện” bằng gai:
Chúa Giêsu tuyên bố “Ta đây” trước những kẻ đến bắt, thẳng thắn xác định giáo lý và cách rao giảng công khai trước thượng tế Caipha, khẳng định tư các “vua” và tuyên bố vương quyền trước tổng trấn Philatô, và sau này chính Philatô đã ít nhất hai lần xác nhận “này là Người” khi đem ra giới thiệu trước đám đông, cuối cùng Philatô đã ghi tấm bảng treo trên đầu thập giá Chúa Giêsu khẳng định: “Giêsu Nazareth là vua Do-thái”.
Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, chúng ta chiêm ngưỡng một vị vua chịu đóng đanh, một vị vua là Tình Yêu đã chết cho nhân loại và để giải phóng nhân loại.
Hình ảnh vị vua Giêsu không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không quân đội, không thần dân và không vương quốc theo nghĩa thế gian. Một vị vua nghèo túng, khổ đau, bị lăng nhục, bị nguyền rủa, bị đóng đinh trên thập giá.
Nhưng tại sao lại là vua? Chính câu trả lời của Chúa Giêsu cho Philatô rằng: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” đã giải đáp cho chúng ta.
Trước hết, khi tuyên xưng Chúa là vua, chúng ta cũng đương nhiên thừa nhận rằng, có một vương quốc Nước Trời và có một vị vua trong tâm hồn chúng ta.
Điểm cốt yếu là:
– vị vua Giêsu chết ở giữa hai tử tội, nghĩa là người đã chết thay cho tội nhân là chúng ta.
– vị vua cầu xin ơn tha thứ cho người đã đóng đinh Ngài, nghĩa là vị vua đại diện cầu xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho hết mọi người. Một vị vua nhân từ và yêu thương.
– một vị vua lo cứu dân chứ không phải cứu mình, như lời thách thức của các lãnh đạo và lính tráng. Nghĩa là vị vua dám chết thay cho dân chứ không phải dân chết thay mình.
Các đầu mục Do Thái và lính tráng và cả tên kẻ trộm bên trái đã thách thức: “Nếu ông là vua thì hãy cứu mình đi…” Họ biết Ðức Giêsu đã cứu chữa nhiều người, nhưng họ muốn Người cứu chính mình nữa và coi hành vi này mới có giá trị quyết định vì họ theo lẽ thế gian xét mọi việc không ở dưới khía cạnh bác ái và cứu thế nhưng theo mức độ ích kỷ và vinh thân. Để rồi họ cũng muốn cho vị vua của dân Chúa cũng phải như họ là ích kỷ và trước hết phải lo cho bản thân mình, phải nghĩ đến mình trước rồi mới đến người khác.
Nếu như thế thì còn đâu ý nghĩa phục vụ? Còn đâu “mục tử tốt thí mạng vì đàn chiên?”
Vì vậy, mọi Kitô hữu chúng ta, khi quỳ hôn chân thập giá, suy tôn Chúa Giêsu là vua, thì chúng ta cũng phải tìm cho vinh quang Chúa, chứ không phải cho vinh quang mình; hy sinh cho mọi người, chứ không phải lo vinh thân. Khi chúng ta chỉ biết lo cho mình và mặc kệ với kẻ khác, thì là lúc chúng ta đang chọn vật chất làm vua thay vua Giêsu trong tâm hồn chúng ta.
Chúa Giêsu là một vị vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Ngài phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút chúng ta đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm.
Chúng ta cần ngắm nhìn Ngài trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng yêu thương và tha thứ. Xin Chúa Giêsu là Vua Tình yêu ngự trị trong trái tim nhân hậu của chúng ta khi đến với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết nhìn lên thập giá Chúa là dấu chứng của tình yêu hi sinh, để chúng con cũng biết hiến thận phục vụ tha nhân trong phận mình, hầu được chính Chúa thánh hóa tâm hồn và đời sống, xứng đáng là công dân của Nước Trời, nơi đó có Chúa là Vua Tình Yêu đang chào đón chúng con. Amen.
THỨ HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 21,1-4
Ngước mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
II. SUY NIỆM
Người ta thường nói: “Của cho không bằng cách cho”.
Ở đời thường xảy ra hai cách làm phúc bố thí:
- Khi cho như là một trách nhiệm tương thân tương ái và coi đối tượng là anh em hay là bạn, nghĩa là cho vì tình thương yêu dành cho đồng loại. Thì sự cho đi mang đầy sự tôn trọng và niềm vui
- Lúc tặng mà coi người khác như là một kẻ ăn mày lòng thương xót của mình. Cho vì bất đắc dĩ, hoặc vì để vênh vang kênh kiệu và để được khen tặng, thì chẳng còn công phúc gì.
Bài Tin Mừng kể lại việc dâng cúng của người Do-thái. Trong khi các quan chức và những người trưởng giả khệ nệ đổ xoang xoảng số tiền của mình vào hòm công đức, thì một bà goá nghèo chỉ có hai đồng xu kính cẩn và nhẹ nhàng bỏ vào.
Thế mà dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, chính bà góa này mới là người dâng cúng nhiều nhất, vì đã dâng cho Thiên Chúa cả lòng yêu mến và đó là điều Thiên Chúa cần.
Còn những trưởng giả kia mặc dù số bạc của họ gấp ngàn lần số bạc của bà góa, nhưng lòng yêu mến của họ không bằng một phần trăm của bà, vì họ chỉ dâng số dư thừa, hoặc dâng để phô trương và để được người đời khen tặng mà thôi.
Tóm lại, dù có làm điều gì to lớn mà không xuất phát từ tình yêu và lòng bác ái đích thực thì cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh trước mặt Thiên Chúa.
Phải, khi nghe Bài Tin Mừng này, xin mọi người hãy tự vấn xem, những lần mình làm phúc cho ai, cho giáo xứ hay cho các hội đoàn cái gì, chúng ta đã làm điềi đó theo thái độ nào?
Lạy Chúa, loài người chúng con vốn thích phô trương và làm việc gì cũng muốn cho thiên hạ biết để được ca ngợi. Xin giúp chúng con biết sống khiêm tốn và quảng đại đóng góp cho công việc nhà Chúa và giúp đỡ tha nhân, mà không mong gì hơn là được biết rằng chúng con đang thi hành ý Chúa.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 21,5-11
Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước? “
Đức Giê-su đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”. Rồi Người nói tiếp: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.
II. SUY NIỆM
Chúng ta cùng suy tư hai ý chính trong Bài Tin Mừng hôm nay:
1. Sự sụp đổ của các công trình loài người.
Hình ảnh đền thờ Giêrusalem được Hêrôđê Cả cho tái thiết lại trang hoàng lộng lẫy và lấp lánh ngọc thạch. Mọi người tự hào và trầm trồ khen ngợi. Nhưng đúng như những gì Tin Mừng loan báo, thành Giêrusalem đã bị tướng Titus của Rôma phóng hoả và bình địa xoá sổ vào năm 70 và dân Do-thái tản mác khắp nơi trên địa cầu.
Với cách diễn đạt của các tác giả Tin Mừng, các ngài thường liên tưởng biến cố Giêrusalem và biến cố cánh chung. Và rồi, bao nhiêu công trình mà con người tự hào và khen ngợi, từ công trình khoa học kỹ thuật đến các công trình kiến trúc… rồi sẽ trở thành tro bụi khi ngày tận thế đến.
Chính vì thế, mà Chúa muốn chúng ta đang khi xây dựng trần thế mau qua này, cũng biết xây dựng quê hương vĩnh cửu không bao giờ đổ nát mai sau. Không có gì để chúng ta đáng tự hào so với công trình cứu độ chúng ta sẽ đạt tới nơi quê hương nước trời.
2. Sự xuất hiện của tiên tri giả và những kẻ mạo danh Chúa Giêsu Kitô.
Trải qua hơn 2000 năm, Giáo Hội bao phen đương đầu với biết bao bè phái tự xưng mình là tiên tri, thậm chí mạo danh là Đấng Cứu Thế, để mê hoặc một số người và gây hoang mang cho con cái Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội là Tông Truyền vẫn đứng vững trên nền Đá vững chắc, và những sức mạnh Satan kia tự nó dần dần tan rã và diệt vong.
Chiến tranh, loạn lạc, thiên tai như là một sự tất yếu không thể không có trên trái đất này, và nhiều người đã lợi dụng vào những biến cố đó để lừa gạt những ai nhẹ dạ cả tin. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu dặn, những biến cố đó phải xảy ra, nhưng chưa phải hết đời đâu.
Gần đây, có cái “gọi là sứ điệp từ trời” đang rêu rao được mặc khải, cũng tiên báo nhiều thứ mà thực ra tuỳ theo hoàn cảnh đang xảy ra để suy diễn. Nhóm này do bà Maria Divine Mercy (MDM) bày ra và mê hoặc một số người, trong đó có những người Việt Nam chúng ta cũng mạo danh truyền bá.
Hãy nhớ lời của Chúa và đừng mê muội, muốn biết đến bởi Chúa hay không, xin hãy theo những tiêu chuẩn sau đây:
– Sứ điệp của Chúa là bình an chứ không phải chia rẽ và lộn xộn (Nhóm này đang chia rẽ con cái Giáo Hội, và lên án Giáo Hội và nói “tình yêu là sự lộn xộn” mâu thuẫn với Tin Mừng).
– Có tuân phục Giáo Hội và Đấng kế vị thánh Phêrô không? (Nhóm này cho đến giờ vẫn rêu rao Đức Thánh Cha Phanxicô là giả và lên án các mục tử).
– Theo bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nói đừng tin ai dám mạo danh Thầy để nói thời gian đã đến gần (Nhóm này tiên báo ngày này ngày kia, rồi còn nói thời gian đã đến cùng tận). Cần nhớ rằng, ngoài Thiên Chúa ra, từ thiên thần đến loài người không ai được biết thời gian ngày chung thẩm, chính Chúa Giêsu đã nói như vậy. Thậm chí họ từng tiên đoán sau ngày 31/5/2011 khoảng vài tháng thì xảy ra biến cố “cảnh cáo”, nhưng nhiều người đã ăn hết mì tôm, thắp hết nến và tán gia bại sản mà đến nay bao nhiêu năm rồi chưa xảy ra. Họ tin vào nghĩa đen trong sách Khải Huyền về các con số theo thuyết Millenarianism để tiên báo thời gian.
Là con cái Giáo Hội, chúng ta luôn sống tỉnh thức và sẵn sàng, lắng nghe lời các chủ chăn của Giáo Hội, chứ đừng dễ tin theo những trò bịp ấy của Satan.
Lạy Chúa Giêsu, sống giữa một thế giới nhiễu nhương tốt xấu lẫn lộn, xin cho chúng con biết cầu xin ơn Thánh Thần soi sáng, biết biện phân và vâng phục những Đấng bản quyền mà Chúa đã đặt lên để hướng dẫn chúng con, hầu chúng con biết sống thể nào cho hợp ý Chúa. Amen
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 21,12-19
“Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước sự bách hại sẽ xảy đến cho các Kitô hữu, đồng thời Chúa cũng hứa ban Thánh Thần cho những ai can đảm tuyên xưng niềm tin vào Chúa.
1. Chịu bách hại vì mang danh Chúa.
Chúa Giêsu tiên báo điều này đã ứng nghiệm từng câu chữ trong những thời kỳ bách hại. Biết bao người mang danh Kitô hữu đã phải chịu bắt bớ, ngược đãi, loại bỏ, tù đày, tra tấn và bị giết chết để làm chứng cho Chúa Kitô.
Ngày nay, sự bách hại vẫn diễn ra, nhưng mang tính tinh vi và trường kỳ. Vì danh Chúa, người môn đệ phải đối diện với những thử thách do nội tâm, do xác thịt, do cuộc sống và do xã hội gây nên.
Để được vinh thân phì gia và được ca tụng, không ít người Công Giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công Giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
Là Kitô hữu, chúng ta vẫn thích một sự dễ dãi hơn là những hy sinh sớm tối. Gặp khó khăn chúng ta không dám đối diện với sự thật mà tìm cách né tránh; gặp đau khổ thì dễ than trách hơn là nhẫn nhục lập công phúc trước mặt Chúa.
2. Ơn soi sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu khích lệ: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, và phải nói gì, vì ngay trong giờ đó Thánh Thần sẽ dạy cho anh cho anh em biết những điều phải nói”.
Chúa Thánh Thần hướng dẫn con người đi tìm chân lý, đi tìm sự thật. Qua mọi thời và mọi nơi, Chúa Thánh Thần an ủi và nâng đỡ Giáo Hội và các Kitô hữu can đảm tuyên xưng đức tin.
Thật vậy, trong hành trình sống đạo, chúng ta có Thiên Chúa luôn quan phòng đồng hành qua bảy ân sủng của Chúa Thánh Thần, nhất là sự khôn hiểu biết và mạnh bạo để làm chứng cho Chúa. Tình thương Thiên Chúa luôn quan tâm săn sóc con người và bao bọc con người, bảo vệ cho con người được an toàn và luôn vui hưởng hạnh phúc, hãy luôn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, người luôn gìn giữ chở che.
Lạy Chúa Giêsu, để theo Chúa, chúng con luôn bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực, xin cho chúng con sẵn sàng vượt lênmọi quyến luyền sự đời, trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khóat chọn Chúa và bước theo Người. Amen
THỨ NĂM TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 21,20-28
“Khi anh em thấy thành Giê-ru-sa-lem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. Bấy giờ, ai ở miền Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!”Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này.
Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.
“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu báo trước hai biến cố liên quan đến Giêrusalem và ngày cùng tận. Biến cố sụp đổ hoàn toàn của Giêrusalem và biến cố cánh chung, dưới cái nhìn của Tin Mừng Nhất Lãm, có một tương quan đối chiếu, để qua những gì đã xảy ra cho Giêrusalem thì cũng tương tự xảy ra trong ngày tận thế.
1. Biến cố sụp đổ của thành Giêrusalem.
Thực ra, Giêrusalem từng bị bình địa vào năm 587 trước công nguyên, và sau đó được tái thiết thời Nơkhemia. Những lần bị lưu đày Miền Bắc (-721) hay Miền Nam (-587) đều vì tội từ bỏ Thiên Chúa, chạy theo ngẫu tượng và giết hại các ngôn sứ Chúa gửi đến kêu gọi ăn thống hối. Thì đây, thời Chúa Giêsu loan báo sự thống hối và trở lại với Thiên Chúa, nhưng rồi chính Người cũng bị đóng đinh và giết chết. Sau đó, với sự cầm đầu của nhóm Zélot, người Do-thái nổi lên chống lại quân Rôma, và tướng Titus của Rôma đã đốt bình địa, giết hàng loạt người Do-thái cả đàn bà lẫn con trẻ và xoá sổ Giêrusalem khỏi bản đồ thế giới năm 70.
Với cái nhìn của tác giả Tin Mừng hôm nay, sự kiện năm 70 như là một sự báo oán của Thiên Chúa vì những tội ác họ đã gây ra, cụ thể là họ đã từ bỏ Thiên Chúa và giết chết Chúa Giêsu và các chứng nhân của Người.
Trong Tin Mừng Nhất Lãm, những gì nói về Giêrusalem cách cụ thể trong tương lai gần, thì cũng ngụ ý nói đến Ngày Cánh Chung trong tương lai xa. Đó là một ngày “báo oán” của Thiên Chúa, một sự sụp đổ dứt điểm của thế hệ này và một triều đại mới được thiết lập.
Ngày xưa, người Do-thái coi họ như là trung tâm của vũ trụ. Sự sụp đổ của Giêrusalem cũng được coi như là một sự chấm dứt của con người. Với ý nghĩa tương lai gần, Khi Giêrusalem bị xoá sổ, thì cũng là lúc Kitô Giáo được tự do và Tin Mừng lan đi khắp thế giới. Dân Mới được thành lập là Giáo Hội Công Giáo.
2. Biến cố cánh chung
Cũng như trước biến cố xảy ra cho Giêrusalem, dân Do-thái đã bỏ Chúa, giết các chứng nhân, chiến tranh giữa các phe nhóm và với đế quốc Rôma. Thì thời cùng tận, tranh chấp giữa các nước trên địa cầu như là một sự tất yếu của sự phát triển, khẳng định của các đế chế xã hội loài người, những cuộc chạy đua vũ khí huỷ diệt, con người ỷ thế vào công nghệ kỹ thuật khoa học, sự xuống cấp của đạo đức, tội ác lan tràn… và con người chỉ còn tôn thờ vật chất, tôn thờ khoái lạc, hưởng thụ và “giết chết Thiên Chúa”… là những dấu hiệu thế giới đang đi đến chỗ bị huỷ diệt.
Nhưng trong mọi biến cố, những ai trung thành với Chúa thì không sợ gì cả, nhưng “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” vì chính mình được Chúa cứu độ. Thế gian rồi cũng qua đi, và Nước Chúa mới là vĩnh cửu.
Thành Giêrusalem bị xoá sổ thì Dân Mới được thành lập. Thế giới này qua đi thì Nước Trời sẽ xuất hiện. Đó là điều mà sách Khải Huyền nói tới: “Rồi tôi thấy trời mới, đất mới và thành Giêrusalem mới đến từ trời, từ nơi Thiên Chúa” (x. Kh 21,1-2).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống trong sự ngay thẳng, tỉnh thức đợi chờ, để rồi dù biến cố gì xảy đến, chúng con vẫn đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì chúng con tin là Chúa sẽ đón chúng con vào Trời Mới, Đất Mới và Giêrusalem Mới trên trời. Amen.
THỨ SÁU TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Ngày 30/11: Lễ thánh An-rê Tông Đồ
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 4,18-22
Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên, trong đó có thánh An-rê là Tông Đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Bốn Tông Đồ này là hai cặp đôi anh em ruột và cùng làm nghề đánh cá. Phêrô – Anrê và Giacôbê – Gioan.
Qua cách thức gọi của Chúa Giêsu và lời đáp trả của các Tông Đồ, chúng ta cùng suy tư một vài điểm sau đây:
– Chúa gọi các Tông Đồ ở đâu và trong hoàn cảnh nào?
Tại bờ biển hồ Galilê, là nơi diễn ra cuộc sống kinh tế của dân. Chúa đến cách cụ thể trong cuộc sống bình thường của con người. Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể và trong bối cảnh xã hội đương thời. Chúa không phân biệt nghề nghiệp cao sang hay thấp kém, người trí thức hay bình thường. Điều này cho thấy, sứ vụ của người theo Chúa là rao giảng và sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đồng thời, Tin Mừng được loan báo nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không phải ý riêng con người.
– Chúa gọi như thế nào và gọi để làm gì?
Chúa gọi cách trực tiếp, Chúa gọi từng cá nhân với một mệnh lệnh là: “Hãy theo Thầy”. “Theo” trong ngôn ngữ Do-thái là “ở với”, là “gắn bó” với Thầy. Chúa gọi theo tính cách là người trên truyền lệnh, ai tự do tin nhận Người là chủ đời mình thì bước theo. Như vậy, Theo Chúa là gắn bó nên một với Người và ở với Người; giữ các huấn lệnh của Chúa, tin nhận và chọn Người làm chủ đời mình và sứ vụ được trao cho mình.
– Sứ vụ của người được gọi.
“Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người” Nghĩa là, phải lãnh lấy một sứ vụ, một công việc mới, công việc của Thầy chứ không còn là công việc của mình nữa. Như vậy, theo Chúa không phải để trốn tránh việc đời, để an thân và lẩn trách trách nhiệm, nhưng là phải ra đi đem Tin Mừng cho thế giới và đem về cho Chúa các linh hồn.
– Sự đáp trả và tinh thần từ bỏ.
Ngay lập tức, các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà theo Chúa. Hành động ngay lập tức (chứ không phải để từ từ và so đo tính toán nữa) nói lên một sự tín thác tuyệt đối vào Chúa. Đi sau sự đáp trả là từ bỏ tất cả, vật dụng làm nghề, bỏ cơ nghiệp, bỏ nghề nghiệp và bỏ cả liên hệ gia đình để đi theo Chúa. Điều này đòi hỏi một sự dứt khoát, không vương vấn và không để điều gì vướng bận cho sứ vụ mới. theo Chúa là phải bỏ con người cũ để sống con người mới.
Tóm lại:
Chúa Giêsu gọi ai thì Người không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Ngài nhìn thấy nơi ta có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không? Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ ta là ai, nhưng chỉ thấy ta từ lúc ta bắt đầu bước theo. Chúa gọi ta và mời gọi ta làm chứng cho Người ngay chính nơi ta sống và làm việc.
Cùng với ơn soi sáng cho ta nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là ta không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.
Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi?
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, bản chất của Ki-tô hữu là truyền giáo, để chúng con hăng say tiếp nối các Tông Đồ làm cho Tin Mừng của Chúa được lan rộng, nhờ đời sống đạo gương mẫu và việc thực thi bác ái khắp những nơi mà chúng con được sai đến. Amen
THỨ BẢY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 21,34-36
“Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc Chúa sẽ đến bất thình lình, mời gọi mọi người biết sống tỉnh thức và sẵn sàng, để khi cái chết ập đến, chúng ta sẵn sàng nghênh đón Chúa để đi vào đời sống vĩnh cửu. Trong khi chờ đợi, Chúa muốn mỗi người sống trung tín và trách nhiệm đối với tha nhân.
Chuyện Chúa đến không phải kiểu “sứ điệp này thị nhân nọ” tiên đoán, để rồi nhiều người mê muội cả tin lo đi chuẩn bị đồ ăn dự trữ, rốt cuộc chẳg xảy ra. Chúa đến bất kỳ lúc nào, bất ngờ như vậy để con người bày tỏ lòng trung tín qua việc tỉnh thức đợi chờ thời khắc vô cùng quan trọng để được hưởng hạnh phúc hay bị luận phạt đời đời. Vì nếu biết, thì con người sẽ phóng túng, “cứ để mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…” (Lc 21,34), chờ sắp đến ngày chết mới lo liệu, và như vậy thì không còn gì là yêu mến và trung thành.
Chúa không cho biết lúc nào Người đến, nhưng chắc chắn Người sẽ đến như “một chiếc lưới bất thần chụp xuống biển nhân gian”, nên đòi hỏi mọi người phải tỉnh thức“để có thể đứng vững trước mặt Con Người”(Lc 21,36).
Không thiếu những người cứ như mình không bao giờ chết, hoặc nghĩ có già mới chết… Rồi cứ sống thoải mái và nghĩ rằng, sắp đến ngày chết thì xưng tội, sẽ ăn năn, sẽ trở về với Chúa… nhưng có ngờ đâu rằng: Đứa bé nặn đất chơi bên vệ đường – bất ngờ chết, chàng sinh viên tương lai ngời ngợi chuẩn bị tốt nghiệp – chết, cô dâu trên đường về nhà chồng – xe lật chết… nhưng cụ già 90 tuổi ngày ngày mong chết lại không chết…
Tại sao chúng ta nghĩ rằng mai làm việc đó, mà ngay hôm nay làm được mà không làm, rồi có sống đến ngày mai không. Cái chết đến có báo trước cho chúng ta không?
Bộ mặt thế gian này sẽ qua đi nhanh như một giấc mộng, sẽ tan biến như làn khói, mọi thứ sẽ trở về cát bụi hư vô. Lúc đó mỗi chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về những việc làm của mình.
Phúc cho ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa ân cần đón vào cuộc sống vĩnh hằng.
Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban quản lý ân huệ của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Chúa cũng trao ban cho chúng ta những ân huệ đặc biệt kèm theo khi chúng ta nắm giữ một chức vụ phục vụ nào. Chúa còn ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, cơ hội, hoàn cảnh để phục vụ và làm sinh lợi cho Chúa. Khi chúng ta chu toàn việc bổn phận với hết khả năng Chúa ban thì chúng ta đang là người quản lý tốt.
Tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình, Người Kitô hữu luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời và làm chứng cho Tin Mừng khi sống chu toàn bổn phận của mình, khi sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Có như vậy, mới đáng được Chúa thưởng công.
Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống mai sau được dệt bằng những gì chúng con đã nói và hành động nơi dương thế này. Xin cho chúng con trong khi hướng về quê trời thì cũng biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm làm người con Chúa nơi cuộc lữ hành trần thế hôm nay, để bất cứ giờ nào Chúa viếng thăm, Chúa vẫn thấy chúng con đang tỉnh thức và sẵn sàng, để được cùng Chúa vào hưởng phúc bất diệt. Amen.
Lm. Hiền Lâm