Thứ hai, 9 Tháng mười hai, 2024

Các bài chia sẻ TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN, năm B (Hiền Lâm)

 

 

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN, NĂM B  Hình ảnh có liên quan

 

THỨ HAI TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Ngày 06-08: LỄ CHÚA GIÊSU HIỂN DUNG, Lễ kính

 

THỨ BA TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

 

THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Ngày 01-08: THÁNH LAURENSO PtTđ, Lễ kính

 

THỨ BẢY  TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

 

Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm

 

 Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

 

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN, NĂM B

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6, 24-35

Khi dân chúng thấy Đức Giê-su và các môn đệ không có mặt ở biển hồ Ga-li-lê, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? ” Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? ” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” Họ lại hỏi Đức Giê-su: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”

Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

 

+ SUY NIỆM

“BÁNH SỰ SỐNG”

Bài Tin Mừng hôm này là lời đối đáp giữa Chúa Giê-su và người Do-thái, trong loạt diễn từ của về Bánh Trường Sinh, mà mở đầu của chương 6 Tin Mừng thứ IV là phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi dân chúng. Từ đó dân chúng muốn bắt tôn Chúa Giêsu lên làm vua và tìm theo Người để được ăn no mà không phải làm việc. Chúa Giêsu nhân cơ hội dân chúng khao khát của ăn thể xác, mà mặc khải cho họ về lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh bất tử – Đó là Thánh Thể của Người.

 

* Sự sống của Chúa.

Loài người phải sống “tay làm hàm nhai”: mối quan tâm hàng đầu của con người là bảo đảm của ăn cho ngày mai, vì không có của ăn nuôi thân thể thì sự sống chấm dứt. Con người không có sự sống tự nơi mình, nên phải không ngừng lấy từ bên ngoài những gì cần thiết để duy trì sự sống, nhưng rồi đến một ngày sự sống lệ thuộc kia phải chấm dứt vì con người chưa tìm được lương thực thường tồn.

Trong mầu nhiệm Phục Sinh, sự sống lại của Chúa Giêsu không phải là trở lại như tình trạng ban đầu như sự hồi sinh của Lazarô hay con trai bà goá Naim mà Chúa cho sống lại rồi già chết, nghĩa là vẫn bị cái chết thống trị, vẫn bị sự đau khổ và bệnh tật thể lý cũng như tội lỗi hành hạ. Còn sự sống lại của Chúa Giêsu là bước vào một sự sống mới, sự sống lại này sẽ vĩnh hằng nên mới chiến thắng được cái chết, thân xác phục sinh không còn lệ thuộc thời gian và không gian nên bệnh tật, đau khổ và tội lỗi bị loại bỏ. Sự sống của Chúa, sự sống tự thân từ nơi Chúa mới là thường tồn. Chúng ta không có sự sống này tự nơi mình nên đến một lúc thân xác sẽ chết, nhưng hồn thiêng mang sự sống từ nơi Chúa sẽ thường tồn, cho đến ngày cả thân xác cũng mặc lấy sự phục sinh trong ngày chung thẩm.

Đang khi còn sống trong thân xác này, con người phải lo cái ăn cái mặc, nên không lạ gì khi họ chạy theo Chúa Giêsu khi vừa được Người hóa bánh cho ăn no nê.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu phải giải thích cho họ việc tìm kiếm Người không phải vì chuyện tìm kiếm sự dễ dãi, nhưng tìm kiếm Người để tin vào Con Thiên Chúa và được ban cho lương thực trường sinh; tìm đến với Chúa Giêsu không phải ỷ lại ngồi chờ sung rụng mà là phải sống niềm tin và cộng tác vào chương trình của Chúa, để chính công việc của con người có ý nghĩa đem đến sự sống đời đời, như Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).

Chúa Giêsu nói: “Lương thực của Người là làm theo ý muốn của Thiên Chúa Cha”. Ý muốn của Thiên Chúa chính là phải tin vào Chúa Giêsu Kitô, vì chỉ có Người là Đấng duy nhất đem lại sự sống đời đời. Người là sự sống và có sự sống tự nơi mình, nên ai muốn được sống đời đời phải cần có sự sống của Người, mà muốn có sự sống nơi Người phải tin vào Người là Đấng được Thiên Chúa Cha ghi dấu xác nhận.

 

* Bánh sự sống.

Dân chúng đòi Chúa Giêsu một dấu lạ để tin Người là Đấng Thiên Sai. Họ muốn Chúa Giêsu cho ăn bánh không chỉ một lần như Người vừa mới hoá bánh ra nhiềuđể họ được no nê, mà muốn được ăn mãi như ngày xưa Môsê đã xin Chúa nuôi dân Israel bằng man-na suốt bốn mươi năm. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm của dân chúng về Đấng Thiên Sai, vì họ chỉ tìm kiếm một vị chúa thoả mãn sự lười biếng của họ, là ngồi chờ sung rụng không phải làm mà hàm cứ muốn nhai. Trong khi Chúa Giêsu lại muốn họ không phải chỉ tìm kiếm thứ man-na nuôi thân xác sẽ chết, mà là Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng tâm hồn đạt đến sự sống đời đời.

Nhớ lại xưa kia, khi dân Israel đi trong sa mạc và thiếu thốn mọi thứ, Thiên Chúa ban cho họ thức ăn “từ trời xuống” là man-na. Nhưng nếu coi Thiên Chúa chỉ là ân nhân và nếu hễ đến với Người là xin xỏ cái này cái kia, thì cuối cùng con người chỉ chú tâm đến cái Thiên Chúa ban cho; may lắm là biết cảm tạ Người rồi sau đó lại tiếp tục than van kêu trách và chán ngấy. Đó là điều dân Israel đã làm, vì sau khi nhận được man-na, họ vẫn nổi loạn chống lại Thiên Chúa và chết trong sa mạc. Thật vậy, những của cải vật chất, cho dù là của trời cho, chẳng làm cho chúng ta tốt hơn, vì nó không thể đem lại sự sống đích thực. Con người không có sự sống tự nơi mình, nên phải không ngừng lấy từ bên ngoài những gì cần thiết để duy trì sự sống, nhưng rồi đến một ngày sự sống lệ thuộc kia phải chấm dứt vì con người chưa tìm được lương thực thường tồn.

Vì vậy, Thiên Chúa ban một quà tặng mới: bánh từ trời xuống không phải là một vật gì đó mà là một Ai đó. Đức Giêsu là quà tặng cao quý nhất mà Chúa Cha ban tặng cho con người. Người là Bánh Sự Sống, là nguồn sống và là sự sống đích thực. Bánh sự sống đích thực này ban lại sự sống đời đời. Nhưng để nhận được bánh ấy, mỗi cá nhân cần có thái độ đáp ứng riêng của mình với Chúa Giêsu Kitô là tin vào Người.

 

Tóm lại:

Sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo ọt yếu ớt và chết. Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Chúa Kitô thông truyền cho linh hồn chúng ta. Nhờ rước lấy Chúa Kitô mà Kitô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng, không sợ tội lỗi hay ma quỷ có thể xâm nhập và làm tổn hại linh hồn mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trong khi tìm kiếm những của ăn nuôi dưỡng thể xác, thì cũng biết năng đến với bàn tiệc Thánh Thể để được Chúa nuôi dưỡng tâm hồn. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

Ngày 06-08: LỄ CHÚA GIÊSU HIỂN DUNG, Lễ kính

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 9,2-10

Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.  Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

 

+ SUY NIỆM

Biến cố Chúa Hiển Dung được coi là một biến cố then chốt trong hành trình cứu độ của Chúa Giêsu nhằm vừa khẳng định vừa nâng đỡ cho hành trình đức tin của các môn đệ và mỗi Kitô hữu chúng ta: Hiển Linh – Hiển Dung – Hiển Trị (tỏ mình bắt đầu sứ vụ, một sự mặc khải để nâng đỡ đức tin và tử nạn Phục Sinh).

* Biến cố biến hình vừa mang tính khẳng định lời Thánh Kinh, vừa bắt đầu đi vào Tử Nạn.

Một chi tiết giàu tính biểu tượng là sự hiện diện của hai khuôn mặt lớn trong Cựu ước: Môsê và Êlia, là hai nhân vật tóm tắt tất cả Lề Luật Môsê) và các ngôn sứ (Êlia). Hai nhân vật này tượng trưng cho Luật và các ngôn sứ, hai cánh cửa chính của Thánh Kinh trong đó đã loan báo Chúa Kitô phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Ngài. Sự hiện diện của các ngài là chứng cớ sống động rằng lời tiên báo của Đức Giêsu về tương lai của Người hoàn toàn phù hợp với Thánh Kinh. Môsê là con người của cuộc Xuất hành, của núi Si-nai và của cuộc vượt qua Biển Đỏ sao; còn Êlia tiên tri lớn đã phải chịu đau khổ vì Thiên Chúa và vì dân tộc trước khi được cất lên trong đám mây… 

Như một Êlia mới, Đức Giêsu cũng được mời gọi chịu đau khổ trước khi được “cất lên” (9,51) trong vinh quang thiên quốc, Người cũng là Môsê mới trong cuộc Xuất hành mới, trong lễ Vượt Qua mới của một Giao ước mới, sẽ vượt qua biển sự chết để giải phóng dân Người và dẫn đưa họ đến Đất sự sống đời đời.

* Núi Ta-bo và núi Ô-liu: Thiên tính và nhân tính

Việc biến hình liên quan mật thiết với cuộc thương khó và biến cố Phục Sinh. Trong vài tuần sau biến cố đem ba môn đệ thân thiết lên núi Tabo, Đức Giêsu lại đem ba người bạn này đến vườn Ghếtsêmani (Mt 26,37; Mc 14,33). Gương mặt của Đức Giêsu mà họ sắp thấy rạng ngời vinh quang, lúc đó họ lại thấy thấm đầy mồ hôi và máu đỏ (Lc 22,44) bị vả tát, rồi phỉ nhổ (Mt 25,67).

Việc Chúa Giêsu biến hình đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời. Từ nay các ông sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu. Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa. Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang. Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn. Bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh. 

Sứ điệp này cũng liên hệ đến cuộc đời chúng ta là giống như Đức Kitô, mỗi người chúng ta cũng có hai chiều kích, một thuộc về nhân tính, một thuộc về thiên tính. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một nét giống Ađam và một nét giống Thiên Chúa.

Chúa Giêsu trong trong kiếp phàm nhân đã cảm nhận những phút vinh quang biến hình thì cũng đồng thời sau đó cảm nhận sự thê thảm của sự tủi nhục, thì cuộc đời Kitô hữu chúng ta cũng thế. Những lúc đó, hãy nhìn lên Chúa để cùng hiệp thông với Người, như thánh Phaolô nói: Nếu chúng ta cùng cam chịu như người, thì cũng sẽ chia sẻ vinh quang với Người.

* Một biến cố của đức tin và niềm hy vọng.

Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng. Người cho các ngài nếm thấy trước vinh quang để chấp nhận con đường đau khổ của Người sắp trải qua.

Các môn đệ cần được nâng đỡ qua biến cố hiển dung này, vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi khác, lúc đó bầu trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu, sẽ đầm đìa mồ hôi và máu. Quần áo của Người sẽ không còn chói sáng nữa, mà sẽ bị lột khỏi thân mình Người. Đức Giêsu sẽ có hai tên trộm cướp làm bạn đồng hành. Sẽ không có tiếng nói phát xuất từ trời nữa, nhưng chỉ có những giọng nói chế giễu và nhạo báng mà thôi. Các môn đệ sẽ bị tản mác, và không muốn tham dự vào những sự việc đang diễn ra.

Biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng, là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Tựa như học sinh kiên nhẫn và miệt mài đèn sách vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp, như nông phu thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa cấy cầy vì hy vọng vào mùa gặt bội thu… 

Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.

* Phải xuống núi.

Phêrô cứ muốn được ở lại trên núi. Ông muốn xây dựng một thiên đàng an toàn tại đó, cách xa khỏi tất cả những rắc rối và nguy hiểm. Nhưng mục đích của cuộc biến hình này không phải để khuyến khích họ trốn thoát thực tại, mà để khích lệ và củng cố Đức Giêsu và các Tông đồ nữa, để họ có khả năng quay trở lại, hầu đương đầu với những rắc rối và nguy hiểm mà họ đã để lại phía sau.

Phêrô muốn được ở lại trên đỉnh núi, muốn được khư khư giữ lấy ân sủng của cảm nghiệm này. Ông không muốn quay trở lại với cuộc sống hằng ngày và những thứ thông thường nữa, nhưng cứ muốn được mãi mãi ở lại trên vùng đất đầy niềm say mê phấn khích đó. Nhưng Đức Giêsu đã kêu gọi ông xuống núi, và đối diện với tương lai. Cảm nghiệm này không có ý tạo ra một sự trốn thoát khỏi cuộc đấu tranh đang nằm ở phía trước, nhưng là để giúp Người sẵn sàng đương đầu với cuộc đấu tranh đó. Giây phút đầy ánh sáng, là để giúp Người đương đầu với giây phút đầy bóng tối.

Cũng như Phêrô và các môn đệ trong biến cố biến hình hôm nay, mỗi người chúng ta ai cũng muốn được ở trên đỉnh vinh quang, nhưng lại không muốn đối diện với thực tế của cuộc đời, và muốn trốn tránh kiếp lữ hành trần thế, muốn trốn tránh thập giá là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh. Chúa Giêsu hôm nay vừa tỏ cho chúng ta thấy viễn cảnh Phục Sinh để nâng đỡ niềm tin cho chúng ta và cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh hằng, nhưng Người mời gọi chúng ta phải xuống núi: xuống núi vừa để giúp những người khác thêm niềm tin và hy vọng, xuống núi để tiếp tục cuộc lữ hành trần thế tiến về quê Trời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con nâng tâm hồn lên để được nên một với Chúa trong ánh sáng thần linh, đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng con dấn thân vào cuộc sống để sống trọn kiếp lữ hành trần thế trong ý Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và thực thi ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, với niềm hy vọng cuộc hiển dung cuối cùng trong vương quốc hằng sống của Chúa. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

 

ĐỌC TIN MỪNG: Mt 14,22-36

Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau : “Ma đấy !”, và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông : “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ !” Ông Phê-rô liền thưa với Người : “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giê-su bảo ông : “Cứ đến !” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên : “Thưa Ngài, xin cứu con với !” Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói : “Hỡi kẻ kém lòng tin ! Sao lại hoài nghi ?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói : “Quả thật, Ngài là con Thiên Chúa !” 

Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghen-nê-xa-ret. Dân địa phương nhận ra Đức Giê-su, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo choàng của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được cứu chữa.

 

+ SUY NIỆM

Sợ hãi như là một bản năng sinh tồn và hầu như không ai tránh khỏi. Bản tính tự nhiên con người “tham sống sợ chết” nên lo sợ đủ điều. Có người sợ sâu bọ, gián, chuột,  rắn rết; có người sợ bóng tối, sợ hồn ma chước quỷ. Nói chung, sợ hãi xuất hiện khi ta cảm thấy nguy hiểm, nhưng cũng khiến ta cảnh giác hơn. 

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc các môn đệ Chúa Giêsu hoảng hốt sợ hãi trước  sóng biển ba đào đe doạ cuốn trôi, nhất là giữa đêm khuya xuất hiện một bóng người từ xa đi tới trên mặt nước.

Câu chuyện “vượt biển” này được tiếp tục sau sự kiện Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều, các môn đệ ăn xong chưa kịp nghỉ đã bị Chúa hối thúc xuống thuyền vượt biển hồ Galilêa, còn Chúa Giêsu thì lại lên núi cầu nguyện.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là: Chúa không muốn các môn đệ an thân ỷ lại, hưởng thụ và ngủ quên trên sự tôn vinh của con người hoặc chỉ nhìn Chúa Giêsu dưới khía cạnh quyền năng sau sự kiện hoá bánh ra nhiều, mà nghĩ sai về sứ mạng của Người. Chúa Giêsu cũng muốn môn đệ phải ra đi, bỏ lại tất cả, dám đương đầu với bão tố phong ba của biển đời. Đồng thời, Chúa muốn các môn đệ an tâm vì luôn có Chúa đồng hành. Đặc biệt với Tông Đồ trưởng Phêrô qua biến cố “suýt chìm” là một kinh nghiệm nhớ đời, huấn luyện ngài vững mạnh hơn cho việc dẫn lái con thuyền giáo hội mà Chúa Giêsu sẽ trao phó cho ngài sau này.

Chúng ta cùng tập chú suy niệm tình huống mà các môn đệ phải vật lộn sinh tử giữa biển khơi, qua hai ý tưởng sau đây:

 

* Biển đời sóng gió.

Sự kiện sóng gió ập tới xô đẩy thuyền các môn đệ, không phải xảy ra giữa ban ngày mà là xảy ra giữa đêm tối. Theo Tin Mừng kể lại, thì trong suy nghĩ của các môn đệ lúc đó chỉ có chuyện ăn bánh vừa xong, chứ không nghĩ đến thầy Giêsu, vì không nghĩ đến Chúa nên khi thấy Chúa vẫn cứ tưởng là ma. Các môn đệ chưa thể tin nổi sự kiện quyền năng Chúa hoá bánh ra nhiều nên cũng chưa hiểu được quyền năng Chúa đang đi trên mặt nước mà đến với họ.

Đó là hình ảnh của biển đời và sự non kém của đức tin mỗi người chúng ta:

Sóng gió trên biển cuộc đời, sóng gió trên hành trình làm người, sóng gió trên hành trình làm môn đệ… là những đau thương mất mát, những thất bại ê chề, những hoạn nạn éo le, những cô đơn thất vọng; là những bủa vây của quyền thế danh lợi, của đam mê phóng túng; là những đêm tối đức tin, những bơ vơ lạc lõng, những thử thách bách hại… Sóng gió nào cũng làm lòng người hoang mang, hoảng sợ, chông chênh. Mặt nước của cuộc đời là sự mong manh của thân phận con người, mong manh như hoa cỏ, chỉ một cơn gió thoảng cũng chẳng còn; mong manh như giọt sương mai, vội biến tan khi bình minh thức giấc; mong manh như bình sành đặt trước gió, mới đó, nhưng có thể sẽ vỡ tan tành; mong manh của giới hạn của bản thân, sự bất trắc trong việc tuân giữ luật Chúa và Hội Thánh, sự tự do đầy nguy cơ có thể bị biến chất, những lối tính toán xoay xở theo kiểu của con người, những lời mời mọc ngọt ngào lao mình vào lối mòn hưởng thụ… tất cả làm cho người Kitô hữu lắm lúc hoang mang và mất phương hướng. Đến nỗi, không còn tin vào ai nữa, giống như các môn đệ Chúa đến đứng đó mà vẫn cứ hoài nghi là bóng ma.

Tại sao vậy?

Vì cũng như các môn đệ, trong tư tưởng lúc đó chỉ có chuyện “ăn bánh”, nghĩa là chỉ lo chuyện vật chất mà không nhớ đến Chúa, lo chống chọi bằng chính sức mình mà không có Chúa.

Vậy, hãy mau mời Chúa lên thuyền, là hãy mời Chúa vào trong cuộc đời chúng ta.

 

* Mời Chúa lên thuyền với mình.

Tin Mừng kể lại, Chúa Giêsu đã trấn an: “Thầy đây đừng sợ”, rồi khi Ngài bước lên thuyền thì trời yên bể lặng.

Lời trấn an “Thầy đây đừng sợ” chúng ta chỉ gặp thấy hai lần trong các Tin Mừng, đó là lúc các môn đệ vật lộn giữa biển khơi và lúc sợ hãi thu mình trong nhà Tiệc Ly khi Chúa chịu chết: lần này thì vừa sợ sóng biển xô chết vừa sợ ma, còn lần cuối thì cũng sợ các thượng tế tìm giết và cũng “sợ ma” nữa. Hai sự kiện nói lên hai điều sợ căn bản của chúng ta là sợ bị người đời bách hại và sợ ma quỷ tấn công. Nhưng nếu có một đức tin đủ mạnh, thì chúng ta không sợ gì vì có Chúa luôn đồng hành với lời trấn an “có Thầy đây, đừng sợ”

Biển cả ở đây không chỉ là biển đời như đã nói ở trên mà còn là biểu trưng cho nơi ẩn náu của ma quỉ. Chúa Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Ngài luôn hiện diện: “Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Ngài luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Ngài ở bên.

Con thuyền của các môn đệ ngày xưa cũng chính là con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay. Giữa bao sóng gió cuộc đời của kiếp người trong cuộc lữ hành đức tin.

Khi Đức Giêsu lên thuyền, gió liền lặng. Nếu trên cuộc đời của mỗi chúng ta có Chúa Giêsu, thì sự dữ, ma quỉ sẽ bị đẩy xa. Bởi khi sáng tới, thì tất yếu bóng tối sẽ bị đẩy lùi.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn hiện diện để cùng đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con để cho Chúa lên “thuyền cuộc đời” chúng con, nghĩa là để cho Ngài ngự vào tâm hồn chúng con, hầu không có gì tách được chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 15,21-28

Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm! ” Nhưng Người không đáp lại một lời.

Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi! ” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con. Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay kể việc Chúa Giêsu mở rộng việc truyền giáo xuống miền duyên hải – địa hạt Tyrô và Siđôn. Tại đây, Người gặp một người đàn bà ngoại giáo đến xin người trừ quỷ cho con gái của bà. Cuộc đối thoại và việc chữa lành trong câu chuyện làm nổi bật lên hai đặc tính: Niềm tin và ơn cứu độ phổ quát:

 

*  Sự thử thách niềm tin

Trước sự cầu xin của người đàn bà ngoại giáo (không thuộc Do-thái giáo), lời trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu nghe có vẻ nặng nề và miệt thị, nhưng cũng qua đó cho thấy niềm tin của người đàn bà rất mạnh vượt lên trên mọi ngăn cách tôn giáo, sự kỳ thị và có thể cả sự khinh khi. 

“Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Câu nói này có vẻ mang dáng dấp của một sự khinh miệt và xúc phạm danh dự (điều này chúng ta sẽ bàn sau), nhưng thật không ngờ người đàn bà không nao núng theo tính tự ái mà còn thân thưa: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Trước đức tin cao độ như thế, Chúa Giêsu đành chào thua mà ban cho bà điều bà xin. Bà tin lòng thương xót của Chúa bao la, chắc chắn cũng vượt ra bên ngoài dân Do-thái, nên bà có thể hưởng được những mảnh vụn của lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa thương yêu mọi người, muốn cứu rỗi mọi người. Lòng tin khiêm tốn bền vững của con người càng chiếm được tình yêu và ơn cứu rỗi của Chúa.

Chúng ta cũng thế, trong cầu nguyện, nhiều lần chúng ta cũng cảm nhận như Chúa từ chối, nên rất cần sự kiên trì tin tưởng và tu luyện đức tin mình được vững chắc. Càng gặp khó khăn đức tin của chúng ta càng lớn lên, càng sâu sắc và giàu kinh nghiệm. Càng gặp khó khăn trong đời sống, đức tin của chúng ta càng có giá trị khi ta một mực trung thành với Chúa, đức tin của chúng ta sẽ rạng rỡ trước mặt mọi người, và trước mặt Thiên Chúa. 

 

* Ơn cứu độ phổ quát.

Trở lại với vấn đề ở trên: Liệu câu nói của Chúa Giêsu có mang tính miệt thị không?

Sứ mạng của Chúa Giêsu được khẳng định từ đầu là ưu tiên tìm kiếm con chiên lạc nhà Israel trước: “Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Israel mà thôi”. Cũng như Chúa đã chỉ thị khi sai nhóm mười hai “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn, là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10, 5-6). Mãi cho đến thời các Tông Đồ, chính thánh Phêrô vẫn không dám đến với dân ngoại sau khi nhận được thị kiến về cái khăn buộc túm bốn góc chứa đầy những rắn rết bọ cạp mà Chúa bảo thánh nhân làm thịt mà ăn (x.Tđcv 10,9-16). Thánh Phaolô và Barnaba cũng từng khẳng định sứ mạng này (x.Tđcv 13,46-47). Đây là chương trình của Thiên Chúa qui tụ dân Israel trước rồi mới đến muôn dân thiên hạ. Vì thế, câu nói của Chúa Giêsu: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Người đối với người khác đạo; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do-thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do-thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do-thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Người vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.

Tuy vậy tấm lòng của Chúa Giêsu vẫn hằng rộng mở trước lời cầu xin của người dân ngoại như viên đại đội trưởng thành Caphanaum và người đàn bà ngoại giáo miền Tyrô. Họ là hoa quả đầu mùa sứ điệp của Người, sau đó các môn đệ Người sẽ tiếp nối để mở rộng cửa tiếp đón muôn dân nước vào Nước Trời. Có thể nói, khi người đàn bà ngoại giáo với niềm tin mãnh liệt vượt qua cả sự ngăn cách tôn giáo và sự kỳ thị dân tộc để đến với Chúa, thì Chúa Giêsu cũng sẵn sàng vượt qua sứ mạng ban đầu để đến với bà và chữa lành cho con gái bà.

 

Lạy Chúa,  xin ban cho mọi người chúng con có một đức tin vững chắc, luôn trung thành với Chúa, luôn tin tưởng cậy trông vào Chúa là Đấng duy nhất có quyền năng làm được mọi sự, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy đến cho chúng con. Amen

 

 

THỨ NĂM TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 16,13-23

Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? “Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “ Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! “ Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

 

+ SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay là một chấn vấn cho niềm tin của mọi người, qua việc Chúa chất vấn các môn đệ gọi Người là ai? Câu trả lời cho thấy sự hiểu biết khiếm khuyết của người ngoài và xác định cách sống niềm tin của Kitô hữu chúng ta:

 

* Khuôn mặt của Chúa Giêsu diễn tả mọi nét mặt của nhân loại.

Những ghi nhận của mọi người về Chúa Giêsu thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giêsu là Chúa:

– Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…)

– Là Giêrêmia (một ngôn sứ bị bắt bớ và đầy đau khổ)

– Là Gioan Tẩy Giả (rao giảng sự sám hối và sống khắc khổ)

– Là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).

Câu trả lời do mặc khải của Chúa Cha cho Phêrô là Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, vâng, Con Thiên Chúa này bao gồm trọn vẹn mọi hình ảnh trên, có thể tóm kết một Đức Giêsu Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.

 

* Còn anh em gọi Thầy là ai?

“Thầy là Đấng Kitô”. Phải, chúng ta tuyên xưng một Đức Giêsu là Đấng được xức dầu (Christo) và là Chúa, nghĩa là Đức Giêsu quyền phép chữa lành bệnh tật và uy thế trước thế quyền (Êlia), một Chúa Giêsu đau khổ nơi người bất hạnh (Giêrêmia), một Đức Giêsu rao giảng ơn sám hối (Gioan Baptista), một Đức Giêsu chứng nhân và rao giảng (các ngôn sứ)…

Hôm nay Chúa chất vấn từng người: “Này anh, này em, này bạn, các anh chị gọi Tôi là ai”? Chúng ta ai cũng phải có câu trả lời thật cho chính mình. Chúng ta có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng ta nữa không/ hay là chỉ tuyên xưng ông thần tài…? Sự tuyên xưng đó được cụ thể bằng việc bước theo con đường thánh giá mà Chúa Giêsu đã đi, như Người đã báo trước cho các môn đệ.

 

* Ngăn cản việc thực hiện ý Chúa là hành động của Satan.

Trong Tin Mừng, chúng ta ít gặp Chúa Giêsu mắng các môn đệ, nhưng trong đoạn tường thuật này, Chúa đã mắng Phêrô cách hết sức nặng nề, ngang với việc Người từng mắng Tên Cám Dỗ (Satan) trong sa mạc (x. Mt 4,8-9). Cũng giống như hành động của Tên Cám Dỗ, Chúa mắng Phêrô vì ông đã ngăn cản Ngài thực hiện ý Chúa Cha là chịu Tử Nạn để cứu độ.

Dù trước đó, Phêrô đáng được điểm 10, nhưng sau đó lại vị điểm 0. Phêrô đáng khen vì tuyên xưng đúng bản tính và sứ vụ của Chúa Giêsu, nhưng lại bị chê là thoái thác tìm cách trốn tránh sự khó khăn trong Ý Chúa định. Chúng ta cũng thế, đi đạo và giữ đạo chỉ khi vui, nhưng khi gặp thử thách thất bại thì dễ phàn nàn oán trách và thoái lui.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời mỗi người chúng con, được cụ thể bằng sự phó thác và chấp nhận hy sinh, sẵn sàng và vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, hầu cộng tác với Chúa cứu độ các linh hồn. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN  

Ngày 01-08: THÁNH LAURENSO PtTđ, Lễ kính

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 12,24-26

Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

 

+ SUY NIỆM

Theo định luật tự nhiên, mọi vật đều đi qua giai đoạn “đề, phản đề và hợp đề”; tựa như hạt giống gieo xuống nếu không mục nát để đâm chồi nảy lộc thì nó chỉ trơ trọi; con người cần phải nỗ lực làm việc mới mong phát triển…

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

Về đời sống tâm lý và đời sống thiêng liêng cũng thế, khi người ta chỉ sống cho mình, không cho đi, thì mối liên hệ với người khác sẽ bị cằn cỗi, và đời sống liêng liêng sẽ không được vươn lên, và ngược lại, chỉ khi trao ban mới được nhận lãnh. Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt, mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

 

* Như hạt lúa mục nát đi…

Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy cùng với Ngài chuyển hoá đời mình như một hạt giống phải thối nát đi để sinh nhiều bông hạt:

“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

Phải, nếu hạt lúa được giữ nguyên trong kho, được bảo quản kỹ càng, thì nó chỉ là hạt lúa trơ trọi, một hạt lúa cô đơn, một hạt lúa chết dần mòn. Còn hạt lúa nào chịu huỷ mình đi trong ruộng sình sẽ vươn lên phơi phới và sinh được gấp trăm.

Quy luật sinh tồn là thế: chỉ khi cho đi, mới là lúc được nhận lại dồi dào; chính khi hiến mình là lúc nhận lại bản thân. Vì thế, khi sắp chịu huỷ mình trên thập giá và chịu mai táng trong mộ, Chúa Giêsu gọi đó là giờ Người được tôn vinh: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12, 23).

Vì vậy, để chia sẻ sự sống mới với Đức Kitô, con người phải đi theo tiến trình của kiếp sống con người: sinh lão bệnh tử; tín hữu phải sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống mới với Đức Kitô.

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người, những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo mình phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào mình, như là một phần đời sống của mình. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến mình đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu biết chấp nhận những “cái mất” hiện tại, thì sẽ có những “cái được” trong tương lại, dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua sẽ có những “cái được” vĩnh cửu. mất bản thân mình để được chính Chúa, mất điều tầm thường để được điều cao cả, mất trần gian để được thiên đàng… Nói tóm lại chỉ khi nào người ta tham dự vào cuộc hi sinh khổ hình của Chúa, thì mới có thể chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Người (2 Tim 2,11).

 

* Hiến dâng mạng sống vì Chúa.

“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Kitô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa. 

Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.

Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa… 

Các thánh Tử Đạo ngày xưa chấp nhận hy sinh, thay vì nghe lệnh vua quan mà chà đạp lên thập giá, các ngài đã chấp nhận ôm lấy thánh giá và vác đi, là hy sinh, chịu thử thách và chấp nhận bỏ mình tuyệt đối kể cả mạng sống để theo Chúa đến cùng. Chúng ta ngày hôm nay, dù không phải đổ máu và chết đi cách trực tiếp vì sự bách hại công khai không còn nữa. Nhưng vẫn còn đó những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lễ luật Chúa, để mai ngày chúng ta cũng được hợp với chư thánh Tử Đạo là cha ông của chúng ta trên trời.

Lạy Chúa Giê-su, cuộc đời theo Chúa là một cuộc tử đạo trường kỳ với bao thử thách gian nan và bách hại, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen. 

 

 

THỨ BẢY  TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 17,14-20

Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su và nói: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước. Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được.” Đức Giê-su đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi.” Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.

Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? “Người nói với các ông: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia! ” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”.

 

+ SUY NIỆM

Hôm nay sau khi Chúa Giêsu và ba môn đệ thân tín vừa từ trên núi Tabo đi xuống, thì gặp ngay một đám đông đang nhao nhác vây quanh một em bé bị quỷ ám nằm lăn lộn trước sự bất lực và đau khổ của người cha tội nghiệp. Chúa Giêsu ngao ngán vì sự cứng lòng tin của mọi người, nhưng Người cũng đã chữa lành cho đứa bé bị quỷ ám, và qua đó dạy cho họ biết về sức mạnh của niềm tin.

Trước hết, qua lời cầu xin của người cha đứa bé bị quỷ ám và qua lời của Chúa Giêsu, chúng ta cảm nhận được rằng, Chúa Giêsu cay đắng vì lòng tin hời hợt của mọi người: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi.”

Thật vậy, người đương thời theo Chúa chỉ vì sự tò mò và niềm tin của họ chỉ dựa trên phép lạ, chứ không phải xuất phát từ tấm lòng yêu mến thật sự. Họ quan niệm sai về vai trò Thiên Sai của Chúa, cụ thể là họ tụ tập chờ đợi Chúa chỉ vì được ăn no hoặc chỉ vì tò mò để được xem Chúa Giêsu trừ quỷ mà thôi. Và có lẽ, đáng buồn hơn là các môn đệ của Người đã thất bại trong việc trừ quỷ cho đứa bé, chỉ vì các ông đã lầm tưởng có thể dùng quyền trừ quỷ bằng sức riêng mình.

Loại quỷ này các môn đệ trừ không được, không phải vì năng quyền trước đó Chúa Giêsu ban cho các ông khi đi truyền giáo không đầy đủ, nhưng do các ông ỷ lại vào sức mình. Theo đoạn kết bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ rằng chỉ trừ được quỷ bằng một niềm tin vững mạnh, nghĩa là phải dùng sức mạnh của Chúa mới trừ được, mà muốn có sức mạnh từ nơi Chúa thì phải kết hiệp với Người qua đời sống đức tin. Trong khi các môn đệ lúc “vắng Chúa” đã ỷ lại vào sức riêng mình để làm phép lạ vì cứ tưởng mình có quyền ấy mà không cần đến Chúa. Đó cũng là một sự yếu kém về đức tin.

Không ít người trong chúng ta cũng thế, khi thành công thì luôn nghĩ là do tài năng của mình mà quên Chúa, khi khó khăn hay đứng trước mưu ma chước quỷ lại dại dột dùng sức riêng mình để chống lại và rồi thất bại ê chề. Hôm nay Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta rằng, quỷ rất sợ những ai có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia! ” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.”. Nói như thế, Chúa Giêsu không muốn nói rằng đức tin có khả năng làm phép lạ như một sức mạnh phù phép, bùa chú, hiểu theo nghĩa đen là “chuyển núi dời non”.Nhưng Ngài muốn nói: đức tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn, phi thường mà nếu không có lòng tin, chúng ta không dám hành động. Bởi vì, người có lòng tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải bằng khả năng giới hạn của mình. 

Nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt ta vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Ngài, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường. Một ví dụ cụ thể là: Hiệu quả đức tin của các Tông Đồ vốn là những người không có ảnh hưởng, quyền lực, phương tiện tài chính, tổ chức, báo chí, truyền hình… thế mà các Tông Đồ đã thay đổi dòng lịch sử

Hình ảnh một người cha khốn khổ tội nghiệp khi nhìn cảnh đau đớn của đứa con bị quỷ dữ hoành hành, đã đem đến cho các môn đệ của Chúa Giêsu để xin họ trừ quỷ (lúc Chúa Giêsu còn ở trên núi) nhưng các môn đệ Chúa Giêsu trừ không được. Điều này càng làm cho niềm tin mong manh của người cha đã yếu kém lại càng mong manh và thất vọng hơn bao giờ hết.

Đó cũng là thực trạng của không ít người trong chúng ta, niềm tin chúng ta vốn mong manh vì thiếu chiều sâu tri thức về Thiên Chúa và lòng mến đối với Người; niềm tin của chúng ta còn mong manh hơn khi gặp phải nhưng người mà chúng ta thần tượng lại bất lực trước sự hoành hành của tội lỗi và ma quỷ. Chúng ta gặp phải những vị mục tử thiếu đời sống cầu nguyện, chúng ta gặp phải những tu sĩ lo tìm thành công cho riêng mình, thì lúc đó niềm tin chúng ta càng bị thử thách hơn. Hãy như người cha của đứa bé bị quỷ ám hôm nay, mau chạy đến với Chúa để xin Người nâng đỡ niềm tin cho chúng ta. Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi những ai tìm kiếm Người.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con một đức tin trưởng thành, để nhờ niềm tin tuyệt đối vào Chúa, chúng con đủ sức chống lại mọi mưu ma chước quỷ đang xâm nhập vào mọi vấn đề của cuộc sống hôm nay. Amen.

 

Lm. Hiền Lâm.

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở nên vô nhiễm giữa thế giới “ô nhiễm”

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở Nên Vô Nhiễm Giữa Thế Giới “Ô Nhiễm” Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ. O.Cist Giữa bầu...

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

  LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẦU NHIỆM TỘI LỖI Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm về con...

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa đến trong cuộc đời

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa trong Chúa...

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua?

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Theo quan niệm thông...

Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Tình Yêu 

  Vua Tình Yêu  (Ga 18,33b-37) M. Phan Sa, PV      Những tuần qua, thế giới đã theo dõi ngày bầu cử tổng thống Mỹ khá thú...

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam: Tình yêu tự hủy – con đường của người môn đệ

  Các thánh tử đạo Việt Nam 25/11 TÌNH YÊU TỰ HỦY – CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 9,23-26) M. David, VP Khác với Tin Mừng theo...

Chúa Nhật XXXIV TN, Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ

  Vương Quyền của Đức Kitô (Ga 18,33b-37) M. Andre Kim Taegon Chu Văn Thường, Phước Hiệp Vào Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội cử...