Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ PHỤC SINH (FM Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào)

CÁC ĐỀ TÀI SUY NIỆM LỄ PHỤC SINH

 

 Suy niệm 1: Tin Mừng sự sống cho trần gian nhuốm mầu sự chết

 Chúng ta đang ở trong những giờ phút trang trọng và thánh thiêng nhất của năm phụng vụ, bởi vì Tam nhật thánh cùng với đêm Vọng Ps và  lễ phục sinh là đỉnh cao và trung tâm niềm tin và của mọi cử hành phụng vụ Kitô giáo. Chính không gian và các cử hành của Đêm vọng Phục sinh đang làm nổi bật lên sự thánh thiêng và ý nghĩa trọng tâm này.

Khởi đầu của cử hành đêm nay là bóng tối bao trùm và sau đó là ánh sáng chan hòa. Ý nghĩa này cho thấy rằng thế giới con người đang chìm trong đêm tối sự chết. Nhưng bỗng chốc, ánh lửa nến Phục sinh được thắp lên đã xua tan đêm đen chết chóc. Rồi Tin Mừng Phục sinh được long trọng công bố, cũng để đánh tan sự tĩnh lặng của không gian không lời, hoặc có lời nhưng chỉ là lời vô nghĩa.

Cần phải thắp nên ánh lửa phục sinh để soi sáng đêm đen của Dòng lịch sử cứu độ, cần phải công bố Tin mừng Phục sinh để làm vang vọng, sống lại và rung động toàn thể tạo thành từ sáng tạo xuyên qua mọi thời đại. Các bài sách Thánh chúng ta vừa nghe đọc, là cả một chuyển động lịch sử, từ Cựu ước sang Tân ước, từ sáng tạo đến biến cố Đức Kitô Phục sinh. Chúng ta như đang trầm mình trong dòng chảy suyên suốt, trào tràn của Lịch sử Thánh. Chúng ta như đang “ở  trong” và “thuộc” về lịch sử này qua từng sự kiện. Một lịch sử với những trang thật đẹp thuở ban sơ khi con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (Bài đọc I). Lịch sử đó dù đã mang đậm mầu đen tối và thê thảm vì tội phạm của con người, Thiên Chúa vẫn hứa cứu độ, khi chúc phúc cho Abraham sẽ có giống dòng đông như cát biển sao trời (bài đọc II); Ngài còn cứu họ ra khỏi cảnh nô lệ Ai cập (Bài đọc III). Gọi họ trở về từ nơi bùn nhơ, như người đàn bà bị ruồng bỏ, rơi vào sầu khổ (Bài đọc IV); Mặc khải và hứa ban cho họ của cải phong phú, sự khôn ngoan thần linh, khiến họ trổi vượt xa các dân trên mặt đất (Bài đọc V, VI); Rồi phục hồi hoàn toàn phẩm giá, khi ban tặng cho con người trái tim trong sạch và thần khí mới để họ xứng vẻ đẹp thần thánh (VII). Thế là tất cả đã xảy ra và kiện toàn trong con người của Đức Giêsu chết và Phục sinh hôm nay.

Tin Mừng Đức Kitô Phục sinh là đỉnh cao trong Công trình Cứu chuộc của Thiên Chúa. Bởi vì, nhờ Đức Kito phục sinh, Thiên Chúa Cha tái bản lại “ nguyên bản” công trình sáng tạo của Ngài nơi con người. Ngài phục sinh để chiến thắng Tử thần, một án phạt mà Ađam khi phạm tội đã chuốc lấy cho dòng giống con người. Ngài phục sinh để phục hồi và ban tặng cho con người quà quà tặng cao quý nhất đó là sự sống : sự sống của thân xác và sự sống của linh hồn. Bởi vì phục sinh là chiến thắng sự chết và trao ban sự sống, nên Đức Giesu, khi phục sinh, Ngài đã xuống tận Âm ty, nơi ở của sự chết để lay động Adam-nguyên tổ tội phạm xưa và nói : “tỉnh giấc đi nào hỡi người đang ngủ! Từ chốn tử vong hãy chỗi dậy đi nào! Ngài phục sinh và giờ đây ngài ra lệnh cho kẻ bị xiềng xích : hãy ra khỏi nơi đây! Cho ai ngồi trong tối tăm : hãy bừng sáng lên nào! Cho người đang ngủ mê trong sự chết : hãy chỗi dậy!.

Tin Mừng Phục sinh đã vang vọng khắp địa cầu và vẫn sống động suốt ngàn năm lịch sử. Nhưng Tin Mừng này không dễ dàng đến nỗi ai cũng có thể lãnh hội được. Các quan quyền, lính tráng Rôma chỉ chứng kiến sự kiện phục sinh chứ không gặp được Đấng phục sinh. Bởi vì họ chỉ mải mê giữ xác một tử tội. Họ đâu có ngờ rằng thân xác tử tội đó là Thiên Chúa hằng sống đang yên nghỉ. Các giới chức Do Thái và dân Do Thái cũng vậy, họ đang bận rộn, vội vã chuẩn bị lễ Vượt qua với các nghi lễ, của lễ chiên bò sát tế và các thứ hương khói nơi đền thờ. Buồn thảm cho họ, vì đã không hiểu Đức Kitô chính là Lễ vượt qua, là Chiên chịu sát tế, thay cho chiên cừu của họ. Rồi các Tông đồ, các môn đệ và các nhóm phụ nữ đạo đức, họ cũng chưa có thể gặp được Đấng Phục sinh ngay từ ban đầu. Bởi vì, tâm thần đang thảm sầu tê tái và chưa hết sợ hãi kinh hoàng. Họ chờ trời sáng để hoàn tất các nghĩa cử cuối cùng cho kẻ chết. Họ không hiểu, Đức Kitô xác phàm đã chịu chết cũng chính là Ngôi Lời toàn năng chẳng hề chết bao giờ. Bởi vậy họ đã được Đức Giêsu Phục sinh tỉnh thức rằng : “ tại sao lại đi tìm người sống giữa kẻ chết?”

Quả thực, Tin Mừng phục sinh không dành cho những ai, chỉ gián mắt canh giữ xác của tử tội Giesu mà không tin nhận rằng Ngài là Thiên Chúa đã phục sinh, đang hiện diện  và sống mãi trong lòng nhân thế.

Rồi Tin mừng Phục sinh cũng chẳng thuộc về những ai đang quá bận rộn với nghi thức lễ hội Đền thờ bên ngoài, mà quên đi đối tượng chính là Đức Giêsu, Chủ tế và Hiến tế cần được tôn thờ chúc tụng mỗi ngày.

Phục sinh là tin vui, là quà tặng của hy vọng. Đừng ngồi đó chờ trời sáng để chỉ làm công việc tẩm liện xác kẻ chết. Hãy lên đường tìm Đấng phục sinh ngay trong lúc sợ sệt, buồn sầu thất vọng nhất của kiếp sống hiện sinh này.

Và Tin Mừng Phục sinh thuộc về những ai, theo lời Thánh Phaolô dạy bảo, đã cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu, con người hèn yếu vào thập giá; cùng chụi mai táng trong mồ với Ngài con người của những dục vọng đam mê trần gian  và cùng chết với Ngài con người tội lỗi xấu xa.

Thế giới chúng ta đang sống hôm nay, con người yêu sự sống và tìm cách kéo dài sự sống. Nhưng vì vắng bóng Thiên Chúa và Tin Mừng phục sinh của Đức Giesu, nên bị chìm ngập trong đêm đen sự chết, nên mồ của sự chết, của nền văn hóa sự chết. Phải làm sao cho Tin Mừng Phục sinh này vang vọng và sống động trong lòng chúng ta và nơi con người thời đại. Đó là những thách đố đòi hỏi chúng ta phải sống và làm chứng cho Tin Mừng sự sống.

Xin Đức Kitô Phục sinh làm sống lại những gì đã chết trong linh hồn chúng ta. Xin đổi mới thế giới và lòng con người nhờ ơn phục sinh của Ngài. Xin Ngài ban lại cho chúng ta và thế giới con người thời nay quà tặng cao đẹp nhất là sự sống ân sủng từ sự Phục sinh của Ngài. Amen.

 

 Suy niệm 2: Đức Kitô phục sinh, đang sống trong thế giới còn nhuốm mầu sự chết 

 

Chúng ta đang cùng nhau sốt sáng cử hành lễ Phục sinh, đại lễ long trọng nhất của năm phụng vụ. Trọng tâm của đại lễ chính là Đức Kitô đã sống lại và trao ban sự sống.

          Có một cuộc chiến giai dẳng đã xảy ra trong vũ trụ con người đó là cuộc chiến giữa sự sống và sự chết. Sự sống khai sinh từ Thiên Chúa, bởi vì Tc là gốc cội của sự sống. Ngài đã sáng tạo ra vũ trụ như chúng ta vừa nghe ở bài đọc I để thông ban sự sống cho vũ trụ này. Toàn thể tạo thành  từ sinh vật cỏ cây, động vật và cả con người đều hớn hở reo vui được sự sống Tc tặng ban.

          Tuy nhiên bi kịch lại xảy ra, tội lỗi đã xuất hiện, vì có tội lỗi nên có sự chết. Sự chết, gốc cội của nó là sự tàn lụi, còn sự sống, bản chất của nó là bất tử. Bởi thế sự chết luôn rình mò nhằm hủy diệt sự sống.

          Abraham trong bài đọc II bị giằng co giữa sự sống thuộc về Thiên Chúa và việc giết đứa con thuộc về trần gian này. Ông đã đứng về phía Tc sự sống nên đứa con của ông đã chẳng những không bi giết chết lại còn được sống và gây nên nòi giống sự sống.

          Dân Chúa trong Biển Đỏ ở bài đọc III vừa thoát ra khỏi Ai cập đang có nguy cơ bị đạo quân Pharaô đầy sát khí đuổi theo giết chết. Nhưng họ đã không bị giết, vì Yave sự sống luôn ở với họ. Pharao, lính tráng và xa mã là hiện thân của sự chết đi săn đuổi sự sống là dân Thiên Chúa. Sự sống đã chiến thắng sự chết, dân Chúa thấy  những người Ai cập đi săn đuổi mình bị chết, xác trôi nổi đầy trên sông.

          Bài đọc IV, V và VI,  thiên Chúa quả quyết rằng Ngài là nguồn cội mọi sự khôn ngoan và sự sống. Con người dẽ quặt, lìa bỏ Tc để đi theo đường lối của mình sẽ phải chết. Còn tất cả những ai đi theo, nghe, giữ gắn bó với Ngài sẽ được sống.  Bài đọc VII, Tc hứa đặt thần khí, tức sự sống và thần trí tức sự hiểu biết vào lòng con người và con người khi có thần khí, thần trí của Tc sẽ được sống.

          Như thế sự sống là của Tc và sự sống chính là Tc. Các bài đọc Tân ước cho thấy, Đức kito Đấng phục sinh và là Đấng trao tặng cho con người sự sống. 

          Tin vui  Đức Giesu phục sinh làm chấn động vũ hoàn, vì từ thuở tạo thành đến nay chưa từng nghe có ai đã sống lại bao giờ. Ngài phục sinh làm thay đổi vận người và bộ diện trái đất,  vì con người và vũ trụ này, như hình ảnh gợi cho chúng ta lúc làm phép lửa, đang chìm ngập trong tăm tối và tội lỗi bao trùm. Nhưng khi ánh lửa được làm phép và nến phục sinh được thắp lên, tin mừng Phục Sinh được  công bố thì vũ hoàn tràn đầy ánh sáng, tin vui cùng lúc tràn ngập địa cầu.

          Nhưng để được sống lại và dành lại sự sống, Đức Giesu đã trải qua sự chết kinh hoàng. Cuộc chiến giữa sự sống và sự chết đã diễn ra thật khốc liệt. Không gian, chiến trận đều diễn ra ngày thứ sáu và Đức Giesu đã bị kết án tử hình. Thế giới do quỷ dữ đầu độc, làm cho con người ra ác tâm, gầm thét đọc bản tuyên án giết con Thiên Chúa. Bản án và cái chết của Vua trời đất đã làm cho vũ trụ rung chuyển hãi hùng, không gian chiều thứ sáu chìm ngập vào tối tăm u sầu thê thảm. Tử thần tưởng chừng đã chiến thắng, nhưng có ai ngờ  Đức Kito như hạt giống bất diệt bị chôn vùi, thối đi giờ đây chỗi dậy mọc lên sự sống mới.

          Quả thực Đức Kito đã phục sinh từ trong cõi chết. Các phụ nữ vào tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, tưởng rằng chỉ ra mộ để làm cử chỉ tôn kính là tẩm thêm thuốc thơm cho xác thầy mình. Ai ngờ họ đã gặp được Đấng Phục sinh.  Ngài nói với họ: ” các bà tìm Đức Giesu Nazaret, Đấng bị đóng đinh chứ gì?” và họ đã nhận được lời mặc khải đầu tiên về sự phục sinh : ” Ngài không còn đây nữa, Ngài đã chỗi dậy rồi “.

          Đức Kito phục sinh từ những cái không ngờ, từ những  đổ vỡ, chán nản, sợ hãi bi cực của con người. Sứ điệp con người nhận được ở tin vui  phục sinh chính là sự sống. Nhưng sự sống này đã mang đầy thương tích: Đức Kito phục sinh, chính là Đấng bị đóng đinh. Đó là dấu vết của cuộc chiến giữa  ác và thiện, giữa chết và sống, mạnh mẽ hơn, giữa Tc tình yêu cao cả và con người tà ác hận thù.      

           Dấu vết của tội lỗi, của cái ác, sự chết vẫn còn hằn in trên thân xác hiển vinh của Đấng Phục sinh. Nó không chỉ đã khác ghi vào lòng thời gian, lịch sử của hai ngàn năm qua, nhưng còn là của ngày hôm nay.

          Con người hôm nay đang muốn in lại thủ bản tội ác ” giết Thiên Chúa”  trên mảnh đất của Đấng Phục sinh đã chuộc về bằng giá máu. Con người thời đại vẫn tiếp tục cuộc chiến loại trừ Thiên Chúa sự sống. Cố gắng giả điếc, giả mù để không nghe, không thấy Tin mừng sự sống. Họ coi sự phục sinh xem ra quá xa lạ, như một câu chyện tẻ nhạt, không ai muốn bàn tán, chẳng còn hấp dẫn. Con người muốn ghi trên bề mặt trần gian này một dấu vết :  ” không có Thiên Chúa và không cần Thiên Chúa”.

           Vì không có, không cần Tc nên con người tự mình kiến tạo thế giới này. Thế giới do con người đang tạo ra nói là văn minh, phát triển nhưng đang là kẻ thù của con người. Thiên nhiên bị bóc lột tàn nhẫn đang nổi dậy chống lại con người; nền văn minh, văn hóa  sự chết, dục vọng, sự ác điên cuồng đang rình rập tấn công và giết chết con người. Thật chẳng ngạc nhiên chi khi chúng ta đang trong những ngày này rằng: Giáo Hội Hoa Kỳ,  đang bị chính quyền Obama  ép buộc phải chấp nhận một sắc luật giết người nhân đạo mang tên: Bảo Vệ Bệnh Nhân và Chăm Sóc Sức Khỏe với Giá Phải chăng. Không chấp nhận quốc luật thì Giáo hội sẽ phải chụi thương tích, bị loại trừ, bị tấn công và thậm chí con nguy cơ cho tính mạng và sự sống còn. Chấp nhận đạo luật, tức là phải đóng thuế và cung cấp quỹ cho các dịch vụ chống phá thai. Điều này, đồng nghĩa là giết sự sống, và cũng đồng nghĩa là chống lại Tc và Tm đấng phục sinh.

          Đức Giesu phục sinh dù là tin cũ vì đã phát ra từ Gierusalem cách đây hơn hai mươi thế kỷ, nhưng vẫn còn mới, vì nó đang tiếp tục vang vọng, sống động, hiện sinh trong Hội Thánh, trong tận đáy lòng những ai sống đức tin hôm nay.

          Tin mừng phục sinh vẫn mãi mãi là Tm của sự sống.  Theo cách sánh ví của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI : “Cũng giống như tia nắng mặt trời mùa xuân làm cho các chồi non nẩy mầm và ló rạng trên cành cây, thì ánh quang chiếu ra từ sự phục sinh của Đức Kitô cũng ban sức mạnh và ý nghĩa cho mọi hy vọng, ước muốn, kỳ vọng và kế hoạch của con người” (Thông điệp Psinh 2011).

          Bài Alleluia Phục Sinh chúng ta ca lên nói lên sự mừng vui của vũ trụ và sự khao khát của linh hồn mọi người chân thành mở ra với Thiên Chúa, tạ ơn Ngài về sự Chân Thiện Mỹ vô tận Ngài ban. Bài ca này được các đạo binh thiên thần, các thánh và các linh hồn được chúc phúc đáp lại trọn vẹn. Trên trời tất cả đều bình an và vui mừng. Nhưng ở dưới đất thì không phải như thế, bài Alleluia Phục Sinh vẫn còn tương phản với những tiếng khóc than phát sinh từ rất nhiều hoàn cảnh đau thương: thiếu thốn, đói khát, bệnh tật, chiến tranh, bạo lực. Nhưng chính vì điều đó mà Đức Kitô đã chết và sống lại. Người đã chết vì tội lỗi, kể cả tội lỗi của chúng ta hôm nay, Người đã sống lại vì ơn cứu độ của lịch sử, lịch sử của vũ trụ này và cả lịch sử riêng của đời chúng ta.

          Những ai nhận lãnh Bí Tích thánh tẩy là đang chết và sống lại với Đức Kito, những ai không ngừng chết cho tội lỗi là đang được Phục sinh với Đức Kito. Những ai khát khao đi tìm gặp Đức Kitô, giống như các phụ nữ đi viếng mồ, dù đức tin chưa được sáng tỏ, nhưng với lòng tôn kính, cũng sẽ gặp được Đấng phục sinh. 

          Nguyện xin cho ánh quang của Đức Kitô Phục sinh bừng sáng trên mặt địa cầu, để soi dẫn chúng ta và mọi người đang lần bước đi trong u tối, trong sự chết phần linh hồn, được tìm thấy sự sống thật, sự sống của Thiên Chúa là Cha, của Đức Kito – Đấng hằng sống và của Thánh  Thần- Đấng ban sự sống . Amen.

 

Suy niệm 3: Cùng Đức Kito Phục Sinh tái tạo sự sống con người và vũ trụ

 

          Ân huệ lớn và cao quý nhất của phục sinh là sự sống. Đức Giêsu phục sinh  là trung tâm sự sống. Sự sống của Đấng Phục sinh được ban tặng cho con người và toàn thể tạo thành, đã được niên ấn ngang qua chiều dài của thời gian. Đi từ Sáng tạo đến Tái tạo; từ quá khứ đến hiện tại, tương lai; từ bóng tối dầy đặc đến ánh sáng rực rỡ huy hoàng và trọng tâm là từ tội lỗi, hủy diệt, chết chóc đến ân sủng, sự sống và ơn cứu rỗi đời đời.

          Phục sinh chiếu sáng và làm hiện lên quá khứ giữa sống và chết.  

Đức Giêsu phục sinh, một chấn động làm vỡ lở đất trời, mở ra con đường xuyên qua tối tăm dầy đặc, dẫn đưa con người về tận cội nguồn Thiên Chúa sáng tạo, để chiêm ngắm vẻ đẹp thần thánh mà con người đã có ngay từ khởi đầu của việc tạo dựng.

          Bài sách I trích sách Sáng Thế, như một tấm gương lớn mở ra, giúp cho con người soi vào để nhìn lại bản gốc nguyên thủy của mình. Con người đã nhìn ngắm ở đó thấy rằng, mình là một thụ tạo quá ư vĩ đại, được Thiên Chúa tạo dựng với vẻ đẹp thần linh là giống hình ảnh Thiên Chúa. Cũng được Ngài ban cho sự sống và chính sự sống đó, con người diễn tả mỗi ngày vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa và càng được tồn tại con người càng trở nên đẹp hơn.

          Nhưng bất hạnh xẩy đến là tội lỗi đã xuất hiện, tàn phá con người và làm xấu đi các tạo vật của Thiên Chúa. Phải nhờ Phục sinh, con người mới có thể nhận ra trong hành trình đã qua của mình, một bên là, sự nguyền rủa vì tội phạm, và bên kia là tình yêu vô lượng Thiên Chúa cứu độ. Các bài sách thánh Cựu Ước tiếp theo phần Sáng tạo giúp chúng ta sống lại những kinh nghiệm này.

          Con người, khởi sự là Abraham ở bài đọc II, phải đối diện với cơn thử thách đến điên dại, đó là phải thi hành việc giết chết sự sống, tức là sát tế đứa con một yêu dấu của mình. Nhưng Ông đã  đứng về phe Thiên Chúa sự sống, nên ông nhận lại được sự sống, và còn được Thiên Chúa sự sống chúc phúc. Rồi con người như chúng ta thấy trong bài sách Xuất Hành ( Bài đọc III), vì mang lấy thân phận nô lệ tội phạm nên bị sự chết truy đuổi, giống như Dân Israel bị Pharao truy đuổi để giết chết ở Biển Đỏ. Thiên Chúa là sức mạnh đã ra tay cứu Israel khỏi chết chóc kinh hoàng.  Bài đọc IV trích sách Isaia còn tỏ cho thấy rõ hơn sự khốn khổ của con người bị tội thống trị. Con người bị tàn tạ như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm hồn sầu muộn. Dẫu vậy, Thiên Chúa đã không bỏ rơi lại còn chạnh lòng thương, ban cho hạnh phúc và phục hồi lại phẩm giá ( Bài đọc V)  khi mặc khải cho nó con đường sự sống, con đường của sự khôn ngoan thiện hảo, (Bài đọc VI), và ban quà tặng cao quý là tinh thần mới và trái tim bằng thịt biết yêu thương ( Bài đọc VII).

          Quả thực, phục sinh đã đưa con người về quá khứ, để vừa thấy mình cao cả, cũng vừa biết mình dù quá thê thảm nhưng  vẫn đượcThiên Chúa cứu sống. Nhưng Phục sinh không phải chỉ cho quá khứ. Phục sinh cần cho cái gọi là ngày hôm nay của cuộc hiện sinh chúng ta.

          Phục sinh của ngày hôm nay.

Lịch sử thê thảm của quá khứ tội lỗi, chết chóc mà đỉnh cao là ngày Thứ sáu Tuần thánh đã qua đi. Giờ đây, Tin mừng phục sinh được các phụ nữ và  các Tông đồ loan đi đã tràn ngập kháp địa cầu. ‘Không ai còn đi tìm Người sống ở giữa kẻ chết. Đức Kito đã chỗi dậy rồi…’. Ngài phục sinh để chiến thắng trên tội lỗi và sự chết. Ân huệ phục sinh được ban tặng bây giờ cho con người và mọi tạo thành của Thiên Chúa

          Đêm đen đã tàn, ngày mới đầy ánh sáng huy hoàng đang ló rạng. Tiếng nhạc, lời ca sầu thương đã chấm dứt, nhường lại là khúc khải hoàn ca vui tươi rộn rã; Mầu tím thời gian và phụng vụ thánh được thay bằng mầu đỏ, mầu vàng, mầu trắng của sự chiến thắng, tạ ơn, ân sủng và hân hoan. Lửa thắp lên trên cây nến phục sinh vừa được làm phép, đã xua tan đêm đen, và được mang lấy ân huệ phục nên ngọn nến ấy tượng trưng ánh sáng Chúa Kito. Nước, tạo vật nhỏ bé tầm thường, được ân huệ phục sinh thấm nhập qua nghi thức thánh hóa, đã có sức rửa tội, làm cho con người và mọi tạo vật khi hiến thánh nên người thánh, mang lấy vẻ đẹp, sức sống của Thiên Chúa chí thánh. Bánh và rượu, lấy ra từ thành quả của sáng tạo, tự gốc chỉ là đồ ăn thức uống, nhưng khi nhận được lời quyền năng thánh hóa của Thánh Thần phục sinh, đã trở nên Mình và Máu Chúa Kito. Thánh Giá, roi đòn, đinh sắt lưỡi đòng, dấm chua, mật đắng, gai nhọn, dấu chỉ của bất công tàn ác, được ánh sáng phục sinh chói rọi, đã sáng lên ấn tích thánh cứu độ.

          Vâng, mọi tạo vật đã sống lại nhờ phục sinh, được chịu lấy và có sức chuyển thông ân huệ phục sinh. Nhưng ở trung tâm, đỉnh cao, là con người được tái tạo nhờ sự phục sinh. Chúng ta thấy gì trong đêm nay? Chúng ta thấy,  ở nhiều nhà thờ Công Giáo trên toàn thế giới, có đông đảo người Dự tòng được rửa tội. Họ khởi sự bước vào nhà thờ, mang theo thân phận con người yếu hèn tội lỗi, nhưng nhờ ân huệ phục sinh được ban qua Bí Tích Rửa Tội, họ được sống lại về phần linh hồn. Chiếc áo trắng tinh tuyền họ mặc, rồi nến sáng họ mang trong tay, cùng với nét mặt rạng rỡ ngời sáng, diễn tả rằng họ được ân huệ phục sinh đổi mới. Họ đã trở nên con cái Thiên Chúa, kiều diễm lộng lẫy như các hoàng tử, công chúa của đức vua. Và chẳng phải chỉ có các tân tòng, mà mỗi chúng ta lúc này đang có, đang trải nghiệm trong linh hồn mình ơn huệ đầy tràn của Đấng phục sinh ban tặng.

          Ân huệ Phục sinh của Đức Kito đã thấm nhập sâu vào linh hồn con người và đã biến đổi bản chất mọi tạo thành của Thiên Chúa. Nếu xưa kia vì tội lỗi mà con người và mọi tạo vật, từ sau cuộc sáng tạo ban đầu đã mang lấy sự  nguyền rủa, thì ngày hôm nay nhờ sự phục sinh của Đức Kito, đã  mang lấy sự chúc phúc của Thiên Chúa. 

          Phục sinh, kiến tạo sự sống bây giờ và mãi mãi.

 Phục sinh là chiến thắng sự sống trên hủy diệt chết chóc. Phục sinh mang đến cho con người và vũ trụ sự sống mới. Thánh Phaolô trong thư gửi Tín hữu Roma đã cho thấy, chỉ duy có một hướng đi, đó là đi về hướng của sự sống nơi Đấng Phục sinh:  ‘… Vì đã cùng đóng đinh Thập giá với Đức Kito, cùng chết với Ngài, thì chúng ta không thể làm nô lệ cho tỗi lỗi và sự chết, trái lại phải sống cho Thiên Chúa…’ ( x. Rm 6, 3-11). Đức Giáo Hoàng Phanxico trong bài giảng khai mạc sứ vụ Phêro ngày 19 tháng 03 đã lên tiếng với giới cầm quyền và với tất cả những người thiện chí:  “Chúng ta hãy trở thành những người gìn giữ công trình tạo dựng, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa được ghi khắc trong thiên nhiên, giữ gìn tha nhân, môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu tàn phá và chết chóc tháp tùng hành trình của thế giới chúng ta!…”

          Quả thực, nhận lãnh ân huệ phục sinh, chúng ta phải mang lấy sứ mệnh cùng với Đấng Phục sinh để tái tạo sự sống mới. Sự sống từ Thiên Chúa mà đến. Ai đã nhận lãnh ân huệ phục sinh thì chống lại mọi chủ trương loại bỏ Thiên Chúa, sống như không cần Thiên Chúa. Các bạn sinh viên Công Giáo trong môi trường học đường, đừng để mình bị mê hoặc bởi chủ nghĩa vô thần và học thuyết tiến hóa. Chúng ta cần xác tín lại rằng:  không có Thiên Chúa, không có Tin mừng Đức Kito Phục sinh, thì không có niềm hy vọng cho con người. Nói theo tư tưởng đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI: “ở đâu không có Thiên Chúa sống, ở đó không có tương lai”.

          Sự sống của Thiên Chúa được ghi dấu trên con người. Chúng ta đang mang lấy tội ác lớn nhất của lịch sử và thời đại này, đó là chủ trương hủy diệt sự sống nơi các thai nhi. Hãy để cho các  bào thai được sống và được sinh ra như một con người, vì dẫu rằng bào thai chưa rõ hình thể người, nhưng chúng đã được ghi ấn tín của Thiên Chúa Tạo Dựng và ơn cứu chuộc của Đấng phục sinh.

          Ân huệ của Đấng Phục sinh đã làm nên hạnh phúc và vẻ đẹp của con người. Chúng ta đang chối bỏ ân huệ phục sinh này khi chủ trương chiến tranh, hủy diệt, gieo rắc hận thù, chia rẽ tôn giáo, sắc tộc; khi hình thành một thứ văn hóa chết chóc, đó là sống, cổ vũ cho những lối sống bản năng hạ đẳng và các trào lưu xã hội hưởng thụ. Xã hội Việt nam chúng ta hiện thời, văn hóa sự sống thật đã ô nhiễm vẩn đục: ô nhiễm vì các tệ nan xã hội quá nhiều, vì lương tâm gian dối và nạn bạo lực lan tràn, vì tham ô và sự đàn áp người bất đồng chính kiến.

          Mọi tạo vật trong Thiên nhiên đã được ghi ấn dấu của Đấng phục sinh. Con người thời đại và chúng ta sẽ mang lấy tội ác chống Thiên Chúa Sáng Tạo và Đấng Phục sinh, khi tàn phá thiên nhiên, làm cho thiên nhiên bị ô nhiễm, biến thiên nhiên nên thù địch của con người. Hãy mau trả lại cho đất đai khô cằn mầu xanh tươi của hoa cỏ, thảo mộc; Trả lại cho khí trời, ngồn nước sự trong lành và cho mọi loài  sự sống tự nhiên theo ý Đấng hóa công.

          Đức Kito phục sinh đã ban lại sự sống mới cho con người và cho mọi tạo vật. Xin cho chúng ta trong Đại lễ phục sinh, trong mùa Phục sinh và trong năm Đức tin này, được sống lại, đẹp mãi về phần linh hồn. Và cũng xin cho chúng ta biết gìn giữ sự sống, phát triển sự sống và nên chứng nhân loan báo Tin mừng ‘Chúa đã sống lại thật’ cho mọi người và mọi tạo thành của Thiên Chúa. Amen.                                                        

 

 Suy niệm 4: Cuộc Chiến Sự Chết – Sự Sống và Sự Phục Sinh

          Cứ ở lặng mãi từ tối Thứ Năm, Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta cảm thấy, với việc tưởng niệm cuộc thương khó Đức Giesu, hình như quyền lực sự dữ và cái chết đã nắm quyền thống trị.

          Giuda khai mào với cái hôn nộp Thầy cho sự chết. Quân lính mang khí giới gươm đao gậy gộc bắt Chúa Giesu như một kẻ trộm cướp để đem đi cho sự chết kết án. Thượng tế Caipha xé áo mình tuyên bố Đức Giesu phải chết. Philato, bị áp lực bởi các thu lãnh và dân Do Thái, dầu biết rõ Đức Giesu vô tội, ông vẫn kết án người phải chết và truyền cho đi đóng đinh người. Quân lính điệu Đức Giesu lên đồi Golgota với thập giá, dấm chua mật đắng, gai nhọn, đinh sắt lười đòng, với những lời nhục mạ khinh khi. Và cuối cùng là bị kịch:  Đức Giesu bị đóng đinh và đã chết, xác được hạ xuống tẩm liệm, chôn cất trong mồ đá.

          Phải chăng quyền lực sự dữ, cái ác, sự chết đã lên ngôi? Không, tảng đá ngôi mộ bật tung, Đức Kito không còn đây nữa, Ngài đã chỗi dậy.

          Đức Kito đã sống lại thật. Ân huệ của Đấng phục sinh chiếu soi và làm vang động cả tạo thành. Làm mở tai mắt con người khỏi sự mù lòa điếc lác, mở lòng trí khỏi hung khí tử thần vây bọc, để nhận ra Thiên Chúa và ân huệ sự sống được ban tặng.

          Thiên Chúa không phải là tác giả của sự chết, nhưng là Cha của mọi sự thiện hảo, sự chúc phúc và sự sống. Ngài sáng tạo vũ trụ và con người ( Bài đọc I) để tất cả được sống với phẩm giá đầy tràn và sự chúc phúc.

          Thiên Chúa là Thiên Chúa cứu sống. Abraham, bị thử lòng phải đối diện với sự chết kinh hoàng :  ” mang con mình đi sát tế”. Thiên Chúa đã ngăn bàn tay tử thần, cứu Isaac khỏi chết và trả nó lại cho Abraham và từ người con này, sự sống của dòng dõi Abraham lan tràn mặt đất.

          Dân Chúa trong Biển Đỏ ở bài đọc III, phải đối diện với Pharao, với đạo quân đầy sát khí tử thần. Thiên Chúa sự sống đã giúp họ chiến thắng khải hoàn: Tử thần là quân lực của Phara ô gồm chiến xa, chiến mã đã chết chìm đáy biển.

          Israel, Dân riêng, ví như cô gái, ban đầu xinh đẹp, vì đã phạm tội, đã ra cô gái hư hỏng, bị bỏ rơi, làm mồi cho sự chết. Nhưng Thiên Chúa đã cứu sống khi Ngài tỏ tình yêu ( Bài đọc IV); Ban lề luật, ân sủng, sự khôn ngoan thượng trí ( Bài đọc V; VI) và ban thần khí tác sinh (VII).

          Quả thực, sự sống và ân huệ của Đức Kito phục sinh đã tiềm tàng trong lịch sử, ngang qua sự sa ngã, bất hạnh, nỗi khổ đau và sự chết chóc thê thảm của con người. Chúng ta đang cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh, trung tâm và cùng đích của vũ hoàn và của lịch sử. Ánh sáng nến phục sinh thắp lên từ giữa đêm đen đã lan tràn. Tin Mừng Phục Sinh được công bố; Bài Thánh Ca Vinh Danh được xướng lên. Chuông đổ rền. Lời tung hô Allelui uy hùng; Gương mặt rạng rỡ của những người dự tòng được nhận Bí Tích Rửa Tội. Cộng đoàn tín hữu với tâm hồn phấn khởi… Tất cả diễn tả sự mừng vui của vũ trụ, niềm khát khao của linh hồn mọi người đang mở ra với Thiên Chúa, với Đấng Ngài đã làm cho sống lại, để đón nhận ân sủng và tạ ơn Ngài về mọi điều Chân Thiện Mỹ, sự sống vô tận Ngài ban.

          Nhưng chẳng phải ở nơi nơi đều cảm nhận được ân huệ này. Bài ca Alleluia mừng Đấng Phục Sinh chúng ta đang cùng ca lên ở đây, còn quá nhiều tương phản với  muôn vàn nỗi sầu khổ, tiếng khóc than rên xiết vang lên từ khắp cõi địa cầu. Bài ca Alleluia chưa thể được tự do, trong bầu khí hân hoan để xướng lên đối với các anh chị em tín hữu đang bị thiếu thốn, đói khát, bệnh tật, chiến tranh, bạo lực, xúc phạm phẩm giá và tàn sát ở các miền đất Iraq, Syria, Niegieria. Đó là những vùng tối tăm. Và chúng ta cũng đang nghiệm ra rằng, sự tối tăm của đêm đã thẩm thấu tận linh hồn, làm đôi khi chúng ta nghĩ “không còn làm được gì nữa và ngay cả trái tim của chúng ta đã không tìm ra sức mạnh để yêu thương.

          Sự thực là thế. Nhưng, chúng ta cần xác tín rằng trong sự tối tăm của thời cuộc, của bao điều ác hại khủng khiếp đang xẩy ra quanh chúng ta, thì vẫn còn đó, tiềm tàng ở bên trong sự sống của Đấng Phục sinh sẽ biến đổi tất cả. Trong phần công bố Tin mừng Phục sinh chúng ta xướng lên : ” Ôi tội hồng phúc! ở đau tội lỗi đầy tràn thì ở đó, ân sủng còn chứa chan gấp mấy”.

          Quả như Đức Giáo Hoàng Phanxico xác tín :  ” Ở đâu mọi sự dường như đã chết, thì khắp nơi mầm non của sự sống lại đột nhiên xuất hiện.Đó là một sức mạnh vô song“. Quả thực, nhiều khi chúng ta thấy : Mọi sự đã rồi không thể thay đổi được tình thế và ĐGH bảo Đúng là nhiều lần dường như không có Thiên Chúa” vì sự bất công, gian ác, thờ ơ và tàn nhẫn không thuyên giảm lại gia tăng”. Nhưng càng như thế, ĐGH dạy chúng ta : “Chúng ta cũng không kém chắc chắn rằng ở giữa bóng tối luôn luôn bắt đầu nở ra một điều gì đó mới, sớm hay muộn cũng sinh hoa trái…. Sẽ có nhiều điều xấu, nhưng điều tốt luôn luôn có khuynh hướng quay lại nở hoa và lan tràn. Mỗi ngày trên thế giới cái đẹp tái sinh, mọc lên được biến đổi qua những thảm kịch của lịch sử…và thực ra, nhân loại được tái sinh nhiều lần từ những tình trạng dường như không thể đảo ngược được. Và Ngài xác tín rằng, đó chính là “sức mạnh của sự sống lại” và Ngài yêu cầu mỗi người chúng ta phải là công cụ cho sức mạnh sự phục sinh này.

Chúng ta nhận lấy nến cháy phục sinh, nhận nước tái sinh, nhận lấy Tin mừng phục sinh, và muôn ơn huệ từ đêm nay thì chẳng có lý do gì lại cứ chần chừ không làm cho ân huệ của Đấng Phục sinh được lan tràn khắp nơi và thẩm thấu vào mọi cơ cấu, mọi ước muốn kỳ vọng, kế hoạch của cuộc sống con người.

Hãy mau chân như các phụ nữ và các môn đệ đã làm khi chạy tới mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần và khi nhận ra dấu hiệu Đấng Phục Sinh và nhất là được gặp Đấng Phục sinh thì đã hối hả, vội vã lên đường loan truyền tin mừng khắp nơi, không ngại khó nhọc, không hãi sự đe đọa và không sợ bất cứ một sức cản của quyền lực nào.

                      Chúa đã phục sinh, xin chiếu sáng nhân loại tối tăm, xin dẫn đường cho con người đang lạc đường, xin ban cho các Kito hữu và những ai đang bị bách hại niềm tin vào sự phục sinh của Chúa được ơn sức mạnh, an ủi và niềm vui. Và xin cho chúng con được ân sủng mới tái tạo và được sự sống đầy tràn phần linh hồn. Amen.

 

Suy niệm 5: Phục Sinh, Tái Tạo Sự Sống Mới – Công Trình Lòng Chúa Thương Xót

 

          Chúng ta đang ở trung tâm của việc cử hành mầu nhiệm cực thánh, Lễ Phục Sinh và Mầu Nhiệm Phục Sinh. Ơn huệ từ cuộc cử hành Đại Lễ đang đổ tràn xuống linh hồn con người và cho toàn thể vũ trụ. Ơn huệ cao trọng dành cho con người: ” được xóa tội lỗi và được sống lại phần linh hồn“. Ơn phúc dành cho vũ trụ vạn vật: tái tạo moi sự nên mới.

 

  • Phục sinh, tái tạo sự sống phần linh hồn, công trình lòng thương xót

          “Tại sao tìm Người sống ở giữa kẻ chết? Người  đã chỗi dậy rồi”. Màn đêm đem dầy đặc, mùi tử khí vẫn đang bủa vây con người. Con người vẫn đang đi và hướng lòng về sự chết :” tìm người sống ở giữa kẻ chết“. Hòn đá của sự nguyền rủa, hòn đá của sức nặng án phạt tội lỗi từ ngàn đời đè lên con người. Nhưng hòn đá đã đó nay bị bật tung, Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết: ” Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi“.

          Người đã chỗi dậy rồi! Thiên Chúa Cha, do lòng thương xót đã phục sinh Đức Kito từ cõi chết, Ngài trao lại thần khí sự sống cho Đức Kitô. Được phục sinh, Đức Kitô, theo lòng nhân hậu của Cha, cũng trao ban hồng ân sự sống, là xóa sạch án phạt tội lỗi và làm sống lại phần linh hồn cho con người

          Con người, được sống lại về phần linh hồn, đã nhận ra đây là công trình kỳ diệu của lòng Chúa thương xót. Thiên Chúa, bản chất là “lòng thương xót” nên Ngài trao ban sự sống và phục hồi sinh linh. Ngài ban sự sống cho linh hồn con người khi tác tạo con người từ bụi đất. Vì có sự sống, con người vốn là bụi đất đã trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa (bài đọc I). Ngài gìn giữ sự sống cho con người để không bị sát tế ( bài đọc II), không bị giết hại hàng loạt, chết chìm dưới Biển Đỏ ( III). Dù con người tiếp tục phạm tội, phạm tội chồng chất, làm cho sự sống linh hồn thể xác ra xấu xa hư hỏng, Thiên Chúa không mệt mỏi thực thi lòng thương xót, khi tái tạo cho con người một sự sống mới, sự sống không chỉ là hơi thở, chuyển động của thân xác, nhưng với trái tim để yêu thương và thần khí mới đặt vào lòng (Bài đọc VI- V- VI- VII). Và ở đỉnh cao, Đức Kitô đã chết để chuộc lại sự sống linh hồn cho con người (Bài đọcTân Ước).

           Giáo Hội đã nhìn thấy và cảm nhận hồng ân sự sống từ lòng lân tuất của Chúa Cha, ngang qua cuộc tử nạn phục sinh của Chúa Giêsu, ví như nước, từ bàn thờ cử hành Thánh Thể chảy tuôn ra, đã vui xướng reo lên: ” Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu độ và reo lên, Alleluia, Alleluia!” Nhưng chẳng phải chỉ có con người được tái tạo sự sống, mà tất cả vạn vật đều được tái tạo nhờ ân huệ Đấng Phục Sinh.

  • Phục sinh, làm cho mọi sự nên mới

          Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, ở giờ Chúa Giêsu chịu chết, trời u ám, đất chuyển động, đá vỡ ra, màn đền thờ xé ra, con người sầu buồn tê tái, xen vào đó đám đông hung dữ, đang thốt ra những lời nguyền rủa, chửi thề, rồi có nước giấm chua, mật đắng, gai nhọn, đinh sắt, lưỡi đòng, thập giá. Tất cả là dấu hiệu nguyền rủa, của án lệnh sự chết.

          Nhưng những giờ khác của tối đen chấm dứt, ngày mới đầy ánh sáng huy hoàng đang ló rạng. Đức Giêsu Phục Sinh khải hoàn. Tin mừng phục sinh được loan đi, ân huệ phục sinh thấm nhập và ẩn tàng trong mợi cơ cấu, mọi tạo vật, ngay cả trong tội lỗi và sự chết của con người. Tất cả đã được biển đổi, mang ân huệ Đấng Phục Sinh. Tiếng nhạc, lời ca mang âm điệu tử khí, sầu buồn tê tái, lời nguyền rủa, nhường lại cho khúc khải hoàn ca Alleluia. Mầu tím thời gian và phụng vụ thánh được thay bằng mầu đỏ, mầu vàng, mầu trắng, biểu tượng của sự chiến thắng, tạ ơn, ân sủng và niềm vui hân hoan. Lửa tự nhiên được lấy thắp lên cây nến phục sinh vừa được làm phép đã trở thành biểu tượng ánh sáng Chúa Kitô. Nước, tạo vật nhỏ bé tầm thường, được làm phép, mang lấy ân huệ phục sinh đã có sức thánh hóa, rửa tội, làm cho con người và mọi vật được được thánh  hóa, mang ấn tích của Thiên Chúa. Bánh và rượu, lấy ra từ thành quả của sáng tạo và lao công con người, nó chỉ là đồ ăn thức uống, nhưng khi nhận được lời quyền năng thánh hóa của Thánh Thần phục sinh, đã trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh Giá, roi đòn, đinh sắt lưỡi đòng, dấm chua, mật đắng, gai nhọn, dụng cụ hành hình, giờ trở thành vật thánh, mang ân huệ Đấng Cứu Độ. Và ngay cả đến tội, sự chết cũng trở thành hồng phúc. Giáo Hội đã xướng lên ở bài Exultet: ” Ôi! tội đã trở thành hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Đấng Cứu Tinh Cao Cả dường này“.

          Vâng, đó là ân sủng lớn lao của Chúa Cha – Đấng giầu lòng thương xót và của Đấng Phục Sinh ban tặng và đó cũng là công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.

  • Phục sinh của ngày hôm nay

          Nhận lãnh ân huệ phục sinh, chúng ta phải sống thế nào và phải làm gì cho Tin mừng Phục sinh ngày hôm nay?

          Chúng ta được sống lại phần linh hồn, vậy phải sống mãi trong ân sủng để làm sáng lên vẻ đẹp của linh hồn. Chúng ta và cả những ai, đang ở trong tình trạng tội lỗi, án phạt sự chết, những người mê muội lầm lạc, những người vô thần phủ nhận Thiên Chúa, những người chống đối đạo, ghét đạo, rồi các tín hữu có đạo mà lạnh nhạt, dốt nát ít hiểu biết về đạo, bỏ đạo và cả những người tu sĩ đang sống khô khan, để linh hồn ra cằn cỗi, tội lỗi… Chúng ta, hãy bật tung tảng đá của quá khứ tội lỗi, của hẹp hòi ích kỷ, của ghen ghét, của sự lười biếng,  để Đức Kitô Phục Sinh chỗi dậy đổi mới tận căn con người chúng ta và để cùng Ngài, giúp cho các tội nhân mọi phương thế hầu được đón nhận ơn phục sinh. Trong năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxico dạy chúng ta phải tỏ lòng thương xót, khi lo “thương xác bảy mối“, nhưng quan trọng nữa “thương linh hồn bảy mối“. Hãy lấy lời lành mà khuyên người; mở dạy kẻ mê muội; tha kẻ dể ta; nhịn kẻ mất lòng ta và cầu nguyện cho người sống và người chết. Đó là chúng ta đang làm cho ơn huệ phục sinh lớn lên và đổi mới linh hồn con người.

            Phục sinh làm cho mọi sự nên mới. Thập giá, đau khổ, và những dụng cụ hành hình, Đức Kitô chịu lấy và Ngài phục sinh để biến đổi nên giá cứu chuộc, Thập giá đã trở thành Thánh Giá.  Chúng ta đừng biến nó thành khí cụ của bạo lực, gây thương tích, tàn ác, bất công, giết chết, nhưng hãy dùng nó phục vụ cho thiện ích con người, cho hòa bình và niềm tin tôn giáo của mọi người. Mọi tạo vật trong thiên nhiên, như nước, lửa, lúa mì, rượu nho, dầu thơm, hương trầm, và mọi hoa trái thảo mộc khác, đều được hiển linh chói sáng trong mầu nhiệm sáng tạo và phục sinh của Thiên Chúa. Hãy dùng chúng phục vụ ơn sự sống, ơn cứu độ con người; đừng hủy diệt, cũng đừng tàn ác biến chúng ra độc hại, nên thù địch của con người.

          Vâng, chúng ta đang nhận lãnh biết bao ân huệ phục sinh trong đêm rất thánh và những ngày thánh này. Thánh Lễ Phục Sinh đang được cử hành cách long trọng và bài ca Alleuia – Mừng Chúa Phục Sinh đang được hát vang, diễn tả niềm vui và ân huệ phục sinh đang đổ xuống tràn đầy hồn xác chúng ta. Nhưng thánh lễ Phục Sinh và bài ca Alleluia ở đây và ở ngoài ngôi thánh đường này, cũng như ở mọi nơi thế giới vẫn còn tương phản nhau. Ở nơi chúng ta đang sống, đất nước này và mọi nơi, sự tàn ác và bạo lực, giết chết sự sống không thuyên giảm nhưng cứ mãi gia tăng. Nhiều nơi, như ở Trung Đông, các anh chị em Kitô hữu ngày ngày bị bách hại, giết chết đẫm máu. Bao tiếng đau khổ rên xiết đang vang lên khắp cùng cõi đất. Được nhận lãnh ân huệ phục sinh, chúng ta được thúc dục hãy nhìn ra thế giới, tới những “vùng ngoại biên” để làm một việc gì cụ thể của lòng xót thương, dù chỉ là một lời cầu nguyện chân thành, một chút hy sinh từ bỏ, sự sẻ chia thông cảm, một nghĩa cử thứ tha và sống tình huynh đệ, để cùng với Đấng phục sinh đến tái tạo sự sống cho thế giới

            Lạy Đấng Phục Sinh, xin cho chúng con được sống lại về phần linh hồn và cũng xin cho chúng con biết loan truyền công trình lòng thương xót, là làm cho ơn huệ phục sinh được lớn mạnh nơi lòng con người và ngang qua mọi thụ tạo vạn vật. Amen.                                        

                                                                                        

       Suy niệm 6: Phục Sinh, Cuộc Chiến Bền Bỉ Cho Sự Sống Hôm Qua và Hôm Nay

Đức Giêsu Phục Sinh, một biến cố trọng đại, siêu việt lịch sử, thời gian và không gian. Con người dù có ra công suy tư và tốn bao giấy mực để nghiên cứu, chú giải vẫn không thoả đáng.  Phục sinh mãi mãi là một mầu nhiệm khôn dò. Nhiều người nghĩ rằng, sự phục sinh của Đức Kito chẳng qua là sự can thiệp một cách ngoạn mục của Thiên Chúa. Hoặc Thiên Chúa làm cho Đức Kito chịu chết một cách rất êm dịu, nhẹ nhàng, giống như người chìm trong giấc ngủ rồi lại được đánh thức dậy. Không, Đức Kito phục sinh từ cuộc chiến khải hoàn, đầy cam go và từ những đau khổ, ác độc ghê rợn nhất của con người.

  • Phục sinh, cuộc chiến sự sống khải hoàn

Phụng vụ qua các nghi thức và các bài đọc Kinh thánh, diễn giải và cho chúng ta sống lại kinh nghiệm đức tin về sự phục sinh của Chúa ngang qua cuộc chiến với tội lỗi và sự chết.

Bắt đầu cuộc lễ, chúng ta chìm trong bóng tối. Đó là bóng tối của sự chết, vì Đức Kito đang nghỉ trong mồ. Vị chủ tế làm phép cây nến Phục Sinh, lửa và thắp sáng lên cây nến phục sinh. Một chút ánh sáng bừng lên trong đêm tối. Đó mang ý nghĩa rằng, sự phục sinh của Đức Kito, mới chỉ là tin đồn, vẫn còn trong ngờ vực, còn trong sợ hãi, ví như chút nhỏ ánh sáng đang léo lên trong đêm tối. Tiếp theo, thầy phó tế công bố: “Ánh sáng CHúa Kitô!” Mọi người lấy ánh sáng từ cây nến phục sinh để đốt lên cây nến của mình. Ánh sáng từ cây nến Phục sinh sáng lên thêm và lan rộng ra qua các nến nhỏ. Thầy phó tế lại công bố lần 2 và lần 3: “Ánh sáng đức Kito!” Lúc này, ánh sáng được bừng lên và lan tràn chiếu sáng khắp nơi. Ý nghĩa tượng trưng cho thấy, sự phục sinh của Đức Kito là ánh sáng đã bừng lên đang xua tan và đuổi xa đêm tối tội lỗi đang vây bọc con người.

Tiếp đến, Tin mừng Phục Sinh được long trọng công bố và sau đó là các bài đọc Cựu ước. Phần này diễn giải ý nghĩa, nhờ Tin mừng Đức Kito Phục sinh, ví như ánh sáng soi đường, chúng ta mới có thể quay ngược trở lại quá khứ, để nhìn xem, để hiểu được ý nghĩa của kế hoạch kỳ diệu Thiên Chúa cứu độ. Thiên Chúa đã cứu độ con người, ngang qua lịch sử sáng tạo, ngang qua các biến cố, những con người ( bẩy bài đọc CƯ). Cuộc vượt qua của dân Chúa theo dòng thời gian, đi tới tâm điểm cứu độ, thật không mấy xuôi thuận tốt đẹp. Thiên Chúa biết bao phen chịu nhiều cay đắng vì sự cứng lòng, bất trung, bất tín và tội phản loạn của con người.

 Đức Kito phục sinh đã chiến thắng và Ngài đã vượt lên tất cả. Ngài dẫn con người thuộc lịch sử quá khứ về tới trung tâm cuộc Vượt Qua,  và ở đó Ngài cho họ thấy, Ngài đã phải trả giá đắt là chịu chết khổ hình vì họ. Họ gặp được Ngài, được Ngài cứu chuộc nên họ đầy hân hoan phấn khởi, cùng với muôn thụ tạo, hát lên bài tán tụng ngợi khen. Bởi vậy, sau bẩy bài đọc cựu ước, chủ tế xướng kinh vinh danh, rồi đọc bài Tân ước, xướng điệp ca uy hùng khải hoàn Alleuia. Phần phụng vụ chuyển tiếp này, đầy vẻ uy hùng phấn khởi, tiếng ca hòa với tiếng đàn, tiếng chuông. Đó là giờ của reo vui hớn hở của cả tạo thành vì đã được cứu chuộc khỏi sự chết và án phạt đời đời. Đó là giờ báo hiệu cuộc chiến cho sự sống tràn đầy viên mãn, vì Đức Kito đã chiến thắng, mang về cho Thiên Chúa đoàn người đã được cứu chuộc. Hạnh phúc cho chúng ta đang được hưởng nhờ các ân huệ phục sinh và đang ở trong chính trọng tâm cuộc cử hành này.

  • Phục Sinh, Cuộc chiến bền bỉ cho sự sống hôm nay

Đức Giêsu phục sinh từ trong kẻ chết đầy vinh quang nhưng cũng là Đức Kito đã mang đầy thương tích. Chúng ta nhận lãnh ơn huệ phục sinh chẳng phải bởi một cảm giác thoải mái và dễ dàng. Đó là cuộc chiến bền bỉ, dài hạn, gặp đầy đau khổ và sẽ mang lấy thương tích.

Chúng ta, như Thánh Phaolo chỉ cho ( bài đọc TƯ) là, phải tẩy rửa cuộc đời trong sự chết của Chúa, phải đóng đinh vào thập giá con người cũ, cùng với các hành vi xác thịt đam mê. Đó là cuộc chiến cam go để dành cho được sống và ân huệ phục sinh. Rồi chúng ta cũng như Maria Magdala, gặp Đấng Phục Sinh, không phải ở đó ôm chân Chúa, sốn và giữ niềm vui phục sinh cho riêng mình mà phải theo lệnh của Đức Kito, ” Hãy đi loan báo cho anh em… và Ta sẽ gặp họ ở Galilêa!“.

Galiea chính là điểm hẹn của Đấng Phục Sinh. Đó là địa bàn của thế gian này. Người môn đệ được Đấng Phục Sinh hẹn gặp, không chỉ là cho một cuộc họp mặt thân mật, mà sẽ cho họ biết, họ phải đi lại con đường thừa sai, ngang qua sự khốn khổ, ngang qua bão tố, thập giá, để thâu về cho TC. sự sống và các linh hồn.

Đức Giáo Hoàng Phanxico của chúng ta khi nhìn thế giới hiện tại Ngài đã phải kêu lên: Đúng là nhiều lần dường như không có Thiên Chúa, vì sự bất công, gian ác, thờ ơ và tàn nhẫn không thuyên giảm lại gia tăng”. Quả là thế giới chúng ta đang sống, không giảm mà gia tăng bạo lực, khủng bố man rợ, giết chết và các tội ác luân lý ghê gớm.

Nhìn Galiea trần gian hôm nay như vậy, ĐGH đã không thất vọng nhưng càng xác tín: “Chúng ta  chắc chắn rằng ở giữa bóng tối luôn luôn bắt đầu nở ra một điều gì đó mới, sớm hay muộn cũng sinh hoa trái…. Sẽ có nhiều điều xấu, nhưng điều tốt luôn luôn có khuynh hướng quay lại nở hoa và lan tràn. Mỗi ngày trên thế giới cái đẹp tái sinh, mọc lên được biến đổi qua những thảm kịch của lịch sử..” .Và Ngài xác quyết thêm : ” Thực ra, nhân loại được tái sinh nhiều lần từ những tình trạng dường như không thể đảo ngược được và đó chính là “sức mạnh của sự sống lại”. Từ xác tín vững chắc vào sự sống và ân huệ phục sinh sẽ biến đổi tất cả, Ngài như ra lệnh cho chúng ta : ” Chúng ta phải là công cụ cho sức mạnh sự phục sinh này” ( x. NVPA số 276).

          Mike Pence, Phó Tổng Thống của Hoa Kỳ, là tín hữu Công Giáo, người ủng hộ mạnh mẽ cho sự sống.  Ông là người của cuộc chiến cùng với Đức Kito phục sinh, dành dật sự sống về cho Thiên Chúa. Chính ông là vị phó tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đã xuống đường ngày 27/01/2017 vừa qua, để tham dự cuộc tuần hành thứ 44 cho sự sống. Trong diễn từ trước đông đảo những người phò sinh, Phó Tổng thống nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ… Chắc chắn chúng ta sẽ không mệt mỏi, chúng ta sẽ không ngơi nghỉ, cho đến khi chúng ta phục hồi lại nền văn hóa sự sống tại Mỹ cho chính chúng ta và cho con cháu chúng ta.”

Chúng ta phải là người không biết mệt mỏi nghỉ ngơi, sống, làm chứng, đôi khi phải lâm trận chiến cho Tin mừng Phục Sinh, Tin mừng sự sống trên thế gian này. Mục sư Jimmy người Mỹ- Cha của mục sư Rick Warren, người say mê các linh hồn, đã xây dựng 150 ngôi nhà thờ trên thế giới. Tuần lễ cuối cùng cuộc đời, ông chìm trong mê sảng, miệng cứ lẩm bẩm điều gì mà không nói ra lời. Chợt một buổi chiều, trước giờ lâm tử, ở trở nên mạnh hơn, chỗi dậy khỏi giường, mọi người nói ông nằm xuống, nhưng ông vẫn cố đứng lên và mạnh mẽ nói lời sau cùng : “Phải cứu thêm một người nữa cho Đức Giêsu! Phải cứu thêm một người nữa cho Đức Giesu! Phải cứu thêm một người nữa cho Đức Giesu!” Rồi sau đó ông mới bình an ra đi. ( Sách Sống Theo Mục Đích, tr. 363).

            Vâng, “hãy cứu thêm một người nữa cho Đức Kito Phục sinh!” Cụ thể, hãy làm một việc như cầu nguyện kiên trì cho một người được ơn trở lại; Hướng dẫn một người vào đạo, nhận lãnh phép rửa tội. Chỉ cho ai đó bỏ đường tội lỗi, phục hồi lại nếp sống luân lý tốt lành; Bảo vệ và khuyên một người nữ bó ý định giết con khi còn là bào thai; mạnh mẽ chống lại và lên án những người, những tổ chức xã hội đang gieo rắc nền văn hóa sự chết, nô lệ tình dục, bạo lực, đàn áp…  Đó chính là loan báo tin mừng Phục sinh và cũng chính là cuộc chiến bền bỉ cho sự sống cùng với Đấng Phục Sinh. 

Chúa đã phục sinh, xin ban ơn bình an, sự sống và sự sống lại về phần linh hồn cho chúng con và thế giới này Alleluia!

                                                                                          

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Châu Sơn Nho Quan: Thánh Lễ An Táng thầy Gioan Thiên Chúa

  TRONG CHÚA KITÔ Kn 4,7-15; Rm 6,3-4.8-9; Mc 15,33-39 Châu sơn mồng Hai Tết Giáp Thìn Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt Hai giờ chiều ngày 30 Tết...

Mùa Xuân đích thực

MÙA XUÂN ĐÍCH THỰC Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48 Lễ Đưa Chân thầy Gioan Thiên Chúa Châu sơn mồng Một Tết Giáp Thìn, Đức tổng Giuse...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Cảm nhận của một bạn sinh viên trẻ khi đến tĩnh tâm tại Đan viện

CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN SINH VIÊN TRẺ KHI ĐẾN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN Martha Hoàng Mai Tôi là một cô gái với sức sống...

Bài giảng Lễ Cung Hiến Thánh Đường Đan viện Châu Sơn Nho Quan của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Kỷ niệm Cung hiến Thánh đường Đan viện Nho quan Ngày 04 - 11- 2023 CHÚA GIÊSU LÀ ĐỀN THỜ Ed 47,1-2.8-9.12; 1Cr 3,9c-11.16-17; Ga 2,13-22 Đức TGM...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt dâng thánh lễ thứ 3 tại đất thánh

Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Dâng Thánh Lễ Thứ 3 Tại Đất Thánh Của Đan Viện Ngày 02...

Tản mạn cuối thu

TẢN MẠN CUỐI THU Du Thăng Cái se se lạnh, cái nắng vàng và một chút gió heo may của cuối thu, làm cho tâm hồn...

“Em” tìm gì? cảm nghĩ của một linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Châu...

“Em” tìm gì? Cảm nghĩ của một Linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Thánh Mẫu...

Thánh lễ đưa chân thầy M. Phêrô Khoa: Làm chứng về lòng thương xót (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ thánh Phaolô trở lại LÀM CHỨNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT Ac 3,17-26; Cv 22,3-16; Mc 16,15-18 Lễ Đưa Chân thày Phêrô Khoa Châu sơn 25-01-2023   Đức TGM Giuse...

Cáo phó: Thầy Phêrô Khoa Trần Văn Thướng

  CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn kính báo Đan sĩ M. Phêrô Khoa Trần Văn Thướng, O.Cist. sinh...