Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

CÁC BÀI SUY NIỆM TM TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN, B (Lm. Hiền Lâm)

 

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN, NĂM B

 

THỨ HAI TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Thánh Teresa HĐGS, TSHT. Lễ kính

 

THỨ BA TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Các thiên thần bản mệnh. Lễ nhớ

 

THỨ TƯ TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 

Hình ảnh có liên quan

 

 

Các bài chia sẻ: Lm. Hiền Lâm


Kết quả hình ảnh cho hình ảnh xuân, gif

 


CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN, NĂM B

 

I. ĐỌC TIN MỪNG:  Mc 9,38-43.45.47-48.

Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. 

 

II. SUY NIỆM

“LÒNG BÁC ÁI”

Chủ đề Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật XXVI Thường Niên năm B, nhấn mạnh đến “Lòng Bác Ái”. Cụ thể là: Trong Bài đọc I, sách Dân Số kể chuyện ông Giô-suê muốn ông Mô-sê ngăn cấm người khác nói tiên tri, cho thấy sự ganh tỵ độc quyền… còn Bài đọc II, thư thánh Gia-cô-bê đã lên án những ai để của cải cho mối mọt ten sét ăn mà không biết chia sẻ cho người nghèo khổ.

Riêng bài Tin Mừng, thì những lời dạy của Chúa Giê-su nói đến lòng bác ái cách cụ thể qua việc: không ganh tỵ bon chen, không gây cớ vấp phạn cho nhau, nhưng sẵn sàng giúp đỡ nhau trong khả năng của mình dù chỉ là một bát nước lã…

 

1. Sự ghanh tỵ – độc quyền.

Mở đầu bài Tin Mừng là chuyện môn đệ Gioan đến báo cáo với Chúa Giêsu là có người dám nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã can ngăn “vì họ làm như thế là mất quyền lợi tinh thần cũng như vật chất của chúng ta”. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời: “Ngăn làm gì, ai không chống lại ta là ủng hộ ta”.

Việc nhân danh Chúa để xua trừ ma quỷ và cứu giúp người luôn luôn là việc tốt. Nhân danh Chúa chứ có phải nhân danh tà thần nào đâu mà phải ngăn cản?

Thế nhưng, nếu dám nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta sẽ thấy ngay một thực tế là:

– Không thiếu vị giữ cho mình cái đặc quyền nhân danh Chúa để loan giảng Tin Mừng, sợ “mất quyền lợi” hoặc “nhỏ đi miếng bánh” hay “ảnh hưởng đến thế giá” và ganh tỵ với những người khác, dù ai cũng có quyền làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế mà không ngược với đức tin Kitô Giáo. 

– Đôi khi cộng đoàn này phản đối cộng đoàn kia, nhóm từ thiện này lên án nhóm từ thiện nọ, và ai cũng nhân danh Chúa để khiển trách các hoạt động của nhau.

– Đành rằng Giáo Hội là duy nhất và tông truyền rất cần đến cơ cấu phẩm trật, nhưng không vì thế mà làm hạn chế sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Chúa trao phó cho hết mọi người từ khi lãnh bí tích Rửa Tội. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho Chúa được vinh danh nơi bậc sống của mình. 

Vườn hoa Giáo Hội Chúa thì muôn màu muôn vẻ, nhưng cùng góp chung tô điểm cho Nước Chúa thêm xinh đẹp rạng rỡ; cánh đồng truyền giáo bao la rất cần đến nhiều sáng kiến từ các cá nhân, hội đoàn và các linh đạo hoạt động mới.

Là người con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta không ganh tỵ với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân. Đồng thời bằng sức mạnh của Lời Chúa và đời sống cầu nguyện, chúng ta cùng với Chúa Giêsu xua trừ những âm mưu ma quỷ ra khỏi bản thân, gia đình và giáo xứ chúng ta.

 

2. Hoa trái của lòng bác ái.

“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).

Trên một bia mộ kia có khắc dòng chữ:

“Tôi đã mất những gì tôi xài phí

Chỉ còn lại những gì đã cho đi”.

Cái kết khủng khiếp của phận người là không thể mang được bất cứ một thứ của cải vật chất nào theo mình về thế giới bên kia, bởi tất cả sẽ ở lại sau cái chết. Thế nhưng con người cứ lo vun vén và giữ khư khư nó, giữ lại đến mức dư thừa mà không chia sẻ cho người đói khát bất hạnh, lo thu tích để rồi lúc chết đi phải để lại cho người khác tận hưởng. Họ không ý thức được rằng, chỉ có lòng bác ái và những gì chia sẻ cho tha nhân vì tình yêu thương thì sẽ theo họ về cõi vĩnh hằng.

Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại ở việc cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này.

 

3. Đừng làm cớ cho người khác vấp ngã.

“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).

Sống trong thế giới, vàng thau lẫn lộn, gương tốt thì ít và gương xấu lại quá nhiều. Ngày nay, phương tiện truyền thông là con dao hai lưỡi khiến những gương mù gương xấu dễ tràn lan và đầu độc con người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn và dễ bắt chước hơn. 

Chúa Giêsu tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc đối với những người gây cớ làm cho người khác phạm tội, đặc biệt là ngăn cản người khác đến với Thiên Chúa: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã, thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn”. Chúa Giêsu răn đe cương quyết kẻ làm người khác sa ngã vì đó là tiếp tay với ma quỷ, làm gương xấu cho anh em, cho người khác.

Vì thế, mọi người con Chúa cần phải cẩn trọng giữ mình, biết biện phân trước mọi thông tin và hình ảnh tốt xấu, biết tránh nên cớ vấp phạm cho tha nhân, và đặc biệt làm cho gương sáng và cái tốt được nhân rộng để lấn át bớt sự dữ đang hoành hành.

Giống như đám cỏ gấu không thể diệt sạch được vì nó có rễ sâu, nhưng chúng sẽ bị lấn át khi chúng ta trồng khoai lang vào. Cũng thế, gương xấu tự nó không thể nhổ sạch, nhưng nhân đức sẽ lấn át nó dần dần làm cho sự xấu chết hẳn. Điều đáng ghi nhận là hiện nay nhiều người đã biết dùng những sinh hoạt và trò chơi lành mạnh để thay thế và giúp giới trẻ quên dần những tệ nạn. “Không ai làm tôi hai chủ” nếu chúng ta lo tìm kiếm những điều tốt, thì tự nó cái xấu sẽ lụi tàn.

Việc Chúa Giêsu nói cái gì trở nên dịp tội thì hãy lo cắt đi, chấp nhận mất một bộ phận mà tránh được hoả ngục. Ở đây không hiểu theo nghĩa đen là phải chặt tay móc mắt, vì nếu thế thì không còn ai toàn vẹn vì bản năng yếu đuối của con người. Điều Chúa muốn nói ở đây là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phải cất đi và xa lánh những nguy cơ có thể đẩy chúng ta đến phạm tội, dù phải chấp nhận phần thiệt về mình, như lánh xa những ấn phẩm đen, không đến những nơi chốn không thích hợp, tránh dùng những thức uống làm mình mất kiểm soát…

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con ý thức về tinh thần bác ái Kitô Giáo mà luôn sẵn lòng đóng góp phần mình trong khả năng có thể, để giúp đỡ những ai nghèo khổ và bất hạnh. Xin cũng cho chúng con biết xa lánh những dịp tội, cũng như không làm cớ cho ai vấp phạm mà xa lìa danh Chúa. Amen.

 

 

THỨ HAI TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 Ngày 01-10: Lễ thánh Tê-rê-xa HĐGS

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18,1-5

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? ” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

“Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.

 

II. SUY NIỆM.

Ngày lễ kính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, là bổn mạng các xứ truyền giáo, Phụng vụ Giáo hội cho đọc bài Tin Mừng Chúa Giêsu dạy các môn đệ sống đơn sơ và phó thác vào Chúa. Đây là điều mà thánh nữ đã chọn làm con đường thiêng liêng.

Bài Tin Mừng kể lại chuyện các môn đệ dám đến hỏi thẳng với Chúa Giêsu xem khi Người lập quốc thì ai sẽ làm quan to nhất trong nước đó. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp ai to ai nhỏ, nhưng Người đưa ra một hình ảnh trẻ thơ để dạy mọi người sống tinh thần khiêm tốn, đơn sơ và trong sạch.

 

1. Nước trời dành cho những tâm hồn bé mọn.

– Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.

– Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán ki bo hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn…

– Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.

– Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.

 

2. Tinh thần tự hạ.

“Vậy ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, thì là người lớn nhất trong Nước Trời”.

– Cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…

– Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ngài hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài.

– Chúa Giêsu không trả lời ai to ai nhỏ trong Nước Trời, mà chỉ đưa ra một “mẫu người” sẽ trở thành lớn nhất trong Nước Trời đó là nên như trẻ nhỏ, và Ngài nhấn mạnh rằng: “Ai muốn làm lớn thì phải có tự hạ nên như trẻ nhỏ”.

 

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng kính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng, một tấm gương nên bé nhỏ, đơn sơ phó thác và trong trắng. Thánh nhân chỉ sống ở trần gian hai mươi bốn năm, chôn mình trong bốn bức tường của dòng kín, không bôn ba rao giảng Tin Mừng hay làm chức này quyền nọ trong Giáo Hội; ấy thế mà đã được phong làm Tiến Sĩ Hội Thánh và Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo (trong đó có Việt Nam chúng ta). Đây là tấm gương thiết thực nhất mà tất cả mọi người chúng ta ai cũng làm được. Chúng ta dù sống trong bậc sống nào và bất cứ nơi đâu cũng truyền giáo được, noi gương thánh nữ Têrêxa truyền giáo bằng gương sống đạo đức của mình. Đặc biệt, làm tất cả mọi việc vì TÌNH YÊU dành cho Chúa và tha nhân

 

Lạy Chúa Chúa Giêsu, xin ban cho mọi người chúng con có tinh thần đơn sơ và tấm lòng trong trắng như trẻ thơ, để chúng con đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu, hăng say phục vụ vô vị lợi và bao dung với tội nhân để giúp họ quay trở về với Chúa. Amen.

 

 

 

THỨ BA TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 Ngày 02-10: Các thiên thần hộ thủ

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18,1-5.10

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? ” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

“Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

 

II. SUY NIỆM

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng, Thiên Chúa đã dựng nên hai loài thượng đẳng. Đó là thiên thần và con người. Thiên thần thì thiêng liêng vô hình, còn con người thì vừa có hồn thiêng vừa có thân xác hữu hạn.

Sứ vụ của các thiên thần là để phục vụ Thiên Chúa và trợ giúp con người. Giáo hội tin tưởng rằng, mỗi người đều có một thiên thần hằng ngày đêm trợ giúp và dâng lên Thiên Chúa mọi công việc của con người. Các thiên thần đồng hành với con người như thế cũng gọi là “thiên thần bản mệnh” hoặc là “thiên thần hộ thủ”. Có thể nói có bao nhiêu tỉ người thì cũng có bấy nhiêu vị thiên thần được Chúa sai đến hộ giúp. Điều này cho thấy Lòng Thương Xót lớn lao của Thiên Chúa dành cho con người, đến cả việc sai thiên thần “phục vụ” con người.

Có thế nói, mầu nhiệm về các thiên thần là mầu nhiệm của Tình yêu diệu vời của Thiên Chúa dành cho con người, đến cả các thiên thần của Người cũng được cử đến để phục vụ con người. Thế nên, việc cử hành lễ các thiên thần hộ thủ là ca ngợi Tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời ý thức hơn về đời sống của mình để không làm buồn lòng các thiên thần được Chúa cử đến đồng hành với chúng ta, và biết luôn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.
Chúng ta cùng suy niệm một vài ý về sứ vụ và đời sống thiên thần:

Mạc khải Thánh Kinh cho chúng ta biết về sự hiện hữu của các thiên thần và danh gọi dựa trên sứ vụ của các ngài. Thánh Kinh ghi nhận cách thức hoạt động của các thiên thần trong triều đình Thiên quốc cũng tựa như nơi cách tổ chức các cấp vị nơi vương triều trần thế. Thánh Kinh ghi nhận nơi triều đình thiên quốc có các vị là “thần hộ giá” (Cherubim) tựa như các các vị quan đi theo xa giá của nhà vua; có các vị là “thần văn nghệ” (Xêraphim) lo việc ca hát chúc tụng Thiên Chúa…

Riêng các thiên thần mà chúng ta mừng lễ hôm nay được gọi là “thiên thần hộ thủ” hay “thiên thần bản mệnh” được Chúa sai đi, đồng hành giúp đỡ từng người và trình lên Thiên Chúa mọi công việc của con người.
Ngay từ thời Cựu Ước, người Do-thái đã tin có sự hiện diện của các thiên thần bản mệnh: như trong sách Xuất Hành (bài đọc I) viết: “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn.Trước mặt người, hãy ý tứ và nghe lời người. Đừng làm cho người phải chịu cay đắng; người sẽ không tha lỗi cho các ngươi, vì danh Ta ngự trong người” (Xh 23,20-21); trong thánh vịnh 91 cũng ghi: “Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Tv 91,12).

Niềm tin Kitô giáo tin nhận mỗi người có một vị thiên thần hộ mạng, vị này sẽ săn sóc giữ gìn từng người và trình lên Thiên Chúa mọi tư tưởng và hành vi của con người, đồng thời làm trung gian bảo trợ và chuyển cầu cho con người. Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta điều đó: “”Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.
Như thế, có thể nói, có bao nhiêu con người trên thế giới này thì cũng có bấy nhiêu thiên thần phụng mệnh Thiên Chúa đến để đồng hành với con người. Điều mà Chúa muốn là biết vâng theo sự hướng dẫn của thiên thần bản mệnh, để sống xứng đáng làm con cái Chúa (x. Xh 23-20-21) là biết sống trong sạch theo “đời sống các thiên thần”.

Ngày lễ kính thiên thần hộ thủ, Phụng vụ Giáo hội lại cho đọc lại một lần nữa bài Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu đem một trẻ nhỏ làm hình mẫu sống cho các môn đệ, trước hết nhằm nói lên sự trong sạch thanh thoát mà mọi Kitô hữu phải có trước mặt Thiên Chúa.
Trong bài giảng ngày phong bậc Tiến sĩ Hội thánh cho thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, Đức TC Gioan Phaolo II nói rằng: “Đời sống của thánh nữ Têrêxa với các nhân đức trong sạch như các thiên thần”. Chính Chúa Giêsu cũng từng khẳng định: “Ngày sống lại người ta sẽ như các thiên thần, không còn chuyện dựng vợ gả chồng”. Như thế, điều trước hết khi sánh ví về các thiên thần, mọi tác giả (kể cả những người ngoài ngoài công giáo) đều nói đến sự trong trắng thanh cao.
Thánh Stephano Hardingo gọi đời sống tu trì là đời sống thiên thần (vita angelica), bao gồm các chức năng: Là trung gian khi các thiên thần như một cầu nối dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa và các ngài lên lên xuống xuống trên con người, chúng ta đang hoạ lại sứ vụ trung gian chuyển cầu đó; là sứ giả khi các thiên thần truyền tải các sứ điệp của Thiên Chúa đến cho chúng ta, chúng ta cũng là những sứ giả của Tin Mừng; là Xêraphim (thần sốt mến) các ngài ngày đêm ca hát chúc tụng Thiên Chúa, sứ vụ này hoạ lại nơi đời sống cầu nguyện của chúng ta; là Cherubim (thần hộ giá) các ngài túc trực hầu cận Thiên Chúa và ở với Người, chúng ta cũng là những tôi tớ ngày đêm hầu cận Chúa.
Đặc biệt đời sống của các thiên thần nói lên sự thanh sạch, mà khi chúng ta sống trong sạch, chúng ta nên như các thiên thần.

 

Đời sống của thiên thần còn là đồng hành với con người, bảo trợ và dâng lời cầu thay nguyện giúp lên Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi nâng đỡ nhau trong cuộc sống vật chất và đồng hành khích lệ nhau trong đời sống đạo đức, đặc biệt luôn biết cầu nguyện cho nhau giữa cảnh đời tha hương lữ thứ này.

 

Lạy Chúa, ngày kính nhớ các thiên thần hộ thủ, xin cho chúng con biết ý thức có thiên thần hộ thủ Chúa dành cho riêng mình, để chúng con luôn sống dưới sự hiện diện của Chúa, với tinh thần phó thác và trong sạch, đồng thời biết sống tương giao giúp đỡ những người đang cần đến chúng con. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9,57-62

Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi! ” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

 

II. SUY NIỆM

Khác với những chưởng môn hay đạo trưởng khi chiêu tập môn sinh thường đưa ra những hứa hẹn cho tương lai xán lạn, Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay lại đưa ra những đòi hỏi quyết liệt và dứt khoát cho những ai muốn bước theo Người.

Chúa Giê-su đã trả lời cho hai trường hợp đến xin theo Người cùng chung một điều kiện là “từ bỏ”, từ bỏ những tìm kiếm mang tính trần thế và từ bỏ cả những vương vấn tình cảm, thậm chí là liên hệ ruột thịt.

Thánh Mát-thêu kể ra hai trường hợp: một kẻ “xin nhập tu” và một “người đang tu thì xin về phép thăm gia đình” (khác với thánh Lu-ca kể thêm trường hợp thứ ba là “cầm cày còn ngoảy lại sau” – nghĩa là kẻ tu mà đứng núi này trông núi nọ, bắt cá hai tay và vẫn tơ tưởng hoa thơm cỏ lạ bên đường – x. Lc 9,57-62).

Với trường hợp “tìm hiểu” thì Chúa Giê-su xác định điều kiện theo Người là lo tìm Chúa chứ không tìm được tiện nghi và quyền lực; còn trường hợp “xin về phép” thì Chúa Giê-su dạy tu thì lo tu chứ đừng vương vấn lo lắng chuyện gia đình nữa.

 

1. Từ bỏ quyền lực.

Một kinh sư tiến đến thưa Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Đức Giê-su trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,19-20).

Nhiều người khi nghe câu Tin Mừng này, thường giải thích theo nghĩa “khó nghèo” và cho rằng Chúa Giê-su nghèo đến mức thua cả con chồn con cáo, vô gia cư và ăn bờ ngủ bụi. Nhưng thực ra, Chúa tuy nghèo đấy nhưng Chúa có nhà cửa và khi Chúa chịu chết và Phục Sinh thì Mẹ Maria vẫn còn sống, vả lại các Tin Mừng vẫn kể chuyện Chúa đưa các môn đệ về ở nhà với Người (x. Ga 1,39).

Đúng hơn, Chúa Giê-su xác định cho ai muốn bước theo Người phải từ bỏ việc tìm kiếm quyền lực trần thế. Điều này được kể là tìm kiếm đầu tiên của các môn đệ và Chúa đã phải rất nhiều lần cảnh báo các ông hiểu lầm về sứ mạng của Người (các ông mong khi Chúa làm lớn thì các ông cũng được chức này quyền nọ, vinh thân phì gia), Gioan và Giacôbê thì đòi ngồi bên hữu bên tả, thậm chí đến khi Chúa sắp chịu Tử Nạn mà các ông vẫn còn lo cãi nhau ai sẽ làm làm lớn làm nhỏ; khi Chúa sống lại các ông còn hỏi là Thầy sắp lập vương quốc chưa?

Thật ra, đây là kiểu nói ẩn dụ mà Thánh Kinh thường sử dụng. Chồn cáo là loài rình rập trong bóng tối, ám chỉ Hê-rô-đê (x. Lc 13,32); trên cờ hiệu của lính Rô-ma (Phi-la-tô) có hình mỏ chim đại bàng. Hê-rô-đê và Phi-la-tô là đại diện cho hai thứ quyền lực bản địa và thực dân thời bấy giờ. Khi nói “chồn có hang, chim có tổ”, Chúa Giê-su muốn nói trước với kẻ xin theo Người rằng: Theo Hê-rô-đê tuy bù nhìn nhưng còn có quyền lực và danh vọng, theo Phi-la-tô còn có quyền công dân Rô-ma và thế giá mẫu quốc; còn theo Chúa Giê-su thì đừng mong gì quyền lợi thế trần, nhưng là hạ mình xuống phục vụ anh chị em mình.

Tin mừng kể rõ người đến xin theo Chúa ở đây là một kinh sư, chúng ta không biết là sau khi Chúa ra điều kiện từ bỏ, ông này có còn dám theo hay không, chỉ biết rằng trong Nhóm Mười Hai cũng có Bartolomeo là kinh sư.

Xét về giai cấp xã hội và tôn giáo Do-thái, tuy giới kinh sư không có thực quyền, nhưng họ có một chỗ đứng rất lớn về mặt tôn giáo trong việc giải thích Thánh Kinh và được mọi người kính trọng, một số thỏa hiệp với Rô-ma để có được những quyền lợi nhất định. Giới kinh sư không thiếu những người thích ăn mặc trịnh trọng, muốn được ăn trên ngồi trốc và muốn được mọi người chào hỏi… Và có lẽ chính vì vậy mà khi “vị kinh sư” này đến xin “đi tu” thì Chúa Giê-su xác định ngay từ đầu điều kiện “từ bỏ tư tưởng tìm kiếm quyền lực trần gian”.

Không riêng gì những người xin theo Chúa ngày xưa, ngày nay cũng không thiếu những người tìm theo Chúa, cách riêng trong ơn gọi tu trì, họ tìm gia nhập các dòng tu hay tu hội với mong muốn được đổi đời, được làm làm ông này bà nọ, để được kính trọng gọi là cha là soeur… phần vì ưa danh vọng phần vì áp lực gia đình dòng họ muốn đã đi tu thì phải làm cha hay làm chức gì đó có tiếng tăm, để rồi không thiếu những người đã tìm mọi cách, thậm chí dùng cả những thủ đọn thấp hèn để đạt mục đích.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức hơn chức vụ trong Hội Thánh là để phục vụ và hi sinh truyền giáo, chứ không phải để được kính nể trọng vọng. Nếu không, chúng ta cũng chẳng hơn gì những kinh sư giả hình xưa kia mà Chúa Giê-su từng lên án.

 

2. Từ bỏ những liên hệ tình cảm.

Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” (Mt 8, 21-22).

Trường hợp thứ hai này là một môn đệ, nghĩa là người đã đi theo Chúa rồi, chứ không phải mới đến xin “nhập tu” nữa.

Hôm nay môn đệ này đến xin Chúa Giê-su để “về phép”, có thể là muốn phụng dưỡng cha già mẹ yếu của mình cho đến khi cha mẹ chết rồi mới “vào tu tiếp”, mà không nhận ra được tính khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa, đi tu nhưng vẫn coi công việc gia đình cao hơn sứ vụ Chúa giao phó. Cũng có thể đó là một cái cớ người môn đệ này vịn để thoái thác; những bổn phận ấy của anh có lẽ chẳng qua là bổn phận thuộc về thế giới của “kẻ chết”.

Khi nghe lời quả quyết cách dứt khoát của Chúa Giê-su theo kiểu Người không thể mất thời giờ với những môn đệ không biết sẵn sàng hi sinh tất cả vì Tin Mừng, có lẽ không ít chúng ta cho rằng Chúa Giê-su đòi hỏi quá khắt khe chăng?

Thật ra, không phải Chúa Giê-su xem nhẹ đạo hiếu, nhưng Người muốn cho những ai đã chọn bước theo Chúa cần có sự siêu thoát, tự do lựa chọn chứ không ai ép buộc. Người muốn môn sinh phải ưu tiên cho việc Chúa hơn những tương quan khác. Đã chọn sứ vụ rao giảng Tin Mừng thì phải giảm thiểu tối đa những vương vấn gia đình.

“Kẻ chết chôn kẻ chết”. Với cách diễn đạt của Tin Mừng, khi chọn theo Chúa là đang bước vào cõi sống, được Chúa làm gia nghiệp là đạt đến sự sống đời đời; còn không theo Chúa là vẫn đang bị giam giữ dưới quyền lực sự chết phần linh hồn. Vì thế, cứ để thể gian lo chuyện sống chết thể lý, còn người theo Chúa lo rao giảng Tin Mừng về sự sống đời đời cho những ai còn đang ở trong bóng tối sự chết ấy.

 

Tóm lại, không ai làm tôi hai chủ được, nghĩa là đã chọn theo Chúa Giê-su cùng với sứ vụ rao giảng Tin Mừng đòi hỏi phải từ bỏ một cách dứt khoát những đam mê danh vọng quyền lực và những liên hệ vương vấn tình cảm – kể cả tình cảm gia đình ruột thịt, để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp Nước Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là những người đã chọn theo Chúa trong ơn gọi làm Ki-tô hữu, cách riêng những ai sống đời thánh hiến, luôn ý thức về quyền bính là để phục vụ; đồng thời luôn biết ưu tiên việc Chúa là trên hết mọi thứ liên hệ thế gian. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN 

 

 I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10, 1-9

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:

Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! “ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

 

II. SUY NIỆM.

Bài Tin Mừng hôm nay là bản tường thuật chi tiết về việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, trong đó nói lên sự khẩn thiết của việc truyền giáo và những điều kiện phải có của những ai đi rao giảng Tin Mừng.

 

1. Sự khẩn thiết truyền giáo

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ ra đi truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mù gặt sai thợ ra gặt lúa về.

Chức vụ đi đôi với sứ vụ, khi chúng ta lãnh nhận một chức vụ gì, không phải ngồi đó để thụ hưởng mà phải ra đi đến với những người chúng ta có trách nhiệm, để phục vụ và làm chứng về Chúa cho họ.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em.

Ngày hôm nay, cánh đồng truyển giáo còn rất bao la, Kitô Giáo chỉ mới bằng 1/6 dân số thế giới. Đặc biệt, ngày hôm nay, con số “thợ gặt” đang giảm tới mức báo động, nhất là ở các nước phát triển. Giới trẻ ngày nay đã không còn mặn mà với ơn gọi lên đường truyền giáo. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin “chủ mùa gặt” sai thợ đi gặt lúa về; nghĩa là hãy cầu nguyện nhiều cho ơn gọi linh mục tu sĩ, và hãy làm những gì có thể trong khả năng mình, để trợ giúp cho việc đào tạo các ơn gọi và đóng góp cho công cuộc truyền giáo.

 

2. Chân dung vị truyền giáo

Tin Mừng hôm nay còn đặc biệt họa lên chân dung của một người môn đệ Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là: Tinh thần khó nghèo, đem đến sự bình an, và làm cho triều đại Thiên Chúa được hiển trị ngay giữa thế gian này:

–  Tinh thần khó nghèo: Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.

–  Đem bình an đến cho mọi người: “Bình an cho nhà này”. Dựa theo Thánh Kinh Cựu Ước, ta nhận thấy văn hoá giao tiếp vùng Trung Cận Đông thường dùng câu “bình an” để chào hỏi nhau khi gặp mặt. Sứ điệp bình an cũng được các thiên thần hát lên khi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Và bây giờ, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, tiên vàn hãy đem bình an đến cho mọi người. Sự xuất hiện của các chứng nhân Tin Mừng là đem đến cho con người sự bình an đích thực của Chúa, phá tan những lo âu, chia rẽ và hận thù.

–  Làm cho Nước Thiên Chúa đến gần.“Hãy nói với họ rằng Nước Trời đã gần đến”. Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.

 

Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người chúng ta hôm nay cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ chúng ta.

 

Lạy Chúa Giêsu, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh gia đình chúng con, gần bên giáo xứ chúng con, ngồi bên cạnh chúng con nơi học đường, làm với chúng con nơi công sở… còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10,13-16

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”

 

II. SUY NIỆM

Thiên Chúa không kết án ai lầm lẫn và thiếu hiểu biết không do lỗi của họ, nhưng Thiên Chúa sẽ xét xử những ai cố tình làm ngơ trước lời mời gọi hoán cải và kết án những kẻ cứng lòng tin vào Lời Chúa. Đó là lý do mà hôm nay trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lên án đích danh một số thành thị về sự cứng lòng và lối sống xa hoa của cả cư dân ở đó.

 

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa!”

Khi lên án hai thành này, Chúa Giêsu kến án thái độ cứng lòng tin của họ trước Lời rao giảng và những phép lạ Ngài làm. Ngài cũng cảnh báo với họ là, đến ngày phán xét, họ sẽ không còn lý do gì để bào chữa nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đem ra một so sánh: “Nếu dân Tia và Xi-đôn xưa được chứng kiến phép lạ như họ thì những dân ấy đã ăn năn thống hối rồi”.

Đây cũng là một cảnh báo cho mọi người chúng ta, không ít trong chúng ta vẫn chai cứng trong tội lỗi, mặc dù mỗi ngày trong Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ, chúng ta được nghe rao giảng, được kêu gọi cải thiện đời sống, được chứng kiến bao nhiêu kỳ công của Chúa và những phương thế hữu ích nơi các bí tích và lề luật giúp ta sống đạo. Để rồi một ngày kia trước toà phán xét, chúng ta không còn lý do gì để bào chữa; chúng ta còn đáng án phạt nặng hơn những người ngoại không được nghe biết Tin Mừng…

Nhiều người vẫn chủ trương không cần theo đạo hoặc “tôn giáo đồng nguyên”, nên nhớ rằng, sở dĩ người không biết Tin Mừng Chúa Kitô (nhưng sống ngay lành) được cứu độ là không do lỗi của họ, nghĩa là do họ không được ai rao giảng cho biết, chứ không phải kẻ được nghe biết Tin Mừng nhưng lại không tin theo mà cứ lầm lạc trong những giáo thuyết khác. Cũng như hai thành Kho-ra-din và Bết-xai-đa, không phải vì dân cư ở đó lầm mà là do họ cứng lòng không chịu tin vào Lời và các phép lạ Chúa làm.

 

“Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”

Chúa Giêsu lên án dân thành Caphanaum sống phóng túng xa hoa và kiêu ngạo về sự giàu có của mình, và không mở lòng đón nhận Tin Mừng. Chúa cảnh báo dân thành nếu không hối cải thì sẽ bị lật nhào xuống âm phủ, nghĩa là tất cả sẽ sụp đổ hoang tàn.

Chính sự xa hoa phóng túng và kiêu ngạo làm cho chúng ta thờ ơ trước lời kêu gọi của Chúa và Giáo Hội qua những người có trách nhiệm giảng dạy. Giàu có và kiêu ngạo lấn át cả việc mở lòng ra đón nhận Lời Chúa. Giàu có thì đam mê của cải, lo bận rộn làm giàu không còn giờ cho dành cho Chúa…

Người ta nhầm tưởng rằng, có thể lấy tiền bạc của cải để mua Nước Trời, như khi dùng một số tiền nào đó để dâng cúng vào những việc xây dựng thánh đường hay là làm từ thiện, để rồi tự phụ kiêu ngạo và sống bê tha phóng túng.

Người ta cũng coi sự giàu sang như là một bảo đảm hạnh phúc và coi việc kinh nguyện sớm hôm là của các bà già hay của những người nghèo mới cần đến Chúa để xin xỏ… Họ không biết rằng, linh hồn họ đang “nhào xuống âm phủ” vì sự ỷ lại vào của cải chóng qua.

 

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”

Chúa Giêsu nói tới tính liên hệ từ Chúa Cha, đến Chúa Giêsu và các môn đệ. Các môn đệ của Chúa là những vị tiếp nối Ngài trong việc rao truyền Chân Lý cho muôn dân. Nếu không nghe những Đấng Chúa sai đến thì cũng không nghe lời Chúa Giêsu…

–  Ngày hôm nay, chúng ta có các vị đại diện Chúa qua các tác vụ của Giáo Hội. Chúng ta được các ngài thay mặt Chúa hướng dẫn chúng ta mỗi ngày qua Lời Chúa và các lời giáo huấn. Bao lân chúng ta còn biết lắng nghe các ngài là chúng ta đang thi hành luật Chúa và sống tình con thảo với Cha trên trời.

 

Tóm lại, cũng như Chúa Giêsu đã quở trách các thành Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um vì tội cứng lòng tin và lối sống xa hoa phóng túng, thì nay Người cũng đang khiển trách hết những ai ơ hờ với Lời Chúa và cứng lòng không tin vào Chúa và Hội Thánh của Người.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm, và sống Lời Người, để ngày phán xét, chúng con được Chúa xét xử khoan dung và thâu nhận chúng con vào nước vĩnh cửu của Người. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10,17-24

Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.”Đức Giê-su bảo các ông: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

 

II. SUY NIỆM

Khi chịu phép rửa tội, mọi Kitô hữu lãnh lấy ba vai trò: vương đế, tư tế và ngôn sứ. Vương đế là “làm chủ”, tư tế là “làm lễ” và ngôn sứ là “làm chứng”. Bài Tin Mừng hôm nay minh chứng cho quyền làm chủ đó, nghĩa là khi có Chúa Giêsu, các môn đệ của Chúa không còn bị nô lệ nữa, mà có quyền lực trên quỷ thần và mọi quyền lực sự dữ. Khỏi nô lệ cho sự dữ và được tự do làm con cái Chúa là niềm vui lớn nhất, niềm vui được ghi danh trên trời.

 

1. Vui mừng vì tên anh em được khắc trên trời.

Hình ảnh tiên trưng được sách Khải Huyền mô tả viễn tượng cánh chung về tên của những người được đóng ấn và ghi vào Sổ Trường Sinh (x. Kh 5,9 và 20, 12.15). Đó là niềm vui vĩnh cửu được Chúa Giêsu chuộc về cho Thiên Chúa. Hôm nay, nơi bài Tin Mừng kể về việc bảy mươi hai môn đệ hỉ hửng khoe thành tích vì nhờ quyền năng của Thầy mà các ông tẩn cho yêu quái quỷ ma bỏ chạy. Nhưng Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài cần vui mừng hơn không phải vì hô mây gọi gió làm cho ma quỷ chạy, mà là vì mình được ghi danh trên Trời. Như thế, Chúa không muốn các môn đệ dừng lại vì quyền lực trên ác thần, nhưng muốn hướng các môn đệ vui mừng theo cách tích cực hơn, là hạnh phúc vì được làm con Thiên Chúa.

Mọi Kitô hữu chúng ta đều có quyền tự hào vì chúng ta được hạnh phúc làm con Thiên Chúa cách trọn vẹn ngay từ lúc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Cũng như bảy mươi hai môn đệ xưa, chúng ta không chỉ dừng lại ở niềm vui được giải thoát tội nguyên tổ, mà vui mừng hơn là vì được làm con Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội Công Giáo.

Lại nữa, khi được làm công dân Nước Trời, chúng ta cần sống xứng đáng với ân huệ đó, kẻo đến ngày sau hết, chúng ta bị loại ra ngoài.

 

2. Mầu nhiệm Thiên Chúa được mặc khải cho người bé mọn.

“Mặc khải” có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.

Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan và thông thái với kẻ bé mọn để dạy mọi người cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Ngài chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Bởi vì, thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản người ta nhận ra những gì Ngài muốn mặc khải cho. 

Chúng ta cũng vậy, để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa và không hoàn toàn vào sức mình.

 Đức tin ở một cấp độ cao hơn lý trí, không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp; con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Chứ không phải biết được chút gì thì đã kiêu ngạo nhân danh khoa học để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc không hiểu được một vấn đề thì lại cho là vô lý mà không nhận ra cái giới hạn và ngu dốt của mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con được làm công dân Nước Trời khi chúng con được gia nhập vào Giáo Hội của Chúa, xin cho chúng con sống xứng đáng với ân huệ đó, để ngày sau chúng con được Chúa gọi tên trong Sổ Hằng Sống trên Nước Chúa. Amen.

 

Lm. Hiền Lâm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

GƯƠNG MẪU CỦA CHÚA GIÊSU GIÚP CHÚNG TA SỐNG TRỌN VẸN ƠN HOÁN CẢI VÀ HÒA GIẢI

GƯƠNG MẪU CỦA CHÚA GIÊSU GIÚP CHÚNG TA SỐNG TRỌN VẸN ƠN HOÁN CẢI VÀ HÒA GIẢI Thứ 6 Tuần Thánh 2024 VP. Vinh-sơn (PV)      Kính...

Thánh lễ Tiệc Ly năm 2024: Lịch sử của Tình Yêu (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thánh lễ Tiệc Ly năm 2024 LỊCH SỬ CỦA TÌNH YÊU Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15 Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Thoạt đọc bài Tin mừng...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Chúa Giêsu đã chết một cái chết đau đớn trong tâm hồn

CHÚA GIÊSU ĐÃ CHẾT MỘT CÁI CHẾT ĐAU ĐỚN TRONG TÂM HỒN (Mc 14,1-15,47)  M. Galgano Trần Quốc Toàn Tin mừng hôm nay tường thuật cho chúng...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Tình trung tín – Tình phản bội

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47 Tình Trung Tín - Tình Phản Bội Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thiên Chúa luôn yêu thương con người...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 11,1-10: Người tôi tớ của Thiên Chúa đi vào con đường khổ nạn

NGƯỜI TÔI TỚ CỦA THIÊN CHÚA ĐI VÀO CON ĐƯỜNG KHỔ NẠN  M. Gioan XXIII Tấn, Phước Lý  Trong cuộc kiệu lá hôm nay, Hội Thánh...

Thánh Giuse giáo dân (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ Thánh Giuse 19.03.2024 THÁNH GIUSE GIÁO DÂN 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Nếu đưa ra câu hỏi: Ai là...

Ngày 19-3, Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria: Thánh Giuse uy quyền

Ngày 19-3, Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria, Mt 1,16.18-21.24 / Lc 2,41-51 Thánh Giuse Uy Quyền Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Hợp với Hội Thánh...

Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B, Ga 12,20-33: Hạt lúa đơm bông cánh đồng rạng rỡ

Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B, Ga 12,20-33 Hạt Lúa Đơm Bông Cánh Đồng Rạng Rỡ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Khi nhìn thấy đồng lúa...

Suy niệm Chúa Nhật V Mùa Chay – B: Chết để được sống

Suy Niệm Chúa Nhật V  Mùa Chay Năm B CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG (Ga 12,20-33) Mai Anh, CĐ Phước Thiên Vì yêu thương nhân loại từ ngàn xưa,...

Lễ thánh Giuse 19/3 – Việc làm to lớn của thánh Giuse

Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Maria  (Mt 1,18-24) Cha M. Gioan Bosco Nếu nói Tin Mừng hay kể chuyện lạ thì chuyện về Giuse là...

Chúa Nhật IV Mùa Chay, B, Ga 3,14-21: Đấng bị treo lên thập giá

ĐẤNG BỊ TREO LÊN THẬP GIÁ (Ga 3,14-21) Tùng Linh, Phước Lý Chuyện kể rằng: “Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng...

Chúa Nhật III MC, B: Thanh tẩy Đền thờ

THANH TẨY ĐỀN THỜ "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 68.10) M. Jos. Ba, PV      Với...