Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

CẢM NGHIỆM…

 

(Châu sơn Nho quan 3/9/2016 – 6/9/2016)

 I. SƠ LƯỢC CỐT TRUYỆN

Dựa vào chuyện có thật. Vào năm 1964 các đan sĩ Xitô nhặt phép người Pháp thiết lập đan viện  trên núi Atlas tại Algérie, một nước Bắc Phi đa số theo Hồi giáo.

Algérie và Pháp có mối liên hệ khó khăn. Đã có một cuộc chiến tai tiếng dưới thời tướng De Gaulle. Pháp vẫn can thiệp vào chính trường Algérie.

Năm 1993 khủng hoảng nổ ra. Khủng bố nổi lên. Chiến sự lan rộng. Ảnh hưởng rất lớn tới người Công giáo Pháp sống tại Algérie.

Trong chiều hướng ấy, đan viện Thánh Mẫu Atlas bị ảnh hưởng trầm trọng. Tính mạng bị đe doạ khiến cộng đoàn khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng là câu hỏi: Nên ở hay nên đi? Đây không phải là vấn đề lý thuyết. Đây là vấn đề sống chết. Mọi người cùng suy nghĩ và thảo luận. Nhiều cuộc tranh luận nổ ra rất gay gắt đến nỗi cộng đoàn hầu như tan vỡ.

Sau nhiều thảo luận. Gặp gỡ. Cầu nguyện. Lectio divina. Các ngài đã cương quyết ở lại. tình hình ngày càng nguy kịch. Cha Bề trên đã viết chúc thư gửi về cho gia đình. Quân đội đề nghị canh gác bảo vệ đan viện, nhưng các ngài từ chối vì không muốn gây thù oán với nhóm phiến quân. Thày Luca vẫn chữa bệnh cho họ. Đêm 26-03-1996 phiến quân vào bắt 7 đan sĩ đi. Ngày 21-05-1996 họ thông báo đã hành quyết các đan sĩ. Ngày 30-05-1996, quân đội tìm thấy thủ cấp các ngài trên đường đi.

Đạo diễn Xavier Beauvois đã dàn dựng thành phim. Phim đoạt Giải thưởng Lớn tại Liên hoan phim Cannes 2010.

II.VÀI ĐIỂM CẦN LƯU Ý

Phim khá cô đọng. Ngôn ngữ biểu tượng rất sâu xa. Vì thời giờ có hạn, ta chỉ đề cập đến hai phần rất quan trọng, giúp ta hiểu được nội dung sâu xa. Đó là tựa đề và đoạn kết của bộ phim.

1.Tựa đề

Tựa đề của phim là “Des hommes et des dieux” (Về những con người và về những vị thần thánh). Thánh vịnh 82 câu 6-7 được trích dẫn ở ngay đầu phim nói:

Ta đã phán : Hết thảy các ngươi đây

            đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao,

 thế nhưng rồi phải chết không khác kẻ phàm nhân,

            và có ngày sụp đổ như mọi bậc quan quyền.”

Người sống đời thánh hiến muốn đi theo Chúa, từ giã trần gian. Đó là đời sống siêu thoát. Đời sống của các thiên thần và các thánh trên trời. Tuy nhiên các ngài vẫn là con người. Vẫn sống ở đời. Vẫn chịu tác động của hoàn cảnh. Và nhất là sợ chết. Và khi nỗi sợ đến họ đã có những phản ứng rất con người. Đã nghi nan. Đã chao đảo. Đã muốn bỏ cuộc. Đã muốn trốn chạy. Đã cãi vã. Đã chia rẽ bất hòa.

Chỉ khi các ngài phấn đấu vượt qua những khó khăn thì bình an trở lại. Cộng đoàn hợp nhất. Tâm hồn bình an. Lý tưởng vươn cao. Đến nỗi dám chấp nhận cái chết.

Khi vượt qua khó khăn. Nhất là vượt qua chính mình. Các ngài trở thành thần thánh. Là Con Đấng Tối Cao. Đó cũng chính là đoạn kết của bộ phim

2.Đoạn kết

Đoạn kết có hai biểu tượng quan trọng.

Bữa Tiệc Ly

Sau khi đã thống nhất ở lại cùng nhau, cùng dân làng và đón nhận hiểm nguy, các ngài ăn bữa cuối cùng. Thày Luca đem ra hai chai rượu ngon nhất. Mọi người nâng chén mà rưng rưng lệ. Tại thời điểm này máy quay phim trình bày cận cảnh từng khuôn mặt rất cảm động. Vừa hân hoan nhưng vừa xúc động đến rơi lệ. Một sự bình an thư thái xen lẫn với một đau khổ lớn lao. Các ngài cùng nâng chén chúc tụng. Cảnh này khiến ta nhớ đến Bữa Tiệc Ly của Chúa và buổi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu. Tuy đau đớn nhưng vẫn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Các ngài hân hoan vì tìm lại được lý tưởng. Các ngài ứa lệ vì chấp nhận đau khổ sắp đến. Uống chén rượu ngon nhất cũng là uống cạn cuộc đời, uống cạn thánh ý, uống cạn lý tưởng. Đó là chén giao ước. Đã thề hứa thì trung tín đến cùng. Đó là chén biệt ly. Giã từ con người cũ để trở thành con người mới. Giã từ xác thịt để sống theo Thần Khí. Giã từ kiếp người để ra đi chịu chết. Đó là chén máu. Uống máu ăn thề. Dùng mạng sống minh chứng lời thề hứa. Đó là chén chúc tụng. Nâng lên tạ ơn Chúa đã ban cho được ơn trung tín với Chúa. Tạ ơn Chúa cho được chung phần với Chúa. Chúc tụng nhau vì đã quyết liệt vượt qua tầm thường vươn tới lý tưởng. Vượt qua thử thách vươn đến thành đạt. Đó là chén hiệp thông. Hiệp thông với Chúa trong cuộc khổ nạn. Trong tình yêu dâng hiến. Hiệp thông với nhân loại. Với đất nước mình đang sống. Hiệp thông với con người. Những dân làng thân thương. Cả những người xa lạ, thù địch muốn ám hại các ngài.  Trên hết là hiệp thông huynh đệ. Chưa bao giờ cộng đoàn gắn kết thân thương đến thế. Chưa bao giờ tình hiệp thông sâu xa đến thế. Cùng sống với nhau. Giờ đây cùng chết với nhau. Chẳng còn gì ngăn cách giữa các đan sĩ đã nên một lòng một ý. Đẹp làm sao tình hiệp thông. Đó là một huyền nhiệm.

Hồ Thiên Nga

Khi bữa ăn vừa bắt đầu, thày Luca mở loa và mọi người được nghe đoạn nhạc trích từ vở nhạc kịch Hồ Thiên Nga của nhạc sĩ Tchaikovsky. Đây là một biểu tượng rất ý nghĩa. Câu chuyện Hồ Thiên Nga như sau:

Hoàng tử Siegfried vừa tròn 18 tuổi. Hoàng cung tổ chức tiệc mừng trưởng thành. Chỉ còn một ngày độc thân. Hôm sau sẽ là lễ đính hôn. Sau khi tiệc tùng, các bạn rủ nhau đi săn. Họ vào một khu rừng lúc trời sập tối và phát hiện một bầy thiên nga đang múa hát trên mặt hồ. Hoàng tử định bắn. Nhưng một thiếu nữ xinh đẹp hiện ra ngăn lại. Cô xưng là công chúa Odetta. Bị lời nguyền của phù thủy Rothbart nên công chúa và đoàn cung nữ bị biến thành thiên nga. Chỉ ban đêm mới có thể trở lại hình người. Lời nguyền này chỉ bị phá giải khi có người hứa yêu và trung thành đến chết. Khi đó lão phù thủy sẽ phải chết. Hoàng tử đem lòng yêu thương và thề hứa trung thành với công chúa.

Hôm sau là lễ đính hôn. Hoàng tử được quyền chọn lựa người bạn trăm năm. Chàng muốn Odetta đến. Nhưng ban ngày Odetta chỉ có thể đến trong hình dạng thiên nga. Không ngờ lão phù thủy Rothbart biết được nên đã biến cô cháu gái Odillia thành giống công chúa Odetta. Hoàng tử tưởng thật nên đã đồng ý hứa hôn. Thấy con thiên nga bay ngang cửa sổ, hoàng tử biết mình đã bị lừa. Nên buổi tối hoàng tử ra hồ thăm Odetta lần cuối.

Odetta quyết định chết ngay đêm ấy. Vì hôm sau khi hoàng tử làm đám cưới rồi thì nàng không bao giờ thoát khỏi kiếp thiên nga nữa. Nàng muốn được chết  trong hình dạng con người. Hoàng tử quyết định cùng chết với nàng. Khi hai người cùng nhau đi vào cái chết nói lên tình yêu chung thủy thì phù thủy trong hình dạng con cú mèo cũng lăn ra chết. Lời nguyền được giải. Công chúa chết trong hình dạng con người. Hoàng tử cũng nhờ cái chết mà giữ được lời hứa trung tín. Phù thủy là cái ác bị tiêu diệt.

Đoạn nhạc các đan sĩ nghe trong Bữa Tiệc Ly trích ở phần cuối khi hoàng tử Siegfried đến xin lỗi Odetta và cùng chết với nàng để trung tín với lời thề hứa.

Qua đó ta thấy được tâm trạng các đan sĩ. Đã có lời thề hứa trung tín với Chúa và phục vụ tha nhân. Nhưng rồi những biến động xảy đến khiến họ muốn phản bội lời thề. Nay quyết dùng cái chết để trung tín với tình yêu Chúa. Với lời khấn hứa. Với lý tưởng ban đầu.

III.XEM PHIM

Phim dài khoảng 2g nhưng đã rút gọn còn khoảng 1g.

IV.HƯỚNG DẪN HỘI THẢO

Để đào sâu bộ phim và thảo luận để áp dụng vào cuộc sống, ta cần chú ý đến những diễn tả cuộc sống hiệp thông của các đan sĩ Tibirhine, đối chiếu với cuộc sống hiệp thông của cha Tổ phụ và duyệt xét lại đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của chúng ta.

1.Các đan sĩ Tibirhine

Phim chứa đựng nhiều bài học phong phú cho đời tu. Đặc biệt cho các đan sĩ. Trong khuôn khổ cuộc tĩnh huấn này, ta chỉ lưu ý đến cuộc sống hiệp thông của các đan sĩ.

Cuộc khủng hoảng xảy đến rất khốc liệt. Rất đau đớn. Rất đáng sợ. Nhưng cuối cùng đan viện Thánh mẫu Atlas đã vượt qua. Nhờ sống huyền nhiệm hiệp thông.

Hiệp thông với Chúa. Tuy bị chao đảo vì thời thế và cộng đoàn lủng củng vì các ý kiến khác biệt. Nhưng mọi người luôn kết hợp với Chúa. Trung tín với việc bổn phận. Đặc biệt cầu nguyện để tìm ý Chúa.

Hãy chiêm ngắm cảnh cha Christophe, linh mục trẻ nhất trong cộng đoàn. Thao thức suốt đêm không ngủ. Cầu nguyện dằn vặt như Chúa Giê-su trong vườn Giệt-si-ma-ni. Than thở khiến anh em đều tỉnh ngủ.

Mọi người trung thành với Lectio Divina để tìm ý Chúa.

Trung thành với giờ kinh và việc lao động.

Để cuối cùng tìm ra giải đáp trong thánh ý Chúa: Chúng ta đến đây không phải để truyền giáo. Không phải để sống. Không phải để chết. CHÚNG TA ĐẾN ĐÂY ĐỂ LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU CHÚA. Không lấy gì làm hơn Chúa. Vì thế quyết định ở lại. Để làm chứng cho tình yêu. Yêu Chúa. Yêu con người. Yêu anh em.

Hiệp thông với anh em. Trước hết với đất nước và dân tộc Algerie nói chung. Đến cắm lều. Khấn vĩnh cư. Chọn đất nước đó làm quê hương. Chọn dân tộc đó là đồng bào.

Hiệp thông đặc biệt với dân làng. Ở với họ. Chia sẻ với họ về vật chất và tinh thần. Sống chết với họ. Yêu thương cả những phiến quân trong vùng. Sẵn sàng đón tiếp họ. Sẵn sàng cứu chữa họ.

Đặc biệt hiệp thông trong cộng đoàn. Một cộng đoàn với nhiều lứa tuổi. Nhiều khuynh hướng. Nhiều ý kiến khác biệt. Tưởng chừng tan rã vì khủng hoảng. Nhưng cuối cùng đi đến hiệp nhất nhờ tình hiệp thông huynh đệ. Ta đặc biệt lưu ý:

Tham khảo ý kiến. Cứ mỗi biến cố cộng đoàn lại họp nhau thảo luận. Tuy khác biệt nhưng lắng nghe. Cha Bề trên Christian ban đầu nóng vội và độc đoán. Nhưng sau khi được góp ý đã biết lắng nghe ý kiến của anh em. Để anh em tự do quyết định.

Đối thoại huynh đệ. Anh em đối thoại với nhau. Người lớn tuổi giúp người trẻ tuổi. Đặc biệt cha Bề trên Christian đồng hành chia sẻ với mọi người nhất là cha Christophe, người trẻ nhất cộng đoàn. Để giúp nhau nhận ra lý tưởng ban đầu. Nhờ đó nhận ra ý Chúa.

Phục vụ lẫn nhau. Thầy bác sĩ Luca phục vụ dân nghèo quên ăn quên ngủ. Với một tâm hồn tế nhị được diễn tả trong cảnh đứa bé và bà mẹ có đôi giầy rách. Thầy đã ân cần tặng giầy cho họ và tự trách mình đã vô tình không nhìn thấy. Thầy sẵn sàng phục vụ cả phiến quân, dù phải nguy hiểm đến tính mạng. Ở đây ta thấy một cảnh huynh đệ khác. Thầy Amédée  không rời thày Luca trong lúc thày chữa bệnh cho phiến quân. Để đề phòng có gì bất trắc. Thật là một tình huynh đệ tinh tế. Và cảm động đó là mọi người cảm thông chăm sóc giấc ngủ cho thầy Luca sau một ngày làm việc mệt nhọc. Anh em đọc báo ru thày ngủ. Cảm động nhất là cha Bề trên đến tắt đèn, đắp chăn cho người anh em già yếu mà vẫn tận tâm phục vụ tha nhân.

Cùng nhau tìm ý Chúa. Cộng đoàn đi đến kết quả tốt đẹp. Vì mọi người biết bỏ ý riêng để tìm ý Chúa. Kiên trì cầu nguyện. Kiên trì tìm tòi. Kiên trì lắng nghe. Kiên trì đối thoại. Cuối cùng đã tìm ra ý Chúa. Và nhờ đó hiệp nhất với nhau.

Ta cũng thấy những phẩm chất đó nơi cha Tổ phụ.

2.Cha Tổ phụ

Hiệp thông với Chúa. Ta đã thấy điều đó trong năm qua, khi cùng cha Tổ phụ sống tâm tình “Say mê Thiên Chúa”.

Hiệp thông với Chúa nên hiến trọn cuộc đời cho Chúa. Để làm dụng cụ trong tay Chúa. Để hoàn thành công trình của Chúa.

Hiệp thông với Chúa nên ngài say mê cầu nguyện. Ta hãy xem chương trình hằng ngày của ngài: “Việc làm thì hằng ngày chúng con đọc kinh cầu nguyện và làm việc thủ công. Đây là thời khắc thường nhật: Đêm 2 giờ dậy; 2 giờ đến 4 giờ đọc kinh nguyện gẫm, xem lễ; 4 giờ cám ơn, rảnh; 4 giờ  rưỡi đọc kinh; 5 giờ rưỡi làm việc…Tám giờ đi nghỉ” (DN 37).

Hiệp thông với Chúa nên chấp nhận tất cả mọi sự. Vui. Buồn. Sướng. Khổ. Tất cả là hồng ân. Nên cha Tổ phụ lúc nào cũng tạ ơn Chúa. Khi căn nhà đầu tiên bị cháy, ngài viết thư cho bà kế mẫu như sau: “Thăm mẹ yêu dấu của con, con viết ba chữ tin cho mẹ hay: Cái nhà đẹp nhất của chúng con nay đã biến thành đống tro tàn. Trót cơ nghiệp nhà dòng ở cả trong đó: Sách vở, thuốc men, quần áo, vật thực, hột giống thay thảy đều cháy hết. Mặc lòng, chúng con đã hát Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa, vì lẽ ra các nhà khác cũng bị đồng một số phận! (…)

Vạn tuế thánh đức khó nghèo! Sau nếu Chúa lại ban sách vở, quần áo, thuốc men chi nữa, thì thảy là của chung nhà dòng. Dầu vậy chúng con không mất sự bằng an vui vẻ. Bị rủi ro như thế là dấu Cha nhân hậu tỏ lòng thương con cái: Chúng con hằng ngợi khen Chúa và cám ơn Người luôn” (DN 47).

Hiệp thông với Chúa nên thao thức với ơn cứu độ. Vì thao thức với ơn cứu độ nên ngài đã hăng hái ra đi truyền giáo. Dạy học ở chủng viện đối với ngài như ở trong tù. Ngài viết cho song thân: “Kính thưa cha mẹ rất yêu dấu, thương hại thay cho người ngoại giáo, lễ Sinh nhật năm nay cũng còn chưa phải cho họ! Chúa xuống thế đã gần 2000 năm, mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người! Khi con suy sự ấy, thì cái phòng giáo sư của con đây nên như cái ngục cho con. Con ước ao mở miệng la hết sức nói về Chúa cho những kẻ chưa nhận biết Người được trở lại” (DN 4).

Vì thế ngài dùng mọi của cải, thời giờ và công sức cho việc truyền giáo, dạy giáo lý. Vẫn không có kết quả. Nên ngài phải lập dòng để cầu nguyện cho người ngoại đạo.

Hiệp thông với Giáo Hội. Vì yêu mến Chúa mà ngài yêu mến Giáo Hội. Luôn sống tình hiệp thông trong những khía cạnh sau:

Hiệp thông tích cực. Ngài trở thành thành viên tích cực sống huyền nhiệm hiệp thông. Sentire cum Ecclesia. Không chỉ chăm lo giữ đạo. Nhưng còn hiến mình cho Chúa. Đặc biệt hăng say việc truyền giáo.

Hiệp thông với bề trên. Tuy hăng say nhưng ngài luôn vâng phục bề trên. Ham thích truyền giáo nhưng Đức Cha truyền ngài phải ở chủng viện để đào tạo chủng sinh ngài vẫn vâng lời. Say mê lập dòng nhưng vâng lời bề trên ngài kiên nhẫn chờ đợi 9 năm trời.

Hiệp thông với người dân bản xứ. Đến Việt nam ngài coi Việt nam là quê hương. Dân Việt nam là đồng bào. Người lương dân vẫn là anh em. Vì thế ngài yêu đất nước, lịch sử, văn hoá, và con người Việt nam. Yêu thực tình. Nên luôn ca tụng tán dương, thậm chí cả những món ăn, những đồ dùng tầm thường của dân Việt. Ngài viết thư cho cha mẹ như sau: “Thưa cha mẹ, kỳ này mưa quá sức, không thể đi ra ngoài một bước mà không ướt đến xương, dầu cầm dù, dầu mang áo tơi cũng ướt, chỉ có áo tơi lá của Việt Nam là không ướt. Có lẽ thứ áo có sơn dầu của lính thuỷ Boulogne không ướt, song con cũng không thích bằng áo tơi lá Việt Nam. Muôn năm áo tới lá Việt Nam! Muôn năm Việt Năm nữa!” (DN 2).

Hiệp thông với người thân. Gia đình chỉ có mình ngài. Nên ngài dành hết tình yêu thương cho cha mẹ. Kể cả bà kế mẫu.

Vâng lời cha mẹ. Ngài là một người con hiếu thảo luôn vâng lời cha mẹ. Đặc biệt đối với người cha. Những lời cha dạy ngài không bao giờ quên. Khi ngài vào tiểu chủng viện Boulogne, cha ngài đến thăm, ăn mặc nghèo nàn, lại ngồi bệt xuống đất. Ngài thẹn đỏ mặt nói với cha: “Thưa cha, có bàn ghế kia sao cha không ngồi lại ngồi phệt ngay xuống đó? Họ cười cha con mình chết”. Nghiêm nghị đưa mắt nhìn con, ông đáp: “họ cười thì để mười cái rắng ra chớ sao mà sợ. Đức Chúa Giê-su có sợ người ta cười đâu?” (HT 31). VÀ khi ngài giã từ quê hương đi truyền giáo, cha ngài căn dặn: “Con đi mà nhớ rằng làm việc cho Chúa không bao giờ quá” (HT 38). Những lời dạy ấy ngài ghi khắc trong lòng và thực hành suốt đời.

Yêu mến cha mẹ. Ngài luôn tỏ lòng yêu mến cha mẹ. Nên cái chết của cha khiến ngài buồn phiền sâu xa. Ngài viết cho bà kế mẫu: ‘Thưa mẹ rất đáng mến thương và yêu dấu của con, bức ai tín rất buồn sầu cho con mới tới. Con xin cúi đầu thuận theo ý Chúa phân định. ….”.

Thư sau ngài viết tiếp: “Không cần nói mẹ cũng hiểu: khi con suy gẫm và cầu nguyện, con hằng nhớ đến cha con luôn. Con để ảnh người trên bàn viết của con, khi con ra vào thì bái kính người và cầu cho người một lời. Có lẽ bởi con yêu mến người quá nên con lầm, cho người thật là một ông thánh! Con thú thật với mẹ: bức chân dung người đặt trên bàn viết con có sức thúc dục con bước tới đàng nhân đức hơn hẳn vị thánh nào hết, trừ ảnh Chúa và Đức Mẹ. Nay xin Chúa cho con được nên hiền lành khiêm nhường, đầy lòng thương xót như cha con, xin ban cho mẹ con bằng lòng chịu khó và kính mến Chúa ngày một thêm hơn!” (DN 21).

Cầu nguyện cho cha mẹ. Khi ông cố qua đời ngài buồn vô hạn. Và dâng lễ 30 ngày cầu nguyện cho ông cố. Ngài không ngừng cầu nguyện cho cha và cả bà mẹ kế nữa. Như ngài viết trong thư: “Con đã ở nhà thờ trót buổi chiều nay để cầu nguyện cho cha rất yêu dấu của con. Sáng mai, các cha ở đây đều làm lễ cho linh hồn người. Riêng phần con sẽ làm một Thánh lễ Gregoriana, rồi khi về nhà trường, sẽ xin cho cha con một lễ mồ trọng thể nữa…” (DN 21)

Chia sẻ tâm tình với cha mẹ. Ngài viết rất nhiều thư cho cha mẹ. Khi cha qua đời, ngài tiếp tục viết cho bà mẹ kế. Kể lại mọi vui buồn trong đời truyền giáo và tu trì. Với giọng văn dí dỏm vui tươi. Vừa để an ủi cha mẹ. Vừa chi sẻ công việc. Và cũng để cha mẹ an tâm hiệp thông vào việc truyền giáo. Ngài thường xuyên viết thư. Còn giữ lại được 265 bức thư quí giá ấy.

Chia sẻ vật chất. Ngài thấy có bổn phận chia sẻ với cha mẹ. Nên đã xin phép Đức cha cho gửi một số tiền bổng lễ cho cha mẹ. Trong lá thư đề ngày 25-4-1920 ngài viết: “Ngay tiền lễ con làm cũng phải xin phép Đức Cha nhường lại cho mẹ. Vì hết mọi sự của cải nhà dòng, động sản hay bất động sản, đều thuộc địa phận Huế” (DN 45).

Hiệp thông với anh em. Ngài yêu thương anh em. Đó là điều không cần phải nói.

Chia sẻ đời sống. Ngài sống chan hoà với anh em trong nhà. Kinh hạt như anh em. Ăn uống như anh em. Làm việc như anh em. Còn hơn thế nữa, ngài luôn nhận những việc hèn hạ nhất. Sách Hạnh Tích thuật lại: “Còn một việc cực hổ hèn hạ nhất thì cha giữ cho mình lâu năm đó là việc quét dọn nhà vệ sinh. Ngài không cho cắt phiên mãi đến khi gần lìa thế, nằm liệt một bề mới trối lại cho con cái. Ngày ngày sáng ra kinh lễ xong, cha xách bình xuống giếng lấy nước về quét dọn nhà vệ sinh rồi mới đi làm việc khác” (HT 203).

Phục vụ anh em. Tình yêu thương biểu lộ trong việc phục vụ. Phục vụ phần hồn. Phục vụ phần xác. Sacha Hạnh Tích thuật lại: “ Khi giúp bàn, ngài để ý xem thầy nào ít ăn thì ngài dạy ăn thêm hoặc bảo dọn đồ ăn cho khá, trái lại thầy nào kén ăn thì ngài la quở để chữa tật bệnh linh hồn….

Thầy Lê-Ô Phòng, quê ở Búng, địa phận Phú Cường, đau nặng, cha đã hết sức lo lắng thuố men cơm cháo, thế mà thầy qua đời rồi, ngài cứ phàn nàn: cha săn sóc cho anh Lê-Ô chúng tôi chưa đủ, cha buồn lắm. Cha dốc lòng về sau ai đau nặng, thì lo lắng tận tuỵ hơn” (HT 205).

Truyền đạt yêu thương. Tình yêu thương ấy ngài chăm lo vun trồng trong nhà dòng. Nên khuyên dạy anh em phải thương yêu nhau (DN 122).

Ngài nhấn mạnh yêu thương là dấu chỉ chắc chắn của người mến Chúa. “Muốn biết chúng tôi có kính mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có thương yêu anh em không. ….

Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo chầu Thánh thể, các đạo ấy dễ mà không chắc chi; còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy thì chắc là đạo” (DN 112).

3.Chúng ta

Sau khi đã chiêm ngưỡng cuộc sống hiệp thông của Bẩy đan sĩ tử đạo tại Alg é rie, đối chiếu với cuộc sống hiệp thông của cha Tổ phụ Biển đức Thuận, ta hãy cùng nhau thảo luận đào sâu  để áp dụng vào cuộc sống cộng đoàn. Có thể dựa trên những câu hỏi sau:

1.Tôi sống trong cộng đoàn thế nào? Có chia sẻ chan hoà hay chỉ chú ý tới bản thân, đòi hỏi theo ý riêng?

2.Cộng đoàn đối với tôi là gì? Trợ lực hay trở lực? Tôi tìm được niềm vui trong cộng đoàn. Hay tôi cảm thấy ngột ngạt khó sống trong cộng đoàn?

3.Mỗi khi có vấn đề cộng đoàn của tôi có thảo luận, chia sẻ, lắng nghe ý kiến và tìm ý Chúa không?

4.Cộng đoàn tôi sống tình huynh đệ thế nào giữa bề trên với bề dưới, giữa người già với người trẻ? Có noi gương các đan sĩ Tibirhine và cha Tổ phụ không?

5.Trong năm “Sống Huyền Nhiệm Hiệp Thông” này, tôi và cộng đoàn của tôi sẽ làm gì để xây dựng tình hiệp thông trong cộng đoàn?

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Châu Sơn Nho Quan: Thánh Lễ An Táng thầy Gioan Thiên Chúa

  TRONG CHÚA KITÔ Kn 4,7-15; Rm 6,3-4.8-9; Mc 15,33-39 Châu sơn mồng Hai Tết Giáp Thìn Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt Hai giờ chiều ngày 30 Tết...

Mùa Xuân đích thực

MÙA XUÂN ĐÍCH THỰC Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48 Lễ Đưa Chân thầy Gioan Thiên Chúa Châu sơn mồng Một Tết Giáp Thìn, Đức tổng Giuse...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Cảm nhận của một bạn sinh viên trẻ khi đến tĩnh tâm tại Đan viện

CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN SINH VIÊN TRẺ KHI ĐẾN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN Martha Hoàng Mai Tôi là một cô gái với sức sống...

Bài giảng Lễ Cung Hiến Thánh Đường Đan viện Châu Sơn Nho Quan của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Kỷ niệm Cung hiến Thánh đường Đan viện Nho quan Ngày 04 - 11- 2023 CHÚA GIÊSU LÀ ĐỀN THỜ Ed 47,1-2.8-9.12; 1Cr 3,9c-11.16-17; Ga 2,13-22 Đức TGM...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt dâng thánh lễ thứ 3 tại đất thánh

Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Dâng Thánh Lễ Thứ 3 Tại Đất Thánh Của Đan Viện Ngày 02...

Tản mạn cuối thu

TẢN MẠN CUỐI THU Du Thăng Cái se se lạnh, cái nắng vàng và một chút gió heo may của cuối thu, làm cho tâm hồn...

“Em” tìm gì? cảm nghĩ của một linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Châu...

“Em” tìm gì? Cảm nghĩ của một Linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Thánh Mẫu...

Thánh lễ đưa chân thầy M. Phêrô Khoa: Làm chứng về lòng thương xót (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ thánh Phaolô trở lại LÀM CHỨNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT Ac 3,17-26; Cv 22,3-16; Mc 16,15-18 Lễ Đưa Chân thày Phêrô Khoa Châu sơn 25-01-2023   Đức TGM Giuse...

Cáo phó: Thầy Phêrô Khoa Trần Văn Thướng

  CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn kính báo Đan sĩ M. Phêrô Khoa Trần Văn Thướng, O.Cist. sinh...