Chủ Nhật, 13 Tháng mười, 2024

CHA BIỂN ĐỨC THUẬN VÀ LỜI CHÚA KÊU GỌI RA ĐI – Duyên Thập Tự

CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

VÀ LỜI CHÚA KÊU GỌI RA ĐI

 

Duyên Thập Tự

    Lời Chúa là quyền năng, luôn tác động mạnh mẽ đến nỗi khi Lời đến với một ai đó, thì người đó được cuốn hút và ra đi thực hiện theo dự phóng của Đấng ngỏ lời mời gọi. Câu chuyện của tổ phụ Abraham là một minh chứng hùng hồn sức mạnh của Lời Chúa (x.St 12). Thật vậy, khi Thiên Chúa kêu gọi Abram rời bỏ quê hương, gia đình thân tộc, ông đã ra đi ngay, bỏ lại sau lưng tất cả những gì là thân thương, những gì bảo đảm cho tương lai. Ông ra đi chỉ với niềm tin vào lời Chúa hứa. Hành trình của đời ông là hành trình của đức tin. 

    Lời Chúa vẫn lôi cuốn bao nhiêu người thuộc nhiều thế hệ khác nhau ra đi để thực hiện điều Thiên Chúa muốn trên cuộc đời họ. Những tình huống, những biến cố tạo nên những khúc ngoặt trong cuộc đời họ có vẻ như là những chuyện thường tình xảy ra cho bất cứ ai. Nhưng, trong nhãn quan đức tin, những chặng đường của đời sống đó mang một ý nghĩa sâu xa và giữ một tầm mức quan trọng, vì chúng không những ảnh hưởng đến cá nhân, nhưng còn trên những người khác trong hành trình đi tìm định hướng của cuộc đời.

    Trong bài viết thứ hai về Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, tôi muốn mời độc giả làm một cuộc khám phá những chặng đường cuộc sống của ngài, để xuyên qua đó, chúng ta khám phá, tái khám phá sự kỳ diệu của ơn gọi, sự tương tác giữa lời của Người Ngỏ và hành động của người đáp trả. Những biến cố trong cuộc sống của con người, trong một mức độ nào đó, biểu lộ dung mạo của chính Thiên Chúa.

 

                I. Những chặng đường đời sống

Ngày 17 tháng 8 năm 1880, Henri Denis chào đời trong niềm vui của người cha Cyrille Denis và người mẹ Anne-Marie Geffroy. Cuộc đời thơ ấu của Henri Denis bị giao động bởi cái chết của người mẹ khi em mới 8 tuổi. Với sự chăm sóc tận tình của người cha và người mẹ kế, em lớn lên từng ngày, và đời em dần dần được định hướng.

 

            1.Giai đoạn thứ nhất : Từ Boulogne-sur-Mer đến Paris

 

        a.Tại tiểu chủng viện Boulogne : một nhân cách được thành hình

    Chú bé Henri Denis, dù sinh tại Boulogne-sur-Mer, nhưng đã trải qua một phần tuổi thơ tại Wimille. Chú nhập tiểu chủng viện vào tháng 10 năm 1892. Sổ Ghi nhận những tân chủng sinh ghi rõ Henri Denis đến “từ Wimille”.

    Giáo phận Arras là một vùng nông thôn, đông dân và giầu tiềm năng. Tuy nhiên, điều quan trọng Kitô giáo đã ăn rễ sâu trong vùng đất này, và do đó ơn gọi linh mục thật phong phú. Giáo phận được hướng dẫn bởi những chủ chăn khôn ngoan, tạo ảnh hưởng rất lớn trong hàng giáo sĩ và giáo dân. Chính Đức Cha Parisis đã cho mở tiểu chủng viện Arras, và dưới thời Đức Cha Lequette, tiểu chủng viện Boulogne đã khai giảng vào năm 1871.  Về vấn đề huấn luyện các tiểu chủng sinh, nhiều tu hội đã đảm nhận trách nhiệm, trước tiên là tu hội thánh Bertin, sau đó là các cha Xuân Bích. Đây là nơi lý tưởng để đào tạo linh mục. Với nỗi quan tâm lo lắng gìn giữ các ứng sinh trong bầu khí thuận lợi cho việc nhận tác vụ linh mục sau này, các giám mục Parisis và Lequette đã quyết định tách các chủng sinh ra khỏi các học sinh trung học để không bị lây nhiễm bởi các học sinh này. Từ đó, việc giảng dạy chủng sinh được tiến hành ngay trong chủng viện.

    Chú Henri Denis đã hít thở tràn trề không khí của tiểu chủng viện. Ngày 21 tháng 6 năm 1897, Henri Denis được gia nhập vào Hội Đoàn Đức Trinh Nữ Maria, một phong trào đạo đức dành cho các tiểu chủng sinh.

    Về việc học hành, tiểu chủng sinh Henri Denis có những bước tiến rất đáng khâm phục. Hai năm đầu tiên – lớp 6 và 7 – chú có rất nhiều khó khăn, và chỉ đạt kết quả trung bình trong các môn học. Nhưng vào những năm cuối cùng của cấp hai, chú chiếm những vị trí cao nhất. Phần đánh giá của các bề trên về phong cách đạo đức, Henri Denis luôn luôn được điểm 6+, tức là điểm tối đa : hạnh kiểm mẫu mực !

    Henri Denis rời tiểu chủng viện vào tháng 8 năm 1898. Sau đó, chú theo học tại Học viện công giáo Lille để chuẩn bị thi tú tài 2.

 

        b.Tại đại chủng viện Arras: đổi hướng ơn gọi

   Sổ Ghi danh của đại chủng viện Arras ghi nhận Henri Denis gia nhập ngày 1 tháng 10 năm 1900

   Như đã nói trên, giáo phận Arras vào thế kỷ XIX không thiếu ứng sinh cho chức vụ linh mục. Đứng trước con số quá nhiều ứng sinh như vậy, việc thu nhận vào đại chủng viện trở thành vấn đề quan trọng, đồng thời chương trình đào tạo được đặt lên hàng đầu. Cần phải kéo dài thời gian đào tạo và nâng cao chất lượng học tập. Vả lại, việc đào tạo trí thức cần đi đôi với việc đào tạo thần học.

    Ảnh hưởng của Hội Xuân Bích trở nên quá rõ ràng, nên quan niệm về chức linh mục cũng được thăng hoa. “Linh mục là người của Thiên Chúa, ngài không còn là người của thế gian nữa. Là chủ chăn, ngài phải dành trọn tất cả mọi khoảnh khắc của cuộc đời cho những nhiệm vụ vừa đáng sợ vừa tràn đầy an ủi. Là linh mục của Chúa, ngài cần nêu cho mọi người gương sáng về sự khinh chê mọi thú vui thế gian; và là tông đồ, ngài cần phải có nhiều đức hạnh và lòng nhiệt thành.” Câu nói đó cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo đạo đức cho các chủng sinh. Thực vậy, theo quan niệm thời đó, linh mục hơn hẳn người tín hữu bình thường, bởi ngài là một “Chúa Kitô khác”, ngài cần nêu gương thánh thiện cho tất cả các tín hữu bởi tác phong đạo đức, cũng như làm tròn mọi nhiệm vụ trong ngày một cách thánh thiện. Việc đào tạo các linh mục tương lai còn được thực hiện nhờ thực hành nhiều việc đạo đức như tôn sùng Thánh Thể, tôn sùng Thánh Tâm Chúa, sùng kính Đức Mẹ… Henri Denis đắm mình trong từng chi tiết của một chương trình đào tạo như thế.

    Nhưng rồi đến lúc thầy đại chủng sinh giáo phận Arras thay đổi hướng đi của ơn gọi : thầy mong muốn gia nhập chủng viện Hội Truyền Giáo Paris.

    Chúng ta hãy lắng nghe những gì thầy Henri Denis viết cho cha Giám Đốc chủng viện Hội Truyền Giáo Paris.

    “Kính thưa cha Giám Đốc,

    Sau khi con được các cha linh hướng và các bề trên trước kia cũng như bây giờ khuyến khích, như cha Tổng Đại Diện Lejeune, cha Delattre, bề trên chủng viện thánh Thomas, cha bề trên Tiểu Chủng Viện Boulogne và cha chính xứ, con hết lòng tin tưởng kính xin cha vui lòng nhận con vào chủng viện của Hội truyền Giáo.

    Thưa cha, lần đầu tiên là hồi cuối năm đệ lục, con đã cảm thấy nỗi khát khao dâng hiến cuộc đời con để cứu rỗi những người chưa biết Chúa, đặc biệt là những người Trung Hoa đáng thương… Ước nguyện này ngày càng rõ nét và mãnh liệt đến mức vào năm đệ nhất, cha linh hướng đã có thể quả quyết với con rằng chắc chắn là con có ơn gọi làm thừa sai…”[1].

    Chúng ta cũng lắng nghe thư của cha Delattre, giám đốc Đại chủng viện Arras (cũng gọi là Đại chủng viện thánh Thomas) gửi cha giám đốc Hội Truyền Giáo Paris[2].

    “Kính Cha Bề Trên,

    Tại chủng viện thánh Thomas, thầy Henri Denis được coi như là một trong những thầy ưu tú của chúng tôi về mọi mặt: đạo đức, tính tình, chuyên cần…

    Tuy không có những năng khiếu đặc biệt, nhưng thầy đã đạt được những thành quả mỹ mãn. Hơn nữa thầy đã có bằng tú tài văn chương. Đó là những thông tin tốt nhất liên quan đến chàng trai trẻ này, mà tôi có thể kính chuyển đến cha không một chút e dè. Việc thầy rời bỏ chúng tôi sẽ là một mất mát đối với giáo phận vốn đặt nhiều kỳ vọng tốt đẹp nơi thầy. Tuy nhiên, xét về mặt khác, điều đó sẽ có lợi: chúng ta nên có một vài ơn gọi đặc biệt. Những ơn gọi như thế sẽ duy trì ở một mức độ cao hơn chuẩn mực của những ơn gọi bình thường. Riêng tôi, tôi sẵn sàng nhường lại thầy cho cha, và tôi sẽ không quên cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo đầy thử thách, nhưng cũng đầy phúc lành của cha.”

 

         c.Tại chủng viện Hội Truyền Giáo Paris: kiên vững theo điều đã quyết

    Thầy Henri Denis nhập Chủng Viện Hội Truyền Giáo Paris ngày 25 tháng 4 năm 1901.

    Khi thầy nhập Chủng Viện này, thì cha Bernard Delpech làm bề trên của Hội từ năm 1867. Chương trình huấn luyện thần học ở đây cũng được thực hiện giống như tại các Đại chủng viện nhằm chuẩn bị cho việc tiến chức linh mục. Chắc chắn văn kiện mang tựa đề “Monita ad Missionnarios” (Những lời khuyến dụ các thừa sai) do hai đức cha François Pallu và Pierre Lambert de la Motte biên soạn, đã trở thành quyển cẩm nang không thể thiếu cho việc đào tạo các thừa sai tương lai.

    “Xét về việc thích nghi trong việc áp dụng phương pháp truyền giáo, những lời khuyến dụ này (Monita) trình bày một lý tưởng hoàn toàn mới mẻ: để tác động kẻ khác và biến đổi họ, trước hết phải tự trang bị một tinh thần kiên vững và xác lập những điều kiện cho một công cuộc rao giảng Tin Mừng hữu hiệu, bằng cách dựa trên nguyên tắc là các dân tộc đều bình đẳng trước ơn cứu độ”[3].

    Bầu không khí ở Chủng Viện Hội Truyền Giáo như thế nào? Chúng ta hãy nghe thầy Théophane Vénard trình bày trong thư tín của mình:

    “Phúc thay được ở trong Hội Truyền Giáo… Chúng tôi kết thành một gia đình hoàn toàn hợp nhất…” “Chúng tôi rất hạnh phúc được sống trong chủng viện…” “Tôi yêu thích biết bao sự thanh vắng nơi các hành lang trong chủng viện thân thương của chúng tôi, sự bình an trong các tu phòng, cách sắp xếp những giờ tập luyện thật thứ tự lớp lang, những thời gian dài học tập, để suy tư vốn hãy còn quá ngắn ngủi, sự hào hứng trong những giờ vui chơi, tình bác ái huynh đệ giữa anh em, vẻ ấm cúng của nhà nguyện, âm vang của biết bao kỷ niệm, và tôi không biết nói sao về sứ vụ tông đồ và phúc tử đạo”[4].

    Thầy Henri Denis theo chương trình thần học đã qui định, và từng bước tiến nhận các chức thánh, để cuối cùng thầy được lãnh tác vụ linh mục vào ngày 7 tháng 3 năm 1903.

    Đó là những chặng đường đầu tiên trong cuộc đời của Henri Denis, làm nên giai đoạn huấn luyện trong ơn gọi. Thật vậy, ơn gọi linh mục của ngài phát sinh và tiến triển theo ngày tháng. Cuộc hành trình của ngài, khởi từ Boulogne-sur-Mer và kết thúc ở Paris, đưa ngài dần tới ơn gọi làm thừa sai.

 

          d.Giờ lên đường đã điểm

    Ý tưởng sứ vụ tông đồ và phúc tử đạo cô đọng lại trong giờ phút biệt ly để lên đường thi hành sứ vụ ở một nơi xa xôi. Giờ lên đường đã điểm.

    Nghi thức lên đường là lúc rời bỏ những gì thân thiết nhất với mình ở trần gian này : gia đình, bạn bè, quê hương; là từ bỏ sự an nhàn và yên tĩnh để đối đầu với những hiểm nguy và gian truân thử thách.

    Chính trong nghi thức tiễn biệt này mà nhà truyền giáo trẻ tuổi Henri Denis gặp lại cha mình lần cuối cùng. Người cha trao lại cho người con một hành trang quí giá : “Con ơi, con đi mà nhớ rằng làm việc cho Chúa không bao giờ quá!”

    Chúng ta có thể kết luận rằng trong suốt những năm học tập và tu luyện, Henri Denis đã hít thở một bầu khí thuận lợi cho đời sống thân tình với Thiên Chúa tại những chủng viện. Như thế, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa, qua trung gian nhiều người, đã uốn nắn Henri Denis suốt 23 năm ngài sinh sống tại Pháp, là giai đoạn đầu tiên trong cuộc hành trình thiêng liêng của ngài. Những năm học tập và tu luyện này còn cho thấy một vài chuyển biến nơi Henri Denis; thay đổi lối sống và thay đổi phương hướng ơn gọi. Những thay đổi như thế, cả bên trong lẫn bên ngoài, có thể lý giải rằng Thiên Chúa đã kêu gọi Henri Denis và bằng cách nào Thiên Chúa đã dẫn dắt Henri Denis trên những nẻo đường không thể tiên đoán được ?

    Bây giờ chúng ta theo chân vị truyền giáo trẻ tuổi sống và hoạt động trên vùng đất mới: Nước Việt Nam. Sau những ngày lênh đênh trên biển cả, cha Henri Denis đến Đà Nẵng ngày 31 tháng 5 năm 1903, đúng ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ngài hân hoan sải những bước chân đầu tiên trên mặt đất của một đất nước mà trước kia các tiền nhân của ngài đã đến để loan báo Tin Mừng. Trạm dừng chân đầu tiên là giáo xứ Lăng Cô, nơi cha Martin Mendiboure (cố Nhơn) làm cha sở. Cố Nhơn cùng đi với vị tân thừa sai đến tận Phú Xuân để cha Henri Denis trình diện với bề trên mới là đức cha Caspar Lộc, Đại Diện Tông Toà Bắc Đàng Trong (Huế sau này). Chính Đức Cha đặt cho cha Henri Denis tên Việt Nam: cố Thuận, và gởi ngài đến giáo xứ Kim Long để học tiếng và phong tục Việt Nam. Trong suốt 30 năm tại Việt Nam, cha đã kinh qua những môi trường và thi hành những nhiệm vụ khác nhau.

 

            2.Giai đoạn thứ hai : Từ Tiểu chủng viện An Ninh đến đan viện Phước Sơn

 

        a.Tại tiểu chủng viện An Ninh : Vị giáo sư đầy trách nhiệm nhưng cũng rất ưu tư về việc rao giảng Tin Mừng.

    Tại tiểu chủng viện An-Ninh, nơi cha Denis Thuận khởi đầu nhiệm vụ giáo sư, có bốn lớp, mỗi lớp kéo dài hai năm, cho một chu kỳ học tập tám năm. Cha Girard, giám đốc Tiểu chủng viện, cử cha Denis Thuận giảng dạy văn chương và tu từ cho lớp thứ nhất. Ngoài ra cha cũng kiêm nhiệm nhiều môn học khác như khoa học tự nhiên, đại số…

    Tiểu chủng viện An-Ninh đã có một chiều dài lịch sử với những thời kỳ đầy thử thách cũng như vinh quang. Tiểu chủng viện An-Ninh được thành lập năm 1783, nhằm đáp ứng nhu cầu thiêng liêng cho Bắc Đàng Trong. Tại nơi đây, hàng trăm linh mục đã lãnh nhận những bước đào tạo đầu tiên về tu đức và nhiều vị đã được vinh dự đổ máu đào vì đức tin như thánh Gageli, Jacard, Thomas Thiện…

    Vốn được trời phú cho giọng hát hay và có năng khiếu về nhạc, cha Denis Thuận còn đảm nhận thêm việc tập hát. Ngoài ra, ngài còn tranh thủ trau dồi thêm kiến thức về hán ngữ, và vào năm 1907, ngài được uỷ nhiệm dạy chữ hán cho cả bốn lớp.   

    Thế nhưng, từ ngày bước chân vào Việt-Nam, mặc dù hằng ngày phải đảm nhận nhiều trách vụ,  cha không ngừng ấp ủ lòng khao khát đi rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Song nhiệm vụ giáo sư không cho phép ngài thực hiện ước mơ ấy. Nhiều lần ngài viết thư cho song thân và tỏ bày khát vọng truyền giáo, nỗi khát khao này mãnh liệt đến độ ngài coi phòng làm việc tại tiểu chủng viện như là một nhà tù. Ngài ước ao mở miệng gào to lên để nói về Chúa cho những người chưa biết Chúa. Tuy nhiên, ngài luôn thêm rằng, nếu Chúa muốn ngài cứ ở lại tiểu chủng viện, thì luôn bằng lòng.

    Nhưng rồi, cơ hội thuận tiện đã đến vào năm 1908, khi đức cha Allys (Lý) lên kế vị Đức cha Caspar Lộc; chính vị tân giám quản tông tòa này sai cha Denis Thuận coi họ đạo Nước Mặn.

       

        b.Tại họ đạo Nước Mặn : một mục tử nhân lành

    Cuộc đời của cha Denis Thuận bước sang một trang mới với việc thực hiện ước mơ trở thành nhà truyền giáo.

    Với nhiệt huyết của một nhà truyền giáo trẻ 28 tuổi, cha đem hết nhiệt tâm và khả năng vào việc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, ngay những lần gặp gỡ đầu tiên với những dự tòng và các tín hữu, điều ngài mơ ước đã vấp phải những thử thách. Trong nhiều bức thư gửi song thân cũng như giám mục, cha Denis Thuận đã bày tỏ sự vui mừng được rao giảng Phúc Âm và những khó khăn gặp phải trong việc hoán cải lương dân. Ngoài ra, việc bỏ đạo là một vấn đề thường được ngài nhắc đến, vì một số tín hữu đã bỏ đạo trong thời kỳ xảy ra các cuộc bách hại và những đe dọa do dân chúng vùng lân cận gây nên ngay cả sau thời chấm dứt các cơn bắt đạo. Vấn đề này khiến cha Denis Thuận ray rứt mãi là làm sao có thể dẫn đưa họ về đàn chiên Chúa Kitô. Thêm vào đó là những người đã theo đạo nhưng lại không hiểu lẽ đạo. Họ mù tịt về giáo lý, chỉ thuộc một vài kinh căn bản. Cha Denis Thuận phải đối phó trực diện, không những vấn đề liên quan đến đức tin, mà cả những vấn đề của các nông dân nghèo khổ.

    Đối diện với những thử thách ấy, và biết bao vấn đề khác, nhiều khi cha không biết làm gì. Hơn một lần, ngài tâm sự với đức cha Allys “con chẳng biết mần chi mô ! con chẳng biết mần chi mô !!!”. Tuy nhiên, cha không thể ở yên, bó tay trước tình cảnh khó khăn. Ngài xả thân, mạnh dạn tiến từng bước trong công việc rao giảng Tin Mừng. Ngài là một mục tử nhân lành. Công việc dạy giáo lý là một nhiệm vụ lúc nào cũng khó khăn và mệt nhọc. Quả thật, các Kitô hữu của họ đạo Nước Mặn này đã không có một sự hiểu biết đầy đủ về giáo lý. Ngài còn đầu tư nhiều công sức và cả tiền của cho việc giúp lương dân gia nhập đạo. Trong khi chu toàn thánh vụ lương y của các linh hồn, cha Denis Thuận cảm thấy nhu cầu chăm sóc những bệnh  nhân thể xác. Ngài viết cho song thân và cho biết là nhà xứ của mình dần dần trở nên như một nhà thương, ngày nào cũng có hàng chục người đến xin thuốc, phần nhiều họ bị mụn nhọt máu mủ thối tha, nên mỗi lần làm thuốc xong, ngài phải thay quần áo.

    Cha Denis Thuận không những tận tâm cứu giúp, mà còn xả thân giúp đỡ cho tới cùng. Có lần nạn dịch tả hoành hành trong khu vực khiến nhiều người chết, ngài đích thân đến và làm tất cả những gì cần thiết mà ngay cả người thân của những nạn nhân cũng không dám thực hiện, vì sợ bị lây nhiễm. Làm cha sở họ đạo Nước Mặn, cha Denis Thuận không giam mình trong nhà xứ; ngài còn ra đi tìm kiếm và gặp gỡ những người mà ngài muốn đưa dẫn họ về với Chúa. Ngài là một nhà truyền giáo lưu động.

 

         c.Tại tiểu chủng viện An Ninh lần thứ hai : một giáo sư tận tụy nhưng khao khát đời sống đan tu

    Sau năm năm đi truyền giáo, giờ đây cha Denis Thuận lại trở về tiểu chủng viện An-Ninh. Nhờ sự tận tụy của ngài mà trình độ các chủng sinh ngày được nâng cao.

    Thế nhưng, dù bề bộn giữa bao công việc mục vụ và giảng dạy, từ lâu trong lòng cha Denis Thuận vẫn không ngừng âm ỉ nỗi ước mơ trở thành đan sĩ chiêm niệm và thiết lập một cộng đoàn đan tu.  Nhưng đức cha Allys vẫn thấy cần giữ cha ở lại An-Ninh, do đó cha Denis Thuận lại tiếp tục thi hành nhiệm vụ giáo sư ở chủng viện năm năm nữa. Và chỉ đến năm 1918, ngài mới có thể ra đi thành lập Dòng Đức Bà Việt Nam trên núi Phước Sơn. Trong suốt những năm chờ đợi, ngài vẫn giữ nguyên niềm xác tín cần phải thành lập một dòng chiêm niệm ở Việt-Nam.

 

          c.Tại núi Phước : một đan sĩ hạnh phúc 

    Chúng ta đã theo dõi dấu chân của cha Denis Thuận trên các nẻo đường cuộc sống. Những chặng dừng đã không thể giữ chân ngài lại : ngài luôn vượt qua. Chỉ có một nơi đã giữ ngài lại cho đến hết cuộc đời, nơi ngài đã tìm thấy ý nghĩa và định hướng của cuộc đời của mình và là nơi, dù không còn tiếp xúc với trần gian, đã mang lại cho trần gian cái gì cao quí nhất.

    Từ ngày dâng thánh lễ khai sinh vào lễ Đức Mẹ Lên Trời 15 tháng 8 năm 1918 cho đến ngày mặc áo dòng vào lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh ngày 2 tháng 2 năm 1920, là thời gian khai phá mảnh đất với sức người và những dụng cụ hết sức thô sơ. Một vài căn nhà thô sơ được dựng lên. Từ đây ngài mang tên gọi mới : Biển Đức Thuận. Với nhiệm vụ của một bề trên, kiêm tập sư và mọi sinh hoạt vật chất, cha Biển Đức Thuận còn phải soạn Hiến Pháp để định hướng cho đời đan tu cho cộng đoàn mới khai sinh. Thật là một trách nhiệm quá nặng nề.

    Bốn năm sau khi thành lập, cộng đoàn bé nhỏ Phước Sơn chuẩn bị ngày 21 tháng 3 năm 1923 sẽ là ngày trọng đại: lớp tuyên khấn đầu tiên trong đó có Đấng sáng lập ! Từ ngày tuyên khấn, khi cơ sở vật chất từng ngày ổn định, cha Biển Đức Thuận tìm kiếm một sự ổn định khác, quan trọng hơn; đó là việc sát nhập vào một dòng lớn để đảm bảo tương lai khi cộng đoàn phát triển mạnh mẽ, vì ngày ngày vẫn có nhiều người đến gõ cửa đan viện. Ngay từ khi mới thành lập dòng, cha Biển Đức thuận đã nghĩ đến việc sát nhập vào Dòng Xitô Nhặt phép nhằm hổ trợ cho việc phát triển. Nhưng trên thực tế, mỗi lần muốn xúc tiến dự định này, ngài phải đương đầu với nhiều khó khăn tới mức, vào cả những ngày cuối đời, mơ ước ấy vẫn chưa được hiện thực.

    Sau nhiều lần cố gắng sát nhập Dòng Xitô Nhặt Phép không đạt kết quả, cha Biển Đức bắt đầu tiến hành việc sát nhập Dòng Xitô, cũng được gọi là Xitô Chung Phép. Và việc sát nhập này chỉ được thực hiện hai năm sau ngày cha Tổ Phụ qua đời.

    Ngài thực thi lối sống mới mẻ này một cách thận trọng, nhưng cũng không kém quyết liệt và tin tưởng, Ngài phải đối diện với những khó khăn và thử thách do chính cuộc sống mới này, nhưng chúng chỉ kiên vững thêm căn tính và cá tính của ngài. Chặng dừng chân cuối cùng này kéo dài suốt 15 năm với những biến cố kết dệt thành những chuỗi hồng ân. Vẫn là cuộc đời của cha Denis Thuận, nhưng cuộc đời ấy ẩn chứa nhiều điều bí ẩn và mầu nhiệm.

    Cuộc sống kham khổ tại Phước Sơn và sự dấn thân triệt để trong ơn gọi đan tu cũng như trong việc xây dựng cộng đoàn Xitô đầu tiên tại Việt nam đã vắt kiệt sức lực của cha Biển Đức Thuận. Vào những ngày cuối đời, cha trở bệnh nặng. Trong thời gian này, ngài đau đớn cả hồn lẫn xác: ngài thảm thiết kêu lên: “Thật khủng khiếp ! Maria, Mẹ ơi, cứu con với !”, “Hãy cầu nguyện cho người hấp hối. Kinh khủng lắm!”. Nhưng rồi sự an bình ngự trị trong tâm hồn ngài. Một vài phút trước khi ly trần, ngài bình an thanh thản nói : “Thế là đã hoàn tất!” Ngài trút hơi thở sau cùng trong bình an trọn vẹn.

Sau khi đã lược qua những chặng đường cuộc sống của cha Biển Đức Thuận, bây giờ chúng ta cùng khám phá xem trong sâu thẳm lòng mình, ngài đã nghe được tiếng gọi nào, ngài đã đáp trả cách nào. Lời Chúa gọi Henri Denis mãnh liệt như thế nào để Henri Denis dám lên đường đi đến một đất nước xa xôi? Henri Denis hình dung Thiên Chúa như thế nào khi dấn thân vào Hội truyền Giáo Paris, rồi sau này, từ cuộc sống truyền giáo đến cuộc đời chôn sâu trong bốn bức tường đan viện? Có những chuyển biến nào trong tâm hồn Henri Denis?

 

             II.Đáp trả lời Chúa mời gọi ra đi

 

        1.Một lời mời gọi

    Khi đọc lại cuộc đời của cha Biển Đức Thuận với những chặng đường cuộc sống, chúng ta thấy ngài trải qua một vài lối sống tu trì khác nhau: chủng sinh giáo phận rồi giáo sĩ truyền giáo và cuối cùng là đan sĩ. Ở mỗi thời kỳ, Thiên Chúa mời gọi ngài ngày càng tiến xa hơn, trên bình diện địa lý cũng như tâm linh. Ngày ngài bước chân vào chủng viện Hội Truyền Giáo Paris là bước ngoặt quan trọng nhất trong giai đoạn đầu trong lịch sử cuộc đời ngài. Quả thật, kể từ biến cố này, lịch sử của ngài sẽ gắn kết với một dân tộc ở một đất nước xa xôi, để rồi sau đó chính ngài trở thành Tổ Phụ của một Hội Dòng. Ngày 15 tháng 8 năm 1918 mãi mãi là ngày ghi nhớ trong đời cha Biển Đức Thuận và bao nhiêu lớp đan sĩ hậu duệ của ngài. Chúng ta tự hỏi tại sao ngài lại thay đổi ơn gọi đến mấy lần. Điều gì đã diễn ra trong tâm hồn khiến ngài hành động như thế ?

    Những câu hỏi đó thật khó tìm được một câu trả lời khả dĩ thỏa mãn. Nhưng có một điều chắc chắn là: Tình yêu không có lý lẽ. Tất cả những toan tính tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên đều trở nên vô ích và có nguy cơ đánh mất mọi hương vị ngọt ngào của một ơn gọi. Nếu như Thiên Chúa đã kêu gọi cha Biển Đức Thuận và ngài đã ra đi, điều đó chỉ vì tình yêu của Đấng đã mở lời kêu gọi, của Đấng khởi xướng, đã gặp được tình yêu của người đáp lại lời kêu gọi. Tính nhưng không của tình yêu là như thế đấy.

    Viện phụ Emmanuel Triệu Chu Kim Tuyến (+) tự hỏi không biết có phải do thi rớt tú tài triết học (tú tài hai) mà Henri Denis bỏ tiểu chủng viện Boulogne để nhập Hội Truyền Giáo Paris. Tuy nhiên, sau khi thi rớt, Henri Denis vẫn tiếp tục theo đuổi ơn gọi và gia nhập đại chủng viện Arras. Ngài không bỏ dở cuộc hành trình. Có một giả thuyết khác: liệu việc cha Anrê Eloy, phó xứ Wimille, gia nhập Hội truyền Giáo, đã ảnh hưởng đến quyết định của Henri Denis gia nhập Hội này chăng? Điều này cũng có thể. Quả thực, Thiên Chúa có thể mở lời mời gọi ai đó nhờ gương sáng của người khác. Thế nhưng, tất cả những sự kiện nên trên đều là những nguyên nhân bên ngoài, thứ yếu, nhằm giúp tính tò mò của chúng ta lý giải các biến cố. Theo tôi nghĩ, điều quan trọng nhất thuộc về Thiên Chúa: Người là nguyên nhân duy nhất, hoặc ít ra là nguyên nhân đầu tiên. Cứ mỗi lần Henri Denis ra đi theo đuổi một định hướng mới, là mỗi lần lời Chúa kêu mời ra đi.

 

        2. Ra đi theo lời mời gọi

    Trong những chặng đường cuộc sống, từ khi chào đời đến lúc gia nhập Hội Truyền Giáo, rồi từ nhiệm vụ của một thừa sai chuyển sang cuộc đời của một đan sĩ, cha Biển Đức Thuận đã kinh qua nhiều trung tâm đào tạo và hoạt động. Mỗi lần thay đổi địa điểm đưa ngài ra đi xa hơn; và mỗi lần ra đi đều là một lần chia lìa. Kinh nghiệm chia lìa này đã được trải nghiệm ngay khi bước chân vào Hội Truyền Giáo mà viễn ảnh là đi đến một đất nước xa xôi. Khi đi lập dòng, kinh nghiệm chia lìa này cũng sâu đậm không kém kinh nghiệm trước, đó là hoàn toàn cắt đứt khỏi giai đoạn trước với những sinh hoạt và lối sống. Khi trở thành đan sĩ, cha Biển Đức Thuận trở nên một con người khác, mà cách diễn tả qua hình ảnh “Henri Denis đã chết rồi, để thầy Biển Đức được sống”.

    Việc ra đi của cha Biển Đức Thuận là thành quả của tiếng Chúa gọi, và của sự chọn lựa của người được kêu gọi. Cha Biển Đức Thuận ra đi chờ đợi một tương lai khác, không phải thứ tương lai dường như nằm trong tầm tay ngài, mà ở trong bàn tay Thiên Chúa. Đó là dự định của Thiên Chúa. Ngài ra đi mà không nắm chắc mình sẽ thế nào và tương lai ra sao. Ngài quyết tâm phó thác mình trong tay Chúa bằng cách hướng tương lai đến một phương trời khác chăng? Ngài tìm điều gì trên con đường mạo hiểm này? Trong sâu thẳm lòng mình, ngài ấp ủ những hy vọng nào ? Liệu ngài có nhận rõ ý định của Thiên Chúa trên chính cuộc đời của mình chăng?

 

        3. Một cuộc mạo hiểm của đức tin

    Lời Chúa gọi và việc cha Biển Đức Thuận ra đi tạo nên một bước khởi đầu của một cuộc mạo hiểm. Đây là một cuộc mạo hiểm từ hai phía: từ phía Thiên Chúa, bởi vì Người đã thực hiện một bước quyết định trong chương trình của Người; từ phía cha Biển Đức Thuận, bởi vì ngài đặt mình trong một cuộc phiêu lưu mới. Từ đây về sau, cha Biển Đức Thuận từng bước tiến tới khám phá khuôn mặt của Đấng đã cất lời kêu gọi ngài và tìm hiểu ý định của Thiên Chúa muốn thực hiện trong đời của ngài. Thật vậy, cha Biển Đức Thuận bước đi trong đêm tối, nhưng là một đêm tối rực rỡ, bởi vì đêm tối này được đức tin và lòng cậy trông vào Lời Chúa chiếu sáng.

    Mà đức tin, vốn là hồng ân của Thiên Chúa, cùng lớn lên với cha Biển Đức Thuận theo từng bước chân đi.

    Cha Biển Đức Thuận phải dũng cảm lắm để đi theo tiếng Chúa gọi, bởi vì ngài đã phải chiến đấu chống lại chước cám dỗ muốn giữ ngài lại tại chỗ. Cuộc mạo hiểm này còn là một cuộc mạo hiểm lý thú, bởi vì đức tin sẽ mở ra cho ngài những chân trời hoàn toàn mới lạ về phương diện địa dư cũng như tâm linh.

    Nói như thế, chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa vẫn là Đấng kêu gọi, chủ động khởi xướng và dệt thành lịch sử của mỗi con người trong tương quan với người khác. Chiều kích phổ quát được đặt lên hàng đầu. Thiên Chúa của cha Biển Đức Thuận là Thiên Chúa của mọi người, nghĩa là Thiên Chúa kêu gọi ngài để qua ngài nhiều người cảm nhận mình được Thiên Chúa yêu thương. Cha Biển Đức Thuận trở thành Tổ Phụ của một Hội Dòng và là một người Việt Nam.

    Chúng ta có thể kết luận rằng Thiên Chúa vẫn luôn là sợi chỉ xuyên suốt lịch sử của cha Biển Đức Thuận và là điểm qui chiếu duy nhất cho cuộc đời Cha Tổ Phụ.

    Những phân tích trên đây cho phép chúng ta chiêm ngưỡng dung mạo của Thiên Chúa: dung mạo của Thiên Chúa trong ơn gọi của cha Biển Đức Thuận xuyên qua những chặng đường cuộc sống.

 

            III. Dung mạo của một Thiên Chúa cất tiếng kêu gọi và hứa hẹn tương lai

    Như chúng ta đã nói trên, cuộc đời của cha Biển Đức Thuận là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, giữa Đấng ngỏ lời kêu gọi và người được gọi. Tất cả được diễn ra trong bầu khí huyền nhiệm.

    Thật vậy, ơn gọi và cuộc sống của cha Biển Đức Thuận thể hiện một điều gì đó thuộc về Thiên Chúa. Sự kiện cha Biển Đức Thuận ra đi cho thấy dung mạo của một Đức Chúa luôn hiện diện với người được gọi, để nhờ qua ngài một số người nhận thấy mình được Thiên Chúa yêu thương và được mời gọi đi vào dự phóng của Người. Cha Biển Đức Thuận ra đi gặp gỡ dân tộc Việt Nam, ngõ hầu xuyên qua đời sống ngài và các môn sinh, dân tộc này tin nhận và yêu mến Thiên Chúa.

    Nhưng để có thể khám phá ra dung mạo của Thiên Chúa như vậy, cha Biển Đức Thuận phải luôn là một người lữ hành của đức tin. Cuộc lữ hành của cha Biển Đức Thuận phác thảo cuộc hành trình của chính Thiên Chúa: một Thiên Chúa tỏ mình bằng cách bắt phải khám phá. Đức Chúa vẫn là một Thiên Chúa không thể nhận biết hết được, một Thiên Chúa bất tận, một Thiên Chúa huyền nhiệm.

    Nếu Thiên Chúa đã ngỏ lời với cha Biển Đức Thuận, thì Người cũng là một Thiên Chúa hứa hẹn một tương lai. Cha Biển Đức đã ra đi mà không đạt được mục tiêu ngay từ chuyến đi đầu tiên. Người bắt buộc cha Biển Đức Thuận phải vào cuộc với Người. Người mời gọi hãy cùng mạo hiểm với Người.

    Miền đất mà Thiên Chúa đặt cha Biển Đức Thuận vào cũng mang một chiều kích huyền nhiệm. Tuy rằng đó là một đất nước với lãnh thổ cụ thể, những con người bằng xương bằng thịt, nhưng dân tộc đó, những con người đó, mang trong mình những mầm tâm linh, một thiên hướng về nội tâm và chiêm niệm[5]. Mảnh đất huyền nhiệm đó, Thiên Chúa đã dẫn cha vào, để rồi, khi cha xây dựng một đời tu chiêm niệm, Thiên Chúa thực hiện dự phóng của Người, để những con người Việt nam đó được đi sâu vào mối tương giao thần linh.

    Chính bằng cách hướng về một miền đất hứa chưa hề biết, mà Thiên Chúa đặt cha Biển Đức Thuận sống trong tình trạng của một người lữ hành đức tin.

    Qua cuộc đời cha Biển Đức Thuận, chúng ta khám phá nơi ngài một tính cách mạnh mẽ, dám chìa tay cho Thiên Chúa và dũng cảm bước đi theo sự dẫn dắt của Người. Ngài đã tin và như thế là đủ. Đối với cha, lời Chúa gọi vẫn luôn bí ẩn. Tuy nhiên, thái độ của ngài thể hiện qua việc quyết chí ra đi là một lời đáp trả tuyệt vời nhất. Cha Biển Đức Thuận tin vào Chúa, cha thuận theo ý Chúa và cha cất bước ra đi.

 

******    

 

    Đọc lại lịch sử của một người, không chỉ là liệt kê những chặng đường của cuộc sống, nhưng là khám phá ra cái gì đó ẩn kín dưới bóng của những biến cố, sự kiện. Điều ẩn kín đó chỉ có thể khám phá ra khi việc đọc lại lịch sử khách quan của một người đi đôi với kinh nghiệm hiện tại của người đọc. Thật vậy, Lời Chúa mà chúng ta đọc, lắng nghe hằng ngày, diễn tả cho chúng ta kinh nghiệm của những người xưa khi tiếp cận với lời mời gọi của Thiên Chúa. Nhưng những lời đó chỉ trở thành sức sống cho chúng ta khi chúng mời gọi chúng ta sống chính kinh nghiệm cá nhân đối với Lời được trao ban.

    Cũng chính trong chiều hướng đó – nghĩa là sự gặp gỡ của hai kinh nghiệm: kinh nghiệm ngày xưa được ghi lại trong Kinh Thánh và kinh nghiệm hiện tại của người đang đọc Lời Chúa – mà chúng ta tiến hành việc đọc lại lịch sử của cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận.

    Cuộc sống của ngài cũng như bao cuộc đời khác, cũng sinh rồi tử, cũng kinh qua những khúc ngoặt làm thay đổi dự tính ban đầu. Nhưng cuộc đời đó, nếu được nhìn dưới ánh sáng của đức tin, chúng ta sẽ khám phá ra những chiều kích mới được phát sinh bằng chính dự phóng, không phải của con người mà là của chính Thiên Chúa.

    Lời của Thiên Chúa làm nên dự phóng của người tin, như chính Lời Người đã làm nên định hướng cuộc đời của Tổ Phụ Abraham, và cho dòng dõi ông đến muôn đời. Nếu Lời Chúa là đèn soi bước con đi, thì Lời Chúa cũng làm nên chính cuộc đời của con. Vì thế chúng ta có thể kết luận rằng cuộc đời của mỗi chúng ta là kết quả của Lời thân thương mà Chúa Cha đã nói trong Con của Người, và được hiện thực trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

 


 

[1] Thư được viết vào tháng 8 năm 1890. Thư này đang được lưu trữ tại văn khố Hội Truyền Giáo Paris.

[2] Thư được viết vào ngày 8 tháng 8 năm 1890. Thư này đang được lưu trữ tại văn khố Hội Truyền Giáo Paris.

[3] C. MARIN, le rôle des missionnaires français en Cochinchine aux XVIIe et XVIIIe siècles, Etudes et documents 9, Eglises d’Asie, Série Histoire, 1999, p. 39.

[4] Xem F. TROHU, le Bienheureux Théophane Vénard, Paris, 1929.

[5] Trong bài viết trước, tôi đã khẳng định rằng cha Biển Đức Thuận xác tín vào khả năng sống đời chiêm niệm của người Việt Nam. Chính vì thế, dù gặp bao chỉ trích, ngài vẫn kiên tâm xây dựng đời đan tu chiêm niệm cho dân tộc này.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...