Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN VÀ ĐỜI SỐNG CHIÊM NIỆM – M. Duyên Thập Tự

CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN

VÀ ĐỜI SỐNG CHIÊM NIỆM

 

 Duyên Thập Tự

Viết về một con người đã khó, vì mỗi người là một huyền nhiệm, viết về tương giao của con người với Thiên Chúa lại càng khó hơn, vì phải đề cập đồng thời đến hai mầu nhiệm : mầu nhiệm của con người và mầu nhiệm Thiên Chúa. Thêm vào đó, ngôn ngữ nhân loại, dù có tinh tế đến đâu, cũng không thể lột tả tất cả chiều dài, chiều rộng và sự cao siêu của kinh nghiệm thần bí.
Dầu vậy, đã có biết bao nhiêu sách viết về tiểu sử của các nhân vật cũng như rất nhiều sách đề cập đến đời sống thiêng liêng hay thần bí. Điều đó minh chứng rằng ngôn ngữ cũng có khả năng chuyển tải một phần nào đó nội dung và thực tại được bàn đến. Để có thể đi sâu vào chính thực tại, cần thiết phải vượt qua những giai đoạn : vượt qua từ ngữ để bắt ý tưởng, vượt qua ý tưởng để bắt được thực tại.
Xác tín sự cần thiết phải đề cập đến Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận trong mối tương giao với đời sống chiêm niệm – vì đó là nền tảng của chính đời sống đan tu mà ngài đã thiết lập tại Việt Nam – nhưng ý thức giới hạn của việc hiểu thấu chiều sâu tâm linh của ngài, tôi cảm thấy một niềm vui dạt dào được chia sẻ với Hội Dòng một số khám phá về cha Tổ Phụ của chúng ta và đồng thời một sự e ngại rơi vào chủ quan. Chính vì thế, trong giới hạn bài viết này, tôi sẽ dựa vào chính những gì cha Biển Đức Thuận đã viết, đã nói, đã làm, để qua đó, chúng ta dần dần khám phá ra tâm hồn của ngài, một tâm hồn tràn đầy Thiên Chúa Tình Yêu.
Chúng ta sẽ theo dõi tiến trình tâm linh của ngài : khởi từ lòng khát khao sống đời chiêm niệm, rồi định hướng cho đời đan tu vừa được thiết lập, trong đó niềm hạnh phúc dạt dào được cảm nghiệm một cách sâu xa, và dẫn đến hai chiều kích cô tịch và hiệp thông liên kết với nhau một cách tuyệt vời.

1. LÒNG KHAO KHÁT ĐỜI CHIÊM NIỆM
Những ai đã một lần đọc cuốn “Hạnh tích cha Benoit (R.P. Henri Denis Cố Thuận).[1]” M. Emmanuel Triệu Chu Kim Tuyến, Hạnh tích cha Benoit, nxb Hồng Lam, Sài-Gòn, 1968., có thể hiểu được phần nào lòng khao khát sống đời đan tu chiêm niệm nơi vị thừa sai trẻ tuổi này. Thật vậy, trong những năm tháng thi hành sứ vụ thừa sai – giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Anninh và cha xứ tại họ đạo Nước Mặn (Thừa Lưu)- cha Denis Thuận khám phá nơi mình một nỗi khát khao sống một đời chiêm niệm trong cô tịch lặng lẽ.
Để có thể hiểu được nỗi lòng của ngài, chúng ta hãy đọc lại những gì ngài viết cho Đức Cha Allys (Lý). Không ai biết chính xác lý tưởng sống đời đan tu đã manh nha trong tâm trí cha Denis Thuận Chúng tôi sử dụng danh xưng “Cha Denis Thuận” trong thời gian Ngài làm thừa sai, danh xưng “cha Biển Đức Thuận”[2] khi Ngài sống đời đan tu. lúc nào. Linh mục thừa sai Durand, trong bài viết La Trappe de Notre Dame Annam đăng trong tập san Les Missions Catholiques đã viết như sau : “Vào năm 1909, cha Denis, thừa sai ở Huế thuộc Trung kỳ, đã xin Đức cha Allys được phép qui tụ một vài thanh niên để sống với họ theo tu luật Thánh Biển Đức, vì ngài nói : “Tại Đông Dương đã có nhiều tu viện cho phái nữ nhưng không có một đan viện nào cho phái nam”.

 Theo như bài viết trên, ý tưởng sống đời đan tu nơi cha Denis Thuận bắt đầu vào năm 1909, năm thứ hai trong thời gian 5 năm tại xứ Nước Mặn. Điều này cũng được chính ngài xác định trong lá thư gởi cho Đức cha Allys để báo cáo về trường hợp một linh mục miền Bắc muốn gia nhập Phước Sơn nhưng bị giám mục từ chối “Kính thưa Đức Cha,
Một linh mục miền Bắc đã xin gíam đốc và gíam mục của mình được đến ở nơi đây. Ngài đã gởi cho con câu trả lời của hai đấng. Cha giám đốc : “Chuyện ảo tưởng của trí tưởng tượng”. Giám mục : “Tôi không thể từ chối cha đến Phước Sơn, nếu thật sự cha muốn. Nhưng tôi phải tuân theo Giáo Luật. Nhưng cha hãy ở lại đây nơi cha làm được nhiều việc tốt đẹp.” … Con đã trả lời : “Nếu ước muốn sống đời tu trì kéo dài, thì một ngày kia vị giám đốc của cha sẽ nhìn thấy trong đó tác động của Chúa Thánh Thần. Còn những ý định thoáng qua do trí tưởng tượng thôi thúc thì không kéo dài. Chắc chắc cha không phải chờ đợi 9 năm như con…”[3].

Quay trở lại những năm tháng chờ đợi, chúng ta sẽ khám phá lòng khao khát sống đời chiêm niệm nơi cha Denis Thuận, xuyên qua những kiểu nói, những hình ảnh mà ngài sử dụng trong các lá thư gởi Đức cha Allys.
Trong lá thứ viết cho Đức cha Allys, Giám quản Tông Toà Bắc Đàng Trong (Huế), đề ngày 31 tháng 1 năm 1912, cha Denis Thuận biểu lộ lần đầu tiên ước muốn sống đời đan tu chiêm niệm :
“… Năm nay đúng 800 năm thánh Benado nhập dòng (năm 1112), con có thể theo chân ngài và bắt chước ngài nội trong năm 1912 này không? Trước đây con đã muốn trở thành đan sĩ ở Hồng Kông. Nhưng người ta cho hay Hội Dòng Nazareth đang thời sa sút. Con cũng đã ước ao nhập dòng Trappe bên Nhật, nhưng ở đấy chẳng mấy ai bền đỗ, đàng khác, muốn ở đấy thì phải thôi làm giáo sĩ thừa sai.”
Lá thư trên cha đã viết khi còn là cha xứ tại Nước Mặn (còn gọi là Thừa Lưu), vài tháng trước khi ngài trở về lại Tiểu chủng viện An Ninh. Trong suốt 5 năm tại đây nhiều lần ngài viết thư cho đức Giám Mục Allys để xin phép được ra đi sống đời đan tu. Đức cha Allys từ chối lời xin của cha Denis Thuận và khuyên ngài hãy ký thác dự tính cho sự quan phòng của Chúa. Cha Denis Thuận, một đàng cảm thấy ước ao nồng cháy của mình thôi thúc, một đàng ngài tuân phục quyết định của bề trên như ngài tâm sự với Đức cha trong thư đề ngày 31 tháng 3 năm 1913 :
“Lý do còn mạnh hơn là Chúa cũng không muốn. Phần con, con cũng vậy. Trong khi đợi chờ các đan sĩ dòng Trappe, các tu sĩ bản địa, các thầy dòng Chartreux, hay “bất cứ tu sĩ nào”, con an bình trong căn phòng nhỏ tại An Ninh”.
Ngài an bình trong công việc của một giáo sư chủng viện; dầu vậy, tiếng gọi đời đan tu vẫn không ngừng vang dội trong trái tim của ngài với niềm xác tín rằng những người Việt-Nam mà ngài đã từng gặp trong suốt những năm tháng qua, có khả năng để sống đời đan tu chiêm niệm. Chính vì thế, ngài đã chuẩn bị đời sống đó bằng nhiều cách : rèn luyện bản thân, tập những nhân đức và thái cử sẽ thích ứng với đời đan tu sau này. Về phương diện kiến thức đời đan tu, ngài nghiên cứu Tu Luật thánh Biển Đức và Hiến Pháp dòng Trappe. Ngài thường xuyên liên lạc với cha Viện Trưởng dòng Trappe tại Hadokaté bên Nhật Bản để nhận những thông tin cũng như những gì cần thiết liên quan đến đời sống tương lai, như ngài báo tin cho đức cha Allys :

“Con vừa nhận được từ Nhật Bản Sách Thói Lệ, y phục. Con cũng đã nhận được Bản Hiến Pháp” Thư gởi Đức cha Allys, ngày 10 thánh 7 năm 1917.. “[4]

Lòng khát khao, nỗi ước muốn ngày càng mãnh liệt như dày vò tâm hồn của vị thừa sai Denis Thuận. Ngài vẫn thường xuyên viết thư cho Đức cha để nài nỉ được phép ra đi sống đời chiêm niệm.
Trong những lá thư viết vào năm 1917, cha Denis Thuận dùng những hình ảnh khác nhau để diễn tả tâm trạng và ước muốn của mình. Ngài viết :
“Kính thưa Đức cha,
Khi người cha đuổi đứa con của mình ra khỏi cửa, người con chỉ còn một việc phải làm, là lẻn vào nhà bằng một cửa khác. Từ ngày trở về nơi đây, con hằng nghĩ tới mảnh đất đẹp nơi con có thể định cư, nếu Đức cha muốn như vậy”.
“Đáng lẽ con đã phải nói với Đức cha về các đan sĩ của con Những đan sĩ còn trong tưởng tượng, trong dự tính của cha Denis Thuận[5].

Những đan sĩ còn trong tưởng tượng, trong dự tính của cha Denis Thuận.. Con đã trách mình là đã không làm, và hôm nay con dám viết cho Đức cha những dòng này để nói với Đức cha rằng con đã luôn nghĩ đến điều đó và hơn bao giờ hết. Có thể con sẽ chẳng làm được điều gì nghiêm túc trước khi chiến tranh kết thúc, nhưng con có thể định cư tại Gia Bình mà vẫn lo cho các kitô hữu, con sẽ chuẩn bị một tổ cho các đan sĩ trẻ của chúng con và chính con cũng tập sống đời sống mới này. Xin lỗi Đức cha, con đã thường xuyên nhấn mạnh với Đức cha đều đó, từ tám năm qua qua nhiều lá thư và lời cầu nguyện ! Con tưởng nhớ tới con người bạo dạn trong Tin Mừng, anh đang cần bánh, con cũng có cũng sự bạo dạn đó và con dám hy vọng đạt được cùng một kết quả”.
Chín năm đợi chờ trong kiên nhẫn và hy vọng càng làm tăng thêm nơi cha Denis Thuận lòng khao khát đời chiêm niệm. Ngài thấy mình như một phụ nữ sắp sinh ra một người con : nỗi đau còn đó, nhưng sẽ biến thành niềm vui.

2. ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI ĐAN TU CHIÊM NIỆM
Sự kiện cha Denis Thuận phải đợi chờ 9 năm trước khi được phép sống đời đan tu cho chúng ta thoáng thấy những khó khăn ngài phải vượt qua. Ý tưởng thành lập một dòng đan tu trong vùng đất Truyền Giáo không có chỗ đứng trong tâm trí của những vị sáng lập của Hội Thừa Sai, và những nhà truyền giáo cũng không nghĩ tới việc đó. Trong thư đề ngày 18 tháng 10 năm 1921 gởi cho Đức Cha Allys, cha Biển Đức Thuận diễn dịch một cách rõ ràng ý nghĩ của một số vị đồng môn trong Hội Thừa Sai:
“Kính thưa Đức Cha, Cha Delmas không một chút ủng hộ công cuộc của chúng con. Cha Robert thì đánh giá là một thứ xa xỉ vô ích trong miền Truyền Giáo. Còn Bề Trên cả của chúng ta nghĩ sao?..”
Cha Biển Đức Thuận, trong thời gian đầu của việc lập dòng, đã không thể thuyết phục được những người có lập trường khác, vì, ngoài sự kiện có một sự hoài nghi trong tâm trí họ, đời sống đan tu dưới nhãn quan họ như không mang lại gì cho việc hoán cải các tâm hồn và lương dân trở lại. Nói cách khác, đời sống đan tu được họ nhìn dưới khía cạnh của một lợi ích ngắn hạn. Nhưng cha Biển Đức Thuận, một khi đã nhìn rõ con đường phải khai mở, ngài ra tay hành động và đưa đến thành công một con đường mới mà không ai nghĩ tới.
Con đường đan tu, nhưng đâu là những định hướng cơ bản? Đâu là những nét phác thảo quan trọng làm nên căn tính cho một cộng đoàn đan tu mới khai sinh?
Chúng tôi không có ý trình bày tất cả những yếu tố căn bản của đời đan tu mà cha Biển Đức Thuận thiết định, vì như thế sẽ vượt qua khuôn khổ bài viết. Xuyên qua những gì Cha Biển Đức Thuận viết, chúng ta sẽ cố gắng khám phá những gì làm căn bản cho đời đan tu ngài xây dựng.
Trong nhiều thư, cha Biển Đức Thuận sử dụng từ “ước mơ” (rêve), và một giấc mơ lớn của ngài là thiết lập tại Việt-Nam (và cả Đông Dương) những đan viện, để qua ảnh hưởng của các đan sĩ, Tin Mừng của Chúa được nhiều người biết đến và gia nhập Giáo Hội, như gương mẫu của các đan sĩ ngày xưa đã Tin Mừng hoá Au Châu : thánh Augustin thành Cantobery, thánh Bertin, thánh Ouen, thánh Boniface, thánh Auschaire .v.v.
Trong thời gian quản nhiệm giáo xứ Nước mặn, ngài đã mơ ước có những “đan-sĩ-tông-đồ” bằng lời cầu nguyện và cả bằng lời nói nữa.
Trong thời gian đầu thành lập Phước Sơn (hay còn gọi là Dòng Đức Mẹ Việt-Nam), ngài vẫn còn nghĩ đến việc truyền giáo bằng việc giảng dạy mà ngài gọi đó là một cám dỗ không cưỡng lại được :
“Kính thưa Đức Cha,
Con đang nói đến việc tông đồ ư? Thật thế, đã lâu rồi con thương xót những con người khốn khổ. Những người Thượng (Cà Lơ) ở gần chúng con, ở nơi chúng con, họ nói tiếng Việt-Nam, nói tiếng thổ ngữ, không có một tôn giáo nào và đến bây giờ chúng con không chăm lo cho họ được. Theo con nghĩ, khi nào có mười hay mười hai linh mục tại Phước Sơn, thì chúng con không thể cưỡng lại cám dỗ làm cho họ theo đạo. Nhưng chuyện đó mai sau ! Mai sau ! Dầu vậy, cũng đã được nghĩ tới rồi : nếu chúng con là đan sĩ Dòng Trappe, chúng con chỉ có việc tông đồ bằng lời cầu nguyện và khổ chế”.
Một năm sau, nhân dịp nhận được thư của cha Rondel, câu hỏi tông đồ truyền giáo được đề cập đến trong thư cha Biển Đức Thuận nói lên ý tưởng của mình :
“Kính thưa Đức cha,
Con đã nhận được một lá thư dài của cha Rondel, vị đại ân nhân của chúng con. Ngài đã gặp cha Viện Trưởng Nhật Bản. Họ đã nói chuyện về Phước Sơn…
Đây là những lý do ngài nói đến :
1. Anh hưởng gương lành của các tu sĩ trên hàng giáo sĩ – đặc biệt là hàng giáo sĩ bản xứ – ảnh hưởng của lời cầu nguyện, ảnh hưởng của nhà tĩnh tâm, nơi an dưỡng thiêng liêng, của người giảng tĩnh tâm.
2. Có khả năng tu sĩ làm linh hướng cho các nữ tu, đặc biệt cho các nữ tu dòng Carmel.
3. Chỗ dựa cho các trung tâm truyền giáo. Cha Viện Trưởng đan viện bên Nhật Bản nhận định rằng những đan sĩ dòng Trappe, sống do sức lao động của mình, xa tránh những thăng trầm của những biến cố nhân loại. Ngài nói thêm : với thời gian, khi chúng tôi có đủ sức, chúng tôi sẽ nghiên cứu tầm ảnh hưởng của các ngài và sự bảo trợ thứ nhất trên các trung tâm truyền giáo.
Về ba lý do trên, lý do thứ hai ít làm con quan tâm. Con tin thật như vậy; con đã không còn muốn có những mối tương giao với các nữ tu và may là vấn đề này không được đặt ra. Lý do thứ nhất không cần bàn cãi. Nếu chúng con thực sự trở thành như đòi hỏi, chúng con sẽ nhất thiết làm nhiều điều ích lợi. Còn lý do thứ ba, đây là điều con viết trong Hiến Pháp:
“Theo gương Chúa Cứu Thế, các tu sĩ lao động như những người nghèo. Sống cuộc sống trong cảnh nghèo để đền tội, để toả hương thơm của Chúa Kitô, và để có lhả năng dùng phần dư mà giúp đỡ những người đang hoạt động cho phần rỗi của những người chưa nhận biết Chúa” [6]

Dần dần theo thời gian, cha Biển Đức Thuận xác định rằng những đan sĩ Phước Sơn sẽ mãi là những con người hiến dâng trọn cuộc đời cho vinh danh Chúa qua cầu nguyện và khổ chế. Tông đồ bằng lời nói, bằng việc rao giảng, nay đã biến mất. Những hoạt động bên ngoài, ngài thấy không thích hợp với đời đan tu. Điều đó được ngài khẳng định nhiều lần.
Trong thư dài đề ngày 26 tháng 3 năm 1920 gởi cho Đức cha Allys, ngài đề cập một cách rõ ràng “ý hướng” hay định hướng của mình :
“Kính thưa Đức Cha,
Con vừa nhận được lá thư của Đức cha và con vội trả lời ngay. Than ôi ! con có thể gặp Đức cha và làm tan biến đi những điều hiểu lầm. Con có lầm chăng khi từ lâu con cảm thấy qua giọng văn của các lá thư Đức cha không hài lòng về con. Lạy Chúa ! Ước gì con phục lạy dưới chân Đức cha để xin lỗi. Thật sự là con không muốn rời bỏ Phước Sơn (không chút nào, không chút nào) dù chỉ một hai ngày. Nhưng nếu Đức cha xét là thuận tiện, thì con sẽ đi Huế để báo cáo những gì con đang thực hiện và mục đích con theo đuổi….
Tất cả những cộng đoàn tu trì trên thế giới phải theo một trong bốn tu luật : tu luật thánh Basilio, thánh Augustino, thánh Biển Đức và thánh Phanxicô. Con chọn tu luật thánh Biển Đức, vì con tin rằng thích hợp cho chúng con. Dù chúng con là đan sĩ Xitô hay Biển Đức hoặc Camaldule, chúng con luôn tuân giữ tu luật thánh Biển Đức. “Những ý hướng của con” luôn là những ý hướng từ hơn mười năm nay, đó là ở Việt-Nam có những tu sĩ và trước hết là tu sĩ chiêm niệm… Bởi vì những tu sĩ chiêm niệm không muốn đến, hay không thể đến trong lúc này, cho nên con nghĩ là mình phải chuyên tâm vào việc thành lập một đan viện để trao cho những kitô hữu của chúng ta phương tiện trở thành tu sĩ, nếu họ muốn…”
Sau khi đã nêu rõ ý hướng là thành lập một đan viện cho các tu sĩ sống đời chiêm niệm, cha Biển Đức Thuận cảm thấy cần nói thêm để khẳng định con đường ngài vạch ra. Ngài viết tiếp:
“Không cần thiết là con phải là tu sĩ, cũng như những người đang sống với con phải là tu sĩ, nhưng cần thiết phải có tu sĩ… Nếu những cha dòng Trappe hay các đan sĩ chiêm niệm khác đến đây, họ chấp nhận chúng con nếu họ muốn và chúng con sẽ tùng phục ý muốn của họ…. Nếu các tu sĩ Au Châu không đến, chúng con sẽ tiếp tục sống theo công thức mà con đã đệ trình lên Đức Cha cách đây chín mười năm : “Tu Luật thánh Biển Đức và sát gần bao nhiêu có thể với Hiến Pháp của dòng Trappe”.
Sau khi đã nêu lên tất cả những điều căn bản trên, cha Biển Đức Thuận xác định một lần nữa :
“Thưa Đức cha, đó là “những ý hướng của con”.
Ý hướng có những đan sĩ chiêm niệm tại Việt-Nam, ngài tin chắc sẽ đạt được :
“Đối với con, mục tiêu chính yếu yếu sẽ đạt được : tại nước Việt-Nam sẽ có những tu sĩ chiêm niệm, những trường dạy sự hoàn thiện”.
Phần tiếp của lá thư dài và quan trọng này, cha Biển Đức Thuận cũng trả lời câu hỏi của chính Đức cha : “Sớm hay muộn nếp sống của các con, ngoại trừ qui chế của cộng đoàn, sẽ phải sát gần với điều mà cha Maunier mơ ước…”. Và ngài trả lời vấn nạn đó bằng những lời sau đây :
“Thưa Đức cha, với tất cả thành thật, đơn sơ, con thú nhận với Đức cha rằng con không biết một chút gì về điều cha Maunier mơ ước. Con cũng đã không bao giơ nghe nói đến… Đối với ngài, ngài muốn thi hành sứ vụ của nhà truyền giáo lưu động, ngoài khuôn khổ. Đó là điều rõ ràng. Nhưng ngài mong ước cho người khác, ngài muốn thành lập một cộng đoàn gồm các nhà truyền giáo thuộc giáo phận không? Ngài đã không bao giờ nói với con điều đó. Nhất là câu Đức cha viết trên mà con muốn gặp Đức cha. Con muốn thưa với Đức cha điều chúng con đang là, điều chúng con đang làm ngày hôm nay và rằng Chúa Thánh Thần đang giúp đỡ những người trẻ này…”
Sau khi đã tỏ bày rõ ràng những ý hướng và tư tưởng của mình về đời đan tu vừa được thiết lập, cha Biển Đức Thuận đóng lại lá thư bằng kết luận sau đây :
“Trong tất cả vụ việc này, con chỉ muốn vinh danh Chúa nhất. Nhưng con không quên rằng vị đại diện của Chúa, chính là Đức cha. Đức cha hãy nói cho con biết điều Đức cha muốn và con sẽ vui lòng tuân phục. Điều con phải trả giá đắt hơn mọi sự ở trần gian này là không còn là tu sĩ. Con thà mù loà hay phong cùi còn hơn không còn là đan sĩ nữa, Nhưng, dầu vậy xin Đức cha nói một lời và lời đó sẽ được đón nhận.”
Những lời sau cùng trong lá thư quan trọng định hướng cho đời đan tu thật là mạnh mẽ, vì cha Biển Đức Thuận từ nay đã tìm thấy con đường, một lối sống của mình trong lòng Giáo Hội. Ngài xác tín vào con đường Chúa dẫn ngài đi để chu toàn thánh ý Chúa. Từ đây cuộc sống của ngài khác ngày trước, đoạn tuyệt với những hoạt động của một thừa sai. Từ đây một khúc ngoặc quan trọng có tính quyết định trong đời sống của ngài và của cộng đoàn đan tu ngài thiết lập. Đời đan tu đó dẫn đưa ngài và các môn sinh vào hạnh phúc của chiêm niệm.

 

3. HẠNH PHÚC DẠT DÀO
Chúng ta vừa phân tích một số khó khăn mà cha Biển Đức Thuận phải đối diện và giải quyết khi biến ước mơ thành hiện thực và định hướng cho đời đan tu Xitô mà ngài là người đầu tiên gieo hạt giống trên quê hương Việt-Nam. Hạt giống chiêm niệm mà Thiên Chúa gieo vãi qua trung gian cha Biển Đức Thuận đã nẩy mầm và phát triển thành một cây đại thụ. Điều gì đã dẫn đến sự thành công đó? Cha Biển Đức Thuận đã cảm nghiệm gì trong nếp sống hoàn toàn mới này?
Cái nghịch lý lớn trong đời sống cha Biển Đức Thuận là nhiệt tâm truyền giáo và khao khát sống đời cô tịch. Là một thừa sai, ngài đã vận dụng mọi khả năng tinh thần vật chất để nâng cao trình độ hiểu biết của các tiểu chủng sinh, để hoán cải “lương dân”. Nhưng cuối cùng, cũng chính con người đó đã tìm gặp hạnh phúc được ẩn mình trong đan viện xa trần gian.
Chúng ta thấy rằng những điều nghịch lý, những nét như đối nghịch trên, ngài đã tìm được đáp án trong Đấng đã dẫn đưa mình vào cô tịch và thinh lặng. Chính Đấng đó là chìa khoá giải mã tất cả những đối nghịch và tất cả những nghịch lý trên. Thật vậy, cô tịch, cuộc sống ẩn kín chỉ có ý nghĩa khi chúng được tràn đầy bằng một sự Hiện Diện, bằng một mối tương giao. Chúng ta hãy lắng nghe lại một lần nữa những gì cha Biển Đức Thuận nói lên cảm nghiệm cá nhân và những giáo huấn về niềm hạnh phúc dạt dào của đời chiêm niệm.
Cha Biển Đức Thuận đã nhiều lần nhắc nhở các đan sĩ của mình sự cần thiết phải cám ơn Chúa đã dẫn đưa vào dòng này vì đó là một ơn rất trọng. [7]

 Qua những lá thư cho bà kế mẫu, cha Biển Đức Thuận diễn tả sự phiền hà mà ngài cảm thấy khi sống ngoài đan viện, cho dù được mọi người kính cẩn tiếp đón. Ngài đặt câu hỏi : nơi nào con cá cảm thấy hạnh phúc nhất, trong lọ mứt hay trong nước? Và kết luận là mình thích sống trong cảnh thanh vắng của đan viện. Chúng ta có thể hiểu được rằng đan viện là môi trường tự nhiên và thích hợp để sống mối tình thân mật với Thiên Chúa và anh em. Đan viện là nơi tốt nhất cho đan sĩ.
Trong một giáo huấn thiêng liêng, để giúp những đan sĩ chuẩn đóan tình trạng tâm hồn mình, cha Biển Đức Thuận miêu tả hai hạng đan sĩ. Một loại đan sĩ cảm thấy sung sướng khi sống trong đan viện, không thể sống ngoài đan viện lâu được, vì không tìm thấy thứ lương thực thích hợp cho đời sống mình. Họ như con chim câu của Noê, được thả ra và trở về tàu. Trái lại, có một hạng đan sĩ khác, được ví như con quạ không trở về tàu, vì đã gặp những thây ma xác chết làm lương thực cho mình. Những đan sĩ loại thứ hai này, vì không nghiệm thấy hạnh phúc đích thực trong đan viện, nên càng ở ngoài “thế gian” càng tốt để tìm những bù trừ.
Như vậy, vào sống trong đan viện là tìm gặp được hạnh phúc hay “phước” của chính Thiên Chúa. Nhưng đâu là “phước” của Chúa? Cha Biển Đức Thuận trả lời :
“Phước của Chúa là gì? Là Chúa biết Chúa trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi… Mà kẻ có ơn nghĩa cũng được thông phần sự hiểu biết và tình yêu phước lạc đó” [8]

Sự định nghĩa về “phước của Chúa” và con người được thông hiệp vào phước lạc đó, nêu lên tầm quan trọng của sự hiểu biết và tình yêu. Nếu tình yêu lưu chuyển trong cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi và được coi như là “phước” riêng của Thiên Chúa, mà tình yêu luôn giả định mối tương giao, sự hiệp thông thân tình, thì chúng ta có thể nói rằng nơi đâu có tình yêu thì nơi đó có hạnh phúc, và ngược lại.
Để trình bày cách đơn sơ cho các đan sĩ của mình hiểu những điều căn bản và cao siêu của sự kết hiệp với Thiên Chúa – điều tạo nên hạnh phúc đích thực – cha Biển Đức Thuận không sử dụng những ý niệm cao siêu, những phạm trù triết học hay thần học, vì như thế sẽ làm họ thất vọng; trái lại ngài dùng những hình ảnh thiết thân với cuộc sống để diễn tả điều chính yếu của những thực tại thiêng liêng.
Trước hết, ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết của sự kết hiệp với Thiên Chúa là mục đích duy nhất của đời đan tu [9]. “Việc cao trọng là yêu mến Chúa và làm tôi Người” phải là mục đích và là trung tâm của đan sĩ, của mọi sinh hoạt đan tu. Đan viện chính là nơi thể hiện một cách cụ thể nếp sống “duy nhất cho Thiên Chúa”. Nhưng đâu là chiếc “chìa khoá vạn năng” cho phép đan sĩ bước vào bầu trời của Thiên Chúa : đó là “đời sống thiêng liêng, bề trong” [10].

Đời sống nội tâm là con đường dẫn tới sự kết hiệp với Thiên Chúa, để được tham dự vào “phước” của Người. Nhưng đời sống thiêng liêng là gì? Đó là “sống với Chúa, với Đức Mẹ và các thánh trên trời; cũng như chúng ta sống trong nhà dòng này, với bề trên và các anh em vậy”.  [11]

Đời sống thiêng liêng hiểu như vậy là một điều gì cụ thể và trong tầm tay của chúng ta. Thật vậy, cha Biển Đức Thuận, qua các lời giáo huấn, không nói đến những hiện tượng lạ thường như ngất trí. Ngài nói đến đời thiêng liêng được sống trong môi trường đan tu xuyên qua việc suy niệm, cầu nguyện, lectio divina .v.v. Điều đó khẳng định rằng kinh nghiệm thần bí không dành riêng cho một số nhỏ, những tâm hồn ưu tuyển, mà cho mọi người.
Như vậy, nếu suốt cả cuộc đời, đan sĩ chỉ tìm sống kết hiệp với Chúa, nếu tất cả moị sinh hoạt đan tu để qui hướng về Người, nếu tất cả đời sống nội tâm xoay quanh trục tình yêu Thiên Chúa, thì dù rằng còn sống trong thân phận con người, đan sĩ đã nếm trước những phước lạc thiên đàng. Đan viện là tiền đình của thiên đàng, như là một thiên đàng dưới thế. Vì nơi đâu có sự kết hiệp với Thiên Chuá tình yêu, nơi đó là thiên đàng. Và thiên đàng là gì, nếu không phải là nơi đầy tràn hạnh phúc viên mãn và trường tồn.
Để khuyến khích các đan sĩ của mình, cha Biển Đức Thuận thường nói đến niềm vui, niềm hạnh phúc của những người sống trong đan viện, trong nhà Chúa. Dù rằng cuộc sống rất kham khổ nhưng vị sáng lập đan viện Xitô đầu tiên tại Việt nam đã cảm nếm sâu xa hạnh phúc khôn tả mà đời sống đan tu trao tặng. Niềm hạnh phúc đó ngài đã trao cho các môn sinh của mình.
Trong tập “Notice sur Notre Dame dAnnam”, cha Biển đức Thuận giới thiệu dòng Phước Sơn qua những điểm chính yếu như mục đích, lối sống và chương trình sinh hoạt hằng ngày. Ngài kết luận :
“Những sinh hoạt này trải dài từ sáng đến tối, và mỗi ngày đều lập lại mà không được miễn trừ, và còn nữa nội vi, sự thinh lặng, chay tịnh, canh thức, .v.v. Đó là thập giá, là ách, là gánh nặng của Chúa. Ách này êm ái, gánh này nhẹ nhàng; đời sống tu trì chiêm niệm luôn là “phần tuyệt hảo”. Các Giáo Phụ và Tiến Sĩ gọi đó là vườn thượng uyển, nhà Chúa và cửa trời. Như thánh Benado nói : “Nơi đó con người sống tinh tuyền hơn, ít té ngã hơn, nhận nhiều ân sủng hơn, nghỉ ngơi an bình hơn, chết an tâm hơn, được thanh tẩy nhanh chóng hơn, nhận được phần thưởng cao quí hơn.” Và có niềm vui lớn lao được cầu nguyện và chịu đau khổ vì các linh hồn, và có niềm vui to lớn hơn nữa được an ủi trái tim Chúa Giêsu. Vị Thầy nhân lành này đã hứa thưởng gấp trăm cho những ai từ bỏ tất cả để theo Ngài. Ngài trung tín giữ lời hứa ! Phúc thay ai đặt tin tưởng nơi Ngài”.
Kết luận này như là một biện hộ cho đời sống đan tu, một sự hộ giáo để lôi kéo trái tim của những ai bước theo Chúa Kitô gần hơn, của những ai tìm thấy trong đan viện những phương tiện thuận lợi cho việc kiếm tìm của họ trong ba chiều kích : chiều kích cá nhân : sự cứu rỗi (con người sống tinh tuyền hơn, ít té ngã hơn, nhận được nhiều ân sủng hơn, nghỉ ngơi an bình hơn, chết an tâm hơn, được thanh tẩy nhanh chóng hơn, nhận được phần thưởng cao quí hơn) – chiều kích huynh đệ : niềm vui to lớn cầu nguyện và chịu đau khổ vì các linh hồn – chiều kích thần linh : niềm vui còn to lớn hơn nữa được an ủi trái tim Chúa Giêsu. Ba chiều kích đó cô đọng tất cả những ước muốn của đan sĩ và trao cho đan viện danh xưng “vườn thượng uyển”, “Nhà Chúa”, “cửa Trời”, vì trong nơi này thần linh và nhân loại kết hiệp với nhau trong tình yêu song phương, trong sự trao đổi mật thiết. Nói cách khác, tình yêu hay đức ái mang lại cho đan viện bầu khí thiên đàng.
Chúng ta cũng cần ghi nhận một nét của những ai sống trong “Vườn thượng uyển”, “Cửa Trời”, “Nhà Chúa”, là chiêm ngắm được vẻ đẹp Thiên Chúa khắp mọi nơi :
“Biết Chúa ở với mình thì được đầy tràn an ủi. Kẻ ấy, khi thấy trời đất và cây cối hoa quả tốt tươi xinh đẹp, thì nói đó là mọi sự Cha tôi đã sáng tạo cho tôi được hưởng dùng mà cám mến ca ngợi Cha đã thương tôi thế ấy. Biết có Cha chúng ta hằng ở với chúng ta, nào có ai làm chi được, cho nên được bình an vui mừng luôn. “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì, nơi đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi an nghỉ.”  [12]

Như vậy sự kết hiệp thần bí chính là sự thành toàn của tình yêu Thiên Chúa dưới thế này.
Những gì ngài dạy dỗ người khác thì chính ngài là người đầu tiên đã sống, đã cảm nghiệm. Đời đan tu cho ngài môi trường thuận lợi để chiêm ngắm Thiên Chúa, để sống dồi dào sự kết hiệp với Thiên Chúa. Nhưng, phải chăng, khi đi sâu vào trong Thiên Chúa, cha Biển Đức Thuận lãng quên trần gian? Phải chăng Thiên Chúa Tình Yêu có sức cuốn hút mạnh mẽ đến nỗi trần gian không còn chỗ đứng trong trái tim đan sĩ Biển Đức Thuận?


4. CÔ TỊCH VÀ HIỆP THÔNG
Như chúng ta trình bày trên, sau bao nhiêu năm miệt mài tìm kiếm, giờ đây, cha Biển Đức Thuận đang chìm đắm trong chiêm niệm sâu xa. Ngài muốn sống mãi trong đan viện, vì nơi đó ngài bắt gặp được hạnh phúc. Từ bầu khí thần linh đó, ngài nhìn trần gian và lượng giá những thực tại trần gian : tất cả đều chóng qua, vô lối  [13]

Nếu mọi sự thế gian là vô lối, chóng qua, thì đâu là những điều con người đang tìm kiếm? Cha Biển Đức Thuận, với một chút tưởng tượng, đã trả lời rằng con người làm đủ mọi ngành nghề và giữ đủ mọi chức vụ, và rằng phần đông đi kiếm tìm những gì làm vui thỏa “cho thân xác vui sướng” [14]

Đọc lại những lời này, chúng ta có cảm tưởng nhãn quan của ngài về cuộc nhân sinh mang mầu sắc bi quan yếm thế : tất cả đều chóng qua, mau tàn. Nhưng nếu cha Biển Đức Thuận nhìn thấy mọi sự mau qua, là vì ngài nhìn thấy chúng trong mối tương quan với cái trường cửu là Tình Yêu Chúa. Sống trong đan viện, chìm sâu trong chiêm niệm, cha Biển Đức Thuận đã có một sự nhạy cảm thiêng liêng về cuộc sống con người trong chiều sâu của nó : Nghĩa là sự dữ trong thế gian được chuyển đổi từ phương diện vật chất sang tinh thần, từ sự nghèo khổ vật chất đến sự lãng quên Thiên Chúa. Chính sự lãng quên Thiên Chúa nơi người trần gian như một mũi kim nhọn châm vào tâm hồn của cha Biển Đức Thuận. Thật vậy, khi một tâm hồn đã đầy tràn tình yêu Chúa, khi họ đã tiến sâu vào trong lò lửa Tình Ai, thì đồng thời họ cảm thấy nỗi day dứt của Tình Yêu bị lãng quên và bị từ khước. Khi tâm hồn càng gần Thiên Chúa, thì họ càng khám phá ra nỗi bất hạnh của kiếp người không có Thiên Chúa. Nơi cha Biển Đức Thuận hiển hiện sự nhạy cảm về sự dữ này. Chính vì thế, dù sống trong đan viện, trong cảnh an bình, cha Biển Đức Thuận không quên trần gian, một trần gian đang mất dần ý thức về Thiên Chúa.
Xác tín rằng chỉ khi đi đến tận nguồn của đời mình là Thiên Chúa, và bằng cách đó, đan sĩ mới đóng góp phần mình vào việc dẫn đưa anh chị em mình vào con đường ân sủng Thiên Chúa. Khi đan sĩ nên thánh, lúc đó mới có thể “thánh hoá” trần gian, khi sống với một mình Thiên Chúa, đan sĩ mang lại nhiều lợi ích cho Giáo Hội.[15]

Ý thức được tính khẩn thiết của việc sống thân mật với Chúa và lợi ích thiêng liêng của việc kết hiệp với Người, cha Biển Đức Thuận không bao giờ lãng quên trần gian. Trần gian hiểu ở đây là con người, là tạo vật của Thiên Chuá mà ơn gọi là sống và kết hiệp với Người. Cha Biển Đức Thuận yêu trần gian, nhưng tình yêu ngài được diễn tả một cách khác. Ngài đi sâu vào những vấn đề của con người, đặc biệt sự vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc sống nhân sinh. Nếu cha Biển Đức Thuận sống trước tôn nhan Thiên Chúa để ca ngợi Người, chính là như một người đại diện cho anh em mình; nếu ngài ở đó trước Thánh Thể, ngài là một con người thờ lạy nhân danh trần gian, và nếu ngài chạy đến Thánh Tâm Chúa, là với tư cách của một con người kêu xin lòng thương xót tha thứ cho trần gian. Tất cả những sinh hoạt thường nhật, tất cả những thử thách như bệnh tật, tuổi già, đau khổ thể xác cũng như tinh thần, v.v. được cha Biển Đức Thuận và các đan sĩ của ngài đảm nhận, như là những cơ hội để xin Thiên Chúa ban ân sủng cho trần gian.
Sống trong đan viện, xa những nỗi lắng lo trần gian, để sống mãnh liệt sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa, cha Biển Đức Thuận khám phá ra hạnh phúc duy nhất, phước lạc duy nhất cho cuộc sống con người. Nhưng ngài không giữ lấy cho chính mình, hạnh phúc đó được chia sẻ cho những ai đến gõ cửa đan viện để trở thành đan sĩ, cho những ai đến với đan viện một thời gian ngắn, và cho tất cả mọi người xuyên qua cầu nguyện và hy sinh để ân sủng Thiên Chúa đến với họ. Như vậy, cô tịch mang chiều kích hiệp thông sâu xa, và đan sĩ, theo định nghĩa của Evagre, “xa lìa tất cả và kết hiệp với tất cả mọi người”.

Khi trình bày cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận trong mối tương giao với đời sống chiêm niệm, tôi không có tham vọng đề cập đến mọi khía cạnh của vấn đề. Tôi chỉ nêu lên một vài gợi ý bằng cách nhắc lại những gì ngài đã viết, đã nói, đã cảm nghiệm; để từ đó chúng ta khám phá ra chiều sâu tâm linh của ngài và giúp chúng ta sống ngày càng trọn đầy hơn ý nghĩa đời đan tu chiêm niệm.
Chữ viết và lời nói rất hạn chế, nhưng cũng diễn tả phần nào “nội dung” điều được nói đến. Khi đọc lại những lá thư, khi nghe lại những lời giáo huấn, chúng ta như cảm thấy nỗi khát khao sống đời chiêm niệm nơi cha Tổ Phụ đang trào dâng ngay chính trong cõi sâu thẳm lòng chúng ta. Lòng khát khao đó đã giúp ngài cũng như chúng ta giữ được “ngọn lửa” cháy mãi trong hành trình đời đan tu. Khi nhìn lại định hướng của đời đan tu cha Tổ Phụ thiết định, chúng ta được mời gọi đi vào con đường chiêm niệm với những yếu tố cấu thành, để chúng ta thêm xác tín và không bị giao động bởi những “cám dỗ” của chủ nghĩa duy hoạt động và duy hiệu quả. Khi rung cùng nhịp đập của con tim tràn đầy hạnh phúc trong Thiên Chúa Tình Yêu, chúng ta trở thành những chứng nhân cho một cuộc sống nhân sinh đầy ý nghĩa : sự kết hiệp với Thiên Chúa trong cô tịch lặng lẽ, trong âm thầm của đời đan tu chiêm niệm. Dù xa cách trần gian, chúng ta vẫn hiệp thông với anh chị em chúng ta một cách sâu xa và mầu nhiệm trong trái tim Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hiện diện với họ khi hiện diện với Thiên Chúa.
Tái khám phá một vài chiều kích của đời sống chiêm niệm nơi Cha Tổ Phụ, chúng ta được mời gọi, đến lượt mình, kiến tạo đời đan tu chiêm niệm trên quê hương Việt Nam, trong sự trung thành với tinh thần của ngài và trong sự sáng tạo đầy trách nhiệm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

[1]  M. Emmanuel Triệu Chu Kim Tuyến, Hạnh tích cha Benoit, nxb Hồng Lam, Sài-Gòn, 1968.

[2]   Chúng tôi sử dụng danh xưng “Cha Denis Thuận” trong thời gian Ngài làm thừa sai, danh xưng “cha Biển Đức Thuận” khi Ngài sống đời đan tu.

[3] “Kính thưa Đức Cha,
Một linh mục miền Bắc đã xin gíam đốc và gíam mục của mình được đến ở nơi đây. Ngài đã gởi cho con câu trả lời của hai đấng. Cha giám đốc : “Chuyện ảo tưởng của trí tưởng tượng”. Giám mục : “Tôi không thể từ chối cha đến Phước Sơn, nếu thật sự cha muốn. Nhưng tôi phải tuân theo Giáo Luật. Nhưng cha hãy ở lại đây nơi cha làm được nhiều việc tốt đẹp.” … Con đã trả lời : “Nếu ước muốn sống đời tu trì kéo dài, thì một ngày kia vị giám đốc của cha sẽ nhìn thấy trong đó tác động của Chúa Thánh Thần. Còn những ý định thoáng qua do trí tưởng tượng thôi thúc thì không kéo dài. Chắc chắc cha không phải chờ đợi 9 năm như con…”

[4]  Thư gởi Đức cha Allys, ngày 10 thánh 7 năm 1917.

[5] Những đan sĩ còn trong tưởng tượng, trong dự tính của cha Denis Thuận.

[6]  “Ad imitationem Salvatori nostri, monachi laborent ut pauperes, vitamque in egestate degant ad expianda peccata, ad spargendum bonum adorem Christi et ut possint ex superfluo adjuvare qui laborant ad salutem infidelium.”, HP1, số 165; HP2, số 270.

[7] Di ngôn cha Biển Đức Thuận, Sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt-Nam, lưu hành dụng nội bộ, “Cám ơn Chúa đã gọi chúng tôi vào dòng”, tr. 167-168.

[8]  DN, “Về ơn nghĩa”, tr. 127

[9]  DN, “Sống kết hiệp với Chúa”, tr. 122

[10]  DN, “Sống kết hiệp với Chúa”, tr. 123.

[11]  DN, “Sống kết hiệp với Chúa”, tr. 124.

[12]  DN, “Sự kín nhiệm của thầy dòng contemplativi”, tr. 183-184.

[13]  DN, “Sống kết hiệp với Chúa”, tr. 122.

[14]  DN, “Mọi sự đều vô ích, trừ ra sự kính mến Chúa”, tr. 137 và “Đền bồi phạt tạ Thánh Tâm Chúa”, tr. 139.

[15]  DN, “Nên thầy dòng thánh”, tr. 172-173.

 

.
.

.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...

KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN...