Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN VỚI KHÁT VỌNG NÊN THÁNH PHẦN 1 (M.Cecilia – VP)

 

CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN

VỚI KHÁT VỌNG NÊN THÁNH

Cecilia – TM Vĩnh Phước


   Con người được tạo dựng “theo”và “giống”hình ảnh của Thiên Chúa[1]nên trong cõi sâu tâm hồn luôn mang một khát vọng vô biên về sự hoàn thiện, về giá trị chân thiện mỹ. Vì thế, Đức Giêsu đã không ngừng mời gọi con người: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).Do đó,ơn gọi nên hoàn thiện, nên thánh là ơn gọi chung của bất kỳ Kitô hữu nào. Hơn nữa, con đường nên thánh thì có nhiều cách thế và thích hợp với ơn gọi của từng người như lời Công đồng Vatican II đã khẳng định:“Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người”[2]. Trong giới hạn của bài viết này, người viết chỉ đề cập đến ơn gọi và khát vọng nên thánh mãnh liệt của một con người đáng kính, đó là cha Tổ phụ Biển Đức Thuận, Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia. Với ước mong qua những dòng suy tư nhỏ bé này, mang đến cho chính bản thân cũng như tất cả những ai đang ấp ủ trong lòng khát vọng nên thánh một nghị lực mạnh mẽ để hăng say đáp trả lời mời gọi của Thầy Giêsu trong chính ơn gọi mình đang sống. Vậy chúng ta sẽ từng bước khám phá con người và khát vọng nên thánh của cha Tổ phụ Biển Đức Thuận được thể hiện như thế nào? Và ngài đã thực hiện khát vọng nên thánh ấy ra sao? Đồng thời, liên hệ đến ơn gọi nên thánh của các đan sĩ ngày hôm nay theo gương Đấng Tổ Phụ như thế nào?

 

I.Khát vọng nên thánh của cha Tổ phụ Biển Đức Thuận, Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia.

     Cũng như bao ơn gọi khác trong đời, ơn gọi nên thánh nơi mỗi người cũng cần có một tiến trình phát triển theo dòng thời gian. Vì thế chúng ta sẽ cùng nhau khám phá ra tiến trình nên thánh của cha Tổ phụ Biển Đức Thuận đã trải qua như thế nào? Đâu là những điểm nhấn trong cuộc đời nên thánh của ngài?

     Là con cái của cha Tổ phụ Biển Đức Thuận, chắc hẳn chúng ta biết rất rõ về tiểu sử của ngài, do đó bài viết này không nhằm trình bày lại tiểu sử, nhưng chỉ xin nhấn mạnh đến hai điểm nổi bật trong cuộc đời nên thánh của ngài,thứ nhất: khát vọng nên thánh được thể hiện qua sự từ bỏ để đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa; Thứ hai:khát vọng nên thánh được thể hiện qua nỗ lực hoàn thiện bản thân: con người nhân bản và con người tâm linh.

1.Khát vọng nên thánh thể hiện qua những lần từ bỏ để đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa

     Người thanh niên giàu có trong Tin Mừng khi hỏi Chúa Giêsu về con đường nên hoàn thiện và Người đã chỉ cho biết: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem chia cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng ở trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Cũng thế, cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận cũng đã khám phá ra lời mời gọi của Thiên Chúa, nhưng thay vì buồn rầu bỏ đi như người thanh niên kia thì ngài đã sẵn sàng đáp trả qua những lần từ bỏ.

     Theo Hạnh Tích kể lại, cha Tổ phụ Biển Đức Thuận lúc bấy giờ là cậu Henri Denis đã khám phá ra tiếng Chúa gọi lần đầu tiên khi cậu đang còn rất bé, đang học lớp thêm sức và được cha Andrea Eloy, cha phó xứ Wimille tặng cho danh hiệu “nhà thần học tí hon”. Từ ngày đó ước nguyện dâng mình cho Chúa trong ơn gọi linh mục lớn dần lên trong tâm hồn cậu cho tới lúc cậu được chính thức gia nhập tiểu chủng viện Boulogne rồi đến đại chủng viện Arras để trở thành linh mục trong tương lai. Vậy, điều gì đã thúc đẩy Henri chọn ơn gọi đặc biệt này, trong khi đó có biết bao chàng trai như Henrilại chọn cho mình một lối đi khác? Chúng ta biết rằng ơn gọi sống đời thánh hiến là một huyền nhiệm nhưng cũng là hồng ân và là quà tặng nhưng không Thiên Chúa ban cho nhân loại. Tuy nhiên, khi cất tiếng gọi, Người luôn tôn trọng tự do đáp trả của con người. Vì thế, chính sự tự do đáp trả lời kêu mời của Thiên Chúa nơi cậu Henri Denis là dấu chứng rõ nhất về khát vọng nên hoàn thiện.

     Đọc Hạnh Tích viết về cuộc đời cha Tổ phụ Biển Đức Thuận chúng ta biết được rằng, từ nhỏ cậu bé Henriđược đánh giá là người đạo đức, đặc biệt cậu có trí khôn sắc sảo, thông minh và lanh lợi, do đó cậu được mọi người thương mến và đặt kỳ vọng rất nhiều. Tác giả cuốn Hạnh Tích kể lại: Có một người Do thái giàu có đã từng có ý định đứng ra bảo lãnh cho Henri Denis để cậu xây dựng cơ đồ lớn sau này vì nhận thấy cậu có tướng tá thông minh, lanh lợi và chí khí anh hùng[1]. Tuy nhiên, đối với Henri một khi đã nhận ra được lời mời gọi của Chúa, cậu sẵn sàng từ bỏ tất cả những danh lợi thế gian với bao hứa hẹn trong tương lai[2] để dấn thân phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội trong ơn gọi thánh hiến. Vì thế cậu đã nỗ lực trau dồi đời sống đạo đức cũng như tri thức và thần học hầu trở thành một linh mục mẫu mực,giúp ích cho Giáo hộitrong tương lai.Thế nhưng, đó chưa phải là điểm dừng chân trong hành trình theo Chúa của Henri. Thật vậy, Thiên Chúa đã tiếp tục cất tiếng mời gọi thầy tiến xa hơn nữa trên con đường dấn thân phục vụ Tin Mừng đó là gia nhập Hội Truyền Giáo Pari. Đây là lần thứ hai Henri lắng nghe được tiếng kêu mời của Thiên Chúa.Tuy nhiên, lời đáp trả lần này đòi hỏi phải quyết liệt, mạnh mẽ và triệt để hơn nhiều. Bởi chính sự chọn lựa này khiến ngài phải chấp nhận từ bỏ, xa lìa cha mẹ là những đấng mà ngài rất mực yêu thương; cũng như quê hương xứ sở Pháp giàu có, văn minh; cùng với tương lai huy hoàng phía trước để đi đến những miền truyền giáo xa xôi, nghèo đói và thiếu văn minh như nước Việt Nam thời bấy giờ.

     Quả vậy, đây là một bước ngoặt rất quan trọng trong bước đường dấn thân theo Chúa của Henri Denis. Chính sự chọn lựa này cho thấy khát vọng hăng nồng, cháy bỏng được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô nơi tâm hồn Henri. Bởi chưng, theo sự nhận xét của các chủng sinh tiếp bước trong sứ mạng truyền giáo này thì cuộc đời của họ trở thành một cuộc tử đạo liên lỷ cho tới khi được lấy cái chết để làm chứng cho lòng tín trung với Chúa Kitô[3]. Thế nên, chỉ có tâm hồn luôn khát khao làm sáng danh Chúa và khát khao phần rỗi các linh hồn cách mãnh liệt như Henri mới có thể đáp trả lời mời gọi này.

      Quả thế, từ lúc cha Henri Denis bước chân tới miền đất truyền giáo, cuộc đời ngài bước sang một trang sử mới, ngài hân hoan đón nhận nước Việt Nam làm quê hương thứ hai của mình. Trong suốt mười lăm năm thực thi sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam, dù những năm giữ chức vụ giáo sư trường An Ninh hay khi làm cha xứ Nước Mặn, ngài đã một lòng tận tụy, dốc hết tâm lực, tài năng… để thi hành sứ vụ một cách hiệu quả nhất. Mặc dù như chúng ta biết,các vị thừa sai trong hội truyền giáo này phải đảm nhận những sứ vụ hết sức khó khăn, lắm nhiêu khê và nguy hiểm, đòi hỏi họ phải chấp nhận sự tử đạo mỗi ngày trong phiền muộn, đau khổ và hy sinh để làm chứng cho lòng trung tín với Chúa Kitô…[4] Tuy nhiên, đối với cha Henri tất cả những khó khăn đó chẳng là gì, nhưng điều quan trọng là ngày càng có thêm nhiều tâm hồn được nhận biết Chúa và yêu mến Người. Quả vậy, lòng say mến Thiên Chúa và khát khao phần rỗi các linh hồn quá mãnh liệt khiến cha chưa hài lòng với những gì mình làm, với con số ít ỏi người nhận biết Chúa. Vì thế, một lần nữa ngài lại nhận được tiếng kêu mời ra đi của Thiên Chúa, nhưng sự ra đi lần này còn đòi hỏi phải từ bỏ triệt để hơn nữa, vì đây là sự ra đi hoàn toàn trong niềm tin và tín thác, một sự lần mò trong đêm tối để thực hiện điều Thần Khí thúc đẩy, linh hứng cho Đấng sáng lập để lập nên đời đan tu chiêm niệm dành cho nam giới tại Việt Nam.Chính vì thế, lời đáp trả này càng bày tỏ cách minh bạch hơn lòng khát khao mãnh liệt về sự hoàn thiện nơi tâm hồn cha. Tiếng thưa “xin vâng ý Cha” nơi ngài được thốt ra từ một trái tim chỉ khát mong được sống và thi hành ý Cha cho đến cùng như Đức Giêsu (x. Mc 14, 36) dẫu phải đối diện với biết bao đau thương và thử thách.

     Qua bước khám phá trên ta có thể khẳng định rằng, khát vọng nên thánh của cha Tổ phụ Biển Đức Thuận được đánh dấu qua những lần từ bỏ để đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa và cường độ từ bỏ càng lúc càng mãnh liệt hơn.Thật vậy, chỉ có tâm hồn hằng khát khao thực hiện Thiên Ý như ngài mới có khả năng đáp trả những tiếng gọi như thế của Thiên Chúa.Bởi vì mỗi bước ngoặt quyết định chọn ý Chúa là mỗi lần cha phải chấp nhận từ bỏ lớn lao về mặt thể lý cũng như tinh thần. Những lúc ấy ngài đã hoàn toàn từ bỏ cái tôi vị kỷ, hoàn toàn ra khỏi bản thân để Thiên Chúa bước vào cuộc đời và làm chủ đời ngài.Như tông đồ Phaolô, ngài không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì ngài (x. Gl 2, 20).Vâng, chính qua con đường từ bỏ dấn thân theo Chúa của cha Tổ phụ Biển Đức Thuận mà chúng ta khám phá ra khát vọng mãnh liệt nên hoàn thiện nơi tâm hồn cha. Tuy nhiên, khát vọng ấy còn được tiếp tục bày tỏ cách hiện sinh hơn nữa qua việc ngài quyết tâm nên hoàn thiện bản thân nơi con người nhân bản cũng như tâm linh.  Vậy, để hiểu rõ hơn về điều này chúng ta sẽ tiếp tục khám phá con người và đời sống của cha cách riêng từ khi rút lui vào chốn thanh vắng để sống đời chiêm niệm cho tới ngày từ giã cuộc sống trần gian để trở về nhà Cha trên trời.

 

2. Khát vọng nên thánh thể hiện qua việc nỗ lực hoàn thiện bản thân: con người nhân bản và tâm linh.

     Đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, cha Tổ phụ Biển Đức Thuận hằng khát khao thực thi lời mời gọi: “Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày để theo Đức Kitô” (x. Lc 4,27) cách triệt để nhất. Điều này được thể hiện qua việc nỗ lực hoàn thiện con người nhân bản cũng như con người tâm linh bằng những cách thế  sau đây.

2.1  Hoàn thiện con người nhân bản

     Theo tác giả cuốn Hạnh Tích cho biết, cha Denis Thuận khi còn giữ chức vụ giáo sư tại tiểu chủng viện An Ninh, ngài được đánh giá là một người đạo đức, thông minh, nhạy bén, tuy nhiên ngài cũng bị khiển trách là người nóng tính, kiêu ngạo và hay thay đổi. Quả thế, ngài đã thẳng thắn, phê bình, phạt kỷ luật đối với những chủng sinh làm biếng, không nghiêm túc chấp hành kỷ luật cũng như việc học hành, vì thế nhiều chú sợ thất kinh đến mắc bệnh. Nhiều lúc ngài cầm hãm tính nóng đến nỗi đỏ mặt tía tai, chân tay run rẩy[5]. Tuy nhiên, sau khi được góp ý về điều đó, ngài đã quyết chí sửa mình, hãm dẹp tính nóng nảy mà trở nên khiêm nhường hiền lành cách lạ thường. Bên cạnh đó, ngài cũng tập sống cương quyết và kiễn nhẫn trong mọi việc.Với tâm hồn luôn khát khao hoàn thiện bản thân, ngài đã mau mắn nhìn nhận yếu điểm của mình. Theo gương thánh Phaolô, ngài đã biến những yếu đuối thành cơ hội để khám phá ra ân sủng của Thiên Chúa nơi con người bất toàn, yếu đuối của mình. Đồng thời chính những yếu đuối đó giúp ngài không ảo tưởng về bản thân và càng sống tự hạ hơn. Quả vậy, để có thể loại trừ được những thói xấu đó, ngài đã tập sống hiền lành, nhẫn nhục nhất là khi ai đó nói những lời xóc óc, xúc phạm đến mình. Bên cạnh đó, ngài đã chọn cho mình những công việc hèn hạ không ai muốn làm như: tự tay xức thuốc, rửa vết thương cho những chú chủng sinh bị ghẻ lở, thối tha (làm giáo sư tại chủng viện An Ninh); Tự tay tắm rửa và liệm thi hài mắc bệnh dịch tả (khi làm cha xứ Nước Mặn); Rồi khi làm Bề trên đan viện, ngài càng tự hạ hơn nữa khi dành lấy mọi công việc hèn hạ trong đó có việc dọn nhà vệ sinh …Thật vậy, lời mời gọi trở nên con người hoàn thiện theo ý Cha đã không ngừng thôi thúc ngài ra khỏi con người tự nhiên để vươn tới con người siêu nhiên theo sự hướng dẫn của Thần Khí. Mặt khác, ngài nhận thức rằng để theo Thầy Giêsu không có con đường nào khác ngoài con đường của thánh giá, hy sinh và đau khổ. Tất cả những đòi hỏi đó của Tin Mừng đã được ngài hăm hở đón nhận và quyết tâm thi hành.

    Bên cạnh việc sửa đổi bản thân, cha Biển Đức Thuận đã sống một cuộc đời hy sinh nhiệm nhặt phi thường. Chính lòng khát khao hoàn thiện bản thân đã thúc đẩy ngài rút lui vào chốn thanh vắng để sống cuộc đời hy sinh hãm mình với ba mục đích chính của đời chiêm niệm là: để hoàn thiện bản thân, phục vụ Giáo hội bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh, tham gia cứu rỗi các linh hồn chưa nhận biết Chúa[6]. Quả thế, các chứng nhân đã từng sống với ngài cho biết: Cha Biển Đức Thuận đã sống đời hy sinh hãm mình cách triệt để từ việc nhịn ăn uống, ngủ nghỉ, sống nghèo khó, giữ luật nhiệm nhặt đến những hy sinh âm thầm khác.  Đối với cha việc ăn chay hãm mình chế ngự thân xác là yếu tố quan trọng giúp ngài sửa đổi thói hư tật xấu hầu nâng cao tâm hồn để thanh thoát phụng sự Thiên Chúa, phục vụ các tâm hồn và làm gương cho anh em trong việc giữ luật. Tuy nhiên, việc ăn chay hãm mình không làm cha mất đi sự bằng an vui vẻ, trái lại làm cho ngài trở nên một con người thanh  thoát phụng sự Thiên Chúa, phục vụ các tâm hồn và làm gương cho anh em trong việc giữ luật. Tuy nhiên, việc ăn chay hãm mình không làm cha mất đi sự bằng an vui vẻ, trái lại làm cho ngài trở nên một con người thanh thoát, thánh thiện, vui tươi và có sức thu hút lạ thường[9].

   Đặc biệt, một điểm nổi bật khác nữa trong tiến trình nên trọn lành của cha Biển Đức Thuận không thể không đề cập đến đó là đời sống đức ái.Bởi vì trong tất cả mọi biểu hiện của sự thánh thiện, thì đức ái hay tình yêu thương đích thực là quan trọng nhất. Hiến chế Giáo hội của Công đồng Vatican II đã nói: “Đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, là linh hồn của những phương thế ấy và đưa chúng đến cùng đích”[10]. Thật vậy, đời sống đức ái của cha Biển Đức Thuận được diễn tả rõ nét qua đời sống hy sinh phục vụ tận tình đối với tất cả mọi người và xây dựng tình huynh đệ hiệp nhất trong đời sống cộng đoàn.Quả thế, từ khi làm giáo sư chủng viện An Ninh đến khi làm cha xứ Nước Mặn cho tới khi làm Bề trên đan viện, ngài luôn nêu cao tinh thần yêu thương phục vụ, dốc hết tâm lực để xây dựng tình huynh đệ với anh em. Noi gương Thầy Chí Thánh ngài đã trở nên người phục vụ thực sự chứ không phải đợi người khác phải phục vụ mình (x.Mt20, 28; Mc10, 45).Cha đã mặc lấy tâm tình và trái tim yêu thương của Đức Kitô khi phục vụ mọi người, dù họ là ai[11]. Vì thế, ngang qua đời sống của mình ngài đã trở nên một chứng nhân sống động diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa với hết mọi người.

2.2 Hoàn thiện con người tâm linh.

    Hơn ai hết, cha Biển Đức Thuận là người ý thức được rằng sự thánh thiện là ân ban nhưng không của Thiên Chúa, tất nhiên cần có sự cộng tác của con người. Vì thế, để thực hiện khát vọng nên thánh ngài đã khôn ngoan cắm rễ sâu đời mình trong đời sống của Chúa Kitô với phương thế đắm mình trong cầu nguyện, liên lỷ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.Đối với ngài, cầu nguyện là việc ưu tiên nhất trong ngày sống. Do đó, dù cả ngày bộn bề với bao công việc ngài vẫn cố gắng dành những giờ phút riêng tư chuyện vãn với Thiên Chúa. Vì thế,khi cảm nghiệm được niềm vui trong đời sống chiêm niệm ngài đã đem chính kinh nghiệm của mình để chia sẻ với các môn sinh: “Phước của chúng ta là gặp Chúa, nói khó với Chúa, kính mến Chúa, kết hợp với Chúa. Nói khó với Chúa trong tâm hồn mình” (DN số 141).Hơn nữa,đời sống cầu nguyện của cha không chỉ được thể hiện qua những thái độ, tác phong nghiêm trang sốt sắng bên ngoài mà còn đầy lửa mến bên trong. Điều này chính các cha từng sống với ngài làm chứng rằng: “Cha Benoit là đấng thật sốt sắng kính mến Chúa hết lòng và phi thường…ngài có sự sống bề trong rõ ràng lắm, các ý chỉ của ngài khi làm việc rất siêu nhiên”. Đặc biệt, ngài tập cho mình thói quen không để một giây phút nào qua đi mà không liên lỷ hướng về trời cao để kết hiệp với Chúa[12]. Trong nhiều bức thư gửi cho song thân, ngài hằng bày tỏ lòng khat khao được yêu mến Chúa nhiều hơn nữa. Lòng khát khao đó như một dòng suối vô tận tưới mát tâm hồn cha hầu làm cho con người và đời sống của cha ngày càng nên hoàn thiện trong ân sủng của Thiên Chúa.

      Khát vọng nên thánh nơi cha Biển Đức Thuận còn được thể hiện qua lời thưa xin vâng thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh[13].Có thể nói cả cuộc đời ngài là một điệp khúc “xin vâng” và “tạ ơn”. Thật vậy con đường theo Chúa của cha đã phải trải qua biết bao truân chuyên, gian khổ. Đặc biệt trong giai đoạn khởi sự lập dòng cha bị hiểu lầm, chỉ trích, chống đối từ nhiều phía, bị thiếu thốn vật chất, nhân sự và lắm lúc cộng đoàn bé nhỏ bị rơi vào thế bấp bênh…thế nhưng ngài vẫn đặt hết niềm tin tưởng cậy trông vào Cha trên trời và nỗ lực phấn đấu để vượt qua. Hơn nữa trong hành trình đức tin có những khi ngài phải bước đi trong đường hầm của sự tăm tối, nghi ngờ và tuyệt vọng nhưng với tâm hồn gắn bó với Chúa ngài đã sớm đọc ra ý Chúa và mau mắn thi hành[14]. Chính vì thế, ngài hằng giữ được tâm thái bình an, vui vẻ, ngài nói: “Phó mình trong tay Cha lành là điều tốt hơn cả”. Thế nhưng, để có thể sống được tâm tình đó chắc chắn đời sống tâm linh của ngài đã đạt đến chiều sâu mạnh mẽ. Bởi chúng ta biết rằng với bản tính tự nhiên hạ đẳng, con người vẫn thích chiều theo ý riêng hơn là vâng ý Chúa. Thế mà cha Biển Đức Thuận đã để cho ý Chúa hoàn toàn chi phối và làm chủ đời mình nên ngài đã đạt được sự tự do đích thực, tự do của con cái Thiên Chúa (x. Ga 8, 31-36).

     Cuối cùng, khát vọng nên thánh nơi cha tổ phụ Biển Đức Thuận đã đạt tới đỉnh cao khi ngài bày tỏ niềm vui sướng lúc biết mình sắp được trở về nhà Cha trên trời. Chắc hẳn cả một cuộc đời sống và làm theo ý Chúa ngài không mong mỏi gì hơn là được Cha nhân lành ban thưởng hạnh phúc Thiên Đàng. Bởi thế, ngài hằng năng suy đến một sự hệ trọng nhất trong đời là ơn thiện tử[15].Tuy nhiên, lòng khát khao hạnh phúc thiên đàng nơi cha không phải là một điều tiêu cực bởi chán ghét cuộc sống trần thế đau thương, nhưng là vì lòng say mến Thiên Chúa, ước ao được chầu chực trước Tôn Nhan Người.Niềm tin tưởng vào lời cầu nguyện của Đức Giêsu “Con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha ban cho Con cũng ở đó với Con” (Ga 17, 24) đã khiến cha chấp nhận mọi hy sinh, đau khổ, mất mát ở đời này. Trong các lá thư gửi cho bà kế mẫu, ngài hằng bày tỏ niềm khát mong này[16]. Đặc biệt, niềm hy vọng cánh chung nơi tâm hồn cha được bày tỏ cách mãnh liệt nhất trong những giờ phút hấp hối. Vì thế, dù đang phải quằn quại chiến đấu với cơn đau thể xác và tinh thần nhưng vì biết mình sắp được về với Chúa thì ngài cảm thấy sung sướng, hạnh phúc biết bao. Quả vậy, không có gì nơi trần gian này có thể níu kéo cha ở lại chốn này nữa, bởi tâm hồn cha đã ngây ngất trong cõi Thiên Thu.Vì thế, đối với các môn sinh sự ra đi của ngài đã để lại bao tiếc nuối, nhớ thương, nhưng bản thân cha đã thực sự mãn nguyện vì đã hoàn tất cuộc hành trình đẹp nơi dương thế.

     Qua một vài nét khám phá cuộc đời và khát vọng nên thánh của cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, đấng sáng lập Hội dòng Xitô Thánh Gia cho ta thêm lòng yêu mến, kính phục ngài. Đồng thời, hướng nhìn về thế hệ đan sĩ là các môn sinh của ngài ngày hôm nay ta tự hỏi. Các đan sĩ đã sống tinh thần nên thánh theo gương Đấng tổ phụ như thế nào để có thể thực hiện ước nguyện của người cha đáng kính là: “Các con hãy nên thầy dòng thật, thầy dòng thánh nếu không chỉ phỉnh dối người ta” (DN số 34). Vậy, tiếp tục bài viết này, chúng ta sẽ bàn thêm về tinh thần nên thánh của các đan sĩ Xitô Thánh gia theo gương cha Tổ phụ Biển Đức Thuận.

 

[1]x. St 1, 26- 27; Ep 4,24.

[2]Công đồng Vatican II, Hiến chếLumen Gentium, số 42.

[3] X. Hội dòng Xitô Thánh gia, Hạnh Tíchcha Benoit, tr. 33.

[4]Ibid, tr. 34.

[5]Hội dòng Xitô Thánh gia, Tiểu sử cha Biển Đức Thuận, tr. 77.

[6]Ibid,tr. 129.

[7]Hội dòng Xitô Thánh gia, Hạnh Tíchcha Benoit, tr. 71.

[8]x. Hội Dòng Xitô Thánh gia, Hiến Pháp số 1.

[9]x. Hội dòng Xitô Thánh gia, Hạnh Tíchcha Benoit, tr. 79.

[10]Công đồng VaticanII, Hiến chếLumen Gentium, số 42.

[11]x. Hội dòng Xitô Thánh gia, Hạnh Tích cha Benoit, tr.52- 55.

[12]Lời chứng của cha Lebourdait về cha Benoit: Ngài hằng ở trước mặt Chúa luôn, hằng sẵn sàng tiếp ứng với Chúa mọi giờ khắc, hằng nhắc lòng kết hợp với Chúa Giesu vượt khỏi mọi sự trần thế…. Có lần ngài nói: Con biết có linh hồn mỗi ngày bay lên cùng Chúa đến một ngàn, một ngàn rưỡi, hai ngàn lần” (x. HT, tr. 216-217).

[13] Lời chứng của cha Gilbert Barnabé về cha Benoit: Ngài nói nhiều câu cảm kích: “Luôn thấy ngón tay Chúa trong hết mọi sự, bất luận xuôi thuận hay trắc trở, khi gặp điều trái ý chớ hành động ngược lại, phải phục tùng thánh ý Chúa” (x. HT, tr. 211).

[14] Tác giả cuốn sách Tiểu sử cha Biển Đức Thuận cho rằng:ngài đã phải chờ đợi 5 năm để được phép đi đến một xứ đạo để rao giảng Tin mừng cho lương dân và chờ đợi 9 năm để được phép trở thành đan sĩ: tất cả những năm thang chờ đợi ấy là một quãng thời gian dài và đầy đau khổ đối vơi vị thừa sai này.Tr. 210.

[15]Hội dòng Xitô Thánh gia, Hạnh Tíchcha Benoit, tr. 89.

[16]x. Hội dòng Xitô Thánh gia, Hạnh Tíchcha Benoit, các trang 156, 167, 172.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...