Lc 16, 19- 31
“NGƯỜI GIÀU CŨNG KHÓC”
Khi đọc một số bản văn trong Tin Mừng của Thánh Luca, ta nhận thấy hình như tác giả không có thiện cảm mấy với những người giàu có và hay lên án những kẻ lắm của nhiều tiền? Còn với những người nghèo khó thì ông dành rất nhiều tình cảm cho họ, bênh vực họ? Như ở Lc 1, 52-53: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhừng. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng”. Và ở 6, 20. 24: “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em”. Còn với người giàu thì: “Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi sẽ được phần an ủi rồi”; Hay như ở Lc 12, 13- 21, người phú hộ giàu có, lo loay hoay xây cất kho lẫm để thu tích của cải và bị Chúa Giêsu khiển trách nặng nề: “Đồ ngốc, người ta sẽ đòi mạng ngươi thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
Ở Luca 18, 18- 25, ông thủ lãnh đến gặp Chúa, xin Ngài chỉ cho con đường đạt đến sự sống đời đời. Chúa chỉ cho ông bán hết của cải làm phúc cho người nghèo rồi đi theo Chúa, ông sẽ đạt được như điều mình muốn. Nhưng ông ta đã buồn rầu bỏ đi. Và Chúa Giêsu kết luận: “Những người giàu có khó vào được Nước Trời biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”. Và đặc biệt trong bài Tin mừng hôm nay, Luca nhấn mạnh đến cái khốn khổ, cái bi đát nhất của người phú hộ giàu có khi ở dưới âm ty, còn Lazarô nghèo khổ lại được hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Ápraham. Tại sao thánh sử Luca lại có cái nhìn không mấy thiện cảm với người giàu như thế? Tại sao ông dùng ngòi bút để diễn tả những nỗi thống khổ mà người giàu phải chịu, còn những người nghèo khó, đau khổ ông lại đề cao, bênh vực?
Có hai điều làm cho người phú hộ giàu có phải chịu cảnh bi đát khổ đau ở dưới âm ty, đó là: Thái độ vô cảm và thiếu tình bác ái.
So sánh đời sống ở trần gian của ông phú hộ nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó, ta thấy một sự chênh lệch rất lớn; ông nhà giàu thì ngày ngày yến tiệc linh đình; ăn mặc toàn gấm vóc lụa là, sang trọng, (mà ngôn ngữ hôm nay gọi là hàng xịn, hay hàng hiệu) rất đẳng cấp. Đối lại với ông nhà giàu là một Lazarô nghèo khổ: Yến tiệc của anh là thèm muốn những món cơm thừa, canh cặn của nhà giàu rơi xuống từ bàn để ăn cho đỡ đói mà cũng không được; quần áo anh mặc chỉ là những mụn nhọt, ghẻ lở bao quanh da thịt của mình; bạn bè của anh chỉ có mấy con chó đến liếm những mụn nhọt, ghẻ lở mà thôi, anh như đang kiệt sức không thể xua đuổi mấy con chó này được, quả là rất bi đát. So sánh hai số phận, hai con người ta thấy một sự chênh lệch quá lớn. Đúng là: “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Người phú hộ giàu có về tiền của, vật chất, gấm vóc lụa là, thế nhưng ông lại sống vô cảm và thiếu tình bác ái trước sự đói khổ, bệnh tật của anh Lazarô bên cổng nhà ông. Chính sự vô cảm, và thiếu tình bác ái, ông đã không biết quan tâm đến những người nghèo khó khổ cực, đã đẩy ông đến với cảnh khóc nức nở thảm thiết ở dưới âm phủ sau khi chết.
Đối lại với cảnh sung sướng ở trần gian, người nhà giàu thay vì ăn uống thỏa thuê, yến tiệc linh đình thì bây giờ thèm một giọt nước cho đỡ khát, cho mát mẻ cũng không được; thay vì mặc hàng hiệu, gấm vóc lụa là thì giờ đây thay thế bằng những ngọn lửa cháy phừng phừng nóng rát; thay vì vui sướng reo hò thì giờ này ông khóc lóc van xin: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con và sai anh Lazarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây, con bị lửa thiêu đốt, khổ lắm”.
Còn ở bên kia của vực thẳm, Lazarô được ngồi trong lòng của tổ phụ Ápraham, tức là anh Lazarô được ban cho một chỗ danh dự gần bên Ápraham trong bàn tiệc thiên thai, hạnh phúc. Lazarô khi còn ở trần gian là một người nghèo khổ, nằm lê lết trước cổng ông nhà giàu, mấy con chó đến làm bạn, liếm mụn ghẻ của anh… thì giờ đây, anh lại có được một chỗ danh dự trong lòng của Ápraham, tức là trong sự hiệp thông tin tưởng. Tại sao có những nghịch cảnh như vậy? Có lẽ bởi vì, Lazarô đã chấp nhận những tình cảnh bi đát của mình, anh đã không kêu ca, không trách móc, không gian tham cho cái cảnh nghèo của mình khi còn sống. Còn với ông phú hộ, giàu có nhưng đã sống VÔ CẢM, đã không quan tâm đến người nghèo khó đau khổ ngay trước cổng nhà mình. Đã không dùng TÌNH BÁC ÁI để cứu giúp người.
Thật thế, ông phú hộ giàu có trong bài Tin Mừng đã thiếu tình bác ái ngay khi ông có điều kiện để thực thi điều đó. Ông đã không mở rộng lòng, không mở bàn tay để biết cho đi một chút của cải dư thừa mà ông có để cứu giúp người đau khổ. Ông ngày ngày yến tiệc linh đình, nhưng ông không san sẻ cho Lazarô nghèo khổ dù chỉ là một miếng bánh vụn rơi xuống từ bàn ăn. Lòng bác ái của ông đã biến đâu mất để sau khi chết, ông phải khóc lóc khổ sầu? Lòng bác ái của ông đi đâu, để bây giờ ông phải mang những ngọn lửa nóng rát thay cho những gấm vóc, lụa là mà trước đây ông mặc?
Và như vậy, ta có thể nói được rằng, cái tội làm cho người giàu phải đau khổ, khóc lóc là cái tội VÔ CẢM và THIếU TÌNH BÁC ÁI. Họ đã thật sự không quan tâm đến những người nghèo đói, đau khổ ngay bên. Chứ không phải người giàu có tội vì giàu.
Kitô giáo của chúng ta luôn dạy bảo con người về đời sống bác ái huynh đệ, biết chú ý yêu thương đến những người nghèo khổ, bất hạnh vì biết đâu những con người đó là chính Chúa Giêsu đang hiện diện: “Vì xưa ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi han” ( Mt 25, 35-36)
Thế giới hôm nay, dường như cũng đang tạo nên một cái hố của sự ngăn cách ấy, cái hố của sự CÔ CẢM, của sự thiếu quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh. Cái hố của sự THIẾU TÌNH BÁC ÁI giữa con người với nhau. Và phải chăng chúng ta cũng là một trong những người đào sâu những cái hố ngắn cách ấy, để người đau khổ, cứ mãi khổ đau, còn ta sung sướng là chuyện của riêng ta? Có bao giờ ta sống vô cảm và thiếu tình bác ái với những người bất hạnh, đau khổ ngay bên ta không?
Tắt một lời, Có thể nói được rằng, theo thánh Luca thì: nguyên nhân đẩy người giàu có vào cảnh bi đát ở duới âm phủ là bởi vì họ sống VÔ CẢM và KHÔNG CÓ LÒNG BÁC ÁI. Họ không quan tâm đến những người nghèo khó, khổ đau bên mình. Họ không muốn nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh đang hiện diện ngay trước mắt mình. Hay nói khác đi, họ không có tình yêu thương đồng loại. Họ thu gom, tích trữ của cải để hưởng thụ mà quên đi tình bác ái với những người bất hạnh. Đó là hai thứ tội bổ túc vào đời sống của người giàu trong Tin Mừng Luca, làm cho họ phải khóc lóc, đau khổ ở duới âm ty.
Vậy nên, sống trong hòan cảnh của xã hội nào, chúng ta cũng cần lắm một tấm lòng để không những chỉ làm giàu của cải vật chất ở đời này cho riêng mình, mà còn hướng đến tha nhân đang cùng cực, hướng về những Lazarô đang cần đến sự nâng đỡ của ta. Như thế, ta đang thật sự tích trữ cho mình sự giàu có trong tương lai ở trên trời. Và ta cũng kiểm chứng xem mình thuộc típ người nào? Ta thuộc người nghèo của Chúa hay người giàu của thế gian? Nếu ta thuộc típ người giàu có về của cải vật chất thì hãy tạ ơn Chúa, vì chính Ngài đã ban cho ta quản lý và ta tiếp tục tăng gia sản xuất sự giàu có về tình người, về lòng bác ái từ bi, nhân nghĩa…để trở nên giàu có hơn trong Thiên Chúa.
Ôi lạy Chúa mở cho con đôi mắt
Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi
Con mù lòa bên vệ đường hành khách
Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài
Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ
Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà
Họ khổ đau, họ kêu gào than thở
Đừng để con cứ giả điếc làm ngơ
Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con,
Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả
Trước cửa nhà có người nghèo đói lả
Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng. Amen.
( Thánh Thi Kinh Sách thứ 5, tuần II)
Minh An.