Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CHIÊM NGẮM LOGO NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT- TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA

Chiêm ngắm Logo Năm Thánh Lòng Thương Xót

Thương xót như Chúa Cha. Đó là logo Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Đó là minh giải cho bức icône dùng làm logo Năm Thánh.

Tác giả bức icône này, cha Marco Ivan Rupnik, là một linh mục dòng Tên, người Slovenia, thuộc tỉnh dòng Pháp. Ngài đã từng vẽ nhiều bức icône rất đẹp và ý nghĩa.

Theo Wikipedia tiếng Pháp, Icône (tiếng Hi lạp là eikona) nghĩa là “hình ảnh”, là một thể loại tranh thánh trong tôn giáo, đặc biệt công giáo. Tranh icône thường có một ý nghĩa thần học sâu xa khác với tranh ảnh tôn giáo bình thường.

Icône nhằm diễn tả ý nghĩa, nên có những nét vẽ và những qui ước đặc biệt.Tranh có ý chuyển tải ý nghĩa thần học chứ không có ý vẽ chân dung.Vì thế cần có thời gian chiêm ngắm để hiểu được nội dung ý nghĩa ngầm chứa trong bức tranh.Sau đây là một cố gắng để diễn tả bức logo Năm Thánh.

I. LOGO NĂM THÁNH

Khi chiêm ngắm logo Năm Thánh ta tự nhiên lưu ý đến những điểm đặc biệt sau.

  1. Khuôn mặt của Chúa.

Khuôn mặt của Chúa giống hệt khuôn mặt con người.Diễn tả tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Thoạt tiên Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người. Tình yêu của Thiên Chúa với con người thật lớn lao. Muốn cho con người giống hệt mình.Nhưng con người quá yếu đuối.Không giữ nổi hình ảnh cao quí đó.Đã phạm tội.Đã đánh mất hình ảnh Thiên Chúa.Đã khiến hình ảnh đó ra hoen ố, méo mó.Thiên Chúa không vì thế mà mất tình yêu thương đối với con người.Lần này tình yêu thương ấy biến thành Lòng Thương Xót. Con người không mang nổi hình ảnh Thiên Chúa.Thì Thiên Chúa đành hạ mình mang lấy hình ảnh con người. Con Thiên Chúa xuống trần mang lấy hình ảnh con người. Trở nên như con người.Đồng số phận với con người. Để Thiên Chúa tiếp tục yêu thương con người qua hình ảnh Con Một Thiên Chúa. Con người không thể được nâng lên để giống Thiên Chúa. Thì Thiên Chúa tự nguyện hạ mình xuống để nên giống con người. Con người không thể đi tìm lại hình ảnh của Thiên Chúa. Thì Thiên Chúa đi tìm trở nên giống con người.A-đam cũ đánh mất hình ảnh Thiên Chúa.Chúa Giê-su trở thành A-đam mới mang khuôn mặt con người.Nên hai khuôn mặt hoàn toàn giống nhau.

  1. Ánh mắt của Chúa

Bức tranh độc đáo vì mắt Chúa lẫn vào mắt con người. Như thể hai người mà chỉ có 3 con mắt.

Chúa nhìn con người bằng mắt của con người.Đặt mình vào địa vị con người.Để cảm thương thân phận con người.Để yêu thương con người yếu hèn tội lỗi. Chúa nhìn thấu tâm can con người từng gang tấc.

Để con người có thể có ánh mắt của Thiên Chúa. Nhìn vũ trụ bằng ánh mắt Thiên Chúa.Để thấy chương trình của Thiên Chúa trong vũ trụ.Để thấy vị trí con người trong vũ trụ và trong chương trình ban đầu cao đẹp của Thiên Chúa.Cũng đế hiểu tấm lòng Thiên Chúa đối với con người.Hiểu được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Để mắt Chúa và mắt người lọt vào nhau.Việt nam có điển ngữ “lọt mắt xanh” rất phù hợp ở đây.Lọt mắt xanh do điển tích Nguyễn Tịch. Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng.

Do điển tích đó, sau này người ta dùng chữ “Mắt xanh” để chỉ sự bằng lòng, vừa ý và từ đó có kiểu nói “lọt vào mắt xanh.”

Lọt mắt xanh có nghĩa là yêu thích người nào.Tiếng Anh cũng có thành ngữ Have your eye on somebody. Nghĩa là thích ai.Mắt Chúa và mắt người lọt vào nhau.Để hoàn toàn cảm thông.Hoàn toàn hiệp thông.Lòng Chúa và lòng người nên một.Trong mắt của Thiên Chúa có con người.Trong mắt con người có Thiên Chúa.Thiên Chúa yêu thương con người. Con người cảm nhận tình yêu Thiên Chúa.

  1. Chúa vác con người trên vai.

Đây là trọng tâm của bức tranh.Việc Chúa vác con người trên vai có ba chi tiết quan trọng cần lưu ý.

1/Chúa đi tìm

Việc Chúa vác con người trên vai hướng lòng trí ta về hai dụ ngôn.

Trước hết là dụ ngôn “con chiên lạc”. “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’”. (Lc 15,4-6).Dụ ngôn này không nói con chiên bị thương.Chỉ vì mừng quá mà vác nó lên vai.Nhưng cũng nói lên Lòng Thương Xót của Chúa đối với tội nhân.Bỏ chín mươi chín con chiên tốt để đi tìm con chiên lạc.Yêu thương quá nên phải lên đường đi tìm cho bằng được.Tìm được rồi thì mừng quá vác cả con chiên lên vai.Thật là một cử chỉ nói lên tình yêu tha thiết.Dù con chiên không bị thương cũng vẫn vác nó lên vai.

Nhưng con người có vẻ yếu mệt khiến ta liên tưởng đến dụ ngôn “người Sa-ma-ri nhân hậu”(x. Lc 10,25-37). Con người bị đánh nhừ tử, dở sống dở chết, không thể chỗi dậy bước đi. Nên phải vác lên vai đem về cấp cứu, chữa trị.Cũng diễn tả Lòng Thương Xót của Chúa.Dụ ngôn người Sa-ma-ri là tiêu biểu diễn tả Lòng Thương Xót. Nhưng ở đây còn hơn thế nữa.Người Sa-ma-ri chỉ ngẫu nhiên gặp người bị nạn.Còn Chúa chủ động đi tìm con người.Người Sa-ma-ri chỉ tốn một chút thời giờ, công sức và tiền của.Còn Chúa phải tiêu tốn cả cuộc đời, cả mạng sống.Đổ hết máu đào cứu chuộc con người.Lòng Thương Xót của Chúa là vô biên.

2/Thánh giá và triều thiên

Con người nằm trên vai Chúa tạo thành thánh giá và triều thiên trên đầu Chúa.

Vòng hào quang trên đầu Chúa có hai mầu.Mầu đỏ kết thành hình thánh giá.Mầu nâu chính là mầu y phục của con người.Kết nối với thánh giá làm thành vòng triều thiên.

Con người là thánh giá của Chúa. Chúa vác con người là vác thánh giá.Thánh giá là tội lỗi của con người.Khiến Chúa chịu đau khổ và chịu chết trên thánh giá.Nhưng thánh giá là vinh quang của Chúa.Là chiến thắng của Chúa.Chiến thắng của tình yêu. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu. Chiến thắng của tự do. Siêu thoát mọi dính bén trần tục.Chiến thắng của lòng hiếu thảo.Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Chính vì thế khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su nói: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1).Thánh giá trở thành triều thiên.Vì với thánh giá Chúa đã chiến thắng.Và được tôn vinh.

Thánh I-rê-nê nói: Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống. Chúa vác thánh giá và chịu chết để con người được sống. Vì thế Chúa được tôn vinh. Kinh Năm Thánh ta đọc: quyền năng của Thiên Chúa được bày tỏ trước hết và trên hết bằng sự tha thứ và Lòng Thương Xót. Trên thánh giá, quyền năng Chúa lên đến tuyệt đỉnh trong Lòng Thương Xót và sự tha thứ.

3/Vết thương ở tay Chúa

Chúa vòng tay ôm lấy tay chân con người. Chúa ôm ấp con người.Ôm ấp con người bị thương tích. Ôm ấp bàn tay rã rời. Ôm ấp bàn chân mệt mỏi. Ôm ấp bàn tay tội lỗi. Ôm ấp bàn chân lầm lạc.

Thực ra Chúa luôn ôm ấp con người trong lòng yêu thương. Nhưng chỉ với việc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, con người mới cảm nhận được vòng tay ôm ấp của Chúa. Đây là đụng chạm sâu xa.Chúa thực sự mang lấy mùi chiên.Thân xác Chúa cảm nhận được sự yếu đuối của thân xác con người. Con người cảm nhận được sự nồng ấm của tình yêu Thiên Chúa qua bàn tay ôm ấp của Chúa Giê-su. Nếu xúc giác đại diện cho sự cảm nhận khả giác, thì bàn tay Chúa ôm ấp chân tay con người nói lên sự đồng cảm lớn lao của Thiên Chúa nhập thể với con người.

Bàn tayôm ấp cũng là bàn tay che chở. Như người mẹ ôm ấp đứa con để che chở, bàn tay Chúa ôm ấp trở thành khiên mộc che chở con người. Bàn tay che chắn phía trước nên lãnh lấy vết thương để con người được lành lặn, được an lành. Vết thương đưa ra phía trước như chứng tích của tình yêu thương. Của Lòng Thương Xót.

4.Đôi chân của Chúa

Đôi chân của Chúa ở tư thế lấy tấn vững chắc.Vì vác con người quá nặng.Gánh nặng của tội lỗi.Không phải tội của một người.Nhưng là tội của cả nhân loại.Không phải tội của một thời điểm.Nhưng là tội của mọi người ở mọi nơi và mọi thời.Gánh nặng của yếu đuối.Gánh nặng của phản bội.Đôi chân Chúa mang thương tích.Nhưng vẫn vác lấy con người.Chúa đã yếu mệt. Nhưng vẫn quan tâm lo lắng cho con người. Vác con người về đến nơi bình an. Đôi chân vững chãi để chịu đựng sức nặng của con người.Chúa hạ mình xuống để nâng con người lên.Nhờ đó con người được vươn lên cao hơn chính mình.Trở thành triều thiên và hào quang của Chúa.Suy niệm này khiến liên tưởng đến một bài thánh ca tiếng Anh rất hay. Bài You raise me up. Chúa nâng con lên:

When I am down and, oh my soul, so weary;

When troubles come and my heart burdened be;

Then, I am still and wait here in the silence,

Until you come and sit awhile with me.

You raise me up, so I can stand on mountains;

You raise me up, to walk on stormy seas;

I am strong, when I am on your shoulders;

You raise me up… To more than I can be.

Tạm dịch:

Khi con suy sụp và linh hồn con mỏi mệt

Khi những biến động xảy đến và trái tim con nặng trĩu

Khi ấy con vẫn bình thản và đợi chờ trong thinh lặng

Cho đến khi Chúa tới và ngồi một lát bên con

Chúa nâng con lên, nên con có thể đứng trên đỉnh núi

Chúa nâng con lên để bước đi trên mặt biển sóng gió

Con mạnh mẽ lên khi con ở trên vai Chúa

Chúa nâng con lên cao hơn con có thể là

5.Mầu nền bức tranh

Mầu nền bức tranh mầu sẫm.Càng toả ra phía ngoài càng sáng hơn.Diễn tả Thiên Chúa là một mầu nhiệm cao sâu khôn lường.Trí tuệ phàm nhân chẳng thể hiểu thấu.Không ai hiểu được Thiên Chúa.Không trí tuệ nào nắm bắt được Người.Càng không có ngôn từ nào diễn tả được Người.Chính Người tự tỏ mình ra.Càng ngày càng sáng tỏ.Đặc biệt đến thời Chúa Giê-su thì mầu nhiệm Thiên Chúa sáng tỏ. Vì “Chúa Giê-su là khuôn mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình. Ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha” (Kinh Năm Thánh). Và Chúa Giê-su vác con người trên vai đã bày tỏ Thiên Chúa là Lòng Thương Xót. Đó là bày tỏ Thiên Chúa tuyệt đối. Vì “Chúa bày tỏ quyền năng trước hết bằng sự tha thứ và Lòng Thương Xót”(Kinh Năm Thánh).

6.Khẩu hiệu

Ngoài cùng là khẩu hiệu “Thương Xót như Chúa Cha”.Vừa diễn tả Chúa Giê-su là hiện thân của Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Vừa là lời mời gọi chúng ta phải sống Năm Thánh bằng thực hành Lòng Thương Xót như Chúa Cha.

II.THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA

Như Chúa Giê-su ta hãy thực hành những điểm sau:

1.Hãy mang khuôn mặt của Chúa

Hãy chiêm ngắm khuôn mặt của Lòng Thương Xót. Ta đã cảm nhận được Lòng Chúa Thương Xót ta. Ta cũng hãy mang lấy khuôn mặt của Chúa ở giữa anh em. Chúa hạ mình mang khuôn mặt của con người.Đặc biệt trong những người nghèo khổ bé nhỏ. Ta hãy mang khuôn mặt của Chúa trong những người nghèo khổ bé nhỏ trong xã hội. Nếu ta chưa thể nâng người bé nhỏ nghèo khổ lên thì ta hãy hạ mình sống bé nhỏ nghèo hèn để  đồng hành, đồng cảm. Nên đồng hình đồng dạng với người bé nhỏ thấp hèn là nên đồng hình đồng dạng với Chúa.

Mang khuôn mặt của Chúa để gần gũi với những người bé nhỏ nghèo hèn.Gần gũi trong nếp sống đơn sơ.Đơn sơ trong suy nghĩ.Đơn sơ trong lời nói.Đơn sơ trong cư xử.Đừng kiêu kỳ.Cũng đừng quá kiểu cách. Đặc biệt đừng vòng vo phức tạp.

Giảm bớt chi tiêu.Cảm nhận một chút thiếu thốn.Để gần gũi thực sự với anh em. Và hãy để ý chia sẻ với những người nghèo khổ chung quanh. Chia sẻ vật chất.Chia sẻ tâm tình.Biết bao người đói khát túng thiếu đang cần được chia sẻ.Biết bao người đau khổ bị gạt ra ngoài lề gia đình và xã hội đang cần được lắng nghe, cảm thông.

2.Hãy mang ánh mắt của Chúa.

Ánh mắt Chúa nhìn ta tràn đầy Lòng Thương Xót. Ta được an ủi biết bao khi đặt mình dưới ánh mắt nhân từ của Chúa. Ánh mắt của Chúa là ánh mắt cảm thông tha thứ. Ta hãy có ánh mắt của Chúa khi nhìn anh em. Hãy đặt mình vào địa vị của anh em.Để cảm thông.Để đồng cảm. Đồng hành.Không nhìn để kết án.Nhưng nhìn để yêu thương.

Hãy noi gương Chúa để anh em “lọt vào mắt xanh” của ta. Để yêu thương. Để nhận biết giá trị đích thực của mỗi người chung quanh. Để nhìn thấy những điều tích cực ở nơi tha nhân.Như Chúa nhìn thấy nơi thánh Mát-thêu một vị tông đồ thánh sử ẩn trong hình người thu thuế tội lỗi. Nhìn thấy nơi Ma-đa-lê-na một tông đồ loan báo Tin Mừng Phục Sinh ẩn trong hình người phụ nữ tội lỗi công khai. Nhìn thấy nơi Phê-rô một tảng đá làm nền tảng của Giáo hội ẩn trong người môn đệ chối Thầy.Chúa đã nhìn thấy trong người trộm lành là một vị thánh.Và đã phong thánh cho ông ngay trên thánh giá.Hãy có ánh mắt quan tâm.Ánh mắt tin tưởng.Ánh mắt hướng về tương lai.

3.Hãy vác anh em trên vaI

Vác trên vai trước hết là đi tìm.Bao lần ta lầm lạc. Chúa đã đi tìm ta. Vác ta trên vai mang về. Ta hãy biết đi tìm anh em. Tìm những người lầm lạc.Tìm những người xa lạc.Tìm những người lạc lõng cô đơn.Có những người cô đơn giữa đám đông.Mỗi con người đều đáng quí.Mỗi linh hồn đáng giá vô cùng.Vì đã được trả bằng giá máu của Chúa.

Vác trên vai hiểu là quí giá.Chúa coi ta là triều thiên của Chúa. Thực ra con người cao quí là nhờ đứng trên vai Chúa. Chính Chúa kiệu chúng ta trên vai. Chính Chúa nâng chúng ta lên.

Vác ta trên vai Chúa coi ta là triều thiên của Chúa. Ta cũng phải coi anh em là triều thiên của ta. Khi ta vác được một người lên vai mang về. Khi ta mang lấy mùi chiên. Chịu đau khổ vì anh em.Còn gì đẹp hơn khi có thể làm cho một người hồi phục. Đem lại niềm an vui tin tưởng. Hạnh phúc của anh em trở thành triều thiên của ta.

Vác ta trên vai Chúa mang lấy vết thương của ta để chữa lành ta. Ta hãy biết giữ vết thương cho mình. Để không làm anh em bị thương tổn.Để anh em được bình an. Để cộng đoàn được lớn mạnh.

4.Hãy mang đôi chân của Chúa

Đôi chân của Chúa đi khắp nơi.Bỏ trời xuống đất.Bỏ chín mươi chín con chiên nơi an lành.Đi tìm một con chiên lầm lạc trong rừng sâu núi thẳm.

Ta hãy mang đôi chân của Chúa. Không ngừng ra đi.Đi đến với anh em.Chấp nhận đường đi chông gai.Nguy hiểm vì thú dữ. Vì tai nạn.

Như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mời gọi: “Tôi thà thấy một Giáo hội bị bầm dập, bị thương tích, bị lấm lem vì lên đường. Hơn là một Giáo hội lành lặn, ăn trắng mặc trơn, thu mình trong tháp ngà”.

Nhưng quan trọng nhất là ra khỏi chính mình.Ra khỏi tháp ngà.Ra khỏi nghỉ ngơi yên hàn.Như thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su.Thân xác ở trong bốn bức tường Dòng Kín. Nhưng tâm hồn bay đến Hà nội.Đồng hành với tội nhân Panzini.Đồng hành với cha Théophane Vénard trên bước đường truyền giáo.Cầu nguyện cho các linh hồn ăn năn trở lại.Và nhất là đến với những chị em khó tính nhất đang ở cùng nhà với mình.

Rất gần mà rất xa. Đó là những người anh em mà ta ngại ngùng, có thành kiến, uý kỵ. Có khi ở trong cùng một nhà, cùng một xóm, cùng một giáo xứ, nhưng không bao giờ đến với nhau. Hãy ra đi, đến với những người còn xa cách ta như thế. Hãy đi bằng đôi chân của Chúa.Đôi chân mang thương tích vì vượt suối băng rừng.Băng qua những thiên kiến, tự ái. Để đưa mọi người về trong bình an hoà thuận.

5.Hãy bày tỏ Lòng Thương Xót của Chúa

Thiên Chúa vô cùng cao siêu.Nhưng Chúa Giê-su đã đến làm người.Đã bày tỏ lòng yêu thương cụ thể, sống động. Qua Chúa ta hiểu được, cảm nhận được, đụng chạm tới Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Hôm nay đến phiên Giáo hội và mỗi người chúng ta phải là “khuôn mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này”. Chúa cũng muốn dùng ta như dụng cụ của Lòng Thương Xót. Ta hãy bày tỏ Lòng Thương Xót của Chúa cách cụ thể, sống động, bằng đời sống chúng ta. Để mọi người chung quanh hiểu được, cảm nhận được, thừa hưởng được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Để đạo Chúa không còn là những chân lý cao sâu bí ẩn không ai hiểu được.Nhưng sáng tỏ qua đời sống của người tín hữu. Thánh Gandhi nói: Nếu những người công giáo đều sống Lời Chúa thì cả thế giới đã trở thành công giáo hết rồi.

6.Hãy sống khẩu hiệu của Năm Thánh

Năm Thánh không phải chỉ để cử hành.Khẩu hiệu và logo không phải chỉ để trưng bày.Nhưng để sống. Ơn phúc ta nhận được trong Năm Thánh không phải để tích trữ vào kho. Nhưng phải biến đổi con người. Biến đổi chúng ta. Biến đổi những người chung quanh. Biến đổi thế giới. Lòng Thương Xót của Chúa đã đổ tràn trên chúng ta. Ta hãy khai thông cho nguồn ơn thánh tràn lan đến hết mọi người chung quanh. Để một đại dương Lòng Thương Xót dào dạt tuôn đổ.Để thế giới tràn ngập Lòng Thương Xót.

Thế giới hôm nay có nhiều vấn đề.Chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể tháo gỡ.Thế giới hôm nay bế tắc.Chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể khai thông.Thế giới hôm nay có nhiều đổ vỡ.Chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể hàn gắn.Thế giới hôm nay có nhiều vết thương.Chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể chữa lành.Thế giới hôm nay có nhiều tội lỗi.Chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể rửa sạch.

Hãy Thương Xót như Chúa Cha.

Đừng chỉ nhỏ giọt Lòng Thương Xót thừa thãi.Nhưng hãy noi gương Chúa Cha.Hãy Thương Xót với tấm lòng đại dương bao la.Hãy Thương Xót với tất cả tấm lòng. Hãy mở trái tim rộng hết cỡ.

Đừng chỉ Thương Xót một vài người.Nhưng hãy noi gương Chúa Cha Thương Xót tất cả mọi người không trừ ai.Người công chính cũng như kẻ tội lỗi.Người lành cũng như kẻ ác. Ta hãy Thương Xót mọi người. Thân cũng như sơ.Xa cũng như gần.Trong đạo cũng như ngoài đạo.Tốt cũng như xấu.

Đừng chỉ Thương Xót trong một thời gian.Nhưng hãy noi gương Chúa Cha Thương Xót con người mọi nơi mọi thời. “Lòng Thương Xót của Chúa trải từ đời nọ sang đời kia”(Magnificat). Ta hãy Thương Xót không ngừng nghỉ.Không gián đoạn.Không tuỳ hứng.

Không có Lòng Thương Xót ta không thể sống. Thế giới không thể tồn tại.Có Lòng Thương Xót thế giới mới được cứu rỗi. Ta mới được sống. Sự sống thân xác.Và cả sự sống linh hồn.

Ta đã hiểu biết đầy đủ. Giờ đây hãy bắt đầu thực hành. Không cần làm những việc lớn lao. Hãy làm những việc nhỏ bé.Ngay bên mình.Xin lỗi một người ta đã xúc phạm. Thăm một người đau yếu.Trò chuyện với một người cô đơn.Giúp một người tàn tật làm việc nhà. Làm hoà với một người ta đang bất hoà. ..Chắc chắn đời ta sẽ thay đổi. Hãy chiêm ngắm logo.“Hãy đi và làm như thế”.

Lạy Chúa, xin dủ lòng Thương Xót chúng con.

Giuse Ngô Quang Kiệt

Nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Châu Sơn Nho Quan: Thánh Lễ An Táng thầy Gioan Thiên Chúa

  TRONG CHÚA KITÔ Kn 4,7-15; Rm 6,3-4.8-9; Mc 15,33-39 Châu sơn mồng Hai Tết Giáp Thìn Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt Hai giờ chiều ngày 30 Tết...

Mùa Xuân đích thực

MÙA XUÂN ĐÍCH THỰC Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48 Lễ Đưa Chân thầy Gioan Thiên Chúa Châu sơn mồng Một Tết Giáp Thìn, Đức tổng Giuse...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Cảm nhận của một bạn sinh viên trẻ khi đến tĩnh tâm tại Đan viện

CẢM NHẬN CỦA MỘT BẠN SINH VIÊN TRẺ KHI ĐẾN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN Martha Hoàng Mai Tôi là một cô gái với sức sống...

Bài giảng Lễ Cung Hiến Thánh Đường Đan viện Châu Sơn Nho Quan của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Kỷ niệm Cung hiến Thánh đường Đan viện Nho quan Ngày 04 - 11- 2023 CHÚA GIÊSU LÀ ĐỀN THỜ Ed 47,1-2.8-9.12; 1Cr 3,9c-11.16-17; Ga 2,13-22 Đức TGM...

Đan viện Châu Sơn Nho Quan: Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt dâng thánh lễ thứ 3 tại đất thánh

Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Dâng Thánh Lễ Thứ 3 Tại Đất Thánh Của Đan Viện Ngày 02...

Tản mạn cuối thu

TẢN MẠN CUỐI THU Du Thăng Cái se se lạnh, cái nắng vàng và một chút gió heo may của cuối thu, làm cho tâm hồn...

“Em” tìm gì? cảm nghĩ của một linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Châu...

“Em” tìm gì? Cảm nghĩ của một Linh mục Giáo phận Hà nội khi tham dự thánh lễ khấn dòng tại Đan viện Thánh Mẫu...

Thánh lễ đưa chân thầy M. Phêrô Khoa: Làm chứng về lòng thương xót (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ thánh Phaolô trở lại LÀM CHỨNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT Ac 3,17-26; Cv 22,3-16; Mc 16,15-18 Lễ Đưa Chân thày Phêrô Khoa Châu sơn 25-01-2023   Đức TGM Giuse...

Cáo phó: Thầy Phêrô Khoa Trần Văn Thướng

  CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn kính báo Đan sĩ M. Phêrô Khoa Trần Văn Thướng, O.Cist. sinh...