TN-170-TUẦN XXV-Chúa Nhật
CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH
(Kn 2,12.17-20 / Gc 3,16-4,3 / Mc 9,30-37)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Chiến tranh và hoà bình là đối tượng quan tâm của nhân loại qua nhiều thời đại. Chiến tranh, dù trong cấp độ và mức độ nào, cũng gây nên những tàn phá trong tương giao giữa con người và những thiệt hại về nhiều phương diện. Hoà bình, dù trong cấp độ và mức độ nào, cũng là ước mong của mọi người vì nó giúp xây dựng cuộc sống một cách bền vững.
Các bài đọc Lời Chúa của chúa nhật năm B tuần XXV mùa thường niên đề cập đến hai thực tại trên. Câu hỏi được đặt ra: đâu là nguyên nhân gây ra những cuộc chiến tranh giữa con người? Và phải làm gì để xây dựng sự hoà bình?
Người ta vẫn nói: muốn hoà bình, phải chuẩn bị chiến tranh. Nhưng điều đó không đúng để xây dựng nên một nền hoà bình thật sự. Trong bài suy niệm hôm nay, tôi nêu lên một số yếu tố mà Lời Chúa nhấn mạnh để hiểu rõ hơn hai thực tại đan xen này, nghĩa là giữa “CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH”.
1. GÂY NÊN CUỘC CHIẾN
Cuộc chiến được đề cập ở đây là sự hãm hại nhau, đó là cuộc chiến, cuộc xung đột, mà con người tạo nên để loại trừ nhau. Chúng ta có thể nêu lên ba yếu tố của sự việc này.
– Yếu tố thứ nhất, đó là âm mưu hãm hại. Trong bài đọc một, trích sách Khôn Ngoan chương 2 câu 12 và từ câu 17 đến 20, tác giả nêu lên những lời nói của phường vô đạo muốn hãm hại người công chính. “Phường vô đạo lên tiếng nói: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính”. Tại sao họ lại muốn đặt cạm bẫy? Lý do duy nhất là bản thân và nếp sống của người công chính trở thành một cản trở cho những mưu đồ và lối sống gian ác của phường vô đạo, họ nhận định: “vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo”. Lý do này hé lộ cho thấy đã có một cuộc chiến ngấm ngầm giữa hai hạng người với hai lối sống khác biệt, nghĩa là giữa thiện và ác. Đây cũng là cuộc chiến giữa hai khuynh hướng trên. Vì cảm thấy bị cản trở, nên phường vô đạo muốn hãm hại và gây nên cuộc chiến chống lại người công chính. Như vậy, trước khi hành động chống lại người công chính, những người vô đạo đã có những âm mưu ác độc để “hạ nhục, tra tấn và kết án cho nó chết nhục nhã”.
– Yếu tố thứ hai, là cuộc chiến đã xảy ra trong thâm tâm con người. Như trường hợp trên, trong thâm tâm, đã có những tư tưởng và mưu toan hãm hại. Trước khi gây nên cuộc chiến bên ngoài, trong lòng con người đã có cuộc chiến, đã có những xung đột. Trong bài đọc hai, thánh Gia-cô-bê đã phân tích: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?” Phân tích của thánh Gia-cô-bê rất chính xác. Từ trong con người, từ lòng dạ, thâm tâm, có những thứ ham muốn gây nên cuộc chiến nội tâm. Chúa Giê-su đã nói: “Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất ra những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7,21-22). Những thứ đó gây nên những xung đột ngay trong chính lòng con người. Lòng người trở nên bãi chiến trường. Và con người cảm thấy bị thương tổn ngay trong chính nội tâm của mình. Thay vì đi tìm con đường chữa lành, con người lại gây nên cuộc chiến với người khác. Đó chính là một thứ phóng chiếu nỗi đau trên người khác.
– Yếu tố thứ ba, cuộc chiến bên ngoài xảy ra. Thánh Gia-cô-bê phân tích tiếp: “Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau”. Cuộc chiến bên ngoài với những hành động gây tổn thương cho nhau, là hậu quả của những xung đột nội tâm. Cuộc chiến bên ngoài luôn gây nên những tổn thất về nhiều phương diện cho mọi phía, nhất là phá đổ những tương giao. Người ta trở nên thù địch với nhau.
Như vậy, trong mỗi xung đột, cuộc chiến – lớn hay nhỏ -, chúng ta cần trở về với chính bản thân mình, trở về với nội tâm của mình, để nhận ra nơi đó những nguyên nhân, những yếu tố đã gây nên những đổ vỡ bên ngoài. Nguyên nhân luôn ở nơi mỗi người, bên trong mỗi chúng ta. Chúng ta đừng vội kết án tha nhân và đổ lỗi cho họ, cho lời nói và hành động của họ; nhưng hãy nhận ra những chuyển động trong tâm hồn mình. Trong truyền thống tốt lành, có việc “xét mình”: chúng ta hãy “xét mình”, chứ không phải xét người. Hãy dừng lại và đi vào nội tâm để nhận định rõ những gì đang chuyển động và điều hướng lời nói, hành động của chúng ta. Nếu chúng ta là người hay gây hấn, hãy nhận ra rằng tính hay gây hấn đó nằm sẵn trong chúng ta. Chúng ta cần chữa lành chính bản thân, trở thành con người bình an, lúc đó mới có thể xây dựng hoà bình chung quanh chúng ta.
2. XÂY DỰNG HOÀ BÌNH
Thánh Gia-cô-bê, trong trích đoạn thư, đã viết: “Anh em thân mến, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đó có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa”. Đó là điều chúng ta vừa phân tích ở trên. Thánh Gia-cô-bê không dừng nơi những xung đột và cuộc chiến, ngài muốn các Ki-tô hữu là những con người xây dựng hoà bình. Ngài nêu lên một số yếu tố. Chúng ta nghe lại những lời ngài viết.
“Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoan thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạc được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính”.
Qua những dòng chữ trên, thánh Gia-cô-bê đưa ra một số điều kiện để xây dựng hoà bình. Trước hết, sự thanh khiết. Trước khi là một sự thanh khiết mang tính luân lý, sự thanh khiết là sự trong sáng, nghĩa là không tà ý, không mưu toan. Thanh khiết diễn tả sự chân thực, chân thành. Để xây dựng hoà bình, rất cần tâm hồn trong sáng. Tiếp đến là những đức tính trong tương giao với tha nhân – hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi – diễn ta tình yêu thương. Không thể nào xây dựng hoà bình mà còn bóng dáng của hận thù, ghen ghét. Hoà bình phải phát xuất từ trái tim, từ tình yêu bên trong, rồi được diễn tả ra bên ngoài. Và, sự thật – mà thánh Gia-cô-bê gọi là “chẳng giả hình – phải là nền tảng của hoà bình. Phải là hoà bình chân thực, phát xuất từ sự thật. Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu: “Một khi đã cởi bỏ sự giả dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận” (Ep 4,25). Và cuối cùng, hoa trái dành cho người xây dựng hoà bình, là cuộc đời công chính, nghĩa là được ân phúc trước mặt Thiên Chúa, trở nên con người thánh thiện. Hay nói theo lời Chúa Giê-su: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Người xây dựng hoà bình là người đầu tiên nhận được hoa trái của hoà bình.
Qua những lời của thánh Gia-cô-bê, chúng ta nhận ra những yếu tố, những điều kiện cần thiết để xây dựng hoà bình, nền hoà bình trong và giữa con người với nhau. Để trở nên con người của hoà bình và có thể xây dựng hoà bình, mỗi chúng ta cần thủ đắc cho mình những đức tính tốt lành, vì đó là những khí cụ cho cuộc chiến chống lại mọi xung đột, tạo dựng hoà khí và bình an thật sự. Hoà bình không đạt được với gươm giáo, súng đạn, nhưng bằng tình yêu thương của một trái tim mở rộng và rung cảm. Và đó cũng là trái tim của Ki-tô hữu, của người môn đệ của Chúa Ki-tô, của mỗi chúng ta.
3. MÔN ĐỆ CỦA CHÚA GIÊ-SU
Bây giờ chúng ta tiến đến với Chúa Giê-su và các môn đệ để nhận ra điều gì xảy ra mà thánh sử Mác-cô đã trình thuật cho chúng ta trong chương 9 từ câu 30 đến 37.
Chúa Giê-su và các môn đệ đang trên đường băng qua miền Ga-li-lê để đến thành Ca-phác-na-um. Về đến nhà, Chúa Giê-su hỏi các môn đệ: “Dọc đường, anh em bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”.
Chúng ta ghi nhận “các ông cãi nhau”, nghĩa là to tiếng và rất sôi nổi. Ai cũng nói và bảo vệ ý kiến của mình và cả chỗ đứng, vị trí của mình. Vẫn muốn hơn người khác! Và chắc chắn đã có những xung đột trong tư tưởng, trong tâm hồn. Các môn đệ của Chúa, đi theo Chúa, ở bên Chúa, được Chúa giáo huấn; nhưng giữa họ vẫn có cuộc chiến tranh dành quyền lực. Vì ai lớn nhất, là người có địa vị cao và tiếng nói có trọng lượng nhất. Theo Chúa, nhưng cuộc chiến tranh giành chỗ đứng cũng đi theo. Đây là một thực tế, chẳng có gì ngạc nhiên, nhưng là một thực tế đáng buồn và gây nên những đau lòng. Trong Giáo Hội, vẫn có cuộc chiến đó, với tầm mức to hay nhỏ. Nhưng cuộc chiến đó phải được loại bỏ, nếu thực sự muốn trở nên những môn đệ chân thực của Chúa Ki-tô. Chính vì thế, Chúa đưa ra một số tâm tưởng và thực hành, để xây dựng hoà khí và hoà bình giữa các môn đệ Chúa.
– Trước hết, Chúa mời gọi trở nên như một em nhỏ. Các em nhỏ chơi với nhau dễ lắm. Đôi khi chơi với nhau cũng xảy ra cãi nhau, cả đánh nhau nữa; nhưng dễ quên, dễ làm hoà và lại chơi với nhau. Người lớn thì phức tạp, không tiếp tục chơi với nhau và ghi nhớ để trả thù. Cần có cái tâm của trẻ em để xây dựng hoà bình và sống chan hoà với nhau.
– Tiếp đến là chọn nơi thấp hơn và thấp nhất. Cuộc chiến bao giờ cũng vì muốn cao hơn, mạnh hơn, trong thế chiến thắng; và càng như thế, thì cuộc chiến càng khốc liệt, càng gia tăng. Cần sự khiêm hạ, vì ai khiêm hạ mới có khả năng xây dựng hoà khí và hoà bình.
– Cuối cùng, là đi theo con đường của Chúa Giê-su, đi vào sự hy sinh chính bản thân, mạng sống, “bị giết chết”. Chính qua cái chết trên thập giá, Chúa đã giao hoà con người với Thiên Chúa và với nhau. “Chính người là sự bình an của chúng ta…Người đã liên kết đôi bên thành một… Khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một con người mới nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa…; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,14-16).
Lời Chúa hôm nay, mời gọi chúng ta thực hiện một hành trình đi từ chiến tranh đến hoà bình. Đây là một tiến trình khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực hoán cải nơi bản thân mỗi chúng ta, cùng với ơn phúc của Thiên Chúa. Chúng ta hãy trở thành những con người xây dựng hoà bình, nên giống Chúa Giê-su Ki-tô là “Hoàng Tử Hoà Bình”.