Suy niệm Thánh lễ mồng Một Tết
CHÍNH CHÚA LÀ NGUỒN BÌNH AN
(Is 11,1-9; Cl 3,12-17; Ga 14,23-27)
Cứ mỗi độ xuân sang
Điểm qua Mồng Một Tết
Giáo hội cầu bình an
Mọi tâm hồn liên kết
Trong phúc lành Chúa Xuân
Giáo hội vừa trải qua một Mùa Giáng Sinh với thao thức mọi tín hữu được nhận lãnh bình an của Chúa như lời các thiên thần loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Quả thật, bình an ấy đến từ Chúa và hơn nữa, là chính Đức Kitô, Ngài chính là nguồn bình an phát xuất từ Cha. Như thế, bình an không còn là một lời chúc suông trên môi miệng chúng ta nữa mà là một Thực Tại, một ngôi vị. Từ đó, việc Giáo hội mời gọi mọi tín hữu cầu bình an cho năm mới vào ngày Mồng Một Tết mang một ý nghĩa sâu xa hơn, nghĩa là cầu bình an cho năm mới là ước mong sự hiện diện của Đấng là bình an, chúc lành cho mọi gia đình và ngự trị trong mọi tâm hồn thiện chí.
Chúng ta biết rằng “Bình an” có gốc từ tiếng Hebrew là Shalom. Shalom là tiếng đa nghĩa. Theo các nhà ngôn ngữ học, shalom biểu hiệu cho một chuỗi những giá trị gồm có: hoà bình trong thân thiện với người, trong hòa giải với Thiên Chúa, có đời sống an lành, nhiều phúc lợi và hạnh phúc.
Với định nghĩa trên và hòa với ý nghĩa sâu xa mà Giáo hội mời gọi mọi tín hữu sống trong những ngày đầu năm, những ngày hồng phúc này, chúng ta có thể nhận ra dấu chỉ của sự bình an qua việc bản thân hòa điệu với thiên nhiên, hòa đồng với mọi người và hòa hợp với Thiên Chúa là nguồn bình an. Quả thật, bình an là ân ban đến từ Thiên Chúa, đồng thời, là kết quả của nỗ lực bản thân. Có thể nói, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay sẽ là ánh sáng dẫn đường cho những suy tư của chúng ta.
Trước hết, trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa đã hứa sẽ cho nhân loại một mầm non mọc lên từ gốc tổ Giêsê. Vị này tràn đầy thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mạnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Thiên Chúa, và sự bình an được thể hiện qua việc mọi loài sống hòa điệu với nhau “sói ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ. Bé thơ còn đang bú chơi bên hang rắn độc, trẻ thơ còn măng sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.” Những gì xưa kia bị coi là thù địch: sói – chiên con, beo – dê nhỏ…đã trở nên “bạn” và được nuôi chung một chỗ. Và bé thơ chơi bên hang rắn hổ mang độc hại cũng được bảo vệ an toàn vì có Thái tử hòa bình chăn dắt. Có thể nói, sự hiện diện của Chúa Giêsu làm thay đổi cách con người nhận thức và chung sống với vạn vật. Thế giới từ nay là thế giới đại đồng trong tình yêu và bình an của Đức Kitô.
Kế đến, như chúng ta đã biết nếu bình an là quà tặng của Thiên Chúa thì mở lòng ra đón nhận bình an còn tùy thuộc nơi tự do của mỗi người. Nói cách khác, để quà tặng bình an trở thành hiện thực, mỗi người phải nỗ lực kiến tạo nhờ ơn Chúa. Trong bài đọc hai, thánh Phaolô mời các tín hữu Côlôsê cố gắng xây dựng bình an bằng cách “có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau nếu có điều gì phải trách móc nhau.” Yêu thương và tha thứ cho nhau đã là một điều khó, huống chi là phải đối xử như thế với kẻ thù là một thách đố lớn lao, tuy nhiên, theo tinh thần của thánh Phaolô, đó lại là những điều kiện tiên quyết giúp con người sống bình an. Mỗi bước nhỏ tiến gần đến tha nhân là từng nỗ lực yêu thương được Chúa chúc lành. Mỗi bước nhỏ tiến gần đến tha nhân là từng nỗ lực tha thứ được Chúa vui nhận. Có thế, chúng ta sẽ từng bước thủ đắc sự bình an nội tâm và chuẩn bị cho Đấng bình an đến làm chủ tâm hồn chúng ta.
Sau cùng là việc chúng ta hòa hợp với Thiên Chúa. Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hứa với các môn đệ rằng “Thầy để lại bình an cho anh em, thầy ban cho anh em bình an của thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng sao xuyến và cũng đừng sợ hãi.” Quả thật, bình an mà thế gian ban tặng đôi khi chỉ là những lời chúc suông và quá lắm là những cử chỉ, thái độ mang tính nhân bản. Điều này chỉ đem lại cho người nhận một chút thoải mái dễ chịu thoáng qua. Trái lại, chính Chúa mới đem lại bình an đích thực cho con người. Người nói: Thầy ban cho anh em phúc bình an của Thầy, và hành động trao ban của Chúa theo một nghĩa mạnh nhất là trao ban chính mình, vì Người chính là bình an. Như thế, sự bình an mà chúng ta được hứa ban là chính cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời. Nếu tội lỗi đã khiến chúng ta lìa xa Chúa thì một khi giao hòa với Người, chúng ta sẽ chứng nghiệm sự bình an đích thực. Khi ấy, chúng ta không còn xao xuyến và sợ hãi nữa vì có Chúa là nguồn bình an ở cùng chúng ta.
Từ các bài đọc của Lời Chúa hôm nay, như một gợi hứng cho chúng ta nghĩ đến đời sống của thánh Phanxicô, vị sứ giả hòa bình. Vì có Chúa ở cùng, ngài đã hòa điệu cùng với muôn vật muôn loài, với chị trăng, anh mặt trời…không chỉ với những gì vốn dễ thương mà ngay cả loài thú dữ đe dọa sự sống dân làng nơi ngài sinh sống, cũng được ngài thuần hóa và dẫn vào hòa nhập cùng một thế giới đại đồng. Còn với tha nhân, ngài trở thành người trung gian nhiệt thành hòa giải giữa các thế lực đối nghịch và mời gọi mọi anh em trong cộng đoàn sống hòa đồng yêu thương nhau. Trên hết, ngài có một tình yêu thắm thiết với Bà Chúa Nghèo, điểm hẹn lý tưởng của ngài là đồi Sọ, đối tượng chiêm ngắm của ngài là Thập Giá Đức Kitô, và ngài đáng được Thiên Chúa ghi năm dấu thánh trên thân thể như một dấu tích sự kết hợp và nên giống Đức Kitô.
Trong tâm tình của ngày Mồng Một Tết, Giáo hội mời gọi chúng ta cầu bình an cho năm mới với nỗ lực sống 3 chiều kích: hòa điệu với vạn vật, hòa đồng với mọi người và hòa hợp với Thiên Chúa, Đấng hứa ban bình an và là chính nguồn bình an. Có thể nói, chính sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn mỗi người là dấu chứng chắc chắn cho người bình an. Thế nhưng, sự bình an ấy không chỉ dừng lại nơi cảm nghiệm cá nhân mà còn được mời gọi nên khí cụ bình an của Chúa như gương sống của thánh Phanxicô. Như thánh nhân đã dùng cả cuộc đời để mời gọi mọi người nên khí cụ bình an của Đức Kitô, chúng ta cũng hãy là dụng cụ bé nhỏ hèn mọn trong tay Chúa để Người vẽ nên một năm mới tươi đẹp và ban tặng bình an cho mọi người khắp nơi. Amen.
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist
Cộng đoàn Châu Sơn – ĐD.