Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

CHÚA CHIÊN LÀNH – CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU

 

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM C

 CHÚA CHIÊN LÀNH – CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU

     Đan Viện Phước Hải

           Hình ảnh Chúa Chiên Lành, vị Mục Tử dẫn đầu đàn chiên Giáo Hội là một hình ảnh rất đẹp, thi vị, biểu cảm và giàu ý nghĩa. Hình ảnh này rất phù hợp và gần gũi với chủ đề sống của Giáo Hội trong năm nay, là hướng đến một Giáo Hội Hiệp Hành, cùng đi với nhau; Đi đâu? Đi theo Chúa; Đến đâu? Đến sự sống đời đời.

           Giáo Hội bao gồm những ai thuộc về Đức Kitô qua Bí Tích Rửa Tội, gồm nhiều thành phần trong đó có các giám mục, linh mục, phó tế và tu sĩ là những người sống đời tận hiến, thành phần này không phải là đa số nhưng lại là thành phần căn cốt, những con chiên đầu đàn của đàn chiên Chúa, những mục tử của Hội Thánh. Chúng ta dành ngày Chúa Nhật hôm nay để cầu nguyện cách đặc biệt cho quý Ngài. Bởi nếu các con chiên đầu đàn, các mục tử có khỏe mạnh, khôn ngoan sáng suốt thì mới có thể dẫn đầu đàn chiên đi đúng đường hướng của Chúa muốn, mới đủ sức để bảo vệ đàn chiên khỏi bao sói dữ, bao nguy hiểm trực chờ.

         Mục tử là những ai? Thưa là những ai nối gót Chúa Giêsu và các tông đồ của Ngài, tự nguyện dâng mình cho Chúa để phục vụ Chúa và Giáo Hội của Người qua ơn gọi tận hiến, là những người được Chúa chọn gọi cách đặc biệt: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.” (Cv 13,47) Dĩ nhiên không loại trừ một ai trong Giáo Hội, tất cả tín hữu đều có sứ mệnh truyền giáo là mệnh lệnh Chúa ban. Tuy nhiên, đối với những vị có ơn thiên triệu thì điều này càng khẩn thiết và đòi hỏi hơn. Nói cách khác, quý ngài cũng là những tông đồ, những mục tử, đệ tử của vị Mục Tử vĩ đại là Giêsu.

           Thánh Gioan Kim Khẩu có nói: “Chúa chăn chiên chứ không chăn sói”, chiên và sói không thể sống  cùng đàn với nhau bởi sói sẽ ăn thịt chiên, làm cho chiên sợ hãi và tán loạn, sói thì xa lạ với chiên. Chính Đức Giêsu là một con chiên hiền lành chịu sát tế, hy sinh tính mạng vì đàn chiên thân yêu, nên mục tử cũng phải là những con chiên mang đặc tính của Chúa Chiên Lành. “Tấm áo dòng không làm nên thầy tu”, chỉ có ai thực sự hiền lành như Chúa mới có thể hiệp hành, dẫn dắt và thuần hoá dân Chúa thành một đàn chiên hiền lành để cùng nhau tiến về đồng cỏ xanh vĩnh hằng là Thiên Đàng. Người mục tử phải là người sau khi đã chu toàn nghĩa vụ của mình thì có thể thốt lên như ông Gióp: “Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ.” (G 19,27a) và họ sẽ cùng đàn chiên của Chúa “Đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế.” (Kh 7,9b) đồng thời “Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.” (Kh 7,17)

           Vai trò của người mục tử là gì? Người mục tử của Chúa cần trở nên men muối, nên ánh sáng cho người khác (x. Mt 5,13-16), tức là trở nên chứng nhân cho Chúa giữa trần gian, như các tông đồ ngày xưa đã dám sống và chết cho Chúa không chỉ bằng những lời rao giảng mà còn bằng chính cuộc sống của mình như ông Phaolô và Banaba đã mạnh dạn lên tiếng qua đoạn sách công vụ tông đồ mô tả hôm nay để lôi kéo mọi người đến với Đức Giêsu.(x. Cv 13,43-44) Vị mục tử không phải là người lôi kéo người khác đến với mình, nhưng là lôi kéo họ đến với Chúa. Hãy nhớ mình chỉ là ngón tay chỉ cho tha nhân tìm đến với Chúa chứ mình không phải là Thiên Chúa. Các mục tử cần khiêm tốn để phục vụ dưới bóng Chúa, chứ đừng tự phình bóng mình ra mà che lấp mất Chúa. Hãy làm việc để tìm vinh danh Chúa chứ không phải để đánh bóng bản thân.

          “Ngày Sabat sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa.” (Cv 13,44). Để cho lời rao giảng của mình có một sức lôi cuốn như vậy. Trước tiên người tông đồ của Chúa cần siêng năng đọc, suy niệm, học hỏi và sống Lời Chúa, như gương Đức Maria hằng nhẩm đi nhắc lại Lời Chúa, để cho Lời Chúa thấm nhập vào máu huyết và toát ra cuộc sống của mình.

          Người mục tử là người không chỉ tận tình chăm lo, phục vụ đàn chiên mà còn là người có cuộc sống quân bình, tiết độ, biết lo cho phần rỗi của mình nữa qua đời sống cầu nguyện, kết hợp mật thiết với Đức Giêsu tử nạn và Phục sinh. Triệt để noi gương và nên đồng hình đồng dạng với Mục Tử  Giêsu để mọi người có thể nhận thấy chân dung của Đức Giêsu nơi vị mục tử đang săn sóc mình.

         Vị mục tử là người có lòng cởi mở với Thần Khí Chúa để đón nhận mọi ân huệ Thiên Chúa ban và trao ban lại cho đàn chiên mình. Cởi mở biên độ trái tim và mở rộng phạm vi hoạt động để đi đến những vùng ngoại biên như việc hai thánh Phaolô và Banaba đi đến với dân ngoại (x. Cv 13,46), đó cũng là ước mong của vị cha chung Giáo Hội hoàn vũ đương nhiệm là Đức Thánh Cha Phanxicô. Để nhờ có ân sủng Thiên Chúa vị mục tử can đảm dấn thân phụng sự Chúa và đàn chiên của mình mà không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, nhưng lòng luôn tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần và một bề phó thác, tin tưởng vào Chúa quan phòng.

          Đức Giêsu, Mục Tử của mọi mục tử. Ngài chính là gương mẫu vị mục tử nhân lành để mọi mục tử noi theo: “Tôi biết chiên của tôi và chiên tôi biết tôi.” (Ga 10,14). Từ “biết” được dùng trong Thánh Kinh, không đơn thuần mang nghĩa hiểu biết một tri thức nào đó của lí trí như chúng ta thường nghĩ, nhưng nó mang nghĩa rộng hơn; ở đây nói lên một sự thông hiệp sâu xa mang tính hai chiều giữa vị chủ chăn và con chiên của mình. Vị chủ chăn am tường từng con chiên Ngài săn sóc, cho dù đàn chiên có to lớn và đông đảo đến đâu chăng nữa thì đối với Ngài, từng con vẫn có tính cá biệt rất riêng tư, không con nào giống con nào, và mỗi con Ngài sẽ có cách để chăm sóc riêng chứ không vơ đũa, đánh đồng với nhau. Con nào ốm yếu thì bồi dưỡng thêm, con nào bệnh tật, thương tích thì lo chữa trị, con nào béo tốt thì giữ gìn, con nào yếu ớt thì bảo vệ, con nào hơi hung tợn thì lo dạy dỗ… Ngài biết từng đường tơ kẽ tóc, từng đường đi, nước bước của từng con. Biết không chỉ để biết, nhưng biết để yêu, để lo, để phục vụ. Cái biết bao hàm trách nhiệm và thể hiện mối tương quan. Và đối lại, nếu đã là chiên trong ràn của Chúa, con chiên cũng phải biết chủ, hiểu chủ, nhận ra tiếng chủ thông qua tiếng sáo hay một dấu hiệu nào đó để lắng nghe và đi theo Ngài, thi hành mệnh lệnh chủ đưa ra. “Biết để yêu, hiểu để sống; thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn; cơm sôi nhỏ lửa mấy đời khê” (Ca dao, tục ngữ Việt Nam).

          “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27). Giới từ “của”, đồng nghĩa với “thuộc về”, không phải là một hạn từ chỉ mang nghĩa sở hữu nhưng nó rộng hơn, ý nghĩa hơn, giá trị hơn. Khi nói tôi thuộc về dân tộc Việt Nam-con rồng cháu tiên; tôi thuộc về đàn chiên Chúa-con cái Chúa, con cái của ánh sáng… thì tôi cảm thấy một niềm tự hào, hãnh diện nào đó, một sự bảo đảm và an toàn nào đó khi được thuộc về Chúa, nấp dưới bóng Chúa, được Thiên Chúa quyền năng che chở, phù trì… Và giới từ này được gắn liền với ba động từ “nghe-biết-theo”. Khi đã có cảm thức thuộc về, tôi như được đóng ấn bởi Chúa, đòi hỏi tôi không được phép sống một cách thờ ơ, vô tư, bàng quan như trước, nhưng phải có trách nhiệm hơn, ý thức hơn về bổn phận của mình với Chúa, với đàn chiên Chúa. Tôi phải học hiểu để biết thêm về Chúa vì “Vô tri thì bất mộ”, có hiểu biết nhiều về Chúa, tôi mới có thể yêu mến, lắng nghe được tiếng Ngài nói với tôi, từ đó đáp trả bằng việc vâng nghe và đi theo, bắt chước học đòi nơi Ngài, thi hành ý Ngài…động từ “đi theo”, nhắc tôi nhớ câu chuyện của Phêrô tìm cách cản đường Chúa Giêsu khi Ngài tỏ cho các môn đệ biết Ngài phải đi lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, và ông đã bị Chúa mắng là: “Satan, hãy lui ra. Con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là tư tưởng của loài người.” (Mt 16,23). Qua đó Chúa cũng nhắc mỗi người chúng ta rằng, môn đệ thì không hơn thầy, hãy khiêm tốn mà đi ở phía sau, đúng chỗ của người môn đệ, từng tài lanh theo kiểu thế gian “Trứng mà đòi khôn hơn rận; cầm đèn chạy trước ô tô”. Có thể nói, bài học khiêm tốn là bài học phải học cả đời, có đi hết đời người chưa chắc đã học được một từ khiêm tốn cho hoàn chỉnh.

           “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời.” (Ga 10, 28) Đây chính là mục đích lớn nhất, có sức thu hút nhất, khiến đàn chiên miệt mài đi theo vị Mục Tử Giêsu không mệt mỏi, không quản ngại khó khăn, nguy nan là để được sống cho ra sống,

                                                                      Sống một kiếp, hai kiếp, …

                                                              Hoặc lòng vòng trong kiếp luân hồi,

                                                             Cũng chỉ là loanh quanh trong bể khổ;

                                                                     Có kiếp nào mà không khổ ?

                                                                       Thôi, ta tìm về Vĩnh Hằng.

         Lạy Chúa Giêsu Mục Tử đời đời: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng, côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.” (Tv 23,4) Xin mau dẫn chúng con về đồng cỏ xanh mát không bao giờ tàn úa. Amen

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B, Ga 10,11-18 : Chúa Giêsu Mục Tử Của Các Mục Tử

Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B, Ga 10,11-18 Chúa Giêsu Mục Tử Của Các Mục Tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Để diễn tả mối...

Chúa Nhật IV PS, B, Ga 10,11-18: Đan sĩ với sứ vụ mục tử

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH ĐAN SĨ VỚI SỨ VỤ MỤC TỬ (Cv 4,8-12 ; 1 Ga 3,1-2 ; Ga 10,11-18) M. Mazzarello, CĐ Phước Thiên Phụng vụ...

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B, Lc 24,35-48: Chúa Kitô luôn hiện diện giữa chúng ta

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B, Lc 24,35-48 Chúa Kitô Luôn Hiện Diện Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Sau khi hai môn đệ...

Chúa Nhật III Phục Sinh, B, Lc 24,35-48: Có Chúa đồng hành trong cuộc đời

CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH TRONG CUỘC ĐỜI (Lc 24,35-48) Tùng Linh, Phước Lý Bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca tường thuật cho chúng ta việc Đức...

Ngày 25/3, Lễ Truyền Tin: Lc 1,26-38: Xin Mẹ dạy con hai tiếng “Xin Vâng”

Ngày 25/3, Lễ Truyền Tin: Lc 1,26-38 Xin Mẹ Dạy Con Hai Tiếng “Xin Vâng” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy mỗi...

Lễ Truyền Tin – Lời đáp Xin vâng, chương trình cứu độ được thực hiện

Lời đáp Xin vâng, chương trình cứu độ được thực hiện (Lc 1,26-38) Đaminh Hạnh Lê Văn Chương, Phước Hiệp Trước khi suy niệm về ngày Lễ...

Chúa Nhật II – Kính Lòng Chúa Thương Xót, Ga 20,19-31: Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời

Chúa Nhật II – Kính Lòng Chúa Thương Xót, Ga 20,19-31 Chúa Ấp Ủ Tôi Suốt Cả Cuộc Đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm...

Chúa nhật II Phục Sinh: Niềm tin của ông Tôma và niềm tin của chúng ta

CHÚA NHẬT II PS - B NIỀM TIN CỦA ÔNG TOMA VÀ NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA (Ga 20,19-31)   Lm. Vĩnh Nghiêm, An Phước Không có điều gì...

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Chúa đã sống lại thật, Alleluia!

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9 Chúa Đã Sống Lại Thật Alleluia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc các bài báo về những vụ án hình sự...

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: “Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Người đã phục sinh”

“CHÚA GIÊSU ĐÃ CHIẾN THẮNG TỬ THẦN, NGƯỜI ĐÃ PHỤC SINH” (Ga 20,1-9) Vp. Bảo Tịnh, Phước Lý  Chúa Giêsu đã phục sinh. Đó là trọng tâm...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Chúa Giêsu đã chết một cái chết đau đớn trong tâm hồn

CHÚA GIÊSU ĐÃ CHẾT MỘT CÁI CHẾT ĐAU ĐỚN TRONG TÂM HỒN (Mc 14,1-15,47)  M. Galgano Trần Quốc Toàn Tin mừng hôm nay tường thuật cho chúng...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Tình trung tín – Tình phản bội

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47 Tình Trung Tín - Tình Phản Bội Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thiên Chúa luôn yêu thương con người...