CHIA SẺ LỜI CHÚA CN XXV TN-B
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16 – 4,3; Mc 9,30-37
SỐNG NỖI NIỀM ƯU TƯ CỦA CHÚA
Lựa chọn căn bản cho hành trình sống đức tin là một điều thiết yếu của mỗi người chúng ta. Lời Chúa hôm nay có một định hướng cụ thể cho người Kitô hữu sống theo ý Chúa. Đứng trước những chọn lựa sống theo ý Chúa và sống theo ý riêng, người Kitô hữu cần phải có thái độ nào trong việc theo Chúa? Đâu là nỗi ưu tư của người môn đệ theo chân Chúa trong ngày hôm nay?
I. Ưu tư về quyền bính
Quyền bính có thể hiểu như một áo choàng lộng lẫy phủ lên một con người. Xét theo tâm lý học, quyền bính có thể sẽ giúp che đậy những mặc cảm, những ước vọng thầm kín trong thâm tâm con người. Bởi vì ước vọng cai trị người khác là cách xóa tan những mặc cảm cá nhân. Các tông đồ cũng không thoát ra khỏi những ưu tư về quyền bính. Vì thế, Tin Mừng tinh tế trình bày cho chúng ta về việc các tông đồ đã trải qua một giai đoạn của sự mặc cảm trong việc liên quan đến quyền bính. Vì vùng Galilê có nhiều người ngoại giáo sinh sống, nên người Dothái ở phía nam khinh thường người Do thái tại vùng Galilê, vì cho rằng dân Galile giao tiếp với người ngoại giáo nên họ không còn thuần khiết nữa. Chính vì thế, ưu tư về quyền bính sẽ giúp các ông không phải đối diện với những mặc cảm cá nhân.
Khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ về việc các ông đã tranh luận với nhau trên đường, nhưng các ông đã làm thinh. Chắc chắn các ông đã hiểu được ý của Thầy mình về vấn đề quyền bính. Vì khi tranh luận ai là người đứng đầu nghĩa là loại Chúa Giêsu ra khỏi cuộc sống của các ông. Như thế, điều này đồng nghĩa với ý tưởng Chúa không còn là người đứng đầu để hướng dẫn các Tông đồ. Một khi không còn Chúa hướng dẫn, những ghanh tỵ và cãi vã xảy ra. Vì quyền bính mà con người đạt được chỉ là sự thống trị và gây ra sự chia rẽ. Thánh Giacobe nhìn thấy điều đó như một đam mê trong lòng mỗi người chạy theo quyền bính.
Bởi vậy, sự thinh lặng của các Tông đồ giúp chúng ta hiểu rằng quyền bính không có chỗ đứng trong lòng của người đi theo Chúa. Tìm kiếm quyền bính trong vương quốc của Chúa là việc sai lầm vì đó chỉ là một ưu tư vô bổ cho ơn cứu độ.
II. Ưu tư về sự phục vụ
Chúa luôn ưu tư về việc cứu độ, về tinh thần phục vụ, còn các Tông đồ lại ưu tư về quyền bính. Dường như các Tông đồ vẫn chưa cảm nghiệm được hết ưu tư của Thầy mình. Ưu tư của Chúa là phải hủy mình ra không, phải đi vào con đường khiêm hạ, con đường khổ giá để mang lại ơn cứu độ cho muôn người. Khi tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời và họ sẽ giết Người”, các tồng đồ dường như cũng chẳng hiểu gì nhiều liên quan đến lời tuyên bố của Chúa. Chúa Giêsu đã tiếp tục chỉ cho các Tông đồ thấy thế nào là việc tự hủy của Chúa và mối liên hệ của đời sống các ông với cái chết trong nhiệm cục cứu độ.
Thế nên, việc bổn phận của các Tông đồ trong công trình Cứu Độ là sống sự tự hủy. Trở nên bé nhỏ như một trẻ nhỏ. Việc phục vụ của các Tông đồ là một việc phục vụ như một em nhỏ, làm một chút ít việc cho cha mẹ của mình. Qua hình ảnh phục vụ của trẻ nhỏ, Chúa Giêsu đã đảo ngược ý nghĩa của quyền bính. Những lời của Bertrand Gournay khuyến khích chúng ta sống tình thần phục vụ, tình thần bé mọn của Tin Mừng: “Mọi mối tương quan của người bé mọn như đụng chạm vào sự vô hạn của Thiên Chúa … kẻ nhỏ nhất thì được ưu tiên và kẻ yếu thế hơn có vị trí đặc quyền trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Tin Mừng cho những ai bé mọn ấy là sự cao cả của chúng ta trong ánh nhìn của Thiên Chúa”
Như thế, quyền bính chính là để tham gia vào việc phục vụ chứ không phải để cai trị. Khi phục vụ, quyền bính ấy không phải là áo choàng che đậy đi sự mặc cảm, nhưng là một tâm hồn khiêm nhượng thẳm sâu. Quyền bính ấy thực thi tình yêu của Thiên Chúa qua sự công bằng và tình nhân ái.
III. Ưu tư nào cho chúng ta ?
Lời Chúa thật rõ ràng, thật minh bạch cho những ai yêu mến Chúa. Hiểu được ưu tư của Chúa giúp chúng ta biết sống khiêm nhường và phục vụ. Vậy phải sống khiêm nhường theo cách thức nào? Chắc chắn theo cách Chúa Giêsu dạy là sống dấn thân phục vụ như hạt lúa mì phải thối nát đi, thì nó mới sinh nhiều bông hạt. (x.Ga 12, 24). Cũng vậy, việc phục vụ tựa như ngọn nến muốn cháy sáng thì phải tiêu hao đi. Thánh Phaolô chỉ dẫn cho chúng ta những cách thức để sống tình bác ái, yêu thương: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không nghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”(1Cr 13, 4-6). Trong đời sống đan tu, chúng ta có một loạt những phương thế là các bậc khiêm nhường theo Cha Thánh Biển Đức như là một cách thế hữu hiệu để đạt được đức ái hoàn hảo. Đức ái ấy chính là việc chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ vô vị lợi là cách thức chúng ta bước vào cửa ngõ thánh thiêng.
Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền làm chủ công trình do tay Ngài sáng tạo. Người môn đệ chỉ lắng nghe để hiểu và làm điều Chúa muốn. Người đan sĩ sống thinh lặng trước những ước vọng về quyền bính và khiêm tốn nhận ra những giới hạn của bản thân để biết phục vụ đúng chức năng của mình. Thinh lặng đối với sự thật là việc thờ lạy Chúa trong mọi tác động của cuộc sống. Vì sống sự khiêm nhường thật và phục vụ trong sự thật là điều thiết yếu của mỗi người chúng ta.
Nhận ra ý Chúa và nghiệm được điều Chúa muốn trong đời sống Kitô hữu là điều quan trọng trong đời sống của mỗi chúng ta. Được liên kết với Chúa trong mọi tác động của tình bác ái làm cho chúng ta hân hoan sống những điều thiện hảo. Những điều thiện hảo này dẫn chúng ta về trời cao là thiên đàng vĩnh cửu. Amen.
Fm. Gregorio CSNQ