Chúa nhật II Phục Sinh, năm B
«ĐỨC TIN & ƠN BÌNH AN»
Bài đọc 1: Cvtđ 4, 32-35
Bài đọc 2: 1Gioan5, 1-6
Tin Mừng: Gioan 20, 19-31
1. Bài đọc I:Các tín hữu chỉ có một lòng một ý
Sau ngày lễ Ngũ Tuần, cộng đoàn Kitô tiên khởi tụ họp với nhau để nghe các tông đồ giảng dạy, cùng nhau cầu nguyện và cử hành việc bẻ bánh Thánh Thể. Họ sống tinh thần hiệp nhất và mỗi người tự nguyện dâng hết gia sản của mình làm của chung, và đặc biệt quan tâm đến người nghèo.
Tuy nhiên, trong cộng đoàn này, cũng còn tồn tại những sự việc tiêu cực, như trường hợp của Anania và Soffira (Cv 5, 1-11), cho thấy một thái độ chưa thực sự tự nguyện dâng hiến cho Thiên Chúa và hiệp nhất trong cộng đoàn. Nhưng với đoạn sách hôm nay, cho thấy đời sống của cộng đoàn đầu tiên này là một mẫu gương về sự hiệp thông, hòa thuận và đồng tâm nhất trí.
Ngày nay, thế giới cũng khao khát và mong đợi nơi các Kitô hữu những dấu chỉ của sự đồng tâm nhất trí diễn tả sự hiệp thông trong các cộng đoàn giáo xứ.
2. Bài Tin Mừng: Ơn bình an và Thánh thần là những quà tặng của Đấng Phục Sinh cho chúng ta được ơn tha tội.
– Hãy biết nhìn lên (cc. 19-23). Đứng dưới chân thánh giá, Thánh Gioan đã hiểu được phần nào các lời của ngôn sứ: «Họ sẽ nhìn lên Đấng mà họ đâm thâu» (Ga 19,34.37). Lúc bấy giờ, các tông đồ khác thì đã bỏ đi, chỉ còn lại mình Gioan và các người lính đã nhìn lên cạnh sườn Đức Giêsu và thấy một dấu chỉ đau thương ngang qua cái chết của Người để cứu nhân loại. Đó là ân huệ của sự đổi mới, của sự hoán cải và «sự bình an».
Sau khi sống lại, Đức Giêsu đến với các tông đồ trao ban bình an và Thánh Thần, là Người lập lại hành động của Đấng Tạo Hóa khi sáng tạo vũ trụ (St 2, 7); để trao cho các tông đồ quyền tha tội, làm cho con người được hiệp thông với quyền năng thống trị sự dữ và tội lỗi.
– Đón nhận chứng từ (cc. 24-31). Tôma, là người đã vắng mặt khi Đấng Phục Sinh hiện ra, và ông đã không tin vào chứng từ của các tông đồ khác. Tám ngày sau, Đức Giêsu đã trở lại một lần nữa, và cho ông một bài học về lòng tin: cần phải trải qua từ thấy đến tin. Đối với cộng đoàn tín hữu hậu Phục Sinh, cách hiện hữu mới của Đức Kitô không cho phép họ nhận biết Người trong một thân xác, theo cách nhìn và cách nghĩ của con người nữa. Cũng không còn được nhận biết Người như một con người tại thế, mà là qua các bí tích và trong chính đời sống của Giáo Hội. Đức tin sẽ giúp họ thấy được niềm hy vọng về Đấng Phục Sinh qua những biến cố xảy ra trong cộng đoàn.
Cũng như Tôma, đã thấy và đã tin, các Kitô ngày nay cũng vậy, mỗi Chúa nhật và mỗi khi họp nhau để cử hành Thánh Thể, là cùng nhau được đón nhận chính Thân Thể của Đức Kitô Phục Sinh.
3. Bài đọc II: Niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là sức mạnh chiến thắng thế gian.
– Tình yêu Thiên Chúa và sự vâng phục. Tình yêu là đề tài mà Thánh Gioan luôn nhấn mạnh trong thư thứ nhất này, đó không phải là một cảm tính hay một cảm súc; nhưng là một thực tại của sự dấn thân và chỉ có thể hiện hữu bằng sự hiệp thông trong niềm tin vào Thiên Chúa. Tình yêu chỉ chân thành và đích thực khi dám đặt trọn cuộc đời mình theo thánh ý của Thiên Chúa, qua việc tuân giữ các giới răn của Người: «Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người» (c. 2).
Nhưng làm sao có thể tuân giữ những điều này? Như lời Đức Giêsu đã khẳng định trong Tin Mừng Mt 11, 30: «Ách của tôi êm ái và gánh tôi nhẹ nhàng», Thánh gioan cũng bảo đảm cho chúng ta rằng: «Ai yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, và mọi kẻ được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa» (cc. 3-5) như Đức Kitô đã thắng thế gian.
– Chiến thắng nhờ đức tin. Đức tin kết hợp chúng ta lại với Đức Kitô: đó là ân sủng trong cuộc gặp gỡ mà Đức Giêsu đã thông truyền cho chúng ta sự sống và chiến thắng của Người phát sinh từ hy tế thập giá. Tin vào Đức Giêsu, chúng ta sẽ được tháp nhập với Người, được Người yêu mến và dẫn đưa đến nguồn mạch tình yêu tuôn tràn từ tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đức tin này phải được thể hiện trong lời nói và những việc làm, phải được kiểm định qua những thái độ và tình huynh đệ mà chúng ta trao ban cho anh chị em mình, là những người con có chung một Cha.
4. Suy niệm: Sự phục sinh của Đức Giêsu và đức tin của chúng ta
Được đọc trong bối cảnh Mùa Phục Sinh, các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến chủ đề đức tin và đời sống của người Kitô hữu được đức tin soi dẫn.
+ 4.1. Chỉ một lòng một ý
Bài đọc I hôm nay, họa lại cho chúng ta một bức tranh tuyệt vời về đời sống của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, họ họp nhau để chia sẻ tình huynh đệ và hiệp nhất trong cùng một đức tin, được nuôi dưỡng bằng những lời dạy và chứng từ của các tông đồ. Các tín hữu chỉ có một lòng, một ý, góp mọi sự làm của chung và phân phát tùy theo nhu cầu của mỗi người. Đời sống lý tưởng này cũng được chứng thực trong đoạn văn khác của sách Công vụ Tông đồ chương 2, 41-47.
Sự hiệp thông này chắc chắn là một phép mầu của Đấng Phục Sinh, Đấng mở toang tấm lòng hẹp hòi và ích kỷ của con người cũ để hướng đến một tình yêu mới của những cư dân trong Nước Thiên Chúa. Đó là một phép màu của đức tin đơn thành, nhưng sâu thẳm, để tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã đổi mới mọi sự bằng sự chiến thắng khải hoàn của Người (Kh 21, 5).
Đức tin của cộng đoàn tín hữu cũng được nói tới trong bài đọc II, khi thánh Gioan công bố cuộc chiến thắng của đức tin: «Ai là kẻ chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giê su là Con Thiên Chúa» (c. 5). Như thế, đức tin có một sức mạnh đánh bại thế gian, bởi vì không có gì có thể chống lại Đấng Phục Sinh. Và chúng ta, nhờ bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được kết hiệp với Người, trong Người và nhờ Người, hầu có thể trở thành những người mạnh mẽ mà chống lại mọi thế lực và âm mưu của sự dữ: «mọi kẻ được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian». (c. 4).
+ 4.2. Đức tin và tình yêu
Tin vào Đức Kitô là nền tảng làm cho chúng ta được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa: «Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra» (c. 1a). Chính tình cha của Thiên Chúa đã cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em, nối kết chúng ta trong sợi dây ràng buộc bởi tình yêu, vì ai yêu mến Chúa Cha «thì cũng yêu thương kẻ Người sinh ra» (c. 1b).
Đức Giêsu là Đấng qua cuộc thương khó của Người, đã vượt qua thử thách lớn lao của tình yêu, và kết nối chúng ta vào trong sự phục sinh của Người, hầu chúng ta có được sức mạnh và sự can đảm đón nhận và thi hành các điều răn mới của Người: «Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13, 34).
«Giới răn yêu thương» này không chỉ giới hạn nơi những người thân hay bạn bè, mà phải được hướng tới cả với những người mà chúng ta xem là đối nghịch hay thù địch, bởi đây là hoa trái của một đức tin mạnh mẽ vào sự phục sinh của Đức Kitô và là dấu chỉ cho thấy chúng ta thuộc về Người: «Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13, 35).
Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy, khi Đức Giêsu hiên ra với các tông đồ, đức tin không còn khả năng soi sáng cho các ông nữa, bởi chính sự sợ hãi và sự nghi ngờ đã bao trùm tâm trí các ông. Đức Giêsu đã đến, Người mở toang lòng trí các ông, xóa tan những nghi ngờ, đưa các ông đến với niềm hy vọng, ban cho sự bình an và trao ban Thánh Thần và quyền tha tội: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ» (cc. 22-23).
+ 4.3. Phúc thay những người không thấy mà tin
Tuy nhiên, Tôma không có mặt khi Đức Giêsu đến, ông đã không tin vào lời chứng của các tông đồ khác và ông đòi phải được «xỏ ngón tay vào những lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn» (c. 25) thì ông mới tin. Đức Giêsu đã hiện ra với các ông một lần nữa để cho Tôma được toại nguyện những đòi hỏi của mình. Ông đã thấy và tuyên xưng: «Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!» (c. 28). Đức Giêsu trả lời: «Tôma,Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin» (c. 29).
Có lẽ chúng ta ít khi suy ngẫm về những lời này của Đức Giêsu cách sâu xa. Phúc cho những người không thấy mà tin, nghĩa là tin mà không cần đối thoại, không cần suy luận, nhưng tin vào Con Người qua sự mạc khải và lời chứng của Thánh Thần. Sự loan báo về mối phúc này trải dài qua muôn thế hệ và cho đến tận thế, hầu mọi người nhờ tin vào danh Đức Kitô mà được sống đời đời (x. c. 31).
Quốc Vũ
~*~