CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH TRONG CUỘC ĐỜI
(Lc 24,35-48)
Tùng Linh, Phước Lý
Bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca tường thuật cho chúng ta việc Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ sau khi đã hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus. Khi Chúa Giêsu bị bắt và treo lên thập giá, các tông đồ tỏ ra hoang mang, lo sợ, các ông cố thủ trong căn phòng tiệc ly. Chúa phục sinh hiện ra và ban bình an cho các ông. Sau đó, người dùng Kinh Thánh giải thích và trấn an cho các ông. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”.
Khi bước theo Chúa Giêsu, các môn đệ và đặc biệt hai môn đệ Emmaus mang theo hoài bảo và niềm tin lớn lao, sẽ được ngồi bên hữu hoặc bên tả Người, tệ hơn nữa, có thể được ngồi trên những chiếc ghế chức quyền dưới ngai vàng Giêsu. Giờ đây, khi Chúa Giêsu bị bắt, niềm tin của các ông trở nên hỗn loạn, các ông bỏ chạy tìm con đường sống cho mình để không còn liên lụy đến con người tên là Giêsu. Chẳng hạn như Phêrô đã thẳng thừng từ chối Chúa đến ba lần khi được nhắc đến mối quan hệ với Chúa. Khủng khiếp hơn nữa là khi Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá, và cái chết đã đến với Người. Các môn đệ buông xuôi tất cả. Sự nghiệp của các ông coi như mất trắng, bao nhiêu năm theo Thầy, giờ đây chẳng có được gì, chỉ còn lại nỗi buồn sầu đau thương mất mát. Các ông trở lại với công việc thường ngày của mình, người thì đi đánh cá, kẻ thì về quê tiếp tục cuộc sống trước đây của mình như hai môn đệ Emmaus. Nói tóm lại, niềm tin của các ông đã bị tan vỡ thật sự.
Sau khi Chúa Giêsu bị bắt, bị giết chết, các tông đồ trở nên sợ hãi. Vắng bóng Chúa làm cho các ông trở thành con người nhút nhát, giống như Tin Mừng đã tường thuật, khi Chúa Giêsu ngủ trên thuyền, một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước, các tông đồ hoảng sợ, đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi”. Một lần khác khi các tông đồ đang chèo chống con thuyền giữa sóng to gió lớn, Chúa Giêsu đã đi trên mặt biển đến với các ông, các ông tưởng là ma, nhưng Chúa Giesu trấn an: “Hãy an tâm, chính thầy đây, đừng sợ!
Sức mạnh của sự chết, thập giá, đã giết chết niềm hy vọng trong họ. Trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng gặp phải những giờ phút bão táp, khủng hoảng về đức tin. Nhưng chúng ta phải xác tín rằng, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, thì đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng, trong ánh sáng đức tin chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ, nhưng các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”.
Lời Chúa chính là lời hiện diện của Đấng Phục sinh. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào cách đón nhận của ta. Sẽ không có mặt của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ coi lời Chúa như vật phẩm điểm trang, dẫu có kính cẩn ghi chép, trân trọng giữ gìn, đeo chặt trên trán như thói quen của mấy ông biệt phái. Sẽ không có sự hiện diện của Đấng Phục sinh nếu ta chỉ xem lời Chúa như thứ lá chắn bung xung cho một mưu đồ, nghĩa là coi lời Chúa như phương tiện để tô vẽ lên mưu lợi riêng tư.[1]
Chúng ta cũng phải gặp gỡ Chúa Giêsu trong Kinh Thánh. Chúng ta phải đọc Kinh Thánh dưới sự hiện diện của Thiên Chúa, phải thấy bóng dáng Thiên Chúa thấp thoáng suốt những trang sách; trong các giờ cầu nguyện. Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu. Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta. Để từ đó chúng ta kín múc được ân sủng Người, nhờ đó chúng ta sẽ được biến đổi, cuộc sống nói chung và mầm sống đức tin chúng ta nói riêng sẽ phát triển phì nhiêu và phong phú.
Chúa Phục Sinh sẽ đến ban bình anh cho chúng ta, chính Người sẽ biến đổi chúng ta từ một người nhút nhát sợ hãi trở nên một người mạnh mẽ kiên cường. Khi đón nhận ánh sáng phục sinh, chúng ta phải biết đi rao giảng và làm chứng cho Ngài như Ngài đã nói: phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Muốn rao giảng cho muôn dân thì chúng ta phải biết học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh. Vì Lời Chúa chính là lời hiện diện của Đấng Phục sinh.
___________________________
[1] https://www.tonggiaophanhanoi.org/chua-nhat-iii-phuc-sinh-23-bai-suy-niem-nam-b, Gm. Vũ Duy Thống