Thứ tư, 22 Tháng Một, 2025

CHÚA NHẬT III PS – NĂM B: CHỨNG NHÂN CHÚA PHỤC SINH HIỆN SỐNG (FM Đaminh Savio Nguyễn Tuấn Hào)

Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm B

(Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48)

CHỨNG NHÂN ĐẤNG PHỤC SINH HIỆN SỐNG

 Đức Giêsu Phục Sinh vẫn đang hiện diện, đồng hành với các Tông Đồ và môn đệ. Với nhiều lần hiện ra, ở nhiều nơi, cho nhiều người và bằng nhiều cách, Ngài khai mở cho họ hiểu, đón nhận Mầu Nhiệm Phục Sinh và khi được gặp, hiểu về Đấng Phục Sinh, họ nên chứng nhân của Đấng Phục Sinh.

1. Chứng nhân từ kinh nghiệm gặp Đấng Phục Sinh

Phục Sinh mãi mãi là mầu nhiệm khôn dò, siêu vượt tầm hiểu biết lý luận của con người. Chẳng ai có thể hiểu, lý hội, rồi làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh, nếu không được chính Đấng Phục Sinh mặc khải cho.

     * Ngài phục sinh và đồng hành cùng các môn đệ trong biến cố nội tâm và cuộc sống thường ngày. Tin Mừng hôm nay, tiếp tục bài Tin Mừng về cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus. Hai môn đệ này đang bị cú sốc mạnh. Họ kinh hồn bạt vía khi chứng kiến cái chết thê thảm của Thầy ở ngày thứ sáu. Họ đang tiến bước trên đường Emmaus, con đường của sự chán nản, ảm đạm, thất vọng, con đường dài lê thê và bước đi về vô định. Chính khi tâm hồn họ rơi vào thất vọng, tối tăm, bi cực, Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra, đồng hành và vực họ chỗi dậy. Phục sinh chính là làm tươi mới những gì ủ rũ sầu thương, làm hy vọng những gì thất vọng, làm sống động trở lại những gì bị giam hãm chết chóc.

   * Ngài mặc khải Kinh Thánh giúp họ nhận ra Đấng Phục Sinh. Sự kiện phục sinh chẳng có thể lý giải dựa trên kiến thức người phàm, nhưng phải dựa trên chính Lời Chúa. Đức Giêsu đã dùng Kinh Thánh- Lời Chúa để mặc khải cho họ về sự Phục Sinh của Ngài: “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46). Được Đấng Phục Sinh hiện diện và khởi đi từ Kinh Thánh, Ngài dậy dỗ, mặc khải, làm mắt tâm hồn họ sáng lên, họ nhớ lại những gì Thầy đã nói và nhận ra Ngài.

    * Ngài cho họ xem các thương tích để xác tín về Đấng Phục Sinh. Đức Giêsu đã dẫn họ vào trọng tâm mầu nhiệm của Đấng Phục Sinh khi cho họ xem các vết thương: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem (Lc 24,39-40). Ngài cho họ xem những vết thương để củng cố niềm tin vào Đấng Phục Sinh; nhưng vượt xa hơn là giúp họ có được một ký ức, một kinh nghiệm xác tín, đầy đủ về Đấng Phục Sinh. Đấng Phục Sinh mà họ gặp gỡ hôm nay, rồi sẽ làm chứng hôm mai, dù rằng đã được biến đổi sang tình trạng mới thì cũng chính là Đấng đã chịu tử nạn đầy thương tích. Họ đừng tưởng tượng hoặc tác họa ra một vị ‘chúa phục sinh’ nào khác ngoài ‘vị chúa’ là Thầy, là Chúa, là Đức Kitô đã chịu tử nạn đầy thương tích và đã phục sinh. Đây chính là bản mẫu của Đấng Phục Sinh mà họ phải phải tuyên xưng, chịu lấy trong cuộc đời, sống chết và làm chứng nhân cho Ngài. Thánh Phêrô đã có đủ kinh nghiệm này nên trong lời rao giảng đã xác tín mạnh mẽ: “Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,14-15).

            Vâng, kinh nghiệm được gặp Đấng Phục Sinh hiện ra đồng hành, cho xem các vết thương và mặc khải Kinh Thánh chính là kinh nghiệm đầy xác tín và mở ra con đường làm chứng về Đấng Phục Sinh.

    2. Chứng Nhân về Đấng Phục Sinh hiện sống

        * Trong thực tại cuộc sống thường ngày

            Đức Kitô đã phục sinh thuộc về thế giới hoàn toàn siêu việt, nhưng không vì thế mà Ngài đã tách biệt khỏi vũ trụ và cuộc sống của con người. Ngài phục sinh để hiện diện cách sâu xa, để đi tới mọi nơi và thấm nhập vào mọi thực tại lịch sử và hoàn cảnh sống cụ thể của con người. Ngài thôi thúc các môn đệ cũng như chúng ta: Chính anh em là chứng nhân về những điều này (Lc 24,48).

            Vâng, chúng ta phải là chứng nhân của Đấng Phục Sinh trong những gì cuộc sống hiện sinh của con người. Giữa một thế giới mà dường như con người chỉ được sống với “phẩm giá tối thiểu” vì đã mất định hướng, thất vọng, vì đau khổ, bạo lực, sự ác không thuyên giảm nhưng cứ mãi làn tràn… Chúng ta, như Đức Kitô Phục Sinh, phải là người đồng hành và nên chứng nhân của hy vọng niềm vui, của sự vực dậy những gì đổ vỡ; của ánh sáng, ý nghĩa sự sống trên những gì là tối tăm, sự chết và sự rỗng tuếch vô nghĩa của con người.

            Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang dẫn bước cho cả Hội Thánh trên hành trình này, ngài xác tín: “Việc phục sinh của Đức Kito không phải là một điều trong quá khứ, nó chứa đựng một sức sống đã thấm nhập vào thế gian” (Niềm Vui Tin Mừng, số 276). Và ngài đã không ngừng làm cho Tin Mừng đó thấm vào sâu hơn nữa các tình cảnh của cuộc sống của con người. Ngài đã gặp gỡ các tù nhân[1] và rửa chân cho các tù nhân vào một ngày của Tuần Thánh ; Hôn người dị tật[2]; Gặp gỡ các người di dân [3]; Đối thoại và dành cho ông Eugenio Scalfari, người sáng lập ‘tờ báo vô thần La Republica’ cuộc phỏng vấn vào ngày 23 tháng 09 năm 2013; Tờ báo Time, Thứ Tư 11 tháng 12, đã bình chọn Đức Thánh Cha Phanxicô là nhân vật năm 2013 đã cho nhận xét: “Giáo hoàng của người nghèo, giáo hoàng sống đơn sơ khiêm tốn”. Giới báo chí đời gọi ngài:  “Giáo Hoàng của quần chúng, Giáo Hoàng của người nghèo”. Ngày 27 tháng 07 năm 2014, Ngài xuất hiện tại một quán ăn khu công nhân để ăn trưa với giới thợ thuyền; Ngày 26 tháng 03 năm 2015, Ngài mời những người vô gia cư ở xung quanh Vatican cùng vào thăm bảo tàng Vatian và mời họ ăn tối với Ngài…

       * Đấng phục sinh mang thương tích

            Chúng ta cũng như Đức Giáo Hoàng, phải dấn thân và làm cho Tin Mừng Đấng Phục Sinh thấm nhập vào mọi lãnh vực và cơ cấu, cũng như hoàn cảnh cụ thể của con người. Tuy nhiên chúng ta cùng xác tín, đây không phải là chuyện dễ thực hiện. Chúng ta sẽ gặp những tấn công, thù nghịch và những trắc trở lớn. Điều này đã xảy ra ngay từ đầu, lúc Tin Mừng phục sinh vừa được loan đi đã tức khác bị ém nhẹm bởi những kẻ cầm quyền, bởi thế lực bóng tối: “Họ cho lính một số tiền lớn và bảo: các anh hãy nói thế này: ban đêm chúng tôi đang ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc đến tai viên tổng trấn chính chúng tôi sẽ dàn xếp để các anh được vô sự” (Mt 28, 12-14).

            Là môn đệ – chứng nhân của Đấng Phục Sinh, chúng ta đừng vội nản lòng. Chúng ta phải sống chính kinh nghiệm vượt qua của Đức Kitô. Càng có những tăm tối, trắc trở rào cản, càng can đảm để vượt qua. Chúng ta luôn xác tín, Tin Mừng Phục Sinh là ‘hạt mầm sự sống thần linh nội tại và bất diệt’, nó vừa vượt khỏi tầm kiểm soát của con người, lại vừa có sức tái tạo biến đổi mọi sự, kể cả những điều tiêu cực nhất nên tốt lành, đạt đến sự thiện hảo. Chúng ta hãy không ngừng gieo vãi hạt giống bất diệt này khắp mọi nơi và kiên tâm đợi chờ nó nảy mầm và sinh hoa kết quả.

            Hướng đến một xã hội không ngừng phát triển đổi thay, chúng ta cũng cần nhận diện rõ sự lan tràn của khuynh hướng xã hội hưởng thụ, trào lưu tục hóa duy vật nhằm phủ nhận Thiên Chúa, loại trừ chiều kích thập giá, khổ nạn của Thiên Chúa, loại trừ các giá trị tâm linh để sống buông chiều theo sự dễ dãi và các đam mê dục vọng. Tất cả đã biến cuộc sống hôm nay trở nên trống rỗng, mất ý nghĩa và thiếu nền tảng chân lý, đạo đức vững chắc. Chúng ta phải trở nên chứng nhân một cách can trường rằng, Tin Mừng Phục Sinh mãi mãi là Tin Mừng về Đức Kitô đã chịu khổ hình và mang đầy thương tích. Đừng để cho mình chiều theo sự cám dỗ sống thỏa hiệp với thế gian, chiều theo sự dễ dãi. Đức Kitô đã bị thách thức xuống khỏi thập giá để chiều theo sự dễ dãi và tránh khỏi khổ hình. Nhưng Ngài đã chiến thắng bằng việc chịu chết trên Thập giá và đã Phục sinh với thân xác con in hằn thương tích. Chúng ta phải sống và làm chứng cho Ngài về chân lý này cách trung thực và đầy can đảm mạnh mẽ.

      * Lời Chúa – Thánh Thể

            Đức Kitô Phục Sinh, dầu đang cùng đồng hành, ở giữa các môn đệ nhưng họ không nhận ra Ngài, còn tưởng là thấy ma. Họ chỉ nhận ra khi Ngài dùng Kinh Thánh để dạy và để mặc khải về Đấng Phục Sinh. Quả thực, để hiểu và làm chứng cho Đấng Phục Sinh và Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta cũng không thể dùng ngôn ngữ hay lý luận người phàm, nhưng phải dựa vào chính Lời Chúa. Nhà thần học Karl Barth nói: “Hãy để Lời Chúa cắt nghĩa về Ngài”. Chỉ có Lời Chúa mới có thể cắt nghĩa về Chúa, về Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa cách ý nghĩa đầy đủ.

           Chúng ta phải làm cho mình, rồi lôi kéo, dẫn đưa cộng đoàn, anh chị em mình, hàng ngày tiếp xúc với Lời Chúa qua việc đọc và suy niệm, qua việc cầu nguyện với Kinh Phụng Vụ, qua việc lắng nghe Lời Chúa khi tham dự Thánh Lễ. Chính nhờ việc tiếp xúc và gặp gỡ này, sẽ giúp chúng ta hiểu biết mỗi lúc nhiều hơn, xác tín hơn về Đấng Phục Sinh để qua đó sống và làm chứng cho Đấng Phục Sinh. Không được Lời Chúa mặc khải, cũng như các Tông Đồ và môn đệ, chúng ta hoàn toàn mơ hồ, không thể hiểu được và hiểu đúng về  Đấng Phục Sinh.

            Xin Đức Kitô Phục Sinh hiện diện, đồng hành để giúp chúng ta mỗi ngày, nhờ việc tiếp xúc, lắng nghe, cử hành Lời Chúa và Thánh Thể, sống và giữ giới răn, chúng ta sẽ được gặp, hiểu, nên hoàn hảo trong tình yêu của Ngài và nên chứng nhân nhiệt thành về Tin Mừng Phục Sinh của Ngài cho con người và cho thế giới hôm nay. Amen.

 

[1] 19 tù nhân đến từ nhà tù ở Pisa và Pianosa, Ý đã được gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô sáng thứ 4 ngày 19 tháng 2 tại nhà trọ thánh Marta trước khi ngài có cuộc Tiếp kiến chung như thường lệ.

 

[2]Vào cuối buổi triều yết chung, ngày thứ tư 6 tháng 11 năm 2013, Đức Thánh Cha đã âu yếm ôm hôn người tật bệnh này. Bệnh nhân có diện mạo và thân thể rất kỳ dị đáng thương đến nỗi nhiều người cho rằng ông ta không còn có hình dạng con người.

Theo Telegraph, những hình ảnh Đức Giáo Hoàng ôm hôn người đàn ông mặt đầy u nhọt nhanh chóng lan truyền khắp thế giới, làm nổi bật hình ảnh về một “Giáo Hoàng của mọi người” . Đức Giáo hoàng Phanxicô được những nhà bình luận ca ngợi về lòng trắc ẩn và hành động được ví với Thánh Phanxicô vùng Assisis, người được cho là đã ôm một bệnh nhân phong.

Kể từ khi lãnh nhận sứ vụ thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thể hiện một phong cách mục vụ gần gũi với mọi người đặc biệt với trẻ em, những người nghèo và người đau khổ.

 

[3] Đức Giáo hoàng (ĐGH) Phanxicô đã viếng thăm mục vụ đảo Lampedusa, cực nam Italia, sáng ngày 8.7.2013 vừa qua. Đây cũng là chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của ĐGH ở Italia, ngoài Roma. Và đây cũng là sự kiện lịch sử, lần đầu tiên một vị Giáo hoàng đến viếng thăm Lampedusa. Đức Giáo hoàng cho biết mục đích ngài đến đảo này để tưởng niệm những thuyền nhân đã bỏ mình trên biển cả trên đường đi tìm cuộc sống, gặp gỡ những người di dân, và cử hành thánh lễ cho các tín hữu địa phương. Qua cuộc viếng thăm này, ĐGH cũng muốn thức tỉnh lương tâm của nhiều người trên thế giới, đặc biệt là các giới hữu trách, về thảm trạng người di dân và tị nạn.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa nhật II -Thường niên, Năm C (Ga 2, 1-11) “Họ hết rượu rồi”

Chúa nhật II -Thường niên, Năm C (Ga 2, 1-11) “Họ hết rượu rồi” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Không biết tự bao giờ người ta đã...

Chúa Nhật – Chúa Chịu Phép Rửa: Chúa bước xuống để nâng ta lên

Chúa Nhật – Chúa Chịu Phép Rửa: Chúa Bước Xuống Để Nâng Ta Lên Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là...

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Lc 3,15-16.21-22: Người môn đệ của Đức Giêsu sống tinh thần tự hủy

    NGƯỜI MÔN ĐỆ CỦA ĐỨC GIÊSU SỐNG TINH THẦN TỰ HỦY  (Lc 3,15-16.21-22) M. Giuse Tuấn, Phước Lý  Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội, Chúa...

Chúa nhật Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) Con quyết đi tìm Ngài trong cuộc sống

Chúa nhật Chúa Hiển Linh, Mt 2,1-12 Con Quyết Đi Tìm Ngài Trong Cuộc Sống Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hàng năm cứ vào mùa Giáng...

Lễ Hiển Linh: Tìm ai hay tìm cái gì

    Chúa Nhật Chúa Hiển Linh 05.01.2025 TÌM AI HAY TÌM CÁI GÌ (Mt 2,1-12) M. Bosco, Phước Sơn Lễ Hiển Linh là lễ kỷ niệm việc Chúa tỏ...

Ngày 1-1, Lễ Mẹ Thiên Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21 Bình an của Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta

Ngày 1-1, Lễ Mẹ Thiên Chúa: Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21 Bình An Của Thiên Chúa Luôn Ở Cùng Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...

01/01 Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lc 2,16-21: Kỳ diệu thay Đấng là Mẹ Thiên Chúa

  KỲ DIỆU THAY ĐẤNG LÀ MẸ THIÊN CHÚA (Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21) Trường Kha, Phước Lý Tình mẫu tử cũng chính là tình cảm mãi...

01/01 Lễ Mẹ Thiên Chúa, Lc 2,16-21: Có Mẹ đồng hành

    CÓ MẸ ĐỒNG HÀNH (Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21) M. Luca Ngọc, Phước Thiên Ngày đầu năm mới dương lịch, Giáo Hội cho chúng ta mừng...

Chúa Nhật Thánh Gia Thất, Năm C (1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52) Gia đình thánh giữa đời thường

Chúa Nhật Thánh Gia Thất, Năm C (1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52) Gia Đình Thánh Giữa Đời Thường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hàng năm,...

Lễ Thánh Gia, Lc 2,41-52: Hiếu Nghĩa

    HIẾU NGHĨA (1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52) M. David, Vĩnh Phước Qua các bài đọc trong Lễ Thánh Gia hôm nay, Giáo Hội cho ta chiêm...

Lễ Thánh Gia Thất, Lc 2,41-52: Gia Đình Thánh

  GIA ĐÌNH THÁNH ( Lc 2,41- 52)  M. Têrêsa Avila, Phước Hải Gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội, bởi gia đình đóng...

Giáng Sinh – Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời đã làm người và sống giữa chúng ta

Giáng Sinh - Lễ Ban Ngày (Is 52,7-10; Hr 1,1-6; Ga 1,1-8) Ngôi Lời Đã Làm Người Và Sống Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ,...