Khi nói đến mầu nhiệm có lẽ ai ai cũng nghĩ ngay đến chuyện khó hiểu. Mà quả đúng là khó hiểu thật, nhưng không có nghĩa là không hiểu mà chỉ hiểu tới một mức độ nào đó thôi, vì trí khôn con người có giới hạn, lý trí con người không vẹn toàn. Nếu là mầu nhiệm mà con người ta hiểu “thấu tình đạt lý” thì sẽ không còn là mầu nhiệm nữa.
Có thể nói Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng là Tin Mừng của sự mầu nhiệm khó hiểu cho riêng thánh Giuse và cho cả toàn nhân loại.
1. Mầu nhiệm khó hiểu cho thánh Giuse
Điều khó hiểu trước tiên và khá “đớn đau” cho Giuse có lẽ là việc Maria mang thai. Maria, người vợ dịu hiền, đầy nhân đức thánh thiện như thế, nhưng tại sao lại mang thai khi mà Giuse “chưa ăn ở” với cô. Suy nghĩ, đớn đau trong lòng, chưa có lời đáp… đành tâm “bỏ của chạy người” một cách kín đáo, âm thầm là suy tính mang yếu tố con người nơi Giuse: “…ông không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (c. 19b). Thực ra, một số nhà chú giải không cho rằng, Giuse “bỏ của chạy người”, nhưng ông thấy mầu nhiệm quá cao siêu nên không dám đón nhận, không dám cạnh tranh với Thiên Chúa của ông. Băn khoăn, lo lắng… là dấu chỉ của một con người đầy bất an. Giuse không an lòng lắm với cái “mầu nhiệm” cực kỳ khó hiểu này. Nhưng Giuse là người công chính, không muốn tố giác sự việc này, nên đành âm thầm “đào tẩu”. Thánh ý Chúa nhiệm mầu, hiểu thấu tâm trạng của Giuse và khai lòng mở trí để ông tạm hiểu và chấp nhận “mầu nhiệm khó hiểu” này: “Này Giuse, con cháu Đavit, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20- 21).
Giuse đã được “khai thông bế tắc” Mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng của vợ mình, ông đã gật đầu và đón nhận với tâm tình kính tôn, vâng phục Thiên Chúa. Nhờ sự vâng phục, Giuse đã cho nhân loại thấy được giá trị Thiên Chúa “cứu” qua con người nhỏ bé Giêsu mà chính ông là người hướng dẫn, nuôi nấng và bảo vệ trong gia đình Nagiarét.
Vâng phục một cách đơn sơ và mau mắn là thái độ của Giuse, để mầu nhiệm Nhập Thể được thành toàn. Nếu hôm nay, Chúa nói với ta những sứ điệp Người mong muốn qua giấc mộng, qua bao con đường khác, rất riêng tư, mà chỉ mình ta cảm nhận được… nếu ta mau mắn đáp tiếng “xin vâng” như Giuse, thì chắc chắn ta sẽ góp phần vào việc cứu độ cả thế giới.
2. Mầu nhiệm khó hiểu cho toàn nhân loại.
Quả đúng là khó hiểu cho cả nhân loại khi suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể. Tại sao một Thiên Chúa là Đấng “Vô Cùng” lại trở thành một phôi thai nhỏ bé rồi lớn dần lên trong cung lòng của một người phụ nữ? Tại sao Thiên Chúa Đấng tạo dựng muôn vật muôn loài, lại phải nhờ đến một người phụ nữ cưu mang và sinh ra? Tại sao một Thiên Chúa quan phòng mọi sự và chăm sóc mọi loài lại phải cậy nhờ một người miền quê nghèo khó như Giuse chăm sóc và nuôi dưỡng Con của mình..? Càng đặt ra những vấn nạn, ta càng thấy bối rối khó hiểu! Mà quả đúng là khó hiểu thật! Nhưng thánh Phaolô có lẽ như đã đón nhận được mạc khải nào đó, nên đã mách cho chúng ta biết rằng: “Điều mà mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới lại là điều Thiên Chúa đã chọn làm để mưu ích cho nhân loại ” (1Cr 2, 9).
Quả thế, khi suy nghĩ về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể để cứu chuộc con người ta càng thấy khó hiểu lạ thường: “Này đây, một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (c.24). Một người con trai nhỏ bé, được nuôi dưỡng bởi hai vợi chồng nghèo là Maria và Giuse thế mà lại là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, kỳ lạ quá! Khó hiểu thật! Nhưng điều mà kỳ lạ quá, khó hiểu thật đó… lại là điều kỳ diệu đã xảy ra thật sự cho toàn nhân loại. Một Hài Nhi đã sinh ra đời, giữa đêm tối mịt mù, trong máng cỏ nhỏ bé, nơi hang đá Bêlem (x. Lc 2, 7- 9). Hài Nhi nhỏ bé đó lại là Chúa, là Đấng Cứu Tinh: “Này, tôi báo cho anh em một Tin Mừng trọng đại, cũng là Tin Mừng cho toàn dân. Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit, Người là Đấng Kitô, Đức Chúa” (Lc 2, 10.11). Mầu nhiệm cao vời và khó hiểu đó cũng được thánh Gioan ghi lại cách ngắn gọn: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14).
Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể quả đúng là điều khó hiểu cho nhân loại. Nhưng chính qua mầu nhiệm “khó hiểu” đó, ta đã cảm nhận được Thiên Chúa yêu nhân loại biết dường nào. Người yêu đến nỗi đã ban người Con duy nhất cho nhân loại được hưởng những ân phúc tuyệt vời: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16).
Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, quả thật là khó hiểu. Vì vậy, đòi hỏi mọi kitô hữu phải có niềm tin son sắt, một niềm tin không bị mai một bởi những tác động của chủ nghĩa “dèm pha, khích bác, khinh dể…”. Có như thế, mới mở rộng cõi lòng để đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể, không những chỉ trong ngày mừng kỷ niệm Người Giáng Sinh sắp tới, nhưng là mỗi ngày và suốt cuộc đời qua mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm của suối nguồn yêu thương.
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng cõi lòng, để con đón nhận mầu nhiệm Chúa Nhập Thể mỗi ngày qua Bí Tích Thánh Thể. Amen.
Minh An