Thứ bảy, 7 Tháng mười hai, 2024

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh, Mt 2,1-12: Theo bước chân các nhà chiêm tinh

THEO BƯỚC CHÂN CÁC NHÀ CHIÊM TINH

(Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

M. Gioan XXIII Tấn, Phước Lý

Bài Tin Mừng trong lễ Chúa Hiển Linh hôm nay thuật lại việc các nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Không có sự thống nhất hoàn toàn trong nghiên cứu về thời gian chính xác đến của các nhà chiêm tinh từ Phương Đông, nhưng có vẻ như họ đã đến một thời gian sau khi Chúa Giêsu giáng sinh. Chúa Giêsu, Maria và Giuse vẫn ở Bêlem, nhưng hiện sống trong một ngôi nhà (x. Mt 2,11). Trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu được gọi là một đứa trẻ nhỏ (παιδίον – paidion; Mt 2,9.11), trong khi từ chỉ đứa trẻ trong Luca (βρέφος – brephos; x. Lc 2,12) có nghĩa là “sơ sinh”. Đồng thời, cũng không còn có thể nói chính xác những nhà chiêm tinh này là ai.

Một số giải thích cho rằng, họ đã được đặt những cái tên truyền thống và được coi là đại diện cho ba nhóm dân tộc có nguồn gốc từ các con trai của Nôê là Sêm, Kham và Giaphét (x. St 6,11). Tuy nhiên, có nhiều khả năng họ là những người ngoại đạo đến từ vùng đất phía đông bắc Babylon – đã nhận được sự mặc khải đặc biệt từ Thiên Chúa về sự ra đời của Vua dân Do Thái. Dấu hiệu đặc biệt này có lẽ chỉ đơn giản là có thể nhìn thấy trên bầu trời, như được chỉ ra bởi danh hiệu ‘nhà thông thái’ (nhà thiên văn học) của họ và cũng bởi thực tế là họ nói về một ngôi sao mà họ đã nhìn thấy. Hoặc họ đã biết về nó thông qua tiếp xúc với các học giả Do Thái, những người đã đến Phương Đông với các bản sao của các bản thảo của Cựu Ước.

Theo nhiều nhà chú giải, lời tuyên bố của các nhà chiêm tinh cho thấy họ biết lời tiên tri của Bilơam về ‘ngôi sao’ sẽ mọc ‘từ Giacóp’ (x. Ds 24,17). Bất kể lời đảm bảo của họ dựa trên cơ sở nào, chắc chắn họ đến Giêrusalem để thờ phượng vị Vua mới sinh của dân Do Thái. Theo truyền thống, có ba nhà chiêm tinh đã đến Bêlem. Tuy nhiên, Kinh Thánh không đưa ra con số chính xác.[1] 

Vua Hêrôđê[2] đã khiếp sợ khi nghe tin họ đến Giêrusalem tìm kiếm vị vua mới sinh của dân Do Thái. Ông tập hợp các kinh sư Do Thái và hỏi họ xem Chúa Kitô sẽ sinh ra ở đâu (x. Mt 2,3-4). Mặc dù, Hêrôđê đã liên kết ‘vua dân Do Thái mới sinh’ với ‘Đấng Kitô’, tức Đấng Mêsia.[3] Thế nhưng, Hêrôđê đã lên kế hoạch loại bỏ vị vua trẻ tuổi nguy hiểm này. Ông ta đặc biệt yêu cầu các nhà chiêm tinh trở lại và nói cho ông biết nhà vua ở đâu để ông ta cũng có thể đến và tôn thờ. Tuy nhiên, suy nghĩ của ông lại đi theo một hướng hoàn toàn khác.[4] Vì các kinh sư Do Thái cũng như vua Hêrôđê chỉ có thể trích dẫn và giải thích đúng Kinh Thánh, nhưng họ không lên đường. Cho nên, thánh Augustino đã gọi họ là “những cột kilômét; họ chỉ đúng đường nhưng họ không di chuyển.”[5] 

Thế nhưng, các nhà chiêm tinh đã lên đường và khi họ rời Giêrusalem, một phép lạ khác xảy đến với họ. Ngôi sao mà họ đã nhìn thấy ở Phương Đông lại xuất hiện và dẫn họ đến một ngôi nhà cụ thể ở Bêlem, nơi họ tìm thấy Hài Nhi Giêsu. Phải chăng „ngôi sao“ mà các nhà thông thái đã nhìn thấy và dẫn họ đến ngôi nhà có thể là sự hiện diện của vinh quang của chính Thiên Chúa, Đấng đã dẫn dắt con cái Ítraen dưới dạng một cột lửa và một đám mây băng qua sa mạc trong 40 năm? Có lẽ đây là sự xuất hiện mà các nhà hiền triết ở Phương Đông đã nhìn thấy, và vì muốn có một thuật ngữ thích hợp hơn nên họ gọi là “ngôi sao”. Tất cả những nỗ lực khác để giải thích ngôi sao này (ví dụ: với sự kết hợp của Sao Mộc, Sao Thổ và Sao Hỏa, như một siêu tân tinh, một sao chổi, v.v.) dường như không đủ.[6] Dù sao đi nữa, các nhà chiêm tinh đã được dẫn đến đứa trẻ theo cách tuyệt vời này, bước vào nhà và bái lạy Người.[7] Lòng tôn kính của các nhà chiêm tinh còn đi xa hơn: họ dâng cho Người vàng, nhũ hương và mộc dược; tất cả những món quà xứng đáng của một vị vua (x. Tv 72,15: Is 60,6: Tv 45,8: Dc 3,6). Các Giáo Phụ thì cho rằng, ba lễ vật này là những biểu tượng cho vương quyền (vàng), thần tính (nhũ hương) và việc mai táng của Đức Giêsu (mộc dược)[8]. Những món quà này dường như đã giúp Giuse có phương tiện để trốn sang Ai Cập cùng gia đình và sống ở đó cho đến khi Hêrôđê qua đời.[9] 

Chính vì đã liều với hiểm nguy, bất chấp những đàm tiếu, chế nhạo và sẵn sàng ra đi để hy vọng gặp Đấng Cứu Thế, mà các nhà chiêm tinh đã được gặp Ngài.[10] Theo bước chân họ, chúng ta cũng lên đường tới những “Bêlem” bên cạnh mình để gặp Đức Giêsu – Ngài vẫn luôn tỏ mình nơi những anh chị em nghèo đói, khổ đau. Chúa vẫn luôn tỏ mình ra dưới muôn hình hài khác nhau. Ngày nay, Chúa không hiện ra với ánh sao dẫn đường như ánh sao lạ đã dẫn đường cho ba nhà chiêm tinh khi xưa. Thế nhưng, Chúa vẫn luôn mặc khải chính mình cho chúng ta qua những người anh em, qua các Bí tích, qua những lời chỉ dạy của những người có trách nhiệm hướng dẫn chúng ta – vậy chúng ta có đủ khiêm tốn để nhìn thấy, lắng nghe và nhận ra Chúa hay không?   

______________________________

[1] X. Louis A. Barbieri, Matthäus, trong: John F. Walvoord/Roy B. Zuk (Hg.), Das Neue Testament. Er klärt und ausgelegt. Bd. 4, Matthäus – Römer, Holzgerlingen 32000, 3–108, đây: 12-14.

[2] Hêrôđê không phải là hậu duệ của Đavít khi sinh ra và do đó không phải là một vị vua hợp pháp. Trên thực tế, Hêrôđê thậm chí không phải là hậu duệ của Giacóp, mà là của Esau, là người Êđôm. Chính vì thế mà nhiều người Do Thái đã ghét ông và chưa bao giờ chấp nhận ông là vua, mặc dù ông đã làm nhiều điều tốt cho đất nước họ. Bây giờ khi một vị vua hợp pháp được sinh ra, triều đại của Hêrôđê đang gặp nguy hiểm.

[3] Rõ ràng dân Ítraen vẫn hy vọng về Đấng Mêsia và tin vào sự ra đời của Ngài. Câu trả lời cho câu hỏi của Hêrôđê rất đơn giản, vì tiên tri Micha đã xác định địa điểm từ nhiều thế kỷ trước: Đấng Mêsia sẽ sinh ra tại Belem (x. Mi 5,1). Rõ ràng chính Hêrôđê đã đem thông tin của các thượng tế và kinh sư trong dân đến cho các nhà chiêm tinh. Rồi ông hỏi họ lần đầu tiên họ nhìn thấy ngôi sao là khi nào (x. Mt 2,7). Hậu quả định mệnh của cuộc trò chuyện này đã được trình bày sau đó (x. Mt 2,16).

[4] X. Barbieri, Matthäus, tr. 14.

[5] X. Lm. Fx. Vũ Phan Long, OFM., Các Bài Tin Mừng Mátthêu Dùng Trong Phụng Vụ, NXB Đồng Nai 2021, tr. 48.

[6] X. Barbieri, Matthäus, 14.

[7] Trong Tin Mừng thánh Mátthêu đã sử dụng 13 lần động từ bái lạy (trong Tân Ước là 57 lần); tột đỉnh là khi các tông đồ bái lạy Chúa Giêsu phục sinh tại điểm hẹn trên núi ở Galilê. Ở Mt 4,9-10, chính Chúa Giêsu cũng nói với Xatan là phải bái lạy một mình Thiên Chúa mà thôi. Như vậy, qua chuỗi bái lạy này, ngay từ đây, Mátthêu đã đặt người đọc trước mặt Chúa Giêsu và mời gọi tuyên xưng Ngài là Chúa, như Ngài sẽ nói với các tông đồ ở cuối sách (x. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh ấn bản 2011, NXB Tôn Giáo, tr. 2117).

[8] X. Lm. Fx. Vũ Phan Long, OFM., Các Bài Tin Mừng Mátthêu Dùng Trong Phụng Vụ, tr. 43.

[9] X. Barbieri, Matthäus, 15.

[10] X. ĐHY P.x. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng dưới ánh sáng lời Chúa và Công Đồng Vaticanô II, số 7 & 8.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

08/09 Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Mt 1,1-16.18-23: Đức Maria cực trinh cực sạch

  ĐỨC MARIA CỰC TRINH CỰC SẠCH (Mt 1,1-16.18-23) M. Eusebia Hương,...

08/09 Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Mt 1,1-16.18-23: Mừng Sinh Nhật Mẹ

MỪNG SINH NHẬT MẸ (Mk 5,1-4a; Rm 8,28-30, Mt 1,1-16.18-23) Đan...

11/7 Lễ thánh phụ Biển Đức, Mt 19,27-29: Từ bỏ mọi sự để theo Chúa

TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ THEO CHÚA (Mt 19,27-29) M. Phaolô...

11/7 Lễ thánh phụ Biển Đức, Mt 19,27-29: Từ bỏ mọi sự mà theo Chúa

TỪ BỎ MỌI SỰ MÀ THEO CHÚA (Mt 19,27-29) FM. Đaminh...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua?

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Theo quan niệm thông...

Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Tình Yêu 

  Vua Tình Yêu  (Ga 18,33b-37) M. Phan Sa, PV      Những tuần qua, thế giới đã theo dõi ngày bầu cử tổng thống Mỹ khá thú...

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam: Tình yêu tự hủy – con đường của người môn đệ

  Các thánh tử đạo Việt Nam 25/11 TÌNH YÊU TỰ HỦY – CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 9,23-26) M. David, VP Khác với Tin Mừng theo...

Chúa Nhật XXXIV TN, Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ

  Vương Quyền của Đức Kitô (Ga 18,33b-37) M. Andre Kim Taegon Chu Văn Thường, Phước Hiệp Vào Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội cử...

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón ngày tận thế

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón Ngày Tận Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa nhật áp chót năm...

Chúa Nhật XXXIII TN, B, Mc 13,24-32: Không biết ngày giờ tận thế vẫn tốt hơn?

    KHÔNG BIẾT NGÀY GIỜ TẬN THẾ VẪN TỐT HƠN? (Mc 13,24-32) M. Eugenio Nguyên, Phước Lý Có một bí mật, mà bất cứ thời đại nào, cho...

Chúa Nhật 32 TN, B, Mc 12,38-44: Tấm lòng sẻ chia của bà góa nghèo

      Tấm lòng chia sẻ của bà góa nghèo M. Phaolô Thụy, Châu Thủy Ý nghĩa và giá trị của việc dâng cúng như thế nào? Bài...