Ý NGHĨA CÁC DỤ NGÔN
(Mt 13,24-43)
M. Đaminh Hạnh Lê Văn Chương, Phước Hiệp
Mầu nhiệm Nước Trời là một điều rất khó hiểu. Vì sự khó hiểu của mầu nhiệm Nước Trời cũng như các lề luật trong Thánh Kinh, nên các bậc thầy Do Thái xưa thường dùng các dụ ngôn để giải thích ý nghĩa. Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài cũng dùng các dụ ngôn để minh họa mầu nhiệm Nước Trời khi giảng dạy, giáo dục các môn đệ và dân chúng. Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, nhất là trong chương 13, tác giả đã gom góp bảy dụ ngôn làm thành bộ bài giảng bằng các dụ ngôn. Đó là các dụ ngôn: người gieo giống, cỏ lùng, hạt cải, men, kho báu, ngọc quý và chiếc lưới. Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn từ của ba dụ ngôn là: Dụ ngôn cỏ lùng, hạt cải và dụ ngôn men trong bột. Ba dụ ngôn này có điểm chung là tất cả đều hướng về ngày thu hoạch, chứ không dừng lại ở tình trạng hiện thời. Vậy để có thể nắm bắt được ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm hiểu sơ lược về ý chính của các dụ ngôn đã nói trên là gì?
- Dụ ngôn cỏ lùng
Là người làm nông kinh nghiệm bao đời, nên khi nghe, đọc bài Tin Mừng, chúng ta cứ tưởng sẽ dễ dàng rút tỉa được ý nghĩa của dụ ngôn cỏ lùng và ruộng lúa. Tuy nhiên, không dễ như ta tưởng bởi Kinh Thánh thường có ý ẩn dụ. Bởi vậy, ý nghĩa của dụ ngôn cỏ lùng không chỉ nói về cỏ và ruộng lúa không mà còn nói đến những ý nghĩa khác như: Thiên Chúa và ma quỷ, người lành và kẻ dữ, thiên đàng và hỏa ngục. Vậy chúng ta phải hiểu ý nghĩa của dụ ngôn cỏ lùng đây là gì?
Xét về mặt cốt yếu, dụ ngôn cỏ lùng là câu chuyện ám chỉ nhiều vấn đề trong Nước Trời ở giai đoạn trần gian và Giáo hội: Ruộng lúa là Giáo hội. Chủ ruộng là Chúa Kitô. Lúa gieo là tất cả các tín hữu, trong đó có cả người lành và những người tội lỗi được ví như là cỏ lùng.
Lẽ ra Chúa phải tìm cách phân biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, khỏi bị thiệt vì ảnh hưởng của kẻ xấu. Vậy mà Chúa không chấp nhận giải pháp đó. Tại sao vậy?
Trước hết, ý định của ông chủ là chờ đến mùa gặt mới thu lúa và loại cỏ. Nghĩa là Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đến ngày mùa của lịch sử là ngày tận thế, mới lấy quyền năng của Người để phân biệt kẻ dữ người lành. Chỉ có Người làm công việc xét xử mới công minh chính trực.
Trong thời gian hiện tại, do lòng yêu thương, Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi người tội lỗi biết hối cải ăn năn để nên người lành và tránh được án phạt đời đời.
Cho nên Giáo hội trần gian không phải là Giáo hội đã hoàn hảo, toàn người lành. Bởi vậy, Giáo hội luôn cầu xin Chúa tha tội hằng ngày qua kinh Lạy Cha, qua Bí tích Hòa giải và Thánh lễ hằng ngày. Vì trong Giáo hội vẫn còn đó người lành và kẻ dữ sống chung với nhau.
Tóm lại, qua du ngôn cỏ lùng và ruộng lúa, Đức Giêsu muốn mời gọi chúng ta hãy có sự kiên nhẫn. Sở dĩ Thiên Chúa trì hoãn việc nhổ cỏ lùng, là vì chúng ta không thể tự ý chiếm lấy cho mình một đặc quyền của Thiên Chúa, quyền giải quyết vấn đề biết ai là hạt lúa tốt, ai là cỏ lùng xấu xa… Như lời Chúa Giêsu nói: “Cứ để cả hai (lúa tốt và cỏ lùng) cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13,30). Như vậy, dụ ngôn khẳng định rằng giữa mùa gieo và thời gặt, có thời để mọc lên. Nghĩa là Đức Giêsu dùng dụ ngôn này để kêu gọi ai nấy kiên nhẫn mà chờ đợi ngày Thiên Chúa phán xét (ngày cánh chung).
- Dụ ngôn hạt cải
Trong dụ ngôn hạt cải, chúng ta lại thấy nổi lên hai hình ảnh tương phản giữa dáng vẻ bé nhỏ lúc đầu và vẻ huy hoàng lộng lẫy lúc cuối thời. Giai đoạn lớn lên không đáng kể, chỉ nhắc đến để tô điểm thêm cho vẻ huy hoàng ở cuối mà thôi (Mt 13,32). Vậy nghĩa là gì? Nghĩa là Thiên Chúa quyền năng vô biên, Người có thể làm cho mọi người đi vào con đường dự án tình yêu Người đã vạch ra. Người có thể làm cho tâm trí con người được soi sáng theo sự không ngoan của Người, và nếu cõi lòng con người giữ được ngọn lửa tình yêu khiến người ta sẵn sàng hiến dâng cho Thiên Chúa. Có lẽ không mấy chốc Nước Thiên Chúa đã đạt tới sự viên mãn tuyệt diệu. Nhưng đã hơn 2000 năm trôi qua, Nước Trời vẫn chưa đi tới chỗ hoàn hảo. Thế giới vẫn còn xa cách Thiên Chúa, sự dữ càng ngày càng bao trùm trái đất.
Chúa biết tất cả sự trì trễ này từ ngày sơ khai. Nhưng vì Nước Trời phát triển theo quy luật tiệm tiến, từ từ do bởi lòng người, tự do con người có thể nói không với Thiên Chúa, nói không với ân huệ Người thương ban. Nhưng Nước Trời không thể không phát triển, như một hạt giống gieo xuống đất mọc lên và phát triển. Như ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói: “Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thánh một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành” (Ed 17,23).
Bởi vậy, để suy niệm dụ ngôn này chúng ta không thể nhìn theo khía cạnh con mắt trần thế, nhưng phải nhìn theo khía cạnh đức tin. Có nghĩa, mở đầu công cuộc truyền giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu rất khiêm tốn, có khi còn thua xa mở đầu của các nhà cách mạng khác lúc bấy giờ. Thế nhưng, giai đoạn kết thúc cuộc truyền giảng của Đức Giêsu lại rất huy hoàng. Vậy dụ ngôn nắm men thì sao?
- Dụ ngôn nắm men
Như trên cho thấy, dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh đến sự tương phản giữa hai giai đoạn mở đầu và kết thúc trong hành trình truyền giảng Tin Mừng của Đức Giêsu. Dụ ngôn nắm men lại nói lên một sự tương phản khác đó là số lượng ít và nhiều. Nắm men “ít” được vùi vào trong ba đấu bột “nhiều”, ba đấu bột biến thành men: “Tất cả bột dậy men” (Mt 13,33). Vậy, dụ ngôn này muốn nhấn mạnh điều gì?
Dụ ngôn men trong bột muốn nhấn mạnh đến tính cách đặc biệt của men, dù ít nhưng có thể làm dậy một số lượng bột lớn. Nước Trời cũng thế, lúc khởi đầu lẻ tẻ được một số người, nhưng với số ít người ấy Thiên Chúa lại thiết lập một vương quốc hùng mạnh của Người bao gồm mọi dân nước khắp cũng cõi đất.
Tóm lại, dụ ngôn men tron bột muốn nói đến sự tương phản giữa một lượng men ít và toàn thể khối bột lớn đã được dậy men. Cho nên, ý nghĩa của dụ ngôn nắm men trong bột thường được các nhà chú giải giải thích theo hướng cánh chung học (Ngày tận thế). Vậy qua ba dụ ngôn mà bài Tin Mừng hôm nay trình thuật chúng ta rút ra bài học gì cho chúng ta?
Bài học mà chúng ta rút ra được trong ba dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay như sau:
Nước Trời thoạt đầu rất nhỏ bé và khiêm tốn. Nó không áp đặt trên mọi tạo vật một cách hách dịch và ngay tức thì. Bởi vậy tình trạng hỗn tạp lẫn lộn là không thể tránh khỏi. Do đó, việc kẻ lành người dữ đều triển nở chung là điều không thể bàn cãi. Cho nên, chỉ có cuối cuộc hành trình dai dẳng mới biết được kết qủa.
Hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng yêu thương và kiên nhẫn, Ngài chịu đựng con người tội lỗi qua nhiêu thế kỷ, Ngài chịu đựng không phải vì bất lực, nhưng Ngài chịu đựng để thi ân giáng phúc và ban ơn cứu độ cho con người. Ngài rất ghét tội, nhưng Ngài yêu kẻ biết ăn năn sám hối, cho dù người đó tội lỗi đến đâu. Quả thật, nếu Thiên Chúa không yêu thương, không kiên nhẫn, không biết bây giờ chúng ta đang ở đâu?
Có thể nói, đức kiên nhẫn là một nhân đức rất cần cho con người vì đức kiên nhẫn giúp cho con người biết dung hòa trong cách đối nhân xử thế. Tuy nhiên, dung hòa chứ không dung túng sự dữ, nghĩa là chúng ta luôn biết kính trọng nhân vị và khả năng hoán cải của người tội nhân, vẫn bảo vệ các tâm hôn ngay chính khỏi nhiễm lây gương mù gương xấu. Do đó, ngay từ nguyên thủy, chúng ta thấy Giáo hội khi thì nghiêm khắc, khi lại thông cảm (x. 1Cr 5,3-5; 9-10) tùy hoàn cảnh cụ thể của các tâm hồn. Hai thái độ trên đều chính đáng và cần thiết, dù biết là rất khó xác định. Tuy vậy, chúng cũng giúp chúng ta đề phòng khỏi bị ảo tưởng đạt được những thái độ dứt khoát rõ ràng ở đời này.
Cho nên, lý tưởng mà một cộng đoàn Kitô hữu toàn là thánh, toàn những người công chính là một điều hão huyền. Nếu đường ranh giới phân chia sự dữ điều lành khá rõ ràng, thì sự phân chia giữa người lành kẻ dữ lại mù mờ vì ta lấy quyền nào mà cho mình là tốt?, vì kẻ sống trong tội hôm nay, biết đâu ngày mai họ lại trở nên vị đại thánh như gương của thánh Augustino hay Charles de Foucauld…
Lạy Chúa, xin ban ơn giúp sức cho chúng con, để chúng con luôn là lúa tốt, là hạt cải lớn mạnh, là nắm men dậy bột như Chúa dạy để chúng con nhiệt tâm phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội. Amen.