Chúa nhật XVII Mùa thường niên, năm B
«PHÉP LẠ»
Bài đọc I: 2Vua 4, 42-44
Bài đọc II: Êphêsô 4, 1-6
Tin Mừng: Gioan 6, 1-15
1. Bài đọc I:Phép lạ của ngôn sứ Êlisa
Trong sách Các Vua, quyển thứ II, từ chương 2,1 – 13,21, thuật lại các phép lạ được thực hiện bởi ngôn sứ Êlisa. Để hiểu những câu truyện này, cần phải nhắc lại những hoạt động của vị ngôn sứ này. Tầm quan trọng của ông không phải do được ngôn sứ Êlia xức dầu (1V 19, 16), mà do được chính ngôn sứ Êlia choàng tấm áo của ngài trên ông (1V 19, 19). Hành động này được thực hiện trước khi ngôn sứ Êlia được cất lên trời, điều đó có một ý nghĩa đặt biệt: khi Êlisa được ngôn sứ Êlia choàng cho tấm áo, có nghĩa là được thừa kế tinh thần là khả năng làm các phép lạ.
Trong bổi cảnh của phép lạ hóa bánh ra nhiều không nhằm tường thuật về một nhân vật vĩ đại, mà biến cố này có một chức năng tiên báo về một sự việc sẽ xảy ra. Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa mới có thể thực hiện điều kỳ diệu và chính quyền năng của Người được biểu tỏ trong những việc làm của các sứ ngôn. Cũng như trong thời Tân Ước, những việc làm diệu kỳ của Đức Giêsu có mối tương quan với sứ điệp loan truyền ơn cứu độ mà các ngôn sứ đã tiên báo.
Điểm cốt yếu trong phép lạ của ngôn sứ Êlisa đã gợi nhớ lại biến cố Giavê Thiên Chúa đã cho manna rơi xuống trong sa mạc để nuôi dân Israel trên hành trình tiến về Đất Hứa, đồng thời còn có sự giống nhau nơi phép lạ mà chính Đức Giêsu thực hiện sau này: «Họ đã ăn và vẫn còn dư» (Mc 6, 34-44). Điều này đã hình thành một sự liên tục trong lịch sử cứu độ: chương trình cứu độ của Thiên Chúa là bất biến, củng cố và soi sáng cho hành trình đức tin của dân được tuyển chọn.
2. Bài Tin Mừng: Phép lạ của Chúa Giêsu
Phép lạ được thánh Gioan thuật lại tương ứng với trình thuật hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất được Tin Mừng Nhất Lãm kể lại (Mc 6, 30-34 //). Trong trình thuật của Gioan, điểm đặc biệt là ở các câu 1 và 15: Đức Giêsu muốn ở lại một mình, để tránh đám đông và sự hiếu kỳ của họ. Tại sao Người lại tránh họ? Vì Giờ của Người chưa tới.
Câu 2: hé mở cho thấy tính cách Mêsia nơi Đức Giêsu: «Có đông dảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng chứng kiến những dấu lạ Người đã làm…».
Câu 4-5: việc xác định sắp tới ngày lễ Vượt Qua của người Dothái, có thể có một tầm quan trọng trong bối cảnh tổng thể của phép lạ, để gợi nhớ lại biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập và manna trong sa mạc. Thật vậy, khung cảnh khi Đức Giêsu thực hiện phép lạ gợi lại cảnh cô đơn đáng thương của dân Israel trong sa mạc ngày xưa: «Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình, Người hỏi ông Philipphê: Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?».
Câu 12-13: Trình thuật cho thấy đám đông dân chúng đón nhận bánh «ăn bao nhiêu tùy ý». Điều này gợi lại hình ảnh hành trình của dân Israel trong sa mạc, họ chỉ có thể nhặt số lượng manna vừa đủ để nuôi sống chính mình và gia đình (x. Xh 16, 4.16-18).
Ở phần cuối của trình thuật, Gioan cũng ghi nhận con số bánh còn dư là 12 thúng đầy. Đó là một sự tinh tế bao hàm một ý nghĩa: số 12, không phải là ám chỉ 12 tông đồ, cũng không ám chỉ 12 chi tộc Israel, nhưng là con số tượng trưng cho sự hoàn hảo. Phép lạ hóa bánh nuôi sống đám đông cũng có thể nuôi sống các thế hệ trong tương lai, bởi vì bánh của Đức Giêsu thì dồi dào và dành cho tất cả mọi người. Thật vậy, sự phản ứng của đám đông cho thấy Đức Giêsu đến để khai mở vương quốc của Đấng Mêsia: Người là ngôn sứ (Đnl 18, 15; Ga 1, 21), là Đấng phải đến trong thế gian (Mt 11, 3; Lc 7, 19; Ga 1, 9.15). Tuy nhiên, sự hiểu biết về vị Mêsia của đám đông còn bị giới hạn, và Đức Giêsu đã «lánh mặt, đi lên núi một mình».
3. Bài đọc II:Chỉ một Thiên Chúa duy nhất
Với chương 4 này, thánh Phaolô bắt đầu diễn từ về đời sống luân lý với các tín hữu thành Êphêsô. Mầu nhiệm của ơn cứu độ là một thực tại nối kết chúng ta với thánh ý của Thiên Chúa (1, 3-14). Đức Kitô làm cho mấu nhiệm ấy trở nên hiện sinh ngay giữa chúng ta, nó thống trị trên sự chết và trên cả mãnh lực của thế gian này (1, 15-23), đồng thời ban cho chúng ta sự tự do và quyền lực thần thiêng nhờ đức tin (2, 1-10), và bẻ gãy mọi bức tường ngăn cách giữa chúng ta (2, 11-22). Mầu nhiệm của ơn cứu độ là mầu nhiệm của sự hiệp nhất và của sự nối kết con người với Thiên Chúa. Đây là chủ đề xuyên suốt toàn bộ lá thư này. Với chương 4 là một sự tóm lược về quan điểm của cộng đoàn tín hữu, một cộng đoàn mà trước đó thánh Phaolô đã đề cập tới, đó là một cộng đoàn được xây dựng nhờ Thần Khí (2, 21-22) và có sứ vụ loan báo Tin Mừng (3, 1-21).
Trong cộng đoàn, mầu nhiệm hiệp thông đòi hỏi phải không ngừng tiếp diễn để xứng đáng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban (4, 1). Vì thế, điều cần thiết là phải phát huy những đức tính luân lý (4, 2). Các Kitô không tự làm cho mình trở nên một, nhưng chính Thần Khí của Đức Kitô là nguồn mạch của niềm hy vọng duy nhất (4, 4), là chính Đức Kitô phục sinh và gặp gỡ trong đức tin (4, 5), là Cha liện kết mọi người với Người (4, 6). Tuy nhiên, các Kitô hữu nếu không muốn chối bỏ chính mình, thì phải gìn giữ sự hiệp nhất này bằng việc tìm kiếm an bình của Đức Kitô (2, 14-17), đó là sự bình an hoàn toàn khác với thế gian (Pl 4, 7). Sự an bình trong sự kiên định trong đức tin vào Tin Mừng, để đối diện với cuộc chiến với những mãnh lực thế gian (6, 15).
4. Suy niệm
+ Kitô hữu đích thực – yêu thương cả kẻ thù
Mỗi phép lạ của Đức Kitô không chỉ là dấu hiệu xác nhận thiên tính của Người, mà còn là một sự biểu tỏ chính con người của Người, là một lời nói hung hồn bằng hành động, là một thông điệp mới về tình yêu mà Người ban tặng cho chúng ta.
Nếu tất cả thông điệp tình yêu được tóm gọn lại trong câu: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em», thì bài test về tình yêu này phải được thực hiện trước hết cho những người nghèo và những người đối lập với mình.
Mỗi phép lạ là một chứng từ của tình yêu lớn lao mà Đức Kitô đã trao ban cho những người nghèo, cho đám đông dân chúng đang bị đói khát, cho những ai đang đau khổ và khóc than. Bài Tin Mừng nói cho chúng ta về mối bận tâm này của Đức Kitô: Người nhìn thấy và chạnh lòng thương đám đông nghèo đói, cả tình thần lẫn vật chất.
Thật là lạ lùng biết bao bởi sự mới mẻ trong lời giáo huấn của Đức Kitô về tình yêu đối với kẻ thù, đã làm nên đặc tính đầu tiên của Kitô giáo và nó trở thành thái độ sống căn bản của những người bước theo Người.
+ Thánh Thể – nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người
Phép lạ hóa bánh ra nhiều thường được hiểu là dấu chỉ cho bí tích Thánh thể. Thật vậy, ý nghĩa của Thánh Thể khởi đầu bằng việc đến với những người nghèo và người đau khổ, như Đức Kitô đã muốn đến gần đám đông đang đói khổ để cho họ ăn.
Đón nhận Thánh Thể là đón nhận chính Đức Kitô, Đấng đã yêu thương con người đến cùng. Vì thế, liên kết với Đức Kitô là dấn thân vào con đường tình yêu mà Người đã dạy. Sự dấn thân vì tình yêu này phải được trải dài trong suốt đời sống chúng ta, phải được diễn tả cách tương ứng bằng mọi hành vi, mỗi tư tưởng, mỗi lời nói và thái độ sống của chúng ta.
Tiếng Amen mà chúng ta thưa khi lãnh nhận Thánh Thể là một sự chọn lựa: là một tiếng thưa vâng đầy trách nhiệm và ý thức, đồng thời đã trao cho chúng ta một sứ mệnh đi vào thế giới để loan báo và sống tình yêu của Đức Kitô cách cụ thể, nhất là đến với những người nghèo, những người đói, và những người đau khổ. Amen, là một tiếng thưa vâng bằng một động lực thúc đẩy chúng ta đến với tha nhân, là một tiếng thưa vâng bằng sự mạnh dạn mở rộng lòng mình ra với những nhu cầu của mọi người.
Nếu không, Thánh Thể chúng ta lãnh nhận sẽ không trở thành một cuộc gặp gỡ của chúng ta với Đức Kitô của Tin Mừng, nhưng chỉ là với Đức Kitô mà chúng ta tự tạo ta bằng sự đa cảm và sự ích kỷ. Nếu không có tình yêu, thì Thánh thể mà chúng ta đón nhận không trở thành một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô đã làm người, với Đức Kitô đích thực và sống động, Đấng đã yêu thương và hiến mạng vì chúng ta, để tất cả chúng ta được cứu độ; nhưng chỉ là một Đức Kitô tưởng tượng và không có thực.
Quốc Vũ
~*~