Chúa nhật XVIII Thường Niên, năm C
«CỦA PHÙ VÂN»
Bài đọc 1: Giảng viên 1,2; 2,21-23
Bài đọc 2: Côlôxê 3,1-5.9-11
Tin Mừng: Luca 12,13-21
Người Việt Nam ta xưa nay vẫn thường nói với nhau:
«Của làm ra để ở trên gác,
của cờ bạc để ở ngoài sân,
của phù vân để ở ngoài ngõ.» (Ca dao)
Ngẫm thấy có của cải nào trong cuộc sống này mà không là phù vân. Cả một đời người ganh đua tới chết cũng chẳng thể mang theo bên mình một đồng xu dính túi. Của cải đích thực chính là những gì nó còn tồn tại với con người bên kia cái chết. Thành ra người ta chỉ có thể lượng giá được ai là người giàu, ai là kẻ nghèo bằng những giá trị vĩnh cửu mà thôi. Có lẽ vì thế mà Thánh Phaolô mới nói: «Anh em đã trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí mình về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới» (cc. 1-2 bài đọc II). Bởi cũng như điều tác giả sách Giảng viên đã cảm nhận: «Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Con người có đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, […] trọn cuộc đời, chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân» (bài đọc I).
Vâng, dẫu biết rằng «Phù vân, mọi sự phù vân»! Nhưng chính cái phù vân ấy lại có một quyền lực chi phối toàn diện đời sống con người, nhất là kể từ khi con người biết dùng tiền bạc để qui đổi hàng hóa, thì nó đã trở nên quá thiết thân, đến nỗi gắn bó như máu thịt: «Đồng tiền liền khúc ruột» (Tục Ngữ). Rồi người ta nói nhiều về nó, bàn về nó dưới đủ góc cạnh – có chăng chỉ kém một chút với chủ đề gia đình và tình yêu nam nữ.
Quả nhiên, từ xa xưa, các cụ đã nhấn mạnh các đặc tính của đồng tiền bằng những cách nói tượng hình rất sống động. Nào là khả năng sinh lợi: Đồng mẹ đẻ đồng con; Đồng tiền trong nhà là đồng tiền chửa, đồng tiền ra cửa là đồng tiền sinh…; nào là tính công bằng khắt khe trong trao đổi: Tiền trao cháo múc; hay tiền nào của ấy… Đặc biệt, các cụ rất hiểu thế lực “đen” lớn lao của đồng tiền, đến nỗi nó có thể phá nhiều luật lệ hay đạo lý, để lũng đoạn mọi hoạt động xã hội, thậm chí còn làm méo mó mọi quan hệ, đè bẹp các giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo: Nén bạc đâm toạc tờ giấy; Đồng tiền đi trước, mực thước đi sau; Có tiền mua tiên cũng được! Bởi thế mà các cụ đã cảnh báo rằng đồng tiền là con dao hai lưỡi có thể làm nảy sinh bao thói hư tật xấu như tham lam, keo kiệt, hám của, dối gian hay ăn chơi sa đọa, là nguồn gốc của mọi tranh giành, xung đột đẫm máu… từ đó hủy hoại tình nghĩa ruột thịt, bạn bè, xóm giềng.
Thế mới hay “tiền muôn bạc nén” nhiều khi chỉ mang lại tai họa. Và chung qui thì tiền của cũng chỉ là phương tiện, bởi nó không tạo ra phẩm giá đích thực của con người, mà Người làm nên của, của không làm nên người. Vả lại, tiền của chẳng bao giờ là vĩnh cửu: Người còn của còn; người mất của mất; hay không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Hơn nữa, khi tiền của dễ đến thì cũng dễ đi, tụ đó rồi tán đó: Giàu chiều hôm, khó sớm mai nhiều khi chỉ như một giấc chiêm bao.
Trong cuốn Bước qua ngưỡng cửa hy vọng ghi lại một lần Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đối diện với câu hỏi: “Giáo Hoàng đã cầu nguyện như thế nào, cho ai và cầu nguyện những gì?” Ngài đã trả lời bằng một câu mở đầu của Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay của Công đồng Vatican II, mà ngài đã thuộc nằm lòng: «Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của thế giới hôm nay, đặc biệt là những người nghèo khổ hoặc bị đau buồn bởi bất cứ cách nào, là niềm vui và hy vọng, những ưu sầu và lo lắng của những người môn đệ của Chúa Kitô» (GS số 1).
Bài Tin Mừng hôm nay, tựu trung có thể nhắc chúng ta nhớ lại một điểm quan trọng, đó là người môn đệ của Chúa cần phải xây dựng đời sống của mình trên chính Chúa và trong tình liên đới với đồng loại, chứ không phải trên những của cải vật chất. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn về người giàu có chỉ biết xây dựng đời mình trên của cải vật chất mà quên đi mối liên hệ sâu xa hơn với Chúa, như để nhắc lại một sự thật căn bản là đời sống con người không phải chỉ giới hạn trên trần gian này mà thôi, đồng thời đặt cuộc sống con người trong viễn tượng đời đời mà mỗi người chúng ta cần thực hiện điều này luôn luôn trong mọi giây phút. Chúng ta cần đặt cuộc sống của mình trong viễn cảnh đời đời, để rồi từ đó chúng ta mới có thể nhận được sự soi sáng mà dễ dàng giải quyết những xung đột, những tranh chấp, ganh tị, thù hận làm mất sự bình an trong chính tâm hồn mình và sự an hòa với tha nhân.
Áp dụng vào trường hợp của Giáo Hội hôm nay, chúng ta cũng có thể nói Giáo Hội trong thời đại chúng ta đang sống cũng gặp nhiều thách đố. Có người đã kết án: Kitô giáo là đạo của những người giàu và Giáo Hội thì chạy theo tư bản! Nhìn vào thực tế, những lời này không hoàn toàn đúng, nhưng cũng không hoàn toàn sai. Chẳng hạn như tại Việt Nam, có nhiều nơi, các cha xứ được ở nhà cao cửa rộng, lên xe xuống ngựa bóng loáng; nhưng cũng còn rất nhiều nơi, các cha xứ luôn sống hết mình vì con dân xứ đạo, cùng lam lũ và dấn thân sống chết với họ trong cảnh nghèo hèn. Mặt trái – mặt phải đâu đâu cũng có, nhưng Giáo Hội luôn phải ý thức rằng mình được mời gọi bảo vệ một tinh thần. Đó chính là tinh thần Phúc âm, và tinh thần này tác động sâu xa nơi từng lương tâm con người. Giáo Hội mà mỗi người chúng ta không đến với Chúa để xin Chúa «Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi» (c. 13), cho dẫu đó là một yêu cầu hết sức hợp lý. Nhưng chúng ta hãy đến với Chúa để được soi sáng mà nhận thức rằng, đời sống con người của chúng ta trên trần gian này là một sự chuẩn bị để đi về trời, để bước vào cõi đời với Chúa. Một cõi đời như chính Chúa Giêsu đã sống thật nghèo hèn: sinh ra không nơi ẩn trú, lớn lên không chốn tựa đầu và chết đi một cách trơ trụi trên thập giá.
Giữa cuộc sống con người rất phức tạp và đa diện, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi mời chúng ta hãy sống căn tính của mình, Giáo hội phải trở Giáo hội của người nghèo và vì người đau khổ. Chúng ta nên quan sát và suy gẫm rất cẩn thận để tìm một hướng đi thích hợp. Một khi đã đặt cuộc đời mình trong cuộc sống đời đời, trong viễn cảnh cuộc sống đời đời; một khi đã đặt cuộc sống mình trên nền tảng là Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ biết giải quyết dễ dàng những xung đột hằng ngày xảy ra trong cuộc sống. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta hiểu thấu rằng chính Ngài là một vì Thiên Chúa đã trở nên nghèo nàn để cho con người trở nên giàu có. Sự giàu có mà Thiên Chúa mang đến cho con người là gì nếu không phải là những giá trị vĩnh cửu, những gì sẽ mãi mãi tồn tại với con người ở bên kia của cuộc hành trình cuối cùng và vĩnh viễn.
Quốc Vũ
~*~