CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Mt 16,13-20)
Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Phước Hải
ĐÁ NỀN HỘI THÁNH
Gần đây, dư luận xã hội xôn xao về việc bầu chọn Tổng Thống Hoa Kỳ, thủ lãnh của một cường quốc lớn trên thế giới, một người sẽ có ảnh hưởng lớn đối với kinh tế và chính trị thế giới. Cách đây hơn hai ngàn năm, cũng diễn ra một cuộc bầu chọn vị Giáo Hoàng tiên khởi của thế giới Kitô giáo, một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới. Nhưng cuộc bầu chọn này không rầm rộ như việc bầu Tổng Thống Hoa Kỳ, mà âm thầm, nhỏ bé với sự hiện diện của Thầy Giêsu và vài môn đệ của Ngài.
1. Bụi hoá Đá.
Sau một thời gian tìm hiểu ơn gọi, Đức Giêsu muốn kiểm tra xem nhận thức của các môn đệ về người Thầy của họ như thế nào? Để chuẩn bị, Ngài dò hỏi từ xa: “Người ta nói Con Người là ai?”. Các ông tranh nhau trả lời: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu hỏi tiếp: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”. Một bầu không khí im lặng bao trùm mấy thầy trò, câu hỏi này không dễ như câu hỏi trước đó, mặc dù có cùng nội dung, chỉ thay đổi đối tượng. Lúc này, ông nào ông nấy tỏ ra trầm ngâm khác hẳn sự rôm rả lúc đầu! Các ông không còn chỗ nào dựa nữa mà chính mình phải tự trả lời nấy! Hôm nay, Đức Kitô cũng hỏi tôi như vậy. Ngài là ai đối với tôi? Bỗng nhiên, tông đồ Simon khẳng khái lên tiếng trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16). Hú hồn! quả là một cú cứu bồ ngoạn mục. Cái anh chàng ngư phủ Simon ít học này sao bữa nay lại thông minh đột xuất vậy? Cũng may, nhờ anh lên tiếng mà mấy ông kia thoát nạn, không bị trả bài nữa, lại còn được Thầy khen: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16,17). Chưa hết, Đức Giêsu còn đặt ông vào một vị trí quan trọng bất ngờ mà ông không hề nghĩ tới: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Thái độ của Đức Giêsu không chỉ làm Simon ngạc nhiên, mà chính các môn đệ và chúng ta cũng không khỏi ngạc nhiên! Vì khi lựa chọn ai vào một vị trí quan trọng nào, con người thường dựa trên các ưu điểm nổi bật của đối tượng, một người tài năng, đạo hạnh và dang giá vượt trội mọi người… Còn đây, chỉ với một câu trả lời nhỏ, mà Đức Giêsu đã có thể quyết định chọn Simon làm Đá Tảng, làm người đứng đầu Hội Thánh Chúa sẽ lập. Làm sao mà một hạt bụi mong manh nhỏ bé như Simon lại có thể trở thành đá tảng được nhỉ ? Simon tuy hăng hái, nhiệt thành nhưng cũng rất nóng nảy, bộc trực, nhát đảm và đầy yếu đuối. Ông đã trải qua nhiều thất bại hơn thành công, nhiều yếu đuối hơn mạnh mẽ: Có lần ông muốn đi trên mặt nước để đến với Chúa, nhưng khi thấy gió nổi lên, ông đâm sợ và đã chìm xuống (x. Mt 14,22-33); có lần ông đánh cá ngoài khơi suốt đêm, tới sáng mà vẫn trắng tay không được con nào (x. Lc 5,4-6) ; lần khác, ông lại ngủ mê mệt khi Chúa muốn các ông thức với Chúa một giờ để cầu nguyện trước khi Ngài bước vào cuộc tử nạn (x. Mt 26,40). Và nhất là, ông lại chối Chúa ba lần trước câu hỏi của một tớ gái nhỏ bé (x. Mt 26,69-75). Và chỉ ngay sau đây thôi, khi được Thầy mặc khải về việc Ngài sẽ trải qua cuộc tử nạn như thế nào thì ông lại tìm cách ngăn cản con đường Chúa đi. Simon đâu phải lúc nào cũng sáng suốt và làm mọi việc theo đúng ý Chúa. Ông cũng chỉ là cát bụi yếu hèn như ta, vậy mà Đức Giêsu lại gọi ông là Phêrô (Hy Lạp), hay Kêpha (Aram), nghĩa là đá, tượng trưng cho sự vững chắc, trường tồn.Bất chấp những thất bại và yếu đuối của Phêrô, Đức Giêsu không ngừng tin tưởng, không ngừng yêu thương, dạy dỗ và trui rèn ông nên tảng đá vững chắc làm nền cho Hội Thánh Ngài (Is 22,23). Ước gì chúng ta cũng trở nên những con người ngoan ngoãn để Chúa huấn luyện ta nên người như Chúa muốn trong chương trình của Ngài.
2. Đá tựa ĐÁ.
Phêrô không phải là một tảng đá đơn độc chống đỡ tòa nhà Hội Thánh, nhưng là một Tảng Đá nhỏ dựa trên một TẢNG ĐÁ lớn, chính là Đức Kitô (x.Tv 27,1 ; Tv 71,3). Phêrô là nền móng hữu hình cho Dân Chúa, còn chính Đức Kitô là nền móng vô hình của Giáo Hội (x. Mc 12,10 ; 1Cr 3,10-11; 1Pr 2,6-8; Ep 2,20) như trong thời Cựu ước, Đền Thờ Giêrusalem và các vua Israel chính là trung tâm hữu hình hướng lòng dân về Thiên Chúa.Phêrô là Đá nền Giáo Hội, nhưng chính Đức Giêsu mới là người xây dựng và bảo vệ (x.Tv 58,10.17-18 ; 126,1 ; 1Cr 3,9). Phêrô là Đá, nhưng chính Đức Giêsu mới làm cho Đá nên vững vàng. Phêrô cũng mong manh, hèn yếu như bất cứ ai, nhưng để có thể trở nên mạnh mẽ, trở nên một con người đáng cho mọi người tin tưởng, làm điểm tựa cho Giáo Hội thì chính ông cũng phải chấp nhận đi trên con thập giá mà ông đã từng ngăn cản thầy mình, và phấn đấu nhờ ơn Chúa giúp để mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh Giêsu.Giáo Hội là Giáo Hội dành cho con người, nhưng Giáo Hội là của Chúa vì do chính Chúa thiết lập (x. Mt 16,18), và sống bằng sức sống của chính Thiên Chúa.(x. Tv 58,10 ; 117,14 ; Gđ 16,13), vì thế “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Dù cho Giáo Hội phải đối diện với bao thử thách khó khăn nội tại hay ngoại tại, với bao thế lực thù nghịch… thì Giáo Hội vẫn kiên vững.Tước hiệu “Con Người” xuất phát từ sấm ngôn (Đn 7,13-14) cho thấy vai trò lãnh đạo của Đức Giêsu đối với dân, còn Phêrô cũng chỉ là khí cụ Thiên Chúa dùng và ban cho những ơn cần thiết để giúp Ngài chăn dắt đàn chiên Chúa.Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô đối với Đức Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, là nền tảng đức tin vững chắc cho Giáo Hội, chỉ có những ai đặt niềm tin nơi Đức Giêsu là Đấng Cứu độ và là Thiên Chúa mới có thể gia nhập Kitô giáo hoặc thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô. Tước hiệu “Con Thiên Chúa” đồng nghĩa với “Đấng Cứu Độ là vua”, Đức Giêsu vừa là Vua, vừa là Con của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian. Đây là tư tưởng thần học khá mới mẻ đối với người Do Thái lúc bấy giờ chỉ tin Độc Thần (x. Đnl 6,4). Phêrô được coi là một trong các tín hữu đầu tiên tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Chính vì lời tuyên tín này đã khiến cho đoạn Tin Mừng này trở thành trọng tâm của tin mừng Matthêu. Cũng chính nhờ sự xác tín này mà Simon Phêrô trở thành Giáo Hoàng tiên khởi của Kitô giáo.Phêrô được trao cho chìa khoá Nước Trời “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19), giống như Engiakim được trao cho chìa khoá nhà David, nhưng chính Đức Giêsu là người nắm giữ chìa khoá và canh giữ toà nhà (x. Kh 1,18 ; 3,7). Bằng ấy vấn đề được nêu lên không phải để chứng tỏ Phêrô là một ông hoàng bù nhìn, nhưng muốn nói rằng: tất cả những vinh quang, danh dự và tất cả những gì Ngài có được hay làm được đều đến từ Thiên Chúa.“Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người.” (Rm 11,36)
3. Vai trò của Đá Tảng Phêrô.
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Giêsu đã chọn Simon Phêrô, một con người đầy yếu đuối bất toàn làm người đứng đầu Hội Thánh, nhưng sâu xa bên trong con người của ông Đức Giêsu đã nhìn thấy những phẩm chất của một nhà lãnh đạo. Ngay từ đầu, ông đã cư xử như thể là người chỉ huy nhóm Mười Hai (x. Mt10,2 ; 14,28 ; 17,25 ; Lc 5,8-10; 22,32 ; Ga 6,68). Chúa thấy rõ những yếu đuối và thất bại của ông, nhưng Ngài cũng nhận ra lòng vâng phục khiêm tốn của ông trên bờ biển Ghenêxaret, chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá, trong khi ông đã vất vả suốt đêm mà chẳng được con nào (x. Lc 5,4-6). Đức Giêsu cũng thấy được lòng thống hối tha thiết của ông sau khi sa ngã (x. Mt 26,75)Đức Giêsu quả là một bậc thầy vĩ đại, không như những vị thầy khác, Ngài huấn luyện con người bằng những thất bại, yếu đuối và đau khổ của họ “Con lầm lạc khi chưa bị khổ” (Tv 118,67) hay “Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài” (Tv 118, 71). Vì chỉ khi đã từng trải qua sự yếu đuối, đau khổ và thất bại thì người ta mới đủ cảm thông với những yếu đuối, đau khổ và thất bại của người khác, chỉ khi cảm nhận được ơn tha thứ thì người ta mới dễ dàng thứ tha cho kẻ khác. Chỉ khi được phục vụ cách khiêm nhường, con người mới biết khiêm nhường để phục vụ và phục vụ một cách vô vị lợi (Mt 20,28 ; Ga 13,5.14-15), tránh vết xe đổ của tể tướng Sepna, chỉ vì lợi lộc cá nhân mà không bận tâm chăm sóc dân Chúa, nên Chúa đã tước quyền ông mà trao cho Engiakim (Is 22,19-21) Phêrô cũng như những ai kế vị ông được xem là đại diện hữu hình của Chúa trên trần gian, có nhiệm vụ dẫn dắt dân Chúa đi đúng con đường mà Chúa muốn.Chúa dùng ông như một ngư phủ để lưới người như lưới cá (x.Mt 4,19), qui tụ tất cả về một ràn chiên do một chủ chiên chăn dắt để tất cả được hưởng ơn Thiên Chúa cứu độ. Thiên Chúa dùng một con người bất toàn để qui tụ những con người bất toàn, một con người yếu đuối để nâng đỡ những con người yếu đuối khác (Lc 22,32) Đức Giêsu nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,19) Phêrô thường được các nghệ sĩ diễn tả bằng hình ảnh một vị thánh cầm trong tay hai chiếc chìa khoá với ý nghĩa: một chiếc để ràng buộc, còn chiếc kia để tháo cởi. Đây là thẩm quyền của vị Giáo hoàng trong các lĩnh vực như: vấn đề đức tin, các tín điều quan trọng, các mầu nhiệm trọng yếu phải tin của Giáo Hội, khi ngồi trên ngai toà của mình thì vị Giáo Hoàng được Chúa ban cho ơn vô ngộ (không sai lầm) khi tuyên tín về điều gì; kế đó là quyền được phép giải thích lề luật và qui định những hành vi hay thái độ được lề luật cho phép hay cấm đoán. Quả thực “Quyết định của Thiên Chúa, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được!” (Rm 11,33) Đức Giêsu đã chọn một con người yếu đuối mỏng giòn như Phêrô làm Đá Tảng xây dựng Giáo Hội Người, thì lý nào lại không dùng chúng ta như những viên đá nhỏ khác để cùng với Đá Tảng Phêrô chung tay xây dựng, kiến thiết Nước Chúa ngay tại trần gian này. Lạy Chúa, xin giúp con luôn can đảm mài giũa, đục đẽo viên đá đời mình mỗi ngày nên tròn trịa, nên xinh đẹp để dựng xây Nước Chúa. Amen.