Chủ Nhật, 8 Tháng mười hai, 2024

Chúa Nhật XXIII Thường Niên: “HÃY MỞ RA” (Hiền Lâm – Phước Lý)

 

CHÚA NHẬT TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN – năm B

 

Bài đọc I: Is 35,4-7a

Bài đọc II: Gc 2,1-5

Bài Tin Mừng: Mc 7,31-37

 

“ÉP-PHA-THA – HÃY MỞ RA”

          Lời Chúa ngày Chúa Nhật XXIII hôm nay xoay quanh chủ đề “Hãy mở ra”. Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa làm cho con người được mở ra: mở ra để ca ngợi Thiên Chúa, mở ra để đến với tha nhân; mở lòng ra để đón nhận và trao ban.
          Trong bài đọc I, tiên tri Isaia nói đến một viễn tượng ngày của Thiên Chúa cứu độ, ngày đó “mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ nói được…” (Is 35,5-6).
          Còn bài đọc II, thánh Giacôbê căn dặn chúng ta biết mở lòng ra đón nhận hết mọi người, không thiên tư tây vị sang hèn giàu nghèo. Bởi tất cả đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. 
          Đặc biệt trong bài Tin Mừng, qua một cử chỉ đầy tính biểu tượng, Chúa Giê-su rên xiết và hô lên: “Hãy mở ra”. Điều này như một tiếng hét thấu trời xanh để mở đôi tai còn đóng lại của nhân loại. Hãy mở ra để thoát khỏi tình trạng câm điếc đang giam hãm mình trong vỏ ốc ích kỷ bon chen.

 

1. Tình trạng câm điếc…
          Bệnh câm và điếc thường đi đôi với nhau, vì khi không nghe được gì thì cũng chẳng biết gì để nói. Bệnh câm hay ngọng và điếc tuy không bị tách lìa khỏi đời sống xã hội, nhưng lại bị ngăn cách khỏi sự giao tiếp đối thoại với nhau. Người điếc hoàn toàn thiệt thòi về mọi âm thanh diễn ra xung quanh mình và đặc biệt không hiểu được người khác nói gì dù lời nói của họ có liên hệ đến mình. Còn người câm hay ngọng thì lại rất thiệt thòi về những tâm tư tình cảm ước muốn mình muốn diễn tả, đôi khi còn bị chê trách, hiểu lầm và chế nhạo. Chính sự câm điếc tuy không lấy đi hoàn toàn sự liên đới với tha nhân, nhưng vì bị hạn chế hai giác quan cần thiết này đã dần dần đẩy họ ra khỏi mọi sinh hoạt cộng đồng, phần chỉ vì không nghe không hiểu và không diễn tả được, phần vì mặc cảm và sự khinh khi… cuối cùng dẫn đến tình trạng bơ vơ bất hạnh ngay giữa người than và cộng đồng.
          Câm điếc tâm hồn cũng thế: Như hình ảnh người câm rồi từ đó cũng điếc luôn, cho thấy một khi con người không còn mở miệng ra để ca ngợi Chúa và đối thoại với tha nhân nữa, thì cũng kéo theo không còn nghe được Lời Chúa và lời của anh chị em đau khổ xung quanh. Những ai sống tự đóng kín mình, đạo tại tâm, không tham gia đời sống phụng vụ và không liên đới trách nhiệm với cộng đồng, thì chính họ đang tự tách mình khỏi Thiên Chúa và tự xa lánh cộng đồng, để rồi chính mình cô lập mình.
Đó cũng là tình trạng chung của những ai giả câm trước công lý, giả điếc làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân, và lo vun vén sống trong vỏ ích kỷ của mình.

 

2. Hãy mở ra…
          Chúa Giêsu chữa lành cho một người vừa bị ngọng vừa bị điếc bằng cách kéo riêng anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh, rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Hành động chữa lành của Chúa Giêsu hôm nay xem ra phức tạp hơn nhiều so với những lần trước đó: Thay vì một lời ra lệnh hoặc một cử chỉ đặt tay như cách Người thường làm, thì với người điếc – ngọng này, Chúa Giêsu phải dung ngón tay xỏ vào tai, dung nước miếng của mình bôi lên lưỡi bệnh nhân, rồi thở dài không nhìn vào anh mà nhìn lên trời mà nói: Hãy mở ra…
          Phải chăng, cách thức chữa bệnh này mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó? Có lẽ cách thức chữa trị này mang tính biểu tượng vì tình trạng của con người lúc bấy giờ đã ra nặng nề làm ngơ giả điếc trước Tin Mừng và mọi miệng lưỡi không còn ca ngợi Thiên Chúa nữa. Chúa Giê-su phải hô lên: Ép-pha-tha! Điều này như một tiếng hét thấu trời xanh để mở đôi tai còn đóng lại của nhân loại: HÃY MỞ RA.
          Đó cũng là thực trạng của nhân loại hôm nay, cách riêng với nhiều người trong chúng ta, khi làm ngơ trước Lời Chúa và điều hay lẽ phải, bịt tai trước những lời góp ý xây dựng; miệng lưỡi không còn dùng để đọc kinh, ca ngợi và rao truyền chân lý của Chúa, cũng như im lặng trước những bất công và không dám nói lên sự thật.

 

          Tóm lại: Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta biết cầu xin Chúa phá tan đôi tai tâm hồn điếc lác của mình để lắng nghe tiếng Chúa và tiếng rên xiết của người đau khổ; ước gì Chúa mở miệng tâm hồn đang bị cầm lại của chúng ta, để chúng ta biết ca ngợi Chúa và lên tiếng cho sự thật và công lý.
          Xin cho mọi người học được tâm tình thánh Augustino sau khi được ơn trở lại đã thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con. Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.

          Để kết thúc bài suy niệm, chúng ta cùng đọc lại bài Thánh Thi sau đây:

Ôi lạy Chúa mở cho con đôi mắt,
Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi.
Con mù loà, bên vệ đường hành khất,
Xin chữa con để nhìn thấy mặt Ngài.

Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ,
Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà,
Họ khổ đau họ kêu gào than thở,
Đừng để con cứ giả điếc làm ngơ.

Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con,
Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả,
Trước cửa nhà có người nghèo đói lả,
Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng…

(x. Nhóm CGKPV, Thánh Thi)

         

          ÉP-PHA-THA – HÃY MỞ RA, lạy Chúa Giêsu xin hãy đến mở tai lòng chúng con để chúng con nghe lời Chúa dạy và mở miệng chúng con để chúng con ca ngợi danh và rao truyền danh Chúa. Amen

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI Mầu nhiệm tội lỗi Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Đan viện Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm...

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa trong Chúa...

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua?

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Theo quan niệm thông...

Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Tình Yêu 

  Vua Tình Yêu  (Ga 18,33b-37) M. Phan Sa, PV      Những tuần qua, thế giới đã theo dõi ngày bầu cử tổng thống Mỹ khá thú...

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam: Tình yêu tự hủy – con đường của người môn đệ

  Các thánh tử đạo Việt Nam 25/11 TÌNH YÊU TỰ HỦY – CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 9,23-26) M. David, VP Khác với Tin Mừng theo...

Chúa Nhật XXXIV TN, Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ

  Vương Quyền của Đức Kitô (Ga 18,33b-37) M. Andre Kim Taegon Chu Văn Thường, Phước Hiệp Vào Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội cử...

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón ngày tận thế

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón Ngày Tận Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa nhật áp chót năm...