Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Chúa nhật XXV mùa thường niên, năm C: “Shopping” (Quốc Vũ – Phước Lý)

Chúa nhật XXV Thường Niên, năm C

«SHOPPING»

Bài đọc 1: A-mốt 8, 4-7

Bài đọc 2: 1Ti-mô-thê 2, 1-8

Tin Mừng: Luca 16, 1-13

 

        Trong những ngày qua trên trang mạng Youtube có một đoạn clip quảng cáo điện thoại di động dài 3 phút của Thái Lan đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt view, hơn 40.000 lượt “like” cùng hàng trăm bình luận bày tỏ cảm xúc của cư dân mạng trên khắp thế giới.

        Mở đầu clip là hình ảnh một cậu bé gầy gò bị bà chủ hiệu thuốc đuổi bắt và quát mắng vì em đã ăn trộm vài viên thuốc trong cửa hàng của bà. Khi bị bà này giật gói thuốc khỏi tay và tra hỏi lấy nó để làm gì, thì cậu bé chỉ biết cúi gằm mặt xuống đất và lí nhí: “con muốn chữa bệnh cho mẹ”.  

        Chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của cậu bé hiếu thảo, ông chủ một cửa hàng ăn gần đó đã chạy lại mua lại số thuốc đó rồi bảo con gái nhỏ đưa cho cậu bé và còn cho thêm một chút thức ăn mang về.   

        Bẵng đi thời gian 30 năm, người đàn ông tốt bụng ấy vẫn âm thầm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn mà không hề toan tính. Thế nhưng, một ngày kia tai họa đã ập đến, ông bị đột qụy trước sự hốt hoảng của người con gái. Tuyệt vọng trước khoản viện phí lớn phải trả, cô buộc phải rao bán căn nhà của hai cha con để trang trải nhưng vẫn không đủ. Sự tuyệt vọng như đánh gục cô trước khó khăn này, nhưng bất ngờ điều kỳ diệu đã xảy đến. Vào một buổi sáng, lúc tỉnh dậy bên giường của cha, cô vô cùng ngạc nhiên khi thấy số tiền viện phí trong hóa đơn bất ngờ đã đổi thành số 0, và kèm theo dòng chữ: “Viện phí ngày hôm nay đã được trả từ cách đây 30 năm”.

        Rồi cha cô đã được chữa lành và được sống lại những ngày tháng vui vẻ. Họ không ngờ được rằng lòng tốt của mình đã được cậu bé ăn trộm thuốc ngày nào báo đáp. Sau 30 năm, cậu bé ấy không chỉ trở thành một bác sĩ giỏi mà còn là một bác sĩ tận tâm, hết lòng giúp đỡ người nghèo.

        Thông điệp mà clip quảng cáo này mang lại cho người xem là “Cho đi chính là sự liên lạc tốt nhất”.

        Sống trong một thế giới mà con người ngày nay đang bị cuốn hút vào một nhịp sống điện toán chạy đua trên những xu hướng hưởng thụ. Người giàu với tiền của rủng rỉnh thì lo mua sắm nhà lầu, xe hơi và những máy móc tân thời Ipad, Iphone…, người nghèo không có tiền thì ngồi đó ao ước mơ mộng viễn vông. Con người bị cuốn theo vật chất, họ có thể đi shopping tậu về nhiều thứ tiện nghi, nhiều đồ trang sức đắt tiền hay những viên kim cương bạc triệu, nhưng lại dễ dàng nhắm mắt bước qua người ăn xin trước cửa chợ đang cần một chút bánh để lót dạ cho no lòng.

        Tại sao? Tại sao trong một xã hội như thế, mà một mẩu quảng cáo ngắn ngủi này lại có thể thu hút tình cảm của nhiều người đến vậy? Phải chăng bởi “nhân chi sơ tính bổn thiện”?, phải chăng thiện có thể thắng ác?, nên tính nhân văn, lòng nhân và tình người vẫn còn đó, vẫn dạt dào, vẫn đong đầy và chỉ trực chờ dâng trào mỗi khi được khơi nguồn, cho dẫu đó chỉ đơn thuần là một mẩu quảng cáo?

        Thật ra thời nào cũng thế, xã hội nào cũng vậy, cuộc sống nhân sinh như thỏi nam châm luôn hiện hữu hai thái cực trái ngược. Vào thế kỷ VIII trước công nguyên, dân Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc, của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm, mua địa vị chức tước; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực… Trước tình cảnh đó, Ngôn sứ Amos đã nghiêm khắc cảnh cáo họ: «Hãy nghe đây, hỡi những kẻ đàn áp người cùng khổ và muốn tiêu diệt người nghèo trong cả xứ. Các ngươi làm cho cái đấu nhỏ lại, tăng giá bán và làm nên những chiếc cân non. Các ngươi lấy tiền mua người bần cùng, lấy đôi dép mà đổi lấy người cùng khốn. Các ngươi bán lúa mục nát. Thế nhưng, Thiên Chúa sẽ không quên lãng và những hình phạt khủng khiếp sẽ được giáng xuống trên các ngươi» (Bài đọc I).

       Cùng một tiếng chuông cảnh tỉnh của các Ngôn sứ, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ và những người đi theo Người đừng để tiền của cướp mất vị trí độc tôn của Thiên Chúa, bởi: «Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Cũng vậy, các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được» (c. 13 – Bài Tin Mừng).

        Có một điều chúng ta phải xác định rõ rằng Đức Giêsu không phi bác tiền của, không phê phán sự giàu sang, cũng không lên án người giàu. Ngài chỉ nhắc nhở thái độ phải có đối với tiền của và cảnh cáo chúng ta trong việc sử dụng nó. Bởi lẽ, tiền của, nếu không biết xử dụng, nó sẽ trở nên một ông chủ hà khắc, bóp chết những tình cảm kính mến đối với Thiên Chúa và yêu thương đối với tha nhân. Trái lại, nếu biết xử dụng đúng mực, nó sẽ đem lại nhiều lợi ích, chẳng hạn dùng tiền của để làm phúc bố thí cho kẻ nghèo, để tạo lấy những người bạn chân thành, một mai sẽ bênh vực cho chúng ta trước ngai tòa của Chúa, điển hình như dụ ngôn về Người Quản Lý Bất Lương trong Tin Mừng hôm nay.

         Nghe xong dụ ngôn này, chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao Đức Giêsu lại khen ngợi một kẻ xấu xa như Người Quản Lý Bất Lương này, đồng thời còn khuyên các môn đệ nên bắt chước cách xử sự của hắn. Tuy nhiên, Đức Giêsu không khen hành động gian dối ích kỷ, nhưng khen thái độ khôn ngoan tiên liệu của anh ta khi biết dùng tiền của bất chính để tạo thêm bạn hữu cho mình: «Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu» (c. 9 – Bài Tin Mừng).

        Như thế, rõ ràng chúng ta sẽ không trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa với những đồng tiền nhận lãnh, nhưng là với những đồng tiền cho đi. Vì chỉ khi biết quảng đại ban phát của cải cho những kẻ thiếu thốn, chúng ta mới thực là những người quản gia trung tín và khôn ngoan biết làm theo ý chủ. Chỉ khi biết coi tiền của là phương tiện phục vụ tha nhân, chúng ta mới chứng tỏ mình chỉ làm tôi một mình Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết cho Timôthêô: «Những người giàu, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ» (1Tm 6,17-18).

          Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi hiện đang làm chủ hay đang làm tôi cho đồng tiền? Người đời có câu: «Lấy lửa thử vàng; lấy vàng thử đàn bà; và lấy đàn bà thử đàn ông». Nhưng chung qui lại, dù là đàn ông hay đàn bà thì cũng rất dễ bị cuốn hút trước ánh sáng lấp lánh của những hạt kim cương và quyền lực ảo của những đồng tiền. Ngày nay, chúng ta nhận thấy người ta dùng tiền để mua mọi thứ, từ cơm ăn áo mặc, đến các vật dụng phục vụ đời sống, rồi mua quan bán tước, chạy chọt chức quyền, và thậm chí là mua cả thân xác con người.

         Còn tôi, dùng tiền để mua gì?

Quốc Vũ

~*~

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...