Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B
(Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32)
Đón Ngày Tận Thế
Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Chúa nhật áp chót năm phụng vụ đề cập đến một vấn đề hết sức quan trọng mà có lẽ nhiều người ngại nói đến, hay không không muốn nghĩ đến. Đó là ngày tận thế, ngày thế mạt, ngày Chúa quang lâm kết thúc lịch sử nhân loại, “phán xét kẻ sống và kẻ chết”, định đoạt số phận đời đời của mỗi người. Kitô hữu chúng ta xưa nay vẫn tin như thế và tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.
Nhưng liệu chắc chắn có ngày tận thế không? Khoa học nói gì về ngày tận thế? Khoa học cho chúng ta biết có ngày tận thế. Tận thế là khi Trái đất của chúng ta bị thiêu rụi bởi sức nóng khủng khiếp của mặt trời. Sau khi cạn nguồn Hydro, mặt trời sẽ tự đốt cháy chính mình, khiến nó ngày càng phình to ra, gấp 100 lần so với hiện tại, trở thành một quả cầu lửa khổng lồ. Khi ấy nó sẽ nuốt chửng Thủy tinh và Kim tinh – hai hành tinh nằm gần mặt trời nhất rồi Trái đất của chúng ta cũng không ngoại lệ. (https://nld.com.vn/khoa-hoc/trai-dat-se-tan-the-trong-5-ty-nam-nua-2016121210475352.htm) Nhà vật lý thiên văn Paul Sutter còn cho biết: “Nếu bầu khí quyển căng phồng của Mặt trời chạm tới thế giới của chúng ta, Trái đất sẽ tan biến trong vòng chưa đầy một ngày”. (https://tuoitre.vn/qua-bom-hen-gio-mat-troi-khi-nao-se-no-20230926225031234.htm)
Như thế, khoa học củng cố đức tin của kitô hữu về ngày tận thế. Ngày tận thế có thật, và nó đang diễn tiến. Điều này hơn 2000 năm trước, chính Chúa Giêsu đã tiên báo với các môn đệ: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” Bằng lối văn Khải huyền, Chúa Giêsu cho ta thấy cảnh uy hùng của ngày tận thế.
Mục đích của tận thế không phải là ngày Thiên Chúa hù dọa con người mà là ngày Thiên Chúa cứu độ những ai tin: “Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời”. Đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra, đang diễn tiến đúng theo Lời Chúa nói: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.”
Vậy, tận thế sẽ xảy đến khi nào? Người ta thực sự lo lắng về ngày tận thế, muốn biết về ngày tận thế, phỏng đoán tận thế vào năm 2000, vào cuối 2012, và những người theo thuyết âm mưu tiên đoán tận thế vào 29/07/2019, nhưng tất cả chỉ là đoán mò, vô căn cứ. Trong khi Chúa Giêsu đã khẳng định: “Còn về ngày hay giờ đó, thì không một ai biết được, ngay cả các thiên thần trên trời hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” (Mc 13,32); lại rằng: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.” (Cv 1,6–8).
Thành thử, tận thế xảy đến ngày nào không còn quan trọng nữa, mà vấn đề quan trọng là chúng ta đón ngày tận thế như thế nào? “Nếu chỉ còn một ngày để sống” chúng ta sẽ sống như thế nào? Thiết nghĩ, trước hết, chúng ta cần tín thác vào Thiên Chúa, tin Lời Chúa phán là sự thật, là sự sống, là ánh sáng dẫn đường chỉ lối cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”
Thứ đến, thay vì bận tâm về ngày tận thế của nhân loại, chúng ta hãy nghĩ đến ngày tận thế riêng của mỗi người chúng ta; ngày Chúa gọi chúng ta ra khỏi cuộc đời này, cách bất ngờ “không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13); không biết “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” (Mc 13,35). Cho nên, thái độ tỉnh thức sẵn sàng mọi nơi, mọi lúc và suốt cuộc đời phải là hoạt động ưu tiên trên mọi hoạt động của kitô hữu chúng ta. Đó là điều các thánh đã nỗ lực thực hiện trong suốt cuộc đời các ngài. Để sống tỉnh thức sẵn sàng, thánh Biển Đức đã sống và dạy các môn sinh: “Ngày ngày đinh ninh mình sẽ chết.” (Tu luật thánh Biển Đức, 4,47).
Với thánh Đaminh Saviô, người ta kể lại câu chuyện rằng ngày kia thánh Gioan Boscô hỏi người học trò trẻ tuổi của mình: “Đaminh Saviô, nếu ngày mai con chết, con sẽ làm gì?” Đaminh Saviô trả lời: “Con vẫn chơi đùa, ăn uống bình thường bởi vì ngày nào con cũng dọn mình để được rước Chúa; ngày nào con cũng chuẩn bị sẵn sàng để được gặp Chúa.” Câu chuyện ấy hẳn nhắc nhớ mỗi người chúng ta: Hãy chu toàn bổn phận trong giây phút hiện tại, đó thật là cách chúng ta đón ngày tận thế một cách hiệu quả nhất.
Khi Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị cầm tù, ngài không để thời gian qua đi vô ích mà chọn “sống giây phút hiện tại, lấp đầy nó với tình yêu”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ tận dụng các cơ hội có được mỗi ngày; tôi sẽ chu toàn các việc thường ngày của tôi một cách phi thường.”
“Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi, con muốn sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình thương. Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Ðường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Ðời hy vọng do mỗi phút hy vọng.” (Năm Chiếc Bánh Và Hai Con Cá, Chương I; ÐHV số 978).