Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN – năm B: “LỜI CHÚA MỚI TỒN TẠI MUÔN ĐỜI” (Hiền Lâm)

 

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN – năm B

 

A. THEO NGÀY CHÚA NHẬT

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 13,24-33

Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.

“Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.

 

II. SUY NIỆM

LỜI CHÚA MỚI TỒN TẠI MUÔN ĐỜI

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su tiên báo sẽ có một ngày chung kết lịch sử, ngày Chúa Giê-su sẽ trở lại phán xét. Ngày đó đến bất thình lình, mời gọi mọi người biết sống tỉnh thức và sẵn sàng nghênh đón Chúa để đi vào đời sống vĩnh cửu. Nhưng trong khi chờ đợi, Chúa muốn mỗi người sống trung tín và trách nhiệm đối với tha nhân. Bởi tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.

Hình ảnh cây vả và những hiện tượng thiên nhiên, Chúa Giê-su cho thấy, qua những dấu chỉ của thời đại có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa và điềm báo cho cuộc quang lâm của Người.

 

1. Mọi sự thế gian sẽ qua đi, chỉ lời Chúa tồn tại

Ở Việt Nam, cây đâm chồi nảy lộc khi mùa xuân đến, hoặc lá vàng rơi cho biết mùa thu đã về. Cũng thế, dân Do-thái có kinh nghiệm khi cây vả đơm chồi thì mùa nóng bắt đầu. Chúa Giêsu dùng hình ảnh kinh nghiệm về chu kỳ thời gian của cây vả để liên tưởng đến thời gian của vũ trụ. Đồng thời, Người cũng so sánh sự mong manh của các thế hệ, so với lời Chúa tồn tại muôn đời.

“Trời đất này sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ không qua đâu”. Câu nói này của Chúa Giêsu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, nói lên sự mong manh của yếu tố vật chất (trời đất) và sự bền vững của yếu tố tinh thần (Lời Chúa), khẳng định lời Chúa Giêsu nói phải được ứng nghiệm, dù thời gian có biến đổi qua bao thế hệ. Và thật đúng như vậy, trải qua hơn hai ngàn năm rồi, bao thế hệ đã đã qua đi, bao công trình đã sụp đổ và biến đổi, bao nền văn minh đã biến mất, nhưng Lời Chúa thì vẫn trước sau như một, được loan báo và tồn tại. Mỗi ngày Lời Chúa vẫn vang lên trên khắp các giáo đường, nơi mọi gia đình và mọi nẻo đường của các nhà truyền giáo. Thánh Kinh – bản văn Lời Chúa – vẫn có nhiều ấn bản nhất, nhiều người biết nhất và có thời gian phát hành lâu nhất so với tất cả mọi thứ sách vở khác.

Vì thế, cần biết:

  • Nhận ra dấu chỉ của thời đại chúng ta đang sống để luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa, dù chúng ta đang ở giai đoạn nào của đời người và đời sống, thì vẫn luôn đặt Thiên Chúa là chủ vận mệnh của cuộc đời và cuộc sống chúng ta.
  • Tin vào lời Chúa và yêu mến Lời Chúa, vì rồi tất cả sẽ qua đi, nhưng lời Chúa hứa với chúng ta sẽ không bao giờ mai một. Bởi Lời Chúa là sự thật, Thiên Chúa không thể dối trá vì người là Đấng Chân Thật. Hơn nữa, mọi lời Thánh Kinh đều được Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý linh hứng, nên sống theo Lời Chúa sẽ giúp chúng ta không bị sai lầm trong mọi lựa chọn của cuộc sống.

 

2. Vấn đề ngày giờ Chúa đến.

Chuyện Chúa đến không phải kiểu “sứ điệp này thị nhân nọ” tiên đoán, để rồi nhiều người mê muội cả tin lo đi chuẩn bị đồ ăn dự trữ, rốt cuộc chẳg xảy ra. Chúa đến bất kỳ lúc nào, bất ngờ như vậy để con người bày tỏ lòng trung tín qua việc tỉnh thức đợi chờ thời khắc vô cùng quan trọng để được hưởng hạnh phúc hay bị luận phạt đời đời. Vì nếu biết, thì con người sẽ phóng túng, “cứ để mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…” (Lc 21,34), chờ sắp đến ngày chết mới lo liệu, và như vậy thì không còn gì là yêu mến và trung thành.

Chúa Giê-su khẳng định: ““Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”.

Trải qua hơn 2000 năm, Giáo Hội bao phen đương đầu với biết bao bè phái tự xưng mình là tiên tri, thậm chí mạo danh là Đấng Cứu Thế, để mê hoặc một số người và gây hoang mang cho con cái Giáo Hội. Tuy nhiên, Giáo Hội là Tông Truyền vẫn đứng vững trên nền Đá vững chắc, và những sức mạnh Satan kia tự nó dần dần tan rã và diệt vong.

Chiến tranh, loạn lạc, thiên tai như là một sự tất yếu không thể không có trên trái đất này, và nhiều người đã lợi dụng vào những biến cố đó để lừa gạt những ai nhẹ dạ cả tin. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu dặn, những biến cố đó phải xảy ra, nhưng chưa phải hết đời đâu.

Thế kỷ này xuất hiện nhan nhan nhản những kẻ tin vào nghĩa đen trong sách Khải Huyền về các con số theo thuyết Millenarianism để tiên báo thời gian.

Cần nhớ rằng, ngoài Thiên Chúa ra, từ thiên thần đến loài người không ai được biết thời gian ngày chung thẩm, nên chớ nghe nhóm này phái nọ tiên đoán lung tung, để rồi nhiều người đã ăn hết mì tôm, thắp hết nến và tán gia bại sản mà ‘biến cố” chưa xảy ra.

Là con cái Giáo Hội, chúng ta luôn sống tỉnh thức và sẵn sàng, lắng nghe lời các chủ chăn của Giáo Hội, chứ đừng dễ tin theo những trò bịp ấy của Satan.

 

Lạy Chúa Giêsu,

Giữa một thế giới nhiễu nhương tốt xấu lẫn lộn, xin cho chúng con biết cầu xin ơn Thánh Thần soi sáng, biết biện phân và vâng phục những Đấng bản quyền mà Chúa đã đặt lên để hướng dẫn chúng con. Xin cũng cho chúng con ý thức sự mong manh chóng qua của thế giới vật chất, để chúng con biết xác định và chọn lựa Chúa mới là vĩnh cửu và cùng đích của thế giới và của kiếp người. Amen

Hiền Lâm.

 

 

B. KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 

I. BÀI TIN MỪNG: Lc 9,23-26

Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

 

II. CÁC GỢI Ý SUY NIỆM

 

QUA THẬP GIÁ TỚI VINH QUANG

1. Suy niệm I

“Qua Thập Giá mới vào được Vinh Quang”. Đó là chân lý bất biến mà bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta cách thực hiện qua từng bước: Từ bỏ, vác thập giá và tuyên xưng danh Chúa:

  • Từ bỏ

Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Ngài được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được nhà thờ thì chỉ còn ngủ… 

Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao. 

Bỏ được có thế là rất đau, nhưng đó là một đòi hỏi của Tin Mừng. Các thánh Tử Đạo đã thực hiện được điều này trong thời bách hại. Còn chúng ta hôm nay, một khi đã bước theo Chúa, đã trở thành một người con của Chúa trong Hội Thánh, chúng ta có để cho con người cũ chúng ta mục nát đi có cởi bỏ những gì không thích hợp với một Kitô hữu không, đặc biệt là hãy chết đi cho tội lỗi để được sống như Đức Kitô, nghĩa là hãy giết chết những gì thuộc về thế gian trong con người cũ của ta không? 

 

  • Vác thập giá theo Chúa Giêsu

Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa… 

“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Kitô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa. 

Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.

 

  • Tuyên xưng hoặc chối Chúa

Chúa Giêsu tuyên bố: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”. 

Ngày nay, không có chuyện bách hại nhãn tiền như thời các thánh tử đạo, nên chúng ta cũng không còn phải tuyên xưng đức tin cách trực tiếp như các chứng nhân xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tuyên xưng hoặc chối Chúa qua những cách sống sau đây:
Những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…

Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức. Đó là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián tiếp chối đạo.

Hoặc để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… chúng ta đã giấu diếm nguồn gốc Công Giáo của mình.Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…Ngay cả việc ‘làm dấu thánh giá trước bữa ăn’ khi ăn chung nơi công cộng chúng ta còn thẹn thùng che đậy… Đó là mặc nhiên chúng ta đang chối Chúa.

Hay khi chúng ta gặp thử thách thất bại, hoặc cầu nguyện chưa được nhận lời, đã thất vọng chê trách Chúa và nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Đó cũng là một hình thức chối đạo…

 

2. Suy niệm II

Cứ mỗi lần đọc lên bài Tin Mừng hôm nay, tôi lại nhớ tới câu chuyện xảy ra giữa thánh Ignatio và thánh Phanxicô Xavier.

Hồi đó, Phanxicô là một thanh niên đa tài triển vọng và cả đa tình đào hoa. Tại thành phố chàng theo học, có đủ mọi thứ vui chơi, chàng lo chạy theo kiến thức khoa học và cũng không quên chinh phục các giai nhân.

Thế rồi, hàng ngày nơi chỗ trọ, có một người đàn ông tên là Ignatio cứ đi qua phòng và lặp đi lặp lại câu nói của Chúa giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”. Ban đầu, Phanxicô lấy làm khó chịu, nhưng lời đó cứ được lặp lại văng vẳng bên tai, và đến một ngày kia Phanxicô đã tỉnh ngộ, bỏ hết tất cả để theo Chúa, gia nhập dòng Tên và đi truyền giáo. Để hôm nay, Giáo Hội chúng ta có hai vị thánh lớn là Ignatio tổ phụ dòng Tên và Phanxicô Xavier bổn mạng các xứ truyền giáo.

 

Lễ các thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, Giáo Hội cho đọc bài Tin Mừng theo thánh Luca, nhắc lại cho chúng ta lời của Chúa Giêsu: “Người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích lợi gì” (Lc 9,25). Bởi, dù đời này có lên đến đỉnh quyền lực hay tỉ phú sang giàu, thì cũng chỉ là số 0 tròn trĩnh khi về với nấm mộ và linh hồn ra trước toà Thiên Chúa.

 

Xưa kia, các thánh Tử Đạo thường được vua chúa hứa nếu bỏ đạo sẽ được trọng thưởng cho hưởng chức tước vinh hoa bổng lộc (nghĩa là được trọng vọng và ca tụng), còn nếu không bỏ thì sẽ bị lăng nhục và giết chết. Dưới cái nhìn đức tin, chúng ta thấy các thánh đã chọn “cái phúc” là chịu bách hại và từ chối “cái khốn” là được ca tụng.

Ngày nay cũng thế, để được vinh thân phì gia và đương nhiên có chức có quyền có giàu sang thì được ca tụng, không ít người Công Giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công Giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…

 

3. Suy niệm III

“Qua thập giá tới vinh quang”. Đó là chân lý bất biến. 

Nhưng tại sao vậy?

Thưa là vì: tội nguyên tổ như một quả bom nguyên tử được làm bằng thuốc nổ kiêu ngạo và bất tuân đã rơi xuống cắt đứt con đường nối con người với Thiên Chúa, con đường nối dương gian với quê trời, sức công phá của nó đã tạo nên một hố sâu lớn khiến cho không ai từ bên nhân loại có thể qua với Thiên Chúa được nữa. Bây giờ, Chúa Giêsu đến, Người bắc cây cầu qua cái hố sâu tội lỗi đó là thập giá, được làm bằng chất liệu gỗ khiêm nhường và vâng phục. Để từ đây, con người muốn qua gặp gỡ Thiên Chúa, muốn vào nước trời thì phải đi trên cây cầu thập giá này, bởi: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”

Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Tin mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta từng bước trên con đường thập giá mà đạt đến ơn cứu độ bằng việc: Từ bỏ và vác thập giá theo chân Chúa Giêsu.

 

* Từ bỏ

Ở đây, Chúa Giêsu nói rõ là “bỏ mình”. Bỏ mình tức là bỏ chính cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Alexande từng nói: “Thắng được vạn quân còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.

 

* Vác thập giá mình mà theo Chúa

Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.

 

Các thánh Tử Đạo ngày xưa chấp nhận hy sinh, thay vì nghe lệnh vua quan mà chà đạp lên thập giá, các ngài đã chấp nhận ôm lấy thánh giá và vác đi, là hy sinh, chịu thử thách và chấp nhận bỏ mình tuyệt đối kể cả mạng sống để theo Chúa đến cùng. Xin cho chúng ta ngày hôm nay, dù không phải đổ máu và chết đi cách trực tiếp vì sự bách hại công khai không còn nữa. Nhưng vẫn còn đó những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo Hội mà giữ lễ luật Chúa, để mai ngày chúng ta cũng được hợp với chư thánh Tử Đạo là cha ông của chúng ta trên trời.

 

Lạy Chúa Giê-su, 

Cuộc đời theo Chúa là một cuộc tử đạo trường kỳ với bao thử thách gian nan và bách hại, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen. 

 

Hiền Lâm

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...