«VUA GIÊSU»
Bài đọc 1: 2 Samuel 5, 1-3
Bài đọc 2: Colosê 1, 12-30
Tin Mừng: Luca 23, 35-43
«Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn“. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi“. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người Này Là Vua Dân Do Thái“» (Lc 23, 35-38).
Đây là đoạn văn trích từ bài tường thuật của tác giả Luca về cuộc Thương Khó của Đức Giêsu. Trong bản văn này, Đức Giêsu đã đi đến điểm chung kết số phận của Người; cuộc “xuất hành” của Người (9,31) đi từ cuộc đời này đã đưa Người đến chặng cuối là Người đã bị đóng đinh tại nơi gọi là “Cái Sọ” giữa hai tên gian phi (23,33). “Quyền lực tối tăm” (22,53) đã khép lại trên Người. Từ bấy giờ, đến lúc các thủ lãnh và lính Rôma sỉ vả Người. Nhưng cũng từ bấy giờ Người được chính thức gọi là “vua dân Do Thái”.
Kể từ năm 1925, hằng năm Giáo hội mừng lễ Chúa Kitô Vua vào ngày Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Thiên Chúa và cuối cùng trở về với Ngài. Thiên Chúa là Alpha và Omega, là khởi nguyên và cùng đích của lịch sử. Kết thúc năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc lại giây phút chấm dứt, giây phút vũ trụ đạt đến đích điểm là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giêsu Kitô ngự giá quang lâm trên mây trời trong ngày sau hết. Trong viễn cảnh này thật là điều thích hợp cho việc Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ. Tuy nhiên, ai cũng biết, suốt đời Ðức Giêsu chẳng có vẻ gì là một ông Vua. Người còn nhất mực từ chối mỗi khi dân chúng có ý tưởng tôn Người làm Vua. Quả nhiên, trong cuộc đời Chúa Giêsu, biến cố thể hiện vương quyền của Người không gì khác chính là biến cố Người lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha trong vinh quang, khi đó: «Mọi quyền năng trên trời dưới đất đều được ban cho Thầy. Các con hãy đi giảng dạy muôn dân» (Mt 28,18). Đó là lời quả quyết của Chúa Kitô Phục Sinh trước khi sai các Tông Đồ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.
Đoạn sách Samuel trong bài đọc I, nhắc lại chuyện Ðavít đã trở thành vua Israel như thế nào. Nó cho chúng ta biết nguồn gốc Vương Quyền của Chúa Kitô vì chính Người vẫn được dân Cựu ước chờ đợi như là Con Vua Ðavít sẽ đến trị vì trên Dân Chúa. Bên cạnh đó, đoạn sách này còn cho chúng ta thấy một trường hợp làm vua rất đặc biệt. Câu chuyện Ðavít được công nhận làm Vua có nhiều yếu tố giúp chúng ta hiểu trường hợp làm Vua của Chúa Kitô.
Ông Vua mục tử Ðavít đầy nhân ái và đạo đức, đã là hình ảnh báo trước về vị Vua Thiên Sai sẽ đến cứu thoát và kiến tạo hạnh phúc cho dân Chúa. Cả hai đã được Thiên Chúa tuyển chọn, nhưng vương quyền của cả hai đều phải vào sinh ra tử cho dân, mới được dân công nhận. Không phải rồi sau đó cả hai vương quyền đều đã trị vì trên dân theo kiểu các quyền bính thế gian, nhưng vai trò của các người là bảo vệ bênh vực để dân Chúa được bình an và hạnh phúc. Vương quyền ấy là quan hệ giữa người với người hơn là biểu thị thanh thể chế chính trị. Đó không phải là một vương quốc như một vương quốc phàm trần được kiến tạo bằng những phương tiện chiến tranh, hay chiếm đoạt bằng sức mạnh bạo lực. Không, đó là một vương quốc được Đức Giêsu thiết lập một cách kỳ diệu bằng một hành động hy sinh cao cả trên thập giá, tột đỉnh của cuộc đời của Người trên trần gian để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Chúng ta ghi nhận những tư tưởng này để xem Ðức Kitô đã thể hiện hình ảnh báo trước về vương quốc của Người như thế nào?
1. Nước Ta không thuộc về thế gian này
Trong những lời đối thoại với ông Philatô, Đức Giêsu khẳng định một cách rõ ràng vương quyền của Người và nêu ra hai đặc trưng quan trọng của vương quyền đó, khác hẳn với quan niệm mà ông Philatô có thể có về vương quyền và sứ mệnh của các vị vua trên thế gian này. Vì vậy, khi Philatô hỏi Đức Giêsu: «Ông có phải là vua dân Dothái không?». Đức Giêsu trả lời: «Tôi là vua, nhưng không phải của nguời Dothái như ông hiểu, vì nước tôi không thuộc thế gian này» (Ga 18,33-36).
“Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Trước đây, khi tranh luận với người Pharisêu về lời chứng liên quan đến bản thân Người, Đức Giêsu đã từng nói: “Tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 8,23), trong ngữ cảnh đó, ta có thể hiểu cụm từ “thế gian này” được đề cập đến ở đây chính là hệ thống bất chính, một hệ thống đang áp đặt sự thống trị gian ác của nó trên con người, một hệ thống mà sự gắn kết với nó bị coi là tội lỗi. Đối ngược với hệ thống ấy, Đức Giêsu đến để phục vụ con người và từ khước việc người ta suy tôn mình (x. Ga 6,15). Trong tư cách là vua của “Nước không thuộc về thế gian này”, Đức Giêsu sẽ là Con Người bị giương cao lên, Đấng hiến ban mạng sống để cứu độ nhân loại. Nếu không thì: “Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người DoThái” (c.36b). Nhưng vì vương quyền của Đức Giêsu có nền tảng hoàn toàn khác: “Không thuộc chốn này” tức là “không thuộc về thế gian này”. Vương quyền của Người thuộc “thượng giới” chứ không phải “hạ giới” (x. Ga 8,23), tức là thuộc cảnh vực của Cha và của Thánh Thần. Đó là vương quyền mang lại sự sống (x. Ga 4,47.49) chứ không phải dẫn đến sự chết.
2. Vương quốc của sự thật
Khi đứng trước Philatô, người đại diện cho sự thẩm định của nhân loại, Đức Kitô nói rõ về vai trò đứng đầu một vương quốc của Người: «Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi» (Ga 14,6; 18,37)
Khi công bố “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”, Đức Kitô đã gián tiếp xưng mình là Đấng Cứu Thế vì chỉ có sự thật mới giải thoát con người, như Chúa đã nói với những người Dothái đã tin Người: «Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật»; và với các môn đệ, Người nói: «Sự thật sẽ giải thoát anh em» (Ga 8,32).
Vương quốc sự thật chính là nước của Người. Trong vương quốc ấy, Vua Giêsu đã làm chứng hùng hồn nhất về sự thật tình yêu Thiên Chúa, bằng cách chấp nhận cái chết để cho thấy mức độ Thiên Chúa yêu thương nhân loại: «Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người sẵn sàng thí mạng sống mình vì bạn hữu!» (Ga 15, 13). Trong vương quốc tình yêu, Vua Giêsu thiết lập một luật mới cho mọi công dân: «Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13, 34). Vua Giêsu đã liên kết, và đặt ngang hàng với nhau hai giới luật về yêu thương: mến Chúa và yêu người. Cuối cùng, ngay đến tòa án của Vua cũng là xét xử dựa trên tình yêu thương: «anh em làm điều tốt cho một người công dân hèn mọn nhất trong vương quốc của Ta là anh em làm cho chính Ta vậy» (Mt 25, 45).
3. Vương quốc của tình yêu thương phục vụ
Đức Gêsu là vua, nhưng Người không như những vua khác vốn làm vua để cai trị bằng quyền lực. Trái lại, Người là vị vua dùng tình thương để trị vì. Thật vậy, Người yêu thương mọi nguời, mọi con dân của Người như một mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì sự sống của đoàn chiên (x. Ga 10,11-16). Hiến pháp trong vương quốc của vua Giêsu dựa trên điểm duy nhất là Tình yêu thương phục vụ, bởi: «Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người» (Mc 10, 45).
Đức Giêsu đặt nền tảng cho giới răn yêu thương và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong ngày phán xét chung thẩm. Lúc bấy giờ Thiên Chúa chỉ xét theo tiêu chuẩn duy nhất ấy, đó là: «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13, 34).
Mừng lề Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn lên vua của chúng ta. Một vị vua không ngồi trên ngai vàng, nhưng trên thập giá. Một vị vua không cai trị bằng quyền lực, nhưng dựa trên tình yêu thương, phục vụ. Một vị vua không có lãnh thổ, nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người. Một vị vua chỉ biết dấn thân phục vụ.
Năm phụng vụ chấm dứt với chúa nhật hôm nay, mời gọi chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa cuộc đời. Là con dân của Nước Chúa, người tín hữu phải nỗ lực thực thi tình bác ái và xây đắp an bình, vì Nước Chúa là nước của bình an, nhân ái, chan hòa tình Chúa và tình người. Khi tuyên xưng Chúa là Vua, chúng ta cũng muốn thuộc trọn về Người, muốn làm thần dân trong Nước của Người. Đây cũng còn là dịp để chúng ta nhìn lại cuộc đời mình, gẫm suy về lòng trung thành của chúng ta với Chúa. Tấm “hộ chiếu” của vương quốc vĩnh cửu chính là đức tin sáng ngời, đức cậy vững vàng và đức mến nồng nàn. Vị Vua Công Chính và Hòa Bình sẽ nhận ra chúng ta, qua việc chúng ta thiện chí sống và thực thi những nhân đức này.
Quốc Vũ
~*~