TN-142-TUẦN XXI- Chúa Nhật
CHUNG SỐNG HOÀ BÌNH
(Gs 24,1-2a.15-17.18b / Ep 5,21-32/ Ga 6,54a.60-69)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Hôm qua, chúng ta đã suy niệm về việc “đến với nhau”. Đến với nhau có thể chỉ thoáng qua trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng có thể để chung sống với nhau. Khi chung sống, người ta dễ tiếp cận và đến với nhau nhiều hơn. Nếu việc chung sống là một sự kiện thuộc sinh vật, và ngay cả thực vật – vì ở cận kề nhau -, thì đối với con người, việc chung sống đòi hỏi phải có những điều kiện để việc sống chung đó mang lại lợi ích và sự phát triển về tình yêu thương và những giá trị của đời sống. Muốn đạt được điều đó, cần thiết phải có một bầu khí thích hợp mà tôi gọi là “hoà bình” hay “bình an”. Chỉ trong môi trường bình an, nhân loại chúng ta mới có thể tiến triển trong mọi lãnh vực. Một cộng đoàn mà bầu khí an bình, hoà bình, sẽ là một môi sinh thuận lợi cho sự sống phát sinh và triển nở.
Các bài đọc Lời Chúa của chúa nhật năm B tuần XXI mùa thường niên gợi cho tôi nhận ra một số yếu tố nền tảng của việc “CHUNG SỐNG HOÀ BÌNH”.
1. PHỤNG THỜ THIÊN CHÚA DUY NHẤT, NỀN TẢNG “CHUNG SỐNG HOÀ BÌNH”
Trong bài đọc một, trích sách Gio-suê chương 24 từ câu 1 đến 2a, từ câu 15 đến 17 và câu 18b, tác giả thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông Gio-suê và các chi tộc Ít-ra-en cùng với những người lãnh đạo từng chi tộc. Đây là đại hội Si-khem. Dân Ít-ra-en, sau khi đã toàn thắng các dân tộc cư ngụ tại Đất Hứa và trước khi mỗi chi tộc trở về vùng đất sở hữu, ông Gio-suê đã qui tụ họ tại Si-khem để định hướng cuộc sống cho dân tộc này trước khi phân tán trên các vùng đất khác nhau. Tất cả dân chúng đứng trước nhan Thiên Chúa. Ông Gio-suê nói với toàn dân: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ, hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người Ê-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa”. Ông Gio-suê muốn dân chúng được tự do trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Ông không áp đặt họ, nhưng ông nói lên xác tín của ông và chọn lựa của gia đình ông. Vậy đâu là phản ứng của dân chúng trước sự tự do chọn “Ai Đó” để phụng thờ?
Dân đáp lại: “Chúng tôi không có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác!” Rồi họ nhắc lại bao nhiêu dấu lại Đức Chúa đã thực hiện bên Ai-cập và suốt hành trình dẫn đến nơi đây. Cuối cùng, họ quyết định: “Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”
Những lời khẳng định của ông Gio-suê và dân Ít-ra-en về việc phụng thờ Đức Chúa là định hướng của dân tộc này, liên quan đến việc họ sẽ chung sống với nhau. Phụng thờ Đức Chúa là điều kiện căn bản của việc họ chung sống hoà bình với nhau. Thiên Chúa là nền tảng của sự chung sống bình an này. Trong lịch sử của họ, khi nào các thần ngoại bang – ba-an hay ngẫu tượng – xâm nhập vào, lúc đó sẽ chia rẽ và oán thù. Hôm nay, tại Si-khem, họ đã định hướng cuộc đời họ và vận mạng dân tộc họ: phụng thờ Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Chính việc phụng thờ Thiên Chúa duy nhất là nền tảng của sự chung sống hoà bình và là nơi thể hiện sự hiệp nhất giữa các chi tộc.
Điều này cũng nhắc cho chúng ta biết đâu là nền tảng và cơ sở để chúng ta chung sống với nhau, và chung sống hoà bình. Không những cho chúng ta biết mà còn thúc đẩy chúng ta phụng thờ Thiên Chúa của chúng ta một cách đúng như Người muốn, đồng thời cũng thúc bách chúng ta loan truyền Thiên Chúa cho những người chưa biết Người để cùng chúng ta phụng thờ Người và xây dựng một thế giới trong bình an. Khi chứng kiến những chia rẽ, hận thù, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải xây dựng những xã hội có sự hiện diện của Thiên Chúa để con người biết yêu mến và phụng thờ Người.
2. SỰ SỐNG CỦA CHÚA KI-TÔ XÂY DỰNG “CHUNG SỐNG HOÀ BÌNH”
Đối với xã hội, để chung sống hoà bình, cần phải có sự hiện diện của Thiên Chúa và những con người phụng thờ Thiên Chúa chân thật, một Thiên Chúa của bình an. Đối với Giáo Hội, các cộng đoàn Ki-tô, việc xây dựng chung sống hoà bình còn là một trong những nghĩa vụ lớn. Nhưng làm sao để có sức mạnh dựng xây này?
Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an chương 6 câu 54a và từ câu 60 đến 69, chúng ta như nhìn thấy những phản ứng qua lời nói và hành động của một số đông các môn đệ Chúa sau khi nghe Chúa nói đến bánh hằng sống và nhất là khẳng định của Chúa “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sự sống muôn đời”. Có những môn đệ bỏ Chúa và ra đi, không còn theo Người, vì họ cho rằng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi”. Chúa hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
Trong trích đoạn này, chúng ta nhận ra một từ quan trọng, đó là “sự sống”. Sự sống ở đây được tìm thấy nơi Thịt và Máu Chúa “Ai ăn thịt tôi và uống Máu tôi, thì được sự sống đời đời”; sự sống cũng được tìm thấy nơi Lời của Chúa “Thầy có những lời đem lại sự sống đời đời”. Như vậy, nơi Chúa Giê-su có sự sống đời đời và sự sống đó được đón nhận khi chúng ta “ăn” Thịt Chúa và Lời Chúa. Đó cũng là nơi mang lại sức sống cho việc chung sống hoà bình. Thật vậy, khi chúng ta đón nhận Chúa – qua Mình Thánh và Lời hằng sống của Người – là chúng ta sống mầu nhiệm thông hiệp trong cùng một Thân Thể; và sự sống của Chúa tràn lan trong toàn thân và trong từng chi thể. Đây là sự gắn kết. Đây là sự chung sống hoà bình.
Điều đó cho chúng ta sống mạnh mẽ hơn sự thông hiệp của Giáo Hội trong việc Bẻ Bánh Thánh Và Bánh Lời Chúa. Cộng đoàn Thánh Thể phải là cộng đoàn của hiệp nhất và bình an. Thánh Thể và Lời Chúa nuôi dưỡng sức sống cho việc chung sống hoà bình. Không có Chúa Ki-tô, không có sự sống của Người, một cộng đoàn Giáo Hội sẽ mất sức sống và đi đến chỗ chết. Điều đó khuyến khích chúng ta siêng năng đến với Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể, mà trong mỗi Thánh Lễ, qua Giáo Hội, Thiên Chúa dọn cho chúng ta. Chúng ta hãy tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi.
3. TÌNH YÊU HỖ TƯƠNG TĂNG TRIỂN “CHUNG SỐNG HOÀ BÌNH”
Chúng ta đã nói đến nền tảng và sự xây dựng việc “chung sống hoà bình”. Việc chung sống hòa bình không chỉ là một sự kiện, mà còn là chính sự sống cần được tăng triển. Sự tăng triển đến từ Thiên Chúa qua ân sủng Người ban. Nhưng, đồng thời cũng là nỗ lực về phía con người. Vậy đâu là nỗ lực chính yếu của con người để làm tăng triển chung sống hòa bình?
Trong bài đọc hai, trích thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh nhân khuyên nhủ vợ chồng yêu thương nhau. “Người làm vợ hãy phục tùng chồng như tùng phục Chúa… Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Chồng hãy yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình…”
Nếu trong đời sống hôn nhân, tình yêu là điều căn bản và quan trọng nhất, thì chính nhờ tình yêu mà hoà khí trong gia đình được nảy sinh và lan toả. Việc chung sống với nhau phải mang dấu ấn của sự chung sống hoà bình, trong bình an. Nếu trong phạm vi hôn nhân là thế, thì trong xã hội, điều đó cũng đúng, vì chính tình yêu hỗ tương giữa các thành phần xã hội cũng như Giáo Hội xây dựng và củng cố cũng như làm phát triển sự chung sống hoà bình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, với tư cách ki-tô hữu, xây dựng sự chung sống hoà bình ngay trong đơn vị nhỏ nhất là gia đình và rồi rộng lớn hơn trong các cộng đoàn, trong Giáo Hội và xã hội. Chính sự chung sống hoà bình làm cho phẩm giá con người được tôn trọng và phát triển. Mỗi chúng ta, không những là người thụ hưởng sự hoà bình, sự bình an trong cuộc sống chung với người khác, mà hơn thế nữa, mỗi chúng ta được mời gọi là “người xây dựng hoà bình” , vì chúng ta là con cái Thiên Chúa (x.Mt 5,9). Xin Chúa ban cho chúng ta, cho mọi người thiện chí trên thế giới này, “ƠN AN BÌNH”.