Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CN I MV – C: ĐƯỜNG ĐỜI ĐÔI NGẢ PHÂN LY: ĐỨC TGM GIUSE NGÔ QUANG KIỆT

Lời nói đầu

Tôi có chút ngần ngại khi khởi đầu tập sách này. Có quá nhiều sách suy niệm Lời Chúa rồi còn gì. Vả lại thấy bản thân mình chưa thực hiện được bao nhiêu. Hãy lo thực hành trước đã.

Nhưng khi thấy những sản phẩm chế biến từ củ sâm của người Hàn quốc tôi lại muốn bắt đầu. Người Hàn quốc thật biết cách đề cao củ sâm của họ. Nên họ ra công chế biến đủ mọi thứ sản phẩm. Sâm tươi. Sâm khô. Sâm ướp mật ong. Sâm củ. Sâm sắt lát. Kẹo sâm. Bánh sâm. Cao sâm. Trà sâm. Nước sâm. Rượu sâm. Kem mỹ phẩm sâm. Xà phòng sâm…

Lời Chúa quí giá vô cùng. Tại sao ta không ganh đua để có nhiều sản phẩm từ Lời Chúa. Để mỗi người ở mỗi nơi có sẵn mà sử dụng theo nhu cầu từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh của mình. Và để Lời Chúa bằng nhiều cách, nhiều đường, nhiều phương tiện, đi vào con người, giúp biến đổi đời sống.

Lời Chúa là tấm bánh. Nói đến bánh là nói đến công việc bếp núc có nhiều công đoạn rất tinh tế. Chất liệu tốt nhưng cũng phải biết chế biến. Tôi mong ước cống hiến cho bàn tiệc Lời Chúa tấm bánh thơm ngon nhất. Qua những công đoạn sau:

1.Tinh bột. Từ các bản văn Lời Chúa, chắt lọc và đưa ra ý tưởng chính, chủ đạo của mỗi bài.

2.Tinh luyện. Từ những ý tưởng chính của các bài Sách Thánh, Thánh vịnh, sẽ nhào luyện cho hoà hợp với nhau trong một chủ đề xuyên suốt. Đây là đỉnh cao của ẩm thực. Khi đói người ta cần ăn no. Khi đủ rồi cần ăn ngon. Khi ngon rồi phải ăn hài hoà để có đủ các chất cần thiết cho cơ thể.

3.Tinh chế. Có nhiều cách chế biến tuỳ khẩu vị. Cũng từng ấy nguyên liệu nhưng mỗi đầu bếp sẽ có cách riêng để chế biến, gia giảm cho phù hợp. Ở đây chỉ đề nghị một cách chế biến. Còn có nhiều cách chế biến khác. Ước mong mỗi người có một cách chế biến để tăng thêm sự phong phú và thích ứng với mỗi tầng lớp, mỗi địa phương, mỗi lớp tuổi và mỗi thời điểm.

4.Tinh hoa. Thức ăn ngon phải có chia sẻ. Ngon nhất là cùng thưởng thức với bạn bè. Vì trao đổi chia sẻ sẽ làm tăng hương vị tấm bánh. Chia sẻ giúp đào sâu. Sẽ phát lộ tinh hoa. Sẽ thêm thấm thía. Và xác tín.

5.Tinh lực. Thức ăn bổ dưỡng phải biến thành sức sống. Ý tưởng cần biến thành hành động.

Như vậy để Lời Chúa thành sức sống cần có năm công đoạn. Người chuẩn bị thực hành ba công đoạn Tinh bột, Tinh luyện và Tinh chế. Người sử dụng thực hành hai công đoạn Tinh hoa và Tinh lực. Tôi nhớ đến những ngày lễ hội ở miền quê nông nghiệp chúng ta. Mọi người cùng làm cùng ăn. Vui biết bao.

Thánh lễ Chúa nhật là lễ hội của Chúa. Chúng ta hãy cùng tham dự. Cùng vào bếp. Chúng ta nhất định chuẩn bị TẤM BÁNH TINH HẢO. Và sẽ cùng nhau thưởng thức trước sự chứng kiến của Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh, TẤM BÁNH TINH HẢO của chúng ta.

Soạn giả

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Chúa nhật I mùa Vọng 

ĐƯỜNG ĐỜI ĐÔI NGẢ PHÂN LY

 

I. TINH BỘT: Ý chính của các bài đọc

Gr 33,14-16

Một chồi non từ nhà Đavit xuất hiện. Khởi đầu một thời đại mới. Thiên Chúa ở với dân Người. Thời thái bình thịnh trị.

Tv 24

Xin nâng tâm hồn lên. Để đi theo đường Chúa dạy. Đường cứu độ và yêu thương.

1 Tx 3,12 – 4,2

Chúa sẽ quang lâm. Để xứng đáng đón tiếp Chúa ta phải sống và thăng tiến trong tình yêu. Yêu Chúa. Yêu tha nhân.

Lc 21,25-28.34-36

Thế gian sẽ qua đi. Những gì thuộc thế gian cũng sẽ qua đi. Con Người sẽ đến. Ai tỉnh thức và cầu nguyện sẽ hiên ngang ngẩng đầu. Ai chè chén say sưa sự đời sẽ khốn khổ. Vì sẽ bị tiêu tan cùng với thế gian.

II. TINH LUYỆN: Tổng hợp ý chính của các bài đọc

Thế giới cũ qua đi. Thế giới mới sẽ xuất hiện. Thời đại mới của Chúa. Của thái bình thịnh trị.

Ai thuộc về thế giới cũ sẽ tàn lụi. Ai thuộc về Chúa sẽ hân hoan đi vào thế giới mới của Chúa.

Muốn thuộc về Chúa ngay từ bây giờ phải sống đẹp lòng Chúa. Phải dứt bỏ thế gian. Đừng say mê sự đời. Phải hướng lòng lên Chúa. Mến Chúa và yêu tha nhân.

III. TINH CHẾ: Một bài đề nghị

Tục ngữ châu Phi nói: Một thân cây ngã xuống gây nhiều ồn ào hơn cả một cánh rừng đang mọc. Đó chính là ý nghĩa của Lời Chúa hôm nay.

Lời Chúa hôm nay trình bày hai thế giới.

Thế giới cũ đang qua đi. Thế giới mới đang tới. Thế giới cũ với tất cả những gì hoành tráng nhất, đẹp đẽ nhất, quyền lực nhất đang rung chuyển dữ dội báo hiệu ngày tan rã sụp đổ. Còn gì đẹp đẽ và vững bền hơn mặt trời, mặt trăng, và các vì sao. Còn gì mênh mông hơn biển cả. Còn gì mạnh mẽ hơn quyền lực trên các tầng trời. Thế nhưng đến thời đến buổi đều phải tiêu tan. Có sinh có diệt. Có khởi đầu có kết thúc. Càng lớn lao, hoành tráng, bề thế, thì kết cục càng gây ồn ào, đổ vỡ, khủng khiếp. Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về điều này : “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao..Biển gào sóng thét…quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển”.

Giữa lúc thế giới cũ sụp đổ kinh hoàng, xuất hiện thế giới mới. Nhẹ nhàng thanh thoát. Như một chồi non mơn mởn. Không ồn ào gây chú ý. Lặng lẽ âm thầm. Nhưng tràn đầy sức sống. Đó là điều Isaia đã loan báo từ nhiều thế kỷ trước: “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non”. Chồi non báo hiệu một thời đại mới. Một thế giới mới. Từ hoang tàn đổ nát xuất hiện sức sống mới. Vương quốc già nua cũ kỹ tàn lụi sụp đổ gây đau xót. Vương quốc tươi mới trẻ trung mọc lên khởi sắc đem lại niềm hi vọng mới. Vì Đấng ngự đến là Vua Công Chính. Sẽ giải thoát dân khỏi ách nô lệ. Sẽ đem đến an bình thịnh vượng.

Hai thế giới sẽ dẫn đến hai số phận.

Giữa buổi giao thời “thiên hạ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” Thiên Chúa là chủ lịch sử và chủ của thế giới. Đến kỳ hạn Người đến huỷ diệt thế giới cũ và thiết lập thế giới mới. Sẽ có thanh luyện. Sẽ có tuyển chọn. Thế giới bị tách đôi. Cũ và Mới. Diệt và Sinh. Tàn và Phát. Số phận con người bị cuốn vào hai thế giới ấy.

Sẽ là những số phận trái ngược. Ai chỉ biết sống cho thế gian, gắn bó với thế gian, sẽ cùng chịu số phận bị huỷ diệt với thế gian. Ai thuộc về Nước Trời, chỉ sống cho Chúa, sẽ được vào thế giới mới của Chúa.

Vì thế nhân loại sẽ có hai thái độ trái ngược. Những người sống cho thế gian sẽ tuyệt vọng “lo lắng hoang mang”. “Sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc”. Cả một thế giới hỗn loạn. Trời đất sụp đổ. Ý chí vụn vỡ hơn cả trời đất. Biển gào sóng thét. Linh hồn họ gào thét còn cuồng nộ hơn sóng biển. Trái lại những người sống cho Nước Trời vẫn an nhiên tự tại. Không gắn bó với thế gian. Nên khi thế gian sụp đổ lòng họ chẳng hề nao núng. Gắn bó với Chúa. Nên khi thấy Chúa đến lòng họ khôn xiết vui mừng. Vì thời thử thách đã qua đi. Chúa sẽ đến và thưởng công. Đưa họ vào vương quốc mới hưởng anh bình hạnh phúc với Chúa. Vì thế họ hân hoan vui mừng đón mừng Chúa đến. Như lời Chúa dạy: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

Để có thể đón mừng Chúa đến, ta phải có hai thái độ.

Trước cảnh kinh hoàng giao thời của hai thế giới và hai số phận hoàn toàn trái ngược, ta phải làm gì để thoát khỏi tàn lụi diệt vong. Để được vào thế giới mới hưởng hạnh phúc với Chúa. Chúa dạy ta phải thực hành hai điều. Đó là tỉnh thức và cầu nguyện: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.

Tỉnh thức là tránh xa con đường thế gian. Đừng để bị thế gian mê hoặc: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em”. Phải đề phòng vì xác thịt yếu đuối mà thế gian có sức quyến rũ rất mãnh liệt. Phải tỉnh thức vì ngày Chúa đến rất bất ngờ.

Tỉnh thức cũng là chuyên chăm thực hành giới luật của Chúa. Đó là luật yêu thương. Thế gian tranh giành hơn thua nên đưa đến thù hận ganh ghét. Phải tỉnh thức để yêu thương. Không chỉ yêu thương mà còn phải “tấn tới” trên đường yêu thương. Như lời thư Thessalonica dậy: “tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết.”

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên. Nâng tâm hồn lên là dứt bỏ được những ham muốn trần tục. Là vượt thoát khỏi những cám dỗ của xác thịt, thế gian. Là vươn lên tha thiết với những thực tại Nước Trời.

Trên hết cầu nguyện là nâng tâm hồn lên tới Chúa. Kết hợp với Chúa. Yêu mến Chúa. Tha thiết xin Chúa chỉ dạy để biết thánh ý Chúa. Và mau mắn thi hành. Như lời Thánh vịnh 24: “Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa”.

Hôm nay khởi đầu mùa Vọng. Lời Chúa cho ta hiểu ý nghĩa, mời gọi ta hãy có tâm tình thích hợp, và đề ra cho ta một chương trình sống mùa Vọng. Hãy thoát khỏi những ràng buộc thế gian. Hãy tỉnh giấc khỏi cơn mê xác thịt. Hãy vươn lên những giá trị cao thượng. Hãy cầu nguyện để được gặp và kết hợp với Chúa. Đó chính là một mùa Vọng thực sự ích lợi. Và ta sẽ được đón nhận dồi dào ân sủng. Đón nhận chính Chúa trong lễ Giáng Sinh.

IV. TINH HOA: Gợi ý xét mình và chia sẻ

1.Với những gì tôi đang sống, tôi thuộc về thế giới nào? Thế gian hay Nước Trời?

2.Nếu hôm nay thế gian này chấm dứt thái độ của tôi là thế nào? Tuyệt vọng hay hi vọng. Lo sợ hay vững tin?

3.Tôi đang bị thế gian ràng buộc ở điểm nào: chè chén say sưa? Mê đắm sự đời? Hưởng thụ khoái lạc? Giận hờn ghen ghét?

4.Tôi có chương trình cụ thể sống mùa Vọng không?

V. TINH LỰC: Thực hành Lời Chúa

1.Dứt bỏ một thói quen xấu: rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, game, chat, internet…

2.Dành thời giờ đọc Lời Chúa, cầu nguyện, làm việc bác ái.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...