Chủ nhật III mùa Chay C
CÁI NHÌN NỘI TÂM
(Lc 13, 1 – 9)
Mùa Chay là mùa sám hối. Sám hối là đổi mới tâm hồn. Muốn đổi mới tâm hồn, phải đổi mới cách nhìn về con người và cuộc đời, về bản thân và tha nhân. Hôm nay, Đức Giê-su dạy ta những cách nhìn thời cuộc và biến cố theo tinh thần của Người.
Thông thường, trước một biến cố, ta dễ có cái nhìn chính trị. Hôm nay, người ta thuật lại việc Phi-la-tô giết những người Do thái trong Đền thờ. Thời ấy, đế quốc Rô-ma đang thống trị nước Do thái. Phi-la-tô là viên tổng trấn của Rô-ma. Tường thuật biến cố đau thương này, người ta mong Đức Giê-su có cái nhìn chính trị, dấn thân vào chính trị. Người ta mong Đức Giê-su kết án Phi-la-tô. Không bàn chính trị, không làm chính trị, cho dù sau này Đức Giê-su vẫn bị kết án vì một tội chính trị. Không kết án Phi-la-tô, dù sau này chính Người bị viên tổng trấn này kết án.
Trước mọi biến cố, Đức Giê-su muốn ta có một cái nhìn tôn giáo, vượt lên trên lĩnh vực chính trị. Từ một câu hỏi thuộc bình diện chính trị, Đức Giê-su đã đưa ra một giải đáp thuộc bình diện tôn giáo. Từ một biến cố gây xôn xao dư luận, Đức Giê-su mời gọi ta hãy ăn năn sám hối. Từ cái chết của thể xác, Đức Giê-su hướng suy nghĩ ta tới cái chết của linh hồn: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó bị như vậy là vì họ tội lỗi hơn những người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”.
Đối với người khác, ta dễ có cái nhìn kết án. Khi gặp một người mù từ thuở mới sinh, người ta hỏi Đức Giê-su: “Đây là do tội nó hay tội của cha mẹ nó”? Gặp người phụ nữ phạm tội ngoại tình, người ta muốn kết án chị. Người ta có thói quen cho rằng thành công là ân huệ Chúa thưởng cho người đạo đức, còn tai hoạ là hình phạt Chúa dành cho kẻ tội lỗi.
Hôm nay, chứng kiến những nạn nhân bị thiệt mạng, những người tường thuật đều nghĩ rằng những nạn nhân ấy chết vì họ tội lỗi, còn tôi vô sự, điều đó chứng tỏ tôi vô tội. Đức Giê-su lên tiếng cảnh báo họ: Các ông cũng là kẻ tội lỗi. Nếu các ông không ăn năn hối cải, các ông sẽ chết thảm khốc hơn những nạn nhân kia nữa. Đức Giê-su dạy ta có cái nhìn bao dung. Nếu có phải xét đoán, hãy xét mình trước khi xét người. Nếu có phải lên án, hãy lên án chính bản thân mình trước khi lên án người khác: “Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt ngươi trước, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt anh em”. “Ai trong các ông vô tội hãy ném đá chị này trước đi”.
Sau cùng, ta thường có cái nhìn ảo tưởng. Ta xây dựng những chương trình to lớn, những tham vọng đổi mới xã hội. Đức Giê-su dạy ta hãy có cái nhìn thực tế: Đừng ảo tưởng với những chương trình to tát, lấp biển vá trời. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ bé. Đừng có ảo tưởng đổi mới xã hội, cải tạo thế giới. Trước hết, hãy đổi mới chính mình, cải tạo bản thân mình. Tục ngữ Trung quốc có câu: Nếu mỗi người trồng hoa trước cửa nhà mình, cả thế giới sẽ biến thành một vườn hoa đẹp. Đổi mới chính mình đó là góp phần vào đổi mới thế giới.
Với những bài học ấy, Đức Giê-su hướng ánh mắt ta lên cao, vượt thoát lĩnh vực tự nhiên để vươn tới lĩnh vực siêu nhiên. Với những bài học ấy, Đức Giê-su hướng cái nhìn của ta xuyên qua những lớp bì phu bên ngoài để soi chiếu vào chiều sâu nội tâm. Với những bài học ấy, Đức Giê-su hướng cái nhìn của ta ra khỏi những ảo tưởng, đối diện với thực tế bản thân để trước mỗi biến cố ta tự xét và đổi mới chính mình.
Lạy Chúa, xin đổi mới trái tim con. Amen
Gợi Ý Để Chia Sẻ
1- Trong các biến cố, bạn có tìm thấy ý Chúa không?
2- Bạn có nghĩ rằng hễ ai gặp may thì đó là người đạo đức, ai gặp tai nạn thì đó là người tội lỗi không?
3- Muốn đổi mới gia đình, xã hội, phải đổi mới bản thân trước. Bạn nghĩ sao về điều này?