CN VI PS – C
NIỀM VUI ĐƯỢC HIỆN HỮU TRONG ĐẤNG PHỤC SINH
Ga 14,23-29
Grégoire Phan, CSNQ
Trước khi mừng Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, Giáo Hội đặt chúng ta vào trong khung cảnh phụng vụ với những lời “di chúc” của Chúa Kitô Phục Sinh. Những từ biệt của Chúa là những lời khích lệ các Tông đồ, cũng như khích lệ chúng ta nhận ra giá trị đích thực khi chứng nghiệm sự hiện của Đấng Phục Sinh. Có Chúa là có niềm vui. Vì ở với Chúa Giêsu là Thiên đàng êm vui (Esse cum Jesu, dulsis paradisus). Tuy nhiên, nguy cơ chúng ta bị lôi kéo ra khỏi sự hiện hữu của Thiên Chúa, ra khỏi niềm vui đích thực khi bị đánh văng khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi những chiều gió đạo lý và những mưu mô của ma quỷ.
1. Bị tách ra khỏi niềm vui hiện hữu
Bài Tin Mừng là một lời mời gọi yêu thương, được ở lại trong tình yêu của Chúa và giữ lời của Chúa để có được sự bình an đích thực. Tuy nhiên, nếu không sống trong yêu thương, trong bình an của Chúa, chúng ta rước những gian truân, những buồn sầu và khổ đau vào lòng. Vì hiện diện là được kết nối, trở nên quà tặng, làm cho ý nghĩa được tròn đầy và là điều đẹp đẽ của con người. Thoát ra khỏi hiện hữu là điểm trừ, là đơn độc, là đơn côi. Hiện hữu là hiệp đoàn; hư vô là cái trống rỗng. Hiện hữu là chung phần, còn hư vô là tăm tối. Trong bài đọc I, thánh tông đồ cảnh cáo những người không sống truyền thống đức tín, không theo con đường của Chúa truyền dạy. Đó là “những kẻ gây xáo trộn”. Nơi con người ấy chỉ có hoang mang, vô trách nhiệm, chia rẽ và tăm tối. Đó là hình ảnh “Thiên Chúa ẩn mặt” (Tv 102, 3), vắng bóng Thiên Chúa. Đó là điều dẫn đến tình trạng bị Thiên Chúa lãng quên và xoá nhoà tên tuổi khỏi sự hiện hữu trước nhan Thiên Chúa. (x.Tv, 31, 23; 109, 15).
2. Niềm vui được hiện hữu
Trong ngày phục sinh, Chúa đã hiện ra với các tông đồ, các ông đã tràn đầy niềm vui vì Chúa hiện diện. Sự hiện diện ấy không còn bị lệ thuộc bởi thân xác của Chúa Giêsu nữa, nhưng các tông đồ và môn đệ nhận ra sự hiện diện ấy trong khi cùng nhau chia sẻ bữa tiệc của Chúa. Hơn thế nữa, niềm vui hiện diện ấy là hoa trái bình an mà Chúa trao ban cho các môn đệ. Sự hiện diện ấy là sự hiện diện quy tụ, sự hiện diện thiêng liêng và sự hiện diện của các thánh. Sự hiện diện này được diễn tả trong khung cảnh của đền thờ Giêrusalem Thiên Quốc trong bài đọc II của sách Khải Huyền. Nơi đền thánh Chúa, các cửa đều rộng mở ở tứ phía.Các cửa của đền thánh như một dấu chỉ biểu tượng quy tụ mọi con cái từ các hướng. Mọi người sẽ có lối để vào trong vinh quang Chúa. Thật vậy, thuộc về các chi tộc của Israel, là những người tin vào Thiên Chúa như tổ phụ Abraham, họ tiến vào thành thánh vinh quang. Chúng ta trở thành con cái của tổ Phụ Abraham, nếu chúng ta tin vào Thiên Chúa; Niềm tin ấy được đặt trên nền tảng là các tông đồ và các ngôn sứ. Vì chính Chúa Giêsu Kitô là cửa, là con chiên xoá tội và là thành thánh. Những ai đi qua cửa để vào trong đền Thánh Chúa sẽ được nhìn thấy tôn nhan Chúa trong niềm vui hoan lạc của Thánh Thần.
3. Đi vào trong hiện hữu
Theo Zundel diễn tả, con người được sinh vào đời trong sự quảng đại, vào yêu thương và vào một Đấng Hiện Diện làm cho con người được sung mãn. Sống sự hiện diện của Chúa, đính chặt chúng ta đi vào trong sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, để không cho những chiều kích đạo lý, những thói suy nghĩ tục hoá, những hành động tục hoá, những gì là chuyên quyền, chuyên chế, là vinh hoa trần thế lôi kéo chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Đi vào vinh quang Thiên Chúa là tình trạng “ở lại” trong tình yêu thương của Ngài. Sự ở lại, còn là một hành động kép đó là tuân giữ giới răn Chúa truyền. Sống giới răn Chúa là gieo bình an và yêu thương.
Điều nguy hại là có những quan niệm và sự hài lòng với về sự hiện diện của một Thiên Chúa giả tạo. Tâm hồn với những nguỵ tạo ấy “vương quyền là sự bảo đảm cho quyền bính và là bảo chứng của sự kiêu căng. Maurice Zundel muốn rằng, cần phải lột mặt nạ, quan niệm về kiểu Thiên Chúa theo cách nhìn trên. Kinh nghiệm của sự gặp gỡ Thiên Chúa hiện diện là sự giải thoát. Chính Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc của tội, của những đam mê, của danh vọng quyền lực. Évagre, một tác giả đan tu TK thứ 4 đã trình bày cho chúng ta về nhãn quan sự hiện diện của Thiên Chúa. Ngài nói đến hiện hữu ban đầu của “những trí tuệ thuần khiết”, qui tụ với nhau trong thế giới tinh thần, trong suốt trước ánh sáng thần linh. Để mà, sự hiện diện của chúng ta không còn là mối đe doạ tha nhân, nhưng là sự hiện diện bình an. Bài học được rút ra là những ngăn cách của tính ích kỷ, sự ghen tương và tính kiêu căng làm cho con người không hiện diện với nhau được. Đó cũng là thách đố của việc thiếu cảm thông, không hiểu nhau, và muốn áp đặt lối sống thống trị.
Xin Cho chúng ta được sống sự hiện diện của Thiên Chúa đích thực, để nhân vị chúng ta mang âm vang Thiên Chúa. Qua đó chúng ta thực sự cảm nhận được tình yêu hiện diện đích thực của Thiên Chúa. Ước gì môi miệng và tâm trí chúng ta luôn vang lên lời Thánh Vinh:“Ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !” ( Tv 15, 11). Xin Chúa cho chúng ta có cùng “nhịp tim lớn lao” của Thiên Chúa. Vì có sự hiện diện của Chúa là có biến đổi: từ xấu xí trở thành tốt đẹp, từ sần sùi, cũ kỹ thành nhẵn nhụi mới tinh. Vì sự hiện diện của Chúa mở lối cho con người đến cõi vô biên. Sự vô biên của gặp gỡ, của tình thân hữu; sự vô biên của đời sống vĩnh cửu. Xin cho sự hiện diện của chúng ta trong cộng đoàn này là chứng nhân, là định hướng đích thực chứ không phải là sự nguỵ tạo. Xin cho chúng ta sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa để biết định hướng cuộc đời theo khuôn mẫu Chúa Kitô.