Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CN XXVI TN NĂM A :HAI NẺO ĐƯỜNG

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN A
HAI NẺO ĐƯỜNG

                                                                                                                                             Đan Viện Phước Hải

Cuộc sống con người luôn kèm theo những lựa chọn, chọn trường để học, chọn bạn để chơi, chọn việc để làm, chọn nghề để sống, chọn bạn đời để đi cùng ta suốt kiếp người, chọn một lối sống theo phong cách của chính mình. Lựa chọn đúng sẽ làm ta thấy bình an, vui vẻ, hạnh phúc. Lựa chọn sai sẽ khiến ta phải hối hận, ưu phiền. Chúng ta cũng phải chọn cho mình một nẻo đường để đi.

1. Đường sống hay đường chết (Ed 18,25-28)
Nẻo đường dẫn tới sự sống hay cái chết là hai nẻo đường hoàn toàn khác nhau, nhưng không dễ gì để có sự lựa chọn hay quyết định đúng đắn mà không sai lầm. Đã hẳn, ai cũng biết, tuân theo luật tự nhiên của lương tâm đối với mọi người và sống theo luật Chúa đối với những tôn giáo độc thần như ta là con đường dẫn tới sự sống; nghịch lại luật lương tâm và luật Chúa thì dẫn tới cái chết. Tuy nhiên, không phải lương tâm của mọi người đều như nhau. Sự lựa chọn tốt hay xấu, đúng hay sai tùy thuộc lương tâm của ta có đủ sắc bén, ngay thẳng, nhạy cảm không, hay nó đã bị méo mó, mất răng, không còn khả năng để kiểm điểm, để nhắc nhở, để gặm nhấm tâm hồn ta nữa. Lúc này, Ta sẽ đưa ra những lý do, những lý lẽ biện minh cho những điều bất chính ta làm, hoặc cho những điều công chính ta có thể làm mà không chịu làm, như lời kẻ ác nói trong sách Edekiel: “Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng” (Ed 18,25), hoặc ta thấy nhan nhản trong cuộc sống kiểu nói: “người ta sao thì tôi vậy, người ta làm bậy thì tôi làm theo, cây ngả theo chiều gió, sóng trước đổ đâu thì sóng sau đổ đó, người ta nhũng lạm thì tôi hối lộ, người ta thuốc lá thì tôi rượu bia,…
Ranh giới giữa con đường sống và chết rất mong manh, không phải người công chính lúc nào cũng bon bon chạy trên con đường thẳng tắp mà tiến về quê trời. Đây không phải đường cao tốc, trải nhựa, rộng thênh thang hay trải thảm hồng êm đềm, và dễ đi. Nhưng lại là con đường hẹp, con đường của sự bỏ mình, sự khiêm hạ. Một con đường rất gồ ghề, đầy gai góc, đầy sói dữ, thử thách…(x. Mt 7,13-14; Lc 10,3) Nếu không có lòng can đảm và kiên trì thì “người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính…nó phải chết” (Ed 18,26). Và kẻ ác, nếu nhận ra điều bất chính mình làm mà biết hối hận, quay đầu về bờ, từ bỏ điều dữ họ làm, đồng thời biết thi hành điều chính trực công minh, thì sẽ cứu được mạng sống mình (x. Ed 18,27)

2. Đức Giêsu, hoa tiêu và Con Đường dẫn tới sự sống. (Pl 2,1-11)
Đoạn trích thư thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Philipphê, Phaolô đã chỉ cho ta bí quyết sống đời cộng đoàn, cũng là cách thức để đi con đường sống, đó là “liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta niềm an ủi, tình bác ái khích lệ chúng ta, chúng ta hiệp thông trong Thần Khí, sống thân tình và biết cảm thương nhau…hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau, Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, lấy lòng khiêm nhường và coi người khác hơn mình…đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (x. Pl 2,1-4). Thánh Phaolô đã tóm gọn giáo huấn của mình trong câu “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.” (Pl 1,5). Điều đó cũng tương tự như việc Ngài bảo ta hãy coi Đức Giêsu như tấm gương để soi cuộc đời mình vậy. Cha Biển Đức Thuận, Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia cũng thường dạy con cái mình, khi đọc kinh hãy xem Chúa Giêsu đọc như thế nào, khi làm việc, học tập, ăn cơm, đi ngủ cũng vậy…
Trong đoạn thư tiếp theo từ câu 6 đến câu 8, thánh Phaolô đã mô tả rất tuyệt vời về sự khiêm nhường, tự hạ của Đức Giêsu. Người vốn là Thiên Chúa mà trở thành phàm nhân, vốn giàu có lại trở nên khó nghèo, vốn là Trưởng Tử lại hoá thân làm nô lệ, vốn là ông chủ mà trở thành đầy tớ. Chúa Giêsu đã đã tự hạ xuống hàng ngũ những kẻ bị khinh rẻ nhất (x. Chú giải Thánh Kinh Pl 2,1 cuốn Lời Chúa cho mọi người do nhóm phiên dịch CGKPV thực hiện). Khi theo dõi sự chuyển động mà đoạn văn mô tả mà thánh tông đồ đã sử dụng để diễn tả sự hạ mình của Đức Giêsu, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và khâm phục Đức Giêsu. Từ Tạo Hoá, Ngài hạ mình xuống thành thọ tạo, bước chuyển động rất lớn từ vĩ mô thành vi mô. Từ địa vị Thiên Chúa uy nghi cao cả, quyền năng vô hạn, Ngài chấp nhận hạ mình xuống kiếp thọ tạo bé nhỏ, thấp hèn, giới hạn. Hơn thế nữa, giữa muôn loại thọ tạo, Ngài hạ thân làm người, thua kém cả các thiên thần và các thần linh (x. Dt 2,7). Trong hàng ngũ con cái loài người, Ngài không chọn một gia đình giàu có, uy thế, danh gia vọng tộc mà lại chọn làm con của hai vợ chồng nghèo Giuse và Maria vô danh tiểu tốt, chẳng có gì tiếng tăm cả. Đã thế “Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Đấng vô tội lại tự hạ xuống hàng tội nhân, chấp nhận cái chết nhục nhã, đau đớn, trần trụi. Đây là bản án nặng nề,ô nhục nhất lúc bấy giờ, mà đế quốc Rôma dành cho phạm nhân. Quả là Ngài đã từ vô cực trên cao mà hạ xuống cùng cực tận cõi đất. Tôi chưa thấy sự hạ mình nào đến thế. Tôi cảm thấy xúc động trước tình yêu vô lượng của Thiên Chúa, không con người nào có thể sánh nổi!
Đức Giêsu như một cái thang dây, Thiên Chúa ném xuống đất để kéo con cái loài người lên cùng với Ngài vì Ngài biết rằng, tự sức nó chẳng thể nào đi lên được nếu Ngài không cho Con một của mình xuống cứu nó lên. Sở dĩ Đức Giêsu sẵn sàng vâng lời Chúa Cha đến tột cùng như vậy vì Ngài hiểu rõ tấm lòng và tình yêu của Chúa Cha, Ngài yêu con người nên muốn để con mình xuống chịu chết để cứu nó và cùng với nó hưởng phúc vinh quang. Sự vâng phục của Ngài không phải là sự vâng phục bi đát dẫn tới tuyệt vọng, nhưng chứa chan niềm hi vọng. Cái chết của Ngài không phải cái chết vĩnh viễn mà là cái chết dẫn đến sự phục sinh. Những đau khổ, thất bại, ô nhục Ngài trải qua không phải là dấu chấm hết, tận cùng nhưng là khởi điểm cho vinh quang bất diệt. “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu…và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 9-10). Sự chuyển động của sự tự hạ này giống như sự chuyển động của trái bóng rổ, cầu thủ (Chúa Cha) đập trái bóng (Chúa Con) xuống đất càng mạnh, càng thấp bao nhiêu thì nó sẽ càng nảy lên cao và mạnh bấy nhiêu. Chúng ta nhớ lời Đức Giêsu đã dạy trong khi Ngài rao giảng: “Hễ ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên.” (Mt 23,12). Ngài giảng dạy, và trước khi dạy người khác, chính Ngài đã sống trước điều đó, vì lời nói thì lung lay mà gương bày thì lôi kéo. Nếu người ta nói Đức Phật là ngón tay chỉ mặt trăng, hay là người chỉ lối cho người ta con đường giải thoát, diệt khổ để vào cõi Niết Bàn, thì Đức Giêsu vừa là hoa tiêu, vừa là chính Con Đường dẫn tới ơn cứu độ như chính Ngài đã thừa nhận: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Vậy bạn còn chần chừ gì mà không mau theo Người?

3.Người tội lỗi và nẻo đường sống, người công chính và nẻo đường chết. (Mt 21,28-32)
Chúng ta cứ nghĩ rằng con đường sống và con đường chết phải là hai con đường độc lập, không dính dáng gì đến nhau, có khi còn là hai con đường song song, không bao giờ tiếp xúc hay gặp nhau. Vì đường rộng và đường hẹp phải là hai con đường khác nhau chứ ?…Tuy nhiên, khi đọc đoạn Tin Mừng này, tôi lại có suy nghĩ khác. Rất có thể nó là một con đường, có tên là Đường Đời, nhưng lại có hai nẻo đường, hai điểm đến khác nhau, hay nói cách khác là đường hai chiều, một chiều đi xuống và một chiều đi lên, đi ngược con đường này thì sẽ là đi con đường kia. Đường đi lên hẹp thì giống như nước muốn bơm từ dưới đi lên cao phải dùng ống nhỏ, ống hẹp, ống càng nhỏ càng hẹp bao nhiêu thì sức đi lên càng mạnh bấy nhiêu; ngược lại, nếu dùng ống to, rộng thì sức nước truyền lên sẽ yếu, và muốn truyền nước xuống dưới thì ta nên dùng ống to, càng to thì sức đi xuống càng mạnh bấy nhiêu. Cũng vậy, người tội lỗi càng đi đường rộng bao nhiêu, họ càng trượt dốc nhanh bấy nhiêu.
Đường rộng rãi thênh thang là con đường của sự dễ dãi, buông theo tính yếu đuối tự nhiên của con người, là thoả mãn các dục vọng, nuông chiều mọi nết xấu, là con đường xuôi theo dòng chảy cuộc đời, vì thế nó đi rất nhanh và chỉ xuống dốc chứ không bao giờ đi lên, kẻ tội lỗi thường thích đi con đường này. Đây là con đường đi ngược lại luật Chúa và lương tâm, kẻ tội lỗi như người con thứ nhất mà người cha gọi anh đi làm vườn nho cho ông, nó đáp: “Con không muốn”. Đây là nẻo đường rộng mà một con người đang đi, một khi nó còn chiều theo tính ấu trĩ trẻ con của mình, thích sự tự do, phóng túng, lười lĩnh… thì nó đang xa cha của nó, dần tụt dốc và dẫn tới cõi chết, nó đang đi đoạn đường chết. Nhưng một khi nó nhận ra sai lầm của mình, thức tỉnh và ý thức mình đang dần xa người cha, đang đau khổ, thiếu thốn vì sống xa cha, đang làm người cha buồn và muốn quay đầu lại như người con hoang đàng trở về cùng cha. Thì chính tại điểm này, ta gọi đó là điểm Hối Hận, là bước ngoặt, giao điểm giữa nẻo sống và nẻo chết. Chính tại điểm này, nếu người ta dứt khoát nghe theo tiếng thúc dục của Thần Khí mà trở lại thì người đó đã bắt đầu bước vào nẻo sống. Tuy nhiên, nếu người đó vẫn bị giằng co, chần chừ do dự, còn nuối tiếc, nghe theo lời dụ dỗ của Tà Thần thì vẫn còn đang ở nẻo chết. Như vậy ta mới nói, ranh giới giữa nẻo sống và chết thật mong manh làm sao!
Chính bởi bản chất yếu đuối của con người, và những lời dụ dỗ thì quá ngọt ngào, bùi tai, thủ lãnh thế gian lại quá quỷ quyệt, ranh mãnh, nên con cái loài người rất dễ phạm tội. Mà Thiên Chúa thì lại luôn yêu thương, không muốn cho ai phải hư mất mà được sống muôn đời. Nên Ngài hằng tha thiết và không ngớt kêu gọi họ ăn năn trở lại cùng Ngài “Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi ăn năn hối cải” (Lc 5,32).
Nhưng vấn đề không chỉ có thế. Ở đoạn Tin Mừng này cũng như trong đoạn trích sách Edêkiel ở trên. Thiên Chúa đã đau buồn khi chỉ cho ta thấy một vấn nạn, đó là có những người công chính lại từ bỏ lối sống công chính để làm điều bất chính, hoặc đi ngược lại Lời Chúa và các giới răn của Ngài (x. Ed 18,26; Mt 21,30). Điều tệ hại ở chỗ, họ tưởng mình đang phụng sự Thiên Chúa, nhưng thực ra đang xa Ngài mà không biết. Điều này dễ xảy ra nơi các chức sắc tôn giáo, những người quyền thế và nơi hàng ngũ tu sĩ, những người con ưu tuyển của Thiên Chúa, những người dần biến chất mặc dù không có phạm lỗi nào to tát, công khai nhưng chỉ đơn giản do lơ là đời sống thiêng liêng, dần bị tục hoá, chạy theo thói đời, họ giết các ngôn sứ mà tưởng đâu mình đang phụng sự Thiên Chúa (x.Ga 16,2). Sai lầm họ mắc phải chính là do lòng tự phụ, kiêu ngạo và ảo tưởng về bản thân, thay vì làm mọi sự để danh Chúa được vinh quang thì họ lại tìm cách để đánh bóng chính bản thân mình…Chính vì thế Đức Giêsu phải lên tiếng nặng lời với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng, những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông vì họ đã tin ông Gioan nên hối hận ăn năn còn các ông lại không tin (x. Mt 21,31-32).
Do đó, những người tưởng chừng đang chạy nhanh trên nẻo công chính, lại chạy vào nẻo gian tà. Nên thánh Phaolô tông đồ mới nói “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12).
Cuộc đời như nước thuỷ triều
Lúc lên, lúc xuống, lúc vào lúc ra
Ai ơi, hãy giữ lòng ta
Nẻo đường công chính, đường tà chớ theo!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...