Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 27 thường niên Năm A
Dụ ngôn những tá điền độc ác – Giải pháp của Thiên Chúa và giải pháp của con người
(Mt 21,33-43.45-45)
Fm Gioan Vianey – Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn
Một trong những xung đột căn bản và thường xuyên của con người là xung đột trong tương quan chủ tớ. Sự xung đột ấy thông thường bắt nguồn từ tính tham lam, ích kỷ, độc ác … của ông chủ hơn là sự ngang bướng, lộng hành … của đầy tớ, của tá điền. Thế nhưng dụ ngôn của Đức Giêsu đã ghi nhận sự kiện xảy ra theo tiến trình ngược lại với nguyên nhân thông thường đó, nghĩa là Đức Giêsu đã trình bày gương mặt và cách hành xử của ông chủ với một lòng tốt và một sự kiên nhẫn tột cùng. Một ông chủ tốt và kiên nhẫn như vậy, người ta sẽ chẳng tìm đâu được ngoại trừ trong Thiên Chúa, bởi Đức Giêsu đã minh nhiên gọi ‘ông chủ’ ấy là Thiên Chúa (x. Mt 21,43).
Với lòng tốt và sự bao dung vốn có, Thiên Chúa đã làm mọi sự và mọi việc để trang bị hay làm đẹp vườn nho của Ngài. Ngài rào giậu chung quanh vườn. Ngài khoét đất làm bồn đạp nho và xây tháp canh trong vườn rồi mới cho tá điền thuê để canh tác. Điều đó chứng tỏ rằng chương trình và dự định của Ngài khác hẳn với chương trình và dự định của những ông chủ khác.
Thật vậy, một ông chủ làm kinh tế sẽ luôn đặt ưu tiên về lợi nhuận lên hàng đầu, cho dù với bối cảnh khoa học tiến bộ như ngày nay, khi đã xuất hiện nhiều ông chủ bước vào làm kinh tế với phương châm là giúp đỡ và tạo công ăn việc làm cho người nghèo.
Các ông chủ này có thể thương người nhưng dù có tốt đến mấy, ông cũng phải tìm mọi cách để xoay cho đồng vốn của mình được sinh lời, bởi chỉ có như vậy, ông mới cưu mang được nhân công của ông. Vì vậy mà nhân công của ông có thể là những người yếu kém, ít học nhưng chắc chắn những người quản lý, những người điều hành đồng vốn của ông phải là những người tài giỏi, trung tín, trung thành, có khả năng gìn giữ và làm lợi những đồng vốn của ông.
Với lòng tốt sẵn có, công nhân của ông có thể tìm đến với ông hay ông cũng có thể lặn lội tìm kiếm để đưa họ vào làm việc cho ông nhưng chắc chắn, ông sẽ không dám liều lĩnh, không dám đánh đổi hoặc không dám đánh cuộc bằng chính mạng sống của con trai ông với những công nhân, với những tá điền độc ác, ngang ngược của ông như ông chủ vườn nho trong dụ ngôn đã làm.
Rồi cũng có thể những thất bại may rủi sẽ buộc ông phải tính đến nhiều phương cách làm lợi khác nhau nhưng chắc chắn ông cũng không đủ kiên nhẫn hoặc đủ sự ‘lì lợm’ để tỉ thí mạng sống của hết những gia nhân trung tín, trung thành với ông trước những người tá điền tham lam, mưu mô như ông chủ vườn nho trong dụ ngôn của Đức Giêsu.
Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn sẽ còn phải chịu đựng những tá điền ngỗ nghịch khi họ ‘xúc phạm’ đến tư cách chủ nhân của ông. Ông mời gọi các tá điền vào làm vườn nho nhưng những tá điền này đã phủ nhận tư cách chủ nhân của ông. Họ cho rằng chủ nhân của họ không phải là người đã cưu mang, đã tạo việc làm cho họ mà là chính lòng tham của họ.
Vì tham lam của cải mà họ đã sẵn sàng cướp của để tiếm quyền của ông chủ vườn nho. Không những họ muốn của cải của chủ vườn phải thuộc về họ mà còn muốn hủy diệt cả danh dự và niềm hy vọng của ông chủ khi sẵn sàng hiệp lòng, hiệp lực với nhau để giết hại cả người con trai duy nhất của ông. Dã tâm và tội ác của họ được tỏ hiện ở chỗ đó và hình phạt dành cho họ cũng tùy vào đó.
Nếu làm tốt công việc của mình thì họ có quyền xin ông chủ thưởng chứ không có quyền lạm dụng lòng tốt của ông để làm càn hay làm bậy. Nếu bê trễ, cẩu thả, phá tán tài sản của ông chủ thì họ sẽ phải chịu đòn, chịu phạt xứng với lỗi lầm của họ. Nếu ông chủ có đối xử với họ như vậy thì đó cũng là lẽ đương nhiên, là lẽ công bằng mà họ không có quyền oán trách. Hơn nữa, trong tư cách là chủ, ông có quyền đòi họ phải trả hoa lợi cho ông vì đó là điều phải lẽ, là đúng luật, là sòng phẳng. Nói tắt là, những tá điền của ông không có lý do gì để phàn nàn hay đối xử tệ với ông như những việc làm của họ mà dụ ngôn đã nêu ra.
Tuy nhiên, cái hay và điểm nhấn của dụ ngôn không ở chỗ Đức Giêsu đã mô tả thái độ và cách cư xử của ông chủ hay những tá điền của ông mà điểm nhấn lại nằm trong chính câu trả lời của các Thượng Tế và Kỳ Mục trong dân Do Thái. Đức Giêsu kể dụ ngôn cho họ nhưng Ngài không đưa ra giải pháp mà lại để cho chính họ đưa ra giải pháp.
Họ trả lời đúng theo thuận lý của sự việc nên chứng tỏ họ đã hiểu được điều Đức Giêsu muốn nói hay muốn ám chỉ trong dụ ngôn. Giống như ông chủ vườn nho, tuy Đức Giêsu đã giúp họ trả lời đúng để họ nhận ra được vị thế và tình cảnh của họ nhưng Ngài không muốn họ chỉ dừng lại đó mà còn muốn họ cũng nhìn ra được sứ vụ và vai trò của Ngài.
Ngài là tảng đá bị họ loại bỏ nhưng sẽ trở thành tảng đá góc tường của một ngôi nhà khác. Tảng đá ấy không xấu, không dở, bởi nếu dở, nếu xấu thì làm sao nó có thể trở thành đá góc tường nối hai vách nhà lại được. Có chăng ở đây là do những người thợ xây chưa nhìn thấy hoặc chưa khám phá ra giá trị của tảng đá. Tảng đá góc đã chấp nhận ẩn mình và chôn vùi sâu vào trong lòng đất để cho tòa nhà được chắc và được vững. Bởi đó, nếu chúng ta là những viên đá sống động xây trên đá tảng là chính Đức Kitô thì Ngài cũng có quyền đòi chúng ta hoặc muốn chúng ta phải là những viên đá đẹp hay là những viên đá chắc.
Tiêu chuẩn đẹp và chắc của tòa nhà không là nguyên nhân hạn chế sự lớn rộng của tòa nhà. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là phải làm cho diện tích tòa nhà Giáo Hội của Đức Kitô được mở rộng thêm mỗi ngày, bằng cách nối kết những viên gạch khác lại với chúng ta; những viên gạch ở bên dưới, ở phía trên, ở hai bên. Hơn nữa, nếu vì để tòa nhà được chắc, được đẹp mà người thợ xây muốn chúng ta phải ở vị trí ẩn khuất, thấp kém thì chúng ta cứ vui vẻ sống trọn nhiệm vụ của mình hoặc ở đúng vị trí của mình.
Hãy là những tá điền siêng năng và phục tùng quyền chủ nhân ông của Thiên Chúa và tin tưởng chắc chắn rằng: Được làm công cho một ông chủ tốt là một ân huệ vì chúng ta sẽ không bao giờ bị mất phần thưởng hoặc bị mất phần công đâu.