TN-208-TUẦN XXX-thứ Tư
CÔNG CHÍNH VÀ BẤT CHÍNH
(Rm 8,26-30 / Lc 13,22-30)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng như Tân Ước, hai con đường “CÔNG CHÍNH và BẤT CHÍNH”, thường được đề cập song song với nhau, để nêu bật sự khác biệt, cũng như hậu quả của hai hạng người – chính nhân và ác nhân – với hai chọn lựa đời sống đối nghich nhau. Ngay trong thánh vịnh đầu tiên, vịnh gia đã đề cập đến hai con đường này:
“Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày. Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
Ác nhân đâu được vậy: chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững, quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân.
Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong” (Tv 1: Hai con đường).
Hai bài đọc hôm nay, thư Rô-ma chương 8 từ câu 26 đến 30 và Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 6 từ câu 22 đến 30, nêu lên sự công chính và người bất chính. Suy niệm về “CÔNG CHÍNH và BẤT CHÍNH” dẫn mỗi chúng ta đến cuộc sống cụ thể với tư cách Ki-tô hữu.
1. THIÊN CHÚA, ĐẤNG LÀM CON NGƯỜI NÊN CÔNG CHÍNH
Thánh Phao-lô, trong trích đoạn thư Rô-ma hôm nay, đề cập đến một yếu tố rất quan trọng trong đời sống con người, và trở thành một thuật ngữ Ki-tô giáo, đó là “tiền định”. Phải chăng tiền định là một quyết định từ xa xưa – từ muôn đời – về số phận của một ai đó, và đó sẽ là một số phận không thể thay đổi được? Có thể nói đến chuyện tiền định ai đó phải sa hoả ngục không? Và nếu như vậy, đâu cần gì đến ơn sủng của Thiên Chúa và sự cố gắng về phía con người! Nếu số phận không thay đổi được – vì tiền định bất di bất dịch – thì đâu là hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ? Nếu tiền định là như vậy, thôi thì cứ buông theo số phận: hoặc cứ sống phóng túng, tội lỗi, vì rằng số phận mình đã được tiền định “lên thiên đàng”, đâu có gì phải sợ! Hoặc sống trong than khóc, thất vọng ê chề, vì biết mình đã bị tiền định “phải hư mất muôn đời” rồi! Thật là sai lạc một quan niệm như thế. Quan niệm này hoàn toàn trái ngược với giáo lý của Chúa, của Giáo Hội. Thiên Chúa không bao giờ tiền định cho ai phải hư mất, phải “mất linh hồn, sa hoả ngục đời đời”. Vả lại, ý định của Thiên Chúa, nào ai biết được, vì luôn mang tính nhiệm mầu: “Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Người? Ai đã làm cố vấn cho Người? (x.Rm 11, 33-34).
Trong trích đoạn thư Rô-ma, thánh Phao-lô ngỏ lời với các Ki-tô hữu. Những gì ngài viết sau đây là dành cho họ. Và không được hiểu là loại trừ những người khác, không phải là Ki-tô hữu. Ngài nêu lên cả một chương trình yêu thương, một dự phóng tươi sáng mà Thiên Chúa dành cho họ: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa đã làm mọi sự đều sinh lợi cho những ai yêu mến Người, tức là những kẻ được người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang”.
Cần nhắc lại là những điều trên, thánh Phao-lô viết cho các Ki-tô hữu Rô-ma – và đương nhiên cho các Ki-tô hữu mọi thời – và cần được nhìn và hiểu trong ngữ cảnh này. Những động từ được sử dụng để diễn tả chuỗi hoạt động của Thiên Chúa cho các Ki-tô hữu. Mọi Ki-tô hữu đã được Người “biết từ trước” với định hướng – tiền định – là để họ “nên giống Con của Người. Những người đã được định hướng đó thì Người “kêu gọi”, làm cho họ “nên công chính”, và cuối cùng là cho họ “hưởng phúc vinh quang”. Nơi đây, chúng ta khám phá ra tình yêu lớn lao mà Thiên Chúa yêu thương chúng ta, bằng việc hoạch định cả một chương trình tuyệt vời tràn đầy ân phúc. Chúng ta là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa, trong Chúa Ki-tô, nhờ Chúa Thánh Thần, đã thực hiện tất cả những gì cần thiết để chúng ta được ơn cứu độ: từ muôn đời Thiên Chúa biết chúng ta để chúng ta được hưởng phúc vinh quang đời đời với Thiên Chúa Ba Ngôi. Còn gì hạnh phúc hơn! Thiên Chúa “tiền định” cho chúng ta hạnh phúc. Nơi Người không bao giờ có thứ tiền định để bất hạnh. Không bao giờ! Thiên Chúa của chúng ta là tình yêu (x.1Ga 4,8).
Câu hỏi được đặt ra: nếu Thiên Chúa “tiền định” cho chúng ta hưởng phúc vinh quang, thì tại sao lại có trường hợp những người bị đưa đến nơi “khóc lóc nghiến răng?”
2. CÚT CHO KHUẤT MẮT TA, HỠI QUÂN LÀM ĐIỀU BẤT CHÍNH
Trong trích đoạn Tin Mừng, Chúa Giê-su đã dùng một câu chuyện để đề cập đến trường hợp những không được hưởng phúc vinh quang, không được tham dự vào hạnh phúc của Thiên Chúa. Họ là những người đến khi cửa đã khoá và xin được vào: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!” Nhưng ông chủ nói là không biết họ từ đâu đến. Họ mới thưa: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.” Những điều họ nói minh chứng rằng họ biết rõ ông chủ – nghĩa là chính Thiên Chúa, vì ông chủ đây là hình ảnh Thiên Chúa.
Áp dụng lời đó trong ngữ cảnh đang được bàn đến, chúng ta có thể nói họ là những Ki-tô hữu, vì họ đã biết rõ Chúa Giê-su Ki-tô, được nghe Lời Chúa, được dự bàn tiệc Thánh Thể… Nhưng ông chủ sẽ đáp: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính”. Như vậy, chính họ tạo nên cho chính mình sự kết án. Họ bị đuổi ra ngoài, nơi “khóc lóc nghiến răng”, vì họ đã làm những điều bất chính. Thiên Chúa đã làm cho họ nên công chính với ân sủng của Người, đã định cho họ hưởng phúc vinh quang; nhưng họ đã chọn con đường hư mất, do chính họ chủ động đi vào. Đó là con đường bất chính, con đường ngoan cố trong tội lỗi, con đường rộng thênh thang dẫn đến sự hư mất. Như vậy, trách nhiệm của sự hư mất đời đời, không phải do Thiên Chúa tiền định, mà do con người quyết định. Đó là tự do tự quyết của con người. Vì vậy, không thể trách Thiên Chúa đã để cho mình sống trong tội lỗi, đã tiền định cho mình sống trong tội lỗi. Trái lại, nếu đã trượt trên con đường hư mất, hãy trở lại “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”, vì cửa này dẫn đến hạnh phúc viên mãn, phúc vinh quang muôn đời. Mỗi người chúng ta hãy tự quyết cuộc sống mình theo hướng nào, và hướng đó là số phận chúng ta dành cho chính mình.
3. THIÊN HẠ SẼ ĐẾN DỰ TIỆC TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA
Những điều trên kia đề cập đến các Ki-tô hữu, đến chính chúng ta. Chúng ta đã hiểu rằng Thiên Chúa muốn chúng ta được cứu độ và hưởng phúc vinh quang. Trong Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Chúa Thánh Thần, Người đã ban cho chúng ta mọi ơn sủng và ân huệ cần thiết. Chúng ta, dù yếu đuối, nếu đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chu toàn những điều Chúa Giê-su dạy qua Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội, chắc chắn chúng ta đạt đến ơn cứu độ, đạt đến bến bờ chờ mong. Đó là phần chúng ta. Còn những anh chị em không là Ki-tô hữu thì sao? Số phận họ thế nào?
Chúng ta không phải là Thiên Chúa để phán quyết về các anh chị em này. Nhưng lời Chúa Giê-su nói trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay mở cho chúng ta một ánh nhìn rất lạc quan, phấn khởi và đầy mầu hồng: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Thiên Chúa, trong Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Chúa Thánh Thần, có cách để đưa mọi người đến hạnh phúc trong Nước của Người. Bằng cách nào và khi nào: chỉ có Thiên Chúa biết. Phần chúng ta, một khi đã được Thiên Chúa làm cho nên công chính, chúng ta hãy đáp lại bằng một đời sống xứng với ơn công chính đó; để qua đời sống, lời nói và hành động, chúng ta là chứng nhân của Thiên Chúa yêu thương, Đấng muốn mọi người được ơn cứu độ và hưởng phúc vinh quang.