Thứ bảy, 5 Tháng mười, 2024

CỘNG ĐOÀN AN PHƯỚC – TĨNH TÂM THÁNG 9-2015 – BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY “ĐIỀU LỰA CHỌN”

 
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY “ĐIỀU LỰA CHỌN”
 
Fr. M. FranÇois De Sales O.Cist.
gợi ý.
 
 
Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ (Gc 1, 17. 21b-22 ;2,1).
Anh em thân mến,
1,17 Thiên Chúa đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.
1,21b Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. 1,22 Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
2,1 Anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta, anh em đừng thiên vị.
 
Truyện kể :
Ở một khu rừng xa xôi nọ có một hươu mẹ chuẩn bị sinh hươu con. Nó tìm được một đồng cỏ cạnh một dòng sông, chầm chậm đi lại phía đó và nghĩ rằng đây là nơi an toàn để sinh nở.
Khi đang bước đi, hươu mẹ cảm thấy đã đến lúc hươu con đòi ra. Cùng lúc đó, mây đen kéo đến, sấm sét nổi lên khiến khu rừng gần đó bốc cháy. Rẽ trái thì hươu mẹ sẽ gặp một tay thợ săn đang giương cung từ xa. Rẽ phải thì thấy một con sư tử đói đang tiến lại gần.
Trong tình huống này, có lẽ bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra cho hươu mẹ đây : Nào là hươu mẹ phải làm gì để có thể sinh hươu con an toàn ? Hươu mẹ sẽ bị đốt cháy bởi đám cháy ở khu rừng ? Hươu mẹ sẽ rẽ trái, rẽ phải, tiến về phía trước hay lùi về phía sau ?Khi đang bước đi, hươu mẹ cảm thấy đã đến lúc hươu con đòi ra. Cùng lúc đó, mây đen kéo đến, sấm sét nổi lên khiến khu rừng gần đó bốc cháy. Rẽ trái thì hươu mẹ sẽ gặp một tay thợ săn đang giương cung từ xa. Rẽ phải thì thấy một con sư tử đói đang tiến lại gần.
Nhưng có lẽ câu trả lời đúng nhất là : Hươu mẹ chẳng làm gì cả, mà chỉ tập trung vào việc chuẩn bị sinh ra hươu con sao cho an toàn nhất.
Chuỗi sự việc này xảy ra như sau : Trong giây phút sấm sét nổi lên làm cháy khu rừng, người thợ săn cũng bị sét đánh đúng người vì anh đang cầm cái cung bằng kim khí, làm anh ta đã bắn lệch mục tiêu là hươu mẹ, nhưng lại trúng vào sư tử ở đằng xa. Cũng vào lúc đó, trời bắt đầu mưa, dập tắt đám cháy ở khu rừng. Và hươu mẹ chỉ việc sinh ra hươu con trên đồng cỏ an toàn.[1]
 
Lời bàn :
Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, phải chăng chúng ta tin rằng chính Chúa đã chọn chúng ta (x. Ga 15,16a : chính Thầy đã chọn anh em), và hy vọng rằng chúng ta vào Đan Viện này sẽ bảo tồn và phát huy được Niềm Tin đó (x. Ga 15, 16b : Thầy cắt cử anh em để anh em ra đi sinh được hoa trái). Khi chúng ta quỳ trước Bề Trên ngày vào Thỉnh Sinh, Tập Sinh, hay Khấn Sinh, chúng ta thưa “xin Thiên Chúa và Dòng thương xót con”, đó chính là giây phút chúng ta nói lên “điều lựa chọn”, chọn “Chúa làm gia nghiệp” (Tv 15,5-6), “không quý gì hơn Chúa Kitô” (TL 4,21; 72,11) . Và sau đó, đi vào cuộc sống Cộng Đoàn với những lạc quan làm hành trang, chúng ta biểu lộ hạnh phúc đó bằng những việc quảng đại dấn thân phục vụ anh em “để tôn vinh Thiên Chúa trong mọi sự” (TL 57,9).
 
Rồi ngày tháng trôi qua, tất cả chúng ta dường như luôn phải đối phó với những vấn đề khách quan cũng như chủ quan, lạc quan cũng như tiêu cực, áp lực tới từ mọi phía, gây cho suy nghĩ của mình tiêu cực nhiều hơn là lạc quan. Chúng ta quên đi điều chính yếu trong nội tâm là “điều lựa chọn”, quên luôn cả những việc cần thiết thường ngày để nhớ “điều lựa chọn”, chỉ làm chỉ nhớ đến những điều tùy phụ bên ngoài. Chúng ta quên vai trò Maria mà Hội Thánh mong ước chúng ta, mà chỉ thích là một Martha (x. Lc 10, 38-42; Sắc Lệnh Đức Ái Hoàn Hảo, 7). Quên đi điều Cha Tổ Phụ dạy : “phận vụ của thầy dòng chúng ta, không phải là hoạt động bên ngoài, nhưng là việc dâng lên Thiên Chúa bài ca chúc tụng liên lỉ” (Di Ngôn, 128; x. Sắc Lệnh Đức Ái Hoàn Hảo, 9).
 
Một số suy nghĩ mạnh đến mức chế ngự chúng ta và khiến chúng ta thiếu tỉnh táo. Chúng ta quên đi “điều lựa chọn” chúng ta đang mang trong chính nội tâm mình, không còn thấy “điều lựa chọn” này là nguồn hạnh phúc, là động lực cho chúng ta dấn thân nữa. Chúng ta quên “điều lựa chọn” này là chính Chúa đang hiện hữu trong thẳm sâu nội tâm mình, mà lại đi tìm ở ngoài cảnh vật. Chúng ta đừng quên kinh nghiệm của thánh Augustino : “Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó”.
 
Thật vậy, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong khoảnh khắc của cuộc sống, làm mê hoặc chúng ta, tác động chúng ta không còn nhớ “điều lựa chọn”. Khi ấy, rất có thể chúng ta không còn nhìn thấy những điều tốt đẹp đang xảy ra chung quanh mình và nhất là trong mình, tâm trạng chúng ta không giống như việc hươu mẹ chỉ nghĩ đến đồng cỏ bên dòng suối nước để sinh ra hươu con an toàn. Chúng ta không còn nghĩ tới “điều lựa chọn” trong nội tâm, như hươu mẹ chỉ biết một điều hiện tại là đang có hươu con trong bụng cần được sinh ra.
 
Hôm nay, nhân dịp cả nước đã bước vào Năm Học mới. Chúng ta cũng là những môn sinh trong Trường Học Phụng Sự Chúa (TL, lời mở, 45), môn sinh trong Trường Dạy Đức Ái (theo truyền thống Xitô), chúng ta khởi đầu Năm Học mới bằng một Ngày Tĩnh Tâm, để được Chúa Thánh Thần dẫn đưa vào miền tĩnh lặng, nơi đây Người muốn thủ thỉ tâm tình với chúng ta (x. Hs 2,16-18), nhờ đó chúng ta biết mình phải làm gì cho đúng thánh ý Chúa để bảo tồn và phát huy được “điều lựa chọn” là chính Chúa mà không bị Chúa quở trách (x. Kh 2,2-5). Hươu mẹ rơi vào tình huống như thế, nhưng hươu mẹ chỉ nghĩ đến hươu con trong bụng. Còn chúng ta lại để bản thân quyết định vội vã một điều gì đó, thay cho “điều lựa chọn” vĩnh cửu và thánh thiêng, mà chúng ta tuyện thệ trước tôn nhan Thiên Chúa và Hội Thánh sao !
 
Tìm hướng đi :
 
Làm thế nào để bảo tồn và phát huy được “điều lựa chọn” ?
 
1)- Theo người đời.
Cổ nhân dạy :
Ngọc không giũa không thành hàng đẹp,
Người không học không biết điều ngay.
 
Theo lời dạy đó, nhờ cái học mà chúng ta có cái biết, cái mến, ‘vô tri bất mộ’. Nhưng phải học như thế nào ? Chữ HỌC 學 gợi ý chúng ta bài học gì ?
 
Chữ HỌC 學 theo chiết tự : diễn tả thầy giáo dùng hai tay (扌), chọn lọc tích lũy lẽ âm dương là tinh hoa từ bốn phương trời đất, đem đến ngôi trường (冖), để truyền đạt cho học sinh. Học sinh (子) ngoan ngoãn khiêm nhường ở dưới mái trường đón nhận những điều thầy giáo truyền đạt. Hội ý lại, chữ Học 學 diễn tả :
Theo Nho giáo ngày xưa, môn sinh qúy trọng thầy giáo theo thứ bậc: ‘Quân, Sư, Phụ’, nghiã là học sinh phải kính trọng thầy giáo hơn cả cha mẹ, chỉ sau vua là người thay Trời trị vì thiên hạ. Quá khứ đã cho thấy người Nho học thi hành quan niệm ‘Quân, Sư, Phụ’ một cách chính đáng. Nền giáo dục này dạy người xưa rất nghiêm túc, và cũng nghiêm khắc để truyền đạt đạo lý cho học trò. Nên mới có câu “Thầy có nghiêm, trò mới giỏi”.[2]
 
Ông Bonasi, một người chẳng có tiền của, danh tiếng cũng không, song ông lại là người có ý chí kiên định, cần cù, chăm chỉ. Ông tìm đến văn phòng của ông Edison trong bộ dạng của một kẻ nghèo khó, ông Bonasi đã bị các nhân viên ở đây cười chế diễu và họ lại càng cười diễu ông hơn khi biết ông dự định muốn trở thành người cộng tác của ông Edison.
 
Ông Edison từ trước tới giờ đã không bao giờ cần người cộng tác, song sự thành khẩn của ông Bonasi đã khiến ông Edison cảm động và giao cho ông làm một số công việc phổ thông. Ông Bonasi cứ thế thầm lặng làm nhân viên sửa chữa và làm sạch các thiết bị của công ty và nuôi ý chí sẽ có tên tuổi. Một ngày kia, khi Edison phát minh ra chiếc máy ghi âm đầu tiên, trong lúc mọi người nghĩ rằng không thể bán được chiếc máy kỳ quái đó thì ông Bonasi lên tiếng: Tôi có thể bán được nó. Phải mất gần một tháng lang thang khắp thành phố New York, cho đến tận những ngày cuối cùng ông đã bán được 7 chiếc. Dựa vào kinh nghiệm tiếp thị trong tháng đó, ông đặt ra kế hoạch cho việc tiếp thị máy ghi âm trên toàn nước Mỹ. Ông Edison sau khi xem kế hoạch đã tán thành và đồng ý nhận ông là người cộng tác duy nhất trong cả cuộc đời của ông Edison. Tên tuổi ông cũng nhờ đó được biết đến và sự thành đạt của ông được xã hội ghi nhận.[3]
 
Luôn nhớ đến mục đích của mình, khiêm nhường ngoan ngoãn học tập một cách chăm chỉ sáng tạo trong công việc, đã giúp ông Bonasi thành công. ‘Cứu cánh biện minh cho phương tiện’ (La fin justifie les moyens)![4] Triết lý đời là như thế đó chăng ? Chúng ta là thầy dòng, đời sống chúng ta chắc chắn phải vượt lên trên điều đó và đặt nền tảng trên Kinh Thánh “để đạt tới tri thức tuyệt vời về Chúa Kitô, vượt trên mọi kiến thức” (x. Ep 3,19 – Tuyên Ngôn Hội Dòng, 8).
 
2)- Theo Kinh Thánh.
Thánh Giacôbê cho chúng ta biết một điều kỳ diệu Thiên Chúa Cha dành cho con người, khi thánh nhân nói với chúng ta rằng : “18a Thiên Chúa đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật”. “21b nên anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em”. Vì “2,1a Anh em là những người tin vào Ðức Giêsu Kitô vinh hiển, Chúa chúng ta”.
 
a)- Điều kỳ diệu Thiên Chúa Cha dành cho con người : Lời Chúa.
Thánh Giacôbê tóm tắt giáo lý của Tin Mừng thánh Gioan và các thư thánh Phaolô về đặc tính của Lời Chúa : “Thiên Chúa Cha đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người”.
 
Đức Kitô, Lời Thiên Chúa, chính là nguyên lý sự sống. Khi sáng tạo vũ trụ và con người, Thiên Chúa đã dùng Lời của Người để sáng tạo (St 1). Để cứu chuộc con người, Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch cứu chuộc nhờ Đức Kitô, Lời của Người. Như thế, Đức Kitô chính thực là nguyên lý sáng tạo và cứu chuộc, nguyên lý sự sống tự nhiên và sự sống siêu nhiên.
 
Khi loan giảng Tin Mừng, Đức Kitô không ngừng kêu gọi người nghe hãy tiếp nhận lời giảng, và hơn thế nữa, hãy tiếp nhận chính Người, vì đúng như lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
 
b) Lời khuyên của thánh Giacôbê :
Một, muốn lãnh nhận Lời Chúa thì phải dọn chỗ cho Lời Chúa. Ánh sáng không thể chung sống với bóng tối. Sự thật không thể sống chung với điều giả dối. Nên muốn dọn chỗ cho Lời Chúa ở lại trong tâm hồn, chúng ta “hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn”. Chính Đức Kitô cũng kêu gọi người ta “hãy trở nên như con trẻ”, tức là trong sạch và đơn sơ, thì mới có thể tiếp nhận Lời Người.
 
Hai, để lãnh nhận Lời Chúa, “hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em”. Khiêm tốn là cần thiết để chúng ta biết chấp nhận giá trị tuyệt đối của Lời Chúa, để chúng ta không còn bị lung lạc, bị cám dỗ bởi những “lời” khác, nhất là những lời đường mật của những con người xu thời. Khiêm tốn là cách biểu lộ đức tin, càng khiêm tốn nhìn nhận uy quyền của Lời Chúa thì đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô càng thâm sâu.
 
Ba, ý thức mình là Kitô hữu. Thánh Giacôbê khẳng định chúng ta phải ý thức mình là Kitô hữu, vì “đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Ý thức này quan trọng, vì nhắc nhở chúng ta về căn tính đích thực của mình. Nếu chúng ta đã tin vào Đức Kitô thì chúng ta cũng phải chấp nhận tất cả con người, giáo lý và lối sống của Người.
 
Đức Kitô không nhìn ông Giakêu theo cái nhìn của đám đông, thiên kiến và khinh miệt. Người không quan sát bà góa nghèo bỏ vài xu tiền vào thùng tiền Đền Thờ theo tiếng kêu lẻng xẻng của những đồng tiền người giàu có. Người không cảm thấy bị quấy rầy do những nghịch ngợm tự nhiên của trẻ em, trái lại Người còn dạy chúng ta phải trở nên giống như trẻ em. Người vẫn tìm thấy nét cao quý của con người đằng sau lớp da bệnh hoạn ghẻ lở của những người phong cùi. Người quở trách người môn đệ yêu quý là Phêrô khi ông xét đoán theo tư tưởng của thế gian…
 
Vấn đề hôm nay :
Để bảo tồn và phát huy được “điều lựa chọn”, là chính Chúa, trong quá trình cuộc sống, có lẽ không ít khi chúng ta đã chạy theo bề ngoài và đã đánh giá sự việc theo hình thức bề ngoài. Điều chúng ta cần phải luôn nhớ, luôn ý thức mình là những người tin vào Đức Kitô, lại dễ quên. Tin vào Đức Kitô, nên sẵn sàng noi theo lối cư xử của Người để bảo tồn và phát huy đức tin của chúng ta vào Người mỗi ngày một hơn. Chúng ta biết rõ lối sống và cách nhìn của Đức Kitô hoàn toàn đi ngược lại lối sống và cách nhìn của thế gian. Lời Người giảng dạy đã mặc khải cho chúng ta con đường Thiên Chúa muốn chúng ta “hãy yêu thương anh em như chính mình”. Lối cư xử của Đức Kitô là gương mẫu để chúng ta nhìn nhận phẩm giá của anh em. Người không đối xử thiên tư với bất cứ một ai (Mt 22,16). Đối với Đức Kitô, những người bị tước đoạt phẩm giá, bị gạt ra ngoài lề xã hội, lại là những người ưu tiên được Người tiếp nhận.
 
Nói cách khác như giáo huấn của Hội Thánh được ĐTC Gioan Phaolo II nhắc lại trong Tông Hiến ‘Sacrae disciplinae leges’, ban hành Bộ Giáo Luật 1983, những yếu tố diễn tả hình ảnh trung thực và chân chính của Hội Thánh, “phải kể cách riêng đến đạo lý trình bày Hội Thánh như Dân Chúa (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 2) và quyền bính phẩm trật nhằm để phục vụ (số 3)”. Hai yếu tố “Dân Chúa” và “Phục Vụ”, đây chính là 2 tiêu chuẩn mà mỗi Kitô hữu cần đặt làm nền tảng cho lòng yêu mến phải có khi giữ luật đối với bản thân và hành xử luật đối với tha nhân. Hai yếu tố này, không chỉ là niềm vinh dự cho Kitô hữu, mà giúp Kitô hữu biết tôn trọng bản thân mình và tôn kính tha nhân, để quảng đại theo gương Chúa Giêsu “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Con người dùng hai yếu tố “Dân Chúa” và “Phục Vụ” để xây dựng, để phát huy một tấm lòng yêu mến cho việc tuân giữ Lề Luật và hành xử Lề Luật.
 
Tạ ơn Chúa ban cho con người là ‘Dân Chúa’, để chuỗi ngày trên trần gian là ‘Phục Vụ’. Con người ‘Phục Vụ’ để diễn tả cái hạnh phúc mình là ‘Dân Chúa’. Con người cảm nghiệm mình là ‘Dân Chúa’ để công bố cho muôn dân biết Lòng Thương Xót của Người, vì “sở hữu của Người là Dân Chúa” (Đnl 32, 9a). [5]
 
Lời kết
Chúng ta kiên trì (TL, lời mở, 50) trong xác tín “điều lựa chọn”, là chính Chúa (x.Tv 15,5-6; TL 4,21; 72,11), khiêm nhường ngoan ngoãn học tập một cách chăm chỉ sáng tạo trong công việc được trao phó hằng ngày. Nhưng trên tất cả mọi sự để có thể bảo tồn và phát huy được “điều lựa chọn”, chúng ta cần nhớ hồng ân trọng đại mà ca tụng tôn vinh và phụng sự Thiên Chúa (TL, lời mở, 6), vì Người đã ban Lời của Người vào lòng chúng ta (x. Ga 3,16), để nhờ Lời mà chúng ta đón nhận hết ơn này đến ơn khác (x. Ga 1, 16).
 
Cụ thể, nhớ lời thánh Giacôbê :
Một, chúng ta “hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn”, để có tâm hồn trong sạch và đơn sơ tiếp nhận Lời.
Hai, chúng ta “hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng”, vì khiêm tốn là cách biểu lộ đức tin, càng khiêm tốn nhìn nhận uy quyền của Lời Chúa thì đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô càng thâm sâu.
Ba, chúng ta ý thức mình là Kitô hữu, vì “đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, để nhắc nhở chúng ta về căn tính đích thực của mình là thuộc về Đức Kitô.
 
Chúng ta nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu. Đó là bằng chứng Thiên Chúa luôn hiện diện trong mỗi người và yêu thương từng người. Nên chúng ta củng cố nhau, để không ai trong chúng ta “thất vọng vào Lòng Chúa Thương Xót” (TL 4,74). Chúng ta luôn giúp nhau “đặt hy vọng nơi Thiên Chúa” (TL 4,41).
 
Ngắm nhìn Thánh Giá,
 
xin Chúa dạy con
 
hiểu hơn phép tính :
 
CỘNG lại tình người,
 
TRỪ hết hận thù,
 
NHÂN bội yêu thương,
 
CHIA lòng thương xót.
 
 
[1] Theo http://vietnamnet.vn
 
[2] https://vi-vn.facebook.com
 
[3] http://www.catluc.com
 
[4] Câu “cứu cánh biện minh cho phương tiện” mới nghe tưởng chừng như rất hợp lý, nhưng thử hỏi một khi chưa đạt đến cứu cánh thì cái gì sẽ biện minh cho cứu cánh? Khi nóng lòng muốn đạt đến cứu cánh mà ta phải dùng mọi phương tiện, bất chấp thủ đoạn theo kiểu “vô sở bất chí” thì cứu cánh tự nó đã bị thối rữa rồi. Muốn đánh giá cứu cánh tốt đẹp hay không thì cách đơn giản nhất là nhìn vào bản chất của phương tiện. Nếu phương tiện đầy bạo lực và máu lửa, đầy những hành động tham sân si thì làm sao ta có thể tin rằng nó sẽ đưa đến một cứu cánh thanh bình an lạc? (http://thuvienhoasen.org)
 
[5] trích Suy Niệm tuần 22 TN-B
 
 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI