Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Công đồng Vaticano II: Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium)

 
Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh
(Sacrosanctum Concilium)
 
 
Lời Giới Thiệu
 
Các mầu nhiệm Phụng Vụ là “chóp đỉnh” sinh hoạt của Giáo Hội đồng thời cũng là nguồn mạch các nhân đức. Dầu Giáo Hội luôn luôn sống mật thiết với các mầu nhiệm Phụng Vụ, nhưng trong lịch sử, trước Vaticanô II chưa có Công Ðồng nào lại dành cả một Hiến Chế để bàn tới Phụng Vụ với một thời gian khá lâu để chuẩn bị, thảo luận và biểu quyết.
Một vài Công Ðồng cũng đã đặt vấn đề nhưng chỉ chú trọng đặc biệt tới ít nhiều nguyên tắc hoặc lên án những sai lầm tín lý.
Thực là may mắn, một Phong Trào Phụng Vụ đã nảy sinh trong thời chúng ta. Ðây là “một trong những hồng ân lớn lao Thiên Chúa đã ban cho kỷ nguyên này!” 1. Nhờ đó, người ta đã bắt đầu suy luận về Phụng Vụ một cách sâu xa và chín chắn, mang tính chất thần học và mục vụ. Và vì vậy, Dân Chúa ngày một ý thức về vai trò quan trọng của Phụng Vụ trong đời sống Kitô hữu và Giáo Hội.
Hiến Chế về “Phụng Vụ Thánh” của Công Ðồng Vaticanô II hướng dẫn phong trào này đến chỗ tuyệt đỉnh và mở ra một kỷ nguyên mới cho đời sống cầu nguyện của Giáo Hội.
 
Hoàn cảnh lịch sử
Trước Công Ðồng Tridentinô (kết thúc vào năm 1563) nền Phụng Vụ theo nghi thức Rôma đã bị coi là quá cổ kính. Phụng Vụ được phát triển và thay đổi nhưng chỉ phát triển ở những yếu tố bên ngoài theo sáng kiến nhân loại bằng cách thêm những cử điệu và nghi thức trang trọng. Các nghi thức này chắc chắn chỉ thích hợp với thời đại còn nhiều người chưa biết đọc biết viết và cho một số ít người trí thức hiểu được tiếng La tinh, một ngôn ngữ hầu như là chính thức của một xã hội chịu quá nhiều ảnh hưởng của giáo sĩ và Giáo Hội.
Thế rồi, thế giới ngày một biến đổi với việc phát minh ngành báo chí, với thuyết nhân bản, với những trào lưu văn hóa, với văn chương lãng mạn (do đó, tiếng Latinh suy yếu dần dần), với xã hội ngày một bị trần tục hóa v.v… Theo đà tiến hóa này, tâm thức con người cũng thay đổi sâu xa về quan niệm đối với Giáo Hội và việc phụng tự. Do đó Phụng Vụ trở nên một thứ kinh nguyện ngày càng xa lạ và bí nhiệm đối với dân chúng. Họ tham dự với lòng tin tưởng nhưng thụ động và âm thầm chẳng khác gì chứng kiến một động tác riêng của hàng giáo sĩ. Trong khi đó, họ chỉ nuôi dưỡng lòng đạo bằng cách gia tăng nhiều việc đạo đức cá nhân.
Công Ðồng Tridentinô cũng nhìn thấy rõ sự kiện này 2. Tuy nhiên Công Ðồng chỉ chú trọng bảo vệ giá trị một vài chân lý của các bí tích bị phái Tin Lành đem ra mổ xẻ: như sự công hiệu của bí tích, hiến tế tạ ơn, sự hiện diện thực sự của Chúa trong phép Thánh Thể, chức linh mục thừa tác… Với chủ đích chống lại sự canh tân của Tin Lành, Công Ðồng phải dừng lại ở lập trường bảo thủ với những nguyên tắc khắt khe. Thái độ này đương nhiên hạn chế “việc cập nhật hóa” Phụng Vụ.
Từ khi cải tổ sách Phụng Vụ theo huấn thị Công Ðồng Triđentinô người ta nói rằng Phụng Vụ Rôma có tính cách bất động và cố định vì những qui luật dường như bất di bất dịch. Ngôn ngữ dùng ở đó là ngôn ngữ chết và được coi như không thể thay thế được nữa. Các nghi thức cổ truyền này phải được duy ttrì và cử hành đúng như đã ghi chú tỉ mỉ trong sách chữ đỏ, cho dù nhiều người không hiểu nguồn gốc và dấu hiệu tượng trưng bí nhiệm của chúng.
Các qui tắc Phụng Vụ này áp dụng cho mọi nơi, cả các nơi truyền giáo nữa (vì sau Công Ðồng Triđentinô là thời kỳ hưng thịnh của công cuộc tryền giáo nên có nhiều xứ đạo mới được thành lập). Khắp mọi nơi đều áp dụng như nhau: cùng những qui tắc tỉ mỉ bất di bất dịch, cùng một ngôn ngữ, một tâm tình tây phương như vậy. Giáo Hội không để ý tới tâm tình, thói quen và phong tục tôn giáo nơi các dân tộc được chiếu giãi ánh sáng Phúc Âm.
Tại Á Châu, một vài đề nghị đã được đem ra mổ xẻ để giải quyết vấn đề thích nghi Phụng Vụ trong các xứ truyền giáo. Việc thảo luận đưa tới những cuộc bút chiến sôi động nẩy lửa chung quanh các nghi thức (chẳng hạn nghi thức Trung Hoa). Kết cục, vấn đề không đi tới thành quả nào cả.
Mãi tới cuối thế kỷ vừa qua, ý hướng cải tiến do Chúa Quan Phòng linh ứng mới xuất hiện trong Giáo Hội và đã đem lại kết quả tốt đẹp cho nền Phụng Vụ. Chính ý hướng này đã dọn đường cho việc “cập nhật hóa” của Công Ðồng Vaticanô II.
 
Phong Trào Phụng Vụ
Những người tiên phong của phong trào cải tiến Phụng Vụ cuối thế kỷ vừa qua chính là các tu sĩ dòng Benedictô Solesmes, Beuron, Maria Laach v.v… Công lao của họ được Ðức Giáo Hoàng Piô XII ghi nhận trong Thông Ðiệp Mediator Dei (số 4).
Tuy nhiên người tiên phong đích thực của phong trào này chính là Thánh Giáo Hoàng Piô X vị được mệnh danh là Giáo Hoàng của Bí Tích Thánh Thể. Trong Tự Sắc “Tra le sollicitudini”, ngày 22-11-1903, Ngài mong muốn giáo hữu tham gia tích cực vào các lễ nghi Phụng Vụ, nguồn mạch thứ nhất và cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần Kitô hữu (số 3).
Cố gắng đầu tiên của phong trào này là tìm hiểu và đào sâu chính bản chất nội tại của Phụng Vụ. Những suy tư này mang đặc tính lịch sử, thần học và mục vụ.
Phong trào đã khơi lại nét phong phú chứa đựng trong các nghi thức cũ, đồng thời đem ra ánh sáng những nỗ lực liên lỉ của Giáo Hội qua các thời đại trong việc thích ứng những qui tắc nòng cốt Phụng Vụ cho mọi thời đại và cho mọi dân tộc.
Từ triều đại Thánh Giáo Hoàng Piô X cho đến triều đại Ðức Giáo Hoàng Piô XII, Giáo Hội không ngừng tiếp tục việc cải tiến. Lúc ban đầu, việc cải tiến này có vẻ dò dẫm và dè dặt rồi mạnh bạo dần theo đà tiến của việc tra cứu học hỏi và hoàn cảnh thuận lợi để phổ biến.
Người có công lớn lao nhất là Ðức Giáo Hoàng Piô XII. Với Thông Ðiệp Mediator Dei (1947), Ngài để lại cho Giáo Hội tài liệu giáo huấn có giá trị đầu tiên về Phụng Vụ. Thông điệp Mediator Dei cho đến nay vẫn là một trong những nguồn mạch của Công Ðồng Vaticanô II đã thâu nhận và trích dẫn dồi dào từ kho tàng này; đôi khi Công Ðồng còn đồng hóa các tư tưởng, các lời nói của Thông điệp này như là của mình và đã không sử dụng tới dấu hiệu để phân biệt hay ghi xuất xứ. Hiến Chế chỉ thêm vào đó các yếu tố Thánh Kinh, cộng đoàn và mục vụ cho thích hợp với thời đại và tinh thần Công Ðồng 3.
 
Lược trình Hiến Chế
Lược đồ của Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh được một Ủy Ban tiền Công Ðồng soạn thảo dưới sự hướng dẫn của Ðức Hồng Y Gaetano Cicognani. Sau khi Ngài từ trần, lược đồ được chuyển sang Ðức Hồng Y Arcadio Larraona 4. “Ðây là lược đồ được cứu xét đầu tiên ở Công Ðồng và cũng có thể là lược đồ giá trị nhất theo tầm quan trọng của nó trong đời sống Giáo Hội” 5.
Ngày 14-11-1962, trong một phiên họp khoáng đại, lược đồ đã được các Nghị Phụ bỏ phiếu chấp thuận trên nguyên tắc. Kết quả có 2,162 phiếu thuận và 46 phiếu chống. Sau đó các chuyên viên Công Ðồng bắt tay vào việc cứu xét những điểm đề nghị tu chỉnh. Công việc kéo dài từ 17-11 đến 6-12-1962 và đầu kỳ họp II năm 1963.
Ngày 4-12-1963 Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, trước kia khi còn là Hồng Y, đã tích cực ủng hộ lược đồ, bây giờ long trọng công bố Hiến Chế với tư cách thủ lãnh của Giáo Hội.
 
Nội dung giáo lý
Hiến Chế được chia thành 7 chương hàm chứa nhiều nguyên tắc thần học và những tiêu chuẩn hướng dẫn việc canh tân và phát triển hữu hiệu nền Phụng Vụ.
1. Trước hết chương I phác họa nền tảng thần học của Phụng Vụ.
Phụng Vụ là công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô (số 5). Công cuộc này còn được tiếp tục và tồn tại mãi trong Giáo Hội, nhất là qua lễ nghi hiến tế tạ ơn và các bí tích (số 6).
Chính Chúa Kitô, Ðấng hiện diện trong Giáo Hội, dùng các dấu chỉ bí tích dâng lên Thiên Chúa lễ vật toàn thiện và thánh hóa nhân loại. Là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội, Người cầu nguyện với dân Người và ban phát nguồn ơn cứu chuộc.
Do đó, những động tác Phụng Vụ chỉ là sự thực thi cụ thể chức vụ tư tế của Chúa Kitô trong Giáo Hội: chức tư tế luôn luôn hiện diện và hoạt động, nó tự biểu lộ qua các nghi thức khả giác và hữu hiệu (số 7).
Ðồng thời, Phụng Vụ là sự chờ đợi, là sự nếm trước Phụng Vụ trên trời, nơi mà tất cả chúng ta đang tiến về như những lữ hành (số 8).
Như thế, Phụng Vụ là “chóp đỉnh” các sinh hoạt Giáo Hội (số 10) tuy không phải là sinh hoạt độc nhất của Giáo Hội. Thực vậy, sứ mệnh tiên quyết của Giáo Hội là mời gọi nhân loại trở về với nguồn ơn cứu rỗi qua việc rao giảng Phúc Âm (số 9) và chuẩn bị tâm hồn mọi người sẵn sàng tiến tới các mầu nhiệm thánh qua những việc đạo đức (như cầu nguyện riêng, nguyện ngắm, việc sùng kính, sám hối v.v…) (số 11).
Sau phần dẫn nhập, Công Ðồng bước sang những chỉ dẫn tổng quát cho việc cải tiến Phụng Vụ.
Ðể tín hữu xác tín đầy đủ và tham gia trọn vẹn các nghi lễ một cách ý thức và chủ động, trước hết phải huấn luyện các chủ chăn (số 14-18), rồi đến lượt các ngài sẽ huấn luyện lại cho tín hữu (số 19).
Ngoài ra, còn phải tiếp tục cố gắng để cải tiến cách tốt đẹp toàn bộ Phụng Vụ theo những qui tắc sau đây (số 21):
A. Qui tắc tổng quát liên quan trực tiếp tới những vị điều hành Phụng Vụ trong Giáo Hội (số 22-25).
B. Qui tắc dựa trên tính cộng đoàn của Phụng Vụ (số 26-32).
C. Qui tắc dựa trên bản chất giáo dục và mục vụ của Phụng Vụ (số 33-36). Chẳng hạn đề cập tới ngôn ngữ được sử dụng trong các nghi lễ (số 35).
D. Qui tắc thích nghi Phụng Vụ với tâm tính và hoàn cảnh dân tộc, địa phương (số 37-40).
Cuối cùng Hiến Chế phân tích đời sống phụng vụ trong phạm vi các giáo phận (số 41, 45-46), giáo xứ (42-43) và quốc gia (44).
2. Chương II là những chỉ dẫn để cải tiến các nghi thức trong Thánh Lễ. Một vài chi tiết đặc biệt và mới mẽ đáng kể như: lời nguyện giáo dân (số 53), tiếng bản xứ (số 54), rước lễ hai hình (số 55), lễ đồng tế (số 57).
3. Chương III đề cập tới các Bí Tích khác và các Á Bí Tích. Với những lời diễn nghĩa thần học giá trị (số 59-61).
4. Chương IV bàn đặc biệt về Kinh Nhật Tụng, một phần vụ quan trọng khác để thi hành sứ mệnh tư tế của Chúa Kitô và Giáo Hội. Ðó là việc dâng lên Thiên Chúa “bài ca chúc tụng” và lời cầu khẩn cho thế gian được ơn cứ rỗi (số 83).
5. Chương V của Hiến Chế trình bày về Năm Phụng Vụ: sau phần nhập đề thần học sâu xa (số 102-105), Công Ðồng nêu ra một số qui tắc nhằm nâng cao giá trị của ngày Chúa Nhật (106), duyệt lại chu kỳ phụng vụ với ý hướng nhấn mạnh đặc biệt mầu nhiệm Phục Sinh (107-108), Mùa Chay (109-110) và các ngày lễ mừng các Thánh (111).
6. Chương VI và VII dành cho thánh nhạc và thánh nghệ, là một rong những phần nòng cốt của Phụng Vụ. Số 119 đặc biệt nói về việc áp dụng thánh nhạc trong các xứ truyền giáo.
Phần Phụ Thêm: Tuyên ngôn về việc tu chính niên lịch
Trong phần phụ thêm của Hiến Chế, các Nghị Phụ muốn xác định thái độ về việc sửa lại niên lịch dân sự cho chính xác 6.
Từ hơn một thế kỷ nay, trong phạm vi khoa học, thương mại và chính trị, nhiều người đã nghiên cứu việc tu chỉnh niên lịch dân sự. Ðã hai lần, Tòa Thánh được hỏi ý kiến về vấn đề này, nhưng Ðức Lêô XIII, năm 1897, Ðức Piô XI, năm 1921, đều trả lời rằng: để giải quyết một vấn đề quá tế nhị như vậy có lẽ phải cần tới thầm quyền của Công Ðồng chung 7.
Trong khi soạn thảo lược đồ Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, một vài Nghị Phụ lên tiếng muốn rằng Công Ðồng nên đi bước đầu trong việc tu chính một niên lịch chính xác và cố định. Nhưng vấn đề chưa ngã ngủ hoàn toàn, nên các Nghị Phụ dành quyền quyết định cho Tòa Thánh, để tự do hành động, nhất là đối với sáng kiến sửa đổi của xã hội dân sự (chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc).
Tuy nhiên Công Ðồng cũng nêu ra vài quy tắc quan trọng nhắc Tòa Thánh lưu tâm khi có việc thay đổi:
a. Phải thận trọng trong việc thay đổi lễ Phục Sinh nếu có, vì trong quá khứ vấn đề đó đã là lý do chia rẽ giữa các kitô hữu.
b. Cố gắng duy trì tuần lễ bày ngày với ngày Chúa Nhật, và thao nguyên tắc không thêm một ngày nào khác ngoài tuần lễ.
 
________________________________________
Chú Thích:
1 Yves Congar O.P. Unam Sanctam 66, trg 14.
2 Xem Dz 946 (1749) v.v… Những người “Cải Cách” đã bàn luận sôi nổi một vài vấn đề Phụng Vụ: như vấn đề ngôn ngữ trong Phụng Vụ, rước lễ hai hình v.v… nhưng tiếc thay, họ bàn luận theo những chiều hướng sai lạc.
3 Xem Pierre-Marie Gy. O.P. Unam sanctam 66, trg 117.
4 Cha Annibale Bugnini, linh mục thừa sai, chủ nhiệm tờ “Ephemerides Liturgicae”, là thư ký và chuyên viên của Hiến Chế.
5 Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI công bố Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh ngày 4-12-1963.
6 Chẳng hạn năm 1922. Hội Nghị Liên Hiệp Không Gian nhóm họp tại Rôma để thảo luận về vấn đề này. Bên Mỹ châu có “World Calender Association” đã phổ biến một hệ thống niên lịch cố định, khá phức tạp. Có lẽ trong một thời gian gần đây Liên Hiệp Quốc sẽ có sáng kiến về vấn đề này.
7 Về các tài liệu này, xin xem chauver Berrand, La question de la Pâque et du Calendrier, Paris 1936, trg. 213-214.
 
 
 
Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
 
Khóa III Ngày 04 tháng 12 Năm 1963
 
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ
 
Hiến Chế
Về Phụng Vụ Thánh
Sacrosanctum Concilium
 
 
Lời Mở Ðầu
 
1. Lời Mở Ðầu. Thánh Công Ðồng chủ tâm phát huy hằng ngày đời sống Kitô giáo nơi các tín hữu, thích ứng hơn nữa với những định chế nào có thể thay đổi cho hợp với những nhu cầu của thời đại chúng ta, cổ xúy những gì khả dĩ góp phần hiệp nhất mọi người đã tin theo Chúa Kitô, và kiện cường những gì qui trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội. Vì những lý do đặc biệt đó, Thánh Công Ðồng thấy có bổn phận phải lo canh tân và cổ xúy Phụng Vụ.
 
2. Vai trò của Phụng Vụ trong mầu nhiệm Giáo Hội. Thật vậy, nhờ Phụng Vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn, mà “công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện” 1. Phụng Vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm niệm, vừa hiện diện nơi trần gian nhưng đồng thời cũng là lữ khách. Tuy nhiên, trong Giáo Hội, yếu tố nhân loại cũng qui hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình phải qui hướng về những thực tại vô hình, những hoạt động phải hướng về việc chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai là nơi chúng ta đang tìm kiếm 2. Hằng ngày, Phụng Vụ kiến tạo những người bên trong Giáo Hội thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa trong Thánh Thần 3 để đạt tới mức tuổi sung mãn của Chúa Kitô 4. Nhờ đó, Phụng Vụ còn kiện cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng Chúa Kitô; và như vậy Phụng Vụ cũng bày tỏ cho những kẻ bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ nêu cao trước mặt các dân nước 5 ngõ hầu con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một 6 cho tới khi thành một đàn chiên theo một Chúa chiên 7.
 
3. Hiến chế về Phụng Vụ Thánh và các Nghi Lễ khác. Vì vậy để cổ xúy và canh tân Phụng Vụ, Thánh Công Ðồng thấy cần nhắc lại những nguyên tắc sau đây và thiết định những tiêu chuẩn thực hành.
Trong những nguyên tắc và tiêu chuẩn này, có một số không những có thể và cần phải áp dụng cho Nghi Lễ Roma mà cho hết mọi Nghi Lễ khác, mặc dầu những tiêu chuẩn thực hành sau này chỉ phải hiểu là có liên quan tới Nghi Lễ Roma thôi, ngoại trừ những gì tự bản chất là có liên hệ đến những Nghi Lễ khác.
 
4. Tôn trọng tất cả các Nghi Lễ được chính thức công nhận. Sau hết, vẫn trung thành vâng phục truyền thống, Thánh Công Ðồng tuyên bố rằng: Giáo Hội Mẹ Thánh coi tất cả những Nghi Lễ đã được chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau, lại muốn các Nghi Lễ ấy được duy trì trong tương lai và được cổ võ bằng mọi cách. Thánh Công Ðồng cũng ước mong, nơi nào cần, các Nghi Lễ ấy phải được cẩn thận tu chỉnh cho toàn vẹn theo tinh thần của truyền thống lành mạnh và được bổ sung một sinh khí mới mẻ hầu phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại.
 
Chương I
Những Nguyên Tắc Tổng Quát
Ðể Canh Tân Và Cổ Võ Phụng Vụ Thánh
 
I. Bản Tính Và Tầm Quan Trọng
Của Phụng Vụ Thánh
Trong Ðời Sống Giáo Hội
 
5. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi. Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). “Trước kia Ngài đã dùng các tiên tri mà phán bảo tổ phụ nhiều lần, nhiều cách” (Dth 1,1), và khi đã đến thời kỳ viên mãn, Ngài đã sai Con mình, Ngôi Lời nhập thể, được Thánh Thần xức dầu, để rao giảng Phúc Âm cho người nghèo, cứu chữa những người khổ tâm 8, như là “thầy thuốc của thể xác và tinh thần” 9, cũng là Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại 10. Vì thế, chính bản tính nhân loại của Người, hiệp làm một với Ngôi Lời, đã nên khí cụ phần rỗi chúng ta. Cho nên, nhờ Chúa Kitô “Thiên Chúa đã hoàn toàn nguôi lòng để chúng ta được giao hòa với Ngài, và cho chúng ta được phụng thờ Ngài một cách hoàn bị” 11.
Công cuộc cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn bị như thế đã được tiên báo trong dân Cựu Ước qua những kỳ công vĩ đại của Chúa nay lại được Chúa Kitô hoàn tất, nhất là nhờ mầu nhiệm phục sinh của cuộc Khổ Nạn hồng phúc, việc Sống Lại từ cõi chết và Lên Trời vinh hiển của Người. Nhờ đó “Người đã chết để tiêu diệt sự chết cho chúng ta và sống lại để tái lập sự sống” 12. Vì chính từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Giáo Hội 13.
 
6. Công cuộc cứu chuộc tiếp nối do Giáo Hội được thực hiện trong phụng vụ. Vì vậy, như Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Người cũng sai các Tông Ðồ đầy tràn Thánh Thần đi như vậy, không những để trong khi rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo 14 các Ngài loan báo Con Thiên Chúa đã dùng cái chết và sự sống lại của Người để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan 15 và sự chết, đồng thời dẫn đưa chúng ta vào nước Chúa Cha, nhưng còn để các Ngài thực thi công cuộc cứu chuộc mà các Ngài đã loan báo, nhờ Hiến Tế và các Bí Tích, trung tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ. Như vậy, nhờ phép Rửa Tội, con người được tháp nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô: cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại 16, được lãnh nhận tinh thần dưỡng tử, “do đó chúng ta xưng hô Chúa là Abba, Cha” (Rm 8,15) và như thế được trở nên kẻ phụng thờ đích thực mà Chúa Cha tìm kiếm 17. Cũng thế, mỗi khi ăn tiệc của Chúa, họ loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa lại đến 18. Do đó, chính trong ngày Hiện Xuống, ngày Giáo Hội xuất hiện nơi trần gian, “những người suy phục lời giảng” của Phêrô, “đều chịu phép Rửa Tội”. Họ “kiên tâm theo lời giáo huấn của Tông Ðồ, thông công trong việc bẻ bánh và cầu nguyện… ngợi khen Thiên Chúa, lại được lòng toàn dân” (CvTđ 2,41-42; 47). Kể từ đấy, Giáo Hội không bao giờ bỏ việc cùng nhau qui tụ để cử hành mầu nhiệm phục sinh: bằng việc đọc “những lời chỉ về Người trong bộ Thánh Kinh” (Lc 24,27), bằng việc cử hành Lễ Tạ Ơn trong đó hiện tại hóa “sự vinh thắng và khải hoàn nhờ cái chết của Người” 19, đồng thời “cảm tạ Thiên Chúa về ân điển khôn tả của Ngài” (2Cor 9,15) trong Chúa Giêsu Kitô, “để ca tụng sự vinh hiển của Ngài” (Eph 1,12) nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần.
 
7. Sự hiện diện của Ðức Kitô trong phụng vụ. Ðể chu toàn công việc lớn lao ấy, Chúa Kitô hằng hiện diện trong Giáo Hội, nhất là trong các hoạt động phụng vụ. Người hiện diện thực sự trong Hy Lễ, không những trong con người của thừa tác viên, vì “như xưa chính Người đã tự dâng mình trên thập giá thì nay chính Người cũng dâng mình nhờ thừa tác vụ của các linh mục” 20, nhất là hiện diện thực sự dưới hai hình thái Thánh Thể. Người hiện diện thiết thực trong các Bí Tích nhờ quyền năng của Người; vì thế, ai rửa tội thì chính là Chúa Kitô rửa 21. Người hiện diện thiết thực trong lời của Người vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sau hết Người hiện diện khi Giáo Hội khẩn cầu và hát Thánh Vịnh, như chính Người đã hứa: “Ðâu có hai, ba người nhân danh Thầy mà họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ” (Mt 18,20).
Thực vậy, trong công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người, Chúa Kitô hằng kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất quý yêu và Giáo Hội kêu cầu Người như Chúa mình và nhờ chính Người phụng thờ Chúa Cha Hằng Hữu.
Vì thế, Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng 1* vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người.
Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Giáo Hội, nên mọi việc cử hành phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp.
 
8. Phụng vụ trần gian và phụng vụ trên trời. Phụng Vụ trần gian là nơi chúng ta tham dự bằng cảm nếm trước Phụng Vụ trên trời, được cử hành trong thánh đô Giêrusalem, nơi chúng ta là những lữ khách đang tiến về, ở đó Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực 22; Phụng Vụ trần gian là nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa: trong khi kính nhớ các Thánh, chúng ta hy vọng được thông phần và đoàn tụ với các Ngài; chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Thế là Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện và chúng ta cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang 23.
 
9. Phụng vụ không phải là hoạt động duy nhất của Giáo Hội. Phụng Vụ Thánh không làm trọn mọi hoạt động của Giáo Hội. Vì, con người cần phải được mời gọi để tin và hoán cải trước khi có thể đến tham gia Phụng Vụ: “Làm sao họ kêu khấn được Ðấng họ không tin? Làm sao họ tin Ðấng họ không được nghe? Làm sao họ nghe được, nếu không có người rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15).
Vì thế, Giáo Hội loan truyền sứ điệp cứu rỗi cho những kẻ không tin, để mọi người nhận biết một Thiên Chúa duy nhất và chân thật, đồng thời cũng nhận biết Ðấng Ngài sai là Chúa Giêsu Kitô, và thống hối, hoán cải con đường của họ 24. Còn đối với các tín hữu, Giáo Hội phải luôn luôn rao giảng đức tin và lòng thống hối; giúp họ sẵn sàng đón nhận các Bí Tích, dạy họ giữ trọn những điều Chúa Kitô đã phán25, thúc giục họ tham gia mọi công cuộc bác ái, đạo đức và tông đồ; những công cuộc này biểu lộ rằng: dầu các tín hữu không thuộc về thế gian nhưng lại là ánh sáng thế gian và chính họ tôn vinh Chúa Cha trước mặt mọi người.
 
10. Phụng vụ là tột đỉnh và nguồn mạch đời sống Giáo Hội. Tuy nhiên, Phụng Vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thực vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau qui tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phần Hiến Tế và ăn tiệc của Chúa.
Ðáp lại, chính Phụng Vụ thúc giục các tín hữu đã được no thỏa “nhiệm tích phục sinh”, phải trở nên “những người sống phối hợp trong tình yêu” 26. Phụng Vụ nguyện cầu “cho họ ăn ở xứng đáng và trung thành giữ nhiệm tích họ đã lĩnh nhận với lòng tin tưởng” 27. Việc tái lập giao ước của Chúa với con người trong Lễ Tạ Ơn nung nấu và lôi cuốn các tín hữu vào trong tình yêu thúc bách của Chúa Kitô. Vì thế, chính Phụng Vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo Hội đều qui hướng về như là cứu cánh.
 
11. Cần thiết chuẩn bị tâm linh mỗi người. Nhưng muốn thâu đạt được hiệu năng toàn vẹn ấy, tín hữu cần đến tham dự Phụng Vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ân sủng đó một cách vô ích 28. Vì vậy, các mục tử không phải chỉ chủ tâm tuân giữ các lề luật trong các hoạt động phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp mà thôi, nhưng còn phải làm cho các tín hữu tham dự Phụng Vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu.
 
12. Phuụg vụ và sự cầu nguyện cá nhân. Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng không chỉ bao trùm trong việc tham dự Phụng Vụ Thánh mà thôi. Bởi vì người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng cũng phải vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha 29, hơn nữa phải cầu nguyện không ngừng 30 như lời vị Tông Ðồ đã dạy. Chính vị Tông Ðồ này còn dạy chúng ta hằng phải ôm ấp sự khổ chế của Chúa Giêsu được phô diễn trong xác thể hay chết của chúng ta 31. Vì vậy, trong Hy Lễ, chúng ta nguyện xin Chúa “khi chấp nhận của lễ linh thiêng được dâng lên”, Chúa biến chính chúng ta trở nên “lễ vật vĩnh cửu” 32 của Chúa.
 
13. Các việc đạo đức khơi nguồn từ phụng vụ. Những việc đạo đức của dân Kitô giáo bao lâu còn được thích hợp với các lề luật và qui tắc của Giáo Hội thì còn được khích lệ rất nhiều, nhất là khi thi hành theo chỉ thị của Tông Tòa.
Những việc thánh thiện của các Giáo Hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi hành theo các chỉ thị của Giám Mục, hợp với tập tục hoặc các sách đã được chính thức phê chuẩn.
Nhưng phải chiếu theo các mùa phụng vụ để xếp đặt các việc ấy cho hòa hợp với Phụng Vụ Thánh, để có thể được coi là phát xuất từ Phụng Vụ và để tiến dẫn dân chúng đến Phụng Vụ, vì tự bản chất, Phụng Vụ vượt xa các việc ấy.
 
 
II. Công Cuộc Huấn Luyện Phụng
Vụ Và Tham Dự Linh Ðộng
 
14. Tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn. Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính Phụng Vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép Rửa Tội, việc tham dự Phụng Vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, “là giòng giống được lựa chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là con dân được tuyển chọn” (1P 2,9; x. 2,4-5).
Trong việc canh tân và cổ võ Phụng Vụ Thánh, cần phải hết sức để tâm đến việc tham dự trọn vẹn và linh động của toàn dân: vì Phụng Vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, từ đó các tín hữu phải múc lấy tinh thần Kitô giáo đích thực. Vì thế, nhờ việc huấn luyện cần thiết, các mục tử chăn dắt các linh hồn phải nhiệt tâm tìm đạt được điều đó trong mọi hoạt động phụng vụ.
Tuy nhiên, sẽ không có một tia hy vọng nào đạt tới kết quả đó, nếu trước tiên chính những mục tử chăn dắt các linh hồn không thấm nhuần sâu rộng tinh thần và năng lực của Phụng Vụ cũng như không thành những bậc thầy trong lãnh vực ấy. Vì vậy, rất cần phải chú trọng đến việc huấn luyện Phụng Vụ cho hàng giáo sĩ. Do đó, Thánh Công Ðồng đã ra lệnh thiết lập những điều sau đây.
 
15. Huấn luyện giáo sư phụng vụ. Các giáo sư được ủy nhiệm giảng huấn môn Phụng Vụ Thánh trong các chủng viện, các học viện dòng tu, và các phân khoa thần học, phải được đào tạo đầy đủ về phận vụ của họ tại các trường chuyên môn đặc biệt.
 
16. Việc giảng dạy phụng vụ. Trong các chủng viện và các học viện dòng tu, môn Phụng Vụ Thánh phải được đặt vào hàng các môn cần thiết và quan trọng; còn trong các phân khoa thần học, phải được đặt vào hàng các môn chính. Hơn nữa, môn Phụng Vụ phải được giảng huấn dưới khía cạnh vừa thần học và lịch sử, vừa tu đức, mục vụ và luật pháp. Ngoài ra giáo sư của các môn học khác, nhất là tín lý thần học, Thánh Kinh, thần học tu đức và mục vụ, phải chú tâm làm nổi bật mầu nhiệm Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi theo những đòi hỏi nội tại của từng môn riêng biệt, ngõ hầu làm sáng tỏ rõ ràng mối liên hệ giữa các môn ấy với Phụng Vụ và tính cách duy nhất trong việc đào tạo linh mục.
 
17. Huấn luyện phụng vụ cho chủng sinh. Các giáo sĩ trong các chủng viện và tu viện phải được huấn luyện về Phụng Vụ cho đời sống thiêng liêng. Muốn được như vậy, họ cần phải được dẫn dắt thích đáng để có thể lĩnh hội và tham dự những nghi lễ thánh với trọn tâm hồn, cả trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh, cũng như thực hành các việc đạo đức khác đã được thấm nhiễm tinh thần Phụng Vụ Thánh; cũng thế, họ phải tập quen tuân giữ các lề luật phụng vụ sao cho tinh thần phụng vụ ảnh hưởng sâu rộng trên đời sống tại các chủng viện và tu viện.
 
18. Trợ giúp các linh mục có trách nhiệm mục vụ. Các linh mục triều hay dòng đã làm việc trong vườn nho Chúa phải được trợ giúp bằng mọi phương tiện thích hợp để luôn luôn lĩnh hội đầy đủ hơn những gì họ thi hành trong các công việc thánh, ngõ hầu sống đời sống phụng vụ và thông ban đời sống ấy cho các tín hữu đã được ủy thác cho họ.
 
19. Huấn luyện phụng vụ cho các tín hữu. Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải chú trọng và kiên tâm theo đuổi việc huấn luyện phụng vụ cho các tín hữu và cho họ tích cực tham dự bên trong lẫn bên ngoài, tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh, cách sống và trình độ văn hóa tôn giáo của họ. Nhờ vậy các mục tử sẽ chu toàn được một trong những trọng trách chính yếu của người trung thành phân phát các mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðồng thời, trong công tác đó, các ngài phải dẫn dắt đoàn chiên mình bằng cả lời nói lẫn gương lành.
 
20. Các phương tiện truyền thông và phụng vụ. Các công tác truyền thanh và truyền hình về những hoạt động thánh, đặc biệt về việc cử hành Thánh Lễ, phải được thận trọng thực hiện cách xứng đáng dưới sự hướng dẫn và bảo lãnh của người đủ khả năng do các Giám Mục ủy thác.
 
 
III. Việc Canh Tân Phụng Vụ Thánh
 
21. Canh tân toàn diện Phụng Vụ. Giáo Hội hiền mẫu, vì muốn cho dân Kitô giáo thâu đạt được dồi dào những ân sủng trong Phụng Vụ Thánh cách chắc chắn hơn, nên ước mong nhiệt thành đảm trách việc canh tân toàn diện Phụng Vụ. Bởi vì, Phụng Vụ gồm phần bất biến, do Thiên Chúa thiết lập, và những phần có thể thay đổi. Phần này có thể hoặc cũng phải sửa đổi theo dòng thời gian, nếu tình cờ có len lỏi vào những yếu tố rất ít đáp ứng hoặc ít phù hợp với bản tính thâm sâu của Phụng Vụ.
Trong việc canh tân này, phải tu chính các bản văn, và các nghi lễ làm sao cho chúng diễn tả rõ ràng hơn những thực tại thánh mà chúng biểu thị, và để dân Kitô giáo có thể dễ dàng thấu triệt các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng như có thể tham dự bằng việc cử hành những nghi lễ ấy một cách trọn vẹn, linh động và cộng đồng.
Vì vậy, Thánh Công Ðồng ấn định những qui tắc tổng quát sau đây.
 
A. Các qui tắc tổng quát
 
22. Việc điều hành phụng vụ thuộc thẩm quyền hàng Giáo Phẩm.
1 Việc điều hành Phụng Vụ Thánh tùy thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền Tông Tòa và chiếu theo qui tắc luật pháp, cũng thuộc quyền Giám Mục.
2 Chiếu theo quyền hạn đắc thượng của luật pháp, việc điều hành phụng vụ, trong các giới hạn đã định, cũng tùy thuộc các loại hội đồng Giám Mục khác nhau, đã được thiết định hợp pháp, có thẩm quyền trong từng địa phương.
3 Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dầu là linh mục, được lấy quyền riêng tư thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng Vụ. 2*
 
23. Truyền thống và tiến bộ. Ðể duy trì truyền thống lành mạnh nhưng đồng thời vẫn mở rộng đường cho những tiến bộ chính đáng, khi phải tu chỉnh từng phần riêng biệt của Phụng Vụ phải luôn luôn tiến hành việc nghiên cứu kỹ lưỡng thần học, lịch sử và mục vụ. Hơn nữa còn phải lưu tâm đến những luật lệ tổng quát về cơ cấu và tinh thần Phụng Vụ cũng như kinh nghiệm xuất phát do việc canh tân Phụng Vụ mới đây và do các đặc miễn đã ban cho nhiều nơi. Sau hết, chỉ nên thực hiện những đổi mới nhất thời khi lợi ích thiết thực và chắc chắn của Giáo Hội đòi hỏi và sau khi đã cân nhắc thấy rằng những hình thái mới, một cách nào đó, phải được triển nở có hệ thống từ những hình thái sẵn có.
Ngoài ra, còn cần phải đề phòng hết sức có thể để tránh những dị biệt đáng kể của các nghi lễ giữa các miền lân cận.
 
24. Thánh Kinh và phụng vụ. Trong việc cử hành Phụng Vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, người ta trích từ Thánh Kinh những bài để đọc, những bài để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những ca vịnh để hát. Chính nguồn cảm hứng và sức phấn khởi của Thánh Kinh cũng làm xuất phát những lời kinh, lời nguyện và những bài phụng ca, đồng thời còn làm cho những động tác và các biểu hiệu trở thành ý nghĩa. Vì vậy, để xúc tiến việc canh tân, phát triển và thích ứng Phụng Vụ, cần phải phát huy lòng mộ mến Thánh Kinh đậm đà và sống động, đã được truyền thống khả kính của các nghi lễ Ðông phương và Tây phương minh chứng.
 
25. Tu chỉnh sách phụng vụ. Cần phải nhờ đến các chuyên viên và tham khảo ý kiến các Giám Mục thuộc moị miền khác nhau trên thế giới để tu chỉnh các sách phụng vụ càng sớm càng hay.
 
 
B. Các qui tắc riêng biệt do bản chất Phụng Vụ xét
về phương diện hoạt động phẩm trật và cộng đoàn
 
26. Bí tích hiệp nhất. Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là “bí tích hiệp nhất”, nghĩa là dân thánh được qui tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám Mục 33.
Vì vậy, các hoạt động đó thuộc về Thân Thể phổ quát của Giáo Hội, diễn tả và ảnh hưởng trên Giáo Hội; tuy nhiên còn có liên quan khác nhau với từng chi thể riêng biệt của Thân Thể, tùy theo khác biệt về phẩm trật, phận vụ, và sự tham dự hiện thực.
 
27. Ưu tiên cho việc cử hành cộng đồng. Khi các nghi lễ, tùy theo bản chất riêng tư của chúng, được cử hành chung với sự tham dự đông đảo và linh hoạt của giáo dân, nên ghi nhớ rằng phải quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và có vẻ riêng tư.
Ðiều này có giá trị đặc biệt cho việc cử hành Thánh Lễ, cho dầu bản tính công cộng và xã hội của mỗi Thánh Lễ vẫn luôn luôn được duy trì; điều này còn có giá trị cho việc ban phát các Bí Tích.
 
28. Cử hành phụng vụ nghiêm chỉnh. Là thừa tác viên hay là tín hữu, trong các việc cử hành phụng vụ, mỗi người khi chu toàn phận vụ, chỉ thi hành trọn những gì thuộc lãnh vực mình tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ.
 
29. Chu toàn phận sự phụng vụ đích thực. Cả những người giúp, đọc dẫn giải và những người thuộc ca đoàn cũng chu toàn phận sự phụng vụ đích thực. Vì vậy, họ phải thi hành phận vụ mình với lòng đạo đức chân thành và trật tự, phù hợp với thừa tác vụ trọng đại ấy, và là điều dân Chúa có quyền đòi hỏi nơi họ.
Vì vậy, tùy theo năng cách mỗi người, họ phải nhiệt tâm thấm nhuần tinh thần Phụng Vụ và học hỏi để hoàn tất các phần vụ mình theo đúng nghi thức và có trật tự.
 
30. Giáo dân tham dự linh động. Ðể phát huy việc tham gia linh động, cần phải cổ xúy những lời tung hô của dân chúng, những lời đối đáp, những bài ca vịnh, tiền khúc, thánh ca, và cả những động tác hoặc cử chỉ, thái độ của thân xác. Cũng cần phải giữ sự thinh lặng linh thiêng đúng lúc của nó.
 
31. Vai trò của các tín hữu. Trong khi tu chỉnh các sách phụng vụ, cần phải thận trọng lưu tâm để những qui tắc chữ đỏ cũng tiên liệu cả vai trò của các tín hữu.
 
32. Phụng vụ và giai cấp xã hội. Trong Phụng Vụ, ngoại trừ sự biệt đãi do phận vụ phụng vụ và Chức Thánh, cũng như vinh dự phải dành cho các viên chức dân sự hợp theo qui tắc các luật phụng vụ, sẽ không có một thiên vị nào đối với các tư nhân hay địa vị, hoặc trong các nghi lễ hoặc trong các việc long trọng bên ngoài.
 
 
C. Các qui tắc do bản chất giáo dục và mục vụ của Phụng Vụ
 
33. Trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài. Cho dầu Phụng Vụ Thánh đặc biệt là việc phụng thờ Thiên Chúa uy quyền, nhưng còn bao hàm việc giáo dục lớn lao cho dân chúng trung thành34. Thực vậy, trong Phụng Vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài; đồng thời Chúa Kitô cũng rao giảng Phúc Âm. Còn dân chúng đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh.
Hơn nữa, linh mục, là hiện thân Chúa Kitô, chủ tọa cộng đoàn, đọc những lời kinh trực tiếp dâng lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân thánh và mọi người tham dự. Sau hết, những biểu hiệu hữu hình được dùng trong Phụng Vụ Thánh để diễn tả những thực tại vô hình của Thiên Chúa là những biểu hiệu đã được Chúa Kitô hoặc Giáo Hội tuyển chọn. Do đó, không những chỉ đọc “những gì đã chép cốt để dạy ta” (Rm 15,4) mà cả việc Giáo Hội cầu nguyện, ca hát, hay hành động, đều nuôi dưỡng đức tin của những người tham dự, nâng tâm trí họ lên cùng Chúa, để họ sáng suốt tuân phục Ngài, và để lãnh nhận ân sủng của Ngài cách dồi dào hơn.
Vì vậy, trong khi canh tân Phụng Vụ, cần phải tuân giữ những qui tắc tổng quát sau đây.
 
34. Hòa hợp các nghi lễ. Các nghi lễ cần phải chiếu tỏa nét đơn sơ cao quý, trong sáng, vắn gọn; phải tránh những lập đi lập lại vô ích; phải thích ứng với tầm lĩnh hội của các tín hữu, cách chung không cần nhiều lời giải thích.
 
35. Thánh Kinh, bài giảng và bài giáo lý về phụng vụ. Ðể việc liên kết mật thiết giữa nghi lễ và ngôn ngữ được phát lộ rõ ràng trong Phụng Vụ:
1) Trong việc cử hành thánh, cần phải tu chỉnh bài đọc Thánh Kinh cho dồi dào hơn, thay đổi hơn và thích hợp hơn.
2) Vì bài giảng là thuộc phần hoạt động phụng vụ, nên thời gian thích hợp để giảng giải, theo như nghi lễ cho phép, phải được ghi trong các qui tắc chữ đỏ. Phải hết sức trung thành chu toàn thừa tác vụ giảng giải đúng với nghi lễ. Tiên vàn bài giảng phải được múc lấy từ nguồn Thánh Kinh và Phụng Vụ, vì như là việc rao truyền các việc kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi hay trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Chính mầu nhiệm này hằng hiện diện thiết thực và tác động trong chúng ta, nhất là trong các cử hành phụng vụ.
3) Còn phải dùng mọi cách để các bài giáo lý trực tiếp nói về Phụng Vụ hơn. Và trong chính các nghi lễ, nếu cần, linh mục hay thừa tác viên có thẩm quyền, phải dự liệu để nói ít lời giáo huấn vắn tắt, nhưng chỉ nói vào những lúc thuận tiện nhất, bằng những lời đã ấn định hay những lời tương tự.
4) Phải cổ võ việc suy tôn lời Chúa vào những ngày áp lễ cả, cũng như trong vài ngày lễ Mùa Vọng, Mùa Chay, những ngày Chúa nhật và những ngày lễ trọng, nhất là ở những nơi thiếu linh mục: trong trường hợp này, hoặc vị phó tế hoặc ai khác được Giám Mục ủy nhiệm sẽ điều khiển việc suy tôn lời Chúa.
 
36. Việc dùng Latinh và việc dùng tiếng bản quốc.
1 Việc dùng tiếng La tinh, trừ luật riêng, phải được duy trì trong các Nghi Lễ La tinh.
2 Tuy nhiên, có thể sinh lợi rất nhiều cho dân chúng nếu dùng tiếng bản quốc hoặc trong Thánh Lễ hoặc trong việc Cử Hành các Bí Tích, hoặc trong những phần khác của Phụng Vụ; cho nên việc dùng tiếng bản quốc này cũng dễ dàng được chấp thuận hơn, đặc biệt trong các bài đọc và các bài giáo huấn, một số lời nguyện và bài hát, tùy theo những qui tắc đã được ấn định cho mỗi trường hợp trong những chương sau đây.
3 Khi đã tuân giữ những qui tắc này thì việc ấn định xử dụng và cách dùng tiếng bản quốc thuộc Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2; nếu gặp trường hợp đó, phải hội ý với các Giám Mục trong những miền lân cận cùng một thứ tiếng. Mọi quyết nghị cần phải được Tông Tòa chấp thuận hay chuẩn y.
4 Việc phiên dịch bản văn La tinh ra tiếng bản quốc để dùng trong Phụng Vụ phải được Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương nói trên chuẩn y. 3*.
 
 
D. Các qui tắc để thích nghi với tâm tính
và truyền thống của dân tộc
 
37. Giáo Hội tôn trọng những vẻ đẹp tinh thần của những dân nước khác nhau. Ngay cả trong Phụng Vụ, Giáo Hội không muốn ấn định một hình thái cứng rắn, thẳng mạch nào, trong những điều không liên quan đến đức tin và thiện ích của toàn thể cộng đoàn. Hơn nữa, Giáo Hội còn tôn trọng cũng như phát huy những vẻ đẹp tinh thần, những đặc tính của những dân nước khác nhau. Bất cứ những gì trong những tập tục của các dân tộc, không liên quan chặt chẽ đến những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với lòng đầy thiện cảm, và nếu có thể, còn được gìn giữ vẹn toàn và vững chắc. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Giáo Hội nhận vào trong Phụng Vụ, miễn sao cho chúng hòa hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính.
 
38. Những khác biệt trong các xứ truyền giáo. Dầu vẫn duy trì tính cách duy nhất thuộc bản chất của nghi lễ Roma, những biến dị chính đáng và những thích nghi với các cộng đoàn, các miền, các dân tộc khác, nhất là trong các Xứ Truyền Giáo, đều vẫn được chấp nhận, cả khi tu chỉnh các sách Phụng Vụ. Nên để ý đến qui tắc này trong việc ấn định cơ cấu các nghi lễ và việc thiết lập các qui tắc chữ đỏ.
 
39. Thẩm quyền giáo hội địa phương. Giữa những giới hạn được ấn định trong các bản mẫu của các sách Phụng Vụ, Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, có quyền xác định những việc thích nghi, đặc biệt việc cử hành các Bí Tích, Á Bí Tích, rước kiệu, ngôn ngữ phụng vụ, thánh nhạc và nghệ thuật. Tuy nhiên, phải theo đúng những qui tắc căn bản trong Hiến Chế này.
 
40. Phương cách thích nghi phụng vụ. Nhưng trong nhiều nơi và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, phải cấp bách thích nghi Phụng Vụ sâu xa hơn, và do đó gây nên nhiều khó khăn hơn, nên:
1) Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, phải thận trọng và khôn ngoan cứu xét trong công việc này, những yếu tố nào thuộc các truyền thống và tâm tính của từng dân tộc có thể được chấp nhận thích đáng vào việc phụng thờ Thiên Chúa. Những thích nghi được thẩm định là lợi ích hay cần thiết, phải đệ trình lên Tông Tòa để được kết nạp và chuẩn y.
2) Ðể việc thích nghi được thực hiện với sự cẩn trọng cần thiết, Tông Tòa sẽ ban phép cho Giáo Hội địa phương để, nếu gặp trường hợp đó, cho phép và điều khiển các cuộc thí nghiệm sơ khởi cần thiết, trong vài cộng đoàn hợp với mục tiêu và trong một thời gian hạn định.
3) Vì các luật lệ phụng vụ thường mang nhiều khó khăn đặc biệt cho việc thích nghi, nhất là trong các Xứ Truyền Giáo, nên để thiết lập các luật lệ này, cần phải có mặt các nhà chuyên môn trong lãnh vực đó.
 
 
IV. Việc Cổ Võ Ðời Sống Phụng Vụ
Trong Giáo Phận Và Trong Giáo Xứ
 
41. Hiệp thông với giám mục giáo phận. Giám Mục phải được xem như thượng tế của đoàn chiên Ngài; có thể nói rằng sự sống nơi các tín hữu của Ngài trong Chúa Kitô cũng phát xuất tự Ngài và lệ thuộc Ngài.
Vì vậy, mọi người phải hết sức mến chuộng đời sống phụng vụ của giáo phận chung quanh Giám Mục, nhất là tại nhà thờ chánh tòa: họ phải xác tín rằng Giáo Hội được đặc biệt biểu lộ khi toàn thể dân thánh Chúa tham dự trọn vẹn và linh động vào những cử hành Phụng Vụ, đặc biệt trong cùng một Lễ Tạ Ơn, trong một lời nguyện duy nhất, ở đó Giám Mục chủ tọa giữa linh mục đoàn và các thừa tác viên bao quanh Ngài 35.
 
42. Ðời sống phụng vụ của giáo xứ. Vì chính Giám Mục không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc trong toàn thể đoàn chiên thuộc Giáo Hội Ngài, nên cần phải thiết lập các cộng đoàn tín hữu. Trong đó, nổi bật hơn cả là các giáo xứ được thiết lập tại địa phương dưới quyền một mục tử thay mặt Ðức Giám Mục: bởi vì một cách nào đó, các giáo xứ phản ảnh Giáo Hội hữu hình đã được thiết lập trên toàn cõi trái đất.
Vì thế phải cổ võ đời sống phụng vụ của giáo xứ và mối liên hệ giữa đời sống ấy với Giám Mục trong tâm trí cũng như trong hành vi của các tín hữu và của hàng giáo sĩ; còn phải ra sức làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ cộng đồng ngày Chúa Nhật.
 
 
V. Việc Phát Huy Hoạt Ðộng
Về Mục Vụ Phụng Vụ
 
43. Canh tân Phụng Vụ Thánh. Lòng nhiệt thành cổ xúy và canh tân Phụng Vụ Thánh đáng được xem như một dấu chỉ của các ý định quan phòng của Thiên Chúa trên thời đại chúng ta, và như cuộc viếng thăm của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội; sự kiện này còn là một đặc điểm nổi bật của đời sống Giáo Hội, cũng như của mọi cách thế suy tư và hoạt động đầy tinh thần đạo giáo của thời đại chúng ta.
Vì thế, để cổ võ hoạt động về mục vụ phụng vụ tiến xa hơn trong Giáo Hội, Thánh Công Ðồng quyết định:
 
44. Ủy ban phụng vụ toàn quốc. Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22-2, nên thiết lập một ủy ban phụng vụ với sự trợ lực chuyên môn của các chuyên gia về khoa phụng vụ, Âm Nhạc, Nghệ Thuật Thánh, cũng như mục vụ. Nếu có thể, ủy ban này phải được một viện Mục Vụ Phụng Vụ nào đó giúp đỡ. Viện này gồm nhiều thành phần, và nếu cần kể cả giáo dân xuất sắc trong lãnh vực đó. Dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội địa phương, như đã nói trên, chính ủy ban này sẽ phải điều hành hoạt động về mục vụ phụng vụ trong phạm vi quyền hạn mình, cũng như phải phát huy các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm cần thiết mỗi khi phải đệ trình những việc thích nghi lên Tông Tòa.
 
45. Ủy ban phụng vụ giáo phận. Cũng vậy, trong mỗi giáo phận phải có một Ủy Ban Phụng Vụ Thánh để phát huy hoạt động phụng vụ, dưới quyền điều khiển của Giám Mục.
Hơn nữa, đôi khi cũng là việc chính đáng nếu nhiều giáo phận phối hợp với nhau thiết lập một Ủy Ban duy nhất để cùng hội ý phát triển Phụng Vụ.
 
46. Các ủy ban khác. Ngoài Ủy Ban Phụng Vụ Thánh, trong mỗi giáo phận, khi có thể, cũng phải thiết lập các Ủy Ban Thánh Nhạc và Nghệ Thuật Thánh.
Ba Ủy Ban này cần phải hiệp lực với nhau làm việc, và nếu liên kết thành một Ủy Ban duy nhất cũng là điều thích hợp.
 
 
________________________________________
Chú Thích:
1 Kinh Dâng lễ Chúa Nhật thứ 9 sau lễ Hiện Xuống. (Trở lại đầu trang)
2 Xem Dth 13,14. (Trở lại đầu trang)
3 Xem Eph 2,21-22. (Trở lại đầu trang)
4 Xem Eph 4,13. (Trở lại đầu trang)
5 Xem Is 11,12. (Trở lại đầu trang)
6 Xem Gio 11,52. (Trở lại đầu trang)
7 Xem Gio 10,16. (Trở lại đầu trang)
8 Xem Is 61,1; Lc 4,18. (Trở lại đầu trang)
9 T. Ignatiô thành Antiokia, Ad Ephesios, VII, 2 : x.b. F.X. Funk, Patres Apostolici, I, Tubinga 1901, trg 218. (Trở lại đầu trang)
10 Xem 1Tm 2,5. (Trở lại đầu trang)
11 Sacramentarium Veronense (Leonianum): x.b. C. Mohlberg, Roma, 1956, số 1265, trg 162. (Trở lại đầu trang)
12 Kinh Tiền Tụng Lễ Phục Sinh trong Sách Lễ Roma. (Trở lại đầu trang)
13 Xem T. Augustinô, Enarr. in Ps CXXXVIII, 2 : Corpus Christianorum, XL, Turnholti, 1956, trg 1991 và lời nguyện sau bài đọc thứ hai ngày thứ bảy Tuần Thánh trong Sách Lễ Roma, trước khi cải tổ Tuần Thánh. (Trở lại đầu trang)
14 Xem Mc 16,15. (Trở lại đầu trang)
15 Xem CvTđ 26,18. (Trở lại đầu trang)
16 Xem Rm 6,4; Eph 2,6; Col 3,1; 2Tm 2,11. (Trở lại đầu trang)
17 Xem Gio 4,23. (Trở lại đầu trang)
18 Xem 1Cor 11,26. (Trở lại đầu trang)
19 CÐ Trentô, khóa 13, 11-10-1551, Sắc lệnh De SS. Euch., ch. 5: Concilium Tridentinum, Diariorum Actorum, Epistolarum, Tractatuum nova collectio, x.b. Soc. Goerresiana, bộ VII. Actorum phần IV, Friburgi Brisgoviae 1961, trg 202. (Trở lại đầu trang)
20 CÐ Trentô, khóa 22, 17-9-1562, giáo thuyết De SS. Missae Sacrificio, ch. 2: Concilium Tridentinum, x.b. đã trích, bộ VIII. Actorum phần V, Friburgi Brisgoviae 1919, trg 960. (Trở lại đầu trang)
21 Xem T. Augustinô, In Joannis Evangelium Tractatus VI, ch. I. số 7: PL 35, 1428. (Trở lại đầu trang)
1* Các động tác Phụng Vụ đều không phải là động tác riêng thuộc về một cá nhân hay một nhóm người nào (phụng tự riêng tư) nhưng là động tác của toàn thể Giáo Hội. Nói đúng hơn đó là động tác của chính Chúa Kitô, Thủ Lãnh Giáo Hội và của tất cả mọi chi thể trong Nhiệm Thể. Ðầu và tất cả chi thể đều cầu nguyện, đều hoạt động qua cử chỉ và việc làm của thừa tác viên.
Từ ngữ “công cộng” trong Phụng Vụ hàm chứa ý nghĩa hoàn hảo, nó chỉ việc phụng tự của toàn thể một xã hội (ở đây tức là Giáo Hội) với tư cách là một xã hội.
Ví dụ: việc lần chuỗi có thể được đọc chung nhưng thực ra đó không phải là lời cầu nguyện phụng vụ, mà vẫn là một động tác phụng tự “riêng tư”. Nói cách khác đó là việc cầu nguyện của một cá nhân hay của một nhóm người.
Trái lại Thánh Lễ, các Bí Tích, Á Bí Tích và Kinh Nhật Tụng, dù chỉ được thừa tác viên cử hành một mình hay đọc riêng, luôn luôn vẫn là động tác phụng tự “công cộng”, là động tác của Chúa Kitô và của Giáo Hội Người mà thừa tác viên cử hành là đại diện.
Do đó sự công hiệu của lời nguyện phụng vụ không do huân công của thừa tác viên nhưng do chính những huân công vô bờ bến của Chúa Kitô và Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)
22 Xem Kh 21,2 ; Col 3,1 ; Dth 8,2. (Trở lại đầu trang)
23 Xem Ph 3,20 ; Col 3,4. (Trở lại đầu trang)
24 Xem Gio 17,3 ; Lc 24,27 ; CvTđ 2,38. (Trở lại đầu trang)
25 Xem Mt 28,20. (Trở lại đầu trang)
26 Kinh tạ lễ ngày vọng lễ Phục Sinh và Chúa Nhật Phục Sinh trong Sách Lễ Roma. (Trở lại đầu trang)
27 n.v.t. Kinh cầu nguyện thứ ba tuần Phục Sinh. (Trở lại đầu trang)
28 Xem 2Cor 6,1. (Trở lại đầu trang)
29 Xem Mt 6,6. (Trở lại đầu trang)
30 Xem 1Th 5,17. (Trở lại đầu trang)
31 Xem 2Cor 4,10-11. (Trở lại đầu trang)
32 Kinh dâng lễ thứ hai tuần Hiện Xuống, trong Sách Lễ Roma. (Trở lại đầu trang)
2* Phụng Vụ là công cuộc của Chúa Kitô và Giáo Hội phổ quát, chứ không thuộc về một Giáo Hội địa phương hay đoàn thể đặc biệt nào (x. số 7). Do đó, tất cả mọi sự liên quan tới việc điều hành Phụng Vụ chỉ lệ thuộc thẩm quyền tối cao của Giáo Hội mà thôi. Các Hội Ðồng Giám Mục và các Giám Mục nói chung chỉ có thẩm quyền do Giáo Hội thừa ủy. (Trở lại đầu trang)
33 T. Cyprianô, De Cath. Eccl. Unitate, 7 : x.b. G. Hartel, trong CSEL, bộ III, 1 Vienna 1868, trg 215-216. Xem Ep. 66, số 8, 3: nhà xuất bản đã trích, bộ III, 2 Vienna 1871, trg 732-733. (Trở lại đầu trang)
34 Xem CÐ Trentô, khóa XXII, 17-9-1562, Giáo thuyết De SS. Missae Sacrif., ch. 8: Concilium Tridentinum, nhà xuất bản đã trích, bộ VIII, trg 961. (Trở lại đầu trang)
3* Vấn đề dùng tiếng bản xứ trong Phụng Vụ đã là một đề tài thảo luận sôi nổi trong Công Ðồng Trentô. Công Ðồng bấy giờ cũng nhìn thấy rõ ràng tầm quan trọng của nó (x. DS 1749 và 1759). Tuy nhiên có Nghị Phụ thấy chưa phải là lúc “thuận tiện” để thay đổi ngôn ngữ Phụng Vụ. Lập trường này nhằm chống lại phái Tin Lành chủ trương phải dùng tiếng bản xứ vì các Bí Tích chẳng qua là phương tiện để khơi dậy hoặc để tuyên xưng đức tin (DS 1749).
Vì lý do trên, La ngữ vẫn được xử dụng trong các nghi lễ Roma cho tới ngày nay. Ðiều này được coi như một dấu hiệu hiệp nhất rõ ràng và cụ thể, và là một bảo vệ hữu hiệu chống lại mọi sai lạc của nền giáo lý tinh tuyền (Mediator Dei số 58).
Dầu sao Công Ðồng Trentô và Thông Ðiệp Mediator Dei cũng nhận sự kiện La ngữ ngăn trở giáo dân tham dự chủ động và tích cực vào các nghi lễ Phụng Vụ, nhất là để hiểu những bài đọc và những nghi thức hàm chứa nhiều giáo huấn cho giáo dân.
Vì vậy Công Ðồng Vaticanô II đã giải quyết vấn đề đến nơi đến chốn và nêu ra những qui tắc thiết thực cho việc xử dụng tiếng bản xứ (x. số 54 và 63). (Trở lại đầu trang)
35 Xem T. Ignatiô Antiokia, Ad Magn. 7; Ad Philm. 4: Ad Smyrn. 8 : x.b. F.X. Funk, đã trích dẫn, I, trg 236, 266, 281. (Trở lại đầu trang)
 
 
 
Hiến Chế
Về Phụng Vụ Thánh
Sacrosanctum Concilium
 
Chương II
Mầu Nhiệm Thánh Của Lễ Tạ Ơn
 
47. Thánh lễ và mầu nhiệm Vượt qua. Trong Bữa Tiệc sau hết, đêm bị nộp, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thách cho Hiền Thê yêu quí của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái Chết và sự Sống Lại của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái1, bữa tiệc ly phục sinh, “trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tinh thần ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho ta, một vinh quang tương lai” 2.
 
48. Giáo dân tham dự thánh lễ cách tích cực. Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian 3, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người.
 
49. Thánh lễ có giáo dân tham dự. Vì vậy, để Hy Lễ, ngay cả nghi thức bên ngoài, thu đạt được một hiệu năng mục vụ trọn vẹn, Thánh Công Ðồng quyết định những điều sau đây, về những Thánh Lễ cử hành có dân chúng tham dự, nhất là những ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.
 
50. Canh tân phần chung của thánh lễ. Phải làm sao tu chỉnh Nghi Thức Thánh Lễ để biểu lộ rõ ràng hơn nữa ý nghĩa riêng biệt của mỗi phần, cũng như mối tương quan của chúng, đồng thời để việc tham dự thành kính và linh động của các tín hữu được dễ dàng hơn.
Do đó, các nghi lễ, dù vẫn hoàn toàn duy trì bản chất của chúng, nhưng phải được đơn giản hơn. Phải loại bỏ những gì, theo dòng thời gian, được gia bội hoặc thêm thắt mà ít lợi ích. Phải tái lập theo qui tắc cổ điển của các Thánh Giáo Phụ, một số những gì xét là chính đáng và cần thiết đã bị oan uổng mai một theo thời gian.
 
51. Phần Thánh Kinh. Ðể bàn tiệc lời Chúa được bày dọn phong phú hơn cho các tín hữu, phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn nữa; muốn thế, trong khoảng một số năm ấn định, phải đọc cho dân chúng phần Thánh Kinh quan trọng hơn.
 
52. Bài giảng. Bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những qui tắc cho đời sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng Vụ. Hơn nữa, trong những Thánh Lễ được cử hành những ngày Chúa Nhật và lễ buộc có dân chúng tham dự, không được bỏ giảng, nếu không có lý do hệ trọng.
 
53. Lời nguyện giáo dân. Phải tái lập “lời nguyện chung” hay “lời nguyện giáo dân”, sau Phúc Âm và bài giảng, nhất là những ngày Chúa Nhật và lễ buộc, để khi dân chúng tham dự lời nguyện đó, họ cầu khẩn cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những kẻ khốn khổ vì mọi nhu cầu khác nhau, cho tất cả mọi người, và cho phần rỗi của toàn thế giới 4. 4*
 
54. La ngữ và tiếng bản quốc. Tiếng bản quốc có thể được dùng cách thích đáng trong những Thánh Lễ cử hành có dân chúng tham dự, nhất là trong các bài đọc và “lời nguyện chung”, cũng như tùy theo hoàn cảnh địa phương, cả trong những phần dành cho dân chúng, chiếu theo quy tắc khoản 36 của Hiến Chế này.
Tuy nhiên phải dự liệu sao để các Kitô hữu có thể cùng đọc hoặc cùng hát chung, ngay cả bằng La ngữ, các phần thường lễ dành cho họ trong Thánh Lễ.
Nhưng ở bất cứ nơi nào việc dùng tiếng bản quốc rộng rãi hơn trong Thánh Lễ được xem là chính đáng, đều phải tuân giữ những điều đã qui định trong khoản 40 của Hiến Chế này.
 
55. Rước lễ dưới hai hình. Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh Lễ cách toàn hảo hơn, bằng cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Chúa trong cùng một Hy Lễ đó.
Dù vẫn duy trì các nguyên tắc tín lý do Công Ðồng Trentô qui định 5, nhưng có thể cho rước lễ dưới hai hình 5* tùy theo phán đoán của các Giám Mục, chiếu theo những trường hợp được Tông Tòa minh định, không những cho giáo sĩ, tu sĩ mà cả giáo dân nữa, chẳng hạn cho các tiến chức trong Thánh Lễ phong chức, những người tuyên khấn trong Thánh Lễ khấn dòng, và các tân tòng trong Thánh Lễ tiếp diễn sau lễ Rửa Tội của họ.
 
56. Sự hợp nhất của thánh lễ. Có thể nói Thánh Lễ gồm hai phần, phần Phụng Vụ Lời Chúa và phần Phụng Vụ Thánh Thể. Hai phần này được liên kết chặt chẽ đến nỗi tạo thành một hành vi phụng thờ độc nhất. Do đó, Thánh Công Ðồng tha thiết khuyến dụ những mục tử chắn dắt các linh hồn, trong khi dạy giáo lý, phải nhiệt thành dạy dỗ các tín hữu biết tham dự trọn vẹn Thánh Lễ, nhất là những ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.
 
57. Ðồng tế .
(1) Việc đồng tế biểu lộ chính đáng tính cách duy nhất của chức linh mục. Cho đến nay, việc đồng tế vẫn được dùng trong Giáo Hội, Ðông Phương cũng như Tây Phương. Vì vậy, Thánh Công Ðồng muốn mở rộng quyền đồng tế trong những trường hợp sau đây: 6*
1 – a) ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Lễ Dầu cũng như Lễ Chiều;
b) các Thánh Lễ trong các Công Ðồng, các Hội Nghị Giám Mục và các Hội Ðồng;
c) Thánh Lễ tôn chức Ðan Viện Phụ.
2 – Ngoài ra Ðấng Bản Quyền còn phải cứu xét có nên đồng tế hay không mà ban phép cho những trường hợp sau đây:
a) Thánh Lễ tu hội và Thánh Lễ chính trong các nhà thờ, khi lợi ích các Kitô hữu không đòi buộc mọi Linh Mục hiện diện cử hành riêng biệt;
b) các Thánh Lễ trong những cuộc hội họp, thuộc bất cứ loại nào, của các linh mục triều cũng như dòng.
(2) 1- Việc ấn định qui luật đồng tế trong địa phận thuộc quyền các Giám Mục.
2- Tuy nhiên mỗi linh mục vẫn có quyền cử hành lễ riêng trừ khi cùng một lúc trong cùng một nhà thờ, và ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
 
58. Soạn thảo một nghi lễ đồng tế. Phải soạn thảo một nghi lễ mới về đồng tế, và phải sát nhập vào Sách Nghi Lễ Giám Mục và Sách Lễ Roma.
 
 
________________________________________
Chú Thích:
1 Xem T. Augustinô, In Joannis Evangelium Traetatus XXVI, ch. VI, số 13: PL 35, 1613. (Trở lại đầu trang)
2 Breviarium Romanum, Lễ Mình Thánh Chúa Kitô, Kinh Chiều II, tiền xướng Kinh Magnificat. (Trở lại đầu trang)
3 Xem T. Cyrillô Alex., Commentarium in Joannis Evangelium, cuốn XI, ch. XI-XII: PG 74, 557-565, nhất là 564-565. (Trở lại đầu trang)
4 Xem 1Tm 2,1-2. (Trở lại đầu trang)
4* Việc giáo dân cùng cầu nguyện cho Giáo Hội, cho chính quyền và cho “tất cả mọi người” (1Tm 2,1), là một truyền thống có từ thời các Tông Ðồ và các Giáo Phụ đầu tiên (x. Documentation Catholique số 1445 (4-1965), cột 597). Vào cuối thời Trung Cổ, lời nguyện đó biến mất dần dần, lý do có lẽ vì đã có lời nguyện tương tự trong phần Lễ Quy với những kinh “memento” cầu cho người còn sống và đã qua đời. (Trở lại đầu trang)
5 Khóa XXI, 16-7-1562. Doctrina de Communione sub utraque specie et parvulorum, ch. 1-3, kh. 1-3: Concilium Tridentinum, nhà x.b. đã trích, bộ VIII, 698-699. (Trở lại đầu trang)
5* Việc rước lễ dưới hai hình đã bị bãi bỏ trong nghi lễ Roma vào cuối thế kỷ XII. Từ đó về sau chỉ một mình chủ tế mới được đặc ân rước lễ hai hình thôi. Lý do thay đổi có lẽ như sau: 1) Lý do thực tế là giáo hữu ngày một đông nên việc cho rước lễ hai hình gặp nhiều bất tiện và phiền phức (Công Ðồng Constance có nêu ra một vài “nguy hiểm và gương xấu”: DS 1200). 2) Lý do thứ hai là dựa và điều Giáo Hội minh xác về việc Chúa hiện diện thực sự ở một trong hai hình (rước lễ một trong hai hình là rước lấy “Chúa Kitô toàn diện”).
Công Ðồng Constance năm 1415 đã lên án Wyclef và các đồ đệ chủ trương sai lầm rằng mọi tín hữu cần phải rước lễ dưới hai hình (DS 1198-1200). Công Ðồng Trentô cũng tái xác nhận lập trường đó nhân dịp chống lại phái Tin Lành (DS 1729 và 1733).
Ở đây Công Ðồng Vaticanô II, với thái độ thận trọng, vừa duy trì giáo lý Công Ðồng Trentô vừa mở ra một lối đi mới, hợp lý và thực tiễn. (Trở lại đầu trang)
6* Ðồng tế với Giám Mục (dưới nhiều cách khác nhau) cũng như giữa các linh mục với nhau đã thịnh hành từ thời các Thánh Giáo Phụ. Lễ nghi này nói lên quan niệm sâu xa về đặt tính hợp nhất giữa chức Linh Mục và phép Thánh Thể. Thánh Inhaxiô thành Antiokia (chết năm 107), đã diễn tả rõ ràng quan niệm này bằng câu nói sau đây: “Chỉ có một Phép Thánh Thể…, một bàn thờ, cũng như chỉ có một Giám Mục với Linh mục đoàn và các thày phó tế của Ngài” (Thư gởi cho giáo dân Philadelphia, 4: PG 5,700).
Giáo Hội Ðông Phương vẫn còn duy trì truyền thống tốt đẹp này. Trong khi đó Giáo Hội Tây Phương chỉ còn thực hành trong Thánh Lễ phong chức Giám Mục và Linh Mục thôi.
Do đó, Công Ðồng Vaticanô II muốn làm sống lại thói quen tốt lành và đầy ý nghĩa tượng trưng này. (Trở lại đầu trang)
 
 
Hiến Chế
Về Phụng Vụ Thánh
Sacrosanctum Concilium
 
Chương III
Các Bí Tích Khác Và Các Á Bí Tích
 
59. Bản tính các bí tích. Các Bí Tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và sau cùng là thờ phương Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những dấu chỉ, các Bí Tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các Bí Tích giả thiết phải có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó. Do đó, được gọi là các Bí Tích Ðức Tin. Thực ra các Bí Tích ban ân sủng, nhưng việc cử hành các Bí Tích còn là việc chuẩn bị các tín hữu đón nhận ân sủng đó một cách hữu hiệu để thờ phượng Chúa đúng cách và để thực thi đức bác ái.
Do đó, việc rất quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các Bí Tích, và hết sức siêng năng lui tới đón nhận các Bí Tích, là những Bí Tích được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu.
 
60. Các á bí tích. Ngoài ra, Giáo Hội Mẹ Thánh còn thiết lập những Á Bí Tích. Ðó là những dấu chỉ thánh, vì một phần nào phỏng theo những Bí Tích, nhờ đó biểu trưng những hậu quả – nhất là những hậu quả thiêng liêng – và thông ban hậu quả đó nhờ sự bầu cử của Giáo Hội. Nhờ các Á Bí Tích ấy, con người được chuẩn bị lãnh nhận hậu quả chính yếu của các Bí Tích và thánh hóa những hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống.
 
61. Phụng vụ các Bí Tích và Á Bí Tích. Vì thế, phụng vụ các Bí Tích và Á Bí Tích mang lại những hiệu quả này là: đối với các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, thì hầu hết mọi biến cố trong đời sống sẽ được thánh hóa nhờ thánh ân xuất phát từ mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô chịu thương khó, chịu chết và sống lại, vì Người là nguồn mạch ban năng lực cho tất cả các Bí Tích và Á Bí Tích. Hầu như không có việc xử dụng của cải vật chất một cách chính đáng nào lại không có thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa.
 
62. Canh tân nghi thức. Tuy nhiên, trải qua các thời đại, có một số yếu tố đã len lỏi vào các nghi thức Bí Tích và Á Bí Tích khiến cho bản chất và mục đích kém phần rõ ràng đối với thời đại chúng ta. Vậy cần phải thích nghi vài yếu tố trong các nghi thức đó cho hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta; nên trong việc duyệt xét lại những nghi thức ấy, Thánh Công Ðồng quyết định các điều sau đây.
 
63. Ngôn ngữ. Bởi vì việc dùng tiếng bản quốc trong khi cử hành Bí Tích và Á Bí Tích, nhiều lúc có thể rất hữu ích cho dân chúng, nên sẽ dành cho nó một địa vị rộng rãi hơn, theo những qui tắc sau đây:
a) Tiếng bản quốc có thể được xử dụng trong khi cử hành các Bí Tích và Á Bí Tích theo qui tắc khoản 36.
b) Theo ấn bản mới của Sách Nghi Lễ Roma, Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương phải soạn thảo càng sớm càng hay các sách nghi lễ riêng biệt thích nghi với nhu cầu từng miền, cả về phương diện ngôn ngữ, như đã bàn trong khoản 22-2 của Hiến Chế này. Sau khi đã được Tông Tòa duyệt y, các sách này sẽ được xử dụng trong những miền đã soạn thảo. Trong việc soạn thảo các sách nghi lễ này, hay những sách đặc biệt thu tập các nghi lễ, không được bỏ quên những huấn thị ghi ở đầu từng nghi lễ trong Sách Nghi Lễ Roma, dù là huấn thị về mục vụ, về qui tắc chữ đỏ, hay những huấn thị có giá trị xã hội đặc biệt.
 
64. Lớp dự tòng. Phải cải tổ lớp dự tòng cho người lớn, theo nhiều giai đoạn, và việc thực hiện phải tùy theo phán quyết của Ðấng Bản Quyền địa phương. Nhờ đó, thời gian dự tòng ấn định cho việc huấn luyện tương xứng có thể được thánh hóa bởi những nghi lễ thánh cử hành trong những thời gian kế tiếp nhau.
 
65. Canh tân nghi lễ rửa tội. Trong các xứ truyền giáo, ngoài những yếu tố đã có trong truyền thống Kitô giáo, cũng còn được phép công nhận những yếu tố nhập giáo khác vẫn thấy xử dụng nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể thích ứng với nghi lễ Kitô giáo, theo qui tắc khoản 37-40 của Hiến Chế này.
 
66. Nghi lễ Rửa Tội người lớn. Phải duyệt lại hai nghi lễ Rửa Tội người lớn, một nghi thức đơn giản và một nghi thức trọng thể tùy theo tổ chức dự tòng được cải tổ lại; và sẽ đem vào Sách Lễ Roma một lễ đặc biệt trong dịp “ban phép Rửa Tội”.
 
67. Nghi lễ Rửa Tội trẻ nhỏ. Phải duyệt lại nghi lễ Rửa Tội trẻ nhỏ, và thích nghi với thực trạng của trẻ sơ sinh. Hơn nữa, vai trò và bổn phận của cha mẹ cũng như những người đỡ đầu phải được nêu rõ hơn trong chính nghi thức đó.
 
68. Khi có đông người chịu phép Rửa Tội. Khi có đông người chịu phép Rửa Tội, thì trong nghi lễ nên có những thích ứng tùy theo phán quyết của Ðấng Bản Quyền địa phương. Ngoài ra còn phải soạn thảo một nghi thức ngắn hơn, để các thầy giảng, nhất là trong các xứ truyền giáo, và cách chung các tín hữu có thể xử dụng trong trường hợp nguy tử khi vắng mặt linh mục hay các thầy phó tế.
 
69. Nghi thức bổ túc. Thay vì nghi lễ gọi là “nghi thức bù các phép cho các trẻ nhỏ đã rửa tội”, phải soạn thảo một nghi lễ mới, trong đó nói lên rõ ràng và thích hợp hơn về điểm này là đứa nhỏ được rửa tội theo nghi thức vắn tắt cũng được nhận vào Giáo Hội rồi.
Cũng thế, phải soạn thảo một nghi thức mới cho những người trước kia đã chịu phép Rửa Tội thành sự, mà nay trở lại đạo thánh Công Giáo, trong đó nêu lên ý nghĩa việc họ được chấp nhận, được hiệp thông với Giáo Hội.
 
70. Ngoài mùa Phục Sinh. Ngoài mùa phục sinh, có thể làm phép nước rửa tội ngay trong nghi lễ rửa tội, theo một công thức vắn tắt hơn đã được chuẩn nhận.
 
71. Canh tân nghi lễ thêm sức. Cũng phải duyệt lại nghi lễ Thêm Sức để làm sáng tỏ hơn mối dây liên lạc mật thiết của Bí Tích này với toàn thể nghi lễ nhập Kitô giáo. Vì thế, nên lập lại lời hứa rửa tội ngay trước khi nhận lãnh Bí Tích Thêm Sức.
Nếu thấy tiện, thì Bí Tích Thêm Sức có thể cử hành trong Thánh Lễ. Còn khi cử hành ngoài Thánh Lễ, phải lo soạn thảo một công thức để mở đầu nghi lễ.
 
72. Canh tân nghi lễ Giải Tội. Nghi Lễ và công thức Bí Tích Giải Tội phải được duyệt lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của Bí Tích này.
 
73. Canh tân nghi lễ Xức Dầu Bệnh Nhân. “Bí Tích Xức Dầu sau hết” hay đúng hơn còn có thể gọi “Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân” không phải là Bí Tích dành riêng cho những người hấp hối. Dĩ nhiên, thời gian thuận tiện để nhận Bí Tích này chắc chắn là lúc tín hữu bắt đầu nguy tử vì bệnh tật hay già yếu.
 
74. Nghi lễ liên tục. Ngoài hai nghi lễ tách biệt nhau là Xức Dầu Bệnh Nhân và Trao Của Ăn Ðàng, phải soạn thảo một bản nghi lễ liên tục, theo đó sẽ xức dầu bệnh nhân sau khi xưng tội và trước khi nhận của ăn đàng.
 
75. Các lời nguyện trong nghi lễ xức dầu bệnh nhân. Xức dầu mấy chỗ là việc tùy nghi, và các lời nguyện đọc trong nghi lễ xức dầu bệnh nhân phải được duyệt lại sao cho thích ứng với từng trường hợp của bệnh nhân khi nhận lãnh Bí Tích này.
 
76. Canh tân nghi lễ Truyền Chức Thánh. Các Nghi Lễ Phong Chức phải được duyệt lại cả về nghi thức lẫn bản văn. Những lời huấn dụ của Ðức Giám Mục ở đầu mỗi nghi lễ phong chức hay tấn phong có thể dùng tiếng bản quốc.
Trong Nghi Lễ Tấn Phong Giám Mục, tất cả các Giám Mục hiện diện đều có thể đặt tay.
 
77. Canh tân nghi lễ Hôn Phối. Nghi lễ cử hành Hôn Phối, hiện có trong sách nghi lễ Roma, phải được duyệt lại và làm phong phú hơn, để ý nghĩa ân sủng của Bí Tích này được thêm rõ ràng và nhấn mạnh hơn nữa bổn phận của hai vợ chồng.
“Nếu ở miền nào có những tập tục và nghi lễ xứng đáng khác trong khi cử hành Bí Tích Hôn Phối, thì Thánh Công Ðồng tha thiết mong ước họ cứ giữ nguyên những tập tục và nghi lễ đó” 1.
Ngoài ra, Thẩm Quyền Giáo Hội địa phương, như đã bàn trong khoản 22�2 của Hiến Chế này, có quyền soạn thảo, theo qui tắc khoản 63, một nghi lễ riêng, thích hợp với tập quán của các địa phương và các dân tộc. Tuy nhiên, phải duy trì luật này là vị linh mục chủ tọa phải hỏi và nhận lời ưng thuận của đôi bên giao ước.
 
78. Thánh lễ cử hành Bí tích Hôn Phối. Theo thường lệ, Hôn Phối phải cử hành trong Thánh Lễ, sau bài Phúc Âm và bài giảng và trước “lời nguyện giáo dân”. Lời nguyện cho người vợ phải được tu chỉnh hợp thời để nhấn mạnh cả hai vợ chồng cùng có bổn phận phải trung tín với nhau. Lời nguyện này có thể đọc bằng tiếng bản quốc.
Nhưng nếu Bí Tích Hôn Phối cử hành không Thánh Lễ, thì phải đọc bài Thánh Thư và Phúc Âm của Lễ Hôn Phối trước khi bắt đầu nghi lễ và luôn luôn phải chúc lành cho đôi tân hôn.
 
79. Canh tân các á bí tích. Phải duyệt lại các Á Bí Tích, chú ý tới các qui tắc căn bản này, là làm sao cho các tín hữu dễ dàng tham dự một cách ý thức và linh động, lại cũng phải lưu tâm tới những nhu cầu của thời đại chúng ta. Trong khi duyệt lại các nghi thức theo qui tắc khoản 63, cũng có thể thêm các Á Bí Tích mới tùy theo nhu cầu đòi hỏi.
Sẽ có rất ít các nghi lễ làm phép dành riêng, và khi đó chỉ ưu tiên cho các Giám Mục và các Ðấng Bản Quyền thôi.
Phải dự liệu để những giáo dân nào có đủ các đức tính thích hợp, đều có thể cử hành một vài Á Bí Tích, ít là trong những hoàn cảnh đặc biệt và tùy theo phán đoán của Ðấng Bản Quyền. 7*
 
80. Canh tân nghi lễ Khấn Dòng. Nghi Lễ Thánh Hiến các Trinh Nữ, đã có trong Sách Nghi Lễ Giám Mục Roma, phải được duyệt lại.
Ngoài ra, phải soạn thảo một nghi lễ khấn dòng và tuyên lại lời khấn sao cho có tính cách duy nhất hơn, đơn giản hơn và trang nghiêm hơn. Những ai khấn dòng hay tuyên lại lời khấn trong Thánh Lễ, phải dùng nghi thức này, trừ khi có đặc quyền riêng.
Việc khấn dòng cử hành trong Thánh Lễ là một điều đáng khen ngợi.
 
81. Canh tân nghe lễ An Táng. Nghi lễ an táng phải diễn tả rõ ràng hơn tính cách phục sinh của cái chết Kitô hữu, và phải đáp ứng hơn nữa những hoàn cảnh và truyền thống của từng miền, ngay cả về màu sắc phụng vụ.
 
82. Nghi lễ an táng nhi đồng. Phải duyệt lại nghi lễ an táng nhi đồng và lập một Thánh Lễ riêng.
 
 
________________________________________
Chú Thích:
1 CÐ Trentô, khóa XXIV, 11-11-1563, de reformatione, ch. 1: Conc. Trid., x.b. đã trích, IX. Actorum phần VI, Friburgi Brisgoviae 1924, trg 969. Xem Rituale Romanum, tiết VIII, ch II, số 6. (Trở lại đầu trang)
7* Một vài Nghị Phụ đã lấy ví dụ các bậc cha mẹ có thể ban phép lành cho con cái. (Trở lại đầu trang)
 
 
 
Hiến Chế
Về Phụng Vụ Thánh
Sacrosanctum Concilium
 
Chương IV
Kinh Nhật Tụng
 
83. Kinh nhật tụng, lời nguyện của Ðức Kitô và Giáo Hội. Là Thượng Tế của Tân Ước vĩnh cửu, Chúa Giêsu Kitô, mang bản tính nhân loại, đã đưa vào cuộc lưu đày ở trần gian này một bản thánh ca vẫn còn được hát lên qua mọi thời đại nơi ngai tòa thiên quốc. Chính Người kết hiệp toàn thể cộng đoàn nhân loại với Người và liên kết họ với Người để cùng hát bản thánh ca ngợi khen này.
Thực vậy, Người tiếp tục chức vị tư tế đó qua chính Giáo Hội của Người: Giáo Hội không những chỉ cử hành Lễ Tạ Ơn, mà còn bằng nhiều cách khác, nhất là việc chu toàn Kinh Nhật Tụng, không ngừng ca tụng Thiên Chúa và cầu bầu cho phần rỗi của cả thế giới.
 
84. Kinh nhật tụng, để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Theo truyền thống xa xưa của Kitô giáo, Kinh Nhật Tụng được lập ra để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Vì, thực ra, khi các linh mục chu toàn đúng nghi thức bài ca ngợi khen tuyệt diệu đó, cũng như những người khác được ủy nhiệm làm công việc đó theo sự thiết định của Giáo Hội, hoặc các Kitô hữu hợp cùng linh mục cầu nguyện theo thể thức đã được chuẩn nhận, thì thực là tiếng của chính Hiền Thê nói với Ðấng Phu Quân mình, và hơn thế nữa, còn là lời cầu nguyện của Chúa Kitô và thân thể Người dâng lên Thiên Chúa Cha.
 
85. Nhân danh Mẹ Giáo Hội chu toàn việc ca khen Thiên Chúa. Bởi vậy, tất cả những người thực thi các việc đó, thì vừa chu toàn trách vụ của Giáo Hội, vừa thông phần vinh dự tối cao của Hiền Thê Chúa Kitô, bởi vì họ đứng trước ngai Thiên Chúa, để nhân danh Giáo Hội là Mẹ mà chu toàn việc ca khen Người.
 
86. Giá trị mục vụ của kinh nhật tụng. Các Linh Mục miệt mài với công việc mục vụ thánh, càng sốt sắng chu toàn các Giờ ngợi khen nếu càng ý thức sống động hơn rằng mình phải tuân giữ lời căn dặn của Thánh Phaolô: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (1Th 5,17); vì chưng, chỉ một mình Chúa mới có thể ban hiệu quả và sự tiến triển cho công việc họ làm, vì Chúa đã phán: “Không có Ta, các con không thể làm được việc gì” (Gio 15,5). Vì thế, khi thiết lập hàng Phó Tế, các Tông Ðồ đã nói: “Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên tâm đến việc cầu nguyện và giảng dạy” (CvTđ 6,4).
 
87. Công trình cải tổ. Nhưng để Kinh Nhật Tụng được các Linh Mục hay các phần tử khác trong Giáo Hội chu toàn một cách tốt đẹp và hoàn hảo hơn trong những hoàn cảnh hiện tại, Thánh Công Ðồng theo đuổi công trình cải tổ mà Tông Tòa đã khởi sự tốt đẹp, quyết ấn định những điều sau đây về Kinh Nhật Tụng theo nghi lễ Roma.
 
88. Cải tổ cách xếp đặt các giờ kinh. Vì mục đích của Kinh Nhật Tụng là thánh hóa ngày sống, nên chương trình cổ truyền của các Giờ phải được cải tổ cho phù hợp với giờ khắc thật được chừng nào hay chừng đó. Ðồng thời phải lưu ý đến những hoàn cảnh cuộc sống hiện tại nhất là của những người đảm trách công việc tông đồ.
 
89. Những qui tắc trong việc canh tân kinh nhật tụng. Bởi vậy, việc canh tân Kinh Nhật Tụng phải giữ những nguyên tắc sau đây:
a) Theo truyền thống khả kính của toàn thể Giáo Hội, lời Kinh Ca Ngợi là giờ kinh ban mai và Giờ Kinh Chiều là lời nguyện ban chiều như hai cột trụ của Kinh Nhật Tụng, phải được coi là hai giờ chính và phải cử hành như vậy.
b) Giờ Kinh Tối phải được xếp đặt thích hợp với cuối ngày.
c) Giờ Kinh gọi là Kinh Mai, mặc dù vẫn giữ được tính cách của lời ca tụng ban đêm trong kinh hội, nhưng cần phải thích nghi thế nào để có thể đọc bất cứ giờ nào trong ngày và giờ kinh này sẽ gồm ít ca vịnh hơn và các bài đọc sẽ dài hơn.
d) Giờ Kinh Nhất được bãi bỏ.
e) Trong kinh hội, sẽ giữ các Giờ Nhỏ: giờ Ba, giờ Sáu, giờ Chín. Ngoài kinh hội, được phép chọn một trong ba giờ: giờ nào thích hợp hơn với thời khắc mình đọc trong ngày.
 
90. Kinh nhật tụng khơi nguồn đạo đức. Ðàng khác, vì Kinh Nhật Tụng là kinh nguyện công cộng của Giáo Hội, là nguồn đạo đức và của ăn cho kinh nguyện tư nhân, cho nên, vì danh Chúa, khẩn khoản nài xin các linh mục và tất cả những ai tham dự Kinh Nhật Tụng, khi thi hành Kinh Nhật Tụng, hãy hòa hợp tâm trí của mình với lời mình đọc. Ðể đạt được điều đó một cách tốt đẹp hơn, họ phải lo cho mình có kiến thức dồi dào hơn về Phụng Vụ và Thánh Kinh nhất là về các Thánh Vịnh.
Tuy nhiên, khi thi hành việc canh tân này, cần phải thích nghi kho tàng cổ kính của Kinh Nhật Tụng Rôma thế nào để tất cả những ai được ủy nhiệm điều đó có thể được hưởng nhờ cách phong phú và dễ dàng hơn.
 
91. Phân chia các thánh vịnh. Ðể chương trình các Giờ Kinh đề cập ở khoản 89 được thực sự tuân giữ, các Thánh Vịnh không còn được phân chia trong vòng một tuần lễ, nhưng trong khoảng thời gian dài hơn.
Công việc tu chỉnh phần Thánh Vịnh, đã khởi sự tốt đẹp, phải được hoàn thành sớm hết sức, nhưng vẫn tôn trọng lối văn La tinh Kitô giáo, tôn trọng tập quán phụng vụ ngay cả trong khi hát, và tất cả truyền thống của Giáo Hội La tinh.
 
92. Xếp đặt các bài đọc. Về các bài đọc, phải giữ những điều sau đây:
a) Việc đọc Thánh Kinh, phải xếp đặt thế nào để người ta có thể dễ dàng đến với kho tàng lời Chúa một cách đầy đủ bao quát hơn.
b) Các bài đọc trích trong tác phẩm các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ và Văn Sĩ Giáo Hội phải được chọn lựa kỹ lưỡng hơn.
c) Truyện các Thánh Tử Ðạo hoặc hạnh các Thánh phải phù hợp với chứng cớ lịch sử.
 
93. Duyệt xét các thánh thi. Nếu thấy thích hợp thì các thánh ca phải được hoàn lại hình thức ban đầu, và phải gạt bỏ hay thay đổi những gì có tính cách thần thoại hay ít thích hợp với nền đạo đức Kitô giáo. Lại nữa, nếu cần, cũng chấp nhận thêm những bản khác tìm thấy trong kho tàng các thánh ca.
 
94. Thời gian đọc các giờ kinh. Ðể đích thực thánh hóa ngày sống hoặc để đọc chính các Giờ Kinh cho có hiệu quả thiêng liêng, trong khi chu tất các Giờ Kinh, cần phải giữ thời gian theo sát với thời gian thật của mỗi Giờ Kinh đã thiết định.
 
95. Buộc đọc kinh nhật tụng. Các cộng đoàn buộc giữ kinh hội, ngoài Thánh Lễ tu hội, còn buộc phải cử hành Kinh Nhật Tụng mỗi ngày trong kinh hội; đó là:
a) Các Hội Dòng Kinh Sĩ, Ðan Sĩ nam, nữ và các Tu Sĩ khác có bổn phận kinh hội, do Giáo Luật hay Hiến Pháp của Dòng, đều phải cử hành toàn Kinh Nhật Tụng.
b) Các Kinh Sĩ nhà thờ chánh tòa hoặc nhà thờ kinh sĩ sẽ đọc những phần Kinh Nhật Tụng nào mà luật chung hay luật riêng ấn định.
c) Tuy nhiên, mọi phần tử của các cộng đoàn đó hoặc đã nhận chức thánh hoặc đã khấn trọng thể, trừ các thầy trợ sĩ, buộc phải đọc riêng những Giờ Kinh đã thiết định, nếu họ đã không đọc trong kinh hội.
 
96. Các giáo sĩ không thuộc kinh hội. Các giáo sĩ không thuộc kinh hội, nếu đã nhận chức thánh, thì hằng ngày buộc phải đọc trọn Kinh Nhật Tụng, hoặc với cộng đoàn hoặc riêng một mình, theo khoản 89.
 
97. Qui tắc chữ đỏ. Qui tắc chữ đỏ sẽ minh định khi nào có thể thay thế Kinh Nhật Tụng bằng hoạt động phụng vụ.
Tùy theo từng trường hợp, và nếu có lý do chính đáng, các Ðấng Bản Quyền có thể chuẩn cho những người dưới quyền mình được bỏ tất cả hay một phần Kinh Nhật Tụng hoặc có thể thay thế hẳn Kinh Nhật Tụng.
 
98. Các hội viên của Tu Hội theo Hiến Pháp của Dòng. Các hội viên của bất cứ Tu Hội nào nhằm nên trọn lành mà theo Hiến Pháp của dòng chu toàn được đôi phần Kinh Nhật Tụng, thì đã thi hành được kinh nguyện công cộng của Giáo Hội.
Cũng thế, nếu theo Hiến Pháp mà họ đọc Kinh Nhật Tụng vắn tắt, thì họ cũng thi hành kinh nguyện công cộng của Giáo Hội, miễn là kinh vắn tắt đó được soạn thảo theo kiểu Kinh Nhật Tụng và được phê chuẩn hợp lệ.
 
99. Ðọc kinh nhật tụng chung. Vì Kinh Nhật Tụng là tiếng nói của Giáo Hội, nghĩa là của toàn Nhiệm Thể công cộng ngợi khen Thiên Chúa, nên khuyên các giáo sĩ không thuộc kinh hội, và nhất là các linh mục đang sống chung hoặc tụ họp , hãy chu toàn chung với nhau, ít nữa là một phần Kinh Nhật Tụng.
Tuy nhiên, tất cả những ai chu toàn Kinh Nhật Tụng trong kinh hội hoặc chung với nhau, phải thi hành nhiệm vụ ủy thác đó một cách hết sức hoàn hảo cả về tâm hồn sùng kính bên trong cũng như cách cử hành bên ngoài.
Ðàng khác, nên tùy dịp thuận tiện mà hát Kinh Nhật Tụng trong kinh hội hoặc hát chung với nhau.
 
100. Giáo dân tham dự kinh nhật tụng. Những mục tử chăn dắt các linh hồn phải lo cho các Giờ Kinh chính yếu, nhất là giờ Kinh Chiều, được cử hành chung trong nhà thờ, vào những ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng. Cũng khuyên cả các giáo dân hãy đọc Kinh Nhật Tụng, hoặc cùng với các linh mục hoặc khi tụ họp chung với nhau hoặc riêng một mình.
 
101. Ngôn ngữ trong kinh nhật tụng.
1 Theo truyền thống ngàn đời của nghi lễ La tinh, các giáo sĩ phải duy trì tiếng La tinh trong Kinh Nhật Tụng. Tuy nhiên, tùy trường hợp riêng biệt, Ðấng Bản Quyền có quyền cho dùng bản dịch tiếng bản quốc, chiếu theo qui tắc khoản 36, cho những giáo sĩ mà việc dùng tiếng La tinh là một ngăn trở lớn lao khiến không thể chu toàn Kinh Nhật Tụng cho đúng mức đòi hỏi được.
2 Bề Trên Thẩm Quyền có thể cho phép các nữ đan sĩ, các nam tu sĩ không phải là giáo sĩ và các nữ tu thuộc các tu hội, được dùng tiếng bản quốc trong Kinh Nhật Tụng cả khi cử hành trong kinh hội, miễn là bản dịch phải được chuẩn nhận.
3 Giáo sĩ nào buộc đọc Kinh Nhật Tụng, mà cử hành Kinh Nhật Tụng bằng tiếng bản quốc chung với cộng đoàn tín hữu, hoặc với những người đã nói ở số 2, thì cũng đã chu toàn bổn phận rồi, miễn là bản dịch phải được chuẩn nhận.
 
 
 
Hiến Chế
Về Phụng Vụ Thánh
Sacrosanctum Concilium
 
Chương V
Năm Phụng Vụ
 
102. Ý nghĩa năm phụng vụ. Giáo Hội, Mẹ hiền, ý thức mình có bổn phận cử hành các công trình cứu chuộc của Ðấng Phu Quân chí thánh bằng việc tưởng niệm vào những ngày ấn định trong năm. Mỗi tuần, vào ngày gọi là ngày Chúa Nhật, Giáo Hội tưởng nhớ việc Chúa Phục Sinh; mỗi năm một lần Giáo Hội còn cử hành mầu nhiệm ấy hết sức trọng thể vào dịp lễ Chúa Phục Sinh, cùng với cuộc Thương Khó hồng phúc của Người.
Giáo Hội còn phô diễn trọn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, cùng với sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến.
Trong khi cử hành những Mầu Nhiệm Cứu Chuộc như thế, Giáo Hội rộng mở cho các tín hữu sản nghiệp nhân đức và công nghiệp của Chúa, khiến cho những mầu nhiệm này có thể nói là hiện diện qua mọi thời đại 8*, ngõ hầu các tín hữu tiếp xúc với các mầu nhiệm đó sẽ được đầy tràn ơn cứu chuộc.
 
103. Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Trong khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hằng năm như thế với một tình yêu đặc biệt, Giáo Hội tôn kính Ðức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Ðấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly. Nơi Mẹ, Giáo Hội ngưỡng mộ và tán tụng thành quả tuyệt diệu của công trình cứu chuộc, và vui mừng chiêm ngắm nơi Mẹ, như trong hình ảnh tinh tuyền trọn hảo, điều mà toàn thể Giáo Hội ước mong và trông đợi.
 
104. Các Thánh Tử Ðạo và các Thánh khác. Ngoài ra, Giáo Hội còn thêm vào niên kỳ những lễ kính nhớ các Thánh Tử Ðạo và các Thánh khác, là những đấng nhờ muôn vàn hình thức ơn Chúa, đã đạt tới sự trọn lành, và đã chiếm được phần rỗi đời đời, giờ đây đang ca khen Thiên Chúa bài ca tuyệt diệu ở trên trời và đang cầu bầu cho chúng ta. Bởi chưng, trong những ngày kính nhớ các Thánh, Giáo Hội công bố mầu nhiệm phục sinh nơi các Ngài: vì đã cùng chịu thương khó và cùng được vinh hiển với Chúa Kitô. Giáo Hội cũng trình bày cho các tín hữu những gương mẫu của các Ngài, những gương mẫu lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô, và nhờ công nghiệp các Ngài, Giáo Hội lãnh nhận được những hồng ân của Thiên Chúa.
 
105. Giáo Hội kiện toàn việc huấn luyện các tín hữu. Sau cùng, theo luật lệ lưu truyền: cứ mỗi mùa trong năm, Giáo Hội kiện toàn việc huấn luyện các tín hữu bằng những việc lành hồn xác, bằng việc giảng dạy, lời cầu nguyện, việc sám hối và các việc bác ái.
Vì thế, Thánh Công Ðồng quyết ấn định những điều sau đây.
 
106. Chú trọng ngày chúa nhật. Theo Tông Truyền bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm phục sinh vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay ngày Chúa Nhật. Thực vậy, trong ngày đó các Kitô hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại và vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã “dùng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động” (1P 1,3). Vì vậy, ngày Chúa Nhật là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật, bởi vì ngày Chúa Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ.
 
107. Canh tân năm phụng vụ. Phải tu chỉnh năm phụng vụ thế nào để sau khi duy trì hay phục hồi những tập tục và quy chế cổ truyền về các mùa thánh, theo những hoàn cảnh của thời đại chúng ta, vẫn giữ được tính cách ban đầu của những mùa ấy, hầu nuôi dưỡng đúng mức lòng đạo đức của các tín hữu, khi cử hành những mầu nhiệm cứu chuộc trong đạo, nhất là mầu nhiệm phục sinh. Vả lại, nếu cần thích ứng với hoàn cảnh địa phương, thì phải theo quy tắc các khoản 39 và 40.
 
108. Phần Riêng mỗi Mùa. Trước hết, phải hướng tâm trí các tín hữu về những ngày lễ của Chúa, là những lễ quanh năm cử hành các mầu nhiệm cứu chuộc. Vì thế, Phần Riêng mỗi Mùa phải có một chỗ thích hợp vượt trên lễ các Thánh, để trọn vẹn chu kỳ các mầu nhiệm cứu chuộc được kính nhớ đúng mức.
 
109. Mùa chay. Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng Vụ lẫn giáo lý phụng vụ. Do đó:
a) Những yếu tố về phép Rửa Tội riêng cho Phụng Vụ Mùa Chay phải được áp dụng rộng rãi hơn. Một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu có thể, cần phải được tái lập.
b) Còn các yếu tố về việc sám hối cũng vậy. Trong khi dạy giáo lý, phải khắc ghi vào tâm trí các tín hữu không những các hiệu quả xã hội của tội mà còn chính bản chất của việc sám hối là ghét tội vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa. Không được bỏ quên vai trò của Giáo Hội trong tác động sám hối, và phải nhấn mạnh đến việc cầu cho các tội nhân.
 
110. Việc thực hành sám hối. Trong Mùa Chay, việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội. Vậy hãy khuyến khích việc thực hành sám hối tùy theo khả năng của thời đại ta, của các miền khác nhau cũng như hoàn cảnh các tín hữu. Việc thực hành sám hối đó phải được các Ðấng Bản Quyền cổ võ như đã nói ở khoản 22.
Tuy nhiên, việc giữ chay thánh trong Mùa Phục Sinh là việc phải được giữ cách nhiệm nhặt, khắp nơi đều phải giữ vào ngày thứ Sáu Chúa chịu thương khó và chịu chết, nếu tiện cũng phải kéo dài qua thứ Bảy Tuần Thánh, để tâm hồn người tín hữu một khi được nâng cao và giải thoát, được hưởng niềm vui Chúa Sống Lại.
 
111. Lễ các Thánh. Theo truyền thống, các Thánh được tôn kính trong Giáo Hội và các di hài đích thực cũng như hình ảnh của các Ngài vẫn được sùng kính. Thực vậy, những lễ kính các Thánh nói lên những việc lạ lùng của Chúa Kitô nơi các tôi tớ Người và phô bày những gương sáng thích hợp cho các tín hữu bắt chước.
Ðể những lễ kính các Thánh không lấn át các lễ kính nhớ chính những mầu nhiệm cứu chuộc, nhiều lễ các Thánh sẽ để cho từng Giáo Hội địa phương, hoặc cho mỗi Quốc Gia hay Dòng Tu cử hành. Chỉ phổ biến cho toàn thể Giáo Hội những lễ kính các Thánh thực sự có tầm quan trọng phổ quát.
 
 
________________________________________
Chú Thích:
8* Khi Phong Trào Phụng Vụ khởi phát, đã có nhiều người nói tới sự “có mặt” các mầu nhiệm này trong năm Phụng Vụ. Ðức Piô XII đã trình bày vấn đề rất cặn kẽ trong Thông điệp Mediator Dei, số 166, và Công Ðồng Vaticanô II nhắc lại giáo lý đó. (Trở lại đầu trang)
 
 
 
Hiến Chế
Về Phụng Vụ Thánh
Sacrosanctum Concilium
 
Chương VI
Thánh Nhạc
 
112. Giá trị của thánh nhạc. Truyền thống âm nhạc của toàn thể Giáo Hội đã kiến tạo nên một kho tàng vô giá, vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trọng thể.
Thực vậy, không những Thánh Kinh 1 mà cả các Giáo Phụ và các Ðức Thánh Cha đã khen ngợi những bản thánh ca, nhất là các Ðức Thánh Cha trong những thời đại gần đây, tiên phong là Ðức Piô X, đã làm sáng tỏ rõ ràng hơn vai trò của Thánh Nhạc trong phụng tự.
Do đó Thánh Nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu. Thánh Nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng. Do đó, Giáo Hội chuẩn nhận và cho dùng vào phụng vụ tất cả mọi hình thức nghệ thuật đích thực, miễn là có những đặc tính cần thiết.
Vì thế, trong khi vẫn duy trì những qui tắc, luật lệ của truyền thống và qui luật trong Giáo Hội, cũng như nhằm mục đích của Thánh Nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các giáo hữu, Thánh Công Ðồng đã ấn định những điều sau đây.
 
113. Thánh nhạc trong phụng tự. Hoạt động phụng vụ mang một hình thức cao quí hơn khi các việc phụng tự được cử hành một cách long trọng, với tiếng hát do các thừa tác viên có chức thánh chủ sự và giáo dân tích cực tham dự.
Còn về ngôn ngữ được xử dụng, hãy theo qui tắc khoản 36: về Thánh Lễ, khoản 54; về các Bí Tích, khoản 63; về Kinh Nhật Tụng, khoản 101.
 
114. Kho tàng Thánh Nhạc. Phải hết sức lo lắng duy trì và cổ võ kho tàng Thánh Nhạc, phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn, nhất là ở các nhà thờ chánh tòa. Về phần các Giám Mục và mục tử khác có nhiệm vụ coi sóc các linh hồn, hãy nhiệt tâm lo lắng để trong bất cứ nghi lễ nào có hát, tất cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tham dự một cách linh động vào những phần dành riêng cho họ, theo qui tắc khoản 28 và 30.
 
115. Huấn luyện thánh nhạc. Phải chú trọng đến việc huấn luyện và thực tập âm nhạc trong các Chủng Viện, các tập viện cũng như các học viện của các Dòng Tu nam nữ, và cả trong những học viện và học đường công giáo khác. Vì thế, để đảm nhiệm công việc đào tạo ấy, cần phải quan tâm đến việc huấn luyện những giáo sư có nhiệm vụ dạy Thánh Nhạc.
Ngoài ra, nếu tiện, rất nên thành lập những Viện Cao Ðẳng Thánh Nhạc.
Hơn nữa, các nhạc sĩ, ca sĩ, nhất là các thiếu nhi, cũng phải được huấn luyện cho có đủ căn bản phụng vụ.
 
116. Bình ca và nhạc đa âm. Giáo Hội nhìn nhận bình ca là lối hát riêng của phụng vụ Roma; vì thế, trong các hoạt động phụng vụ, bình ca phải chiếm một địa vi chính yếu giữa những loại ca khác.
Không hẳn là loại trừ các loại Thánh Nhạc khác, nhất là loại đa âm, trong những khi cử hành các việc phụng tự, miễn là đáp ứng được tinh thần của hoạt động phụng vụ theo qui tắc khoản 30.
 
117. Sách hát bình ca. Phải hoàn thành việc ấn loát bản mẫu các sách hát bình ca; ngoài ra, đối với các sách đã được ấn hành sau cuộc canh tân của Thánh Piô X, cũng phải có một ấn bản được nghiên cứu cẩn thận hơn.
Cũng nên lo ấn hành một loại sách hát gồm những âm điệu đơn sơ hơn để dùng trong các nhà thờ nhỏ.
 
118. Thánh ca bình dân. Thánh ca bình dân phải được khéo léo cổ võ để tín hữu có thể ca vang lên tiếng hát trong những việc đạo đức thánh thiện cũng như trong chính hoạt động phụng vụ, theo những qui tắc và chỉ thị của chữ đỏ.
 
119. Nhạc dân tộc. Ở một vài miền, nhất là các xứ Truyền Giáo, có những dân tộc sẵn có một truyền thống âm nhạc riêng; nó đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội của họ. Tại những nơi này, phải quí trọng âm nhạc ấy đúng mức, và dành cho nó một địa vị thích hợp, trong khi đào tạo cho họ có một quan niệm tôn giáo, cũng như thích ứng năng khiếu của họ vào việc phụng tự, theo tinh thần khoản 39 và 40.
Do đó, trong khi huấn luyện âm nhạc cho các vị thừa sai, phải hết sức lo lắng để họ có thể phát triển truyền thống âm nhạc của các dân tộc này, được chừng nào hay chừng đó, trong các trường học cũng như trong các hoạt động phụng vụ.
 
120. Ðại phong cầm và các nhạc khí khác. Trong Giáo Hội La tinh, đại phong cầm phải hết sức quí trọng, vì là một nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thể thêm vẻ huy hoàng kỳ diệu cho các nghi lễ, lại có hiệu lực nâng cao tâm trí lên cùng Chúa và những sự trên trời.
Còn các nhạc cụ khác, cũng được phép dùng vào việc phụng tự tùy theo phán đoán và phê chuẩn của Thẩm Quyền địa phương theo quy tắc khoản 22-2, 37 và 40, miễn là đã thích hợp hoặc có thể thích hợp để dùng vào việc thánh, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường, và thực sự giúp cảm hóa các tín hữu.
 
121. Sứ mạng các nhà sáng tác nhạc. Các nhạc sĩ thấm nhuần tinh thần Kitô giáo hãy ý thức rằng mình được kêu gọi phải trau dồi Thánh Nhạc và phát triển kho tàng thánh nhạc đó.
Họ hãy sáng tác những bản có cung điệu thánh nhạc thực sự, để không những các ca đoàn lớn có thể hát được mà còn hợp với cả ca đoàn nhỏ, giúp cho toàn thể cộng đoàn tín hữu cũng có thể tham dự một cách linh động.
Còn lời thánh ca phải thích hợp với giáo thuyết công giáo và tốt hơn cả là rút ra từ Thánh Kinh và các nguồn mạch phụng vụ.
 
________________________________________
Chú Thích:
1 Xem Eph 5,19; Col 3,16. (Trở lại đầu trang)
 
 
Hiến Chế
Về Phụng Vụ Thánh
Sacrosanctum Concilium
 
Chương VII
Nghệ Thuật Thánh
Và Dụng Cụ Thánh
 
122. Giá trị của nghệ thuật thánh. Trong những hoạt động cao quí nhất của tài năng con người, rất đáng kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo mà tột đỉnh của nghệ thuật này chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại; nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích nào khác ngoài sự góp phần tích cực vào việc đạo đức là hướng tâm trí người ta về cùng Chúa.
Vì thế, Giáo Hội Mẹ Cao Sang, luôn luôn là bạn của mỹ thuật và không ngừng tìm đến sứ mạng cao quí của mỹ thuật, nhất là để những vật dùng vào việc phụng tự thánh được thực sự xứng đáng thích hợp và mỹ thuật, đồng thời biểu thị và tượng trưng những thực tại trên trời; Giáo Hội cũng luôn lo huấn luyện các nghệ thuật gia. Hơn nữa, Giáo Hội vẫn tự coi mình như vị thẩm phán về mỹ thuật, xét xem trong những tác phẩm của các nghệ sĩ, tác phẩm nào thích hợp với đức tin, với lòng đạo đức, và với những luật lệ truyền thống trong đạo, cũng như xem xét những tác phẩm nào xứng đáng dùng vào việc thánh.
Giáo Hội hằng đặc biệt lo lắng sao cho vật dụng thánh góp phần trang trọng vào việc phụng tự một cách xứng đáng và mỹ thuật, đồng thời chấp nhận những thay đổi về chất liệu, về hình thức, cũng như về trang trí do tiến triển kỹ thuật trải qua các thời đại đem đến.
Vì thế về điểm này, các Nghị Phụ quyết ấn định những điều sau đây.
 
123. Các kiểu nghệ thuật. Giáo Hội đã không hề coi một kiểu nghệ thuật nào như là của riêng, nhưng công nhận các kiểu của bất cứ thời đại nào, tùy theo đặc tính và hoàn cảnh của các dân tộc, cũng như tùy theo nhu cầu của các Nghi Lễ khác nhau; những kiểu nghệ thuật này, trải qua các thế kỷ, đã tạo nên một kho tàng nghệ thuật cần thiết hết sức duy trì cẩn thận. Ngay cả những nghệ thuật trong thời đại chúng ta, nghệ thuật của mọi dân tộc và mọi miền, cũng phải được tự do thi thố trong Giáo Hội, miễn là vẫn giữ được vẻ tôn kính trang trọng phải có trong các thánh đường cũng như trong các nghi lễ thánh. Như thế, nghệ thuật đã có thể hòa giọng với bản nhạc vinh quang kỳ diệu mà những bậc vĩ nhân đã từng ca hát qua các thế kỷ để ca tụng đức tin công giáo.
 
124. Phát động và cổ võ nghệ thuật thánh đích thực. Các Ðấng Bản Quyền trong khi phát động và cổ võ nghệ thuật thánh đích thực, hãy nhắm tới vẻ đẹp cao quí hơn là chỉ nghĩ tới vẻ xa hoa lộng lẫy. Ðiều này cũng nói về phẩm phục và đồ trang trí nữa.
Các Ðức Giám Mục hãy cẩn thận lo loại trừ khỏi thánh đường cũng như những nơi thánh khác những tác phẩm nghệ thuật nào nghịch với đức tin và phong hóa, nghịch với lòng đạo đức Kitô giáo, cũng như những tác phẩm làm tổn thương ý nghĩa tôn giáo đích thực, hoặc vì hình thức tồi bại, hoặc vì thiếu nghệ thuật, tầm thường hay giả tạo.
Còn về việc xây cất thánh đường, cũng phải cẩn thận lo liệu làm sao để xứng hợp với việc chu toàn các hoạt động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể tham dự một cách linh động.
 
125. Ảnh tượng thánh trong các thánh đường. Phải kiên quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong các thánh đường cho các tín hữu tôn kính; tuy thế số các ảnh tượng ấy chỉ vừa phải thôi và phải được sắp xếp sao cho thích hợp, đừng làm chia trí cho giáo dân, cũng đừng làm cho giáo dân có lòng tôn sùng thiếu đứng đắn.
 
126. Ủy Ban giáo phận đặc trách Nghệ Thuật Thánh. Trong việc thẩm xét những tác phẩm nghệ thuật, các Ðấng Bản Quyền địa phương hãy lắng nghe ý kiến của Ủy Ban giáo phận đặc trách Nghệ Thuật Thánh, và trường hợp nào cần thiết, nên nghe những người rất thành thạo khác cũng như những Ủy Ban đã nói trong các khoản 44, 45, 46.
Các Ðấng Bản Quyền phải thận trọng săn sóc kẻo dụng cụ thánh hoặc các nghệ phẩm giá trị, là những vật trăng hoàng nhà Chúa, bị di nhượng hoặc tiêu hủy.
 
127. Ðào tạo các nghệ sĩ. Các Giám Mục, hoặc phải tự mình hoặc phải nhờ các linh mục đủ khả năng, thông thạo và yêu thích nghệ thuật, lưu tâm đến các nghệ thuật gia sao cho họ thấm nhuần tinh thần Nghệ Thuật Thánh và Phụng Vụ Thánh.
Ngoài ra cũng khuyến khích thành lập những trường học hay những Học Viện về Nghệ Thuật Thánh ở những miền xét ra là nên thành lập để đào tạo các nghệ thuật gia.
Riêng đối với tất cả những nghệ thuật gia, những người sẵn có tài năng muốn phụng sự Thiên Chúa để làm vinh danh Người trong Giáo Hội, phải luôn luôn nhớ rằng họ làm một việc thánh, một phần nào họ giống như Thiên Chúa, Ðấng Sáng Tạo, họ sáng tác những tác phẩm dùng vào việc thờ phượng trong đạo Công Giáo, đồng thời họ cũng cảm hóa các tín hữu, cho họ thêm lòng đạo đức và huấn luyện giáo lý cho họ nữa.
 
128. Duyệt lại các luật lệ về nghệ thuật thánh. Những khoản luật và qui chế của Giáo Hội nói về việc bài trí những đồ dùng bên ngoài liên quan đến việc thờ phượng, nhất là về việc xây cất thánh đường cho xứng đáng và thích hợp, về hình thức và cách xây dựng bàn thờ, về vẻ trang trọng, lối sắp đặt và tính cách bền chắc của nhà tạm thánh thể, về chỗ thích hợp và danh dự cho giếng rửa tội, cũng như về lối trưng bày ảnh tượng thánh, trần thiết và trang bị sao cho hòa hợp: tất cả những luật lệ về các vấn đề trên phải được duyệt lại càng sớm càng tốt, đồng thời với các sách phụng vụ theo qui tắc khoản 25: những điều nào xem ra ít hợp với phụng vụ canh tân thì hãy tu chỉnh hay loại bỏ; còn những điều nào phù hợp thì phải giữ lại hoặc thêm vào.
Về vấn đề này, nhất là về chất liệu và hình thức vật dụng thánh và phẩm phục, thì Hội Ðồng Giám Mục địa phương có quyền thích nghi với các nhu cầu và phong tục địa phương, chiếu theo qui tắc khoản 22 của Hiến Chế này.
 
129. Huấn luyện nghệ thuật cho hàng giáo sĩ. Các giáo sĩ, trong thời gian theo học Triết học và Thần học, cũng phải được học hỏi về lịch sử và biến chuyển của nghệ thuật thánh, cũng như về nguyên tắc lành mạnh mà các tác phẩm nghệ thuật thánh phải dựa theo; như thế họ sẽ biết quí trọng và duy trì những công trình đáng kính của Giáo Hội, cũng như có thể đưa ra những ý kiến thích hợp cho các nghệ thuật gia trong khi thực hiện các tác phẩm.
 
130. Huy hiệu Giám Mục. Nên dành riêng việc xử dụng phẩm phục hay huy hiệu Giám Mục cho những nhân vật trong Giáo Hội có chức Giám Mục hoặc có thẩm quyền đặc biệt nào đó.
 
 
Phụ Lục
Tuyên Ngôn
Của Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II
Về Việc Tu Chỉnh Niên Lịch
 
Thánh Công Ðồng Vaticanô II không phải là ít quan tâm đến nguyện vọng của nhiều người về việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định, và về việc thiết lập một niên lịch vĩnh viễn. Sau khi đã cẩn thận cân nhắc mọi điều có thể xảy ra do việc đưa ra một niên lịch mới, Thánh Công Ðồng tuyên bố những điều sau đây:
1. Thánh Công Ðồng không phản đối việc ấn định ngày lễ Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật nhất định trong niên lịch Gregorianô, miễn là có sự đồng ý của những người liên hệ, nhất là các anh em ly khai với Tông Tòa.
2. Cũng thế, Thánh Công Ðồng tuyên bố là không phản đối những sáng kiến có liên hệ đến việc đưa vào xã hội dân sự một niên lịch vĩnh viễn.
Tuy nhiên, trong các hệ thống khác nhau được trù tính để thiết lập một niên lịch vĩnh viễn và đưa vào xã hội dân sự, Giáo Hội chỉ không phản đối những hệ thống nào còn duy trì và bảo vệ tuần lễ 7 ngày với ngày Chúa Nhật, không thêm vào một ngày nào khác trong tuần, để sự kế tiếp các tuần lễ vẫn được nguyên vẹn, trừ khi có những lý do hết sức quan trọng mà Tông Tòa sẽ phán quyết.
 
Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Hiến Chế này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
 
Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12 năm 1963.
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.
 
 
Miễn Thi Hành Luật
 
Ðối với Hiến Chế về “Phụng Vụ Thánh” vừa được phê chuẩn, Ðức Thánh Cha đã quyết định miễn thi hành luật cho tới ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay 16 tháng 2 năm 1964. Trong thời gian đó, Ðức Thánh Cha sẽ quyết định thời gian và cách thức thi hành các chế định mới của Hiến Chế này. Vì vậy không ai được phép tự mình thi hành các chế định mới này trước thời gian trên.
 
Pericles Felici
Tổng Giám Mục hiệu tòa Samosate
Tổng Thư Ký Thánh Công Ðồng.
 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tông huấn Laudate Deum (Hãy ngợi khen Thiên Chúa)

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ Tông huấn LAUDATE DEUM (Hãy Ngợi Khen Thiên Chúa) Gửi tất cả tất cả mọi người thiện chí về sự khủng hoảng khí hậu Ban...

Thông điệp “LAUDATO SI”, của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.

THÔNG ĐIỆP "LAUDATO SI" CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ “CHĂM SÓC NGÔI...

Giới thiệu tổng quát về Công đồng Vaticano II

  Lời Giới Thiệu Tổng Quát Về Công ÐồngSứ...

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II: “Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo”

  Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II   Tuyên Ngôn về Giáo...

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II: ” Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục – Optatam Totius”

  Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II   Sắc Lệnh Về Ðào...

Tông Sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót

  MISERICORDIÆ VULTUS DUNG MẠO LÒNG THƯƠNG XÓT Tông Sắc mở...

Vaticano II: “Gaudium Et Spes”

  Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới...

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II: Sắc Lệnh Về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội – Inter Mirifica

  Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II   Sắc Lệnh Về các...

Công đồng Vaticano II: Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium

  Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium Prepared for...

Công đồng Vaticano II: “Sắc Lệnh về Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương (Orientalium Ecclesiarum)”

  Sắc Lệnh về Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương Orientalium...

Công đồng Vaticano II: “Sắc Lệnh về Hiệp Nhất – UNITATIS REDINTEGRATIO”

  Công đồng Vaticano II: "Sắc Lệnh về Hiệp Nhất...