Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

CÙNG CHA TỔ PHỤ SỐNG NIỀM SAY MÊ THIÊN CHÚA (M. Eymardo – VP)

CÙNG CHA TỔ PHỤ

SỐNG NIỀM SAY MÊ THIÊN CHÚA

 

 

       Một giọt nước không làm nên đại dương, một nốt nhạc chưa thể làm nên bản tình ca và một bông hoa không đủ tạo nên một vẻ đẹp muôn sắc. Nhưng với những tâm tình đơn sơ nhỏ bé, những cảm nghiệm về người cha kính yêu Biển Đức Thuận – Đấng sáng lập Hội dòng Xitô Thánh Gia với tên gọi đầu tiên là dòng Đức Bà An Nam, được hình thành trên núi Phước ngày 14-08-1918. Một người cha đã suốt đời hy sinh cho con cái và đau đáu một điều là làm sao cho những đứa con của mình luôn đi đúng con đường mà tu luật cha thánh Biển Đức lập ra. Đó là luôn lấy Thiên Chúa làm trung tâm và không lấy gì làm hơn Chúa Kitô (TL 72, 11). Cha đã dạy và cha đã sống như một người con thảo, luôn đơn sơ tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Theo gương cha và cùng với tất cả anh chị em trong Hội dòng Xitô Thánh Gia. Con xin được góp nhặt những tâm tình nhỏ bé và những cảm nghiệm đơn sơ về người cha kính yêu để mong được như giọt sương mai còn đọng lại trong buổi bình minh nắng ấm, như nốt nhạc trong bản tình ca của lòng biết ơn và cảm tạ, mà Hội dòng muốn dâng lên Cha Tổ Phụ, để qua ngài dâng lên Thiên Chúa niềm tri ân cảm mến trong dịp chuẩn bị kỉ niệm một trăm năm ngày Cha lập dòng trên núi Phước. Với tâm tình đó, con mong được cùng mọi anh chị em nhìn lại quá khứ, trở lại trên những chẳng đường Cha đã đi trong niềm tin, tình yêu và sự phó thác cho Thiên Chúa, để cùng với Cha, chúng ta bước tiếp con đường còn lại và làm cho hoa trái ngày càng sinh sôi nẩy nở thật nhiều trong tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.

 

     1. SAY MÊ THIÊN CHÚA TRONG NIỀM TIN ĐƠN THÀNH

    Cái vĩ đại nhất có thể được ẩn chứa trong những điều nhỏ nhặt đơn sơ và hoa trái bao giờ cũng là kết quả của những ngày tháng gieo trồng và chăm bón. Như người ta thường hay nói: Không có thành công nào là không được dựng trên những giọt nước mắt của thất bại, và tòa nhà có cao mấy đi nữa thì cũng phải được xây trên viên đá đầu tiên”. Có thể nói niềm tin và tình yêu Cha Tổ Phụ có được nơi Thiên Chúa cũng đã bắt nguồn từ một niềm tin đơn sơ chân thành của cha mẹ ngài.

     Chào đời ngày 17-8-1880, cậu bé Henri được rửa tội và lớn lên trong vùng quê Boulogne với người cha là ông Henri Cyrille Denis và bà mẹ Marie Geffroy. Cả hai đều là những tín hữu đạo đức, tuy nghèo khó vật chất nhưng dư tràn về đàng thiêng liêng. Với nghề làm bánh mì, ông Henri Denis ngày ngày phải vất vả với bao công việc nào là nhồi bột làm bánh, nướng bánh rồi đi giao bánh ở cửa hàng, vậy mà ông không bao giờ bê trễ kinh hạt (Hạnh tích tr 25). Chắc chắn hình ảnh một người cha dù vất vả với kế sinh nhai nhưng vẫn luôn dành thì giờ cho Chúa như thế đã in sâu vào tâm trí cậu bé Henri, để rồi sau này khi đã là thừa sai ở Việt Nam, cha vẫn luôn dành thì giờ cầu nguyện và suy gẫm trước Thánh Thể. Dù có bận rộn với bao công việc của một giáo sư chủng viện hay làm cha sở giáo xứ Nước Mặn, cha vẫn không bao giờ quên bổn phận với Cha trên trời như chứng thư cha viết cho song thân: “… Cha mẹ kính yêu, ngày ngày con cứ làm chút việc bình thường của con một cách thanh thản và bình an như cha mẹ vậy đó…, độ 3 giờ rưỡi con thức dậy nguyện gẫm, nghĩa là cầu xin với Chúa, nói chuyện với Ngài, 6 giờ kém 15 con dâng lễ, cám ơn Chúa, đọc kinh, xem sách thiêng liêng, 7 giờ lót lòng rồi dọn bài,… Cơm trưa rồi con vào nhà thờ chầu Mình Thánh, nói chuyện với Chúa, đó là lúc con nói chuyện với Ngài về cha mẹ, đọc kinh nhật khóa và đi đàng thánh giá tùy ngày…” (DN 1).

    Một niềm tin đơn sơ và chân thành như thế đã từng ngày nuôi dưỡng tâm hồn cha và ngày càng làm cho cha thêm yêu mến và gắn bó với Thiên Chúa, đến nỗi khi không có Mình Thánh Chúa để chầu cha thấy “cực hết sức” (HT tr 138) cha tâm sự với bà kế mẫu: “Không có Mình Thánh Người ở với chúng con thì chúng con cơ cực lắm, xin Người mau mau đến ngự giữa chúng con để chúng con chầu chực hầu hạ Người hết sức chúng con”.

    Dù cha luôn nhớ đến Chúa nhưng cha vẫn luôn cảm thấy thiếu thốn Người và chưa bao giờ thỏa mãn về sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn cha, cha thường tự trách mình yêu Chúa chưa đủ và ước ao được yêu mến Người nhiều hơn nữa. Bởi Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và chính Người là Tình yêu (1 Ga 4,8.16) nên những tâm hồn đang đói khát Thiên Chúa tìm đến uống nơi dòng suối ấy mà vẫn không bao giờ thỏa mãn, mà càng uống lại càng khao khát. Chính vì thế mà Cha Tổ Phụ cũng như bao vị thánh khác luôn say mê và tìm kiếm tình yêu Thiên Chúa, say sưa nói về tình yêu và sự nhân lành của Thiên Chúa mà không bao giờ đủ. Nguồn suối nơi các ngài kín múc tình yêu không bao giờ cạn, và hình như càng đi sâu vào trong tình yêu Thiên Chúa người ta càng trở nên đơn sơ nhỏ bé, càng cảm thấy mình yếu đuối và bất toàn, cần được sự nâng đỡ của Ngưới Cha nhân từ cao cả. Vì thế, người ta dễ dàng từ bỏ những ước muốn và những đam mê làm xa cách Thiên Chúa, và người ta cũng dễ dàng đón nhận anh chị em mình. Điều này được thể hiện rất rõ qua cuộc đời của Cha Tổ Phụ, cha luôn “nói khó” với Chúa tất cả những việc nhỏ việc lớn hay những khó khăn cha gặp phải trong đời, những bước đường cha đi luôn in đậm dấu chân của một niềm tin đơn sơ chân thành nhưng luôn vững vàng cậy trông và phó thác, vì cha luôn tâm niệm rằng: “Vâng theo thánh ý Chúa là điều tuyệt hảo nhất trong đời cha”.

 

2.SAY MÊ THIÊN CHÚA TRONG NIỀM VUI PHÓ THÁC

    Nhìn vào cuộc đời của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, ai lại không khỏi ngạc nhiên trước thái độ an nhiên tự tại của cha giữa bao nhiêu khó khăn của cuộc sống, cho dù những khó khăn đó có lúc tưởng chừng như có thể vùi dập và nhấn chìm cha trong nỗi đau cùng cực như sự việc cháy nhà ngày 17- 7-1920, hầu như thiêu rụi toàn bộ tài sản của nhà dòng mà cha con đã cố gắng tạo lập mấy năm nay. Thế mà cha vẫn không một lời than thở, không trách móc, theo hạnh tích kể lại thì khi nhìn thấy ngọn lửa cháy, cha đã quỳ xuống giang tay ngửa mặt lên trời than thở: “Lạy Chúa, Chúa đã ban nay Chúa lại cất, con xin thuận theo ý Chúa” (x. HT tr 157).

    Đức tin nơi Cha Tổ Phụ như ánh sáng dẫn cha đến với Thiên Chúa, thì lòng trông cậy cha đặt nơi Người như chiếc neo giữ cho thuyền đời của cha khỏi bị chao đảo giữa phong ba bão táp. Đức tin của cha càng bị thử thách bao nhiêu, thì đức cậy nơi cha càng tỏa sáng bấy nhiêu. Nếu như Cha Tổ Phụ không tìm được niềm vui nơi Thiên Chúa và đặt hết tin tưởng vào Người, thì làm sao cha có thể đứng vững giữa bao khó khăn thử thách của cuộc sống. Mới tám tuổi đã phải mồ côi mẹ, rồi những tháng ngày bước chân đến xứ sở truyền giáo, phải chấp nhận một cuộc sống và khí hậu ở một đất nước xa xôi, lạc hậu và nghèo đói như đất Việt; những ngày tháng ở giáo xứ Nước Mặn, chịu cơ cực, chịu đói, chịu khổ, có bao nhiêu tiền cha đều đem giúp kẻ khó và xây dựng nhà thờ đến nỗi phải nợ của nhà chung đến 100$. Vậy mà có lúc cha còn bị người lương mắng chửi, giáo dân phản bội, đánh đập cha (HT tr 65). Tiếp đến là những ngày tháng khởi sự lập dòng thì những khó khăn không thể kể sao cho xiết: tiền bạc thì không có lại bị anh em đồng môn nói ra nói vào; các đấng bản quyền thì nghi ngờ ý định của cha, khiến cha phải lao tâm khổ tứ. Bắt đầu đời tu với một quang gánh cỏn con gồm mấy bộ quần áo cũ, vài ba chiếc chiếu và mấy quyển sách long gáy rách bìa, cha bề trên đại chủng viện thương tình cấp cho một thúng gạo, một âu ruốc và một đọi muối, vài cái nồi, một con dao và một con gà trống gáy hiệu… (x. HT tr 115).

    Tất cả những điều đó cho thấy Cha Tổ Phụ khởi sự đời tu cơ cực như thế nào? Đến nỗi sau này Đức Cha sợ nhà dòng chết đói nên phải truyền chuyển nhà dòng đi Ngân Sơn. Nhưng trong tất cả mọi sự cha vẫn luôn cúi đầu “thuận” theo ý Chúa như chứng thư cha viết cho bà kế mẫu: “Từ khi nhà cháy đến nay chưa ai giúp được một xu, song hy vọng sẽ có, nếu Chúa muốn; nếu như Ngài không muốn thì con cũng không ưng. Luôn luôn vạn tuế cho sự vui!” (HT tr160). Nhà dòng hết gạo, cha mang bị đi xin về nuôi các thầy; đi xin người ta không cho cha cũng tạ ơn Chúa. Hôm khác cố Chính đưa cha đi xin người ta cho nhiều cha cũng tạ ơn Chúa. Nhìn vào thái độ và cách cư xử của cha trước những vấn đề của cuộc sống chúng ta tự hỏi không hiểu sao một con người với thân xác “cân nặng 100 ký mà còn thiếu 46 ký” như cha Biển Đức Thuận mà lại có một tâm hồn quả cảm, an nhiên và thư thái như thế trước những biến cố vui buồn trong cuộc đời? Nguồn sức mạnh của cha đến từ đâu nếu không phải là từ Đấng đã yêu thương và dựng nên cha? Nếu không có một niềm say mến dành cho Thiên Chúa đủ lớn và đủ mạnh, cha có thể vượt qua nổi những khó khăn như thế không? Chưa nói đến là thái độ vui vẻ đón nhận chúng. Ngôn sứ Gieremia, người được coi là bị tình yêu Thiên Chúa chiếm đoạt vẫn có lúc ông như muốn phản kháng, muốn chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa khi ông cảm thấy quá nhục nhã ê chề trước sứ mạng (x. Gr 20, 7.9). Rồi ngôn sứ Elia, một người được mệnh danh là ngôn sứ lửa, vì ông đầy quyền năng và thần khí của Thiên Chúa. Ông có thể đóng mở cửa trời và khiến lửa từ trời thiêu cháy quân lính và thiêu đốt lễ vật (x. 1V 18, 38; 2V 1,9.16). Vậy mà có lúc ông cũng như cảm thấy tuyệt vọng và mong ước cho được chết để thoát khỏi những đau khổ trong cuộc đời (x. 1V 19,4) . Lược qua một chút như thế đủ cho thấy tình yêu mà cha dành cho Thiên Chúa lớn lao dường nào, và lòng trông cậy của cha vững vàng biết bao. Đối với cha mọi thành bại trong cuộc sống chẳng là gì cả, chỉ có một điều quan trọng là kính mến Chúa (DN 113). Ước muốn duy nhất của cha là làm sao cho mình cũng như cho con cái mình được trở nên thầy dòng thật, thầy dòng thánh (x. DN 134, 135). Mà muốn nên thầy dòng thật, thầy dòng thánh thì ngoài các việc đạo đức thường ngày, còn phải chăm chỉ bắt chước Chúa Giêsu, “coi Chúa Giêsu đọc kinh thế nào? Người đứng ngồi ra sao? Lúc đọc “vinh danh” Người cúi thế nào? Người ăn cơm, làm việc thế nào?Hãy làm như Chúa Giêsu ở kề bên, và làm một cách rất trọn hảo…” (DN 136)

      Thật đúng như lời của sách diễm ca: “Sóng cả không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp”. Nhưng “ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể.”(Dc 8,7)

 

3.SAY MÊ THIÊN CHÚA – YÊU THƯƠNG ANH EM

      “Nếu ai nói rằng mình yêu Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai mà không yêu thương anh em mà họ trông thấy, thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không trông thấy vậy phàm ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình.”(1Ga 4,20-21). Vậy, thật là không trọn vẹn nếu không muốn nói là một thiếu sót hay chẳng có công chi, khi bỏ công tìm hiểu và học hỏi nơi cha Tổ Phụ niềm say mê Thiên Chúa trong đức tin và đức cậy, mà lại không học nơi cha sự say mê đó trong tình thương cha dành cho mọi người, bởi vì đó là dấu cho người ta nhận ra mình là môn đệ Đức Kitô (x.Ga 13,35). Nhưng cha tổ phụ đã thực thi giới luật  yêu thương đó như thế nào? Thật tiếc khi chưa có nhiều tài liệu nói về người cha kính yêu của chúng ta, và ta chẳng biết gì mấy về cuộc sống thời thơ ấu cũng như thời gian ngài ở bên Pháp, nhưng khi đọc hạnh tích về cha, về thời gian cha bước chân đến việt nam với khát mong đem lời Chúa và nói về Chúa cho dân ngoại, cho đến ngày cha từ giã con cái mình để trở về với Cha trên trời, cũng đủ để nói rằng tình mến Chúa  nơi cha luôn song hành và luôn tỉ lệ thuận với tình yêu mến anh em. Những ngày tháng làm giáo sư ở đại chủng viện An ninh, cha luôn kính trọng các đồng môn như cha và yêu mến các chú học trò như con, cha không chỉ dạy các chú về chữ nghĩa và đạo đức làm người , mà còn giúp các chú trong việc làm thuốc, chữa chạy bệnh tật phần xác, như thư cha kể với song thân: “Lúc này hầu hết các chú đến tìm con, chú thì bị ghẻ, chú thì đau mụt, chú thì đau rét, chú khác đau mắt, chú khác nữa đau bụng  v…v, mà ít khi con không tìm được cách chữa họ…” hay một bức thư khác: “Từ khi tựu trường đến nay, hầu như ngày nào con cũng mất cả buổi chiều để làm thuốc cho học trò, học trò mới nhiều chú đem theo ghẻ lở, mụn nhọt đủ thứ, con tìm hết cách mà chữ họ…”(Hạnh tích tr 47.91)

      Còn thời gian làm cha sở ở giáo xứ Nước mặn thì sao? Có thể nói việc cha từ bỏ chức vụ giáo sư ở chủng viện với nhiều thuận lợi và thành công để ra làm cha sở của ở một làng quê nghèo, không có lấy một người quen đã là một hi sinh lớn lao, cho thấy lòng mến Chúa nơi cha đã thôi thúc cha đến với các tâm hồn như thế nào : “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, Chúa đã xuống thế gần 2000 năm nay mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người. Khi con suy tư sự ấy thì cái phòng giáo sư của con đây như cái ngục cho con. Con ước ao mở miệng la hết sức về Chúa cho những kẻ chưa nhận biết Người được trở lại kẻo sa hỏa ngục thì tội nghiệp quá” (Hạnh tích tr.51). Tất cả đủ chứng minh cho tình yêu của cha dành cho Chúa và sự khát mong đem các linh hồn về cho Chúa nơi cha. Lo lắng phần hồn, chăm sóc phần xác, đến khi chết cha con phải tự tay liệm xác và cho tiền mai táng. Thật không tả hết nỗi vất vả và tình thương yêu cha dành cho những người tân tòng và ngay cả những người ngoại đạo trong giáo xứ của cha (x.Hạnh tích tr. 54-73).

      Đối với những người ngoài mà cha còn thương yêu lo lắng như thế, thì thử hỏi sau này lập dòng rồi, cha lại càng yêu thương lo lắng cho những đứa con thiêng liêng đã bước theo chân cha mà tìm Chúa trong thanh vắng như thế nào? Ôi! Thật là một con người suốt đời luôn sống vì người khác và cho người khác. Ngay đến mục đích cha lập dòng cũng là để cầu nguyện cho những người chưa tin Chúa, cha khuyên nhủ các con cái cha đừng bao giờ quên mục đích đó. Mỗi lần viết thư cho bà kế mẫu, cha luôn xin bà cầu nguyện cho các thầy dòng của cha và mỗi lần phải xuất hành, cha luôn cảm thấy buồn vì phải xa “các thầy dòng đang tập của cha”.Cha luôn lo lắng , chăm nom đến từng bữa ăn, giấc ngủ của anh em, lo lắng động viên, an ủi khi thấy anh em buồn rầu. Cha thường bảo với anh em : “Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo chầu Thánh Thể, các đạo ấy mà không chắc chi, còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy thì chắc là đạo” (DN 112). Một lần khác ngài dạy : “Chúng ta hãy yêu thương nhau, hãy mang đỡ gánh nặng cho nhau, hãy nhịn nhục nhau khi lỗi lầm, lấy đức thương yêu mà che đậy nết xấu cho nhau. Vậy cha hết lòng khuyên về sự ấy cách riêng. Chớ ai dựa vào bổn phận mà làm cực lòng anh em.” (DN 122) Thật đúng như lời thánh tông đồ phaolo nói : Dù có bố thí hết gia tài, có nộp cả thân xác cho lửa thiêu đốt mà không có lòng mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi. (x.1Cr13,1-13). Hay như lời thánh Leo Cả Giáo Hoàng : “Có lòng tin ngay thẳng và đạo lý thánh thiện là quý giá biết bao. Tất cả các nhân đức này sẽ chẳng có giá trị gì khi không có đức ái” (Bài đọc kinh đêm CN3 MC năm c).

      Không thể chứng minh một người có lòng mến Chúa thật khi chưa thể chứng minh người đó có tình thương người thật, vì thế chúng ta cũng không thể nói mình mến Chúa, trong khi cứ nói xấu, gièm pha, nói hành nói xấu người khác. Ngay cha Tổ Phụ cũng đã từng nói: “Muốn biết chúng tôi có kính mến Chúa thật hay không, thì hãy xét coi chúng tôi có thương yêu anh em không. Nếu có, ấy là dấu chúng ta có lòng kính mến Chúa. Vì sự kính mến Chúa có thể lầm được, còn sự thương yêu anh em thì không thể lầm được” (DN 112).

KẾT LUẬN

      “Phúc thay kẻ đặt miềm tin vào Thiên Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp mùa hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17,7-8).

      Lời Chúa trên đây thật đúng với con người cha Tổ Phụ, sóng to gió lớn mấy rồi cũng qua, cây đức tin nơi cha vẫn luôn đứng vững bởi rễ của đức cậy luôn bám sâu, bám chặt vào lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã sinh ra bao hoa trái ngọt ngào của lòng mến. Hạt giống Tin Mừng cha gieo vào mảnh đất Việt Nam xưa, nay đã đơm bông kết trái. Hạt mầm ơn gọi cha trồng trên núi Phước hôm nào, nay cành lá đã vươn đến tận trời Âu. Của cải cha để lại cho đoàn con cái, không phải là những cái chóng qua tạm bợ, nhưng là cả một gia sản tinh thần thiêng liêng cao quý, không thể hư nát và vẫn đục. Đó chính là tình yêu và lòng say mê Thiên Chúa nơi con người và cuộc sống của cha thật như lời thánh vịnh

 “Ai nghẹn ngào ra đi giống

Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.”

                                                                                 (Tv 125, 5)

 

                                  – M. Eymardo. VP –

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...