Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

ĐAN SĨ CANH TÂN THEO GƯƠNG CHA TỔ PHỤ (M. Tân Trang_VP)

ĐAN SĨ CANH TÂN

 

THEO GƯƠNG CHA TỔ PHỤ

M. Tân Trang_VP

“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5, 48). Đáp lại tiếng gọi mời của Thầy Chí Thánh, Cha Tổ Phụ Henri Denis của chúng ta đã luôn ra sức học cho biết Chúa để yêu mến và phụng thờ Người. Vì sự thôi thúc mạnh mẽ, người đã không ngừng vươn lên, cải đổi con người cũ cho đẹp lòng Cha trên trời. Bởi đó, Cha Tổ Phụ đã để lại cho chúng ta – thế hệ con cháu những kinh nghiệm rất quí báu trong việc thực thi lời khấn canh tân. Được thể hiện qua những lời giáo huấn của mình, Cha đã quảng diễn cho ta thấy rõ ràng như Cha Thánh Biển Đức: “Đan sĩ phải là con người sám hối” hay “Đời đan tu là mùa chay kéo dài” (TL 49, 1)

 

1. Đan sĩ với lời khấn canh tân

Cha Tổ Phụ đã nói: “Chúng tôi đã khấn buộc mình cải quá tự tân, bỏ tính mê, nết xấu và gắng công ra sức tốt hơn. Vậy cách ăn ở như thế đã biết mà không lo cải đổi thì lỗi lời khấn ấy rõ ràng” (DN 134). Tất cả các dòng tu khi tuyên thệ với Đấng Tình Quân, người khấn sinh buộc phải giữ ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục. Song với những ai sống đời đan tu theo luật thánh Biển Đức, sẽ có thêm hai lời khấn khác, đó là cải tiến và vĩnh cư (bền đỗ). Xin phép dừng lại ở lời khấn cải tiến, hầu có thể hiểu thêm phần nào đời sống đan tu mà chúng ta đang mỗi ngày nối gót theo Cha Tổ Phụ, người đã từng đi qua con đường đó.
Vâng, “Lời khấn cải tiến là một lời khấn đặc biệt do thánh Biển Đức lập cho các đan sĩ sống đời tận hiến theo tinh thần và luật đan tu của ngài. Lời khấn cải tiến hướng dẫn và chỉ đạo cho đan sĩ trong việc thực thi các lời khấn khác”(Đời sống đan tu và lý tưởng Phúc Âm, Trần Minh Công, tr 180). Khi tuân giữ các lời khấn khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, đó là người đan sĩ đã thực thi lời khấn cải tiến. Nói cách khác là: để hoàn thiện đức ái bằng việc giữ ba lời khấn theo lời khuyên Phúc Âm, người đan sĩ phải luôn luôn cầu tiến và canh tân đời sống đức tin và luân lý của mình” (Đời sống đan tu và lý tưởng Phúc Âm, Trần Minh Công, tr 181). Với những khẳng định trên, chúng ta nhận thức rõ ràng: lời khấn cải tiến tối cầu biết chừng nào cho những ai muốn “chạy nhanh” trên đường hoàn thiện.

 

2. Cha Tổ Phụ – gương mẫu canh tân

Lời khấn cải tiến phải là việc thực hành tiên quyết. Cha Tổ Phụ đã tâm niệm rõ rằng: “Nhà dòng là trường học tập làm tôi Chúa. Cho nên ngày nào chúng ta cũng phải tấn tới thì ở nhà dòng mới vui” (DN 146). Người đã minh nhiên sống với lý tưởng “làm tôi phụng sự Chúa”. Bởi đó, người đan sĩ muốn vui vẻ, muốn bình an trong nhà Chúa, thì chỉ làm duy một việc, đó là phải “lo tấn tới”, đó là một cách diễn tả lời khấn canh tân trong luật thánh Biển Đức. Tại sao Cha Tổ Phụ dám kết luận và chỉ dạy các đan sĩ của ngài cách có cơ sở như thế được. Thưa là vì ngài đã sống, đã thực hành điều ngài đã suy gẫm. Ta thấy rõ điều này trong thư nói về đức tính của ngài qua lời của những người đã sống cùng thời với Cha rằng: “Có lần ngài giảng cho các cha về đức tin, ngài đã nói: “Giả không có Chúa thì tôi đây cũng là chi rồi. Bởi vậy đã rõ ngài không chịu được cái chi lôi thôi. Hễ đã quyết nên thánh thì chịu khó hết sức cho được” (Hạnh Tích Cha Benoit, tr 85). Lời khác của cố Mẫn là cha linh hướng của ngài, rằng: “Tôi tưởng các thánh đời xưa cũng không hãm mình chịu khó hơn cố Thuận, và ý chí ngài mạnh mẽ đến nỗi kẻ nói rằng ‘ở nơi cửa thiên đàng cũng được’ là vô phép với Chúa”.
Ngài luôn gắng sức quyết lòng mình sửa đổi: “Khi ai nói cho ngài điều khuyết điểm đó thì ngài ra sức sửa mình” (Hạnh Tích Cha Benoit, tr 85), cùng ăn năn lầm lỗi mình nữa: “Ngài hay than thở cả ngày những xao nhãng, chỉ có lúc dọn mình làm lễ và giờ cám ơn sau lễ là thiên đàng” (Hạnh Tích Cha Benoit, tr 86). Một cha Thuận khác làm chứng: “Lúc làm lễ thường thấy ngài quì một bề, mắt ngó xuống. Chính tôi, buổi sáng lên xin phép, gõ cửa vào thấy ngài cầm cuốn sách ngồi ở giường nguyện gẫm hai mắt lù bù giọt lệ nhỏ sa” (Hạnh Tích Cha Benoit, tr 86). Cha Tổ Phụ luôn ý thức căn tính ngài đã chọn như đã nói ở trên: “Đan sĩ phải là mùa chay kéo dài”. Vì vậy, Cha hạ quyết tâm cùng anh em rằng: “Chúng tôi phải nên thầy dòng thật, bằng không chỉ là phỉnh dối người ta” (DN 134). Muốn nên thầy dòng thật phải như thế nào? Thưa rằng: “Phải không ngừng gột rửa và đổi mới con người cũ, không thỏa hiệp với nếp sống tà tà của mình. Đặc biệt phải đổi mới con người nội tâm. Muốn đổi mới con người nội tâm thì phải dám làm, dám hy sinh, dám mạo hiểm, dám đổi mới, canh tân”. Thánh Biển Đức nói: “Trong mọi việc không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (TL 4, 72). Cha Tổ Phụ là người luôn sống điều đó.
“Nhà dòng không có ý chi khác. Chỉ có một ý giúp nhau tấn tới trong đàng kính mến Chúa, cùng làm cho nhiều người khác kính mến Chúa” (Dn 38, 135, 138, 140). Quả thực, “lòng có đầy, miệng mới nói ra. Giả như Cha Tổ Phụ đã không sống, không yêu thương, không có nội lực để làm theo ý Cha trên trời, thì chắc chắn, ngài đã không quả quyết những lời huấn đức tuyệt vời đến thế. Chúa nói: “Anh em hãy kính mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức anh em” (Lc 10, 27). Cha Tổ Phụ đã nỗ lực canh tân, đổi mới từng ngày. Với ý chí và ơn Chúa, ngài đã thể hiện tròn vai một môn đệ chân chính của Thầy Giêsu. Như trong Hạnh Tích, có cha nói về ngài rằng: “Cha Benoit là đấng thật sốt sắng kính mến Chúa hết lòng và phi thường, lại rất ái mộ phần rỗi người ta. Tôi thiết tưởng những điều như vậy nơi mình cha Benoit. Ngài đổi tính nết cách lạ lùng và nên trọn lành mau chóng: đầu hết có tính hay thay đổi ít nhiều,sau ra đằm thắm khôn ngoan; trước có hơi nóng nảy, sau ra dịu hiền khác thường” (Hạnh Tích Cha Benoit, tr 86). Rồi một cha khác kết thúc: “Tôi xin theo trí khôn một linh mục biết đàng nhân đức ít nhiều mà nói: cố Thuận là một đấng thánh vì thấy ngài có sự sống bề trong rõ ràng lắm. Các ý chỉ của ngài khi làm việc rất siêu nhiên. Các việc ngài làm không ai bắt lỗi được điều gì; lời ngài nói cả đời không ai nghe thấy tiếng gì không xứng miệng đấng làm thầy. Còn khi ngài dạy dỗ có nói một hai lời khiến học sinh lấy làm cay đắng. Song đó là bản tính tự nhiên, lại mục đích sửa dạy nên cũng là lời tốt” (Hạnh Tích Cha Benoit, tr 86).
Thiết nghĩ rằng, những lời nhận xét trên đầy chất thánh sẽ dành cho một người có lối sống tương xứng. Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận của chúng ta “vượt lên con người cũ” của mình (x. Cl 3, 9-10), đã luôn canh tân một cách triệt để, sống tích cực và thay đổi, sẵn sàng điều chỉnh bản thân cho phù hợp tinh thần Tin Mừng. Qua đó anh em xung quanh dành cho ngài từng lời nhận xét thật đầy ngưỡng mộ. Vậy đâu là bí quyết, hay đúng hơn phương pháp nào giúp Cha Tổ Phụ tiến tới hoài, tiến tới mãi, tiến tới không ngơi nghỉ như thế? Cải đổi cả bề trong lẫn bề ngoài như vậy?

 

3. Phương thế

Với khát vọng nên thánh, Cha Tổ Phụ đã không ngừng cải đổi đời sống, cách hành xử và cả con người nội tâm nơi mình. Song ngài thú thực, để luôn nỗ lực tấn tới lo cho đẹp ý Chúa quả thực không dễ khi đã mang thân phận yếu đuối này. Nhưng ngược lại, Cha truyền thụ cho con cái ngài xác tín vững chắc làm nền móng: ơn Chúa giúp, cố gắng hưởng ứng thực tập thế nào cũng được.
Phương thế trên trước hết là phải: “Lo sống kết hiệp với Chúa. Mọi việc chúng ta làm vì Chúa, chi cũng cho Chúa hết” (DN 107, 132). Ngài còn thêm: “Xin Chúa cho chúng ta hết thảy đặng nên sống thiêng liêng cho thật. Muốn sống thiêng liêng bề trong phải lo chăm chỉ nguyện gẫm” (DN 118, 134). Vì tâm trí chúng ta hay “bay nhảy” nên Cha nói năng suy gẫm cốt để kết hiệp với Chúa. Kế đến, người dạy phải xét mình, năng kiểm điểm bản thân mỗi ngày; luôn xét ý lành cho anh em, cùng ra sức chừa các thói hư nết xấu, đặc biệt mau đến với bí tích Hòa Giải và Thánh Thể để kín múc sự tha thứ và lòng thương xót, cùng để nhận lãnh tình yêu, hầu hăng say cải tiến trong đặc sủng đan tu của mình” (DN 112, 149…). Chính Cha Tổ Phụ đã thực hành như lời người ta nhận xét về ngài rằng: “Cơm trưa xong, ngài lên nhà thờ cầu nguyện lâu giờ, có khi hai, ba giờ chiều mới ra dọn bài” (Hạnh Tích Cha Benoit, tr 86).
Cuối cùng như lời Chúa nói: “Hạt lúa mì gieo xuống lòng đất mà không chết đi thì làm sao sinh bông hạt” (Ga 12, 24). Muốn “Hồng ân Chúa như mưa như mưa” tuôn xuống thì mỗi người chúng ta phải mở lòng. Muốn mở rộng tâ hồn sẽ buộc bỏ ý riêng, phải chết đi con người yếu đuối. Mặc lòng, trong thư gửi bà kế mẫu, ngài sẵn sàng tuyên bố cách minh nhiên: “Henri của mẹ đã chết rồi. Chết mà không ai khóc, không ai thương” (Hạnh Tích Cha Benoit, tr 146). Ngài còn tha thiết xin mẹ cầu nguyện cho đánh gục ý riêng rằng: “Xin mẹ đừng tiếc Henri của mẹ, một cho nó chết thật đi” (Hạnh Tích Cha Benoit, tr 146).
Ngoài ra, chúng ta sẽ còn thấy nhiều phương thế khác, “chiến thuật” canh tân khác mà Cha Tổ Phụ đã dùng để mưu cầu cho phần rỗi, cho sự sống mai hậu được gặp thấy trong Di Ngôn và Hạnh Tích của ngài.
Mỗi khoảnh khắc chứa đựng muôn ân phúc của Thiên Chúa. Với thân phận dòn mỏng của kiếp người, chúng ta luôn có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa tự thỏa mãn: thỏa mãn về những gì mình đang có, đang nắm giữ. Thế nhưng đời sống đan tu mời gọi chúng ta không ngừng đổi mới, canh tân bản thân, trong cũng như ngoài. Thật vậy, ta có thể thực tập sống lời khấn canh tân bằng một sự khởi động lại tâm niệm của con tim, của ý chí. Nghĩa là luôn nhắc nhở bản thân rằng: mình sẽ phải bắt đầu lại. Bắt đầu lại từ bây giờ, giây phút này đây, và mỗi ngày với chủ ý vì lòng mến yêu Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8;16). “Thiên Chúa là người cha nhân hậu luôn đợi chờ con trở về” (x. Lc 15). Đáp lại tiếng gọi yêu thương của Người, noi gương Cha Tổ Phụ. Ước gì con cái của ngài biết noi gương Cha, sống triệt để lời khấn canh tân; nỗ lực thực thi tinh thần sám hối với thái độ khiêm tốn và kiên trì trong sự phó thác trọn vẹn vảo Ân sủng mà Hoa Trái Thần Linh đổ đầy trong mỗi tâm hồn. 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...

KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN...

NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHA TỔ PHỤ

NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHA TỔ PHỤ Cách...