Thứ Tư, 17 Tháng Tư, 2024

ĐAN SĨ VỚI ĐỨC KHÓ NGHÈO (M. Phanxicô Fatima_VP)

 

ĐAN SĨ

 

 

VỚI ĐỨC KHÓ NGHÈO

 

M. Phanxicô Fatima_VP

 

Bốn mùa Chúa đổ hồng ân
Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi

Gần một trăm năm hiện diện và phát triển trên mảnh đất hình chữ S xinh đẹp. Hội Dòng Xitô Thánh Gia là chiếc nôi ấp ủ bao tấm lòng khát khao chiêm niệm tình yêu Chúa. Theo gương Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận cũng như bao thế hệ cha anh đã khuất, các thành viên trong đại gia đình Xitô Thánh Gia hằng dấn thân trên bước đường trở thành đan sĩ thật, đan sĩ thánh như lòng Chúa mong ước.
Vậy, đan sĩ thật, đan sĩ thánh nghĩa là gì, nếu không phải là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô – Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Trong trường học phụng sự Thiên Chúa này, có biết bao bài học cần trao dồi để để đạt đến mức đan sĩ trưởng thành, một trong số ấy phải kể ra là sống đức khó nghèo – thanh bần.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nằm lòng tám mối phúc Chúa dạy trên núi xưa: ‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 5). Cái “nghèo” phải chăng là đời sống khổ hạnh, thiếu thốn? Thật ra, Chúa Giêsu nhắn gửi đến mỗi người một thông điệp sâu sắc hơn nhiều so với nghĩa nguyên của từ này. Quay về với thời kì Cựu Ước, trong sách ngôn sứ Xôphonia, những con người bé mọn, nghèo hèn được nhắc đến như sau: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Israen còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối, và miệng lưỡi chúng sẽ không còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ” (Xp 3, 12-13), Trở lại cùng Tân Ước, xuyên suốt “bức thư tình” của Ngôi Lời, chúng ta dễ dàng nhận thấy một Đức Giêsu thành Nazaret thật gần gũi, đơn sơ, hiền lành – mẫu gương con người khiêm hạ, nghèo hèn. Người đã sống nghèo cả vật chất lẫn tinh thần. Là Con Thiên Chúa, Người chấp nhận thân phận con người: sinh ra yếu ớt, bé nhỏ nơi hang bò lừa; Đấng Thánh lớn lên trong gia đình nghèo, phải làm việc vất vả để nuôi sống bản thân; Khi thi hành sứ vụ, Người ung dung thốt lên: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 19-20). Ngay cả phút cuối đời, Người trút hơi thở trong trần truồng, ô nhục trên thập giá. Quả thật, nhìn sơ qua cuộc đời của Chúa Giêsu, chẳng khác nào bức tranh ảm đạm phủ đầy màu xám. Nhưng, đằng sau bức tranh bí ẩn ấy là cả biển lửa yêu thương rực cháy mà Thiên Chúa đã dành tặng cho con người. Suốt cuộc đời, Người hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Người trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu có; Người xuống tận sâu thẳm để chúng ta được nâng lên cùng Thiên Chúa.
Với cặp mắt tâm linh nhạy bén, Cha Tổ Phụ đã bắt gặp Đấng Tình Quân, nhìn thấu tình yêu tinh tuyền Người dành cho mình. Vì thế, ngài ra sức bước theo sát Chúa Giêsu, họa lại gương mặt Đấng ngài yêu mến, đặc biệt qua nét vẽ khó nghèo. Người cha kính yêu của chúng ta từng thổ lộ tâm tình đơn sơ với Đức Cha Allys: “Con hết lòng ước ao các thầy dòng Trappe đến Việt Nam, nhưng thành thật mà nói, con sợ họ dấu kín sức mạnh của lời cầu nguyện và việc hy sinh sau những ngôi nhà tráng lệ. Đó là một đại họa, một cản trở lớn cho việc tập đức, nhưng rất tiếc là mấy ai nhận ra – và thay vì nêu gương cho mọi Kitô hữu, họ chỉ được ca ngợi bởi một số ít, tức là bởi những ai có thể thâm nhập vào bên trong đan viện, để xuyên qua sự giàu có của đan viện nhìn thấy một cái gì khác. Vậy, thân lạy Đức Cha, xin ban phép cho con được sống nghèo ngay cả bề ngoài nữa, con xin hứa với Đức Cha là chúng con sẽ ở sạch sẽ”. (Trích thư gửi Đức Cha Allys, 31/1/1912). Cha Tổ Phụ hằng nhấn mạnh về sự khó nghèo đích thực và tinh thần khó nghèo mà các đan sĩ phải hướng đến. Ngài nói: “Phải nhớ luôn, mình là thầy dòng, nên lúc đau cũng cứ là thầy dòng. Cho dầu chẳng được vừa ý, hãy nhớ mình đã khấn khó khăn, vì lòng mến Chúa, nên hãy chịu cho vui lòng” (DN 127). Ngài còn nói: “Thánh đức nghèo cần phải được tỏ rạng trên nhà cửa, vật dụng, áo mặc, thức ăn và ngay cả trong cách trang trí bàn thờ và bình thánh; nhưng các đồ phụng tự thì cũng cần được trình bày trang nhã để giúp lòng sốt sắng” (DN 105). Chính bản thân Cha đã tiên phong sống triệt để tinh thần khó khăn. Cha lao động như người nghèo, ngay cả lúc cơ cực tưởng chừng trắng tay, Cha vẫn tuyên xưng “vạn tuế đức khó khăn” (DN 47).
Tiền nhân có câu: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Là hậu duệ của Cha Tổ Phụ, chúng ta đã và đang sống tinh thần của ngài như thế nào? Có thể nói, Cha Biển Đức Thuận là bản sao của thánh Phaolo, khi đã cưu mang, quặn đau để sinh ra chúng ta một lần nữa trong Đức Kitô (x. Gl 4, 19). Đáp trả công ơn đó, mỗi người chúng ta phải hết lòng phụng sự Chúa, sẵn sàng bước theo Chúa Giêsu khó nghèo trong mọi hoàn cảnh, trở nên những đan sĩ “nghèo hèn”, bé nhỏ trước mặt Chúa.
Ngày nay, kinh tế trên đà phát triển, khoa học kỹ thuật hiện đại, không nhiều thì ít đã ảnh hưởng vào nội vi đan viện. Thật ra, khoa học kỹ thuật càng phát triển, đời sống vật chất càng tiện nghi, chúng ta càng phải sống sâu xa hơn tính thánh thiêng của đời sống khó nghèo. Cần ghi nhớ: “Phù vân, tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, 1). Những vật ngoại thân chỉ mang tính cách phục vụ cho công việc, giúp ta dễ dàng canh tân và thích nghi với thời đại. Người đan sĩ không thể say mê hoặc để chúng chi phối, “Vì tạo vật sẽ tiêu diệt và những ai lưu luyến tạo vật cũng bị tiêu diệt với nó” (Trích Gương Chúa Giêsu). Thực tế đã có nhiều người rời bỏ ơn gọi hoặc mất đi sự bình an trong tâm hồn, đôi khi trở nên vô cảm trong cộng đoàn vì sự chủ quan, thả lỏng giác quan, chạy đua theo thời đại, đam mê của cải vật chất, đam mê những thú vui tiêu khiển ở đời. Có người sống trong đan viện mà hồn treo ngược cành cây, mơ màng trong thế giới ảo của Internet, nhìn bề ngoại lặng đấy, nhưng tâm hồn chứa đầy náo động thế gian…. Lại có người không thiết tha gì với việc cầu nguyện, với công tác bổn phận mà chỉ săm se với các thiết bị điện tử hiện đại. Đó thật là vấn đề nan giải trong các cộng đoàn.
Trái ngược chiều hướng hưởng thụ ấy, một số thành phần khác dễ có xu hướng duy vật hóa đời sống khó nghèo, hoặc hiểu chưa sâu tinh thần khó nghèo của Chúa Giêsu. Chúng ta đừng dựa trên vẻ bề ngoài để đánh giá, xét đoán đối phương. Giả như: “tôi không sử dụng bất cứ phương tiện truyền thông nào, còn anh bạn đồng tu có trong tay nào là điện thoại, nào là laptop…Thế là tôi đã sống đúng lời khấn khó nghèo, còn anh bạn kia thì lỗi lời khấn rồi”.Quan điểm trên dường như đi lệch quĩ đạo yêu thương và đang lấn đường sang duy vật hóa đời sống Phúc Âm. Khi dựa vào bề ngoài để lượng giá, chưa chú tâm đến chiều sâu tâm hồn, thì đó chỉ đơn thuần là giữ lời khấn, như thế sẽ rất giới hạn, không thể đạt được nét đẹp thánh thiêng trong đời sống dâng hiến.
Chúng ta cần xác định đời sống khó nghèo căn bản, là luôn luôn đón nhận những gì mình là, mình có. Chân nhận sự hư vô của bản thân và phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Chúa. Hãy để hồn sống được tháp nhập, thẩm thấu vào tận căn tư tưởng, tinh thần, hành vi. Hãy bỏ tất cả những gì mau qua và đi tìm những điều bất diệt với thái độ dứt khoát như người đi tìm ngọc quý (x. Mt 13, 44). Sách Gương Chúa Giêsu dạy: “Con hãy ghi lòng tạc dạ câu vắn tắt nhưng ý nghĩa này: Ai bỏ tất cả sẽ được tất cả. Đừng tham vọng, con sẽ được bình an”. Đoạn khác viết: “Tinh thần tự thoát hệ tại: Khổ chế giác quan, lý trí và tâm hồn tránh tự thoát và khiêm tốn chịu đau khổ, ngược đãi vì Chúa”. Hay có thể nói: Tôi ăn uống kham khổ, ăn mặc sơ xài, tôi không giữ của gì riêng…Điều ấy là giữ khó nghèo thật, nhưng chưa chắc chi. Riêng một tâm hồn khiêm tốn, đơn giản, hy sinh âm thầm, sẵn sàng nhìn nhận những hồng ân của kẻ khác, tận tụy với những cố gắng, người ấy đích thực là sống khó khăn.
Quả thật, Nước Trời là của những ai có tâm hồn như trẻ nhỏ: đơn sơ, hiền lành, khiêm tốn. Vậy, chúng ta – những người đang tiếp bước Cha Tổ Phụ, hãy mặc lấy tinh thần nghèo hèn để cảm nhận được hồng phúc “những đóa hoa mọc giữa hang hốc” (Têrêsa HĐGS) mà ngày ngày Chúa vẫn ghé thăm. Hãy trở nên trẻ nhỏ, nép mình bên Chúa Giêsu – người Cha nhân hiền hằng chăm sóc, che chở con thơ của mình. Hãy trở về căn phòng nội tâm, ở đó tình yêu của chúng ta được Chúa bồi đắp đến đỉnh trọn lành.
Cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng con một người cha thiêng liêng đày nhiệt huyết với đời sống đan tu chiêm niệm. Tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ, phó thác của ngài mang lại cho chúng con nguồn sinh lực mạnh mẽ, mát lạnh như cơn gió xuân. Quả thật,nguồn ân sủng thánh thiêng đã được thông truyền cho chúng con _những người đang chập chững bước vào đời tu, qua tấm lòng người cha luôn “khát” cơn “khát” của Chúa Giêsu trên thập giá. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng con noi gương cha tổ phụ, sống âm thầm cô tịch, cầu nguyện hy sinh trong tình yêu Chúa, yêu Giáo Hội và các linh hồn . 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...

KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN...