Chủ Nhật, 8 Tháng mười hai, 2024

Chúa Nhật IV PS, B, Ga 10,11-18: Đan sĩ với sứ vụ mục tử

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

ĐAN SĨ VỚI SỨ VỤ MỤC TỬ

(Cv 4,8-12 ; 1 Ga 3,1-2 ; Ga 10,11-18)

M. Mazzarello, CĐ Phước Thiên

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành. Người mục tử chăn dắt và bảo vệ đoàn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc trong Cựu Ước lẫn Tân Ước[1]. Do thái là dân bán du mục biết rất rõ hình ảnh mục tử, họ sánh ví Thiên Chúa là mục tử và dân là đoàn chiên. Dọc dài trong dòng lịch sử, Giáo hội không chỉ nói với con người và thời đại về Chúa, mà qua đời sống thánh hiến, Giáo hội còn hiến thân cho nhân loại để làm chứng về Người. Đời sống thánh hiến là việc theo sát Đức Kitô và họa lại cuộc sống của Người nơi trần gian[2]. Mặc dù tinh thần chiêm niệm của đời sống đan tu đòi hỏi sự cô tịch, xa lánh trần gian, nhưng có phải vì thế mà trái tim của các đan sĩ giới hạn trong không gian đan viện?

Hình ảnh con chiên với đoàn chiên và người chăn chiên trong Kinh thánh nhằm diễn tả thân phận nhỏ bé, lệ thuộc của con người vào Chúa. Ý nghĩa của hạn từ này được hiểu trọn vẹn nơi con người Đức Giêsu Nazareth, khi Người khẳng định Người là Mục Tử tốt lành, dám thí mạng vì đoàn chiên[3]. Ngài đón nhận các con chiên từ tay Chúa Cha. Ngài yêu thương chiên và tập hợp tất cả về một ràn, Ngài hiến mạng sống mình vì đàn chiên[4].

  1. Sứ vụ Mục Tử Nhân Lành

Theo Tin mừng Gioan, mục tử nhân lành phải có đặc tính dựa theo những lời của Đức Giêsu: yêu mến chiên “tôi biết các chiên tôi” (Ga 10,14), mục tử ban cho chiên sự sống, là phẩm chất dồi dào cả về số lượng lẫn chất lượng (Ga 10,10); là người có khả năng quy tụ chiên về một mối “những chiên khác không thuộc ràn này, tôi cũng phải đưa chúng về,…, sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Sau cùng, mục tử nhân lành là người dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10,11.18). Như vậy, xét tận căn, chỉ một mình Đức Giêsu là mục tử. Đức Giêsu tự giới thiệu mình là “Mục Tử Nhân Lành” chẳng những của dân Israel mà con của mọi người (x. Ga 10,11-16). Nhưng trước khi nói mình là mục tử tốt lành, Ngài đã sống là một mục tử tốt lành mẫu mực. Dân đến với Ngài không chỉ được ăn no bánh thể xác nhưng còn được dạy dỗ để biết đường tìm được lương thực thường tồn (x. Ga 6). Đời sống của Chúa Giêsu là biểu hiện liên lỉ và còn là sự biểu hiện thường nhật “đức ái mục vụ” của Ngài. Chúa động lòng thương xót đám đông bởi vì họ mệt mỏi và kiệt sức như những con chiên không người chăn (x. Mt 9,35-36); Ngài đi tìm những con chiên tản mác (x. Mt 18,12-14) và reo vui khi tìm được chúng. Chỉ tình yêu mới làm cho người ta biết reo vui[5]. Chúa Giêsu đã không vội vàng trong khi chọn gọi những người đi theo để làm môn đệ Ngài. Vì hơn ai hết, Ngài hiểu chính những con người ấy sau này sẽ thay Ngài lãnh đạo đoàn chiên của Ngài. Để lập Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đã đi lên núi một mình, cầu nguyện suốt đêm (x. Lc 6). Để chính thức trao cho Phêrô sứ vụ chăn dắt đoàn chiên Ngài, Chúa Giêsu đã ba lần thẩm vấn ông và chỉ xoay quanh lòng yêu mến (x. Ga 21,15-19). Như thế, Chúa Giêsu cho thấy tình yêu là đòi hỏi mang tính bản chất của vai trò mục tử. Chức năng của vai trò này trước hết phải là chuyển trao tình yêu Chúa đến cho đoàn chiên bằng những tha thứ, thương xót, cảm thông, chữa lành, bằng sự tử tế và tới mức độ như Ngài là sẵn sàng hy sinh đến cả mạng sống mình. Nhưng khi Chúa phục sinh trao cho Phêrô sứ vụ chăn dắt đoàn chiên thì quả thật Ngài muốn sứ vụ ấy được tiếp nối trong lòng Giáo hội[6]. Vì vậy, sứ vụ Mục Tử được áp dụng cho những vị lãnh đạo trong Giáo hội. Tuy nhiên, theo nghĩa rộng, tất cả Kitô hữu đều được mời gọi sống tinh thần mục tử trong mọi hoàn cảnh. Đức Giêsu không chỉ mời gọi một số người trở thành mục tử, mà Người mời gọi tất cả Kitô hữu trở thành mục tử, sống tinh thần mục tử, bởi vì, mỗi người thường vừa là ‘chiên’ trong hoàn cảnh này, vừa là ‘mục tử’ trong hoàn cảnh khác. Danh hiệu mục tử khởi nguồn không phải là chức vụ cao quý đáng để tự hào, nhưng là một danh xưng cho một nhiệm vụ, một sứ mệnh. Chỉ được gọi là mục tử khi người được chọn để giao phó đoàn chiên, gắn bó cuộc sống mình với sự sống còn của đoàn chiên.

  1. Ơn gọi chiêm niệm mang trong mình nhiệm vụ làm chứng cho nhân loại về mầu nhiệm Cánh Chung Nước Trời[7].

Giáo hội nhìn nhận và dành cho nếp sống đan tu một vị trí như dấu chỉ sự hiện diện của Đức Kitô giữa trần gian, như hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi[8]. Công đồng Vatican II cũng khẳng định: “Đời sống chiêm niệm thuộc về sự hiện diện trọn vẹn của Giáo hội”[9], nên cộng đoàn được thành lập không phải vì mục đích truyền giáo, nhưng được thấm nhuần một chiều kích truyền giáo. Cả khi không biết và không nhắm mục đích truyền giáo, hành vi của các tu sĩ và đan sĩ vẫn là truyền giáo[10]. Giáo hội là ‘chuồng chiên’ mà cửa vào duy nhất và cần thiết của chuồng chiên đó là Đức Kitô[11]. Làm cho chiên nhận ra tiếng của mình để nghe và đoàn của mình để theo phải là nhiệm vụ của mục tử. Chiên có đặc tính là nghe và ngửi để theo. Muốn vậy, mục tử trước khi thành mục tử phải là chiên của Chúa, phải kết hiệp thật mật thiết với Chúa Giêsu mới có thể nghe và hiểu rõ tiếng của Người, nhờ vậy mà dạy cho chiên theo đúng ý Người[12]. Tiếng nói của Chúa không phải bao giờ cũng là tiếng rầm rộ và mạnh nhất. Nhưng chính Chúa Giêsu bảo đảm “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi” (Ga 10,27).

Tu Luật thánh Biển Đức cổ thời đã thấm đượm tinh thần của Chúa Giêsu Mục Tử. Điều này thể hiện trước tiên trong đòi hỏi của nhiệm vụ người lãnh đạo cộng đoàn khi thánh Luật nói tới Bề trên “nên biết phải phục vụ hơn là cai trị” và “bao giờ cũng giàu thương xót hơn xét đoán nghiêm ngặt”[13]. Quan trọng là ngài phải “cố gắng cư xử thế nào cho anh em yêu mến hơn là sợ hãi”[14]. Đan sĩ là con người của cầu nguyện. Cầu nguyện không gì khác hơn là kết hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã luôn là con người cầu nguyện và đan sĩ chiêm ngắm Ngài qua Lời của Ngài là hệ quả tất yếu, cần thiết một khi chọn theo Ngài. Chọn lựa trở thành đan sĩ, với tất cả chuyên biệt của đời sống, đan sĩ một mặt ý thức về bổn phận của mình là phục vụ công ích, một mặt tự biết mình có liên đới với mọi anh chị em. Vì tuy chuyên chăm phụng sự Chúa nhưng “sự hăng say về tinh thần có thể vững mạnh chăng khi tồn tại song song với sự biếng nhác trong việc loan báo Tin mừng và phục vụ tha nhân”?[15] Khát vọng Thiên Chúa sẽ hướng dẫn mọi khát vọng khác. Đối với lối sống đan tu chiêm niệm, hiệp thông trong đời sống huynh đệ cộng đoàn là hình thức đầu tiên về loan truyền Tin mừng vì Chúa Giêsu đã nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”[16]. Mỗi người là một con chiên trong đoàn chiên của Chúa là đan viện, nhưng từng người cũng đồng thời là mục tử cho anh chị em trong cộng đoàn mình. Đan sĩ phải là những chứng nhân cho niềm hy vọng. Việc sống ý nghĩa các lời khấn cách tích cực là quy chiếu về một thái độ sẵn sàng yêu thương và mở rộng cho mọi mối tương quan[17]. Để làm chứng cho con người hôm nay rằng có một đoàn chiên đủ chỗ cho mọi con chiên, mà nơi đó từng con với giá trị của mình như là sự độc nhất, được đón nhận, yêu thương và bảo đảm một sự sống dồi dào mãi mãi. Đó là chứng từ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Đời sống thường ngày của đan sĩ là lời rao truyền cho nhân loại tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa hơn cả những gì họ có thể nói.

Trở nên mục tử như Chúa Giêsu không chỉ là sứ mệnh của hàng giáo sĩ, nhưng trong mỗi ơn gọi đều có thể sống sứ vụ ấy. Vì Giáo hội bao trùm mọi thời đại, tự bản chất có đặc tính truyền giáo[18] nên không có thành phần nào tồn tại trong Giáo hội Chúa lại được miễn trừ khỏi sứ vụ này.

Trong Giáo hội Chúa, không có thành phần nào bị lãng quên hay loại trừ. Đan viện là một sự hiện thân minh chứng: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”[19]. “Đồng cỏ xanh” và “dòng suối mát” chính là Thánh Thể và Lời Chúa mà mỗi ngày, đan sĩ cùng nhau đến lãnh nhận và trải dài năng lực sống qua thường nhật.  Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử cầu nguyện trên núi, từng ngày được sinh động hóa nơi hiện thân của các đan sĩ thì không phải là bất khả thi, nhưng là dấu chỉ cho những ai tiếp xúc nhận ra một thực tại cánh chung của đời người. Truyền giáo của đời đan tu không phải nhất thiết phải đi ra khỏi bốn bức tường của đan viện, nhưng chính là cuộc sống với với tất cả những yếu tố cấu thành đời đan tu được sống cách vui tươi, thanh thoát. Để khi xây dựng cuộc sống trần gian này, mọi người có dịp tiếp xúc vẫn nhận ra nơi các đan sĩ một sự miệt mài tìm kiếm Nước Trời.

 

_________________________

 

[1] Nguyễn Thế Thuấn, Chú Giải Kinh Thánh, quyển Thượng, trg. 414

[2] Đức Giáo hoàng Gioan – Phaolô II – Vita Consecrata – Tông huấn về Đời sống thánh hiến. Số 1

[3] X. Ga 10,1-16; Hr 13, 10; 1Pr 13,25

[4] Trần Thanh Long. O.p, Tin Mừng Gioan giáo trình, tr. 112

[5] Đức Giáo hoàng Gioan – Phaolô II – Tông huấn về Đào tạo các linh mục trong hoàn cảnh hiện nay. Số 22

[6] Trần Thanh Long. O.p, Góp Nhặt Cát Đá, trg. 52

[7] X. Đức Giáo hoàng Gioan – Phaolô II – Vita Consecrata – Tông huấn về Đời sống thánh hiến. Số 26

[8] nt. Số 8

[9] Sắc lệnh về Hoạt động truyền giáo của Công đồng Vatican II. Số 18

[10] David J. Bosch, Động Năng Sứ Vụ Kitô Giáo, trg. 453

[11] Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo. Số 754

[12] Đức Giáo hoàng Gioan – Phaolô II – Tông huấn về Đào tạo các linh mục trong hoàn cảnh hiện nay. Số 21

[13] Tu Luật thánh Biển Đức. 65, 8,10

[14] Nt., 65,15

[15] Đức Giáo hoàng Phanxico – Tông huấn về Ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay. Số 30

[16] Ga 13, 34-35

[17] Catherine M. Harmer, Đời Tu Trong Thế Kỷ 21, trg. 81

[18] X. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo. Số 868

[19] Tv 23,1

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

…Xin Người cho anh em biết con người và ơn gọi của anh em là gì…

Một vài suy nghĩ về con người và ơn...

01/11 Các Thánh Nam Nữ, Mt 5,1-12a: Tấm gương Các Thánh

  TẤM GƯƠNG CÁC THÁNH (Kh 7,2-4.9-14, Mt 5,1-12a)  M. Bosco, PS  ...

Ai tín

Cái giá của người môn đệ

24/11 - LỄ KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT...

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Ga 20,19-23: Vai trò của Chúa Thánh Thần

VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN (Ga 20,19-23) M. Michael Thành,...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI Mầu nhiệm tội lỗi Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Đan viện Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm...

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa trong Chúa...

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua?

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Theo quan niệm thông...

Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Tình Yêu 

  Vua Tình Yêu  (Ga 18,33b-37) M. Phan Sa, PV      Những tuần qua, thế giới đã theo dõi ngày bầu cử tổng thống Mỹ khá thú...

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam: Tình yêu tự hủy – con đường của người môn đệ

  Các thánh tử đạo Việt Nam 25/11 TÌNH YÊU TỰ HỦY – CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 9,23-26) M. David, VP Khác với Tin Mừng theo...

Chúa Nhật XXXIV TN, Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ

  Vương Quyền của Đức Kitô (Ga 18,33b-37) M. Andre Kim Taegon Chu Văn Thường, Phước Hiệp Vào Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội cử...

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón ngày tận thế

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón Ngày Tận Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa nhật áp chót năm...