ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXIX TN
Năm C (Lc 18, 1 – 8)
Gregorio – An Phước
Cầu nguyện là kết nối tâm hồn con người với Thiên Chúa. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài phải luôn luôn cầu nguyện, đừng bao giờ có thái độ sờn lòng nản chí. Vì theo tâm lý tự nhiên, khi cầu nguyện, con người thường đòi cho bằng được hiệu quả tức thời, nếu không được như ý, sẽ dễ dàng sinh ra chán nản và thất vọng. Do đó, trước khi mời gọi các môn đệ cầu nguyện, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về người quan toàn bất chính và bà goá quấy rầy, để dạy các môn đệ phải kiên trì trong lời cầu nguyện.
Hình ảnh bà góa đến xin quan toà minh oan cho mình, nhưng đơn của bà không được duyệt xét ngay, mà phải chờ đợi một thời gian khá lâu. Qua đó, dụ ngôn muốn nói lên rằng: Lời cầu xin của chúng ta kêu cầu lên Chúa không phải lúc nào cũng được ban ngay lập tức theo ý riêng của mình, nhưng cần phải có sự chờ đợi, vì Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài thấu suốt từ tận tâm can của mỗi con người, Ngài biết con người cần gì và xin gì. Như lời của Thánh Vịnh 139:
“Lạy Chúa Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đừng con ngồi,
con nghĩ tưởng gì Ngài thấu biết từ xa
đi lại hay nghỉ ngơi Chúa đều xem xét
mọi nẻo đường con đi Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt lên lời,
thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết”.
Thời gian để Chúa nhậm lời cầu xin của chúng ta có thể kéo dài lâu hơn chúng ta nghĩ, và cách Ngài ban ơn cũng có thể khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng thích hợp và hữu hiệu cho hạnh phúc của chúng ta. Như Đức Giê-su nói: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lc 18, 7 – 8). Lời quả quyết trên cho thấy, Chúa Giêsu không đưa ra một lý thuyết suông, khi dạy các môn đệ phải kiên trì cầu nguyện, nhưng là một sự trải nghiệm, vì không ai biết rõ ý định Chúa Cha hơn Chúa Giêsu, và cũng như không ai tín thác nơi Chúa Cha hơn Chúa Giêsu. Nhất là trong cuộc hành trình loan báo Nước Thiên Chúa, không phải vì bận rộn với công việc, hay gặp gỡ dân chúng, mà Chúa Giêsu bỏ qua việc cầu nguyện. Trái lại, Chúa Giêsu không ngừng cầu nguyện, và không ngừng đàm đạo với Chúa Cha.
Trong bài đọc I, sách Xuất Hành đã cho thấy lợi khí của việc kiên trì cầu nguyện: Sở dĩ dân Israel đánh thắng quân Amalech, là nhờ vào lời cầu nguyện của Môse. “Khi nào ông Môse giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế” (Xh 17, 11). Hành động giơ tay của Môse là biểu tượng cho việc cầu nguyện liên lỉ và sự phó thác không ngừng vào một Thiên Chúa quan phòng.
Người tin vào Thiên Chúa quan phòng, là người cảm thấy lời cầu nguyện của mình không phải xin để được chấp nhận, mà xin cho mình biết chấp nhận chương trình của Chúa. Bởi vậy, khi đánh giá công hiệu của lời cầu nguyện, chúng ta không thể dùng tiêu chuẩn “cầu được ước thấy” để biết thực sự Ngài đã nhậm lời chúng ta hay không, nhưng phải xét xem tâm hồn của chúng ta cởi mở đến mức nào để đi vào con đường của Chúa. Việc Israel giao chiến với quân Amalech, đoạn văn không có chỗ nào nói đến lời cầu xin của Môse cho Israel được thắng trận, nhưng chỉ nói đến việc Môse ngồi giang tay, còn Giôsuê thì chỉ huy trận đánh. Qua đó cho thấy, Môse hoàn toàn tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, kết quả thắng bại là do quyết định ở nơi Chúa.
Do đó, khi cầu nguyện, chúng ta phải có tâm tình phó thác. Chính tâm tình phó thác làm cho chúng ta không bỏ cuộc khi lời cầu nguyện của chúng ta như vô vọng, như Thiên Chúa đang lặng thinh. Thế nhưng, sự lặng thinh của Thiên Chúa không giống như quan tòa bất chính, Ngài không trì hoãn việc xét xử, nhưng sẽ mau chóng trả lại công lý cho những kẻ ngày đêm kêu lên Ngài. Thiên Chúa không nhậm lời chúng ta để tránh bị quấy rầy, nhưng Ngài là Đấng Công Chính biết lắng nghe tiếng kêu than của chúng ta.
Như vậy, mỗi người chúng ta phải kiên trì cầu nguyện với lòng tín thác cậy trông vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa như sứ điệp của Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta.